Đức Chúa Trời và Sê-sa
“Vậy thì của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời” (LU-CA 20:25).
1. a) Địa vị tôn vinh của Đức Giê-hô-va là gì? b) Chúng ta có bổn phận nào đối với Đức Giê-hô-va mà chúng ta không thể nào làm đối với Sê-sa?
KHI ban ra lời chỉ dẫn đó, chắc chắn Giê-su Christ hiểu rằng những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi các tôi tớ ngài phải được ưu tiên hơn bất cứ điều gì mà Sê-sa hay các nhà cầm quyền có thể đòi hỏi. Giê-su am tường hơn bất cứ ai khác sự thật của lời cầu nguyện mà người viết Thi-thiên dâng lên cùng Đức Giê-hô-va: “Nước Chúa là nước có đời đời, quyền cai-trị của Chúa còn đến muôn đời” (Thi-thiên 145:13). Khi Ma-quỉ đề nghị cho Giê-su quyền phép cai trị mọi nước thế gian, Giê-su đáp: “Có chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Lu-ca 4:5-8). Chúng ta không thể nào thờ phượng “Sê-sa”, dù cho Sê-sa là hoàng đế La Mã, một lãnh tụ nào khác, hay một chính quyền.
2. a) Sa-tan có một địa vị nào đối với thế gian này? b) Ai đã cho phép Sa-tan giữ địa vị của mình?
2 Giê-su đã không phủ nhận rằng các nước thế gian thuộc quyền sở hữu của Sa-tan. Sau này, ngài gọi Sa-tan là “vua-chúa thế-gian nầy” (Giăng 12:31; 16:11). Vào cuối thế kỷ thứ nhất công nguyên, sứ đồ Giăng viết: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Điều này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va đã từ bỏ quyền thống trị trái đất. Hãy nhớ rằng khi đề nghị cho Giê-su quyền cai trị tất cả các nước, Sa-tan nói: “Ta sẽ cho ngươi hết thảy quyền-phép... vì đã giao cho ta hết” (Lu-ca 4:6). Sa-tan chỉ thực thi quyền phép trên các nước của thế gian vì Đức Chúa Trời cho phép hắn làm thế.
3. a) Các chính phủ thế gian có địa vị nào trước mặt Đức Giê-hô-va? b) Làm sao chúng ta có thể nói rằng vâng phục các chính quyền thế gian không có nghĩa là vâng phục Sa-tan, chúa đời này?
3 Tương tự như vậy, chính quyền chỉ thực thi quyền hành khi Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Thống trị cho phép họ làm vậy (Giăng 19:11). Do đó, chúng ta có thể nói rằng “các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định”. So với quyền thống trị tối cao của Đức Giê-hô-va thì các nhà cầm quyền có quyền hành kém hơn nhiều. Tuy nhiên, họ là “chức-việc của Đức Chúa Trời”, “đầy-tớ của Đức Chúa Trời” vì cớ họ cung cấp những dịch vụ cần yếu, duy trì an ninh trật tự và trừng phạt những người làm ác (Rô-ma 13:1, 4, 6). Vì thế, các tín đồ đấng Christ phải hiểu rằng mặc dù Sa-tan là kẻ cầm quyền vô hình của thế gian hoặc hệ thống này, họ không nằm dưới quyền của Sa-tan khi vâng phục các chính quyền một cách tương đối. Khi làm thế họ vâng phục Đức Chúa Trời. Trong năm 1996 này, chính quyền thế gian vẫn là một phần trong “sự sắp đặt của Đức Chúa Trời”, một sự sắp đặt tạm thời mà Đức Chúa Trời cho phép hiện hữu, và các tôi tớ trên đất của Đức Giê-hô-va phải xem chính quyền như thế (Rô-ma 13:2, NW).
Các tôi tớ thời xưa của Đức Giê-hô-va và nhà cầm quyền
4. Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép Giô-sép có địa vị cao trong chính quyền Ê-díp-tô?
