Có thể tìm hy vọng thật nơi đâu?
Đồng hồ của bạn ngừng chạy, dường như nó bị hư. Bạn có rất nhiều lựa chọn trong việc sửa đồng hồ. Có nhiều lời quảng cáo, tất cả đều tự tin đảm bảo về chất lượng sửa chữa, một số đề nghị thì trái ngược nhau. Nhưng nói sao nếu bạn biết một người hàng xóm chính là nhà thiết kế tài ba đã sáng chế chiếc đồng hồ ấy nhiều năm trước? Không những thế, người đó còn sẵn lòng sửa giúp bạn, và miễn phí. Chắc chắn bạn sẽ chọn cách là nhờ người ấy, phải không?
Hãy ví chiếc đồng hồ ấy với niềm hy vọng của bạn. Nếu nhận ra mình đang mất hy vọng, như nhiều người trong thời kỳ đầy khó khăn này, bạn sẽ tìm sự giúp đỡ nơi đâu? Nhiều người cho rằng mình có khả năng giải quyết vấn đề, nhưng vô số giải pháp họ đưa ra có thể khó hiểu và trái ngược nhau. Vậy, tại sao không tìm đến đấng đã thiết kế nhân loại và cho họ có khả năng hy vọng? Kinh Thánh nói rằng “ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta”, và ngài rất sẵn lòng giúp bạn.—Công vụ 17:27; 1 Phi-e-rơ 5:7.
Một định nghĩa sâu rộng hơn về hy vọng
Khái niệm của Kinh Thánh về hy vọng thì sâu rộng hơn định nghĩa thường thấy ngày nay của các bác sĩ, nhà khoa học và nhà tâm lý học. Trong nguyên ngữ của Kinh Thánh, những từ được dịch là “hy vọng” có nghĩa là tha thiết chờ đợi và trông mong điều tốt đẹp. Về cơ bản, có hai yếu tố hình thành nên hy vọng. Một là ước muốn điều tốt đẹp và hai là cơ sở để tin điều tốt đẹp ấy sẽ đến. Hy vọng mà Kinh Thánh đưa ra không phải là điều hão huyền. Hy vọng ấy có cơ sở vững chắc dựa trên sự thật và bằng chứng.
Về khía cạnh này, hy vọng tương tự như đức tin, là điều phải dựa trên bằng chứng chứ không phải sự cả tin (Hê-bơ-rơ 11:1). Tuy nhiên, Kinh Thánh phân biệt giữa đức tin và hy vọng.—1 Cô-rinh-tô 13:13.
Hãy xem minh họa: Khi nhờ một người bạn thân làm việc gì đó, bạn hy vọng người ấy sẽ giúp mình. Hy vọng đó không phải là không có cơ sở vì bạn tin nơi bạn của mình. Bạn biết rõ người ấy, và từng thấy người ấy thể hiện sự tử tế và lòng rộng rãi. Vậy, đức tin và hy vọng liên hệ chặt chẽ với nhau, thậm chí phụ thuộc vào nhau, nhưng vẫn là hai điều khác biệt. Làm thế nào bạn có thể có hy vọng như thế nơi Đức Chúa Trời?
Cơ sở để hy vọng
Đức Chúa Trời là nguồn của hy vọng thật. Vào thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va được gọi là “niềm hy vọng của Y-sơ-ra-ên” (Giê-rê-mi 14:8). Bất cứ hy vọng vững chắc nào của dân Y-sơ-ra-ên đều đến từ ngài, thế nên ngài là niềm hy vọng của họ. Niềm hy vọng đó không phải là điều viển vông. Đức Chúa Trời cho họ cơ sở vững chắc để hy vọng. Qua việc đối xử với họ trong nhiều thế kỷ, ngài chứng tỏ là đấng giữ lời hứa. Người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên là Giô-suê đã nói với họ: “Anh em đã biết... trong các lời hứa tốt lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán với anh em, chẳng một lời nào không thành hiện thực”.—Giô-suê 23:14.
Hàng ngàn năm sau, ngài vẫn chứng tỏ là đấng giữ lời hứa. Kinh Thánh ghi lại nhiều lời hứa đáng chú ý của Đức Chúa Trời và các sự kiện lịch sử chứng tỏ những lời hứa đó đã được ứng nghiệm một cách chính xác. Những lời hứa mang tính tiên tri của ngài đáng tin cậy đến mức đôi khi được ghi lại như thể đã ứng nghiệm rồi.
Vì thế, có thể nói Kinh Thánh là cuốn sách của hy vọng. Khi tìm hiểu Kinh Thánh và xem cách Đức Chúa Trời đối xử với con người, bạn sẽ càng có cơ sở vững chắc để đặt hy vọng nơi ngài. Một môn đồ của Chúa Giê-su là Phao-lô viết: “Hết thảy những điều được viết từ trước đều để chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng”.—Rô-ma 15:4.
