Hãy lấy làm vui trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va
“Hỡi các con, hãy đến nghe ta; ta sẽ dạy các con sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” (THI-THIÊN 34:11).
1. Nước Đức Chúa Trời sẽ giải thoát nhân loại khỏi sự sợ hãi như thế nào, nhưng có phải là mọi sự sợ sẽ không còn nữa hay sao?
KHẮP NƠI người ta khao khát được giải thoát khỏi sự sợ hãi, người ta sợ tội ác và hung bạo, sợ thất nghiệp và sợ bệnh nặng. Khi sự giải thoát đó trở thành sự thật dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời thì thật là một ngày tuyệt vời biết bao! (Ê-sai 33:24; 65:21-23; Mi-chê 4:4). Tuy thế, không phải mọi sự sợ sẽ biến mất lúc đó, và chúng ta cũng không nên tìm cách xua đuổi mọi sự sợ khỏi đời sống chúng ta bây giờ. Có sự sợ là tốt và có sự sợ là xấu.
2. a) Loại sợ nào là xấu, và loại nào là đáng có? b) Sự kính sợ Đức Chúa Trời là gì, và các câu Kinh-thánh trích dẫn chứng tỏ điều đó như thế nào?
2 Sự sợ hãi có thể đầu độc tâm trí, làm tê liệt khả năng lý luận của người ta. Sự sợ hãi có thể làm rủn chí và tiêu tan hy vọng. Một người bị kẻ thù đe dọa về thể xác có thể trải qua sự sợ hãi thể ấy (Giê-rê-mi 51:30). Một người xem trọng quá mức việc được người có thế lực nào đó chấp nhận cũng có thể trải qua sự sợ hãi đó (Châm-ngôn 29:25). Nhưng cũng có một sự sợ lành mạnh, loại sợ ngăn cản chúng ta làm điều thiếu suy nghĩ và tự làm hại mình. Sự kính sợ Đức Chúa Trời còn bao hàm nhiều hơn thế nữa. Đó là sự khâm phục Đức Giê-hô-va, kính trọng Ngài một cách sâu xa, cộng với sự sợ lành mạnh không muốn làm buồn lòng Ngài (Thi-thiên 89:7). Sự sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời xuất phát từ sự quí mến lòng nhân từ và lòng tốt của Ngài (Thi-thiên 5:7; Ô-sê 3:5). Nó cũng bao hàm việc ý thức rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Phán xét Tối cao và Đấng Toàn năng có quyền phạt, ngay cả hủy diệt, những kẻ không chịu vâng lời Ngài (Rô-ma 14:10-12).
3. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va khác với sự sợ đối với một số thần ngoại giáo như thế nào?
3 Sự kính sợ Đức Chúa Trời là lành mạnh, chứ không phải là khiếp sợ. Nó thúc đẩy một người cương quyết làm điều phải, không hòa giải bằng cách làm điều trái. Nó không giống sự sợ hãi đối với thần Hy Lạp xưa Phobos, được mô tả như một hung thần chuyên gây ra sự khiếp sợ. Và nó không giống sự sợ hãi đối với nữ thần Ấn Độ Kali, đôi khi được tả là khát máu, dùng thây người chết, rắn rít và sọ người làm đồ trang sức. Sự kính sợ Đức Chúa Trời thu hút; chứ không làm khó chịu. Điều này gắn liền với sự yêu thương và quí trọng. Như vậy sự kính sợ Đức Chúa Trời đem chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13; Thi-thiên 2:11).
Tại sao một số người có sự kính sợ và người khác lại không
4. Như sứ đồ Phao-lô miêu tả, nhân loại đã đi đến tình trạng nào, và lý do là gì?
4 Nhân loại nói chung không có sự kính sợ Đức Chúa Trời, vì vậy họ không có động lực để phụng sự Ngài. Nơi Rô-ma 3:9-18, sứ đồ Phao-lô miêu tả nhân loại đã xa cách biết bao sự hoàn toàn lúc ban đầu. Sau khi nói rằng tất cả mọi người đều ở trong tội lỗi, Phao-lô trích dẫn Thi-thiên: “Chẳng có một người công-bình nào hết, dẫu một người cũng không”. (Xem Thi-thiên 14:1). Rồi ông cho chi tiết bằng cách kể ra những điều như là nhân loại thờ ơ trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời, thiếu sự nhân từ, nói lời phỉnh gạt, nguyền rủa và làm đổ máu. Lời miêu tả đó thật đúng làm sao cho thế gian ngày nay! Phần đông người ta không chú ý gì đến Đức Chúa Trời và các ý định của Ngài. Người ta thường chỉ ra vẻ nhân từ khi nào được lợi lộc gì đó. Nói dối và nói tục tĩu là chuyện thường. Sự đổ máu không chỉ là chuyện thời sự mà cũng diễn ra trong sự giải trí nữa. Lý do nào khiến có một tình trạng như thế? Đành rằng tất cả chúng ta là con cháu của người tội lỗi A-đam, nhưng khi người ta chọn theo lối sống như sứ đồ Phao-lô miêu tả, thì vấn đề bao hàm nhiều hơn thế nữa. Câu 18 giải thích vấn đề là gì: “Chẳng có sự kính-sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó”. (Xem Thi-thiên 36:1).
