Đức Giê-hô-va tranh luận cùng các nước
“Tiếng ồn-ào sẽ vang ra đến cùng đất; vì Đức Giê-hô-va tranh-cạnh [tranh luận, “NW”] cùng các nước” (GIÊ-RÊ-MI 25:31).
1, 2. a) Điều gì xảy ra cho xứ Giu-đa sau khi Vua Giô-si-a chết? b) Vua cuối cùng của Giu-đa là ai, và tại sao ông ta chịu khổ vì bất trung?
XỨ GIU-ĐA đã phải đương đầu với thời kỳ nguy kịch khó xử. Một vị vua tốt là Giô-si-a đã tạm thời làm dịu được cơn giận của Đức Giê-hô-va. Nhưng khi Giô-si-a bị giết vào năm 629 TCN thì điều gì đã xảy ra sau đó? Các vua kế vị ông đã sỉ nhục Đức Giê-hô-va.
2 Như II Các Vua 24:19 nói, vua cuối cùng của nước Giu-đa là Sê-đê-kia, con trai thứ tư của vua Giô-si-a, đã tiếp tục “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, và theo trọn các gương của [anh người là] Giê-hô-gia-kim”. Hậu quả là gì? Nê-bu-cát-nết-sa tiến đánh Giê-ru-sa-lem, bắt sống Sê-đê-kia, giết các con trai trước mặt ông ta, làm mù mắt ông rồi đày đi Ba-by-lôn. Hơn nữa, quân Ba-by-lôn chiếm đoạt các dụng cụ dành cho việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, phóng hỏa đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem. Những ai còn sống sót thì bị lưu đày sang Ba-by-lôn.
3. Sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN đã mở màn cho thời kỳ nào, và điều gì phải xảy ra vào cuối thời kỳ đó?
3 Năm đó, năm 607 TCN, không những đã đánh dấu sự hoang vu chung cuộc của Giê-ru-sa-lem mà lại còn là năm “các kỳ dân ngoại” bắt đầu mà Lu-ca 21:24 nhắc đến. Thời kỳ ấy dài 2.520 năm và kết thúc trong thế kỷ này, vào năm 1914. Lúc đó đã đến thời kỳ để Đức Giê-hô-va thông báo và thi hành sự phán xét trên thế gian bại hoại qua trung gian Con Ngài được lên ngôi, Chúa Giê-su Christ, đấng lớn hơn Nê-bu-cát-nết-sa. Sự phán xét này bắt đầu với phần tử hiện đại tương đương với nước Giu-đa xưa, một phần tử tương đương đã từng tự hào là đại diện Đức Chúa Trời và đấng Christ trên đất.
4. Bây giờ có những câu hỏi nào được nêu ra liên quan đến lời tiên tri của Giê-rê-mi?
4 Chúng ta có thấy một sự tương tự giữa cảnh xáo trộn trong những năm tháng cuối cùng của Giu-đa dưới triều các vị vua của họ—với những biến cố suy tàn ảnh hưởng cả đến các nước láng giềng—với cảnh hỗn độn trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ ngày nay không? Chắc chắn chúng ta thấy! Vậy lời tiên tri của Giê-rê-mi có cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết các vấn đề thời nay như thế nào không? Chúng ta hãy xem.
5, 6. a) Kể từ năm 1914, tình hình trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ giống như tình trạng nước Giu-đa trước khi bị hủy diệt như thế nào? b) Lớp người Giê-rê-mi thời nay đem thông điệp nào đến các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
5 Nhà toán học và cũng là triết gia người Anh tên là Bertrand Russell đã bình luận chừng 40 năm trước đây: “Từ năm 1914 đến nay, hễ ai nhận thức được chiều hướng của thế giới đều phân vân về tình trạng dường như là cuộc diễn hành định mệnh dẫn tới thảm họa lớn hơn”. Và chính trị gia người Đức là Konrad Adenauer đã phát biểu: “Sự an ninh và yên tĩnh đã biến mất khỏi cuộc sống loài người kể từ năm 1914”.
