Phước cho những ai tỉnh thức!
“Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh-thức và giữ-gìn áo-xống mình” (KHẢI-HUYỀN 16:15).
1. Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần kề, chúng ta có thể chờ đợi điều gì xảy ra?
NGÀY lớn của Đức Giê-hô-va đã gần kề, và điều này có nghĩa là có chiến tranh! Trong sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy “thần của ma-quỉ” đi đến các “vua” hoặc các nhà cầm quyền trên đất. Để làm gì? “Để nhóm-hiệp về sự chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn năng”! Giăng nói thêm: “Chúng nhóm các vua lại một chỗ, theo tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn” (Khải-huyền 16:13-16).
2. Ai là Gót ở đất Ma-gốc, và chuyện gì sẽ xảy ra khi hắn tấn công dân Đức Giê-hô-va?
2 Chẳng bao lâu, Đức Giê-hô-va sẽ khiến các thành phần chính trị của hệ thống này hủy diệt Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới (Khải-huyền 17:1-5, 15-17). Sau đó, Gót ở đất Ma-gốc, tức là Sa-tan Ma-quỉ đã bị đày xuống vùng phụ cận trái đất, sẽ chỉnh đốn bè lũ của hắn và tấn công toàn thể dân của Đức Giê-hô-va, một dân tộc hiếu hòa và có vẻ như không có khả năng tự vệ (Ê-xê-chi-ên 38:1-12). Nhưng Đức Chúa Trời sẽ ra tay hành động để giải cứu dân ngài. Điều đó sẽ đánh dấu sự bùng nổ của “ngày lớn và đáng-khiếp của Đức Giê-hô-va” (Giô-ên 2:31; Ê-xê-chi-ên 38:18-20).
3. Bạn giải thích thế nào về những diễn biến được nói trước nơi Ê-xê-chi-ên 38:21-23?
3 Đúng, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân ngài và hoàn toàn hủy phá hệ thống Sa-tan đến một vết tích cũng không còn khi thế giới đạt đến tình trạng gọi là Ha-ma-ghê-đôn. Hãy đọc những lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 38:21-23, và hãy hình dung khung cảnh ấy. Đức Giê-hô-va sẽ dùng quyền năng ngài để gây ra những trận mưa lụt, mưa đá gây sự tàn phá, tia lửa, dịch lệ gây chết chóc. Cảnh hốt hoảng xảy ra khắp nơi trong khi bè lũ của Gót trở nên rối loạn, chém giết lẫn nhau. Bất cứ kẻ thù nào còn sót lại của Đức Chúa Trời Toàn năng cũng đều bị hành quyết khi Đức Giê-hô-va dùng những phương tiện siêu nhiên để giải cứu tôi tớ ngài. Sau khi “hoạn-nạn lớn” được báo trước này chấm dứt, không một cái gì của hệ thống không tin kính của Sa-tan sẽ còn sót lại (Ma-thi-ơ 24:21). Tuy nhiên, ngay cả trong lúc đang giẫy chết, những kẻ gian ác sẽ biết ai giáng tai ương trên họ. Chính Đức Chúa Trời chiến thắng của chúng ta nói: “Chúng nó sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va”. Những biến cố lạ thường này sẽ xảy ra vào thời đại của chúng ta, trong lúc Chúa Giê-su hiện diện.
Đến như kẻ trộm
4. Chúa Giê-su sẽ đến như thế nào để hủy diệt hệ thống mọi sự này?
4 Chúa vinh quang Giê-su Christ nói: “Kìa, ta đến như kẻ trộm”. Kẻ trộm đến bất chợt, vào một thời điểm bất ngờ, trong lúc phần đông người ta đang ngủ. Khi Chúa Giê-su đến như kẻ trộm để phá hủy hệ thống gian ác này, ngài sẽ gìn giữ những ai thật sự tỉnh thức. Ngài nói với Giăng: “Phước cho kẻ tỉnh-thức và giữ-gìn áo-xống mình, đặng khỏi đi lỏa-lồ và người ta không thấy sự xấu-hổ mình!” (Khải-huyền 16:15). Những lời này có nghĩa gì? Và làm sao chúng ta tỉnh thức về mặt thiêng liêng?