4 Vào trước thời đấng Christ, Đức Giê-hô-va cho phép một số tôi tớ của ngài giữ địa vị cao trong chính quyền. Thí dụ, vào thế kỷ 18 trước công nguyên, Giô-sép làm thủ tướng của nước Ê-díp-tô, một chức vụ chỉ kém vua đang trị vì là Pha-ra-ôn (Sáng-thế Ký 41:39-43). Những biến cố kế tiếp cho thấy rõ rằng Đức Giê-hô-va đã điều khiển sự việc để dùng Giô-sép để gìn giữ ‘dòng-dõi Áp-ra-ham’, tức con cháu của Áp-ra-ham, hầu thực thi ý định của ngài. Dĩ nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Giô-sép bị bán đi làm nô lệ trong xứ Ê-díp-tô, và ông sống trong thời buổi mà các tôi tớ của Đức Chúa Trời chưa có Luật pháp Môi-se hay “luật-pháp của Đấng Christ” (Sáng-thế Ký 15:5-7; 50:19-21; Ga-la-ti 6:2).
5. Tại sao những người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày được lệnh là phải “tìm sự bình-an” cho thành Ba-by-lôn?
5 Nhiều thế kỷ sau đó nhà tiên tri trung thành Giê-rê-mi được Đức Giê-hô-va soi dẫn để bảo dân Do Thái bị lưu đày là họ phải vâng phục các nhà cầm quyền trong thời gian bị lưu đày ở Ba-by-lôn và ngay cả cầu nguyện cho thành ấy được bình an. Trong lá thư cho họ, ông viết: “Đức Giê-hô-va vạn-quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán cùng những kẻ mà ta đã khiến bị bắt làm phu-tù,... Hãy tìm sự bình-an cho thành mà ta đã khiến các ngươi bị đày đến làm phu-tù, hãy vì nó cầu-nguyện Đức Giê-hô-va; vì sự bình-an các ngươi nhờ sự bình-an của nó” (Giê-rê-mi 29:4, 7). Dân Đức Giê-hô-va luôn luôn có lý do để “tìm sự hòa-bình” cho chính họ và quốc gia nơi họ sinh sống, để được tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va (I Phi-e-rơ 3:11).
6. Mặc dù có địa vị cao trong chính quyền, qua những cách nào Đa-ni-ên và ba người bạn từ chối không nhượng bộ liên quan đến Luật pháp Đức Giê-hô-va?
6 Trong lúc bị lưu đày ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên và ba người Do Thái trung thành khác bị bắt làm nô lệ ở Ba-by-lôn, đã trải qua những khóa huấn luyện của chính quyền và đã trở thành những công chức cao cấp trong nước Ba-by-lôn (Đa-ni-ên 1:3-7; 2:48, 49). Tuy nhiên, ngay cả khi được huấn luyện, họ đã có một lập trường vững chắc về những vấn đề ăn uống đã có thể khiến họ vi phạm Luật pháp mà Đức Chúa Trời của họ, Đức Giê-hô-va, đã ban qua Môi-se. Vì điều này mà họ được ơn phước (Đa-ni-ên 1:8-17). Khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên một biểu tượng quốc gia, ba người bạn Hê-bơ-rơ của Đa-ni-ên hiển nhiên đã bị buộc phải tham dự nghi lễ cùng với những quan khác cai trị trong xứ. Tuy nhiên, họ đã từ chối không “sấp mình xuống để thờ-lạy” pho tượng quốc gia. Một lần nữa, Đức Giê-hô-va ban thưởng cho lòng trung kiên của họ (Đa-ni-ên 3:1-6, 13-28). Ngày nay, Nhân-chứng Giê-hô-va tôn trọng lá cờ của quốc gia nơi họ sinh sống, nhưng họ không tôn thờ lá cờ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; I Giăng 5:21).
7. a) Mặc dù có một địa vị cao trong guồng máy chính quyền Ba-by-lôn, Đa-ni-ên vẫn giữ một lập trường xuất sắc nào? b) Tới thời tín đồ đấng Christ thì có những sự thay đổi nào?
7 Sau khi triều đại Tân Ba-by-lôn sụp đổ, Đa-ni-ên được phong cho một chức vụ cao trong chế độ Mê-đi và Phe-rơ-sơ, một chế độ mới thay thế chế độ Ba-by-lôn (Đa-ni-ên 5:30, 31; 6:1-3). Nhưng ông không để cho địa vị cao trọng khiến ông bỏ lòng trung kiên của mình. Khi một điều luật của chính quyền đòi hỏi ông phải thờ phượng Vua Đa-ri-út thay vì Đức Giê-hô-va, ông đã từ chối. Vì lý do này mà ông bị quăng vào hang sư tử, nhưng Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông (Đa-ni-ên 6:4-24). Dĩ nhiên, điều này xảy ra vào trước thời đấng Christ. Một khi hội thánh tín đồ đấng Christ được thành lập, các tôi tớ Đức Chúa Trời phải ở “dưới luật-pháp của Đấng Christ”. Nay họ phải thay đổi quan điểm về nhiều điều được chấp nhận trước kia dưới hệ thống Do Thái, dựa theo cách mà Đức Giê-hô-va giờ đây xử sự với dân ngài (I Cô-rinh-tô 9:21; Ma-thi-ơ 5:31, 32; 19:3-9).