5. Tại sao một số người có sự kính sợ Đức Chúa Trời, trong khi những người khác lại không?
5 Nhưng tại sao một số người có sự kính sợ Đức Chúa Trời, trong khi những người khác lại không? Nói cách giản dị, đó là vì một số người vun trồng sự kính sợ, còn những người khác thì không. Không ai trong chúng ta sinh ra đã có sự kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng tất cả chúng ta đều có khả năng có được điều này. Sự kính sợ Đức Chúa Trời là một điều mà chúng ta cần phải học. Rồi chúng ta cần phải vun trồng nó, nếu muốn cho nó là nguồn lực thúc đẩy trong đời sống của chúng ta.
Một lời mời hấp dẫn
6. Ai đưa ra cho chúng ta lời mời ghi nơi Thi-thiên 34:11, và câu này cho thấy chúng ta phải học sự kính sợ Đức Chúa Trời như thế nào?
6 Thi-thiên 34 đưa ra cho chúng ta một lời mời hấp dẫn là học sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Bài Thi-thiên này là của Đa-vít. Và Đa-vít tượng trưng cho ai? Không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ. Nơi Thi-thiên 34 câu 20 của bài Thi-thiên này, có một lời tiên tri mà sứ đồ Giăng áp dụng đặc biệt cho Giê-su (Giăng 19:36). Trong thời chúng ta, Giê-su là đấng đưa ra lời mời ấy nơi Thi-thiên 34, câu [Thi-thiên 34:11: “Hỡi các con, hãy đến nghe ta; ta sẽ dạy các con sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”. Điều này cho thấy rõ rằng sự kính sợ Đức Chúa Trời là một điều mà chúng ta có thể học được, và Giê-su Christ có khả năng siêu việt để dạy chúng ta. Tại sao vậy?
7. Tại sao Giê-su đặc biệt là đấng có thể dạy chúng ta về sự kính sợ Đức Chúa Trời?
7 Giê-su Christ biết tầm quan trọng của sự kính sợ Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 5:7 nói về ngài: “Khi Đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhơn-đức Ngài [kính sợ Đức Chúa Trời, NW], nên được nhậm lời”. Sự kính sợ Đức Chúa Trời thể ấy là một đức tính mà Giê-su Christ biểu lộ ngay cả trước khi ngài đương đầu với sự chết trên cây khổ hình. Hãy nhớ là nơi Châm-ngôn đoạn 8, Con Đức Chúa Trời được miêu tả như là hiện thân của sự khôn ngoan. Và Châm-ngôn 9:10 cho chúng ta biết: “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan”. Vậy sự kính sợ Đức Chúa Trời là một phần cơ bản trong cá tính của Con Đức Chúa Trời từ lâu trước khi ngài xuống trái đất.
8. Nơi Ê-sai 11:2, 3, chúng ta học được gì về sự kính sợ Đức Giê-hô-va?
8 Hơn nữa, Ê-sai 11:2, 3 nói về Giê-su như Vị vua Mê-si: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn-ngoan và thông-sáng, thần mưu-toan và mạnh-sức, thần hiểu-biết và kính-sợ Đức Giê-hô-va. Ngài lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui”. Câu này diễn tả tuyệt vời làm sao! Sự kính sợ Đức Chúa Trời không có gì là khó chịu. Đó là điều tích cực và xây dựng. Đó là một đức tính sẽ chan hòa trong khắp lãnh thổ mà đấng Christ làm Vua cai trị. Bây giờ ngài đang cai trị, và đối với tất cả những người đang được nhóm lại như là thần dân của ngài, thì ngài chỉ dạy cho họ trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Như thế nào?
9. Giê-su Christ dạy chúng ta sự kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào, và ngài muốn chúng ta học được gì về điều đó?