5. Khi Chúa Giê-su ở trên thế gian, có sự sắp đặt nào cho công việc đền thờ?
5 Thường thì người lính gác không bị tước áo trơ thân nếu người này ngủ gật trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhưng điều này đã xảy ra tại đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem khi Chúa Giê-su sống trên đất và các ban thứ gồm thầy tế lễ và người Lê-vi phục vụ tại đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem. Vào thế kỷ thứ 11 trước công nguyên (TCN) Vua Đa-vít sắp đặt hàng trăm thầy tế lễ người Y-sơ-ra-ên cùng với hàng ngàn phụ tá người Lê-vi thành một tổ chức gồm có 24 ban thứ (I Sử-ký 24:1-18). Mỗi ban thứ có trên một ngàn nhân công đã được huấn luyện, họ thay phiên phụng sự tại đền thờ ít nhất hai lần mỗi năm và mỗi lần là trọn một tuần. Tuy nhiên, vào Lễ Lều tạm tất cả 24 ban thứ đều có mặt để thi hành nhiệm vụ. Người ta cũng cần có thêm người phụ việc vào dịp Lễ Vượt qua.
6. Chúa Giê-su có thể đã ám chỉ gì khi ngài nói: “Phước cho kẻ tỉnh-thức và giữ-gìn áo-xống mình”?
6 Khi Chúa Giê-su nói: “Phước cho kẻ tỉnh-thức và giữ-gìn áo-xống mình”, có thể ngài ám chỉ một cách thức làm việc lúc đó liên quan đến nhiệm vụ canh gác tại đền thờ. Sách Mishnah của Do Thái nói: “Các thầy tế lễ canh gác ba nơi trong đền thờ: Phòng Abtinas, Phòng Ngọn lửa và Phòng Sưởi ấm; và những người Lê-vi canh gác hai mươi mốt nơi: năm chỗ ở năm cổng vào Khu Đền thờ, bốn chỗ tại bốn góc bên trong, năm chỗ tại năm cổng vào Sân đền thờ, bốn chỗ tại bốn góc bên ngoài, và một chỗ tại Phòng Tế lễ, một chỗ tại Phòng có Màn, và một nơi phía sau Ngôi Thương xót [ở ngoài bức tường phía sau nơi Chí Thánh]. Thầy Khu Đền thờ thường hay đi tuần đến gặp từng người canh gác, tay cầm ngọn đuốc trước mặt, và nếu người canh gác không đứng dậy và nói với ông: ‘Thưa thầy Khu Đền thờ, mong sự bình an ở với thầy’! và nếu thấy rằng người canh gác ngủ gật, thì thầy sẽ đánh người canh gác bằng gậy của mình, và thầy có quyền đốt quần áo của người này” (Mishnah, Middoth [“Đo lường”], 1, đoạn 1-2, do Herbert Danby phiên dịch).
7. Tại sao các thầy tế lễ và người Lê-vi có nhiệm vụ canh gác tại đền thờ cần phải tỉnh thức?
7 Những người Lê-vi và thầy tế lễ thuộc ban thứ đang phục dịch phải tỉnh thức trọn đêm để canh gác và ngăn cản bất cứ ai không thanh sạch bước vào sân đền thờ. Vì “thầy Khu Đền thờ”, hoặc “quan coi đền-thờ” đi một vòng thăm tất cả 24 địa điểm vào phiên gác đêm, nên mỗi người canh phải tỉnh thức tại vọng gác nếu không muốn bị bắt gặp đang lơ là không đề phòng (Công-vụ các Sứ-đồ 4:1).
8. Quần áo theo nghĩa bóng của tín đồ đấng Christ là gì?
8 Tín đồ đấng Christ được xức dầu cùng với những người đồng phục vụ cần phải tỉnh thức về mặt thiêng liêng và đừng để bị tước mất quần áo theo nghĩa bóng. Đó là bằng chứng bên ngoài chứng tỏ rằng chúng ta được bổ nhiệm làm thánh chức nơi đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Vì lẽ ấy, chúng ta có thánh linh hoặc sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời giúp chúng ta thi hành trách nhiệm và thực thi đặc ân làm người rao giảng Nước Trời. Ngủ gật trong lúc thi hành chức vụ người truyền giáo của Đức Chúa Trời khiến chúng ta gặp nguy cơ là có thể bị Chúa Giê-su Christ, Quan coi đền thờ thiêng liêng lớn bắt gặp. Nếu chúng ta ngủ gật về mặt thiêng liêng vào lúc ấy, chúng ta sẽ bị lột trần theo nghĩa bóng và quần áo tượng trưng sẽ bị đốt cháy. Vậy thì làm sao mà chúng ta có thể tỉnh thức về mặt thiêng liêng?
