Hãy tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chớ tin cậy nơi mưu đồ “kết đảng!”
1. Vào Thế Chiến thứ I tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va ở trong tình trạng nào?
Trong Thế Chiến thứ I số người trong dân Đức Giê-hô-va đã giảm đi cách đáng kể bởi nhiều sự bội đạo trắng trợn. Cũng đã có nhiều sự bắt bớ do các tôn giáo thù nghịch xúi giục. Trụ sở trung ương của họ tại Brooklyn, Nữu-ước, bị đóng cửa. Hơn nữa, họ thiếu sự giúp đỡ của những người làm chủ tịch Hội Tháp Canh (Watch Tower Society), làm thư ký kiêm thủ quỹ, làm quản lý văn phòng, cùng một nhân viên của ban biên tập và bốn nhân viên khác đại diện cho Hội—tất cả những người này bị giam giữ tại nhà tù liên bang ở Atlanta, tiểu bang Georgia. Dường như đối với các Học viên Kinh-thánh được thánh linh thọ sanh sự cuối cùng đã đến và họ sắp được vinh hiển ở trên trời. Nhưng không phải vậy!
2. Lời tiên tri nào của Ê-sai có sự ứng nghiệm thời nay vào năm 1919?
2 Thật thế, vào mùa xuân năm 1919 người ta có thể áp dụng Ê-sai 66:6-8 cho thời nay với những câu hỏi do nhà tiên tri Ê-sai đặt ra: “Có tiếng om-sòm nổi lên từ trong thành; có tiếng la-lối vang ra từ đền-thờ; là tiếng của Đức Giê-hô-va, Ngài báo-trả cho kẻ thù-nghịch mình. Nó chưa ở cữ, đã sanh-nở; chưa chịu đau-đớn, đã đẻ một trai. Ai đã hề nghe một sự thể nầy? Ai đã hề thấy sự gì giống như vậy? Nước [tình trạng thịnh vượng vinh hiển thiêng liêng] há dễ sanh ra trong một ngày, dân-tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con-cái”.
3. Có bằng chứng nào cho thấy Si-ôn đã sanh con cái và một “dân-tộc” mới sanh ra “trong một chặp”?
3 Tựa hồ như đã chết và sống lại, các Học viên Kinh-thánh Quốc tế đã tổ chức hội nghị đầu tiên của thời hậu chiến tại Cedar Point, Ohio, vào ngày 1 đến 8 tháng 9 năm 1919. Những người làm chủ tịch Hội Tháp Canh (Watch Tower Society), làm thư ký kiêm thủ quỹ, làm quản lý văn phòng và những người khác từng bị bắt giam, được xử trắng án, nay hiện diện vào dịp vui vẻ đó. Trước sự vui mừng của những người dự hội nghị, anh chủ tịch Rutherford thông báo một tạp chí mới được xuất bản, tờ «Thời đại vàng son» (The Golden Age), hiện nay là tờ «Tỉnh thức!» (Awake!). Cũng có sắp đặt để làm báp têm cho hơn 200 người vừa mới dâng mình. Tổ chức thần quyền của Đức Giê-hô-va đã khiến con cái được sống lại và hoạt động tích cực vào thời hậu chiến. Điều đó đòi hỏi những phương pháp mới, đúng, táo bạo, tiền phong nơi “dân-tộc” mới sanh ra nhanh chóng như thể trong một chặp và được thành lập thành “một nước”.
4. a) Tất cả những điều này ảnh hưởng gì trên “Ba-by-lôn lớn”? b) Việc phát giác vị thế thật của “Ba-by-lôn lớn” đối với những lực lượng siêu phàm trên trời báo hiệu trước điều gì?
