Đức Giê-hô-va rút gươm ra khỏi vỏ!
“Mọi xác-thịt sẽ biết ta, Đức Giê-hô-va, đã rút gươm ra khỏi vỏ” (Ê-XÊ-CHI-ÊN 21:10).
1. Đức Giê-hô-va vung gươm chống lại ai trong nước Giu-đa, và Y-sơ-ra-ên?
Gươm Đức Giê-hô-va đáng làm khiếp đảm kẻ thù của Ngài. Nhưng khi Ngài vung gươm chống lại những kẻ phạm tội trong nước Giu-đa và nước Y-sơ-ra-ên, họ có thật sự biết điều gì xảy ra không? Có, họ bắt buộc phải biết là Đức Giê-hô-va đã rút gươm tượng trưng của Ngài ra khỏi vỏ (E-xơ-ra 9:6-9; Nê-hê-mi 1:8; 9:26-30).
2. Đức Giê-hô-va nói gì về “gươm” của Ngài, và chúng ta có những câu hỏi nào?
2 Đức Chúa Trời nói qua nhà tiên tri và người canh giữ của Ngài là Ê-xê-chi-ên: “Mọi xác-thịt sẽ biết ta, Đức Giê-hô-va, đã rút gươm ra khỏi vỏ nó, nó sẽ không trở vào nữa” (Ê-xê-chi-ên 21:10). Những lời này chỉ áp dụng thời xưa thôi chăng? Hay là cũng có ý nghĩa cho chúng ta nữa?
Tiên tri về việc đoán phạt Giê-ru-sa-lem
3. Ê-xê-chi-ên nói gì với những người bị lưu đày trong xứ Ba-by-lôn, và điều này có sự tương ứng nào thời nay?
3 Cỗ xe của Đức Giê-hô-va di chuyển tiếp và Ê-xê-chi-ên cũng đã đổi chỗ. Cũng như tổ chức trên trời giống cỗ xe của Đức Chúa Trời dời đến một nơi trên cao để quan sát vùng núi Ô-li-ve. Chính trên núi này Giê-su đã nói tiên tri về sự hủy diệt sẽ xảy đến cho Giê-ru-sa-lem năm 70 tây lịch và cũng là sự báo trước việc hủy phá các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ (Mác 13:1-20). Trong sự hiện thấy, chính Ê-xê-chi-ên được đưa đi khỏi sông Kê-ba, nhưng nay thánh linh Đức Chúa Trời đem ông trở lại nhà lưu đày ở xứ Ba-by-lôn. Ở đó, ông thuật cho những người bị lưu đày khác «mọi sự mà Đức Giê-hô-va đã tỏ ra cho ông biết». Tương tợ như thế, “người canh giữ” là lớp người được xức dầu của Đức Chúa Trời và các nhân-chứng kết hợp với họ ngày nay tuyên bố tất cả những gì mà Đấng ngồi trên xe đã tiết lộ cho họ (Ê-xê-chi-ên 11:22-25).
4. Những người Do-thái (dân Giu-đa) bị lưu đày phản ứng ra sao đối với hành động của Ê-xê-chi-ên?
4 Qua các hành động có ý nghĩa tượng trưng, Ê-xê-chi-ên đã cho những người Do-thái (dân Giu-đa) bị lưu đày thấy những tai họa sắp sửa xảy ra. Đọc Ê-xê-chi-ên 12:1-7. Nhà tiên tri đã mang “đồ-vật của kẻ dời đi” để ám chỉ vài món đồ mà dân lưu đày đó có thể mang được trên vai họ. Sự hoảng sợ sắp tràn lan trong thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây. Mặc dù nhiều người không để tâm đến lời cảnh cáo, Ê-xê-chi-ên phải nói với họ: “Chẳng có lời nào của ta sẽ hoãn lại nữa”. Ngày nay cũng thế, người ta nói chung khinh bỉ lời cảnh cáo và tiên tri của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta có thể làm nhiều để giúp những cá nhân tìm kiếm lẽ thật đặt lòng tin tưởng nơi sự ứng nghiệm của các lời ấy (Ê-xê-chi-ên 12:8-28).