Làm sao chúng ta có thể tỉnh thức
9. Tại sao học hỏi Kinh-thánh với sự trợ giúp của sách báo của tín đồ đấng Christ lại rất quan trọng?
9 Siêng năng học hỏi Kinh-thánh với sự giúp đỡ của sách báo của tín đồ đấng Christ sẽ khuyến khích chúng ta tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Việc học hỏi như thế sẽ trang bị cho chúng ta để làm thánh chức, giúp chúng ta đương đầu với những khủng hoảng, và sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu (Châm-ngôn 8:34, 35; Gia-cơ 1:5-8). Chúng ta phải học hỏi kỹ càng và một cách có tiến bộ (Hê-bơ-rơ 5:14 đến 6:3). Chúng ta tỉnh táo và cảnh giác được là nhờ ăn uống đều đặn những thức ăn bổ dưỡng. Thức ăn có thể giúp chúng ta tránh bị lờ phờ, tức là dấu hiệu của sự suy dinh dưỡng. Chúng ta không có lý do để buồn ngủ và bị thiếu ăn về mặt thiêng liêng, vì Đức Chúa Trời đang ban rất nhiều thức ăn thiêng liêng qua trung gian lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được xức dầu (Ma-thi-ơ 24:45-47). Ăn uống đều đặn thức ăn thiêng liêng qua việc học hỏi cá nhân và cùng với gia đình là một cách để tỉnh thức và để “có đức-tin vẹn-lành” (Tít 1:13).
10. Những buổi họp, hội nghị và đại hội của đạo đấng Christ giúp chúng ta tỉnh thức bằng cách nào?
10 Những buổi họp, hội nghị và đại hội của đạo đấng Christ giúp cho chúng ta tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Những buổi họp này khuyến khích chúng ta và cho chúng ta cơ hội để ‘khuyên-giục nhau về lòng yêu-thương và việc tốt-lành’. Đặc biệt là khi thấy “ngày ấy... gần” chúng ta phải nhóm lại thường xuyên. Ngày ấy thật sự đã gần. Đó là “ngày của Đức Giê-hô-va”, lúc mà ngài biện minh cho quyền thống trị của ngài. Nếu ngày ấy hết sức quan trọng đối với chúng ta—và hẳn là thế—thì chúng ta sẽ không “bỏ sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:24, 25; II Phi-e-rơ 3:10).
11. Tại sao chúng ta có thể nói rằng thánh chức của tín đồ đấng Christ là thiết yếu cho sự tỉnh thức về mặt thiêng liêng?
11 Hết lòng tham gia vào thánh chức của tín đồ đấng Christ là điều thiết yếu để tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Việc tham gia đều đặn và sốt sắng vào việc rao giảng tin mừng giúp chúng ta đề cao cảnh giác. Thánh chức rao giảng cho chúng ta nhiều cơ hội để nói với người ta về Lời của Đức Chúa Trời, Nước Trời và ý định của ngài. Chúng ta được thỏa mãn khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, đi thăm lại, và hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh-thánh tại nhà dùng những tài liệu như Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô cổ xưa có thể chứng thực rằng Phao-lô đã dạy họ “giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21). Dĩ nhiên, một số Nhân-chứng trung thành của Đức Giê-hô-va có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nên họ đã bị trở ngại một phần nào trong thánh chức, nhưng họ tìm được cách để nói cho những người khác biết về Đức Giê-hô-va và vương quyền của ngài và có được niềm vui lớn lao khi làm điều đó (Thi-thiên 145:10-14).
12, 13. Vì những lý do nào mà chúng ta nên tránh ăn uống quá độ?
12 Tránh sự quá ham mê sẽ giúp chúng ta tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Khi nói về sự hiện diện của ngài, Chúa Giê-su khuyến khích các sứ đồ: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy” (Lu-ca 21:7, 34, 35). Tham ăn và say sưa là những điều không phù hợp với nguyên tắc của Kinh-thánh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:18-21). Châm-ngôn 23:20, 21 viết: “Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, hoặc với những kẻ láu ăn; vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo; còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách-rưới” (Châm-ngôn 28:7).
