Hãy nghe người canh giữ của Đức Giê-hô-va nói!
“Ta đã lập ngươi lên đặng canh-giữ nhà Y-sơ-ra-ên; khá... thay ta răn-bảo chúng” (Ê-XÊ-CHI-ÊN 3:17).
1. Tại sao nên nghe khi “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va nói?
“Người canh giữ” của Đức Giê-hô-va ngay bây giờ đang nói thông điệp của Đức Chúa Trời. Bạn có nghe không? Chính sự sống của bạn tùy thuộc vào sự đáp ứng của bạn đối với thông điệp đó qua lòng biết ơn và bằng hành động. Các nước sắp sửa phải “biết về Đức Giê-hô-va” khi Ngài làm thánh danh Ngài bằng cách hủy diệt hệ thống gian ác này và bảo toàn dân sự Ngài. Bạn có hy vọng ở trong số những người được sống sót không? (Ê-xê-chi-ên 36:23; 39:7; II Phi-e-rơ 3:8-13). Bạn có thể được sống sót, nhưng chỉ được vậy nếu bạn nghe khi “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va nói.
2. Nước Giu-đa vì không nghe lời những nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đã bị hậu quả nào?
2 Thời xưa vì không nghe lời những nhà tiên tri của Đức Chúa Trời nước Giu-đa đã bị tai họa vào năm 607 trước tây lịch. Các nước thù nghịch lấy làm vui thích khi thấy xứ Giu-đa bị hoang vu gây ra bởi quân Ba-by-lôn. Nhưng danh Đức Giê-hô-va được vinh hiển biết bao khi Ngài đã làm cho những người Y-sơ-ra-ên trung thành trở về xứ sở họ năm 537 trước tây lịch!
3. Sách Ê-xê-chi-ên có chứa đựng những gì?
3 Cả sự hoang vu và sự trở về của họ đã được tiên tri trước do Ê-xê-chi-ên, người canh giữ của Đức Giê-hô-va. Ông hoàn tất cuốn sách mang tên ông trong Kinh-thánh tại xứ Ba-by-lôn vào năm 591 trước tây lịch. Sách Ê-xê-chi-ên chứa đựng: 1) sứ mạng của Ê-xê-chi-ên; 2) các diễn xuất lời tiên tri; 3) các thông điệp nghịch cùng dân Y-sơ-ra-ên; 4) các lời tiên tri kết án Giê-ru-sa-lem; 5) các lời tiên tri nghịch cùng những nước khác; 6) các lời hứa về sự phục hưng; 7) lời tiên tri nghịch cùng Gót ở đất Ma-gốc; và 8) một sự hiện thấy về đền thánh Đức Chúa Trời. Chúng tôi mời bạn cùng đọc khi chúng ta học về cuốn sách này. Làm thế, bạn sẽ thấy nó có ảnh hưởng gì trên chúng ta ngày nay và bạn sẽ lắng nghe khi “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va nói.a
Người canh giữ của Đức Chúa Trời lãnh sứ mạng
4. a) Ê-xê-chi-ên thấy gì trong sự hiện thấy? b) “Bốn vật sống” là ai và họ có những đức tính gì?
4 Ngày 5 tháng 4 (Tammuz) năm 613 trước tây lịch (năm thứ năm từ khi Giê-hô-gia-kin, vua Giu-đa, bị bắt đi đày tại Ba-by-lôn), thầy tế lễ Ê-xê-chi-ên được 30 tuổi ở trong số người Do-thái bị đi đày gần “sông Kê-ba”, một sông nhánh quan trọng của sông Ơ-phơ-rát. Trong sự hiện thấy, ông được thấy cỗ xe của Đức Giê-hô-va trên trời, có “bốn vật sống” ở kế bên. Đọc Ê-xê-chi-ên 1:4-10. Mỗi “vật sống” hay chê-ru-bin có cánh, có bốn mặt (Ê-xê-chi-ên 10:1-20; 11:22). Những điều này chỉ rõ các chê-ru-bin được ban cho sự yêu thương (mặt người), sự công bình (mặt sư tử), sức mạnh (mặt bò đực) và sự khôn ngoan (mặt chim ưng). Mỗi chê-ru-bin đứng cạnh “bánh-xe trong bánh-xe” to lớn, và thánh linh hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời có thể di chuyển những bánh xe đó theo bất cứ hướng nào (Ê-xê-chi-ên 1:1-21).