5. Vì “ngày của Đức Giê-hô-va” đã gần đến, cần phải tố giác những gì?
5 Những người không nghe người canh giữ của Đức Giê-hô-va cần biết rằng họ sẽ phải cảm thấy “gươm” của Đức Chúa Trời. Vậy Ê-xê-chi-ên phải tố giác những kẻ chịu trách nhiệm làm hiểu lầm về sự an toàn của thành Giê-ru-sa-lem và nước Giu-đa. Ông so sánh những tiên tri giả như là những con cáo phá hoại và những kẻ nói dối như trét vôi trắng tô điểm các bức tường xiêu đổ, tức các công trình vô dụng của dân. Các nữ tiên tri giả cũng bị tố giác. “Ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến, và mặt Ngài xây nghịch cùng những kẻ “lìa xa” Ngài, tức những kẻ nhất định không đi theo Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta không bao giờ muốn rút lui khỏi thánh chức phụng sự Ngài (Ê-xê-chi-ên 13:1 đến 14:11).
6. Có người nào có thể cứu dân Giu-đa ngỗ nghịch không, và điều này dạy chúng ta điều gì?
6 Ai có thể cứu dân Giu-đa ngỗ nghịch? Ngay cả những người công bình Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp cũng không giải cứu họ được khi Đức Chúa Trời đoán xét nước Giu-đa. Nếu chúng ta muốn được cứu rỗi thì phải gánh lấy trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời và làm theo ý định Ngài (Ê-xê-chi-ên 14:12-23; Rô-ma 14:12).
7. Nước Giu-đa được ví với gì, nhưng Đức Chúa Trời thành lập điều gì với những người trung thành?
7 Bởi vì dân chúng bất trung, xứ Giu-đa được ví như cây nho hoang không có trái tốt và chỉ đáng bị quăng vào lửa (Ê-xê-chi-ên 15:1-8). Xứ đó cũng được ví như một con gái vô thừa nhận được Đức Chúa Trời cứu khỏi xứ Ê-díp-tô và nuôi lớn thành một phụ nữ. Đức Giê-hô-va cưới nàng làm vợ, nhưng nàng quay theo các thần giả và phải chịu sự hủy diệt vì tội tà dâm thiêng liêng. Nhưng với những người trung thành, Đức Chúa Trời sẽ “lập một giao-ước đời đời”—đó là giao ước mới với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Ê-xê-chi-ên 16:1-63; Giê-rê-mi 31:31-34; Ga-la-ti 6:16).
8. a) Xứ Ba-by-lôn và Ê-díp-tô được ví như thế nào? b) Việc vua Sê-đê-kia bỏ lời thề ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
8 Kế đến Ê-xê-chi-ên ví những người cai trị Ba-by-lôn và Ê-díp-tô như hai con chim ưng lớn. Một con bẻ gãy ngọn cây hương bách bằng cách hạ bệ vua Giê-hô-gia-kin và thế vua Sê-đê-kia vào. Mặc dù Sê-đê-kia thề trung thành với Nê-bu-cát-nết-sa, ông đã không giữ lời thề, đi cầu viện quân sự nơi vua Ê-díp-tô, tức con chim ưng lớn thứ hai. Nếu Sê-đê-kia đã kêu danh Đức Chúa Trời trong lúc thề thốt, thì khi bỏ lời thề ông đã đem lại sự sỉ nhục cho Đức Giê-hô-va. Chính ý tưởng đem lại sự sỉ nhục cho Đức Chúa Trời nên ngăn cản chúng ta để đừng bao giờ thất hứa. Quả thật là đặc ân cho chúng ta được mang danh Ngài là Nhân-chứng Giê-hô-va! (Ê-xê-chi-ên 17:1-21).
