Chương 2
Cuốn sách tiết lộ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời
1, 2. Tại sao chúng ta cần sự hướng dẫn của Đấng Tạo hóa?
ĐẤNG TẠO HÓA đầy yêu thương ban cho nhân loại một cuốn sách để dạy dỗ và hướng dẫn họ là điều rất hợp lý. Và bạn đồng ý là nhân loại cần có sự hướng dẫn, phải không?
2 Hơn 2.500 năm trước đây, một nhà tiên tri và sử gia viết: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23). Ngày nay, lời đó rõ ràng đúng sự thực hơn bao giờ hết! Vì thế, sử gia William H. McNeill nhận xét: “Loài người trên trái đất này gần như luôn luôn phải trải qua những cuộc khủng hoảng và rối loạn về trật tự xã hội”.
3, 4. a) Chúng ta nên bắt đầu học hỏi Kinh-thánh với quan điểm nào? b) Chúng ta tiếp tục xem xét Kinh-thánh như thế nào?
3 Chúng ta rất cần sự chỉ dẫn khôn ngoan và Kinh-thánh đáp ứng tất cả các nhu cầu đó. Đúng, nhiều người cảm thấy có quá nhiều điều trong cuốn Kinh-thánh khi mới xem qua. Đó là một cuốn sách dày, và có một vài phần khó hiểu. Nhưng nếu có ai đưa cho bạn một tờ di chúc cho biết những điều bạn phải làm để thừa hưởng một gia tài đồ sộ, thì bạn sẽ dành thì giờ để xem xét tờ di chúc đó một cách cẩn thận, phải không? Nếu thấy tờ di chúc có những chỗ khó hiểu, bạn rất có thể sẽ nhờ người có kinh nghiệm về việc này giúp đỡ bạn. Chúng tôi khuyến khích bạn nên bắt đầu học hỏi Kinh-thánh với quan điểm tương tự như thế (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11). Điều này còn quan trọng hơn là việc thừa hưởng gia tài. Như chúng ta đã biết trong chương trước, sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có thể đưa chúng ta đến sự sống đời đời.
4 Chúng ta hãy xem xét cuốn sách tiết lộ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Trước hết, chúng tôi sẽ trình bày một cách khái quát về cuốn Kinh-thánh. Rồi chúng ta sẽ thảo luận lý do tại sao nhiều người hiểu biết tin rằng đó là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn.
NHỮNG ĐIỀU NẰM TRONG KINH-THÁNH
5. a) Người ta thấy gì trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ? b) Còn Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp có gì?
5 Kinh-thánh gồm có 66 cuốn sách nhỏ nằm trong hai phần mà người ta thường gọi là Cựu Ước và Tân Ước. Hầu hết 39 cuốn sách của Kinh-thánh được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và 27 cuốn bằng tiếng Hy Lạp. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, gồm các sách từ Sáng-thế Ký đến Ma-la-chi, đề cập đến sự sáng tạo cũng như 3.500 năm đầu của lịch sử loài người. Khi chúng ta xem xét phần này của Kinh-thánh, chúng ta biết cách Đức Chúa Trời cư xử với dân Y-sơ-ra-ên—từ lúc họ bắt đầu lập quốc vào thế kỷ 16 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.a Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, gồm các sách từ Ma-thi-ơ đến Khải-huyền, chú trọng đến những sự dạy dỗ và hoạt động của Giê-su Christ và các môn đồ ngài trong thế kỷ thứ nhất công nguyên.
6. Tại sao chúng ta nên học toàn thể cuốn Kinh-thánh?
6 Một số người nói rằng “Cựu Ước” là cho dân Do Thái và “Tân Ước” thì cho tín đồ đấng Christ. Nhưng theo II Ti-mô-thê 3:16, thì “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, [và] có ích”. Vì thế, muốn học hỏi Kinh-thánh một cách đúng đắn thì phải học toàn thể cuốn Kinh-thánh. Thực sự là hai phần của cuốn Kinh-thánh bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau để phát triển một đề tài chung.
7. Đề tài của Kinh-thánh là gì?
