Hãy tỉnh thức—Như Giê-rê-mi
“Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ tỉnh-thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn”.—GIÊ 1:12.
1, 2. Tại sao việc Đức Giê-hô-va tiếp tục “tỉnh-thức” có liên quan đến cây hạnh?
Trên những ngọn đồi ở Li-ban và Y-sơ-ra-ên, cây hạnh là một trong những cây trổ hoa đầu tiên trong năm. Những đóa hoa xinh đẹp màu hồng hoặc màu trắng xuất hiện rất sớm vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng 2. Trong tiếng Hê-bơ-rơ tên cây này có nghĩa là “thức dậy”.
2 Khi Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Giê-rê-mi làm tiên tri của Ngài, tính chất này của cây hạnh thích hợp để minh họa cho một điều quan trọng. Khi bắt đầu thánh chức, trong một sự hiện thấy, nhà tiên tri đã thấy “một gậy bằng cây hạnh”. Điều đó có nghĩa gì? Đức Giê-hô-va giải thích: “Ta sẽ tỉnh-thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn” (Giê 1:11, 12). Cũng như cây hạnh “thức dậy”, Đức Giê-hô-va “dậy sớm” theo nghĩa bóng để sai các tiên tri đi cảnh báo dân Ngài về hậu quả của việc bất tuân (Giê 7:25). Và Ngài không nghỉ ngơi mà tiếp tục “tỉnh-thức” cho đến khi những lời tiên tri được thực hiện. Vào đúng thời điểm, năm 607 TCN, sự phán xét của Đức Giê-hô-va đến trên xứ Giu-đa bội đạo.
3. Chúng ta tin chắc điều gì về Đức Giê-hô-va?
3 Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va “tỉnh-thức”, chú tâm đến việc thực hiện ý muốn Ngài. Đức Chúa Trời không thể bỏ qua việc hoàn thành lời Ngài. Điều này ảnh hưởng thế nào đến bạn? Bạn có tin rằng trong năm nay 2011, Đức Giê-hô-va vẫn “tỉnh-thức”? Bạn có tin chắc Ngài sẽ thực hiện các lời hứa của Ngài không? Nếu có nghi ngờ gì về các lời hứa của Đức Giê-hô-va, đây là lúc để chúng ta tỉnh thức, không buồn ngủ về thiêng liêng (Rô 13:11). Là tiên tri của Đức Giê-hô-va, Giê-rê-mi đã giữ mình tỉnh thức. Khi xem xét tại sao và làm thế nào Giê-rê-mi tỉnh thức thi hành nhiệm vụ, chúng ta sẽ biết cách để kiên trì làm công việc Đức Chúa Trời giao phó.
Thông điệp khẩn cấp
4. Khi công bố thông điệp, Giê-rê-mi phải đối mặt với những khó khăn nào, và tại sao thông điệp này khẩn cấp?
4 Giê-rê-mi có lẽ gần 25 tuổi khi được Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ làm người canh (Giê 1:1, 2). Nhưng ông cảm thấy mình chỉ là một con trẻ, hoàn toàn không đủ tư cách để nói với các trưởng lão trong xứ, là những người cao tuổi và có quyền hành (Giê 1:6). Ông phải công bố thông điệp phán xét và lời lên án gay gắt, đặc biệt là với các thầy tế lễ, tiên tri giả và những nhà cai trị, cũng như những kẻ đi theo “đường riêng” và “sự bội-nghịch đời đời” (Giê 6:13; 8:5, 6; Bản Dịch Mới). Đền thờ lộng lẫy của vua Sa-lô-môn, từng là trung tâm của sự thờ phượng thật trong gần bốn thế kỷ, sẽ bị phá hủy. Giê-ru-sa-lem và Giu-đa sẽ hoang vu, dân cư sẽ bị bắt đi làm phu tù. Rõ ràng, thông điệp mà Giê-rê-mi công bố rất khẩn cấp!
5, 6. (a) Đức Giê-hô-va đang dùng lớp người Giê-rê-mi ngày nay như thế nào? (b) Bài học của chúng ta sẽ tập trung vào điều gì?
5 Thời nay, Đức Giê-hô-va đã yêu thương cung cấp cho loài người một nhóm tín đồ được xức dầu—những người canh theo nghĩa bóng—để cảnh báo về sự phán xét của Ngài trên thế gian này. Trong nhiều thập niên, lớp người Giê-rê-mi ấy đã khẩn thiết kêu gọi người ta chú ý đến thời kỳ chúng ta đang sống (Giê 6:17). Kinh Thánh nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va, Đấng ấn định thời giờ, không chậm trễ. Ngày của Đức Chúa Trời sẽ đến đúng thời điểm, vào giờ mà nhân loại không ngờ.—Sô 3:8; Mác 13:33; 2 Phi 3:9, 10.
