CHƯƠNG 14
“Đây là luật của đền”
TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Khải tượng về đền thờ chứa đựng các bài học thực tế cho thời Ê-xê-chi-ên và thời chúng ta
1, 2. (a) Trong chương trước, chúng ta học được gì về khải tượng của Ê-xê-chi-ên? (b) Chúng ta sẽ xem xét hai câu hỏi nào trong chương này?
Trong khải tượng, Ê-xê-chi-ên không thấy đền thờ thiêng liêng vĩ đại mà sứ đồ Phao-lô nói đến sau đó nhiều thế kỷ. Chúng ta học được điều này trong chương trước. Chúng ta cũng biết được rằng mục đích của khải tượng là để dạy dân Đức Chúa Trời về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn mà ngài đặt ra cho sự thờ phượng thanh sạch. Chỉ khi theo các tiêu chuẩn đó thì dân chúng mới có thể hưởng mối quan hệ được phục hồi với Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Đức Giê-hô-va hai lần nhấn mạnh ý tưởng quan trọng này trong một câu: “Đây là luật của đền”.—Đọc Ê-xê-chi-ên 43:12.
2 Giờ đây, chúng ta cần xem xét hai câu hỏi. Thứ nhất: Qua khải tượng về đền thờ, những người Do Thái vào thời Ê-xê-chi-ên có thể rút ra bài học nào về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch? Câu trả lời sẽ giúp chúng ta giải đáp câu hỏi thứ hai: Khải tượng có ý nghĩa gì với chúng ta trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này?
Khải tượng chứa đựng những bài học nào cho thời xưa?
3. Làm thế nào khung cảnh trên một ngọn núi rất cao trong khải tượng có lẽ đã khiến dân chúng cảm thấy xấu hổ?
3 Để trả lời câu hỏi thứ nhất, hãy tập trung vào một số đặc điểm nổi bật của khải tượng về đền thờ. Ngọn núi cao. Rất có thể dân chúng liên kết khung cảnh này trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên với lời tiên tri của Ê-sai về sự khôi phục (Ê-sai 2:2). Nhưng việc thấy nhà của Đức Giê-hô-va trên một ngọn núi cao như thế dạy họ điều gì? Đó là sự thờ phượng thanh sạch phải được nâng lên cao, tức được xem trọng hơn tất cả những điều khác. Dĩ nhiên, sự thờ phượng thanh sạch vốn là cao trọng, vì đó là sự sắp đặt của đấng “được tôn cao hơn hẳn tất cả các thần” (Thi 97:9). Nhưng dân chúng đã không làm phần của mình. Trong nhiều thế kỷ, họ nhiều lần để sự thờ phượng thanh sạch trở nên đồi bại, ô uế và bị từ bỏ. Hẳn việc thấy nhà thánh của Đức Chúa Trời được nâng lên cao đến một vị trí vinh hiển và vượt trội đã khiến những người có lòng thành cảm thấy xấu hổ.
4, 5. Người nghe khải tượng của Ê-xê-chi-ên có lẽ học được điều gì từ các cổng cao ngất của đền thờ?
4 Các cổng cao ngất. Trong phần đầu của khải tượng, Ê-xê-chi-ên chứng kiến thiên sứ đo các cổng. Các cổng này cao khoảng 30m (Ê-xê 40:14). Cũng có các phòng canh gác tại những lối vào này. Các chi tiết ấy có lẽ đưa ra gợi ý nào cho những người xem kỹ kiểu mẫu đền thờ? Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên: “Hãy chú ý đến lối vào của đền thờ”. Tại sao? Vì dân chúng đã đưa những người có “lòng lẫn thân thể không cắt bì” vào nhà thánh dành cho việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va nói: “Chúng đã làm ô uế đền thờ”.—Ê-xê 44:5, 7.