6 Ngày nay, cũng như trong thời Giê-rê-mi, việc tiến gần tới lúc kết liễu hệ thống mọi sự đã được đánh dấu bởi việc máu những người vô tội đổ xuống khác nào sông biển, nhất là trong hai cuộc đại chiến của thế kỷ này. Phần lớn những cuộc chiến tranh đã diễn ra giữa các nước tự xưng theo đấng Christ và thờ phượng Đức Chúa Trời của Kinh-thánh. Thật là giả hình biết bao! Không lạ gì khi Đức Giê-hô-va sai các Nhân-chứng của Ngài đi nói với họ những lời ghi nơi Giê-rê-mi 25:5, 6: “Mỗi người trong các ngươi hãy từ đường dữ mình trở lại... Chớ theo các thần khác đặng hầu-việc và thờ-lạy, chớ lấy việc tay mình làm ra mà chọc giận ta nữa, thì ta sẽ không làm hại chi các ngươi”.
7. Bằng chứng cụ thể nào cho thấy các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã lờ đi lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va?
7 Tuy nhiên, các nước tự xưng theo đấng Christ đã không thể quay trở lại được. Điều này đã được thể hiện qua việc họ tiếp tục dâng thêm của-lễ cho thần chiến tranh tại Đại Hàn và Việt Nam. Và họ còn tiếp tục tài trợ cho những nhà buôn bán sản phẩm giết người, các hãng chế tạo vũ khí. Các nước tự xưng theo đấng Christ đã cung ứng phần lớn của gần một ngàn tỷ Mỹ kim hàng năm cho chi phí về vũ khí trong suốt thập niên 1980. Từ năm 1951 đến 1991, chi phí quân sự của riêng Hoa Kỳ đã vượt quá số thực lãi của toàn thể các công ty Mỹ gộp chung với nhau. Từ khi người ta rầm rộ công bố là Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, những vũ khí hạt nhân lỗi thời đã bị phế thải, nhưng những kho vũ khí độc hại khổng lồ khác vẫn còn đó và tiếp tục được phát triển thêm. Một ngày nào đó có lẽ người ta sẽ dùng đến những vũ khí này.
Sự phán xét nghịch lại lãnh vực phóng túng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ
8. Những lời của Giê-rê-mi 25:8, 9 đã ứng nghiệm trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ như thế nào?
8 Những lời Đức Giê-hô-va nói tiếp nơi Giê-rê-mi 25:8, 9, giờ đây được đặc biệt áp dụng cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ mà đã thất bại trong việc sống phù hợp với các tiêu chuẩn công bình của tín đồ đấng Christ: “Vậy nên, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Vì các ngươi đã chẳng nghe lời ta, nầy, ta sẽ sai đòi mọi họ-hàng phương bắc cùng đầy-tớ ta là Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến nghịch cùng đất nầy, nghịch cùng dân-cư nó, và các nước ở chung quanh. Ta sẽ diệt hết chúng nó, làm chúng nó nên sự gở-lạ, chê-cười, và hoang-vu đời đời”. Vì thế, hoạn nạn lớn sẽ mở màn từ phần tử tự mạo nhận là dân của Đức Chúa Trời, tức các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, rồi cuối cùng sẽ lan ra khắp đất, đến “các nước ở chung quanh”.
9. Tình trạng thiêng liêng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ thời chúng ta trở nên càng tệ hơn nữa dưới những khía cạnh nào?
9 Đã có một thời các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ kính trọng Kinh-thánh, khi hôn nhân và đời sống gia đình được xem là nguồn hạnh phúc hầu như khắp hoàn cầu, khi mà người ta thức dậy sớm và thấy thỏa lòng trong công việc hàng ngày. Nhiều người tự thấy thoải mái khi đọc và học Lời Đức Chúa Trời dưới ánh đèn đêm. Nhưng ngày nay tình trạng lang chạ tình dục, ly dị, lạm dụng ma túy và say sưa, nạn phạm pháp, tham lam, tật lười làm việc, ghiền xem TV và các tật xấu khác đã hủy hoại đời sống đến độ nguy ngập. Đây mới chỉ là bước đầu báo hiệu sự tàn phá mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời sắp giáng xuống lãnh vực phóng túng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ.
10. Hãy miêu tả tình trạng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sau khi bị Đức Giê-hô-va hành quyết.
10 Đức Giê-hô-va tuyên bố những lời chúng ta đọc nơi Giê-rê-mi, đoạn 25, câu 10 và 11: “Ta sẽ làm cho trong vòng chúng nó hết tiếng reo-vui và kêu-mừng, hết tiếng của rể mới và dâu mới, hết tiếng ầm-ầm của cối-xay và ánh sáng của đèn. Cả đất nầy sẽ trở nên hoang-vu gở-lạ”. Khi các đền thờ hùng vĩ và các dinh thự nguy nga tráng lệ của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đến hồi bị sụp đổ hoang tàn, đó quả là điều đáng kinh ngạc. Sự hủy phá này sẽ kéo dài trong bao lâu? Thời Giê-rê-mi, sự tàn phá Giu-đa và các nước xung quanh kéo dài 70 năm, và Thi-thiên 90:10 tả là điển hình cho một đời người. Việc Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét của Ngài thời nay sẽ là chung cuộc, vĩnh viễn.