Thái độ của Giê-su đối với chính quyền
8. Sự kiện nào cho thấy rằng Giê-su nhất quyết tránh tham gia vào chính trị?
8 Khi Giê-su sống trên đất, ngài đặt ra tiêu chuẩn cao cho môn đồ ngài, và ngài từ chối không tham gia vào những vấn đề chính trị hay quân sự. Sau khi Giê-su dùng phép lạ cung cấp đồ ăn cho nhiều ngàn người bằng vài ổ bánh và hai con cá nhỏ, những người đàn ông Do Thái muốn bắt ngài lại và tôn ngài làm vua. Nhưng Giê-su tránh họ và nhanh nhẹn lẩn lên núi (Giăng 6:5-15). Nói về sự kiện này, cuốn The New International Commentary on the New Testament nói: “Dân Do Thái lúc bấy giờ có sự ham muốn mãnh liệt đầy tinh thần dân tộc, và chắc chắn nhiều người đã nhìn thấy phép lạ nghĩ rằng đây là người lãnh đạo được Đức Chúa Trời chấp nhận, một người lý tưởng có thể dẫn họ chống lại dân La Mã. Do đó họ nhất quyết tôn ngài lên làm vua”. Sách này cũng nói thêm rằng Giê-su “dứt khoát khước từ” lời đề nghị làm người lãnh đạo chính trị. Đấng Christ không ủng hộ bất cứ cuộc nổi dậy nào của dân Do Thái chống lại quyền đô hộ của người La Mã. Quả thật, ngài tiên tri về hậu quả của cuộc nổi loạn xảy ra sau khi ngài qua đời—những hoạn nạn khủng khiếp cho dân thành Giê-ru-sa-lem và sự hủy phá của thành ấy (Lu-ca 21:20-24).
9. a) Giê-su miêu tả mối liên hệ giữa Nước ngài và thế gian như thế nào? b) Giê-su đã ban cho các môn đồ ngài những lời chỉ dẫn nào về cách cư xử với các chính phủ thế gian?
9 Không lâu trước khi ngài chết, Giê-su nói với người đại diện đặc biệt của hoàng đế La Mã tại Giu-đê: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới” (Giăng 18:36). Đến khi Nước Trời chấm dứt sự cai trị của các chính quyền thế gian thì môn đồ của đấng Christ vẫn noi gương theo ngài. Họ vâng phục các chính quyền đã được thiết lập nhưng họ không can thiệp vào các công việc chính trị (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 4:8-10). Giê-su để lại cho môn đồ các nguyên tắc chỉ đạo: “Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:21). Trước đó, trong Bài Giảng trên Núi, Giê-su nói: “Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Ma-thi-ơ 5:41). Dựa theo văn cảnh của bài giảng này, Giê-su dùng ví dụ điển hình để nói lên nguyên tắc là phải sẵn sàng vâng phục những đòi hỏi chính đáng, dù trong việc xã giao hàng ngày hay trong những luật lệ của chính quyền phù hợp với luật pháp của Đức Chúa Trời (Lu-ca 6:27-31; Giăng 17:14, 15).
Tín đồ đấng Christ và Sê-sa
10. Theo một sử gia thì các tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã tận tâm làm điều gì liên hệ đến Sê-sa?
10 Những nguyên tắc chỉ đạo ngắn gọn này hướng dẫn mối liên hệ giữa tín đồ đấng Christ và chính quyền. Sử gia E. W. Barnes viết trong sách The Rise of Christianity (Khởi nguyên đạo đấng Christ): “Nhiều thế kỷ về sau, bất cứ lúc nào một tín đồ đấng Christ có điều gì nghi ngờ về bổn phận của mình đối với chính quyền, người đó quay về lời dạy có thẩm quyền của đấng Christ. Người đó sẽ đóng thuế: tiền thâu có thể là nặng—thuế này đã trở nên quá nặng trước khi Đế quốc Tây phương sụp đổ—nhưng tín đồ đấng Christ vẫn chịu đựng. Tín đồ đấng Christ cũng chấp nhận mọi đòi hỏi khác của chính quyền, miễn là mình không phải trả cho Sê-sa vật gì thuộc về Đức Chúa Trời”.