5 Những người có “thân thể không cắt bì” đã không vâng theo mệnh lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời được ban vào thời Áp-ra-ham (Sáng 17:9, 10; Lê 12:1-3). Nhưng những người có ‘lòng không cắt bì’ còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn. Họ bướng bỉnh, phản nghịch và lờ đi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Đáng lẽ những người như thế không được phép vào nhà thánh dành cho việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời ghét sự đạo đức giả, nhưng dân ngài lại để điều ấy phát triển trong nhà ngài. Các cổng và phòng canh gác của đền thờ trong khải tượng rõ ràng chứa đựng một bài học, đó là không được vi phạm tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời nữa. Phải giữ tiêu chuẩn cao về điều kiện vào nhà Đức Chúa Trời. Chỉ khi đó Đức Giê-hô-va mới ban phước cho sự thờ phượng của dân chúng.
6, 7. (a) Đức Giê-hô-va dùng bức tường bao quanh khu đền thờ để truyền đi thông điệp nào cho dân ngài? (b) Dân của Đức Giê-hô-va từng đối xử thế nào với nhà ngài? (Xem chú thích).
6 Bức tường bao quanh. Một đặc điểm nổi bật khác của đền thờ trong khải tượng là bức tường bao quanh toàn bộ khu vực đền thờ. Ê-xê-chi-ên cho biết ở mỗi phía, bức tường dài 500 cây sậy, hay 1.555m (Ê-xê 42:15-20). Nhưng đền thờ và các sân tạo thành một hình vuông, mỗi cạnh chỉ dài 500 cu-bít, hay 259m. Vì thế, có một khu đất rất lớn xung quanh đền thờ, và khu đất này được bao quanh bởi bức tường bên ngoài.a Tại sao?
7 Đức Giê-hô-va nói: “Chúng hãy bỏ thói đàng điếm và đem xác của vua chúa mình đi cách xa ta thì ta sẽ ngự giữa chúng mãi mãi” (Ê-xê 43:9). Rất có thể “xác của vua chúa mình” đề cập đến các thần tượng. Vì thế, Đức Giê-hô-va dùng khu đất rộng lớn xung quanh đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên như thể để nói: “Hãy giữ mọi điều ô uế ở cách xa đền thờ. Đừng để chúng lại gần”. Nếu họ vâng theo và giữ cho sự thờ phượng được thanh sạch thì Đức Giê-hô-va sẽ ngự giữa họ.
8, 9. Dân chúng có lẽ học được gì từ lời khuyên mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va dành cho những người nam có trách nhiệm?
8 Lời khuyên mạnh mẽ cho những người nam có trách nhiệm. Đức Giê-hô-va cũng đưa ra lời khuyên mạnh mẽ và yêu thương cho những người nam có trách nhiệm lớn trong vòng dân chúng. Ngài thẳng thắn sửa trị người Lê-vi là những người đã lìa xa ngài khi dân chúng sa vào việc thờ thần tượng. Nhưng ngài khen những người thuộc dòng Xa-đốc, “là những người vẫn chăm lo các nhiệm vụ trong nơi thánh khi dân Y-sơ-ra-ên lìa bỏ [ngài]”. Ngài đối xử công bằng và nhân từ với mỗi nhóm người tùy theo hành động của họ (Ê-xê 44:10, 12-16). Tương tự thế, các thủ lĩnh của Y-sơ-ra-ên cũng được sửa trị một cách thẳng thắn.—Ê-xê 45:9.
9 Vậy Đức Giê-hô-va tiết lộ rõ là những người nam có quyền hành và làm giám thị phải khai trình với ngài về cách họ thi hành trách nhiệm. Họ vẫn cần lời khuyên, sự sửa trị và cũng phải dẫn đầu trong việc làm theo các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.
10, 11. Bằng chứng nào cho thấy một số người hồi hương sau thời kỳ lưu đày đã rút ra bài học từ khải tượng của Ê-xê-chi-ên?
10 Những người bị lưu đày được hồi hương có áp dụng các bài học rút ra từ khải tượng của Ê-xê-chi-ên không? Dĩ nhiên, chúng ta không thể biết chắc những người nam và nữ trung thành thời đó nghĩ gì về khải tượng đáng chú ý này. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời cho biết nhiều về những việc mà họ đã làm và quan điểm của họ về sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va. Họ có áp dụng những nguyên tắc được tìm thấy trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên không? Họ đã làm thế ở một mức độ nào đó, đặc biệt là khi so sánh với tổ tiên phản nghịch của họ trước thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn.