7 Có lẽ bạn đã đi lễ nhà thờ nhiều năm rồi và được nghe đọc một số câu Kinh-thánh. Hoặc bạn có lẽ đã tự đọc những đoạn trong Kinh-thánh. Bạn có biết rằng từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền, Kinh-thánh có một đề tài không? Vâng, toàn cuốn Kinh-thánh có một đề tài hòa hợp. Đề tài đó là gì? Đó là sự biện minh cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời và nhờ Nước Trời nên ý định đầy yêu thương của Ngài được thành tựu. Trong một chương khác, chúng ta sẽ thấy làm thế nào Đức Chúa Trời thực hiện ý định của Ngài.
8. Kinh-thánh cho chúng ta biết gì về cá tính của Đức Chúa Trời?
8 Ngoài việc nêu ra ý định của Đức Chúa Trời, Kinh-thánh còn cho chúng ta biết về cá tính của Ngài. Thí dụ, Kinh-thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời có cảm xúc và những điều chúng ta lựa chọn đều quan trọng đối với Ngài (Thi-thiên 78:40, 41; Châm-ngôn 27:11; Ê-xê-chi-ên 33:11). Thi-thiên 103:8-14 nói rằng Đức Chúa Trời “có lòng thương-xót, hay làm ơn, chậm nóng-giận, và đầy sự nhơn-từ”. Ngài lấy lòng thương xót cư xử với chúng ta, ‘nhớ lại rằng chúng ta được tạo ra bằng bụi đất’ và khi chết đi, chúng ta sẽ trở về với bụi đất (Sáng-thế Ký 2:7; 3:19). Ngài bày tỏ những đức tính tuyệt diệu làm sao! Đây không phải là Đức Chúa Trời mà bạn muốn thờ phượng hay sao?
9. Kinh-thánh cho chúng ta một quan điểm rõ ràng về tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời như thế nào, và sự hiểu biết đó có lợi cho chúng ta như thế nào?
9 Kinh-thánh giúp chúng ta có một quan điểm rõ ràng về những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Những tiêu chuẩn đó đôi khi được xem là luật pháp. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn đó thường thường phản ảnh những nguyên tắc nằm trong bài học thực tế. Đức Chúa Trời cho ghi lại một số biến cố nào đó trong lịch sử xưa của dân Y-sơ-ra-ên để chúng ta được lợi ích. Những lời tường thuật thẳng thắn đó cho thấy chuyện gì xảy ra khi dân chúng hành động phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời, cũng như hậu quả thảm thương khi họ làm theo ý mình (I Các Vua 5:4; 11:4-6; II Sử-ký 15:8-15). Chắc chắn chúng ta sẽ động lòng khi đọc những lời tường thuật về những chuyện có thật đó. Nếu chúng ta cố hình dung những sự kiện được ghi lại, thì chúng ta mới có thể đồng cảm được với những người trong chuyện. Vì thế, chúng ta có thể nhận được lợi ích qua những gương tốt và tránh những cạm bẫy mà những người phạm tội mắc phải. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng cần được trả lời: Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những điều chúng ta đọc trong Kinh-thánh thật sự được Đức Chúa Trời soi dẫn?
BẠN CÓ THỂ TIN KINH-THÁNH KHÔNG?
10. a) Tại sao một số người cảm thấy rằng Kinh-thánh đã lỗi thời? b) II Ti-mô-thê 3:16, 17 cho chúng ta biết gì về Kinh-thánh?
10 Bạn có lẽ thấy nhiều sách xử thế đã trở thành lỗi thời chỉ trong vòng vài năm. Còn cuốn Kinh-thánh thì sao? Cuốn sách này rất cổ, và được viết xong cách đây gần 2.000 năm. Vì thế, một số người cảm thấy rằng Kinh-thánh không thích hợp với thời đại tân tiến này. Nhưng nếu Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn, thì lời khuyên trong Kinh-thánh phải luôn luôn là cập nhật dù đó là một cuốn sách cổ. Kinh-thánh vẫn phải “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
11-13. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Kinh-thánh rất thực tiễn cho thời chúng ta?
11 Khi xem xét Kinh-thánh một cách kỹ lưỡng, người ta thấy các nguyên tắc của Kinh-thánh thích hợp với thời nay cũng như thời Kinh-thánh mới được viết ra. Thí dụ, khi bàn về bản chất của con người, Kinh-thánh phản ảnh sự hiểu biết sâu sắc thích hợp với mọi thế hệ loài người. Chúng ta có thể dễ dàng thấy điều này trong Bài Giảng trên Núi của Giê-su được ghi trong sách Ma-thi-ơ 5-7, từ đoạn 5 đến 7. Bài giảng này làm cố lãnh tụ Ấn Độ là Mohandas K. Gandhi khâm phục đến độ người ta thuật lại rằng ông đã nói với một nhân viên chính quyền Anh: “Khi nước ông và nước tôi đồng ý làm theo những lời dạy dỗ của đấng Christ ghi trong Bài Giảng trên Núi, thì chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề, không phải chỉ giữa hai nước chúng ta mà thôi, nhưng của cả thế giới nữa”.