5. Cỗ xe trên trời tượng trưng gì và thấy cỗ xe có ảnh hưởng gì trên dân tộc Đức Giê-hô-va?
5 Đấng ngồi trên xe là một sự tượng trưng vinh quang của Đức Giê-hô-va. Đọc Ê-xê-chi-ên 1:22-28. Cỗ xe tượng trưng thật thích hợp thay cho tổ chức thiêng liêng các thiên sứ của Đức Chúa Trời! (Thi-thiên 18:10; 103:20, 21; Đa-ni-ên 7:9, 10). Đức Giê-hô-va ngự trên xe với ý nghĩa là Ngài cai trị trên những tạo vật này và dùng họ theo ý định của Ngài. Đấng cỡi xe bình thản như cầu vồng đi theo, nhưng Ê-xê-chi-ên bị giao động mạnh. Thật vậy, cảnh tượng đáng kinh khiếp về sự vinh quang và quyền năng của Đức Giê-hô-va là Đấng Tổ chức tối cao các đạo binh trên trời của Ngài nên làm chúng ta khiêm nhường biết ơn về đặc ân được phụng sự Ngài với tư cách một phần trong tổ chức trên đất của Ngài.
6. a) Ê-xê-chi-ên nhận được sự bổ nhiệm nào, và ông xem thế nào việc phụng sự Đức Chúa Trời? b) Ê-xê-chi-ên phải nói tiên tri cho những loại người như thế nào, và biết Đức Chúa Trời đã giúp ông thế nào có lợi ích gì cho chúng ta?
6 Dù được gọi là “con người” để nhắc nhở về việc xuất phát từ loài người và tình trạng thấp kém của ông, Ê-xê-chi-ên đã được bổ nhiệm làm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Đọc Ê-xê-chi-ên 2:1-5. Ê-xê-chi-ên sẽ được sai đi đến các “nước bạn-nghịch” là nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Trước tiên, lệnh của Đức Chúa Trời bảo ông phải ăn cuốn sách chứa đựng những bài ca đau thương, nhưng sách có vị ngọt như mật vì ông biết ơn là được làm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Tương tợ như vậy, những tín đồ đấng Christ được xức dầu và các bạn đồng hành của họ thấy là ngọt ngào vui sướng được làm nhân-chứng của Đức Giê-hô-va. Ê-xê-chi-ên phải nói tiên tri giữa những người cứng lòng, cứng cổ, nhưng Đức Chúa Trời sẽ làm mặt ông cương quyết như mặt họ, trán của ông cứng như kim cương. Ông phải dạn dĩ nói tiên tri dù họ nghe hay không. Thật là phấn khởi khi biết Đức Chúa Trời làm vững chí Ê-xê-chi-ên thế nào trong những hoàn cảnh khó khăn thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta để làm chứng cách can đảm trong bất cứ khu vực nào (Ê-xê-chi-ên 2:6 đến 3:11).