11 Những người nam trung thành như nhà tiên tri Ha-gai và Xa-cha-ri, thầy tế lễ kiêm người sao chép Ê-xơ-ra và quan tổng đốc Nê-hê-mi đã nỗ lực dạy dân chúng các nguyên tắc giống với các nguyên tắc được tìm thấy trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ (Ê-xơ-ra 5:1, 2). Họ dạy dân chúng rằng sự thờ phượng thanh sạch phải được nâng lên cao và phải được đặt lên trên những lo lắng về vật chất và việc theo đuổi mục tiêu ích kỷ (Ha-gai 1:3, 4). Họ thúc giục dân chúng xem trọng các tiêu chuẩn dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Chẳng hạn, Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi đã thẳng thắn khuyên dân chúng từ bỏ những người vợ ngoại, là những người khiến dân chúng bị suy yếu về thiêng liêng. (Đọc Ê-xơ-ra 10:10, 11; Nê 13:23-27, 30). Còn về việc thờ thần tượng thì sao? Dường như sau thời kỳ lưu đày, cuối cùng dân này cũng đã ghê tởm tội lỗi đó, là điều khiến họ từng bị mắc bẫy nhiều lần. Nói sao về các thủ lĩnh, tức các quan, và những thầy tế lễ? Đúng như được báo trước trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, họ nằm trong số những người nhận được lời khuyên và sự sửa trị từ Đức Giê-hô-va (Nê 13:22, 28). Nhiều người đã khiêm nhường nghe theo lời khuyên đó.—Ê-xơ-ra 10:7-9, 12-14; Nê 9:1-3, 38.
12. Đức Giê-hô-va ban phước thế nào cho những người bị lưu đày sau khi họ hồi hương?
12 Để đáp lại, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho dân ngài. Dân chúng được hưởng sự thịnh vượng về thiêng liêng, có sức khỏe tốt và sống trong sự trật tự mà từ lâu họ đã không trải nghiệm (Ê-xơ-ra 6:19-22; Nê 8:9-12; 12:27-30, 43). Tại sao? Vì cuối cùng dân chúng làm theo các tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Những bài học rút ra từ đền thờ trong khải tượng động đến lòng của những người hưởng ứng. Vậy chúng ta có thể nói rằng khải tượng về đền thờ đem lại lợi ích cho những người bị lưu đày theo hai cách quan trọng. (1) Khải tượng này dạy họ bài học thực tế về các tiêu chuẩn dành cho sự thờ phượng thanh sạch và cách họ cần ủng hộ những tiêu chuẩn ấy. (2) Khải tượng cung cấp sự đảm bảo. Nó báo trước rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục và Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho dân ngài, miễn là họ thực hành sự thờ phượng thanh sạch. Tuy nhiên, chúng ta muốn biết: Khải tượng này có được ứng nghiệm vào thời nay không?
Khải tượng của Ê-xê-chi-ên dạy chúng ta điều gì?
13, 14. (a) Làm thế nào để biết khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ cũng được ứng nghiệm vào thời chúng ta? (b) Khải tượng này đem lại lợi ích cho chúng ta theo hai cách nào? (Cũng xem khung 13A “Đền thờ khác nhau, bài học khác nhau”).