9, 10. a) Lời tiên tri nào được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 17:22-24, nhưng phải làm gì nếu chúng ta muốn hưởng lợi ích của việc ứng nghiệm lời tiên tri này? b) Ai chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động của chúng ta?
9 Kế đến có lời tiên tri rất khích lệ nói về đấng Mê-si. Đọc Ê-xê-chi-ên 17:22-24. Ở đây “một chồi con” là Vua Giê-su Christ, đấng Mê-si. Được Đức Giê-hô-va trồng ở núi Si-ôn trên trời, ngài trở thành “cây hương-bách tốt”, một nguồn để bảo vệ và ban ân phước khi ngài cai trị trên đất (Khải-huyền 14:1). Chúng ta có thể tin chắc điều này.
10 Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn hưởng lợi ích do sự ứng nghiệm của lời tiên tri về đấng Mê-si, chúng ta phải giữ một mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va. Những người cùng bị lưu đày với Ê-xê-chi-ên có lẽ đã nghĩ rằng họ có một vị thế tốt đối với Đức Chúa Trời và đổ lỗi cho ông cha họ về sự đau khổ của họ. Nhưng nhà tiên tri đã chỉ rõ mỗi người chịu trách nhiệm về hậu quả của chính hành vi mình. (Ê-xê-chi-ên 18:1-29; so sánh Giê-rê-mi 31:28-30). Kế đến có một lời kêu gọi. Đọc Ê-xê-chi-ên 18:30-32. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va thương xót cho những người biết ăn năn và Ngài không vui về sự chết của ai cả. Vì thế Đức Chúa Trời nói: “Các ngươi hãy xây lại, mà được sống!” (So sánh II Phi-e-rơ 3:9).
11. Những người cai trị trên dân Giu-đa được ví với gì, và điều gì đã xảy ra cho xứ đó khi bị “gươm” của Đức Giê-hô-va đánh?
11 Trong bài ca đau thương về sự sụp đổ của nước Giu-đa, các kẻ cai trị nước Giu-đa được ví như những sư tử con. Vua Giô-a-cha chết, trong khi bị lưu đày ở xứ Ê-díp-tô, vua Giê-hô-gia-kim bị Nê-bu-cát-nết-sa bắt giữ và Giê-hô-gia-kin bị đày ở xứ Ba-by-lôn. Sau đó, Nê-bu-cát-nết-sa đưa Sê-đê-kia lên ngôi cai trị nước Giu-đa nhưng vua làm phản. Cuối cùng, Sê-đê-kia như sư tử trong chuồng bị dẫn đi đày tại xứ Ba-by-lôn. Để làm ứng nghiệm bài ca đau thương có ý nghĩa tiên tri, năm 607 trước tây lịch, nước Giu-đa đã trở thành cây nho chết “không còn có nhành mạnh-mẽ nữa, để làm gậy mà cai-trị”. Xứ đó đã bị chém bởi “gươm” của Đức Giê-hô-va! (Ê-xê-chi-ên 19:1-14; Giê-rê-mi 39:1-7).
12. a) Như ông cha họ, những người đương thời của Ê-xê-chi-ên làm tội gì? b) Tại sao dân sự hỏi Ê-xê-chi-ên chẳng phải là kẻ nói lời thí dụ sao, và điều này cho chúng ta lời cảnh cáo nào?
12 “Một vài trưởng-lão Y-sơ-ra-ên” đến gần Ê-xê-chi-ên để nghe nói về thông điệp của Đức Chúa Trời. Ông chỉ rõ rằng mặc dù Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô và ban cho họ Luật pháp của Ngài, họ đã vứt bỏ Luật pháp và đi thờ hình tượng. Vì các người thời Ê-xê-chi-ên đã phạm tội giống thế nên chính Đức Chúa Trời sẽ đoán xét nghịch lại họ. Dường như là vì nghi ngờ chứ không phải vì họ không hiểu ý Ê-xê-chi-ên, dân sự đã hỏi: “Nó chẳng phải là kẻ nói thí-dụ sao?” Chẳng bao lâu nữa họ sẽ biết là thông điệp của nhà tiên tri không chỉ là một chuyện ví mà thôi. Điều này cảnh cáo chúng ta đừng bao giờ nên có thái độ nghi ngờ đối với sự ứng nghiệm của lời cảnh cáo trong Kinh-thánh (Ê-xê-chi-ên 20:1 đến 21:5).