7. Sứ mạng của Ê-xê-chi-ên có kèm theo trách nhiệm làm gì?
7 Ăn cuốn sách khiến cho Ê-xê-chi-ên “cay-đắng nóng-nảy” phù hợp với thông điệp trong đó. Tại Tên-A-bíp, ông «buồn-rầu lặng-lẽ trong bảy ngày» để tiêu hóa thông điệp đó (Ê-xê-chi-ên 3:12-15). Chúng ta cũng cần suy gẫm và học hỏi siêng năng để hiểu những điều thiêng liêng sâu xa. Ê-xê-chi-ên được giao cho sứ mạng làm người canh giữ của Đức Chúa Trời để rao báo thông điệp. Đọc Ê-xê-chi-ên 3:16-21. Người canh giữ mới được bổ nhiệm phải cảnh cáo những người Y-sơ-ra-ên phạm pháp là họ sắp bị Đức Chúa Trời xử phạt.
8. Ngày nay ai làm “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va và ai kết hợp với họ?
8 Nếu Ê-xê-chi-ên không làm phận sự người canh giữ, Đức Giê-hô-va sẽ qui trách nhiệm cho ông về sự chết của các nạn nhân. Dù những người không muốn nghe ông sửa trị có trói ông bằng sợi dây tượng trưng, ông vẫn dạn dĩ tuyên bố thông điệp của Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 3:22-27). Trong thời chúng ta ngày nay, tôn giáo tự xưng theo đấng Christ từ chối không nghe và cố gắng kềm chế các tín đồ đấng Christ được xức dầu. Nhưng kể từ năm 1919 những người được xức dầu này đã phục vụ như “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va, can đảm tuyên bố thông điệp của Ngài trong “kỳ cuối-cùng” của hệ thống này (Đa-ni-ên 12:4). “Đám đông” đang gia tăng thuộc các “chiên khác” của Giê-su cùng kết hợp với họ trong công việc này (Khải-huyền 7:9, 10; Giăng 10:16). Kể từ khi lớp “người canh giữ” nói lên thông điệp của Đức Chúa Trời, chắc chắn mỗi một người thuộc lớp người được xức dầu và “đám đông” đều muốn đều đặn tuyên bố thông điệp đó.
Các diễn xuất lời tiên tri
9. a) Ê-xê-chi-ên làm gương thế nào cho chúng ta? b) Ê-xê-chi-ên đã làm gì để miêu tả quân Ba-by-lôn bao vây thành Giê-ru-sa-lem, và điều gì cho thấy về 390 ngày và 40 ngày?
9 Kế đến Ê-xê-chi-ên diễn xuất câm lặng một số lời tiên tri với sự khiêm nhường và dạn dĩ, làm gương cho chúng ta để thi hành một cách khiêm nhường và can đảm nhiệm vụ ban cho bởi Đức Chúa Trời. Để miêu tả sự bao vây của quân Ba-by-lôn, ông phải nằm xuống quay mặt vào viên gạch mà ông có khắc hình của thành Giê-ru-sa-lem. Ê-xê-chi-ên phải nằm nghiêng mình bên trái 390 ngày để mang tội lỗi của nước Y-sơ-ra-ên gồm 10 chi phái, rồi nằm nghiêng mình bên phải 40 ngày để mang tội của nước Giu-đa gồm hai chi phái. Một ngày thay cho một năm. Vậy 390 năm kéo dài từ lúc thành lập nước Y-sơ-ra-ên vào năm 997 trước tây lịch cho tới năm 607 trước tây lịch lúc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. 40 năm của nước Giu-đa bắt đầu từ lúc Giê-rê-mi được bổ nhiệm làm nhà tiên tri của Đức Chúa Trời vào năm 647 trước tây lịch cho đến năm 607 trước tây lịch lúc Giu-đa bị bỏ hoang (Ê-xê-chi-ên 4:1-8; Giê-rê-mi 1:1-3).
10. Ê-xê-chi-ên diễn xuất hiệu quả của sự bao vây thế nào, và chúng ta có thể học được bài học gì từ sự kiện Đức Chúa Trời gìn giữ ông?