4 Tình thế thời bấy giờ đầy thách đố. “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả bị kinh ngạc. Những kẻ theo tôn giáo giả, nhất là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, cảm thấy rất xao động, tựa hồ như có ai đe dọa sự hòa bình của họ. Tôn giáo giả giờ đây không còn cảm thấy an toàn như có độc quyền hoạt động trong lãnh vực tôn giáo nữa. Mối liên lạc thật giữa tôn giáo giả và những lực lượng siêu nhân ở trên trời, không phải với Đức Chúa Trời của Kinh-thánh, nhưng với “chúa đời nầy”—Sa-tan, kẻ chủ mưu đề xướng ra kẻ địch lại đấng Christ được tiên tri trong Kinh-thánh sắp bị tố giác (II Cô-rinh-tô 4:4; I Giăng 2:18). Sự tố giác sẽ đưa đến sự hủy diệt của tôn giáo giả. Khi đó Đấng Quan xét Tối cao trong vũ trụ sẽ trực tiếp phán xét và hành quyết tôn giáo giả, bằng cách không để cho nó thoát khỏi tay những tình nhân chính trị cũ của nó, lúc ấy vô cùng nổi giận.
5. a) Tại sao các nước có đa số dân tự xưng theo đấng Christ sẽ bị bắt chợt lúc không đề phòng, và Đức Chúa Trời của Kinh-thánh xem các nước ấy thế nào? b) “Ba-by-lôn lớn” không thấy gì?
5 Ngay cả các nước có đa số dân tự xưng theo đấng Christ và có Kinh-thánh với tất cả những lời tiên tri này cũng sẽ bị bắt chợt lúc không đề phòng. Dân các nước ấy sẽ tin cậy nơi lời rêu rao “Bình-hòa và an-ổn” sắp tới được mưu tính bởi các nước ấy trong đó các tôn giáo được thực hành theo hình thức bề ngoài. Đồng thời, các nhà thờ chuyền dĩa để xin tiền, làm giàu bằng của đóng góp bỏ vào đó. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Trời của Kinh-thánh, các tôn giáo tự xưng đó “nghèo-ngặt, đui mù, và lõa-lồ”. Chúng không tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, cũng không chịu hấp thụ những giá trị thật về thiêng liêng do Ngài cung cấp (Khải-huyền 3:17, 18). Chúng không thấy là chúng đã bị kết án rồi. Chúng tôi muốn nói gì vậy?
Các tôn giáo giả đã bị kết án
6. Giờ đây chúng ta liên tưởng đến cường quốc thế giới xưa nào, và lúc đó tình thế về dân tiêu biểu của Đức Giê-hô-va là thế nào?
6 Để hiểu điều này chúng ta phải nhìn lui về quá khứ, vào những giờ phút cuối của cường quốc thứ ba trong lịch sử Kinh-thánh là Ba-by-lôn nằm ven bờ sông Ơ-phơ-rát. Bên-xát-sa là vua chót của xứ Ba-by-lôn, gồm có cả địa điểm của tháp Ba-bên, nơi Đức Chúa Trời toàn năng đã từng làm lộn xộn các thứ tiếng của những kẻ xây cất hầu làm cho họ tản lạc đi khắp nơi (Sáng-thế Ký 11:1-9). Vào những giờ phút cuối cùng của Ba-by-lôn thì dân tiêu biểu của Đức Giê-hô-va là những người Giu-đa bị lưu đày tại xứ ngoại đạo đó. Nhưng sự lưu đày dài 70 năm sắp sửa kết thúc.
7. a) Tại sao vua Bên-xát-sa hoàn toàn tin cậy mà mở tiệc lớn đãi các đại thần của ông? b) Trong bữa tiệc có điều gì xảy ra, và vua có phản ứng nào?