12 Không lạ gì khi người ta khâm phục sự dạy dỗ của Giê-su! Trong Bài Giảng trên Núi, ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự. Ngài giải thích làm thế nào người ta có thể dàn xếp những mối bất hòa. Giê-su cho chúng ta biết cách cầu nguyện. Ngài chỉ rõ làm sao để có quan điểm khôn ngoan nhất đối với nhu cầu vật chất và cho người ta Luật Vàng để giúp họ có sự liên lạc đúng đắn với nhau. Ngoài ra, Bài Giảng này cũng chỉ cách nhận ra được sự lừa đảo của tôn giáo và làm sao có được một tương lai vững chắc.
13 Trong Bài Giảng trên Núi và trong suốt những trang còn lại, Kinh-thánh cho chúng ta biết rõ ràng những điều chúng ta nên làm và những điều chúng ta nên tránh để có đời sống tốt đẹp. Những lời khuyên trong Kinh-thánh thực tiễn đến độ một nhà giáo dục phải nói: “Tuy tôi là một giáo sư cố vấn học sinh trung học, có bằng cử nhân và thạc sĩ, và đọc rất nhiều sách về sức khỏe thần kinh và tâm lý, nhưng về những vấn đề như thành công trong hôn nhân, ngăn ngừa sự phạm pháp của thanh thiếu niên và làm sao có được bạn bè thì tôi thấy Kinh-thánh có lời khuyên hay hơn tất cả những điều tôi đã đọc hoặc học ở đại học rất nhiều”. Ngoài việc thực tiễn và cập nhật, Kinh-thánh còn đáng cho người ta tin cậy.
CHÍNH XÁC VÀ ĐÁNG TIN CẬY
14. Điều gì cho thấy Kinh-thánh chính xác về khoa học?
14 Mặc dầu Kinh-thánh không phải là một sách giáo khoa về khoa học, nhưng lại rất chính xác về khoa học. Thí dụ, vào thời mà phần lớn người ta tin rằng trái đất bằng phẳng, nhà tiên tri Ê-sai nói nó là “vòng” (tiếng Hê-bơ-rơ là chugh, ở đây cho người ta có ý niệm là “khối cầu”) (Ê-sai 40:22). Nhiều người không chấp nhận ý niệm trái đất là một khối cầu cho đến hàng ngàn năm sau thời Ê-sai. Hơn nữa, nơi Gióp 26:7—viết hơn 3.000 năm trước đây—nói rằng Đức Chúa Trời “treo trái đất trong khoảng không-không”. Một học giả Kinh-thánh nói: “Thiên văn học cho biết trái đất treo lơ lửng trong không gian. Nhưng làm sao Gióp lại biết được điều này trước đó? Đây là câu hỏi mà những người không chấp nhận Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn sẽ không dễ gì trả lời”.
15. Cách tường thuật trong Kinh-thánh củng cố sự tin tưởng của chúng ta nơi Kinh-thánh như thế nào?
15 Cách tường thuật trong Kinh-thánh cũng làm chúng ta tin cuốn sách cổ này nhiều hơn nữa. Không như những chuyện hoang đường, những chuyện trong Kinh-thánh đều có ghi tên các nhân vật và ngày tháng rõ ràng (I Các Vua 14:25; Ê-sai 36:1; Lu-ca 3:1, 2). Và trong khi các sử gia thời xưa luôn luôn phóng đại những chiến thắng của vua chúa họ và che giấu những cuộc thất trận và lỗi lầm, thì người viết Kinh-thánh lại thẳng thắn và thành thật—ngay cả về những tội trọng của chính họ (Dân-số Ký 20:7-13; II Sa-mu-ên 12:7-14; 24:10).