9 Với tư cách là Đầu của hội thánh và Vị vua Mê-si, Giê-su giúp chúng ta qua các buổi họp của hội thánh và các hội nghị để chúng ta hiểu rõ sự kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì, và tại sao nó có lợi ích đến thế. Vậy ngài cố gắng giúp chúng ta quí trọng sâu xa điều này để rồi chúng ta sẽ lấy làm vui trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va như chính ngài vậy.
Bạn sẽ cố gắng không?
10. Khi đi dự các buổi họp của tín đồ đấng Christ, chúng ta phải làm gì nếu chúng ta muốn hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va?
10 Dĩ nhiên, sự kiện chúng ta chỉ đọc Kinh-thánh hoặc đi nhóm họp ở Phòng Nước Trời không bảo đảm rằng chúng ta sẽ có sự kính sợ Đức Chúa Trời. Hãy chú ý chúng ta cần phải làm gì nếu chúng ta thật sự hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Châm-ngôn 2:1-5 nói: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, đành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. Vậy, khi đi nhóm họp, chúng ta cần phải lắng nghe những gì được trình bày, cố sức tập trung tư tưởng và nhớ những ý tưởng chính, suy nghĩ sâu xa về cách làm sao cho cảm giác của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta khi nghe lời khuyên được nêu ra—đúng, hãy mở rộng lòng chúng ta. Bấy giờ chúng ta sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va.
11. Để vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta nên hết lòng và thường xuyên làm điều gì?
11 Thi-thiên 86:11 lưu ý chúng ta đến một yếu tố quan trọng khác là sự cầu nguyện. Người viết Thi-thiên cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy tôi biết đường-lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chơn-thật của Ngài; xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”. Đức Giê-hô-va chấp nhận lời cầu nguyện đó, vì Ngài cho ghi lại trong Kinh-thánh. Để vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần phải cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, và chúng ta sẽ được lợi ích bằng cách hết lòng và thường xuyên cầu nguyện (Lu-ca 18:1-8).
Có liên hệ đến lòng của bạn
12. Tại sao chúng ta phải chú ý đặc biệt đến lòng của chúng ta, và điều này bao gồm những gì?
12 Chúng ta phải lưu ý một điều khác nữa nơi Thi-thiên 86:11. Người viết Thi-thiên không chỉ giản dị xin cho trí tuệ ông hiểu biết sự kính sợ Đức Chúa Trời. Ông nói đến lòng ông. Việc vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời liên hệ đến lòng, nó cần được chúng ta chú ý đặc biệt vì lòng là con người bề trong thể hiện qua tất cả các hoạt động trong đời sống chúng ta và gồm các ý tưởng, thái độ, ước muốn, động lực, mục tiêu của chúng ta.
13. a) Điều gì có thể chứng tỏ rằng một người có hai lòng? b) Khi chúng ta vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời, thì chúng ta nên nhắm tới mục tiêu nào?
13 Kinh-thánh cảnh cáo chúng ta rằng một người có thể có hai lòng. Lòng có thể là dối trá (Thi-thiên 12:2; Giê-rê-mi 17:9). Lòng có thể thúc đẩy chúng ta tham gia vào hoạt động lành mạnh—đi dự các buổi họp của hội thánh và rao giảng—nhưng lòng chúng ta cũng có thể ưa thích những khía cạnh nào đó của lối sống thế gian. Điều này có thể ngăn cản chúng ta thật sự hết lòng phục vụ cho quyền lợi Nước Trời. Rồi lòng dối trá có thể tìm cách thuyết phục chúng ta rằng, nghĩ cho cùng, chúng ta cũng làm việc bằng nhiều người khác vậy. Hoặc có lẽ ở trường học hay ở chỗ làm việc, lòng có thể bị ảnh hưởng bởi sự sợ người ta. Thành thử, trong những môi trường đó, chúng ta có thể ngần ngại không muốn cho họ biết rằng chúng ta là Nhân-chứng Giê-hô-va và có lẽ còn làm những điều không thích hợp cho tín đồ đấng Christ nữa. Tuy nhiên, sau đó chúng ta bị lương tâm cắn rứt. Chúng ta không muốn là loại người như thế. Do đó, giống như người viết Thi-thiên, chúng ta cầu nguyện Đức Giê-hô-va: “Xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”. Chúng ta muốn toàn diện con người bề trong, như được thể hiện qua tất cả các hoạt động của đời sống chúng ta, chứng tỏ rằng chúng ta “kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài” (Truyền-đạo 12:13).
