Sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời được xưng là có phước
“Những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ” (Ê-SAI 35:10).
1. Thế giới loài người đang rất cần điều gì?
NGÀY NAY, hơn bao giờ hết, nhân loại cần đến một sứ giả đưa tin mừng. Thế gian cần gấp một người nào đó nói lẽ thật về Đức Chúa Trời và các ý định của ngài, một nhân chứng dạn dĩ để báo trước cho những người ác biết về sự hủy diệt sắp tới và giúp những người ngay thẳng tìm được sự bình an của Đức Chúa Trời.
2, 3. Trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa của ngài được ghi nơi A-mốt 3:7 như thế nào?
2 Vào thời dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va hứa sẽ sai các sứ giả đến làm những điều này. Vào cuối thế kỷ thứ 9 trước công nguyên (TCN), nhà tiên tri A-mốt nói: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri” (A-mốt 3:7). Trải qua nhiều thế kỷ sau khi thông báo lời này, Đức Giê-hô-va đã ra tay làm nhiều điều phi thường. Thí dụ, vào năm 607 TCN, ngài nghiêm khắc sửa trị dân mà ngài chọn bởi vì họ phản nghịch và phạm tội đổ máu. Ngài cũng phạt các nước láng giềng của họ vì những nước này đã lấy làm hả hê trước sự đau khổ của dân Y-sơ-ra-ên (Giê-rê-mi, đoạn 46-49). Rồi vào năm 539 TCN, Đức Giê-hô-va lật đổ cường quốc Ba-by-lôn và kết quả là vào năm 537 TCN, một số dân Y-sơ-ra-ên còn sót lại trở về quê hương để xây cất lại đền thờ (II Sử-ký 36:22, 23).
3 Đó là những biến cố rất quan trọng và phù hợp với những lời của A-mốt, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho những nhà tiên tri phụng sự với tư cách sứ giả biết trước các biến cố ấy để họ báo cho dân Y-sơ-ra-ên hay những gì sẽ xảy ra. Khoảng giữa thế kỷ thứ 8 TCN, ngài dấy lên Ê-sai. Giữa thế kỷ thứ 7 TCN ngài dấy lên Giê-rê-mi. Rồi, vào cuối thế kỷ đó, ngài dấy lên Ê-xê-chi-ên. Các nhà tiên tri này và những nhà tiên tri trung thành khác đã làm chứng tường tận về ý định của Đức Giê-hô-va.
Nhận ra sứ giả của Đức Chúa Trời ngày nay
4. Điều gì cho thấy là nhân loại cần đến sứ giả đưa tin bình an?
4 Còn ngày nay thì sao? Nhiều người trong thế gian này có linh tính là sẽ có hiểm họa khi họ thấy xã hội loài người suy thoái. Những người yêu chuộng sự công bình cảm thấy đau lòng khi họ chứng kiến sự giả hình và sự tàn ác trắng trợn trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Như Đức Giê-hô-va nói trước qua Ê-xê-chi-ên, họ “than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc đã phạm giữa thành nầy” (Ê-xê-chi-ên 9:4). Tuy nhiên, nhiều người không hiểu ý định của Đức Giê-hô-va là gì. Họ cần phải được nghe nói về những ý định đó.
5. Bằng cách nào Chúa Giê-su cho thấy rằng sẽ có các sứ giả vào thời chúng ta?
5 Ngày nay có ai nói ra với tinh thần dạn dĩ giống như Ê-sai, Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên không? Chúa Giê-su cho biết rằng có người sẽ làm như thế. Khi tiên tri về các biến cố vào thời chúng ta, ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Ngày nay ai đang làm ứng nghiệm lời tiên tri đó, và phụng sự với tư cách một sứ giả, một người rao giảng tin mừng? Những sự tương đồng giữa thời của chúng ta và thời của Y-sơ-ra-ên xưa giúp chúng ta trả lời câu hỏi ấy.
6. a) Miêu tả tình trạng dân “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” trong thời kỳ thế chiến thứ nhất. b) Ê-xê-chi-ên 11:17 đã được ứng nghiệm như thế nào đối với dân Y-sơ-ra-ên thuở xưa?