Đức Chúa Trời ban hy vọng nào cho chúng ta?
Chúng ta cần hy vọng nhất khi nào? Chẳng phải khi đương đầu với sự chết sao? Tuy nhiên, đối với nhiều người, vào những thời điểm chẳng hạn như khi mất một người thân yêu, dường như hy vọng hoàn toàn tan biến. Suy cho cùng, còn gì vô vọng hơn sự chết? Sự chết không ngừng đuổi theo mỗi người trong chúng ta. Chúng ta chỉ có thể tránh sự chết trong một thời gian, và khi phải đối mặt với nó thì chúng ta bất lực. Thật thích hợp khi Kinh Thánh gọi sự chết là “kẻ thù sau cùng”.—1 Cô-rinh-tô 15:26.
Vậy khi đương đầu với sự chết, làm sao chúng ta tìm được hy vọng? Câu Kinh Thánh gọi sự chết là kẻ thù sau cùng cũng cho biết rằng kẻ thù này “sẽ bị hủy diệt”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời mạnh hơn sự chết. Ngài đã chứng tỏ điều đó trong nhiều trường hợp. Bằng cách nào? Bằng cách làm người chết sống lại. Kinh Thánh miêu tả chín trường hợp Đức Chúa Trời đã dùng quyền năng để làm người chết sống lại.
Một trường hợp nổi bật là Đức Giê-hô-va ban quyền năng cho Chúa Giê-su, Con ngài, để làm sống lại người bạn thân của Chúa Giê-su là La-xa-rơ, người đã chết được bốn ngày. Chúa Giê-su không làm việc này ở nơi kín đáo nhưng trước mặt đoàn dân đang quan sát.—Giăng 11:38-48, 53; 12:9, 10.
Có lẽ bạn thắc mắc: “Tại sao những người ấy được làm cho sống lại? Chẳng phải họ cũng sẽ già đi và cuối cùng chết một lần nữa sao?”. Đúng là vậy. Nhưng nhờ những lời tường thuật đáng tin cậy về sự sống lại như trường hợp của La-xa-rơ, chúng ta không chỉ có ước muốn thấy người thân yêu được sống lại, mà còn có cơ sở để tin rằng điều đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, chúng ta có hy vọng thật.
Chúa Giê-su nói: “Tôi là sự sống lại và sự sống” (Giăng 11:25). Ngài là đấng mà Đức Giê-hô-va sẽ ban quyền năng để làm người chết sống lại trên phạm vi toàn cầu. Chúa Giê-su cho biết: “Giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ tưởng niệm nghe tiếng [của Đấng Ki-tô] và ra khỏi” (Giăng 5:28, 29). Thật thế, tất cả những ai yên nghỉ trong sự chết đều có triển vọng được sống lại trong địa đàng.
Một nhà tiên tri là Ê-sai miêu tả bức tranh ấm lòng này về cảnh người ta được sống lại: “Dân cư Ngài đã chết, nhưng họ sẽ sống lại; thân xác họ sẽ sống lại từ trong cõi chết. Hỡi các ngươi là kẻ đang nằm dưới đất, hãy thức dậy và hớn hở! Sương bao phủ ngươi giống như sương của ngày mới; đất sẽ sinh ra kẻ chết”.—Ê-sai 26:19, Bản Phổ thông.
Thật an ủi phải không? Người chết ở trong nơi an toàn nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng, giống như thai nhi được bảo vệ trong tử cung người mẹ. Thật thế, những người đang yên nghỉ trong sự chết được gìn giữ an toàn nhất trong trí nhớ vô hạn của Đức Chúa Trời Toàn Năng (Lu-ca 20:37, 38). Không lâu nữa, họ sẽ được sống lại trong một thế giới hạnh phúc, được chào đón giống như em bé sơ sinh được gia đình yêu thương hân hoan chào đón! Quả thật, ngay cả khi đối mặt với sự chết, chúng ta vẫn có hy vọng!
Hy vọng có thể giúp bạn như thế nào?
Phao-lô giúp chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của hy vọng. Ông ví hy vọng với một bộ phận thiết yếu trong bộ khí giới: Đó là mũ trận (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8). Ý của ông là gì? Vào thời Kinh Thánh, khi ra trận, người lính đội mũ bằng kim loại, bên trong thường lót một nón bằng nỉ hoặc da. Nhờ mũ ấy, phần lớn những cú đánh vào đầu sẽ đi trệch mà không làm người lính tử thương. Bài học là gì? Như mũ trận bảo vệ đầu người lính, hy vọng bảo vệ tâm trí hay khả năng suy nghĩ. Nếu có hy vọng vững chắc phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, bạn sẽ giữ được sự bình an tâm trí mà không hoang mang hay tuyệt vọng khi đối mặt với khó khăn thử thách. Ai trong chúng ta mà lại không cần mũ trận như thế?