7 Người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ liên kết với nhau hợp thành cường quốc thế giới thứ tư trong lịch sử Kinh-thánh đã mở cuộc tấn công chống lại Ba-by-lôn, thành trì rất kiên cố dường như không thể lấy nổi. Sông Ơ-phơ-rát chảy xuyên qua thành đó, hai bên bờ sông có tường thành kiên cố, hai cửa vào thành thì có cánh cửa làm bằng đồng dày đặc. Hoàn toàn tin cậy nơi thành trì kiên cố, vua Bên-xát-sa mở “tiệc lớn đãi một ngàn đại-thần mình”—bữa tiệc này sẽ là bữa tiệc chót của đời ông. Thình lình trước mắt Bên-xát-sa hiện ra một bàn tay cử động. Và bàn tay đó viết lên tường những chữ định mệnh là “MÊ-NÊ, MÊ-NÊ, TÊ-KEN, U-PHÁC-SIN” (Đa-ni-ên 5:1, 5, 25). Đó là vào ngày 5 tháng 10 năm 539 trước tây lịch. Những chữ đó làm mọi người sửng sốt. Vua Bên-xát-sa run lên vì sợ hãi. Mau lên! Hãy mời các nhà thông thái—những thuật sĩ và nhà chiêm tinh nổi tiếng biết giải thích những dấu hiệu và điềm chỉ. Nhưng họ còn không đọc nổi những chữ mầu nhiệm đó, phương chi nói đến việc giải thích. Vua phải làm gì đây?
8, 9. a) Túng thế quá, người ta đã đề nghị với vua làm gì? b) Đa-ni-ên đã giải thích hàng chữ trên tường ra sao? c) Tại sao bữa tiệc lớn của vua Bên-xát-sa đưa tới một lời tiên tri khốc liệt như thế?
8 Hãy sai tìm một người Giu-đa. Sao? Một người Giu-đa à? Đúng, một trong những hoàng thân và dòng dõi quí tộc đã bị hoàng đế Nê-bu-cát-nết-sa bắt đày đi khỏi Giê-ru-sa-lem, quê quán của họ, và đem về Ba-by-lôn huấn luyện để phục dịch cho triều đình. Túng thế quá, không làm gì hơn được nữa. Hoàng thái hậu đề nghị vời Đa-ni-ên đến—Đa-ni-ên là một nhà thông thái, có tài đọc và giải thích được ám hiệu (Đa-ni-ên 5:10-12). Chúng ta có thể tưởng tượng người ta ngồi im phăng phắc trong phòng tiệc khi Đa-ni-ên vâng lệnh vua Bên-xát-sa giải thích những chữ huyền bí cho hoàng đế của cường quốc thế giới thứ ba trong lịch sử Kinh-thánh cùng những đại thần của ông nghe.
9 Đa-ni-ên nói: “Vậy nên từ nơi Ngài đã sai phần bàn tay nầy đến, và chữ đó đã vạch ra. Những chữ đã vạch ra như sau nầy: MÊ-NÊ, MÊ-NÊ, TÊ-KEN, U-PHÁC-SIN. Nầy là nghĩa những chữ đó: Mê-nê là: Đức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối-cùng. Tê-ken là: Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy là kém-thiếu. Phê-rếta là: Nước vua bị chia ra, được ban cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ” (Đa-ni-ên 5:24-28). Vua Bên-xát-sa và các đại thần cùng những người đàn bà theo họ đã tỏ ra cố ý khinh miệt xúc phạm đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên. Thế nào? Bằng cách uống rượu đựng trong những khí dụng bằng vàng lấy trong đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem hồi thành thánh ấy bị hủy diệt vào năm 607 trước tây lịch. Điều đó có nghĩa là đã xúc phạm lại còn ngạo mạn thêm (Đa-ni-ên 5:3, 4, 23).
Si-ru đoạt chính quyền như đã tiên tri trước
10, 11. a) Đức Giê-hô-va có nói trước ai sẽ là người chinh phục xứ Ba-by-lôn, và Ê-sai miêu tả cuộc chinh phục tương lai đó như thế nào? b) Làm thế nào Đức Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm lời tiên tri này và trừng phạt đích đáng vua Bên-xát-sa cùng các đại thần?
10 Đức Chúa Trời Rất Cao có nói trước ở Ê-sai 45:1-3: “Đức Giê-hô-va phán thể nầy cùng Si-ru, là người xức dầu của Ngài, ta đã cầm lấy tay hữu người, đặng hàng-phục các nước trước mặt người, và ta sẽ tháo dây lưng các vua; đặng mở các cửa thành trước mặt người, cấm không được đóng lại: Ta sẽ đi trước mặt ngươi, ban bằng các đường gập-ghềnh; phá vỡ các cửa bằng đồng, bẻ gãy then gài bằng sắt; ta sẽ ban vật báu chứa trong nơi tối, của-cải chứa trong nơi kín cho ngươi, để ngươi biết rằng chính ta, là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đã lấy tên ngươi gọi ngươi”.