13 Tuy nhiên, dù cho ăn uống quá độ nhưng chưa đến mức tham ăn, thức ăn và đồ uống có thể làm cho một người buồn ngủ, ngay cả lười biếng nữa và lơ là trong việc thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời. Lo lắng về đời sống gia đình, sức khỏe, v.v... là điều tự nhiên. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt quyền lợi Nước Trời lên trên hết trong đời sống và tin cậy rằng Cha chúng ta trên trời sẽ chu cấp đầy đủ thì chúng ta sẽ hạnh phúc (Ma-thi-ơ 6:25-34). Nếu không, “ngày ấy” sẽ đến với chúng ta như “lưới bủa”, có lẽ như một cái bẫy trá hình bất ngờ sập bắt chúng ta hoặc như bẫy dùng để nhử bắt những thú vật không cẩn thận. Điều này sẽ không xảy ra nếu chúng ta tỉnh thức, hoàn toàn ý thức rằng chúng ta đang sống vào “kỳ cuối-cùng” (Đa-ni-ên 12:4).
14. Tại sao chúng ta nên chân thành cầu nguyện?
14 Chân thành cầu nguyện là một sự trợ giúp khác để tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Trong lời tiên tri trọng đại của ngài, Chúa Giê-su khuyên giục thêm: “Hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu-ca 21:36). Vâng, chúng ta hãy cầu nguyện rằng chúng ta luôn được ở bên Đức Giê-hô-va và được Chúa Giê-su chấp nhận khi ngài, tức là Con người, đến để tiêu diệt hệ thống mọi sự gian ác này. Vì lợi ích của chúng ta và của những người cùng đạo mà chúng ta nhắc đến trong lời cầu nguyện, chúng ta cần phải “tỉnh-thức trong sự cầu-nguyện” (Cô-lô-se 4:2; Ê-phê-sô 6:18-20).
Thì giờ sắp hết rồi
15. Việc chúng ta phụng sự với tư cách là người rao giảng sự công bình đạt được kết quả gì?
15 Trong khi chúng ta chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta muốn làm tất cả những gì có thể làm được để phụng sự ngài. Nếu chúng ta chân thành cầu nguyện ngài về điều này, thì “một cái cửa lớn mở toang ra” có thể cho chúng ta cơ hội để làm thế (I Cô-rinh-tô 16:8, 9). Vào thời kỳ ấn định của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su sẽ thi hành sự phán xét và tách “chiên” công bình đáng được sống muôn đời ra khỏi “dê” không tin kính đáng bị hủy diệt muôn đời (Giăng 5:22). Chúng ta không phải là những người tách chiên ra khỏi dê. Nhưng việc chúng ta phụng sự với tư cách là người rao giảng sự công bình trong lúc này cho người ta cơ hội để chọn một cuộc sống phụng sự Đức Chúa Trời và như thế họ có hy vọng được tách ra để được sống khi Chúa Giê-su “ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến”. Thời gian ngắn ngủi còn lại cho hệ thống mọi sự này cho thấy chúng ta càng cần phải hết lòng hoạt động khi chúng ta tìm kiếm những ai “đã được định sẵn cho sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 25:31-46; Công-vụ các Sứ-đồ 13:48).
16. Tại sao chúng ta nên sốt sắng rao giảng về Nước Trời?
16 Thế gian của thời Nô-ê đã hết hạn, và thời gian của hệ thống mọi sự này cũng sẽ hết. Vì vậy chúng ta hãy sốt sắng rao giảng về Nước Trời. Công việc rao giảng của chúng ta đang đạt nhiều thành quả, vì mỗi năm có cả hàng trăm ngàn người làm báp têm biểu hiệu sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Họ gia nhập tổ chức được Đức Giê-hô-va ban ơn phước—“là dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài” (Thi-thiên 100:3). Thật vui mừng biết bao khi chúng ta tham gia công việc rao giảng về Nước Trời để đem lại hy vọng cho rất nhiều người trước khi “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” đến!
17, 18. a) Khi đi rao giảng, chúng ta biết trước một số người sẽ có phản ứng nào? b) Điều gì chắc chắn sẽ xảy đến bất ngờ cho những kẻ chế giễu?
17 Giống như Nô-ê, chúng ta có sự trợ giúp và che chở của Đức Chúa Trời. Đành rằng loài người, các thiên sứ mặc lấy hình người, và những tên Nê-phi-lim hẳn đã chế giễu thông điệp của Nô-ê, nhưng điều này đã không làm ông ngừng rao giảng. Ngày nay một số người chế giễu khi chúng ta chỉ cho họ nhiều bằng chứng là chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” (II Ti-mô-thê 3:1-5). Sự chế giễu như thế ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh-thánh liên quan đến sự hiện diện của đấng Christ, vì Phi-e-rơ viết: “Trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế” (II Phi-e-rơ 1:16; 3:3, 4).