Phao-lô dùng một hình ảnh sống động khác để minh họa về niềm hy vọng liên quan đến ý muốn Đức Chúa Trời. Ông viết: “Niềm hy vọng ấy như một cái neo cho sự sống chúng ta, chắc chắn và vững vàng” (Hê-bơ-rơ 6:19). Từng bị đắm tàu nhiều lần, Phao-lô biết rất rõ tầm quan trọng của cái neo. Khi gặp bão, các thủy thủ sẽ thả neo. Nếu neo bám chặt vào đáy biển, con tàu có cơ hội đứng vững trước cơn bão và tương đối được an toàn, chứ không bị đẩy vào bờ rồi đâm vào những tảng đá.
Tương tự, nếu chúng ta xem những lời hứa của Đức Chúa Trời là hy vọng “chắc chắn và vững vàng”, hy vọng ấy có thể giúp chúng ta đứng vững trong thời kỳ đầy bão tố này. Đức Giê-hô-va hứa rằng không lâu nữa nhân loại sẽ không còn chịu khổ vì chiến tranh, tội ác, sự đau buồn hoặc thậm chí sự chết. (Xem khung nơi trang 10). Bám chặt lấy hy vọng ấy có thể giúp chúng ta tránh khỏi những mối nguy hiểm và cho chúng ta động lực để sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thay vì chiều theo tình trạng suy đồi, hỗn loạn rất phổ biến trong thế giới ngày nay.
Hy vọng mà Đức Giê-hô-va ban cũng dành cho cá nhân bạn. Ngài muốn bạn hưởng đời sống đúng như ý định mà ngài dành cho bạn. Ngài mong muốn “mọi loại người được cứu”. Bằng cách nào? Trước tiên, một người phải “hiểu biết chính xác về chân lý” (1 Ti-mô-thê 2:4). Nhà xuất bản tạp chí này khuyến khích bạn tìm hiểu Kinh Thánh để tiếp thu sự hiểu biết về chân lý giúp mang lại sự sống. Khi ấy, Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn niềm hy vọng vượt trội hơn bất cứ hy vọng nào trong thế gian này.
Với niềm hy vọng ấy, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bất lực nữa, vì Đức Chúa Trời có thể ban sức lực mà bạn cần để đạt được bất cứ mục tiêu nào phù hợp với ý muốn ngài (2 Cô-rinh-tô 4:7; Phi-líp 4:13). Chẳng phải đó là niềm hy vọng mà bạn cần sao? Nếu bạn đang khao khát và tìm kiếm hy vọng, đừng bỏ cuộc. Hy vọng nằm trong tầm tay của bạn!
[Khung/Hình]
Những lý do để hy vọng
Những ý tưởng sau từ Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời, có thể giúp bạn vun đắp hy vọng:
▪ Đức Chúa Trời hứa về một tương lai tươi sáng.
Lời ngài nói rằng trái đất sẽ trở thành địa đàng và gia đình nhân loại sẽ sống hạnh phúc và hợp nhất trên đất.—Thi thiên 37:11, 29; Ê-sai 25:8; Khải huyền 21:3, 4.
▪ Đức Chúa Trời không thể nói dối.
Ngài ghê tởm mọi hình thức dối trá. Ngài tuyệt đối thánh khiết, hay trong sạch, nên không thể nói dối.—Châm ngôn 6:16-19; Ê-sai 6:2, 3; Tít 1:2; Hê-bơ-rơ 6:18.
▪ Đức Chúa Trời có quyền năng vô hạn.
Chỉ mình Đức Giê-hô-va là đấng toàn năng. Không thế lực nào trong vũ trụ có thể cản trở ngài thực hiện lời hứa.—Xuất Ai Cập 15:11; Ê-sai 40:25, 26.
▪ Đức Chúa Trời muốn bạn sống mãi.
—Giăng 3:16; 1 Ti-mô-thê 2:3, 4.
▪ Đức Chúa Trời hy vọng nơi chúng ta.
Ngài chú ý đến những phẩm chất và nỗ lực chứ không phải lỗi lầm hay thiếu sót của chúng ta (Thi thiên 103:12-14; 130:3; Hê-bơ-rơ 6:10). Ngài hy vọng rằng chúng ta sẽ làm điều đúng và vui lòng khi chúng ta làm thế.—Châm ngôn 27:11.
▪ Đức Chúa Trời hứa sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu trong sự thờ phượng.
Những người thờ phượng Đức Chúa Trời không cần cảm thấy bất lực. Ngài rộng rãi ban thần khí thánh, là lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ, để giúp chúng ta.—Phi-líp 4:13.
▪ Đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thất vọng.
Vì là đấng hoàn toàn đáng tin cậy nên Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng.—Thi thiên 25:3.
[Hình]
Như mũ trận bảo vệ đầu, hy vọng bảo vệ tâm trí
[Hình]
Như cái neo, hy vọng dựa trên cơ sở vững chắc giúp chúng ta đứng vững