14, 15. a) Khi tiên tri về sự phục hưng của dân Y-sơ-ra-ên khỏi gông cùm của Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va hứa ban cho dân sự Ngài điều gì? b) Đức Giê-hô-va đã làm gì với ý định đặt sự kính sợ Đức Chúa Trời trong lòng dân sự Ngài? c) Tại sao dân Y-sơ-ra-ên xây bỏ đường lối của Đức Giê-hô-va?
14 Đức Giê-hô-va hứa sẽ ban cho dân sự Ngài một lòng kính sợ như thế đối với Đức Chúa Trời. Ngài tiên tri về sự phục hưng của dân Y-sơ-ra-ên, như chúng ta đọc nơi Giê-rê-mi 32:37-39: “Ta sẽ đem chúng nó về trong chỗ nầy, khiến chúng nó ở yên-ổn. Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó. Ta sẽ ban cho chúng nó một lòng một đường-lối như nhau, hầu cho kính-sợ ta đời đời, để chúng nó và con cháu nối sau đều được phước”. Trong Giê-rê-mi 32 câu 40 lời hứa của Đức Chúa Trời được nhấn mạnh: “Ta sẽ đặt sự kính-sợ ta vào lòng, để chúng nó không còn lìa khỏi ta”. Năm 537 trước công nguyên, Đức Giê-hô-va thật đã đem họ trở về Giê-ru-sa-lem, như Ngài hứa. Nhưng về phần còn lại của lời hứa đó—là Ngài sẽ cho họ ‘một lòng hầu cho kính sợ Ngài đời đời’—thì sao? Tại sao dân tộc Y-sơ-ra-ên xưa đã xây khỏi Đức Giê-hô-va sau khi Ngài đem họ từ Ba-by-lôn trở về, để rồi đền thờ của họ bị hủy phá năm 70 công nguyên, và không bao giờ được xây cất lại nữa?
15 Đó không phải là vì sự thiếu sót nào của Đức Giê-hô-va. Thật thế, Đức Giê-hô-va đã dùng nhiều biện pháp để đặt sự kính sợ Đức Chúa Trời vào lòng dân sự Ngài. Ngài biểu lộ lòng thương xót qua việc giải cứu họ ra khỏi Ba-by-lôn và cho họ trở về quê hương, Ngài cho họ mọi lý do để kính trọng Ngài một cách sâu xa. Ngài dùng những nhà tiên tri như A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi để nhấn mạnh tất cả điều đó bằng lời nhắc nhở, khuyên nhủ và sửa trị; Ngài sai E-xơ-ra đến để giảng dạy họ, cũng như Ngài dùng quan Tổng trấn Nê-hê-mi, và Con của chính Ngài. Đôi khi dân sự nghe lời Ngài. Họ nghe lời khi họ xây cất lại đền thờ của Đức Giê-hô-va nhờ có sự khuyến khích của A-ghê và Xa-cha-ri, và khi họ đuổi các vợ ngoại bang vào thời E-xơ-ra (E-xơ-ra 5:1, 2; 10:1-4). Nhưng thường thì họ không vâng lời Ngài. Họ không kiên định trong việc chăm chỉ lắng nghe; họ không tiếp tục đón nhận lời khuyên; họ không tiếp tục mở rộng lòng họ. Dân Y-sơ-ra-ên không vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời, thành thử nó không là nguồn lực thúc đẩy trong đời sống họ (Ma-la-chi 1:6; Ma-thi-ơ 15:7, 8).
16. Đức Giê-hô-va đặt sự kính sợ Đức Chúa Trời trong lòng của ai?
16 Tuy thế, lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc đặt sự kính sợ Đức Chúa Trời trong lòng dân sự Ngài đã được thực hiện. Ngài đã lập một giao ước mới với Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức tín đồ đấng Christ được Ngài ban cho hy vọng lên trời (Giê-rê-mi 31:33; Ga-la-ti 6:16). Năm 1919, Ngài cứu họ ra khỏi gông cùm của Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả. Ngài đặt vững vàng trong lòng họ sự kính sợ Ngài. Điều này đã đem lại lợi ích dồi dào cho họ và cho đám đông “vô-số người”, có hy vọng sống trên đất để làm dân của Nước Trời (Giê-rê-mi 32:39; Khải-huyền 7:9). Sự kính sợ Đức Giê-hô-va cũng có ở trong lòng những người này nữa!
