Đức tin—Một phẩm chất giúp vững mạnh
Đức tin có sức mạnh vô cùng lớn. Chẳng hạn, dù Sa-tan muốn hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va, nhưng đức tin có thể giúp mình “dập tắt mọi mũi tên lửa của Kẻ Ác” (Ê-phê 6:16). Với đức tin, chúng ta có thể đương đầu với những vấn đề lớn như núi. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Nếu anh em có đức tin chỉ bằng hạt cải thì khi anh em bảo núi này: ‘Hãy dời từ đây qua đó’, nó sẽ dời đi” (Mat 17:20). Đức tin có thể giúp chúng ta vững mạnh về thiêng liêng, vì thế hãy xem xét những câu hỏi sau: Đức tin là gì? Tình trạng lòng ảnh hưởng thế nào đến đức tin của mình? Làm thế nào để củng cố đức tin? Và chúng ta nên đặt đức tin nơi ai?—Rô 4:3.
ĐỨC TIN LÀ GÌ?
Đức tin bao hàm nhiều hơn là chỉ tin những gì Kinh Thánh nói, vì “các quỷ cũng tin [Đức Chúa Trời hiện hữu] và run sợ” (Gia 2:19). Nếu vậy thì đức tin là gì?
Kinh Thánh định nghĩa đức tin có hai khía cạnh. Thứ nhất, “đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật” (Hê 11:1a). Nếu có đức tin, chúng ta tin chắc mọi điều Đức Giê-hô-va nói là sự thật và sẽ được ứng nghiệm. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Nếu các con có thể hủy bỏ giao ước của ta về ban ngày và giao ước của ta về ban đêm, khiến cho ngày và đêm không đến đúng lúc nữa, thì bấy giờ giao ước của ta với tôi tớ ta là Đa-vít mới có thể bị hủy bỏ” (Giê 33:20, 21). Có bao giờ anh chị sợ rằng mặt trời ngừng mọc và ngày đêm ngừng trôi không? Nếu không bao giờ nghi ngờ những định luật vật lý giữ cho trái đất quay quanh trục và di chuyển quanh mặt trời, thì mình có nên nghi ngờ đấng tạo ra những định luật đó không thể thực hiện lời hứa của ngài không? Dĩ nhiên là không!—Ê-sai 55:10, 11; Mat 5:18.
Thứ hai, đức tin là “bằng chứng rõ ràng của những điều có thật nhưng không nhìn thấy được”. Đức tin được xem là “bằng chứng rõ ràng” hoặc “bằng chứng có sức thuyết phục” của những điều mà mắt không thấy được nhưng có thật (Hê 11:1b, chú thích). Như thế nào? Nói sao nếu một em nhỏ hỏi anh chị “Làm sao mình biết là có không khí?”. Dù chưa bao giờ nhìn thấy không khí, anh chị vẫn có thể lý luận với em về bằng chứng cho thấy là có không khí, chẳng hạn như hơi thở và gió. Một khi đã tin chắc bằng chứng đưa ra, em sẽ tin là có những điều mà mắt không thể thấy được nhưng có thật. Tương tự, đức tin dựa trên bằng chứng vững chắc.—Rô 1:20.
LÒNG QUÝ TRỌNG LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT
Vì đức tin dựa trên bằng chứng, nên để có đức tin, trước hết một người cần “hiểu biết chính xác về chân lý” (1 Ti 2:4). Nhưng điều đó thôi thì chưa đủ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nhờ lòng thể hiện đức tin mà đạt được sự công chính” (Rô 10:10). Một người không chỉ cần tin mà còn cần có lòng quý trọng chân lý. Chỉ khi đó người ấy mới được thúc đẩy để thể hiện đức tin, tức hành động phù hợp với chân lý (Gia 2:20). Một người không quý trọng chân lý có lẽ sẽ bác bỏ ngay cả bằng chứng có sức thuyết phục vì không muốn thay đổi thành kiến đã ăn sâu hoặc muốn chiều theo ham muốn của xác thịt (2 Phi 3:3, 4; Giu 18). Đó là lý do tại sao vào thời Kinh Thánh, không phải tất cả những ai chứng kiến phép lạ đều đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va (Dân 14:11; Giăng 12:37). Thần khí thánh của Đức Chúa Trời chỉ giúp những ai có lòng quý trọng chân lý, thay vì tin vào những lời dối trá, sinh ra đức tin.—Ga 5:22; 2 Tê 2:10, 11.
LÀM THẾ NÀO ĐA-VÍT VUN TRỒNG ĐỨC TIN VỮNG MẠNH?
Vua Đa-vít là một trong những người có đức tin nổi bật (Hê 11:32, 33). Tuy nhiên, không phải mọi người trong gia đình ông đều có đức tin như thế. Chẳng hạn, có lần anh cả của Đa-vít là Ê-li-áp đã cho thấy ông thiếu đức tin khi quở trách Đa-vít vì Đa-vít tỏ ra tức giận về lời thách đấu của Gô-li-át (1 Sa 17:26-28). Đức tin không tự có khi một người được sinh ra, cũng không được thừa hưởng từ cha mẹ. Do đó, đức tin của Đa-vít có được là nhờ mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời.
