CHƯƠNG 8
“Ta sẽ dấy lên một người chăn”
TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Bốn lời tiên tri về Đấng Mê-si và sự ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su Ki-tô
1-3. Tại sao Ê-xê-chi-ên cảm thấy lòng mình nặng trĩu, và ông được soi dẫn để ghi lại điều gì?
Đó là năm thứ sáu Ê-xê-chi-ên sống trong cảnh lưu đày.a Lòng ông nặng trĩu khi nghĩ đến sự cai trị tồi tệ ở Giu-đa, quê nhà yêu dấu của ông ở cách đó hàng trăm cây số. Nhà tiên tri này đã chứng kiến nhiều triều đại của Giu-đa.
2 Ê-xê-chi-ên sinh ra vào giữa triều đại của vua trung thành Giô-si-a. Hẳn ông vui mừng khi biết vua Giô-si-a thực hiện chiến dịch phá hủy các tượng khắc và khôi phục sự thờ phượng thanh sạch ở Giu-đa (2 Sử 34:1-8). Nhưng nỗ lực của Giô-si-a không đem lại sự thay đổi lâu dài vì các vua cai trị sau đó đã tiếp tục thờ thần tượng. Dưới sự cai trị của các vua tồi tệ này, dân chúng ngày càng suy đồi về mặt đạo đức và thiêng liêng. Nhưng tình trạng đó có phải là vô vọng không? Không.
3 Đức Giê-hô-va soi dẫn nhà tiên tri trung thành này ghi lại lời tiên tri về Đấng Mê-si, là Đấng Cai Trị và Đấng Chăn Chiên trong tương lai. Đây là lời tiên tri đầu tiên trong nhiều lời tiên tri mà Ê-xê-chi-ên viết về Đấng Mê-si. Đấng ấy sẽ khôi phục vĩnh viễn sự thờ phượng thanh sạch và dịu dàng chăm sóc chiên của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cần xem xét kỹ những lời tiên tri này, vì sự ứng nghiệm của chúng ảnh hưởng đến tương lai vĩnh cửu của chúng ta. Vậy hãy xem xét bốn lời tiên tri về Đấng Mê-si trong sách Ê-xê-chi-ên.
“Một chồi non” trở thành “một cây tuyết tùng oai phong”
4. Ê-xê-chi-ên nói lời tiên tri nào, và Đức Giê-hô-va bảo ông mở đầu lời tiên tri đó ra sao?
4 Vào khoảng năm 612 TCN, “có lời Đức Giê-hô-va” phán với Ê-xê-chi-ên. Do đó, ông nói một lời tiên tri cho thấy phạm vi cai trị của Đấng Mê-si và việc cần tin cậy vào Nước của ngài. Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên mở đầu lời tiên tri này bằng cách nói cho những người cùng bị lưu đày nghe một câu đố mang tính tiên tri. Câu đố này minh họa cho sự thiếu đức tin của những người cai trị ở Giu-đa và nhấn mạnh việc cần có sự cai trị công chính của Vua Mê-si.—Ê-xê 17:1, 2.
5. Đại ý của câu đố là gì?
5 Đọc Ê-xê-chi-ên 17:3-10. Đại ý của câu đố này là một “con đại bàng to lớn” ngắt chồi cao nhất của cây tuyết tùng và đặt “tại một thành của các nhà buôn”. Sau đó, con đại bàng này lấy “hạt giống của xứ” và gieo trên một cánh đồng màu mỡ, là “nơi có nhiều nước”. Hạt giống nảy mầm và “lớn lên thành một cây nho thấp”. Tiếp đến, một “con đại bàng to lớn” thứ hai xuất hiện. Cây nho cố vươn rễ “về phía con đại bàng ấy” để được mang đi một nơi khác có nhiều nước. Đức Giê-hô-va lên án hành động của cây nho. Ngài cho biết nó sẽ bị bứt rễ và “khô héo”.