Sự kính sợ Đức Chúa Trời được đặt trong lòng chúng ta như thế nào
17. Đức Giê-hô-va đặt sự kính sợ trong lòng chúng ta như thế nào?
17 Đức Giê-hô-va đặt sự kính sợ này trong lòng chúng ta như thế nào? Qua hoạt động của thánh linh Ngài. Và thánh linh đã sản xuất gì cho chúng ta? Chính cuốn Kinh-thánh, Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16, 17). Qua những gì Ngài đã làm trong quá khứ, qua sự đối đãi với tôi tớ Ngài thời nay để làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ngài, và qua những lời tiên tri về chuyện sắp đến, Đức Giê-hô-va cung cấp một căn bản vững chắc để tất cả chúng ta vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời (Giô-suê 24:2-15; Hê-bơ-rơ 10:30, 31).
18, 19. Các hội nghị và các buổi họp của hội thánh giúp chúng ta đạt được sự kính sợ Đức Chúa Trời như thế nào?
18 Hãy chú ý đến những gì ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:10, Đức Giê-hô-va nói với Môi-se: “Hãy nhóm-hiệp dân-sự để ta khiến chúng nghe lời ta, hầu cho tập kính-sợ ta đương lúc họ còn sống nơi thế-thượng, và dạy lời đó cho con-cái mình”. Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va đã cung cấp nhiều thứ để giúp chúng ta tập kính sợ Ngài. Tại các hội nghị và các buổi họp của hội thánh, chúng ta thuật lại bằng cớ về sự nhân từ đầy yêu thương và lòng tốt của Đức Giê-hô-va. Chúng ta đã làm điều đó khi học cuốn sách Bạn có thể Sống đời đời trong Địa-đàng trên Đất. Sự học hỏi đó đã ảnh hưởng bạn và thái độ của bạn đối với Đức Giê-hô-va như thế nào? Khi bạn thấy nhiều khía cạnh khác nhau của cá tính cao cả của Cha trên trời chúng ta phản ảnh qua Con Ngài, điều này có củng cố thêm lòng ước muốn của bạn là không bao giờ làm Đức Chúa Trời buồn lòng không? (Cô-lô-se 1:15).
19 Tại các buổi họp, chúng ta cũng học các sự tường thuật về việc Đức Giê-hô-va giải cứu dân sự Ngài trong quá khứ (II Sa-mu-ên 7:23). Khi chúng ta đọc sách Khải-huyền trong Kinh-thánh, chúng ta học về các sự hiện thấy có tính cách tiên tri đã ứng nghiệm vào thế kỷ 20 này và về những biến cố đáng sợ sắp xảy ra. Về tất cả các công việc thể ấy của Đức Chúa Trời, Thi-thiên 66:5 nói như sau: “Hãy đến, xem các việc của Đức Chúa Trời: Công-việc Ngài làm cho con-cái loài người thật đáng sợ”. Vâng, nếu chúng ta có quan điểm đúng, các công việc này của Đức Chúa Trời gieo vào lòng chúng ta một sự kính sợ sâu xa đối với Đức Giê-hô-va. Như vậy, chúng ta có thể hiểu Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa của Ngài thế nào: “Ta sẽ đặt sự kính-sợ ta vào lòng, để chúng nó không còn lìa khỏi ta” (Giê-rê-mi 32:40).
20. Muốn cho sự kính sợ Đức Chúa Trời in sâu vào lòng, chúng ta cần phải làm gì?
20 Tuy vậy, điều hiển nhiên là sự kính sợ Đức Chúa Trời không ở trong lòng chúng ta nếu chính chúng ta không cố gắng gì cả. Kết quả không phải tự nhiên mà có. Đức Giê-hô-va làm phần của Ngài. Chúng ta phải làm phần của chúng ta bằng cách vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29). Dân Y-sơ-ra-ên xác thịt đã không làm như vậy. Nhưng với sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và các bạn đồng hành của họ đang hưởng nhiều lợi ích mà những người kính sợ Đức Chúa Trời nhận được. Chúng ta sẽ xem xét một số lợi ích này trong bài kế tiếp.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Sự kính sợ Đức Chúa Trời là gì?
◻ Chúng ta được dạy dỗ để tìm sự vui vẻ trong việc kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Muốn có sự kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải có sự cố gắng nào?
◻ Tại sao việc đạt được sự kính sợ Đức Chúa Trời có liên hệ đến mọi khía cạnh của lòng chúng ta?
[Hình nơi trang 13]
Chúng ta cần học hỏi chăm chỉ để hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va