SÁCH TIÊN TRI
16. Bằng chứng nào hùng hồn nhất cho thấy Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn?
16 Lời tiên tri được ứng nghiệm là bằng chứng rõ ràng xác định Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Kinh-thánh có nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm đến tận chi tiết. Hiển nhiên, người phàm không thể nào làm được việc này. Vậy thì điều gì khiến người ta nói những lời tiên tri đó? Chính Kinh-thánh giải thích: “Chẳng hề có lời tiên tri nào là do ý một người nào mà ra, nhưng những người do Đức Chúa Trời và được thánh linh [hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời] cảm động đã nói tiên tri” (II Phi-e-rơ 1:21, NW). Hãy xem vài thí dụ.
17. Những lời tiên tri nào nói trước về sự sụp đổ của Ba-by-lôn, và những lời đó được ứng nghiệm ra sao?
17 Sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Cả Ê-sai lẫn Giê-rê-mi đều nói trước rằng Ba-by-lôn sẽ rơi vào tay dân Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Điều đáng lưu ý là lời tiên tri của Ê-sai về biến cố này được ghi lại khi Ba-by-lôn đương ở trong thời kỳ cực thịnh, khoảng 200 năm trước khi bị tiêu diệt! Sau đây là những khía cạnh của lời tiên tri có ghi trong lịch sử: sông Ơ-phơ-rát bị cạn vì người ta rẽ nước cho chảy sang một hồ nhân tạo (Ê-sai 44:27; Giê-rê-mi 50:38); việc canh gác hời hợt tại những cửa thành Ba-by-lôn bên bờ sông (Ê-sai 45:1); và cuộc chinh phục của vị vua tên là Si-ru (Ê-sai 44:28).
18. Lời tiên tri của Kinh-thánh về sự thăng trầm của “vua nước Gờ-réc” được ứng nghiệm thế nào?
18 Sự thăng trầm của “vua nước Gờ-réc”. Trong một sự hiện thấy, Đa-ni-ên thấy một con dê đực húc con chiên đực làm gẫy hai sừng của nó, và vật nó xuống đất. Rồi, cái sừng lớn của con dê đực gãy đi, và bốn cái sừng mọc lên ở chỗ đó (Đa-ni-ên 8:1-8). Đa-ni-ên được giải thích như sau: “Con chiên đực mà ngươi đã thấy, có hai sừng, đó là các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Con dê xờm đực, tức là vua nước Gờ-réc; và cái sừng lớn ở giữa hai con mắt, tức là vua đầu nhất. Về sừng đã gẫy đi, có bốn sừng mọc lên trong chỗ nó: tức là bốn nước bởi dân-tộc đó dấy lên, song quyền-thế không bằng sừng ấy” (Đa-ni-ên 8:20-22). Đúng như lời tiên tri này, khoảng hai thế kỷ sau, “vua nước Gờ-réc” là A Lịch Sơn Đại đế lật đổ Đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ được tượng trưng bằng hai cái sừng. A Lịch Sơn Đại đế chết năm 323 trước công nguyên, và cuối cùng bốn tướng của ông lên thay. Tuy nhiên, không nước của vị tướng nào mạnh bằng đế quốc ông.
19. Những lời tiên tri nào đã được ứng nghiệm nơi Giê-su Christ?
19 Cuộc đời của Giê-su. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có rất nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm về việc Giê-su ra đời, về thánh chức, cái chết và sự sống lại của ngài. Thí dụ, hơn 700 năm trước khi Giê-su ra đời, Mi-chê tiên tri rằng đấng Mê-si, hay đấng Christ, sẽ sinh tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:1; Lu-ca 2:4-7). Ê-sai, người cùng thời với Mi-chê, nói trước rằng đấng Mê-si sẽ bị người ta đánh và nhổ vào mặt (Ê-sai 50:6; Ma-thi-ơ 26:67). Năm trăm năm trước khi đấng Mê-si bị người ta phản vì 30 miếng bạc, Xa-cha-ri đã tiên tri về điều đó (Xa-cha-ri 11:12; Ma-thi-ơ 26:15). Hơn một ngàn năm trước khi Giê-su chết, Đa-vít đã nói về những hoàn cảnh liên quan đến cái chết của ngài (Thi-thiên 22:7, 8, 18; Ma-thi-ơ 27:35, 39-43). Và khoảng năm thế kỷ trước khi xảy ra, lời tiên tri của Đa-ni-ên tiết lộ khi nào đấng Mê-si sẽ xuất hiện cũng như ngài làm thánh chức bao lâu và khi nào thì ngài chết (Đa-ni-ên 9:24-27). Đây chỉ là vài thí dụ trong số những lời tiên tri đã ứng nghiệm nơi Giê-su Christ. Bạn sẽ thấy được lợi ích khi đọc nhiều về ngài trong những chương sau.