6 Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va luôn tỉnh thức và sẽ mang lại một thế giới công bình đúng lúc. Biết điều này thôi thúc lớp người Giê-rê-mi và giúp bạn đồng hành tận tụy của họ chú ý đến mức độ ngày càng khẩn cấp của thông điệp này. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến bạn? Chúa Giê-su cho biết tất cả mọi người phải đứng về phía Nước Trời. Chúng ta hãy xem ba đức tính đã giúp Giê-rê-mi tỉnh thức thi hành nhiệm vụ và cũng sẽ giúp chúng ta làm thế.
Tình yêu thương với người khác
7. Xin giải thích làm thế nào tình yêu thương thúc đẩy Giê-rê-mi rao giảng bất kể hoàn cảnh khó khăn.
7 Động lực nào thúc đẩy Giê-rê-mi rao giảng bất kể hoàn cảnh khó khăn? Đó là vì ông yêu thương người khác. Giê-rê-mi thấy những người chăn giả hiệu gây ra rất nhiều vấn đề cho dân sự (Giê 23:1, 2). Vì biết điều này, ông thi hành công việc với lòng yêu thương và trắc ẩn. Ông muốn dân sự nghe lời Đức Chúa Trời và được sống. Ông quan tâm đến độ khóc than về tai họa sẽ xảy đến trên họ. (Đọc Giê-rê-mi 8:21; 9:1). Sách Ca-thương cho thấy một cách sống động về tình yêu thương cũng như lòng quan tâm sâu sắc của Giê-rê-mi đối với danh Đức Giê-hô-va và dân sự (Ca 4:6, 9). Ngày nay, khi thấy người ta “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”, chẳng lẽ bạn không mong muốn mang đến cho họ tin mừng đầy an ủi về Nước Trời sao?—Mat 9:36.
8. Điều gì cho thấy sự bắt bớ không làm Giê-rê-mi cay đắng?
8 Giê-rê-mi bị bắt bớ bởi chính những người ông muốn giúp đỡ, nhưng ông không trả đũa hoặc trở nên cay đắng. Ông là người biết chịu đựng và nhân từ, ngay cả với vị vua bại hoại là Sê-đê-kia! Sau khi Sê-đê-kia cho phép người ta giết Giê-rê-mi, ông vẫn xin vua vâng theo tiếng của Đức Giê-hô-va (Giê 38:4, 5, 19, 20). Tình yêu thương của chúng ta đối với người khác có mạnh mẽ như Giê-rê-mi không?
Sự can đảm đến từ Đức Chúa Trời
9. Làm sao chúng ta biết sự can đảm của Giê-rê-mi đến từ Đức Chúa Trời?
9 Lúc đầu, khi Đức Giê-hô-va phán với Giê-rê-mi, ông đã tìm cách thoái thác nhiệm vụ. Qua đó, chúng ta thấy ông vốn không có sự dạn dĩ và kiên quyết mà sau này ông đã thể hiện. Giê-rê-mi có sức lực lạ thường để thực hiện nhiệm vụ tiên tri là nhờ ông nương cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã ở cùng nhà tiên tri “như một tay anh-hùng đáng khiếp” qua việc nâng đỡ và thêm sức để ông thi hành nhiệm vụ (Giê 20:11). Giê-rê-mi nổi tiếng về sự dạn dĩ và can đảm đến độ khi Chúa Giê-su làm thánh chức trên đất, một số người nghĩ rằng ngài là Giê-rê-mi được sống lại!—Mat 16:13, 14.
10. Tại sao có thể nói những người được xức dầu còn sót lại được lập “trên các dân các nước”?
10 Là “Vua các nước”, Đức Giê-hô-va giao cho Giê-rê-mi nhiệm vụ công bố một thông điệp phán xét trên các dân các nước (Giê 10:6, 7). Ngày nay, những người được xức dầu còn sót lại được lập “trên các dân các nước” có nghĩa gì? (Giê 1:10). Như nhà tiên tri thời xưa, lớp người Giê-rê-mi được Đấng Thống Trị hoàn vũ giao một nhiệm vụ. Vì vậy, những tôi tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời có quyền loan báo thông điệp chống lại các dân các nước trên toàn thế giới. Nhận được thẩm quyền từ Đức Chúa Trời Chí Cao và dùng ngôn ngữ rõ ràng của Lời Ngài, lớp người Giê-rê-mi tuyên bố là các dân các nước ngày nay sẽ bị nhổ đi và hủy diệt vào đúng thời điểm và theo cách của Đức Chúa Trời (Giê 18:7-10; Khải 11:18). Lớp người Giê-rê-mi quyết tâm không từ bỏ nhiệm vụ loan báo thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới.
11. Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục rao giảng không ngừng khi gặp hoàn cảnh khó khăn?
11 Không lạ gì đôi khi chúng ta bị nản lòng khi gặp sự chống đối, thờ ơ hoặc hoàn cảnh khó khăn (2 Cô 1:8). Nhưng như Giê-rê-mi, chúng ta đừng bỏ cuộc và đừng nản lòng. Mong sao mỗi người chúng ta tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ, “dạn-dĩ” và nương cậy nơi Ngài (1 Tê 2:2). Là những người thờ phượng chân chính, chúng ta phải tiếp tục tỉnh thức để thi hành nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao. Chúng ta cần quyết tâm rao giảng không ngừng về sự hủy diệt của khối đạo xưng theo Đấng Christ, được tượng trưng bởi Giê-ru-sa-lem bất trung. Lớp người Giê-rê-mi can đảm tiếp tục công bố không chỉ “năm ban ơn của Đức Giê-hô-va” mà còn “ngày báo-thù của Đức Chúa Trời chúng ta”.—Ê-sai 61:1, 2; 2 Cô 6:2.
Sự vui mừng
12. Tại sao chúng ta có thể kết luận rằng Giê-rê-mi vẫn giữ được niềm vui? Và bí quyết nào đã giúp ông?
12 Giê-rê-mi có niềm vui trong công việc. Ông nói với Đức Giê-hô-va: “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui-mừng hớn-hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời... vì tôi được xưng bằng danh Ngài!” (Giê 15:16). Đối với Giê-rê-mi, đại diện cho Đức Chúa Trời và rao giảng lời Ngài là một đặc ân. Điều đáng lưu ý là khi Giê-rê-mi chú tâm đến sự chế giễu của người khác, ông mất niềm vui. Nhưng khi ông chú ý đến ý nghĩa tốt đẹp và tầm quan trọng của thông điệp, lòng ông lại phấn khởi.—Giê 20:8, 9.
13. Tại sao nuôi mình bằng những lẽ thật sâu sắc hơn về thiêng liêng là điều quan trọng để giữ niềm vui?
13 Ngày nay, để giữ niềm vui trong công việc rao giảng, chúng ta cần nuôi mình bằng “đồ-ăn đặc”, những lẽ thật sâu sắc trong Lời Đức Chúa Trời (Hê 5:14). Học hỏi kỹ lưỡng sẽ xây dựng đức tin (Cô 2:6, 7). Khi làm thế, chúng ta sẽ thấy rõ hành động của mình ảnh hưởng thế nào đến Đức Giê-hô-va. Nếu khó tìm thời gian để đọc và học Kinh Thánh, chúng ta phải xem lại thời gian biểu. Đọc và suy ngẫm Kinh Thánh mỗi ngày dù chỉ vài phút cũng sẽ giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn, và mang lại “sự vui-mừng hớn-hở của lòng”, như trường hợp của Giê-rê-mi.
14, 15. (a) Việc Giê-rê-mi trung thành gắn bó với nhiệm vụ đã mang lại kết quả nào? (b) Ngày nay dân Đức Chúa Trời hiểu gì về công việc rao giảng?
14 Giê-rê-mi đã không ngừng công bố lời cảnh báo và thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va, nhưng ông luôn ghi nhớ nhiệm vụ của mình là “dựng” và “trồng” (Giê 1:10). Công việc “dựng” và “trồng” của ông đã có kết quả. Một số người Do Thái và người ngoại đã sống sót qua sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN, như trường hợp của người Rê-cáp, ông Ê-bết-Mê-lết và ông Ba-rúc (Giê 35:19; 39:15-18; 43:5-7). Những người bạn trung thành và kính sợ Đức Chúa Trời của Giê-rê-mi tượng trưng cho những người có hy vọng sống trên đất ngày nay, là bạn của lớp người Giê-rê-mi. Lớp người Giê-rê-mi rất vui mừng trong việc xây dựng về thiêng liêng cho đám đông “vô-số người” (Khải 7:9). Tương tự, những bạn đồng hành trung thành của những người được xức dầu cũng vô cùng thỏa nguyện trong việc giúp người có lòng thành hiểu biết lẽ thật.