Đức Giê-hô-va là một chiến sĩ
13. “Gươm” của Đức Chúa Trời tượng trưng gì và “mọi xác-thịt” sẽ được biết gì khi gươm đó vung lên?
13 Trong năm lưu đày thứ bảy (ngày 10 tháng 5 [Ab] năm 611 trước tây lịch), gần hai năm rưỡi nữa là đến “cơn chiến-trận nơi ngày Đức Giê-hô-va” bắt đầu dấy lên nghịch lại nước Giu-đa và Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 13:5; 20:1). Hãy chú ý đến những gì Đức Giê-hô-va nói cùng Ê-xê-chi-ên. Đọc Ê-xê-chi-ên 21:6-10. “Gươm” của Đức Chúa Trời tượng trưng công cụ trên đất mà Ngài sẽ dùng, nhưng cũng có thể gồm luôn cả tổ chức trên trời giống cỗ xe nữa. Dân sự “công-bình” và “dữ” của nước Giu-đa và Y-sơ-ra-ên, cũng như các nước có ý xấu đối với dân tộc Đức Chúa Trời, sẽ bị ngã bởi “lưỡi gươm” của Đức Chúa Trời. Quả thật, “mọi xác-thịt” sẽ biết Đức Giê-hô-va đã xuất trận nghịch lại họ.
14. a) Như Ê-xê-chi-ên, các nhân-chứng được xức dầu của Đức Giê-hô-va kêu gọi sự chú ý đến điều gì? b) Điều gì cho biết là giới lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ không tránh được “gươm” của Đức Chúa Trời?
14 Như Ê-xê-chi-ên, các nhân-chứng được xức dầu của Đức Giê-hô-va ngày nay đã gợi sự chú ý đến “gươm” mà Đức Chúa Trời sẽ giá lên nghịch lại những kẻ thuộc các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, là hình bóng thật thời nay của “đất Y-sơ-ra-ên” xưa. “Mọi xác-thịt từ phương nam đến phương bắc” và tất cả những ai thực hành tôn giáo giả sắp sửa cảm thấy “gươm” đó. Những kẻ tự tin thời Ê-xê-chi-ên không có lý do gì để vui mừng hớn hở cho rằng “gươm” của Đức Giê-hô-va sẽ không “nhọn cho sự chém giết”. “Gươm” này đã loại trừ cây vương trượng của nước Giu-đa và đã loại trừ mọi “cây” hay gậy khác. Vậy thì chắc chắn các kẻ lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ không tránh khỏi các lực lượng hành quyết của Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 21:11-22).
15. Chuyện gì liên quan đến Nê-bu-cát-nết-sa chứng tỏ không ai có thể gạt “gươm” của Đức Giê-hô-va qua một bên?
15 Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên tiếp tục cho thấy rằng không ai, kể cả các ma quỉ, có thể gạt “gươm” của Đức Giê-hô-va qua một bên được. Đọc Ê-xê-chi-ên 21:23-27. Mặc dù vua Nê-bu-cát-nết-sa dùng đến thuật bói toán, Đức Giê-hô-va sẽ làm sao chắc chắn khiến nhà cai trị Ba-by-lôn kéo đến nghịch lại thành Giê-ru-sa-lem, mà không nghịch lại thành Ráp-ba là thủ đô của xứ Am-môn yếu hơn. Nê-bu-cát-nết-sa sẽ lấy một cây tên có ghi Giê-ru-sa-lem. Vua sẽ dùng thần tượng tê-ra-phim (có lẽ những tượng nhỏ) và xem điềm chỉ trong lá gan của một con thú bị giết. Tuy nhiên, bất kể sự bói toán, vua vẫn đi trên đường dẫn đến thành của xứ Giu-đa và bao vây nó. Thật vậy, vua Nê-bu-cát-nết-sa đã lập giao ước với vua Sê-đê-kia. Nhưng vì sự bỏ lời thề, vua Sê-đê-kia và những người Do-thái (dân Giu-đa) khác “bị [nắm] tay bắt” đi làm phu tù tại xứ Ba-by-lôn (Ê-xê-chi-ên 21:28, 29).