20. Sự kiện những lời tiên tri trong Kinh-thánh được hoàn toàn ứng nghiệm khiến chúng ta tin gì?
20 Người ta cũng thấy nhiều điều đã xảy ra đúng như những lời tiên tri trong Kinh-thánh nói cách đó rất lâu. Bạn có lẽ hỏi: “Nhưng, điều này có ảnh hưởng gì tới đời sống tôi?” Vậy thì nếu người nào đó nói thật với bạn nhiều năm nay, bạn có đột nhiên nghi ngờ khi người đó nói một điều mới không? Không! Đức Chúa Trời nói thật trong toàn thể cuốn Kinh-thánh. Chẳng lẽ điều này không giúp bạn đặt tin tưởng vào những điều Kinh-thánh hứa, chẳng hạn như những lời tiên tri về việc trái đất sắp trở thành một địa đàng sao? Quả thật, chúng ta cũng có thể tin như Phao-lô, một môn đồ của Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, là người viết rằng “Đức Chúa Trời không thể nói dối” (Tít 1:2). Ngoài ra, khi chúng ta đọc và áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh, chúng ta thực hành sự khôn ngoan mà loài người không thể tự đạt được, vì Kinh-thánh là một cuốn sách tiết lộ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời dẫn đến sự sống đời đời.
“HÃY HAM THÍCH” SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI
21. Bạn nên làm gì nếu một số điều bạn học trong Kinh-thánh có vẻ làm bạn hoang mang?
21 Khi học Kinh-thánh, bạn rất có thể biết những điều khác với những điều bạn được dạy trong quá khứ. Thậm chí bạn có lẽ thấy Đức Chúa Trời không hài lòng với những tục lệ tôn giáo mà bạn ưa thích. Bạn sẽ biết Đức Chúa Trời có những tiêu chuẩn cho biết điều gì đúng và sai, cao hơn những tiêu chuẩn thường thấy trong thế gian phóng túng này. Thoạt đầu, điều này có vẻ khiến bạn cảm thấy hoang mang. Nhưng bạn hãy kiên nhẫn! Hãy cẩn thận xem xét Kinh-thánh để tìm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Bạn nên có quan niệm cởi mở vì lời khuyên của Kinh-thánh có thể đòi hỏi bạn phải sửa đổi lối suy nghĩ và cách hành động.
22. Tại sao bạn học Kinh-thánh, và làm thế nào bạn có thể giúp người khác hiểu điều này?
22 Những bạn bè và người thân có ý tốt có thể không tán thành việc bạn học Kinh-thánh, nhưng Giê-su nói: “Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên-hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ai chối ta trước mặt thiên-hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 10:32, 33). Một số người có thể sợ bạn dính líu với một giáo phái hoặc trở thành người cuồng tín. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn chỉ gắng sức để có được sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài (I Ti-mô-thê 2:3, 4). Để giúp người khác hiểu điều này, bạn hãy bày tỏ tính phải lẽ, không tranh cãi khi nói với họ về những điều bạn đang học (Phi-líp 4:5). Hãy nhớ rằng nhiều người “dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo... cũng đủ hóa theo” khi họ thấy bằng chứng là sự hiểu biết về Kinh-thánh quả có lợi cho người ta (I Phi-e-rơ 3:1, 2).
23. Bạn có thể bày tỏ lòng “ham thích” sự hiểu biết về Đức Chúa Trời qua những cách nào?
23 Kinh-thánh khuyến khích chúng ta: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Lời [Đức Chúa Trời], như trẻ sơ sinh” (I Phi-e-rơ 2:2, NW). Trẻ sơ sinh tùy thuộc vào chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và đòi cho đến khi được thỏa lòng. Tương tự như vậy, chúng ta tùy thuộc vào sự hiểu biết đến từ Đức Chúa Trời. “Hãy ham thích” Lời Ngài bằng cách tiếp tục học hỏi. Đúng thế, bạn hãy đặt mục tiêu đọc Kinh-thánh mỗi ngày (Thi-thiên 1:1-3). Điều này sẽ đem lại cho bạn những ân phước dồi dào, vì Thi-thiên 19:11 nói về luật pháp của Đức Chúa Trời: “Ai gìn-giữ lấy, được phần thưởng lớn thay”.