6 Trong thời kỳ ảm đạm của Thế Chiến I, dân tộc thời nay của Đức Giê-hô-va, là những người “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” được xức dầu còn sót lại, đã rơi vào tình trạng lưu đày giống như Y-sơ-ra-ên xưa bị đưa đi Ba-by-lôn (Ga-la-ti 6:16). Theo nghĩa thiêng liêng, họ bị đày đi Ba-by-lôn Lớn, là đế quốc tôn giáo giả thế giới trong đó các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ là thành phần cốt cán và phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Tuy nhiên, lời Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên cho thấy rằng họ đã không bị bỏ rơi. Ngài nói: “Ta sẽ nhóm các ngươi lại từ giữa các dân, sẽ thâu các ngươi từ những nước mà các ngươi đã bị tan-tác, và ta sẽ ban đất Y-sơ-ra-ên cho các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 11:17). Để làm ứng nghiệm lời hứa ấy đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va đã dấy lên Si-ru, người Phe-rơ-sơ, để lật đổ cường quốc thế giới Ba-by-lôn và mở đường cho những người Y-sơ-ra-ên còn sót lại hồi hương. Nhưng ngày nay thì sao?
7. Điều gì đã xảy ra vào năm 1919 chứng tỏ rằng Chúa Giê-su đã ra tay hành động chống lại Ba-by-lôn Lớn? Hãy giải thích.
7 Vào đầu thế kỷ này, có bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng Si-ru Lớn đã ra tay hành động. Đấng đó là ai? Không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ, đấng đã lên ngôi làm vua Nước Trời vào năm 1914. Vị Vua vĩ đại này đã tỏ lòng tốt đối với anh em được xức dầu còn ở trên đất khi họ được trao trả tự do vào năm 1919, thoát khỏi sự giam hãm về thiêng liêng và trở lại “đất”, tức sản nghiệp thiêng liêng của họ (Ê-sai 66:8; Khải-huyền 18:4). Vậy Ê-xê-chi-ên 11:17 đã có một sự ứng nghiệm thời nay. Vào thời xưa, Ba-by-lôn phải bị sụp đổ thì dân Y-sơ-ra-ên mới có cơ hội hồi hương. Vậy, vào thời nay sự phục hưng của Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời là bằng chứng cho thấy Ba-by-lôn Lớn đã bị Si-ru Lớn lật đổ. Sự sụp đổ này đã được vị thiên sứ thứ hai loan báo nơi Khải-huyền đoạn 14 khi vị thiên sứ đó hô to: “Ba-by-lôn lớn kia, đã đổ rồi, đã đổ rồi, vì nó có cho các dân-tộc uống rượu tà-dâm thạnh-nộ của nó” (Khải-huyền 14:8). Thật là một tình thế đảo ngược cho Ba-by-lôn Lớn, đặc biệt là cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ! Và quả là một ân phước cho tín đồ thật của đấng Christ!
8. Sách Ê-xê-chi-ên diễn tả sự vui sướng của dân Đức Chúa Trời như thế nào sau khi họ được trả tự do vào năm 1919?
8 Nơi Ê-xê-chi-ên 11:18-20, chúng ta thấy nhà tiên tri này miêu tả sự vui sướng của dân Đức Chúa Trời sau khi được phục hưng. Sự ứng nghiệm lần thứ nhất của lời tiên tri này có nghĩa là dân Y-sơ-ra-ên được tẩy sạch vào thời E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Sự ứng nghiệm vào thời nay cũng có nghĩa tương tự như thế. Chúng ta hãy xem có sự tương tự nào. Đức Giê-hô-va phán: “Chúng nó sẽ đến [xứ mình], và sẽ trừ-bỏ mọi vật đáng ghét và mọi sự gớm-ghiếc của nó khỏi đó”. Đúng như đã được tiên tri, kể từ năm 1919, Đức Giê-hô-va tẩy sạch dân ngài và ban lại sức lực cho họ để phụng sự ngài. Họ bắt đầu loại khỏi môi trường thiêng liêng của họ tất cả những thực hành và giáo lý của Ba-by-lôn mà đã làm họ bị ô uế trước mắt ngài.
9. Bắt đầu từ năm 1919, Đức Giê-hô-va đã ban những ân phước đặc biệt nào cho dân sự của ngài?
9 Rồi theo câu 19, Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Ta sẽ ban cho chúng nó một lòng đồng nhau, phú thần mới trong các ngươi; bỏ lòng đá khỏi xác-thịt chúng nó, và sẽ cho chúng nó lòng thịt”. Phù hợp với điều này, vào năm 1919 Đức Giê-hô-va đã thống nhất các tôi tớ được xức dầu của ngài, ban cho họ “một lòng đồng nhau”, để họ “chen vai thích cánh” phụng sự ngài (Sô-phô-ni 3:9, Nguyễn thế Thuấn). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho dân tộc ngài khiến họ hăng hái trong công việc làm chứng và sanh bông trái tốt như được miêu tả nơi Ga-la-ti 5:22, 23. Và thay vì để họ có lòng dạ dửng dưng, trơ trơ như đá, Đức Giê-hô-va ban cho họ tấm lòng sẵn sàng vâng lời, dễ uốn nắn, dễ dạy, hầu đáp ứng ý ngài muốn.