Sự phán xét nghịch lại Ba-by-lôn Lớn
11. Ai sẽ làm công cụ để hủy diệt các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ? Tại sao?
11 Như được tiên tri nơi Khải-huyền 17:12-17, thì giờ sẽ đến khi Đức Giê-hô-va bắt đầu hành động một cách lạ lùng và để vào lòng “mười cái sừng”—tức là các thành viên vũ trang của Liên Hiệp Quốc—“cho chúng có lòng vâng làm theo ý-muốn Ngài” trong việc tàn phá đế quốc tôn giáo giả thế giới. Việc này sẽ xảy ra như thế nào? Có nhiều cách mà “mười cái sừng” trong Khải-huyền đoạn 17 có thể làm, theo Khải 17 câu 16 thì chúng sẽ “ghét dâm-phụ... và thiêu nó bằng lửa”. Đành rằng các vũ khí hạt nhân gia tăng nhanh và vẫn còn tăng nhanh ở nhiều nơi nguy hiểm trên trái đất, chúng ta cần phải chờ xem Đức Giê-hô-va sẽ dùng cách nào để đặt ý tưởng vào lòng các nhà lãnh đạo chính trị để thi hành sự báo thù của Ngài.
12. a) Điều gì đã xảy ra cho Ba-by-lôn sau khi nó hủy phá Giê-ru-sa-lem? b) Điều gì sẽ xảy ra cho các nước sau khi chúng hủy diệt các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
12 Vào thời xưa, Ba-by-lôn đã đến lượt phải gánh chịu cơn nóng giận của Đức Giê-hô-va. Theo đó thì bắt đầu từ Giê-rê-mi đoạn 25, câu 12, lời tiên tri đã chuyển hướng sang một quan điểm khác. Nê-bu-cát-nết-sa và Ba-by-lôn không còn được đóng vai Kẻ Hành quyết của Đức Giê-hô-va nữa, mà bị liệt vào hàng các nước trên thế gian. Điều này tương tự như tình thế ngày nay. “Mười cái sừng” trong Khải-huyền đoạn 17 sẽ tàn phá tôn giáo giả, nhưng sau đó chính chúng sẽ phải chịu sự hủy diệt chung với tất cả “các vua thế-gian” khác, như được miêu tả nơi Khải-huyền đoạn 19. Giê-rê-mi 25:13, 14 miêu tả Ba-by-lôn, nước đã hùa theo “muôn nước” bóc lột dân của Đức Giê-hô-va, nay sẽ đi đến chỗ bị phán xét. Đức Giê-hô-va đã dùng Nê-bu-cát-nết-sa làm kẻ thi hành án phạt trên Giu-đa. Nhưng cả ông ta lẫn các vua sau đó của Ba-by-lôn đều đã kiêu ngạo, tự cao tự đại và chống lại chính Đức Giê-hô-va, chẳng hạn như đã biểu lộ qua hành vi xúc phạm đến các dụng cụ trong đền thờ của Đức Giê-hô-va (Đa-ni-ên 5:22, 23). Và khi quân Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, các nước láng giềng của Giu-đa như Mô-áp, A-môn, Ty-rơ, Ê-đôm và các nước khác hân hoan chế nhạo dân sự của Đức Chúa Trời. Chúng cũng phải gặt lấy sự báo oán của Đức Giê-hô-va.
Sự phán xét chống lại “các nước”
13. “Chén rượu của sự giận” nghĩa là gì, và điều gì xảy ra cho những ai uống chén đó?
13 Bởi vậy, Giê-rê-mi tuyên bố như có ghi nơi Giê đoạn 25, câu 15 và 16: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán cùng tôi như vầy: Hãy lấy chén rượu của sự giận khỏi tay ta, khá cho các dân mà ta sai ngươi đến đều uống lấy. Chúng nó sẽ uống, sẽ đi xiêu-tó, và điên-cuồng, vì cớ gươm-dao mà ta sẽ sai đến giữa chúng nó”. Tại sao đó là ‘chén rượu của sự giận của Đức Giê-hô-va’? Nơi Ma-thi-ơ 26:39, 42 và Giăng 18:11, Chúa Giê-su nói về một cái “chén” tượng trưng ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho ngài. Tương tự như vậy, một cái chén đã được dùng để tượng trưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời bắt các nước uống lấy sự báo thù của Đức Chúa Trời. Giê-rê-mi 25:17-26 liệt kê các nhóm quốc gia này làm hình bóng cho các nước thời nay.