11. Phao-lô đã khuyên nhủ các tín đồ đấng Christ cư xử thế nào với các nhà cầm quyền thế gian?
11 Phù hợp với nguyên tắc này, khoảng hơn 20 năm sau khi đấng Christ qua đời, sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ đấng Christ tại Rô-ma: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình” (Rô-ma 13:1). Khoảng mười năm sau, không lâu trước khi ông bị bắt giam lần thứ hai và bị xử tử tại Rô-ma, Phao-lô viết cho Tít: “Hãy nhắc lại cho các tín-đồ [người Cơ-rết] phải vâng-phục những bậc cầm quyền chấp-chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn-sàng làm mọi việc lành, chớ nói xấu ai, chớ tranh-cạnh, hãy dong-thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn” (Tít 3:1, 2).
Sự hiểu biết càng ngày càng rõ về “đấng cầm quyền trên mình”
12. a) Charles Taze Russell có quan điểm nào về vị thế đứng đắn của tín đồ đấng Christ đối với nhà cầm quyền? b) Liên quan đến việc phục vụ trong quân đội, các tín đồ đấng Christ được xức dầu có những lập trường khác nhau nào trong thời Thế Chiến I?
12 Ngay từ năm 1886, Charles Taze Russell viết trong sách The Plan of the Ages (Hoạch định cho các thời đại): “Cả Giê-su lẫn các Sứ đồ đã không gây trở ngại cho các nhà cầm quyền thế gian dưới bất cứ phương diện nào... Họ dạy Giáo hội phải tuân theo các luật lệ, và phải kính nể những người trong chính quyền vì chức vụ của họ,... phải trả phần thuế ấn định cho họ, và trừ khi có sự mâu thuẫn với luật pháp Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 4:19; 5:29) thì không nên chống lại bất cứ luật lệ nào đã được thiết lập (Rô-ma 13:1-7; Ma-thi-ơ 22:21). Giê-su, các sứ đồ và giáo hội thời ban đầu đều tôn trọng luật pháp, tuy nhiên họ tách ra khỏi, và không góp phần vào các chính phủ của thế gian này”. Sách này nhận định chính xác “các quyền trên”, hay “đấng cầm quyền trên mình” mà sứ đồ Phao-lô có nhắc đến, là chính quyền của loài người (Rô-ma 13:1, King James Version). Vào năm 1904 sách The New Creation (Sự sáng tạo mới) nói rằng tín đồ thật của đấng Christ “phải là những người hết lòng tôn trọng luật pháp của thời nay—không phải là những người khích động, hay gây gổ, hay soi mói”. Một số người hiểu điều này có nghĩa là phải hoàn toàn vâng phục quyền hành của chính phủ, đến độ phải gia nhập quân đội trong Thế Chiến I. Tuy nhiên, một số người khác xem việc đó đi ngược lại lời của Giê-su: “Hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm” (Ma-thi-ơ 26:52). Rõ ràng là tín đồ đấng Christ cần có một sự hiểu biết chính xác hơn về việc vâng phục nhà cầm quyền.
13. Vào năm 1929 có sự điều chỉnh nào trong sự hiểu biết về việc nhận diện các quyền trên, và điều này chứng tỏ có lợi ích như thế nào?
13 Vào năm 1929, lúc mà các luật lệ của nhiều chính phủ khác nhau bắt đầu ngăn cấm những gì Đức Chúa Trời răn bảo hoặc đòi hỏi những gì luật pháp của Đức Chúa Trời ngăn cấm, tín đồ đấng Christ tưởng rằng các quyền trên chính là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ.a Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có sự hiểu biết này trong thời kỳ tối quan trọng trước và trong Thế Chiến II, mãi đến kỷ nguyên của Chiến tranh Lạnh, với sự quân bình vũ khí và sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự. Nhìn lại quá khứ, rõ ràng là quan điểm này đã tôn vinh sự cao cả của Đức Giê-hô-va và đấng Christ của ngài, giúp dân Đức Chúa Trời giữ vững một lập trường trung lập trong suốt thời kỳ khó khăn này.