10. Tại sao Đức Giê-hô-va ban phước cho dân sự được phục hồi của ngài kể từ năm 1919 trở đi?
10 Tại sao ngài đã làm điều này? Chính Đức Giê-hô-va giải thích. Chúng ta đọc nơi Ê-xê-chi-ên 11:20: “Để chúng nó noi theo lề-luật ta, giữ và làm theo mạng-lịnh ta. Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta làm Đức Chúa Trời chúng nó”. Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời học vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va thay vì làm theo ý riêng của họ. Họ học làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời mà không sợ loài người. Vậy rõ ràng họ khác hẳn với các tín đồ giả mạo thuộc các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Họ là dân của Đức Giê-hô-va. Với tư cách đó, Đức Giê-hô-va sẵn sàng dùng họ làm sứ giả của ngài, làm “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” của ngài (Ma-thi-ơ 24:45-47).
Niềm vui sướng của các sứ giả Đức Chúa Trời
11. Sách Ê-sai diễn tả niềm vui sướng của dân Đức Giê-hô-va như thế nào?
11 Bạn có thể tưởng tượng được niềm vui sướng của họ khi họ nhận biết được địa vị đặc biệt của họ không? Với tư cách một nhóm người, họ nhắc lại những lời ghi nơi Ê-sai 61:10: “Ta sẽ rất vui-vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh-hồn ta mừng-rỡ trong Đức Chúa Trời ta”. Lời hứa nơi Ê-sai 35:10 ứng nghiệm cho họ: “Những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi”. Đó chính là niềm vui sướng của các sứ giả đưa tin bình an của Đức Giê-hô-va hồi năm 1919 khi họ được phái đi rao giảng tin mừng cho toàn thể nhân loại. Từ đó đến nay, họ đã không ngừng thi hành nhiệm vụ này, và niềm vui sướng của họ được tăng thêm. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa-thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9). Từ năm 1919 cho đến nay, những người “con Đức Chúa Trời” được xức dầu còn sót lại đã chứng nghiệm những lời này .
12, 13. a) Ai đã kết hợp với Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời để phụng sự Đức Giê-hô-va, và họ làm công việc nào? b) Các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va đã có niềm vui lớn nào?
12 Thời gian trôi qua, nhân số Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời gia tăng cho đến thập niên 1930 khi công việc thâu nhóm những người được xức dầu còn sót lại đã gần xong. Vậy phải chăng số người rao giảng tin mừng ngừng gia tăng? Chắc chắn không. Một đám đông tín đồ đấng Christ với hy vọng sống trên đất đã bắt đầu xuất hiện, và những người này gia nhập hàng ngũ các anh em được xức dầu trong công việc rao giảng. Sứ đồ Giăng thấy đám đông này trong sự hiện thấy, và cách ông miêu tả họ là điều đáng chú ý: “Chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài” (Khải-huyền 7:15). Vâng, đám đông bận rộn phụng sự Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi số những người được xức dầu giảm đi sau năm 1935, các đồng bạn trung thành này tiếp tục công việc làm chứng với đà gia tăng.
13 Bằng cách này Ê-sai 60:3, 4 được ứng nghiệm: “Các dân-tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói-sáng đã mọc lên trên ngươi. Hãy ngước mắt lên xung-quanh ngươi, và nhìn-xem: họ nhóm lại hết thảy, và đến cùng ngươi. Con trai ngươi đến từ xa, con gái ngươi sẽ được bồng-ẵm trong cánh tay”. Niềm vui sướng mà các diễn biến đó đem lại cho Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời được miêu tả một cách tuyệt vời nơi Ê-sai 60:5. Chúng ta đọc: “Bấy giờ ngươi sẽ thấy và được chói-sáng, lòng ngươi vừa rung-động vừa nở-nang; vì sự dư-dật dưới biển sẽ trở đến cùng ngươi, sự giàu-có các nước sẽ đến với ngươi!”