10 Kế đến Ê-xê-chi-ên diễn xuất hiệu quả của sự bao vây. Để biểu hiệu cho nạn đói, ông chỉ sống nhờ hơn 20 siếc-lơ (khoảng 230 gờ-ram) đồ ăn và một phần sáu hin nước (hơn nửa lít) mỗi ngày. Bánh ông ăn không được sạch (gồm có lúa mì, mạch nha, đậu, biển đậu, kê và đại mạch trộn lẫn lộn trái phép và nấu chín bằng phân người) (Lê-vi Ký 19:19). Hành động này cho thấy dân thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị thiếu thốn nhiều. Nhưng thật là an ủi mà biết rằng Đức Giê-hô-va đã gìn giữ Ê-xê-chi-ên thế nào qua những hoàn cảnh khó khăn thì Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta thế ấy để giữ sự trung thành và làm tròn sứ mạng rao giảng của chúng ta trong mọi khó khăn! (Ê-xê-chi-ên 4:9-17).
11. a) Hành động nào được nói đến nơi Ê-xê-chi-ên 5:1-4 và có ý nghĩa gì? b) Sự kiện Đức Chúa Trời làm ứng nghiệm việc diễn xuất của Ê-xê-chi-ên nên có ảnh hưởng gì trên chúng ta?
11 Kế đến Ê-xê-chi-ên đã dùng một thanh gươm để cạo tóc và râu. Đọc Ê-xê-chi-ên 5:1-4. Những người bị chết vì đói và bệnh dịch sẽ giống một phần ba mớ tóc mà ông đốt giữa thành Giê-ru-sa-lem. Số người chết trận giống như một phần ba mớ tóc bị đánh bởi gươm. Những người sống sót sẽ bị tản lạc giữa các nước như một phần ba mớ tóc bị rắc bay trong gió. Nhưng một số nhỏ bị lưu đày sẽ giống như một ít tóc được lấy từ phần bị bay và gói trong áo choàng của Ê-xê-chi-ên để chứng tỏ họ tiếp tục sự thờ phượng thật trong xứ Giu-đa sau 70 năm hoang vu (Ê-xê-chi-ên 5:5-17). Sự kiện là Đức Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm đúng theo sự diễn xuất tiên tri này và những sự diễn xuất tiên tri khác nữa nên khiến chúng ta tin tưởng nơi Ngài là Đấng làm ứng nghiệm các lời tiên tri (Ê-sai 42:9; 55:11).
Sự hủy diệt sắp đến!
12. a) Ê-xê-chi-ên 6:1-7 chỉ rõ những kẻ xâm lăng sẽ làm gì? b) Theo lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho cái gì sau này, và điều gì sẽ xảy ra cho chúng?
12 Vào năm 613 trước tây lịch, Ê-xê-chi-ên nói nghịch cùng đất để cho thấy những gì sẽ giáng trên dân Giu-đa thờ hình tượng. Đọc Ê-xê-chi-ên 6:1-7. Quân xâm lăng đập phá những nơi cao, nơi đốt hương và bàn thờ dùng cho sự thờ phượng giả. Chính ý tưởng bị tàn phá bởi nạn đói, dịch lệ và chiến tranh có thể làm một người chợt thốt lên “Hỡi ôi!” và còn nhấn mạnh điều này bằng cách vỗ tay và dậm chân. Thây của những kẻ phạm tội tà dâm thiêng liêng bị vứt đầy nơi cao. Khi hình bóng thật của Giê-ru-sa-lem là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ bị hủy diệt tương tợ như thế, chúng sẽ biết hoạn nạn đó đến từ Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 6:8-14).
13. “Cây gậy” trong tay Đức Giê-hô-va là gì, và kết quả của việc dùng cây gậy này là gì?