14. Theo lời tiên tri Giê-rê-mi, ai sẽ phải uống chén rượu thịnh nộ của Đức Giê-hô-va, và điều này tượng trưng cho gì trong thời chúng ta?
14 Sau khi các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, giống như Giu-đa, bị biến thành “hoang-vu, gở lạ, bị chê-cười, chịu rủa-sả”, phần còn lại của đế quốc tôn giáo giả thế giới cũng sẽ bị hủy diệt nữa. Kế đó, toàn thể thế giới, tượng trưng bởi nước Ê-díp-tô, phải uống chén rượu thịnh nộ của Đức Giê-hô-va! Đúng vậy, “mọi vua phương bắc, ở gần hoặc ở xa... vua nầy cùng với vua kia; sau lại... mọi nước thế-gian ở trên mặt đất” đều phải uống. Cuối cùng, “vua của Sê-sác cũng sẽ uống chén sau các vua kia”. Và “vua của Sê-sác” là ai vậy? Sê-sác là một cái tên tượng trưng, một thứ mật mã, mật danh cho Ba-by-lôn. Như đã được Chúa Giê-su chỉ rõ, Sa-tan là vua vô hình của Ba-by-lôn; cũng vậy hắn là “vua chúa thế-gian nầy” cho đến ngày nay (Giăng 14:30). Bởi vậy, Giê-rê-mi 25:17-26 trùng hợp với Khải-huyền, đoạn 18 đến 20, làm sáng tỏ diễn biến tuần tự khi các nước thay phiên nhau uống chén rượu thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. Trước tiên đế quốc tôn giáo giả thế giới phải bị triệt hạ, kế đó các cường quốc chính trị, và rồi chính Sa-tan bị quăng xuống vực sâu (Khải-huyền 18:8; 19:19-21; 20:1-3).
15. Điều gì sẽ xảy ra khi người ta nghe thấy lời hô hào “bình-hòa và yên-ổn”?
15 Vẫn còn có nhiều cuộc đàm phán về hòa bình và an ninh kể từ khi cuộc Chiến tranh Lạnh được cho là đã kết liễu, và chỉ còn lại một siêu cường quốc. Như Khải-huyền 17:10 nói, siêu cường quốc ấy, tức là cái đầu thứ bảy của con dã thú, vẫn phải “còn lại ít lâu”. Nhưng “ít lâu” ấy đang gần đến hồi bế mạc. Chẳng bao lâu nữa, mọi lời hô hào có tính cách chính trị về “bình-hòa và yên-ổn” sẽ nhường chỗ cho “tai-họa thình-lình vụt đến” trên họ. Sứ đồ Phao-lô đã nói như vậy (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3).
16, 17. a) Nếu có ai thử trốn tránh sự phán xét của Đức Giê-hô-va, hậu quả sẽ ra sao? b) Ý muốn của Đức Giê-hô-va sẽ sớm thực thi trên trái đất qua cách hủy diệt nào?
16 Toàn thể hệ thống thế gian của Sa-tan, khởi đầu với các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, phải uống chén báo thù của Đức Giê-hô-va. Mệnh lệnh tiếp theo của Ngài cho Giê-rê-mi được ghi lại nơi Giê đoạn 25, câu 27 đến 29 nêu rõ điều này: “Ngươi khá bảo họ rằng: Đức Giê-hô-va vạn-quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Hãy uống đi, hãy say, mửa, ngã-xuống, đừng dậy nữa, vì cớ gươm-dao mà ta sẽ sai đến giữa các ngươi! Nếu họ không khứng lấy chén ở tay ngươi đặng uống, thì ngươi khá bảo rằng: Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Chắc chắn ngươi phải uống! Vả, nầy, ấy là thành kia là thành được xưng bằng danh ta, mà ta bắt đầu xuống tai-vạ; còn các ngươi, há khỏi hình-phạt được cả sao? Không! các ngươi sẽ không khỏi hình-phạt đâu; vì ta sẽ sai gươm-dao đến trên mọi dân-cư trên đất, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”.