16. a) Điều gì sẽ xảy ra làm ứng nghiệm Ê-xê-chi-ên 21:30-32? b) “Các kỳ dân ngoại” bắt đầu lúc nào và đã chấm dứt với biển cố nào?
16 Vì nổi loạn, Sê-đê-kia đã tự gây tổn thương cho đến chết. Đọc Ê-xê-chi-ên 21:30-32. Khi vua Giu-đa bị phế, mũ vua và mão triều thiên cũng bị lột đi (II Các Vua 25:1-7). Nước Giu-đa “cao” đã bị “hạ xuống” thấp khi bị hủy phá năm 607 trước tây lịch. Vì vậy các nước dân ngoại “thấp” đã được “cất lên cao”, được quyền kiểm soát trái đất mà không bị nước kiểu mẫu của Đức Chúa Trời xen vào (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:13, 15, 36, 43, 44). Vậy đó là lúc bắt đầu “các kỳ dân ngoại” chấm dứt năm 1914 khi Đức Chúa Trời phong chức vua cho Giê-su Christ là “đấng đáng được” làm vua (Lu-ca 21:20-24; Thi-thiên 110:1, 2; Đa-ni-ên 4:15-28; 7:13, 14). Với Giê-su ngự trên ngai trên trời, các nước dân ngoại không thể chà đạp trên điều mà thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa tượng trưng, đó là Nước Trời do đấng thừa kế hợp pháp của Đa-vít (Hê-bơ-rơ 12:22).
17. Các nhà tiên tri Am-môn đã tuyên bố “lời dối” nào?
17 Các nhà tiên tri của xứ Am-môn nói rằng thành Ráp-ba của dân Am-môn sẽ tránh được sự hủy diệt bởi gươm của Nê-bu-cát-nết-sa. Nhưng đó là lời nói dối vì cả xứ Am-môn bị tàn phá. Trong thời chúng ta ngày nay, Đức Chúa Trời đã hạ lệnh hủy diệt các nước sau khi hủy diệt các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, cũng như thuở xưa thành Ráp-ba bị hủy diệt sau thành Giê-ru-sa-lem (Ê-xê-chi-ên 21:33-37; Khải-huyền 16:14-16).
Giê-ru-sa-lem bị buộc tội
18. Ê-xê-chi-ên lên án thành Giê-ru-sa-lem về tội gì, và chúng ta nên phản ứng thế nào về điều này?
18 Một lần nữa Ê-xê-chi-ên nói lời của Đức Giê-hô-va lên án Giê-ru-sa-lem về những tội như làm đổ huyết, thờ hình tượng, luông tuồng, giả dối và quên cả Đức Chúa Trời. Các quan trưởng mang tội máu đã lạm dụng quyền hành đến độ giết người và những kẻ vu khống thanh toán kẻ thù của chúng bằng cách buộc tội oan cho những người này. Vì các tội lỗi đó mà dân thành Giê-ru-sa-lem phải bị tản lạc. Biết được điều này nên làm chúng ta nhất quyết tránh tội lạm dụng quyền hành, luông tuồng, vu khống và những tội trọng khác (Ê-xê-chi-ên 22:1-16).