13 “Sự cuối-rốt đã đến cho bốn góc đất”, tức hệ thống tôn giáo bất trung của xứ Giu-đa. “Sự bại-hoại” của những điều tai họa sẽ quấn vào đầu kẻ thờ hình tượng khi “cây gậy” trong tay Đức Chúa Trời—Nê-bu-cát-nết-sa và đoàn quân Ba-by-lôn—sẽ đánh phạt dân tộc Đức Giê-hô-va và đền thờ Ngài. Những kẻ thuộc về “đoàn” người mua hay bán của xứ Giu-đa hoặc sẽ bị giết hoặc sẽ bị dẫn đi làm phu tù, và tay của những người trốn thoát sẽ buông rũ vì yếu đuối. Lúc hệ thống tôn giáo giả của họ bị lật đổ, họ sẽ cạo trọc đầu và than khóc (Ê-xê-chi-ên 7:1-18).
14. Sự hối lộ sẽ không thể làm gì cho Giê-ru-sa-lem, và điều đó chỉ rõ gì về các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
14 Đức Giê-hô-va và lực lượng hành quyết của Ngài không thể bị mua chuộc. Đọc Ê-xê-chi-ên 7:19. Của hối lộ không thể cứu “nơi cấm” hay nơi chí thánh khỏi bị xâm phạm khi những “kẻ trộm-cướp” người Canh-đê vơ vét những khí dụng thánh và làm đền thờ tan hoang. Đức Giê-hô-va “làm cho sự kiêu-ngạo của kẻ mạnh tắt đi” khi vua Sê-đê-kia bị bắt sống và những thầy tế lễ chính thuộc dòng Lê-vi bị giết (II Các Vua 25:4, 7, 18-21). Không, những tội nhân trong thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây đã không thể thoát khỏi nghịch cảnh bằng của hối lộ khi Đức Chúa Trời «xét-đoán họ» là những kẻ phạm giao ước. Tương tợ như vậy, trong ngày sắp đến khi những gì các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cho là điều thánh sẽ bị hạ thấp, chúng nó sẽ không thể hối lộ để tránh khỏi sự xét xử của Đức Chúa Trời. Lúc đó sẽ là quá trễ để nghe lời “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 7:20-27).
Than thở trước những sự đáng gớm ghiếc
15. Ê-xê-chi-ên đã thấy gì ở Giê-ru-sa-lem, và điều này nên có ảnh hưởng gì trên chúng ta?
15 Ngày 5 tháng 6 (Elul) năm 612 trước tây lịch, Ê-xê-chi-ên thấy Đức Chúa Trời trong sự vinh hiển, «giơ ra như hình một cái tay, nắm lấy một lọn tóc trên đầu ông» và mang ông đến thành Giê-ru-sa-lem. Cỗ xe cũng đã dời đến đó. Những gì Ê-xê-chi-ên đã thấy lúc đó nên làm chúng ta dội lại trước ý tưởng nghe lời những kẻ bội đạo (Châm-ngôn 11:9). Tại đền thờ, dân Y-sơ-ra-ên bội đạo đã thờ lạy những dấu hiệu hình tượng (có lẽ một cột thánh) khiến Đức Chúa Trời ghen tương (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-6). Vào đến hành lang trong, Ê-xê-chi-ên đã thấy những điều thật là gớm ghiếc! Đọc Ê-xê-chi-ên 8:10, 11. Quả là nhục nhã cho 70 trưởng lão đang dâng hương cho các thần giả tượng trưng bởi những hình vẽ gớm ghiếc trên tường! (Ê-xê-chi-ên 8:1-12).
16. Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên chỉ rõ điều gì về ảnh hưởng của sự bội đạo?
16 Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên cho thấy sự bội đạo là nguy hiểm chết người về thiêng liêng đến độ nào. Kìa, những người đàn bà Y-sơ-ra-ên đã bị khuyến dụ để khóc thần Tham-mu, thần của Ba-by-lôn và tình nhân của nữ thần Ishtar của sự sanh sản! Và quả là một sự ghê tởm nhìn thấy 25 người đàn ông Y-sơ-ra-ên ở hành lang trong của đền thờ đang thờ lạy mặt trời! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:15-19). Họ chĩa vào mũi Đức Chúa Trời một nhánh cây thô tục, có lẽ tượng trưng cho bộ phận sinh dục của người đàn ông. Chẳng lạ gì nếu Đức Giê-hô-va không nghe lời cầu nguyện của họ, cũng như các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ kêu cầu vô ích sự giúp đỡ của Ngài trong ngày “hoạn-nạn lớn”! (Ê-xê-chi-ên 8:13-18; Ma-thi-ơ 24:21).