6. Hãy cho biết ý nghĩa của câu đố.
6 Câu đố này có ý nghĩa gì? (Đọc Ê-xê-chi-ên 17:11-15). Vào năm 617 TCN, vua Nê-bu-cát-nết-xa của Ba-by-lôn (“con đại bàng to lớn” đầu tiên) bao vây Giê-ru-sa-lem. Nê-bu-cát-nết-xa “ngắt” hay truất ngôi của vua Giu-đa là Giê-hô-gia-kin (“chồi cao nhất”) và đem ông sang Ba-by-lôn (“một thành của các nhà buôn”). Nê-bu-cát-nết-xa đưa Xê-đê-kia (một trong những “hạt giống của xứ” thuộc dòng dõi hoàng tộc) lên làm vua ở Giê-ru-sa-lem. Vị vua mới này của Giu-đa bị buộc phải lấy danh của Đức Chúa Trời mà thề là sẽ làm vua chư hầu trung thành (2 Sử 36:13). Tuy nhiên, Xê-đê-kia đã khinh bỉ lời thề. Ông phản lại Ba-by-lôn và quay sang xin sự giúp đỡ về quân sự của vua Ai Cập là Pha-ra-ôn (“con đại bàng to lớn” thứ hai), nhưng điều này là vô ích. Đức Giê-hô-va lên án hành động bất trung của kẻ bội lời thề là Xê-đê-kia (Ê-xê 17:16-21). Cuối cùng, Xê-đê-kia bị truất ngôi và qua đời khi đang bị giam cầm ở Ba-by-lôn.—Giê 52:6-11.
7. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ câu đố mang tính tiên tri này?
7 Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ câu đố mang tính tiên tri này? Thứ nhất, là những người thờ phượng thanh sạch, chúng ta cần giữ lời. Chúa Giê-su nói: “Khi anh em nói: ‘Có’ thì phải là có, nói: ‘Không’ thì phải là không” (Mat 5:37). Nếu cần thề trước mặt Đức Chúa Trời là phải nói sự thật, chẳng hạn khi làm chứng trước tòa, thì chúng ta cần xem trọng lời thề đó. Thứ hai, chúng ta phải cẩn thận để không đặt sự tin cậy sai chỗ. Kinh Thánh cảnh báo: “Chớ đặt tin cậy nơi hàng quan lại hay nơi người phàm, vốn chẳng cứu ai”.—Thi 146:3.
8-10. Đức Giê-hô-va tiên tri điều gì về Vua Mê-si tương lai, và lời tiên tri này được ứng nghiệm ra sao? (Cũng xem khung “Lời tiên tri về Đấng Mê-si—Cây tuyết tùng oai phong”).
8 Tuy nhiên, có một đấng cai trị hoàn toàn xứng đáng để chúng ta tin cậy. Sau khi cho biết câu đố mang tính tiên tri về cái chồi bị đưa đi nơi khác, Đức Giê-hô-va dùng một hình ảnh thi vị tương tự để miêu tả Vua Mê-si tương lai.
9 Lời tiên tri nói gì? (Đọc Ê-xê-chi-ên 17:22-24). Lần này, chính Đức Giê-hô-va sẽ hành động, chứ không phải là những con đại bàng to lớn. Ngài sẽ ngắt một chồi non “trên ngọn của cây tuyết tùng cao sừng sững và đem đi trồng... trên một ngọn núi cao, hùng vĩ”. Chồi này sẽ phát triển mạnh và trở thành “một cây tuyết tùng oai phong” cung cấp nơi trú náu cho “mọi loài chim”. Rồi “mọi cây trên đồng” sẽ biết rằng chính Đức Giê-hô-va là đấng làm cho cây oai phong này sum suê.
10 Lời tiên tri được ứng nghiệm như thế nào? Đức Giê-hô-va “ngắt” Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô khỏi dòng vua Đa-vít (“cây tuyết tùng cao sừng sững”) và “trồng” ngài tại núi Si-ôn trên trời (“một ngọn núi cao, hùng vĩ”) (Thi 2:6; Giê 23:5; Khải 14:1). Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã nâng Con ấy lên bằng cách ban cho ngài “ngôi Đa-vít, tổ phụ ngài”, dù Con ấy bị kẻ thù xem là “người hèn mọn nhất” (Đa 4:17; Lu 1:32, 33). Từ vị thế cao trọng ở trên trời, Vua Mê-si, tức Chúa Giê-su Ki-tô, sẽ cai trị cả trái đất và là nguồn đem lại ân phước cho thần dân của ngài. Thật vậy, đây là Đấng Cai Trị xứng đáng để chúng ta tin cậy. Dưới “bóng” sự cai trị của Chúa Giê-su là Vua Nước Trời, nhân loại biết vâng lời sẽ “được sống an ổn, được bình yên không khiếp sợ thảm họa”.—Châm 1:33.