11 Để làm ứng nghiệm lời tiên tri này, Đức Giê-hô-va đã để vào trí Si-ru người Phe-rơ-sơ ý nghĩ chuyển hướng giòng nước sông Ơ-phơ-rát vào một cái hồ ở vùng đó. Rồi, sau khi lòng sông cạn, các đạo quân của Si-ru thừa lúc ban đêm đi bộ trong lòng sông thẳng tiến vào tận giữa thành. Bởi lẽ các cửa có hai cánh dày đặc ven sông đã để ngỏ nên họ leo lên bờ sông và tiến vào phòng tiệc, sau khi hạ các lính gác. Như thế bữa tiệc của vua Bên-xát-sa kết thúc cách thê thảm, trừng phạt đích đáng ông ta và các đại thần—vì họ đã vênh vang sỉ nhục, xúc phạm và làm mất phẩm giá Đấng làm “Chúa trên trời” bằng cách lạm dụng những khí dụng của đền thờ lấy cắp từ nơi ngự thánh của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.
12. a) Bởi lẽ Ê-sai đã tiên tri rằng Si-ru là người chinh phục Ba-by-lôn, tại sao Đa-ni-ên qui cho Đa-ri-út người Mê-đi công trạng chiếm thủ Ba-by-lôn? b) Đa-ri-út và vua liên minh của ông là Si-ru người Phe-rơ-sơ tiêu biểu cho ai?
12 Câu cuối của sách Đa-ni-ên đoạn 5 nói rằng sau khi vua Bên-xát-sa bị giết chết, Đa-ri-út người Mê-đi “được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai”. Bởi lẽ Đa-ri-út lớn tuổi hơn Si-ru người Phe-rơ-sơ, Đa-ni-ên qui cho vua người Mê-đi công trạng chiếm thủ Ba-by-lôn. Ông làm hoàng đế trên đế quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ từ năm 539 đến năm 537 trước tây lịch. Ông làm tiêu biểu tốt cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vua liên minh với Đa-ri-út là Si-ru người Phe-rơ-sơ tiêu biểu cho Giê-su Christ, đấng sẽ được Đức Giê-hô-va dùng đến nhiều nhất trong việc lật đổ và hủy diệt “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới.
13, 14. Chắc hẳn Đa-ni-ên đã chỉ cho Si-ru người Phe-rơ-sơ thấy gì, và cuốn sách E-xơ-ra được viết ra sau thời kỳ lưu đày đã mở đầu thế nào?
13 Khi Si-ru lên ngôi hoàng đế trên cường quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ năm 537 trước tây lịch, chắc hẳn Đa-ni-ên chỉ cho ông thấy lời tiên tri của Đức Giê-hô-va nói về ông ở Ê-sai đoạn 45. Sách E-xơ-ra viết ra sau thời kỳ lưu đày mở đầu bằng những lời này:
14 “Năm thứ nhứt đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ trị-vì, Đức Giê-hô-va muốn làm cho ứng-nghiệm lời Ngài đã cậy miệng Giê-rê-mi [nói về thời kỳ lưu đày 70 năm (Giê-rê-mi 25:12; 29:10, 14)] mà phán ra, nên Ngài cảm-động lòng Si-ru, vua Phe-rơ-sơ tuyên-truyền trong khắp nước mình, và cũng ra sắc-chỉ rằng: Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế-gian cho ta, và chánh Ngài có biểu ta xây-cất cho Ngài một đền-thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân-sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền-thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem” (E-xơ-ra 1:1-3).
Đấng Si-ru Lớn chinh phục “Ba-by-lôn lớn”
15. a) Khi nào thì đấng Si-ru Lớn đã bắt đầu cai trị? b) Các Nhân-chứng Giê-hô-va chủ trương lập trường không lay chuyển nào đối với một âm mưu với Liên Hiệp Quốc, và tại sao?
