Những người “có cảm nghĩ giống như chúng ta”
ÔNG không những là vua và nhà tiên tri mà còn là người cha yêu thương. Một trong các con trai của ông lớn lên trở thành người tự đắc và kiêu ngạo. Vì quyết tâm chiếm đoạt ngôi vua, người con này dấy lên cuộc nội chiến, với mục đích giết cha mình. Nhưng trong trận chiến, chính người con ấy bị giết. Khi được tin con mình đã chết, người cha lên lầu cửa thành một mình và khóc: “Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!” (II Sa-mu-ên 18:33). Người cha ấy là Vua Đa-vít. Giống như những nhà tiên tri khác của Đức Giê-hô-va, ông là “người có cảm nghĩ giống như chúng ta” (Gia-cơ 5:17, NW).
Trong thời Kinh-thánh được viết ra, những người nam và nữ đại diện cho Đức Giê-hô-va xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội, và họ là những người bình thường. Giống như chúng ta, họ có nhiều vấn đề và cũng chịu khổ vì sự bất toàn nữa. Một vài nhà tiên tri này là ai, và họ có cảm nghĩ như chúng ta như thế nào?
Môi-se đi từ quá tự tin đến nhu mì
Trước thời đấng Christ, Môi-se là một nhà tiên tri có uy tín. Tuy nhiên, dù đã 40 tuổi, ông chưa có đủ tư cách để làm phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Trong khi các anh em của ông bị Pha-ra-ôn của xứ Ê-díp-tô đàn áp, Môi-se được nuôi dưỡng, lớn lên trong nhà Pha-ra-ôn và “lời nói và việc làm [của ông] đều có tài-năng”. Kinh-thánh nói với chúng ta: “Người ngờ anh em mình chắc hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng tay mình giải-cứu họ”. Vì quá tự tin, ông hung hăng ra tay để bảo vệ một nô lệ Hê-bơ-rơ và giết một người Ê-díp-tô (Công-vụ các Sứ-đồ 7:22-25; Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-14).
Bây giờ Môi-se bắt buộc phải chạy trốn, và đi chăn chiên tại xứ Ma-đi-an xa xôi trong bốn thập kỷ (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15). Vào cuối thời gian đó, Môi-se, bấy giờ đã 80 tuổi, mới được Đức Giê-hô-va phái làm nhà tiên tri. Nhưng Môi-se không còn quá tự tin nữa. Ông cảm thấy không đủ tư cách đến độ ông chất vấn việc Đức Giê-hô-va phái ông làm nhà tiên tri, dùng những câu hỏi như: “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn?” và “Tôi nói với họ làm sao?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11, 13). Nhờ được Đức Giê-hô-va yêu thương trấn an và giúp đỡ, Môi-se đã thành công rất nhiều trong việc thực hiện công việc được giao phó cho ông.
Giống như Môi-se, bạn có bao giờ để cho tính quá tự tin khiến bạn làm hoặc nói những điều thiếu khôn ngoan không? Nếu có, hãy khiêm nhường chấp nhận thêm sự huấn luyện. Hoặc bạn có từng cảm thấy không đủ tư cách để thực hiện một vài trách nhiệm của tín đồ đấng Christ không? Thay vì từ chối, hãy chấp nhận sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Đấng đã giúp Môi-se cũng có thể giúp bạn được.
Ê-li có cảm nghĩ giống như chúng ta trong thời gian ông đi sửa trị
“Ê-li là người có cảm nghĩ giống như chúng ta, nhưng khi cầu nguyện, người cầu xin cho đừng mưa, thì trời đã không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi” (Gia-cơ 5:17, NW). Lời cầu nguyện của Ê-li phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va là sửa trị dân tộc đã từ bỏ ngài. Dù vậy, Ê-li biết rằng nạn hạn hán mà ông cầu xin sẽ khiến cho người ta phải khổ sở vô cùng. Y-sơ-ra-ên sống chủ yếu nhờ ngành nông nghiệp; sương và mưa là sự sống của họ. Nạn hạn hán lâu dài sẽ gây sự đau khổ khủng khiếp. Cây cối sẽ khô héo; mùa màng sẽ thất bại. Gia súc dùng để làm việc và để làm thịt sẽ chết, và một số gia đình có thể lâm vào cảnh đói kém. Ai sẽ khổ sở nhiều nhất? Người dân thường. Sau này, một bà góa nói với Ê-li là bà chỉ còn có một nắm bột và một chút dầu mà thôi. Bà biết chắc rằng chẳng bao lâu nữa, bà và con bà sẽ chết đói (I Các Vua 17:12). Cầu xin những điều như thế, chắc chắn Ê-li phải tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho các tôi tớ ngài, những người đã không từ bỏ sự thờ phượng thật—dù giàu hay nghèo. Như Kinh-thánh cho thấy, Ê-li đã không bị thất vọng (I Các Vua 17:13-16; 18:3-5).