Được ghi dấu để sống sót
17. Ê-xê-chi-ên có sự hiện thấy về bảy người nào và họ đã làm gì?
17 Kế đến, chúng ta lưu ý thấy có bảy người đàn ông—một người mặc vải gai và sáu người cầm khí giới giết lát. Đọc Ê-xê-chi-ên 9:1-7. “Sáu người” đại diện quyền lực hành quyết trên trời của Đức Giê-hô-va, mặc dù Ngài có thể dùng người trên đất. Những ai được người mặc vải gai ghi dấu trên trán sẽ được sự thương xót của Đức Chúa Trời bởi vì họ không đồng ý với những sự gớm ghiếc diễn ra trong đền thờ. Sự đoán xét của “sáu người” bắt đầu ở đền thờ với 70 trưởng lão thờ hình tượng, những người đàn bà khóc Tham-mu, và 25 người thờ mặt trời. Những người này cùng các người khác bất trung với Đức Chúa Trời đã bị giết bởi quân Ba-by-lôn vào năm 607 trước tây lịch.
18. a) “Người mặc vải gai” thời nay là ai? b) “Dấu” là gì, ai có được “dấu” đó, và có được “dấu” đó sẽ đem đến kết quả nào?
18 Hình bóng thật của người mặc vải gai thời nay là lớp người tín đồ được xức dầu của đấng Christ. Họ đi từng nhà để ghi dấu tượng trưng cho những người trở thành một phần của “đám đông” thuộc các “chiên khác” của đấng Christ. “Dấu” là bằng cớ các chiên như vậy là những người đã dâng mình, làm báp têm và có nhân cách giống đấng Christ. Họ “than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc” đã xảy ra trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và họ đã ra khỏi Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới (Khải-huyền 18:4, 5). “Dấu” của họ sẽ cho các quyền lực hành quyết của Đức Chúa Trời thấy rõ là họ đáng được cứu trong ngày “hoạn-nạn lớn”. Họ có thể gìn giữ “dấu” đó bằng cách góp sức với những người được xức dầu trong việc ghi dấu người khác. Vậy nếu bạn đã được ghi dấu, hãy sốt sắng dự phần vào công việc “ghi dấu” (Ê-xê-chi-ên 9:8-11).
Sự hủy diệt sắp đến!
19. “Người mặc vải gai” thời nay đang gieo rắc điều gì trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
19 Người mặc vải gai đi giữa những bánh xe để lấy than lửa đỏ. Những than này được rải ra trên thành Giê-ru-sa-lem, cảnh cáo trước về sự hủy diệt của thành ấy sẽ là việc biểu lộ cơn giận phừng phừng của Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 10:1-8; Ca-thương 2:2-4; 4:11). Trong thời của Ê-xê-chi-ên, cơn giận của Đức Giê-hô-va được đổ ra bằng cách dùng những người Ba-by-lôn (II Sử-ký 36:15-21; Giê-rê-mi 25:9-11). Nhưng về thời chúng ta ngày nay thì sao? Hình bóng thật của “người mặc vải gai” (là lớp người tín đồ được xức dầu) đang gieo rắc thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời trong khắp các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, như lời cảnh cáo về cơn giận của Đức Chúa Trời sắp giáng trên họ và tất cả các tôn giáo giả khác của Ba-by-lôn Lớn. Dĩ nhiên, những người từ chối không nghe lớp “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va không có hy vọng sống sót (Ê-sai 61:1, 2; Khải-huyền 18:8-10, 20).