17 Đấy thật là những lời mạnh mẽ—quả thật, những lời soi dẫn đáng sợ, vì được phán ra từ miệng Đấng Thống trị Hoàn vũ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong hàng ngàn năm qua, Ngài đã kiên nhẫn chịu đựng những sự phạm thượng, sỉ nhục, oán ghét chồng chất trên danh thánh của Ngài. Nhưng rốt cuộc đã đến lúc để Ngài đáp lại lời cầu nguyện mà Con yêu dấu của Ngài là Chúa Giê-su Christ đã dạy cho môn đồ cầu nguyện: “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Chính vì ý muốn của Đức Giê-hô-va mà Chúa Giê-su hành động với tư cách là lưỡi gươm phục hận của Cha ngài.
18, 19. a) Ai nhân danh Đức Giê-hô-va cưỡi ngựa đi chinh phục, và ngài chờ đợi điều gì trước khi hoàn tất cuộc chinh phục của ngài? b) Khi các thiên sứ thả trận gió lốc của cơn thịnh nộ Đức Giê-hô-va ra, những biến cố đáng sợ nào sẽ xảy ra trên đất?
18 Nơi Khải-huyền đoạn 6 (NW), lần đầu tiên chúng ta đọc thấy Chúa Giê-su cưỡi ngựa bạch “để chinh phục và hoàn tất cuộc chinh phục của mình” (Khải 6 câu 2). Điều này đã bắt đầu với việc ngài được tấn phong làm Vua trên trời vào năm 1914. Những con ngựa và người cưỡi ngựa khác đều theo sau ngài, miêu tả chiến tranh, đói kém và dịch lệ toàn diện đã và đang hoành hành trên đất kể từ dạo đó. Nhưng tất cả những biến động này sẽ chấm dứt khi nào? Khải-huyền đoạn 7 cho chúng ta biết rằng bốn thiên sứ đang giữ lại “bốn hướng gió” ở trên đất cho đến khi nào dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và một đám đông từ mọi nước được thâu nhóm lại để được giải cứu (Khải 7 câu 1). Rồi gì nữa?
19 Giê-rê-mi nói tiếp nơi Giê 25 câu 30 và 31 của đoạn 25: “Đức Giê-hô-va quát-tháo từ nơi cao; phát tiếng từ chỗ-ở thánh Ngài; quát-tháo to nghịch cùng chuồng chiên; trổi tiếng kêu như những kẻ đạp trái nho, nghịch cùng hết thảy dân-cư trên đất. Tiếng om-sòm sẽ vang ra đến cùng đất; vì Đức Giê-hô-va tranh-cạnh cùng các nước, phán-xét mọi xác-thịt, phó những kẻ dữ cho gươm-dao, Đức Giê-hô-va phán vậy”. Vậy không một nước nào sẽ được miễn uống chén thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. Do đó đây là lúc khẩn cấp để mọi người có lòng ngay thẳng tự rời khỏi sự gian ác của các nước, trước khi bốn vị thiên sứ thả trận cuồng phong giông bão của sự thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. Quả là giông bão, vì lời tiên tri của Giê-rê-mi tiếp tục nơi Giê 25 câu 32 và 33:
20. Cảnh tượng nào nhấn mạnh sự nghiêm trọng về sự phán xét của Đức Giê-hô-va, nhưng tại sao hành động này là cần thiết?
20 “Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Nầy, tai-vạ sẽ từ một dân nầy qua một dân khác; một trận bão lớn dấy lên từ các nơi đầu-cùng đất. Thây của những kẻ mà Đức Giê-hô-va đã giết trong ngày đó, sẽ đầy trên đất từ đầu nầy đến đầu kia; chẳng ai khóc, chẳng thâu liệm, chẳng chôn, sẽ làm phân trên mặt đất!” Quả thật là một cảnh tượng hãi hùng, nhưng cần phải có biện pháp này để tẩy sạch trái đất khỏi mọi sự gian ác trước khi đem lại Địa đàng mà Đức Chúa Trời đã hứa.
Các kẻ chăn chiên cất tiếng than van và than khóc
21, 22. a) Nơi Giê-rê-mi 25:34-36, ai là “những kẻ chăn” của Y-sơ-ra-ên, và tại sao bị buộc phải than khóc? b) Các kẻ chăn hiện đại nào đáng gánh lấy cơn giận của Đức Giê-hô-va, và tại sao họ thật đáng bị phạt?