19. Dân Giu-đa bị nấu chảy thế nào, và tại sao sự tận diệt của họ là chắc chắn?
19 Đức Giê-hô-va cũng sẽ nấu chảy người Giu-đa trong lò lửa. Đây không phải là để luyện sạch họ như trong phương pháp luyện kim nhưng để nấu chảy họ trong cơn giận phừng phừng của Ngài (Ê-xê-chi-ên 22:17-22). Sự đoán xét này là đáng cho những nhà tiên tri làm phản, thầy tế lễ phi pháp, quan trưởng tham lam và những kẻ không công bình. Tất cả đều bị lên án. Vì không có ai trong vòng họ đứng nổi trong sự công bình nên Đức Chúa Trời phải tận diệt họ trong lửa giận của Ngài (Ê-xê-chi-ên 22:23-31).
Đáng bị phạt
20. Đức Chúa Trời đổ cơn giận Ngài lên hai người đàn bà tượng trưng nào, và bạn có thể cung cấp chi tiết nào về lý lịch của họ?
20 Kế tiếp, cơn giận của Đức Chúa Trời đổ ra qua việc hành quyết hai người đàn bà tượng trưng phạm tội tà dâm thiêng liêng. Một là Ô-hô-la, tức nước Y-sơ-ra-ên gồm 10 chi phái với thủ đô là Sa-ma-ri. Đây là “đứa chị” vì bao gồm hầu hết các chi phái của dân Y-sơ-ra-ên, gồm cả con cháu của Ru-bên và Si-mê-ôn là các con lớn của Gia-cốp. Đứa em Ô-hô-li-ba là nước Giu-đa gồm hai chi phái với thủ đô là Giê-ru-sa-lem. Ô-hô-la có nghĩa “trại của nó”, Ô-hô-li-ba có nghĩa “trại ta ở trong nó”, tên này thích hợp vì đền tạm hay đền thờ của Đức Chúa Trời ở trong nước Giu-đa (Ê-xê-chi-ên 23:1-4).
21. Ô-hô-la đã đi tìm kiếm sự an toàn ở đâu, và điều này cho chúng ta lời cảnh cáo nào?
21 Ô-hô-la (nước Y-sơ-ra-ên) không còn nữa khi bị quân A-si-ri lật đổ năm 740 trước tây lịch. Ô-hô-la đã phạm tội gì? Đọc Ê-xê-chi-ên 23:5-7. Ô-hô-la vì không có đức tin nên đã đi tìm kiếm sự an toàn trong các liên minh chính trị, nhưng điều này đưa nước ấy đến việc chấp nhận sự thờ phượng giả của các nước bạn để rồi tự làm ô uế với những thần tượng của chúng nó. Nhìn thấy hậu quả của sự tà dâm thiêng liêng của Ô-hô-la, chúng ta nên đề cao cảnh giác chống lại những sự ràng buộc với thế gian có thể hủy hoại đức tin của chúng ta (Gia-cơ 4:4; I Giăng 2:15-17).
22. Như Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đang làm gì, nhưng điều gì sẽ xảy ra cho họ?
22 Vì chạy theo đường lối nhiều tội lỗi hơn nước chị, Ô-hô-li-ba (nước Giu-đa) bị lâm vào tay của quân Ba-by-lôn vào năm 607 trước tây lịch. Con cái của xứ đó đã bị ngã dưới lưỡi gươm hay bị dẫn đi làm phu tù, và đã chịu nhục giữa các nước. Như Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ phạm tội tà dâm thiêng liêng và tội nặng dưới mắt Đức Chúa Trời là Đấng mà họ xưng là thờ phượng. Đạo Tin lành (Protestantism) với nhiều hệ phái khác nhau đã tự làm ô uế với hệ thống thương mại và chính trị trên thế giới còn hơn cả chị của y thị là đạo Công giáo La-mã (Roman Catholicism). Thế thì Đức Giê-hô-va sẽ làm cho tất cả các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ phải bị hủy diệt. Lúc đó dân chúng sẽ biết rằng Ngài là Chúa Giê-hô-va. Điều này làm vững mạnh lòng cương quyết của chúng ta để tránh những sự ràng buộc không chính đáng với thế gian nếu chúng ta nhớ rằng chính những nước liên minh giao kết với các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sắp sửa trở mặt và thi hành án lệnh của Đức Chúa Trời trên chúng vì chúng là phần chính của Ba-by-lôn lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới (Ê-xê-chi-ên 23:8-49; Khải-huyền 17:1-6, 15-18).