13 Chúng ta có thể chắc chắn khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ áp dụng cho chúng ta ngày nay không? Có. Hãy nhớ lại sự tương đồng giữa khải tượng của Ê-xê-chi-ên về nhà thánh của Đức Chúa Trời trên “một ngọn núi rất cao” và lời tiên tri của Ê-sai về việc “núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững cao hơn đỉnh các núi”. Ê-sai nói rõ rằng lời tiên tri của ông sẽ được ứng nghiệm “trong những ngày sau cùng” (Ê-xê 40:2; Ê-sai 2:2-4; cũng xem Mi-chê 4:1-4). Các lời tiên tri này được ứng nghiệm vào những ngày sau cùng kể từ năm 1919 khi sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục và nâng lên cao như thể được đặt trên một ngọn núi rất cao.b
14 Vậy chắc chắn khải tượng của Ê-xê-chi-ên áp dụng cho sự thờ phượng thanh sạch ngày nay. Khải tượng này không những đem lại lợi ích cho người Do Thái bị lưu đày thời xưa mà còn cho chúng ta ngày nay. Chúng ta được lợi ích theo hai cách. (1) Khải tượng cung cấp các bài học thực tế về cách chúng ta có thể ủng hộ các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch. (2) Khải tượng đảm bảo rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục và sẽ có những ân phước của Đức Giê-hô-va.
Các tiêu chuẩn dành cho sự thờ phượng thanh sạch ngày nay
15. Chúng ta nên nhớ điều gì khi rút ra các bài học từ đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên?
15 Hãy xem xét một số đặc điểm cụ thể trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Hãy hình dung chúng ta đang cùng Ê-xê-chi-ên tham quan đền thờ ấn tượng đó. Chúng ta cần nhớ rằng đây không phải là đền thờ thiêng liêng vĩ đại. Thay vì thế, đơn giản là chúng ta đang rút ra các bài học áp dụng cho sự thờ phượng của chúng ta ngày nay. Vậy những bài học đó là gì?
16. Chúng ta có thể học được điều gì từ việc đo đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên? (Xem hình nơi đầu bài).
16 Tại sao lại đo nhiều như vậy? Ê-xê-chi-ên chứng kiến thiên sứ trông sáng loáng như đồng đang đo đền thờ một cách tỉ mỉ, gồm các bức tường, cổng, phòng canh gác, sân và bàn thờ. Số lượng lớn chi tiết có thể khiến người đọc choáng ngợp (Ê-xê 40:1–42:20; 43:13, 14). Nhưng hãy nghĩ đến những bài học quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ các chi tiết này. Qua các chi tiết ấy, Đức Giê-hô-va nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn ngài. Chính ngài thiết lập các tiêu chuẩn này, chứ không phải là con người. Vì thế, thật sai lầm khi cho rằng con người có thể thờ phượng Đức Chúa Trời thế nào cũng được. Hơn nữa, qua việc tỉ mỉ đo đền thờ, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng sự thờ phượng thanh sạch chắc chắn sẽ được khôi phục. Giống như việc đo cho ra kết quả nhất định, lời hứa của Đức Chúa Trời chắc chắn thành sự thật. Vì thế, Ê-xê-chi-ên khẳng định rằng sự thờ phượng thanh sạch chắc chắn sẽ được khôi phục trong những ngày sau cùng.
17. Bức tường bao quanh khu đền thờ có lẽ nhắc chúng ta điều gì vào thời nay?
17 Bức tường bao quanh. Như đã thảo luận, Ê-xê-chi-ên thấy một bức tường bao quanh toàn bộ khu vực đền thờ. Đặc điểm này nhắc dân Đức Chúa Trời rằng họ phải giữ những điều ô uế về thiêng liêng ở cách xa sự thờ phượng thanh sạch, không bao giờ được làm ô uế nhà của Đức Chúa Trời. (Đọc Ê-xê-chi-ên 43:7-9). Ngày nay, chúng ta rất cần lời nhắc nhở tương tự. Sau khi dân Đức Chúa Trời được giải thoát khỏi sự giam cầm về mặt thiêng liêng của Ba-by-lôn Lớn, Đấng Ki-tô bổ nhiệm đầy tớ trung tín và khôn ngoan vào năm 1919. Đặc biệt kể từ đó, dân Đức Chúa Trời đã nỗ lực từ bỏ những giáo lý và thực hành sai lầm có liên hệ đến việc thờ thần tượng và ngoại giáo. Chúng ta cần cẩn thận giữ những điều ô uế về thiêng liêng ở cách xa sự thờ phượng thanh sạch. Ngoài ra, chúng ta không kinh doanh tại Phòng Nước Trời và giữ cho các vấn đề ngoài đời tách biệt với sự thờ phượng.—Mác 11:15, 16.