11. Qua lời tiên tri về “chồi non” trở thành “một cây tuyết tùng oai phong”, chúng ta có thể rút ra bài học quan trọng nào?
11 Chúng ta có thể học được gì từ lời tiên tri? Lời tiên tri hào hứng về “chồi non” trở thành “một cây tuyết tùng oai phong” giúp chúng ta trả lời câu hỏi vô cùng quan trọng: Chúng ta sẽ tin cậy ai? Thật dại dột khi tin cậy các chính phủ loài người và sức mạnh quân sự của họ. Để tìm được sự an ổn thật, điều khôn ngoan là hoàn toàn tin cậy Vua Mê-si, tức Chúa Giê-su Ki-tô. Chính phủ trên trời dưới bàn tay tài năng của ngài là hy vọng duy nhất của nhân loại.—Khải 11:15.
“Đấng có quyền hợp pháp”
12. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy rõ ngài không từ bỏ giao ước với Đa-vít?
12 Khi Đức Chúa Trời giải thích câu đố mang tính tiên tri về hai con đại bàng, Ê-xê-chi-ên đã hiểu được rằng Xê-đê-kia, một vua bất trung thuộc dòng vua Đa-vít, sẽ bị truất ngôi và lưu đày ở Ba-by-lôn. Có lẽ nhà tiên tri đã thắc mắc: “Vậy còn giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Đa-vít về vị vua thuộc dòng dõi của ông sẽ cai trị đời đời thì sao?” (2 Sa 7:12, 16). Nếu Ê-xê-chi-ên thắc mắc điều đó thì ông không cần phải đợi lâu để có câu trả lời. Vào khoảng năm 611 TCN, tức là năm thứ bảy của thời kỳ lưu đày, khi Xê-đê-kia vẫn còn cai trị ở Giu-đa thì “có lời Đức Giê-hô-va phán” với Ê-xê-chi-ên (Ê-xê 20:2). Đức Giê-hô-va cho ông biết một lời tiên tri khác về Đấng Mê-si. Lời tiên tri này cho thấy rõ là Đức Chúa Trời không từ bỏ giao ước mà ngài đã lập với Đa-vít. Trái lại, lời tiên tri cho thấy Vua Mê-si tương lai sẽ có quyền hợp pháp để cai trị với tư cách là người kế ngôi Đa-vít.
13, 14. Đại ý của lời tiên tri được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 21:25-27 là gì, và lời tiên tri này được ứng nghiệm như thế nào?
13 Lời tiên tri nói gì? (Đọc Ê-xê-chi-ên 21:25-27). Qua Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va nói rõ với “thủ lĩnh gian ác của Y-sơ-ra-ên” là giờ trừng phạt của hắn đã tới. Ngài cũng nói với kẻ cai trị gian ác này là “khăn vấn đầu” và “vương miện”, hoặc dải buộc đầu hoàng gia, (các biểu tượng của vương quyền) của hắn sẽ bị lấy đi. Rồi những thế lực cai trị “thấp” sẽ được nâng lên và những thế lực cai trị “cao” sẽ bị hạ xuống. Những thế lực được nâng lên tiếp tục cai trị cho tới khi “đấng có quyền hợp pháp đến”, rồi Đức Giê-hô-va sẽ trao cho đấng ấy Nước Trời.