Ba năm sau, khi Đức Giê-hô-va cho biết ngài sắp khiến mưa xuống, để chứng tỏ là Ê-li thật tình muốn thấy nạn hạn hán chấm dứt, ông đã thiết tha cầu nguyện nhiều lần, “cúi xuống đất và úp mặt mình giữa hai đầu gối” (I Các Vua 18:42). Ông cũng nhiều lần hối thúc người tôi tớ: “Xin hãy đi lên, ngó về phía biển” để xem có dấu hiệu gì chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va đã nghe lời cầu nguyện của ông chăng (I Các Vua 18:43). Chắc chắn ông vui mừng làm sao khi cuối cùng, để đáp lời cầu nguyện của ông, “trời bèn mưa, và đất sanh-sản hoa-màu”! (Gia-cơ 5:18).
Nếu bạn là bậc cha mẹ hoặc trưởng lão trong hội thánh tín đồ đấng Christ, có thể bạn phải giằng co với các cảm nghĩ trong đầu khi thi hành nhiệm vụ sửa trị. Tuy nhiên, phải dung hòa những tình cảm này với sự sửa trị nhất định cần phải có, và khi sửa trị với lòng yêu thương, điều này “sanh ra bông-trái công-bình và bình-an” (Hê-bơ-rơ 12:11). Việc vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va luôn luôn mang lại kết quả tốt. Như Ê-li, chúng ta hết lòng cầu nguyện để những luật pháp đó sẽ được thi hành.
Giê-rê-mi can đảm dù bị nản lòng
Trong tất cả những người viết Kinh-thánh, có lẽ Giê-rê-mi là người viết nhiều nhất về cảm nghĩ riêng của mình. Khi ở tuổi thanh niên, ông ngần ngại chấp nhận sứ mệnh của ông (Giê-rê-mi 1:6). Tuy nhiên, sau đó ông rất can đảm rao truyền lời Đức Chúa Trời, mặc dầu điều này khiến cho ông bị những người Y-sơ-ra-ên khác từ vua đến thường dân chống đối dữ dội. Đôi khi sự chống đối đó làm ông tức giận và khóc lóc (Giê-rê-mi 9:3; 18:20-23; 20:7-18). Có nhiều lần ông bị đánh đập, bị đeo gông, bỏ tù, hăm dọa ám sát, bị đám đông hành hung và bỏ mặc để chết trong bùn lầy dưới đáy một hố sâu đã cạn nước. Đôi lúc thậm chí thông điệp của Đức Giê-hô-va làm ông phải đau khổ, như được thấy rõ qua lời của ông: “Ôi! tôi đau lòng, đau lòng! Cơn đau-đớn quặn-thắt lòng tôi” (Giê-rê-mi 4:19).
Tuy nhiên, ông vẫn quí mến lời của Đức Giê-hô-va, và nói: “Lời Ngài là sự vui-mừng hớn-hở của lòng tôi vậy” (Giê-rê-mi 15:16). Đồng thời, vì nản lòng nên ông kêu van Đức Giê-hô-va: “Ngài đối với tôi hẳn như cái khe giả-dối”, giống như suối dễ bị cạn nước (Giê-rê-mi 15:18). Dầu vậy, Đức Giê-hô-va hiểu những cảm nghĩ mâu thuẫn của Giê-rê-mi và tiếp tục nâng đỡ ông để ông có thể hoàn tất sứ mệnh của mình (Giê-rê-mi 15:20; cũng xem 20:7-9).
Giống như Giê-rê-mi, bạn có nản lòng hoặc bị chống đối khi thi hành thánh chức không? Hãy nhờ cậy Đức Giê-hô-va. Hãy tiếp tục noi theo sự hướng dẫn của ngài, và Đức Giê-hô-va cũng sẽ ban phước cho những cố gắng của bạn.