18, 19. (a) Chúng ta có thể học được điều gì từ các cổng cao ngất của đền thờ trong khải tượng? (b) Chúng ta nên phản ứng thế nào trước những người cố hạ thấp các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va? Hãy nêu ví dụ.
18 Các cổng cao ngất. Khi suy ngẫm về các cổng cao ngất mà Ê-xê-chi-ên thấy, chúng ta có thể rút ra những bài học nào? Hẳn chi tiết đó của đền thờ dạy những người Do Thái bị lưu đày rằng Đức Giê-hô-va có các tiêu chuẩn cao về đạo đức. Nếu thời xưa đã như vậy thì huống chi thời nay. Chúng ta đang thờ phượng Đức Giê-hô-va trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại. Chẳng phải hạnh kiểm ngay thẳng không giả tạo lại càng quan trọng hơn sao? (Rô 12:9; 1 Phi 1:14, 15). Trong những ngày sau cùng, Đức Giê-hô-va đã dần dần hướng dẫn dân ngài theo sát các tiêu chuẩn đạo đức của ngài.c Chẳng hạn, những người phạm tội mà không ăn năn bị loại khỏi hội thánh (1 Cô 5:11-13). Ngoài ra, những phòng canh gác ở các cổng có thể nhắc chúng ta rằng ngày nay, chỉ những ai mà Đức Chúa Trời chấp nhận mới có thể vào đền thờ thiêng liêng. Chẳng hạn, một người có lối sống hai mặt có thể bước vào Phòng Nước Trời, nhưng người đó sẽ không được Đức Giê-hô-va chấp nhận cho đến khi làm những điều ngài đòi hỏi (Gia 4:8). Quả là một sự bảo vệ tuyệt vời dành cho sự thờ phượng thanh sạch trong thời kỳ đồi bại này!
19 Kinh Thánh báo trước rằng thế gian này sẽ trở nên đồi bại trước khi đến hồi kết thúc. Kinh Thánh nói: “Những kẻ gian ác và kẻ giả mạo thì ngày càng tồi tệ, lừa dối người khác và chính mình cũng bị lừa” (2 Ti 3:13). Ngày càng có nhiều người bị lừa gạt khi nghĩ rằng các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va quá nghiêm khắc, lỗi thời hoặc sai lầm. Anh chị có bị lừa gạt không? Chẳng hạn, nếu ai đó cố khiến anh chị tin rằng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về đồng tính luyến ái là sai lầm thì anh chị có đồng ý với người đó không? Hay anh chị sẽ đồng ý với Đức Giê-hô-va, là đấng cho biết rõ qua Kinh Thánh rằng ai có những hành vi như thế là đang “làm những chuyện bẩn thỉu”? Đức Chúa Trời cảnh báo về việc tán thành hạnh kiểm vô luân (Rô 1:24-27, 32). Khi gặp tình huống như trên, chúng ta cần nghĩ đến hình ảnh về đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên với các cổng cao ngất và nhớ rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ hạ thấp các tiêu chuẩn công chính của ngài, cho dù có bất cứ áp lực nào từ thế gian gian ác này. Anh chị có cùng quan điểm với Cha trên trời và ủng hộ điều đúng không?
Chúng ta dâng “vật tế lễ là lời ngợi khen” khi tham gia sự thờ phượng thanh sạch
20. Những người thuộc “đám đông lớn” tìm thấy các lời nhắc nhở khích lệ nào trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên?