14 Lời tiên tri được ứng nghiệm như thế nào? Vào năm 607 TCN, vương quốc “cao” của dân Giu-đa với trung tâm là Giê-ru-sa-lem đã bị hạ xuống khi người Ba-by-lôn phá hủy thành đó và bắt vua bị truất ngôi là Xê-đê-kia đi lưu đày. Vào lúc đó, không có vua nào thuộc dòng Đa-vít cai trị ở Giê-ru-sa-lem, và các thế lực dân ngoại “thấp” được nâng lên để cai trị trái đất nhưng chỉ trong thời gian nhất định. “Thời kỳ của dân ngoại” chấm dứt vào năm 1914 khi Đức Giê-hô-va ban vương quyền cho Chúa Giê-su Ki-tô (Lu 21:24). Là con cháu của vua Đa-vít, Chúa Giê-su có “quyền hợp pháp” để cai trị Nước Trờib (Sáng 49:10). Vì thế, qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã giữ lời hứa trang trọng của ngài về việc ban cho Đa-vít một người kế ngôi đời đời để cai trị một Nước vĩnh cửu.—Lu 1:32, 33.
15. Tại sao chúng ta có thể đặt lòng tin cậy tuyệt đối nơi Vua Giê-su Ki-tô?
15 Chúng ta có thể học được gì từ lời tiên tri? Chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy Vua Giê-su Ki-tô. Tại sao? Khác với các nhà cai trị của thế gian, là những người được dân chúng bầu cử hoặc có thể chiếm đoạt quyền cai trị, Chúa Giê-su được Đức Giê-hô-va chọn và “được ban... một vương quốc” mà ngài có quyền hợp pháp để cai trị (Đa 7:13, 14). Chắc chắn, vị Vua mà chính Đức Giê-hô-va bổ nhiệm xứng đáng để chúng ta tin cậy!
“Đa-vít tôi tớ ta” sẽ “trở thành người chăn của chúng”
16. Đức Giê-hô-va dành tình cảm nào cho chiên của ngài? “Những kẻ chăn chiên của Y-sơ-ra-ên” vào thời Ê-xê-chi-ên đối xử thế nào với bầy?
16 Đức Giê-hô-va, Đấng Chăn Chiên Tối Thượng, quan tâm sâu xa đến lợi ích của chiên ngài, tức là những người thờ phượng ngài ở trên đất (Thi 100:3). Khi Đức Giê-hô-va giao trách nhiệm chăm sóc chiên của ngài cho những người chăn phụ, là những người được ban quyền hành, ngài quan sát kỹ cách họ đối xử với chiên. Vậy, hãy tưởng tượng Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về “những kẻ chăn chiên của Y-sơ-ra-ên” vào thời Ê-xê-chi-ên. Những người dẫn đầu này cai trị “một cách khắc nghiệt và bạo ngược”. Vì thế, chiên của ngài đã phải chịu khốn khổ, và nhiều người từ bỏ sự thờ phượng thanh sạch.—Ê-xê 34:1-6.
17. Đức Giê-hô-va giải cứu chiên ngài như thế nào?
17 Đức Giê-hô-va sẽ làm gì? Ngài nói với những kẻ cai trị hà khắc của Y-sơ-ra-ên: “Ta sẽ buộc chúng phải chịu trách nhiệm”. Ngài cũng hứa: “Ta sẽ cứu chiên ta” (Ê-xê 34:10). Đức Giê-hô-va luôn chứng tỏ là đấng giữ lời (Giô-suê 21:45). Vào năm 607 TCN, ngài giải cứu chiên ngài bằng cách dùng người Ba-by-lôn để tước quyền cai trị của những người chăn ích kỷ này. Bảy mươi năm sau, Đức Giê-hô-va giải cứu các chiên thờ phượng ngài khỏi Ba-by-lôn và đem họ về quê hương để khôi phục sự thờ phượng thật. Nhưng chiên của Đức Giê-hô-va vẫn dễ bị làm hại, vì họ tiếp tục bị các thế lực của thế gian thống trị. “Thời kỳ của dân ngoại” kéo dài thêm nhiều thế kỷ.—Lu 21:24.
18, 19. Ê-xê-chi-ên cho biết lời tiên tri nào vào năm 606 TCN? (Xem hình nơi đầu bài).
18 Trở lại năm 606 TCN, khoảng một năm sau khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và hàng chục năm trước khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va đã soi dẫn Ê-xê-chi-ên ghi lại một lời tiên tri. Lời tiên tri này cho biết Đấng Chăn Chiên Tối Thượng quan tâm sâu xa thế nào đến lợi ích vĩnh cửu của chiên ngài. Lời tiên tri miêu tả cách Vua Mê-si sẽ chăn chiên của Đức Giê-hô-va.