Chúa Giê-su có cảm nghĩ giống như chúng ta
Nhà tiên tri vĩ đại nhất trong lịch sử loài người chính là Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ. Dù là người hoàn toàn, ngài không đè nén những cảm nghĩ của ngài. Chúng ta thường đọc về những cảm nghĩ sâu xa của ngài, chắc hẳn được thấy rõ qua nét mặt và cách ngài xử sự với người khác. Nhiều lần Chúa Giê-su “động lòng thương-xót”, và ngài cũng dùng câu nói này để miêu tả các nhân vật trong những chuyện ví dụ của ngài (Mác 1:41; 6:34; Lu-ca 10:33).
Chắc chắn ngài đã nói lớn tiếng khi đuổi những người buôn bán và các thú vật khỏi đền thờ bằng những lời: “Hãy cất-bỏ đồ đó khỏi đây” (Giăng 2:14-16). Khi Phi-e-rơ nói: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy!”, điều này khiến Chúa Giê-su phản ứng mạnh mẽ: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!” (Ma-thi-ơ 16:22, 23).
Chúa Giê-su đặc biệt mến thương một số người thật gần gũi với ngài. Sứ đồ Giăng được miêu tả là “môn-đồ mà Đức Chúa Jêsus yêu” (Giăng 21:7, 20). Và chúng ta đọc: “Vả, Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ” (Giăng 11:5).
Chúa Giê-su cũng có thể bị đau lòng. Trước bi kịch La-xa-rơ chết, “Đức Chúa Jêsus khóc” (Giăng 11:32-36). Bộc lộ nỗi đau lòng khi bị Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản bội, Chúa Giê-su trích dẫn câu nói sầu thảm từ sách Thi-thiên: “Người ăn bánh ta, dở gót nghịch cùng ta” (Giăng 13:18; Thi-thiên 41:9).
Ngay cả khi bị đau đớn đến cực độ trên cây khổ hình, Chúa Giê-su cho thấy cảm tình sâu sắc của ngài. Ngài yêu thương gửi gắm mẹ ngài cho “môn-đồ Ngài yêu” (Giăng 19:26, 27). Khi thấy bằng chứng là một tội nhân bị đóng đinh bên cạnh ngài đã ăn năn, Chúa Giê-su thương xót nói: “Ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Chúng ta có thể thấy tình cảm bột phát khi ngài kêu lớn tiếng: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa-bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Và lời trăn trối của ngài nói lên lòng yêu thương và tin cậy chân thành: “Hỡi Cha, tôi giao linh-hồn lại trong tay Cha” (Lu-ca 23:46).
Tất cả những điều này trấn an chúng ta làm sao! “Vì chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ [Chúa Giê-su] bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).
Lòng tin tưởng của Đức Giê-hô-va
Đức Giê-hô-va không bao giờ thất vọng về những người ngài chọn làm phát ngôn viên của ngài. Ngài biết họ trung thành với ngài, và ngài thương xót bỏ qua những nhược điểm của những ai bất toàn. Tuy nhiên, ngài đòi hỏi rằng họ phải hoàn tất sứ mệnh của họ. Với sự giúp đỡ của ngài, họ có thể làm được điều đó.
Chúng ta hãy kiên nhẫn biểu lộ lòng tin tưởng nơi các anh chị em trung thành của chúng ta. Họ sẽ luôn luôn bất toàn trong hệ thống mọi sự này, giống như chúng ta vậy. Dù vậy, chúng ta chớ nên xét đoán các anh em là những người không đáng được chúng ta yêu mến và chú ý đến. Phao-lô viết: “Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh-vác sự yếu-đuối cho những kẻ kém-sức, chớ làm cho đẹp lòng mình” (Rô-ma 15:1; Cô-lô-se 3:13, 14).
Các tiên tri của Đức Giê-hô-va đã từng trải tất cả những cảm xúc mà chúng ta có. Tuy nhiên, họ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, và Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ họ. Hơn thế nữa, Đức Giê-hô-va cho họ nhiều lý do để vui mừng—một lương tâm tốt, sự nhận thức là họ được ân huệ của ngài, những bạn đồng hành trung thành nâng đỡ họ và lời trấn an về một tương lai hạnh phúc (Hê-bơ-rơ 12:1-3). Chúng ta cũng hãy gắn bó với Đức Giê-hô-va với lòng tin tưởng, đồng thời bắt chước đức tin của các nhà tiên tri thời xưa, là những người “có cảm nghĩ giống như chúng ta”.