21 Giê 25 Câu 34 đến 36 nói thêm về sự phán xét của Đức Giê-hô-va: “Hỡi những kẻ chăn, hãy than-khóc, cất tiếng than-van! Hỡi những kẻ dẫn bầy chiên, hãy lăn trong tro-bụi! Vì ngày các ngươi bị giết, kỳ các ngươi bị tan-lạc đã đến hạn; các ngươi sẽ ngã xuống như bình quí-giá. Kẻ chăn không bởi đâu trốn-tránh, kẻ dẫn bầy chiên không bởi đâu thoát ra. Kẻ chăn phát tiếng kêu, kẻ dẫn bầy chiên than-khóc; vì Đức Giê-hô-va phá hoang đồng cỏ họ”.
22 Những kẻ chăn này là ai? Họ không phải là các nhà lãnh đạo tôn giáo, là những người đã phải uống cơn giận của Đức Giê-hô-va rồi. Họ là các kẻ chăn quân sự, được miêu tả nơi Giê-rê-mi 6:3, triệu tập quân đội của họ lại thành từng đoàn để thách thức Đức Giê-hô-va. Họ là các nhà lãnh đạo chính trị làm giàu bằng xương máu của dân. Nhiều người trong số này là các tay chính khách đại tài, chúa tể tham nhũng. Họ chậm chạp trong việc cứu đói khiến cho một phần của dân cư tại nhiều nước chết đói. Họ làm giàu cho “kẻ dẫn bầy chiên”, chẳng hạn như các tay tài phiệt vũ khí và những kẻ tham lam hủy hoại môi sinh, trong khi đó lại khước từ tiếp viện y tế và thực phẩm bổ dưỡng nhằm cứu vớt hàng chục triệu trẻ em sắp chết dù chẳng tốn kém bao nhiêu.
23. Hãy miêu tả tình trạng trong lĩnh vực của Sa-tan sau khi Đức Giê-hô-va hành động để hủy diệt.
23 Không có gì đáng ngạc nhiên khi Giê-rê-mi đoạn 25 kết luận, nơi Giê 25 câu 37 và 38, bằng cách nói về những kẻ ích kỷ này, chỉ lo mưu cầu sự bình an cho chính mình: “Những chuồng chiên yên-ổn đã bị bắt phải nín-lặng bởi sự nóng-giận của Đức Giê-hô-va. Ngài như sư-tử đã ra khỏi chỗ kín mình. Đất chúng nó đã trở nên gở-lạ bởi sức-mạnh rất hung đè-nén, và cơn giận rất mãnh-liệt”. Thật là đáng kinh ngạc thay! Nhưng cơn nóng giận của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ được biểu lộ qua đấng đã được miêu tả nơi Khải-huyền 19:15, 16 là “Vua của các vua, Chúa của các chúa”, đấng chăn các nước bằng một cây gậy sắt. Rồi sau đó ra sao?
24. Việc hủy diệt tôn giáo giả và phần còn lại của thế gian thuộc Sa-tan sẽ đem lại những ân phước nào cho những người công bình trong nhân loại?
24 Bạn có bao giờ sống dưới một trận cuồng phong hay cơn lốc chưa? Đó có thể là một kinh nghiệm hãi hùng. Nhưng sáng hôm sau, dù bạn có thể thấy cảnh điêu tàn khắp nơi, nhưng bầu trời thường quang đãng và yên tĩnh tạo cảm giác khoan khoái khiến bạn có thể cám ơn Đức Giê-hô-va về một ngày tươi đẹp lạ thường như vậy. Cũng thế, khi cơn gió lốc của hoạn nạn lớn lắng dịu, bạn có thể ngước mắt nhìn quanh trái đất với lòng biết ơn vì bạn còn sống và sẵn sàng tham gia vào công việc sắp tới của Đức Giê-hô-va nhằm tẩy sạch trái đất biến nó thành một địa đàng vinh hiển. Cuộc tranh luận của Đức Giê-hô-va với các nước sẽ kết liễu hoàn toàn, làm thánh danh Ngài và chuẩn bị cho ý muốn Ngài thực thi trên đất dưới Triều đại Một Ngàn Năm của Nước đấng Mê-si. Mong sao Nước Trời mau đến!
Ôn lại các đoạn 5-24 của bài này
◻ Những đường lối giả hình nào của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ nay phải bị đưa ra xét xử?
◻ Giê-rê-mi 25:12-38 cho thấy quang cảnh bao quát nào về sự phán xét?
◻ Chén phục hận nào được chuyền đến mọi nước?
◻ Những kẻ chăn than van và than khóc là ai, và tại sao chúng bị xao động?