19 Lời tiên tri nói gì? (Đọc Ê-xê-chi-ên 34:22-24). Đức Chúa Trời “sẽ dấy lên một người chăn”, người mà ngài gọi là “Đa-vít tôi tớ ta”. Cụm từ “một người chăn” và từ “tôi tớ” ở dạng số ít hàm ý rằng Đấng Cai Trị này sẽ không lập lại vương triều của các vua thuộc dòng Đa-vít, mà sẽ là đấng duy nhất kế ngôi đời đời của ông. Đấng Cai Trị kiêm Đấng Chăn Chiên sẽ cung cấp thức ăn cho chiên của Đức Chúa Trời và trở thành “thủ lĩnh trong vòng chúng”. Đức Giê-hô-va sẽ “lập giao ước bình an” với chiên của ngài. “Các ân phước sẽ đổ xuống như mưa” và họ sẽ vui hưởng sự an ổn và thịnh vượng. Thật vậy, không chỉ có sự hòa thuận giữa con người với nhau mà còn giữa con người và động vật.—Ê-xê 34:25-28.
20, 21. (a) Lời tiên tri về “Đa-vít tôi tớ ta” được ứng nghiệm như thế nào? (b) Những lời của Ê-xê-chi-ên về “giao ước bình an” có ý nghĩa gì cho tương lai?
20 Lời tiên tri được ứng nghiệm như thế nào? Qua việc gọi Đấng Cai Trị này là “Đa-vít tôi tớ ta”, Đức Chúa Trời đang báo trước về Chúa Giê-su, là con cháu của Đa-vít và là người có quyền hợp pháp để cai trị (Thi 89:35, 36). Khi còn trên đất, Chúa Giê-su đã chứng tỏ là “người chăn tốt lành”, ‘hy sinh mạng sống vì chiên’ (Giăng 10:14, 15). Nhưng hiện giờ, ngài là Đấng Chăn Chiên ở trên trời (Hê 13:20). Vào năm 1914, Đức Chúa Trời bổ nhiệm Chúa Giê-su làm Vua cũng như giao cho ngài trách nhiệm chăn và cung cấp thức ăn cho chiên ở trên đất của Đức Chúa Trời. Không lâu sau, vào năm 1919, Vua mới lên ngôi đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cung cấp thức ăn cho “các gia nhân”, tức là những người thờ phượng trung thành của Đức Chúa Trời, cả người có hy vọng lên trời lẫn người có hy vọng sống trên đất (Mat 24:45-47). Dưới sự hướng dẫn của Đấng Ki-tô, đầy tớ trung tín luôn cung cấp đầy đủ thức ăn thiêng liêng cho chiên của Đức Chúa Trời. Thức ăn này giúp họ đẩy mạnh sự bình an và yên ổn trong địa đàng thiêng liêng đang phát triển.
21 Những lời của Ê-xê-chi-ên về “giao ước bình an” và “các ân phước sẽ đổ xuống như mưa” có ý nghĩa gì cho tương lai? Trong thế giới mới sắp đến, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ở trên đất sẽ trải nghiệm trọn vẹn các ân phước mà “giao ước bình an” mang lại. Trong địa đàng trên khắp đất, những người trung thành sẽ không bao giờ bị chiến tranh, tội ác, đói kém, bệnh tật hoặc thú hoang đe dọa (Ê-sai 11:6-9; 35:5, 6; 65:21-23). Anh chị có triển vọng sống vĩnh cửu trong địa đàng, là nơi mà chiên của Đức Chúa Trời sẽ “được sống an ổn, không ai làm cho sợ hãi”. Chẳng phải anh chị vui mừng khi có triển vọng đó hay sao?—Ê-xê 34:28.
22. Chúa Giê-su dành tình cảm nào cho chiên? Những anh phụng sự với tư cách là người chăn phụ phản ánh lòng quan tâm của ngài ra sao?