Nơi Thi thiên 27, Đa-vít cho thấy làm thế nào ông có đức tin mạnh như thế (câu 1). Đa-vít suy ngẫm về những kinh nghiệm trong quá khứ và cách Đức Giê-hô-va giúp ông đương đầu với quân địch (câu 2, 3). Ông quý trọng sâu xa sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng (câu 4). Đa-vít cùng những người đồng đức tin thờ phượng Đức Chúa Trời tại lều thánh (câu 6). Ông tha thiết tìm kiếm Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện (câu 7, 8). Ông cũng muốn được chỉ dẫn theo đường lối của Đức Chúa Trời (câu 11). Đức tin là phẩm chất quan trọng với Đa-vít đến độ ông thốt lên: “Tôi nay ra sao nếu không tin chắc?”.—Câu 13.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN?
Anh chị cũng có thể có đức tin như Đa-vít nếu bắt chước tinh thần và thói quen của ông như được mô tả nơi Thi thiên 27. Vì đức tin dựa trên sự hiểu biết chính xác, nên càng học Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, anh chị càng dễ vun trồng đức tin, một khía cạnh của bông trái thần khí (Thi 1:2, 3). Hãy dành thời gian suy ngẫm khi học hỏi. Việc suy ngẫm những gì học được sẽ giúp anh chị gia tăng lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va. Khi càng biết ơn Đức Giê-hô-va sâu đậm, anh chị sẽ càng muốn thể hiện đức tin bằng cách thờ phượng ngài tại các buổi nhóm họp và công bố niềm hy vọng của mình với người khác (Hê 10:23-25). Ngoài ra, chúng ta chứng tỏ đức tin của mình qua việc tiếp tục “cầu nguyện và không bỏ cuộc” (Lu 18:1-8). Vì thế, hãy “không ngừng cầu nguyện” với Đức Giê-hô-va, tin rằng ‘ngài quan tâm đến anh chị’ (1 Tê 5:17; 1 Phi 5:7). Đức tin sẽ thúc đẩy chúng ta làm điều đúng, và khi làm điều đúng, đức tin chúng ta trở nên vững mạnh.—Gia 2:22.
THỂ HIỆN ĐỨC TIN NƠI CHÚA GIÊ-SU
Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hãy thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời; cũng hãy thể hiện đức tin nơi tôi” (Giăng 14:1). Vì thế, chúng ta không chỉ cần thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va mà còn nơi Chúa Giê-su. Làm thế nào để thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su? Hãy xem ba cách sau.
Thứ nhất, hãy xem giá chuộc là món quà mà Đức Chúa Trời dành cho cá nhân anh chị. Sứ đồ Phao-lô nói: ‘Tôi sống theo đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, đấng yêu thương tôi và phó chính mình vì tôi’ (Ga 2:20). Khi thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su, chúng ta tin chắc giá chuộc áp dụng cho mình, và giá chuộc là cơ sở để được tha tội, để có hy vọng sống vĩnh cửu và là bằng chứng lớn nhất về tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta (Rô 8:32, 38, 39; Ê-phê 1:7). Điều này sẽ làm chúng ta vững mạnh và chế ngự những cảm xúc tiêu cực về bản thân.—2 Tê 2:16, 17.
Thứ hai, hãy đến gần với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su. Nhờ giá chuộc, chúng ta có thể dạn dĩ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, “hầu có thể hưởng sự thương xót và lòng nhân từ bao la để được giúp đỡ vào đúng lúc” (Hê 4:15, 16; 10:19-22). Lời cầu nguyện củng cố lòng quyết tâm của chúng ta để không sa vào cám dỗ.—Lu 22:40.
Thứ ba, hãy vâng lời Chúa Giê-su. Sứ đồ Giăng viết: “Ai thể hiện đức tin nơi Con sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu; ai không vâng lời Con sẽ không thấy sự sống, nhưng phải gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36). Hãy lưu ý rằng Giăng cho thấy có sự tương phản giữa việc thể hiện đức tin và việc không vâng lời. Vì thế, chúng ta thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su khi vâng lời ngài. Chúng ta vâng lời Chúa Giê-su bằng cách làm theo “luật pháp của Đấng Ki-tô”, tức mọi sự dạy dỗ của ngài (Ga 6:2). Chúng ta cũng vâng lời Chúa Giê-su khi theo sát sự hướng dẫn mà ngài cung cấp qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Khi vâng lời Chúa Giê-su, chúng ta sẽ được vững mạnh để đương đầu với những vấn đề tựa như giông bão.—Lu 6:47, 48.
“HÃY XÂY DỰNG CHÍNH MÌNH TRÊN NỀN ĐỨC TIN RẤT THÁNH”
Lần nọ, có một người đàn ông cầu xin Chúa Giê-su: “Tôi có đức tin! Xin giúp tôi có thêm đức tin!” (Mác 9:24). Dù đã có một lượng đức tin nhưng ông khiêm nhường nhận ra là mình cần thêm đức tin. Như người đàn ông ấy, tất cả chúng ta đều có những tình huống trong đời sống đòi hỏi mình cần nhiều đức tin hơn. Và hết thảy chúng ta có thể củng cố đức tin ngay bây giờ. Như đã xem, chúng ta củng cố đức tin bằng cách học và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, là điều sẽ giúp mình gia tăng lòng biết ơn với Đức Giê-hô-va. Đức tin cũng vững mạnh hơn khi chúng ta cùng anh em đồng đạo phụng sự Đức Giê-hô-va, công khai công bố niềm hy vọng và kiên trì cầu nguyện. Hơn nữa, khi củng cố đức tin, chúng ta nhận được phần thưởng lớn nhất. Lời Đức Chúa Trời khuyến giục: “Hỡi anh em yêu dấu, hãy xây dựng chính mình trên nền đức tin rất thánh,... nhờ đó anh em giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời”.—Giu 20, 21.