15 Dân Đức Chúa Trời hiểu rằng công việc rao giảng tin mừng không chỉ là làm điều lành cho người ta mà còn là một hành động thờ phượng. Dù có tìm được người sẵn lòng lắng nghe hay không, phụng sự Đức Giê-hô-va qua việc rao giảng là niềm vui lớn.—Thi 71:23; đọc Rô-ma 1:9.
Hãy “tỉnh-thức” thi hành nhiệm vụ
16, 17. Khải-huyền 17:10 và Ha-ba-cúc 2:3 cho thấy tính khẩn cấp của thời kỳ chúng ta như thế nào?
16 Tính khẩn cấp của thời kỳ chúng ta đang sống được nhấn mạnh qua lời tiên tri nơi Khải-huyền 17:10. Vị vua thứ bảy, Cường quốc Thế giới Anh-Mỹ, đã xuất hiện. Về điều này, Kinh Thánh nói: “Khi vị ấy [cường quốc thế giới thứ bảy] sẽ đến, cũng chẳng còn được bao lâu”. Giờ đây, việc cường quốc ấy hiện diện “chẳng còn được bao lâu” sắp đến hồi kết thúc. Liên quan đến sự chấm dứt của thế gian hung ác này, nhà tiên tri Ha-ba-cúc bảo đảm với chúng ta: “Vì sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định... ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”.—Ha 2:3.
17 Hãy tự hỏi: “Đời sống tôi có cho thấy tôi ý thức tính khẩn cấp của thời kỳ chúng ta không? Lối sống tôi có cho thấy tôi mong đợi sự cuối cùng mau đến không? Có phải những quyết định và điều tôi đặt ưu tiên cho thấy tôi không nghĩ rằng sự cuối cùng sắp đến hoặc thậm chí không chắc điều đó sẽ xảy ra?”.
18, 19. Tại sao bây giờ không phải là lúc để chậm lại?
18 Công việc của lớp người canh chưa kết thúc. (Đọc Giê-rê-mi 1:17-19). Thật vui mừng khi những người được xức dầu còn sót lại đang đứng vững như “cột bằng sắt” và “thành vững-bền”! Họ “lấy lẽ thật làm dây nịt lưng” qua việc để Lời Đức Chúa Trời củng cố họ cho đến khi nhiệm vụ được hoàn tất (Ê-phê 6:14). Cũng với quyết tâm ấy, những người thuộc đám đông tích cực hỗ trợ lớp người Giê-rê-mi trong việc thực hiện nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao.
19 Bây giờ không phải là lúc để chậm lại trong các hoạt động Nước Trời, nhưng để xem xét tầm quan trọng của câu Giê-rê-mi 12:5. (Đọc). Tất cả chúng ta đều chịu đựng thử thách. Những thử thách về đức tin có thể so sánh với việc chúng ta phải chạy thi với “kẻ chạy bộ”. Tuy nhiên, khi “hoạn-nạn lớn” đến gần, chắc chắn sự khó khăn sẽ gia tăng (Mat 24:21). Đấu tranh với những khó khăn sắp đến ấy giống như ‘chạy thi với ngựa’. Để theo kịp con ngựa đang phi, một người phải có sức chịu đựng dẻo dai. Vì thế, chịu đựng thử thách ngày nay là điều có ích vì có thể giúp chúng ta chịu đựng những thử thách trong tương lai.
20. Bạn quyết tâm làm gì?
20 Tất cả chúng ta có thể noi gương Giê-rê-mi và hoàn thành nhiệm vụ rao giảng! Những đức tính như yêu thương, can đảm và vui mừng thôi thúc Giê-rê-mi trung thành thi hành thánh chức suốt 67 năm. Cây hạnh xinh đẹp nở hoa nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ “tỉnh-thức” để thực hiện lời Ngài. Vậy, chúng ta có lý do để tỉnh thức. Giê-rê-mi đã “tỉnh-thức” và chúng ta cũng có thể làm thế.
Bạn còn nhớ không?
• Làm thế nào tình yêu thương giúp Giê-rê-mi “tỉnh-thức” thi hành nhiệm vụ?
• Tại sao chúng ta cần Đức Chúa Trời ban cho sự can đảm?
• Điều gì giúp Giê-rê-mi giữ được niềm vui?
• Tại sao bạn muốn “tỉnh-thức”?
[Các hình nơi trang 31]
Bạn sẽ tiếp tục rao giảng bất kể sự chống đối không?