22 Chúng ta có thể học được gì từ lời tiên tri? Giống như Cha của ngài, Chúa Giê-su cũng quan tâm sâu xa đến lợi ích của chiên. Đấng Chăn Chiên kiêm Vua đảm bảo rằng chiên của Cha ngài sẽ được nuôi dưỡng về thiêng liêng cũng như hưởng sự bình an và yên ổn trong địa đàng thiêng liêng. Thật an ủi khi được Đấng Cai Trị yêu thương chăm sóc! Những anh phụng sự với tư cách là người chăn phụ cần phản ánh lòng quan tâm của Chúa Giê-su với chiên. Các trưởng lão nên “sẵn lòng” và “sốt sắng” chăn bầy. Họ cũng cần nêu gương để chiên noi theo (1 Phi 5:2, 3). Trưởng lão không bao giờ được đối xử hà khắc với chiên của Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ lời Đức Giê-hô-va phán với những kẻ chăn khắc nghiệt của dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ê-xê-chi-ên: “Ta sẽ buộc chúng phải chịu trách nhiệm” (Ê-xê 34:10). Đấng Chăn Chiên Tối Thượng và Con ngài luôn để mắt đến cách chiên được đối xử.
“Đa-vít tôi tớ ta sẽ là thủ lĩnh của họ mãi mãi”
23. Đức Giê-hô-va hứa điều gì về việc hợp nhất nước Y-sơ-ra-ên, và ngài đã làm ứng nghiệm điều đó như thế nào?
23 Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài cùng nhau phụng sự trong sự hợp nhất. Trong một lời tiên tri về sự khôi phục, Đức Chúa Trời hứa rằng ngài sẽ thu nhóm dân ngài, tức là những người từ cả vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái lẫn vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái, và hợp nhất họ lại thành “một nước”, như thể hai “thanh gỗ” được ráp lại “thành một” trong tay ngài (Ê-xê 37:15-23). Lời tiên tri này được ứng nghiệm khi Đức Chúa Trời đem một nước Y-sơ-ra-ên hợp nhất trở về Đất Hứa vào năm 537 TCN.c Nhưng sự hợp nhất đó chỉ là ví dụ nhỏ về một sự hợp nhất lớn hơn và lâu dài hơn trong tương lai. Sau khi hứa là sẽ hợp nhất dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va cho Ê-xê-chi-ên biết lời tiên tri về việc Đấng Cai Trị tương lai sẽ thu nhóm những người thờ phượng thật trên khắp đất, và sự hợp nhất của họ sẽ kéo dài mãi mãi.
24. Đức Giê-hô-va miêu tả thế nào về Đấng Cai Trị, và sự cai trị của Vua này sẽ ra sao?
24 Lời tiên tri nói gì? (Đọc Ê-xê-chi-ên 37:24-28). Một lần nữa, Đức Giê-hô-va gọi Đấng Cai Trị là “Đa-vít tôi tớ ta”, “một người chăn” và “thủ lĩnh”. Nhưng Đức Giê-hô-va cũng gọi Đấng Được Hứa Trước là “vua” (Ê-xê 37:22). Sự cai trị của Vua này sẽ ra sao? Sự cai trị của ngài sẽ kéo dài mãi mãi. Việc dùng từ “mãi mãi” và “vĩnh cửu” cho thấy những ân phước mà sự cai trị của Vua đem lại sẽ không chấm dứt.d Sự cai trị của ngài sẽ mang lại sự hợp nhất. Dưới sự cai trị của “một vua”, các thần dân trung thành sẽ tuân theo cùng “phán quyết” và sống cùng nhau ở vùng đất mà Đức Chúa Trời ban. Sự cai trị của ngài sẽ giúp thần dân đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Đức Giê-hô-va sẽ lập một “giao ước bình an” với thần dân ấy. Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời của họ và họ sẽ là dân ngài. Nơi thánh của ngài sẽ “ở giữa họ mãi mãi”.