18 Ngày nay những người chế giễu có thể nghĩ: ‘Không có gì thay đổi từ thời khai thiên lập địa. Đời sống cứ tiếp tục, người ta ăn, uống, cưới gả và nuôi nấng gia đình. Dù là Chúa Giê-su hiện diện đi nữa, ngài cũng sẽ không thi hành sự phán xét trong thời đại của tôi’. Họ thật là sai lầm biết bao! Nếu trong lúc này họ không chết vì những lý do nào khác, thì ngày đáng sợ của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ tiêu diệt họ giống như tai biến Nước lụt đã kết liễu thế hệ gian ác vào thời Nô-ê (Ma-thi-ơ 24:34).
Chắc chắn chúng ta nên tỉnh thức!
19. Chúng ta nên nghĩ như thế nào về công việc đào tạo môn đồ?
19 Nếu chúng ta đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, mong sao chúng ta không bao giờ bị ru ngủ bởi những lý lẽ không chính đáng. Bây giờ là lúc để tỉnh thức để thực hành đức tin nơi những lời tiên tri của Đức Chúa Trời, và để thi hành sứ mạng “đi dạy-dỗ muôn-dân” (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Trong khi hệ thống này sắp bị kết liễu, chúng ta không thể có một đặc ân nào lớn hơn là được phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su Christ và tham gia vào công việc trên khắp thế giới là rao giảng “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” trước khi sự cuối cùng đến (Ma-thi-ơ 24:14; Mác 13:10).
20. Ca-lép và Giô-suê đã nêu gương nào, và đường lối của họ cho thấy điều gì?
20 Có một số dân Đức Giê-hô-va đã phụng sự ngài nhiều thập niên, có lẽ cả đời họ. Và dù chúng ta mới theo sự thờ phượng thật gần đây, mong sao chúng ta cũng giống như người Y-sơ-ra-ên tên là Ca-lép đã “theo Đức Giê-hô-va cách trung-tín trọn-vẹn” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:34-36). Ông này và Giô-suê đã chuẩn bị sẵn sàng đi vào Đất Hứa ít lâu sau khi Y-sơ-ra-ên được giải cứu khỏi ách nô lệ của Ê-díp-tô. Tuy nhiên, nói chung thì những người trưởng thành Y-sơ-ra-ên thiếu đức tin và đã phải sống 40 năm nơi đồng vắng và chết tại đó. Ca-lép và Giô-suê đã chịu đựng cực khổ cùng chung với họ trong suốt thời gian đó, nhưng cuối cùng hai người này được vào vùng đất hứa (Dân-số Ký 14:30-34; Giô-suê 14:6-15). Nếu chúng ta “theo Đức Giê-hô-va cách trung-tín trọn-vẹn” và tỉnh thức về mặt thiêng liêng, chúng ta sẽ có được niềm vui đi vào thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa.
21. Kết quả sẽ ra sao nếu chúng ta tỉnh thức về mặt thiêng liêng?
21 Bằng chứng cho thấy rõ ràng chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng và ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần kề. Bây giờ không phải là lúc để buồn ngủ và lơ là trong việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ được ân phước chỉ khi nào chúng ta tỉnh thức về mặt thiêng liêng và giữ bộ y phục cho biết chúng ta là người truyền đạo của đấng Christ và là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta quyết tâm “tỉnh-thức,... vững-vàng trong đức-tin,... dốc chí trượng-phu và mạnh-mẽ” (I Cô-rinh-tô 16:13). Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, mong sao mỗi người chúng ta kiên trì và can đảm. Rồi chúng ta sẽ ở giữa những người sẵn sàng khi ngày lớn của Đức Giê-hô-va giáng xuống, trung thành phụng sự trong hàng ngũ những người vui mừng tỉnh thức.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Bạn giải thích thế nào về quần áo theo nghĩa bóng của chúng ta, và làm sao chúng ta có thể giữ nó không để bị tước mất?
◻ Có những cách nào để tỉnh thức về mặt thiêng liêng?
◻ Tại sao chúng ta nên biết là sẽ có những kẻ chế giễu, và chúng ta nên nghĩ sao về họ?
◻ Chúng ta nên nghĩ thế nào về công việc đào tạo môn đồ trong những ngày sau rốt này?
[Hình nơi trang 15]
Bạn có quyết tâm tỉnh thức về mặt thiêng liêng và không để bị tước mất quần áo theo nghĩa bóng không?
[Câu nổi bật nơi trang 16]
Tín đồ đấng Christ có sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời để tỉnh thức và thi hành nhiệm vụ của họ