20 Các sân. Khi Ê-xê-chi-ên thấy sân ngoài rộng lớn của đền thờ, chắc hẳn ông cảm thấy hào hứng khi nghĩ rằng rất nhiều người có thể nhóm lại ở đó để vui mừng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngày nay, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thờ phượng ở một nơi thánh hơn nhiều. Những người hợp thành “đám đông lớn” thờ phượng ở sân ngoài của đền thờ thiêng liêng tìm được các lời nhắc nhở khích lệ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên (Khải 7:9, 10, 14, 15). Ê-xê-chi-ên thấy các sân có những phòng ăn mà ở đó những người thờ phượng có thể ăn một phần vật tế lễ hòa thuận mà họ mang đến (Ê-xê 40:17). Theo một nghĩa nào đó, họ có thể thưởng thức bữa ăn cùng Đức Giê-hô-va, đây là dấu hiệu của mối quan hệ hòa thuận. Ngày nay, chúng ta không dâng vật tế lễ giống như người Do Thái làm theo Luật pháp Môi-se. Thay vì thế, chúng ta dâng “vật tế lễ là lời ngợi khen” khi tham gia sự thờ phượng thanh sạch, chẳng hạn như qua việc bình luận và thể hiện đức tin tại các buổi nhóm họp hoặc trong thánh chức (Hê 13:15). Chúng ta cũng được nuôi dưỡng qua thức ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Hẳn chúng ta có cùng cảm nghĩ với con cháu của Cô-rê, là những người hát ngợi khen Đức Giê-hô-va: “Một ngày trong các sân ngài quý hơn một ngàn ngày ở nơi khác!”.—Thi 84:10.
21. Các tín đồ được xức dầu có thể học được điều gì từ các thầy tế lễ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên?
21 Các thầy tế lễ. Ê-xê-chi-ên thấy các thầy tế lễ và những người Lê-vi đi vào sân trong bằng các cổng giống như những cổng mà các chi phái khác dùng khi đi vào sân ngoài. Đó là một cách hữu hiệu để nhắc nhở những người nam thuộc lớp thầy tế lễ rằng họ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Còn ngày nay thì sao? Không có chức thầy tế lễ theo huyết thống trong vòng các tôi tớ của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh nói với các tín đồ được xức dầu: “Anh em là ‘dòng giống được lựa chọn, lớp thầy tế lễ làm vua’” (1 Phi 2:9). Các thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên xưa thờ phượng tại một sân riêng. Ngày nay, các tín đồ được xức dầu không tách biệt khỏi anh em đồng đạo theo nghĩa đen. Nhưng họ có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va vì là những người được nhận làm con ngài (Ga 4:4-6). Đồng thời, các tín đồ được xức dầu có thể tìm thấy các lời nhắc nhở hữu ích trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Chẳng hạn, họ thấy rằng các thầy tế lễ cũng đã nhận lời khuyên và sự sửa dạy. Tất cả các tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần nhớ rằng chúng ta thuộc về “một bầy” dưới “một người chăn”.—Đọc Giăng 10:16.
22, 23. (a) Các trưởng lão có thể rút ra bài học nào từ thủ lĩnh được miêu tả trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên? (b) Điều gì có thể xảy ra trong tương lai?
22 Thủ lĩnh. Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, thủ lĩnh là một nhân vật khá nổi bật. Ông không thuộc chi phái thầy tế lễ và khi ở trong khu đền thờ, ông phải vâng phục sự dẫn đầu của các thầy tế lễ. Tuy nhiên, rõ ràng ông làm giám thị trong vòng dân chúng và hỗ trợ họ trong việc cung cấp vật tế lễ (Ê-xê 44:2, 3; 45:16, 17; 46:2). Vì thế, ông là một gương cho những người nam gánh vác trách nhiệm trong hội thánh. Suy cho cùng, các trưởng lão, kể cả các giám thị vòng quanh, cần phục tùng đầy tớ trung tín được xức dầu (Hê 13:17). Các trưởng lão nỗ lực để giúp dân Đức Chúa Trời dâng vật tế lễ là lời ngợi khen tại các buổi nhóm họp và trong thánh chức (Ê-phê 4:11, 12). Các trưởng lão cũng có thể lưu ý đến cách Đức Giê-hô-va quở trách các thủ lĩnh của Y-sơ-ra-ên vì đã lạm quyền (Ê-xê 45:9). Tương tự, các trưởng lão không nghĩ rằng họ không cần lời khuyên và sự sửa dạy. Ngược lại, họ quý trọng bất cứ cơ hội nào để được Đức Giê-hô-va tinh luyện, qua đó trở nên hữu hiệu hơn trong việc chăn bầy và làm giám thị.—Đọc 1 Phi-e-rơ 5:1-3.