25. Lời tiên tri về Vua Mê-si được ứng nghiệm như thế nào?
25 Lời tiên tri được ứng nghiệm như thế nào? Vào năm 1919, những người được xức dầu trung thành trở nên hợp nhất dưới “một người chăn” là Vua Mê-si, tức Chúa Giê-su Ki-tô. Sau đó, “một đám đông lớn” từ “mọi nước, mọi chi phái, mọi dân và mọi thứ tiếng” hợp nhất với những người được xức dầu (Khải 7:9). Họ cùng nhau trở thành “một bầy” dưới “một người chăn” (Giăng 10:16). Dù có hy vọng lên trời hoặc sống trên đất, họ đều tuân theo các phán quyết của Đức Giê-hô-va. Nhờ vậy, họ là đoàn thể anh em hợp nhất trên toàn thế giới và cùng nhau sống trong địa đàng thiêng liêng. Đức Giê-hô-va đã ban cho họ sự bình an. Nơi thánh của ngài đang ở giữa họ, vì nơi thánh ấy tượng trưng cho sự thờ phượng thanh sạch. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ và họ tự hào là những người thờ phượng ngài bây giờ và mãi mãi!
26. Làm thế nào anh chị có thể góp phần vào sự hợp nhất trong địa đàng thiêng liêng?
26 Chúng ta có thể học được gì từ lời tiên tri? Chúng ta có đặc ân được hợp nhất trong một đoàn thể anh em quốc tế đang dâng sự thờ phượng thanh sạch cho Đức Giê-hô-va. Nhưng đặc ân này cũng đi kèm với trách nhiệm, đó là chúng ta phải góp phần vào sự hợp nhất. Vì thế, tất cả chúng ta cần làm phần của mình để duy trì sự hợp nhất trong niềm tin và hành động (1 Cô 1:10). Để làm được điều này, chúng ta cần tiếp nhận cùng thức ăn thiêng liêng, sống phù hợp với cùng tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh và tham gia cùng một công việc quan trọng là rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Tuy nhiên, bí quyết thật sự để có sự hợp nhất là tình yêu thương. Khi cố gắng vun trồng và thể hiện những khía cạnh của tình yêu thương như sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự tha thứ, chúng ta góp phần vào sự hợp nhất. Kinh Thánh nói: “Tình yêu thương... là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”.—Cô 3:12-14; 1 Cô 13:4-7.
27. (a) Anh chị có cảm nghĩ gì về các lời tiên tri trong sách Ê-xê-chi-ên liên quan đến Đấng Mê-si? (b) Trong chương tới, chúng ta sẽ xem xét điều gì?
27 Thật biết ơn về những lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si trong sách Ê-xê-chi-ên! Đọc và suy ngẫm những lời tiên tri này giúp chúng ta hiểu rằng Vua yêu dấu của chúng ta, tức là Chúa Giê-su Ki-tô, xứng đáng để chúng ta tin cậy, có quyền cai trị hợp pháp, chăn dắt một cách dịu dàng và sẽ gìn giữ chúng ta trong mối liên kết của sự hợp nhất vĩnh cửu. Quả là một đặc ân khi được làm thần dân của Vua Mê-si! Hãy nhớ rằng những lời tiên tri này về Đấng Mê-si là một phần của chủ đề chính được triển khai trong sách Ê-xê-chi-ên, chủ đề đó là sự khôi phục. Chúa Giê-su là đấng mà Đức Giê-hô-va dùng để thu nhóm dân ngài và khôi phục sự thờ phượng thanh sạch trong vòng họ (Ê-xê 20:41). Trong những chương tới, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề đầy hào hứng về sự khôi phục và xem chủ đề ấy được triển khai thế nào trong sách Ê-xê-chi-ên.
a Thời kỳ mà những người Do Thái đầu tiên bị lưu đày sang Ba-by-lôn bắt đầu vào năm 617 TCN. Vì thế, năm thứ sáu của thời kỳ lưu đày ấy bắt đầu vào năm 612 TCN.
b Gia phả của Chúa Giê-su được ghi rõ trong các sách Phúc âm cho thấy ngài ra từ dòng dõi Đa-vít.—Mat 1:1-16; Lu 3:23-31.
d Về cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch là “mãi mãi” và “vĩnh cửu”, một sách tham khảo viết: “Ngoài việc nói đến sự lâu dài, từ này còn nói đến tính cố định, không thể vi phạm, không thể hủy bỏ”.