Tổ chức Đức Giê-hô-va đang tiến tới
14. a) Trong sự hiện thấy, Ê-xê-chi-ên thấy gì ở trên trời, và ông đã nhận được mệnh lệnh nào? b) Dân sự Đức Giê-hô-va vào thời nay đã nhận rõ điều gì, và họ cảm thấy có bổn phận nào?
14 Vào năm 613 TCN, trong sự hiện thấy, Ê-xê-chi-ên thấy tổ chức ở trên trời của Đức Giê-hô-va giống như cỗ xe đang di chuyển (Ê-xê-chi-ên 1:4-28). Sau đó, Đức Giê-hô-va nói với ông: “Hỡi con người, hãy đi, hãy đến cùng nhà Y-sơ-ra-ên, đem những lời ta thuật lại cho chúng nó” (Ê-xê-chi-ên 3:4). Trong năm nay, 1997, chúng ta nhận ra rằng tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va vẫn tiến tới không thể chặn lại được, để thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. Bởi vậy, chúng ta vẫn còn cảm thấy phải nói với người khác về những ý định này. Trong thời ông, Ê-xê-chi-ên nói ra những lời do Đức Giê-hô-va trực tiếp soi dẫn. Ngày nay chúng ta nói những lời trích ra từ trong Lời được Đức Giê-hô-va soi dẫn, tức cuốn Kinh-thánh. Và sách đó có ghi một thông điệp cao quý làm sao cho nhân loại! Trong khi nhiều người lo lắng về tương lai, Kinh-thánh cho thấy mọi việc còn tệ hơn—và đồng thời lại tốt hơn—là họ tưởng rất nhiều.
15. Tại sao tình trạng thế giới tệ hơn là nhiều người nghĩ?
15 Mọi việc tệ hơn bởi vì, như chúng ta được biết qua những bài trước, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và tất cả các tôn giáo giả khác chẳng bao lâu nữa sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, giống như Giê-ru-sa-lem đã bị hủy diệt vào năm 607 TCN. Không những thế, mà toàn bộ thực thể chính trị trên toàn cầu, được miêu tả trong sách Khải-huyền như là một con thú dữ có bảy đầu và mười sừng, cũng sắp sửa bị hủy diệt giống như số phận của nhiều nước theo tà giáo ở gần Giê-ru-sa-lem thuở xưa (Khải-huyền 13:1, 2; 19:19-21). Vào thời Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va miêu tả một cách sống động sự kinh hãi của người ta khi thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt. Nhưng lời ngài sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa khi thiên hạ ý thức được thế gian này sắp bị hủy diệt. Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên: “Hỡi con người, còn như ngươi, hãy than-thở, như gãy lưng; phải, hãy than-thở trước mắt chúng nó cách cay-đắng. Nếu chúng nó nói cùng ngươi rằng: Làm sao ngươi than-thở? thì ngươi trả lời rằng: Ấy là bởi cớ tin-tức, vì nó đến, làm cho mọi lòng đều tan-chảy, mọi tay đều yếu-đuối, mọi trí đều hao-mòn, mọi đầu-gối đều yếu như nước. Nầy, nó hầu đến, lời ấy sẽ làm thành, Chúa Giê-hô-va phán vậy!” (Ê-xê-chi-ên 21:6, 7; Ma-thi-ơ 24:30). Những biến cố kinh khiếp sắp xảy đến. Lòng quan tâm sâu xa của chúng ta đối với người đồng loại thúc đẩy chúng ta rao báo lời cảnh cáo, cho họ biết “tin-tức” về cơn thạnh nộ sắp giáng xuống của Đức Giê-hô-va.
16. Tại sao đối với những người hiền lành thì tình trạng thế giới lại tốt hơn là nhiều người nghĩ?
16 Đồng thời, đối với những người hiền lành, mọi việc tốt hơn là phần đông người ta tưởng. Như thế nào? Vì Chúa Giê-su Christ đã chết vì tội lỗi của chúng ta và bây giờ đang làm Vua cai trị Nước Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 1:15; Khải-huyền 11:15). Những vấn đề dường như nan giải của loài người chẳng bao lâu nữa sẽ được giải quyết nhờ Nước đó của Đức Chúa Trời trên trời. Sự chết, bệnh tật, sự tham nhũng, nạn đói và tội ác sẽ không còn nữa, và không ai sẽ chống lại sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời trên trái đất mà lúc đó đã biến thành một địa đàng (Khải-huyền 21:3, 4). Toàn thể nhân loại sẽ vui hưởng sự bình an của Đức Chúa Trời—một mối liên lạc bình an với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và giữa người với người (Thi-thiên 72:7).