23 Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban những giám thị có khả năng và yêu thương trong địa đàng sắp đến. Theo một nghĩa nào đó, ngày nay nhiều trưởng lão đang được huấn luyện để biết cách làm người chăn hữu hiệu và có khả năng trong địa đàng (Thi 45:16). Thật hào hứng khi nghĩ đến cách những người nam này sẽ là một ân phước trong thế giới mới! Sự hiểu biết của chúng ta về khải tượng của Ê-xê-chi-ên và những lời tiên tri khác về sự khôi phục có thể trở nên rõ ràng hơn vào đúng thời điểm của Đức Giê-hô-va. Trong tương lai, có lẽ một số chi tiết của lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm một cách tuyệt vời, một cách mà hiện tại chúng ta chưa hiểu được. Thời gian sẽ cho chúng ta biết.
Đức Giê-hô-va ban phước cho sự thờ phượng thanh sạch
24, 25. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên miêu tả thế nào về những ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài khi họ theo sát sự thờ phượng thanh sạch?
24 Vậy hãy nhớ lại một sự kiện lớn diễn ra trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ. Đức Giê-hô-va vào đền thờ này và hứa với dân chúng rằng ngài sẽ ngự ở đó, miễn là họ trung thành theo sát các tiêu chuẩn của ngài dành cho sự thờ phượng thanh sạch (Ê-xê 43:4-9). Sự hiện diện của Đức Giê-hô-va mang lại ân phước nào cho dân ngài và xứ của họ?
25 Khải tượng miêu tả những ân phước của Đức Chúa Trời bằng hai hình ảnh mang tính tiên tri: (1) Một dòng sông ra từ nơi thánh của đền thờ, đem sự sống và sự màu mỡ cho xứ; (2) xứ được phân chia một cách có trật tự và chính xác, với khu đền thờ ở vị trí trung tâm. Những đoạn Kinh Thánh này có ý nghĩa gì cho thời chúng ta? Suy cho cùng, chúng ta sống trong một thời kỳ mà Đức Giê-hô-va đã “vào”, tinh luyện và chấp nhận một hệ thống thờ phượng thánh hơn nhiều, đó là đền thờ thiêng liêng vĩ đại (Mal 3:1-4). Chúng ta sẽ thảo luận hai hình ảnh mang tính tiên tri đó trong Chương 19 đến 21.
a Đức Giê-hô-va đang cho thấy sự tương phản với cách mà dân ngài từng đối xử với nhà thánh của ngài: “Chúng làm ô uế danh thánh ta bởi những điều ghê tởm mình đã phạm khi đặt lối vào của chúng sát bên lối vào đền thờ ta, cột cửa của chúng sát bên cột cửa đền thờ ta, giữa ta và chúng chỉ cách một bức tường” (Ê-xê 43:8). Ở Giê-ru-sa-lem xưa, chỉ có một bức tường ngăn cách đền thờ của Đức Giê-hô-va với nhà dân. Khi dân chúng đi chệch khỏi các tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, họ mang sự ô uế, tức việc thờ thần tượng, đến sát nhà ngài. Đó là điều quá quắt!
b Khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ cũng hòa hợp với các lời tiên tri khác về sự khôi phục được ứng nghiệm trong những ngày sau cùng. Chẳng hạn, hãy lưu ý sự tương đồng giữa Ê-xê-chi-ên 43:1-9 và Ma-la-chi 3:1-5; Ê-xê-chi-ên 47:1-12 và Giô-ên 3:18.
c Đền thờ thiêng liêng bắt đầu hiện hữu vào năm 29 CN khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm và bắt đầu làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Tuy nhiên, sự thờ phượng thanh sạch bị bỏ bê trong nhiều thế kỷ sau khi các sứ đồ của Chúa Giê-su qua đời. Sự thờ phượng ấy được nâng lên cao đặc biệt là kể từ năm 1919.