20. a) Sự hòa hợp giữa các bánh xe và các chê-ru-bin nên ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? b) Các quan trưởng đã làm gì, và họ ví thành Giê-ru-sa-lem một cách sai lầm như thế nào?
20 Hãy chú ý lần nữa đến cỗ xe tức tổ chức trên trời của Đức Chúa Trời. Khi thấy sự hòa hợp giữa các bánh xe và các chê-ru-bin thì chúng ta nên động lòng để hết mình hợp tác với tổ chức trên đất của Đức Chúa Trời. Vì sự trung thành chúng ta cũng nên bảo vệ tổ chức này khỏi những kẻ gian manh (Ê-xê-chi-ên 10:9-22). Có những kẻ giống thế trong thời của Ê-xê-chi-ên vì ông đã thấy 25 quan trưởng âm mưu chống lại các lực lượng hành quyết của Đức Chúa Trời với sự giúp đỡ của người Ê-díp-tô. Họ ví thành Giê-ru-sa-lem như một cái nồi lớn và họ như thịt an toàn ở bên trong. Nhưng quả là họ lầm! “Lưỡi gươm” của “người ngoại” Ba-by-lôn đã giết những kẻ âm mưu chống lại, trong khi kẻ khác bị lưu đày. Điều này phải xảy ra vì Đức Chúa Trời đã buộc người Do-thái chịu trách nhiệm về việc vi phạm giao ước của Ngài (Ê-xê-chi-ên 11:1-13; Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1-8; 24:1-7; Giê-rê-mi 52:24-27). Vì các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cho rằng họ ở trong giao ước với Đức Chúa Trời, nhưng lại để lòng tin cậy nơi sự liên minh với các nước thế gian, họ sẽ phải bị hủy diệt trước sự tấn công của các lực lượng hành quyết của Đức Giê-hô-va.
21. Sau 70 năm hoang vu điều gì đã xảy ra cho xứ Giu-đa, và sự phát triển tương tợ nào đã ảnh hưởng đến các người được xức dầu còn sót lại?
21 Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên đã “tan-tác trong nhiều nước” vào năm 617 trước tây lịch, Đức Chúa Trời vẫn là “nơi thánh”, hay chỗ ẩn náu, cho những người bị lưu đày biết ăn năn. Đọc Ê-xê-chi-ên 11:17-21. Sau 70 năm xứ Giu-đa bị bỏ hoang, một số còn sót được lập lại trên “đất Y-sơ-ra-ên” thanh sạch. Tương tợ như vậy, sau khi bị lưu đày bởi các tôn giáo giả, những người được xức dầu còn sót lại được giải cứu năm 1919 và dưới sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, “đất” đã một lần bị bỏ hoang của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng nay được tẩy sạch. Vì vậy, những người được “ghi dấu” để sống sót hiện đang vui hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời cùng với số sót lại của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Và nếu bạn tiếp tục nghe “người canh giữ” của Đức Chúa Trời, bạn có thể ở trong số những người được sống sót khi Đức Giê-hô-va rút gươm ra khỏi vỏ.
[Chú thích]
a Nếu có thì giờ, người hướng dẫn nên mời đọc các đoạn Kinh-thánh viết nghiêng được dẫn chứng trong bài này và hai bài kế tiếp.
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao phải nghe khi “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va nói?
◻ Cỗ xe của Đức Chúa Trời tượng trưng điều gì?
◻ Ai là “người canh giữ” của Đức Giê-hô-va ngày nay?
◻ Ê-xê-chi-ên đã thấy các hành vi bội đạo nào trong thành Giê-ru-sa-lem và sự hiện thấy này nên ảnh hưởng thế nào trên chúng ta?
◻ Ai là người “mặc vải gai” thời nay và “dấu” mà người này ghi trên trán là gì?