Sự vâng phục tương đối
14. Vào năm 1962, Rô-ma 13:1, 2 và những câu Kinh-thánh có liên hệ đã được làm sáng tỏ thêm như thế nào?
14 Vào năm 1961 bản dịch New World Translation of the Holy Scriptures (Kinh-thánh Thế giới Mới) được hoàn tất. Công việc biên soạn bản này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu xa về nguyên văn Kinh-thánh. Những chữ dịch chính xác được dùng không những trong Rô-ma đoạn 13 mà còn trong những đoạn như Tít 3:1, 2 và I Phi-e-rơ 2:13, 17, I Phi-e-rơ 2:13, 17 đã chứng tỏ rằng từ ngữ “đấng cầm quyền trên mình” không dùng để ám chỉ Quyền năng Tối cao, Đức Giê-hô-va và Con ngài là Giê-su, mà để ám chỉ quyền hành của chính phủ thế gian. Vào cuối năm 1962, những bài được in ra trong Tháp Canh giải thích chính xác về Rô-ma đoạn 13 và cũng cho một quan điểm rõ ràng hơn so với thời của C. T. Russell. Những bài này lưu ý rằng tín đồ đấng Christ không thể nào vâng phục nhà cầm quyền một cách tuyệt đối. Họ vâng phục một cách tương đối tùy theo việc đó có khiến các tôi tớ của Đức Chúa Trời đi ngược với luật pháp của ngài hay không. Những bài trong Tháp Canh đã nhấn mạnh điểm quan trọng này.b
15, 16. a) Sự hiểu biết mới về Rô-ma đoạn 13 dẫn đến một quan điểm thăng bằng nào? b) Những câu hỏi nào còn cần được trả lời?
15 Bí quyết để hiểu chính xác về Rô-ma đoạn 13 đã giúp cho dân Đức Giê-hô-va giữ thăng bằng trong việc tôn trọng đúng mức các nhà cầm quyền và có được lập trường không lay chuyển về các nguyên tắc thiết yếu trong Kinh-thánh (Thi-thiên 97:11; Giê-rê-mi 3:15). Sự hiểu biết này đã giúp họ có một quan điểm đúng về mối liên lạc của họ với Đức Chúa Trời cũng như cách cư xử của họ với chính quyền. Sự hiểu biết này bảo đảm rằng trong khi họ trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa, họ không chểnh mảng trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời.
16 Những gì của Sê-sa đúng ra là gì? Chính quyền có thể chính đáng đòi hỏi những gì nơi một tín đồ đấng Christ? Những câu hỏi này sẽ được xem xét trong bài sau đây.
[Chú thích]
a Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-6-1929 và 15-6-1929.
b Xem Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-11-62 và 15-11-62; 1-12-1962; Tháp Canh, số ra ngày 1-7-1991; 1-11-1993; 1-7-1994.
Điều đáng chú ý là trong lời bình luận về Rô-ma đoạn 13, Giáo sư F. F. Bruce viết: “Rõ ràng, theo văn cảnh của chính đoạn đó và qua lời ghi chép của các sứ đồ, chính quyền chỉ có thể chính đáng đòi hỏi dân chúng phục tùng trong giới hạn của những mục tiêu vì sao Đức Chúa Trời đã thiết lập chính quyền ấy—đặc biệt là khi chính quyền đòi hỏi sự trung thành dành cho chỉ một mình Đức Chúa Trời thì người ta không những có thể mà còn phải cưỡng lại”.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao vâng phục các nhà cầm quyền không có nghĩa là vâng phục Sa-tan?
◻ Giê-su có thái độ nào về những vấn đề chính trị vào thời ngài?
◻ Giê-su đã ban cho môn đồ ngài những lời khuyên nào về cách cư xử với Sê-sa?
◻ Phao-lô khuyên nhủ các tín đồ đấng Christ phải cư xử thế nào với các nhà cầm quyền thế gian?
◻ Sự hiểu biết về việc nhận định các nhà cầm quyền đã tiến triển thế nào qua dòng thời gian?
[Hình nơi trang 10]
Khi Sa-tan đề nghị cho Giê-su quyền hành chính trị, ngài đã từ chối
[Hình nơi trang 13]
Russell viết rằng tín đồ đấng Christ “phải là những người hết lòng tôn trọng luật pháp của thời nay”