[Chú thích]
a Trước công nguyên có nghĩa “trước kỷ nguyên chung”. Từ này chính xác hơn là “trước Chúa giáng sinh”. Công nguyên có nghĩa “kỷ nguyên chung”, thường được gọi là A.D., là chữ viết tắt của chữ anno Domini, có nghĩa “vào năm của Chúa chúng ta”.
TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN
Kinh-thánh hoàn toàn khác các sách khác về những phương diện nào?
Tại sao bạn có thể tin Kinh-thánh?
Điều gì chứng tỏ cho bạn thấy rằng Kinh-thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn?
[Khung nơi trang 14]
TRỞ NÊN QUEN THUỘC VỚI KINH-THÁNH
Trở nên quen thuộc với Kinh-thánh không nhất thiết là một điều khó khăn. Hãy dùng mục lục để biết thứ tự và biết sách nào trong Kinh-thánh nằm ở đâu.
Các sách trong Kinh-thánh có những đoạn và câu để dễ tham khảo. Trong thế kỷ 13, người ta chia Kinh-thánh thành nhiều đoạn, và vào thế kỷ 16, dường như một nhà ấn loát người Pháp chia Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp ra thành nhiều câu như hiện nay. Toàn bộ Kinh-thánh đầu tiên có cả số đoạn lẫn số câu là bản bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 1553.
Khi câu Kinh-thánh được trích dẫn trong sách này, thì số đầu tiên là số đoạn và số sau đó là số câu. Thí dụ, câu trích dẫn “Châm-ngôn 2:5” có nghĩa câu Kinh-thánh này trích trong sách Châm-ngôn, đoạn 2, câu 5. Nếu bạn tra những câu trích trong Kinh-thánh, thì trong một thời gian ngắn bạn sẽ cảm thấy dễ tìm những câu Kinh-thánh.
Đọc Kinh-thánh hàng ngày là cách tốt nhất để trở nên quen thuộc với Kinh-thánh. Mới đầu, việc này có vẻ như là một sự thử thách. Nhưng nếu bạn đọc từ ba tới năm đoạn mỗi ngày, tùy theo những đoạn đó dài hay ngắn, bạn sẽ đọc hết cuốn Kinh-thánh trong vòng một năm. Chúng tôi khuyến khích bạn bắt đầu ngày hôm nay.
[Khung nơi trang 19]
KINH-THÁNH—MỘT CUỐN SÁCH ĐẶC BIỆT
• Kinh-thánh là bởi “Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Mặc dầu những lời trong Kinh-thánh là do người ta viết ra, nhưng Đức Chúa Trời hướng dẫn ý tưởng của họ, vì thế Kinh-thánh thật sự là “lời của Đức Chúa Trời” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
• Khoảng 40 người có quá trình khác nhau viết Kinh-thánh trong hơn 16 thế kỷ. Tuy nhiên, toàn thể cuốn Kinh-thánh phù hợp từ đầu đến cuối.
• Kinh-thánh vẫn tồn tại tuy người ta đã nhiều lần công khai chống lại cuốn sách này hơn bất cứ cuốn sách nào khác. Trong thời Trung cổ, nhiều người đã bị thiêu sống trên cây gỗ chỉ vì họ có một bản Kinh-thánh.
• Kinh-thánh là cuốn sách phổ biến rộng rãi nhất thế giới. Kinh-thánh đã được dịch ra trọn bộ hoặc từng phần trong hơn 2.000 thứ tiếng. Hàng tỷ bản Kinh-thánh đã được in ra, và hầu như bất cứ nơi nào trên trái đất người ta cũng thấy có một bản Kinh-thánh.
• Phần xưa nhất của Kinh-thánh được viết ra vào thế kỷ 16 trước công nguyên. Phần này có trước thánh ca Rig-Veda của Ấn Độ giáo (hoàn tất vào khoảng năm 1300 trước công nguyên), hoặc Tam Tạng Kinh của Phật giáo (thế kỷ thứ năm trước công nguyên), hoặc Kinh Koran của Hồi giáo (thế kỷ thứ bảy công nguyên), cũng như kinh Nihongi của Thần đạo (năm 720 công nguyên).
[Trang hình ảnh nơi trang 20]