Những kẻ giả hình kinh ngạc
23. Thành Giê-ru-sa-lem được tượng trưng thế nào trong sự miêu tả mà Đức Chúa Trời ban cho Ê-xê-chi-ên vào cuối tháng Chạp năm 609 trước tây lịch, và điều gì xảy ra cho thành đó?
23 Ngay cùng ngày cuối tháng Chạp khi Nê-bu-cát-nết-sa bắt đầu cuộc bao vây 18 tháng chung quanh thành Giê-ru-sa-lem (ngày 10 tháng 10 [Tebeth] năm 609 trước tây lịch). Đức Chúa Trời ban cho Ê-xê-chi-ên một sự miêu tả khác. Trong đó thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây được tượng trưng như một cái nồi mà sẽ “nấu” dân cư trong thành. Sự ô uế về phương diện luân lý đã làm “ten rét” nồi tượng trưng đó. Từng kẻ phạm pháp bị đem ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem và hoạn nạn của thành sẽ không chấm dứt cho đến khi nó bị hủy diệt. Đức Giê-hô-va phán xét thành Giê-ru-sa-lem theo sự gian ác của nó và nó phải bị hủy diệt, cũng như thời nay các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ phải bị tiêu diệt (Ê-xê-chi-ên 24:1-4).
24. a) Tại sao Ê-xê-chi-ên không tỏ vẻ buồn bã khi vợ chết? b) Khi “gươm” của Đức Giê-hô-va giáng trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, họ sẽ phản ứng thế nào, và họ sẽ được biết điều gì?
24 Kế đến, Ê-xê-chi-ên phải hành động một cách khác thường. Đọc Ê-xê-chi-ên 24:15-18. Tại sao nhà tiên tri không tỏ vẻ buồn bã khi vợ ông chết? Đó là để miêu tả việc người Do-thái (dân Giu-đa) sẽ kinh ngạc đến thế nào trước sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem, dân sự cùng cả đền thờ nữa. Ê-xê-chi-ên đã nói quá đủ về vấn đề này và sẽ không nói lên thông điệp của Đức Chúa Trời nữa cho đến khi ông được báo cáo là thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Tương tợ như thế, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và những kẻ giả hình theo chúng sẽ rất kinh ngạc trước sự hủy diệt của họ. Và sau khi “hoạn-nạn lớn” bắt đầu, những gì lớp người canh giữ được xức dầu đã nói rồi về sự hủy diệt của họ sẽ là quá đủ (Ma-thi-ơ 24:21). Nhưng khi “gươm” của Đức Chúa Trời giáng trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, những kẻ theo đạo và những kẻ khác «sẽ biết rằng chính Ngài là Đức Giê-hô-va» (Ê-xê-chi-ên 24:19-27).
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Điều gì đã xảy ra khi Đức Giê-hô-va vung “gươm” nghịch lại nước Giu-đa và Y-sơ-ra-ên?
◻ Chúng ta nên xem thế nào việc Sê-đê-kia bỏ lời thề với Nê-bu-cát-nết-sa?
◻ “Gươm” của Đức Chúa Trời tượng trưng gì?
◻ Chuyện gì liên quan đến Nê-bu-cát-nết-sa chứng tỏ không ai có thể gạt “gươm” của Đức Giê-hô-va qua một bên được?
◻ Điều gì đã xảy ra làm ứng nghiệm Ê-xê-chi-ên 21:30-32?
◻ Việc Ê-xê-chi-ên không tỏ vẻ buồn bã khi vợ chết sẽ dùng để miêu tả điều gì sẽ xảy ra?
[Hình nơi trang 16]
Khi vua Sê-đê-kia bỏ lời thề với Nê-bu-cát-nết-sa và bị bắt giam thì lời tiên tri nào đã bắt đầu được ứng nghiệm?