17. Sự gia tăng nào mang lại niềm vui mừng cho các sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời?
17 Tại vài nơi trên thế giới, có những đám đông nổi bật gồm những người nhu mì đang hưởng ứng thông điệp về sự bình an của Đức Chúa Trời. Để nêu ra chỉ một vài thí dụ, năm ngoái xứ U-crai-na báo cáo số người công bố gia tăng 17 phần trăm. Xứ Mô-dăm-bích báo cáo gia tăng 17 phần trăm, xứ Lit-va gia tăng 29 phần trăm. Nước Nga có sự gia tăng 31 phần trăm, trong khi tại xứ An-ba-ni, số người công bố gia tăng tới 52 phần trăm. Những sự gia tăng này có nghĩa là hàng chục ngàn người thành thật muốn có sự bình an của Đức Chúa Trời và đã đứng về phía có sự công bình. Sự gia tăng nhanh chóng đó đem lại sự vui mừng cho toàn thể hiệp hội anh em tín đồ đấng Christ.
18. Dù người ta có nghe hay không, chúng ta sẽ có thái độ nào?
18 Người ta có sẵn sàng hưởng ứng như thế trong khu vực bạn sống không? Nếu có, chúng tôi mừng cho bạn. Tuy nhiên, trong một số khu vực, chúng ta cần phải đi rao giảng nhiều giờ ròng rã cực nhọc mới kiếm được chỉ một người chú ý đến lẽ thật. Phải chăng những người phụng sự trong các khu vực đó chểnh mảng hoặc nản lòng? Không. Nhân-chứng Giê-hô-va nhớ những lời Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên khi ngài bắt đầu phái nhà tiên tri trẻ này đi rao giảng cho người đồng hương Do Thái: “Còn như chúng nó, hoặc nghe ngươi, hoặc chẳng khứng nghe,—vì là nhà bạn-nghịch,—ít nữa chúng nó cũng biết rằng ở giữa mình đã có một đấng tiên-tri” (Ê-xê-chi-ên 2:5). Giống như Ê-xê-chi-ên, chúng ta tiếp tục nói với người ta về sự bình an của Đức Chúa Trời dù họ có hưởng ứng hay không. Khi họ nghe, chúng ta vui mừng. Khi họ không nghe và chế giễu, thậm chí còn bắt bớ chúng ta, thì chúng ta sẽ kiên trì. Chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va, và Kinh-thánh nói: “Tình yêu-thương... nín-chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4, 7). Bởi vì chúng ta rao giảng một cách kiên trì, nên họ biết Nhân-chứng Giê-hô-va là ai. Họ biết thông điệp của chúng ta. Khi sự cuối cùng đến, họ sẽ biết rằng Nhân-chứng Giê-hô-va đã cố gắng giúp họ có sự bình an của Đức Chúa Trời.
19. Với tư cách là tôi tớ của Đức Chúa Trời thật, chúng ta quí trọng đặc ân lớn nào?
19 Có đặc ân nào lớn hơn đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va không? Không! Chúng ta có được niềm vui lớn nhất là nhờ chúng ta có mối liên lạc với Đức Chúa Trời và được biết rằng chúng ta đang làm theo ý muốn của ngài. “Phước cho dân nào biết tiếng vui-mừng! Hỡi Đức Giê-hô-va, họ bước đi trong ánh sáng của mặt Chúa” (Thi-thiên 89:15). Mong sao chúng ta luôn luôn quí trọng niềm vui được làm sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời đến cho nhân loại. Mong sao chúng ta siêng năng làm tròn vai trò của chúng ta trong công việc này cho đến khi Đức Giê-hô-va nói rằng công việc đã hoàn tất.
Bạn có nhớ không?
◻ Ai là sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời vào thời nay?
◻ Làm sao chúng ta biết rằng Ba-by-lôn Lớn bị sụp đổ vào năm 1919?
◻ Đám đông “vô-số người” có mối quan tâm chính nào?
◻ Tại sao tương lai u ám hơn là phần đông người ta ngày nay nghĩ?
◻ Tại sao đối với những người có lòng ngay thẳng thì tương lai có thể sáng sủa hơn là họ nghĩ?
[Các hình nơi trang 21]
Khi người ta thấy xã hội loài người suy thoái, nhiều người có linh tính là sẽ có hiểm họa
[Các hình nơi trang 23]
Các sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời là những người hạnh phúc nhất trên đất ngày nay