15 Đấng Si-ru Lớn hiểu theo nghĩa bóng ngày nay bắt đầu cai trị năm 1914 vào cuối “các kỳ dân ngoại” như chính Giê-su đã nói tiên tri ở Lu-ca 21:24. Hoàn toàn không đếm xỉa gì tới sự kiện quan trọng trong phạm vi thế giới này, các nước bên trong Liên Hiệp Quốc đã lập năm 1986 làm Năm Hòa bình Quốc tế. Nhưng liên quan đến điều này các Nhân-chứng Giê-hô-va triệt để không bị bắt chợt lúc xao lãng việc đề phòng. Sau cùng, khi người ta rêu rao “Bình-hòa và an-ổn”, họ không hùa theo những đoàn viên chính trị và có thiện cảm của “Ba-by-lôn lớn” để ăn mừng về một công trạng dị thường như thế vào giai đoạn lâm chung này của lịch sử các nước thế gian. Họ không ủng hộ âm mưu nào với Liên Hiệp Quốc và bất cứ phương thế hòa bình nào khác (Ê-sai 8:12). Ngược lại, họ lập lại những lời này ghi ở Ê-sai 8:20: “Hãy theo luật-pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng-đông cho nó”. Và họ nói để viện lý lẽ cho lập trường không lay chuyển của họ như sau: “Vì Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ê-sai 8:10). Nói thẳng ra, điều đó có nghĩa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời không dự phần vào những biện pháp chính trị mà các nước đưa ra để thiết lập “hòa bình và an ninh”, nhưng, đúng hơn, Ngài rõ rệt nghịch lại các biện pháp đó.
16. Những lời tiên tri nơi Khải-huyền 17:16, 17 sẽ được hoàn toàn ứng nghiệm thế nào, và với ảnh hưởng gì trên dân Đức Giê-hô-va?
16 Nhờ khéo léo vận dụng đấng Si-ru Lớn, Đức Giê-hô-va sẽ đặt vào lòng và trí của các lãnh tụ chính trị thế giới ý nghĩ quay sang chống lại “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới. Giống như dùng các sừng của một con thú dữ nổi giận, nó sẽ húc xé y thị đến chết. Những lời tiên tri nơi Khải-huyền đoạn 17 sẽ hoàn toàn được ứng nghiệm, và các Nhân-chứng Giê-hô-va trên đất sẽ hân hoan về điều đó (Khải-huyền 17:16, 17; 19:1-3).
Giữ sự kết hợp tốt với Đức Giê-hô-va
17. Dù các Nhân-chứng Giê-hô-va không thuộc vào “Ba-by-lôn lớn”, các lãnh tụ thế giới sẽ làm gì?
17 Kế đến, dù các Nhân-chứng Giê-hô-va không thuộc vào “Ba-by-lôn lớn” nhưng được nhìn nhận là những người hằng lột trần tổ chức tôn giáo giả, và dù họ không có tham gia vào những việc chính trị của thế gian này, những phần tử chính trị vô tôn giáo đó sẽ quay sang chống lại các Nhân-chứng còn sống sót. Cương quyết hành động độc tài kiểm soát một cách chuyên chế tất cả mọi tầng lớp xã hội trên đất, chúng sẽ thẳng tay tấn công các Nhân-chứng giữ trung thành với Đấng Tối cao, Nguồn của mọi sự cai trị công bình.
18. Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện chiến công vẻ vang oai hùng nào còn hơn trận Nước Lụt vào thời Nô-ê?
18 Chính vào lúc ấy Đấng Thống trị Toàn năng của trời đất phải can thiệp và khiến cho những kẻ hủy diệt “Ba-by-lôn lớn” đó biết và hiểu rằng Đấng có các Nhân-chứng vào thế kỷ 20 này là Đức Chúa Trời có thật, Đức Chúa Trời toàn năng—Đức Chúa Trời có quyền được các tạo vật trên đất này, tức là bệ chơn của Ngài, thờ phượng hết lòng, trọn vẹn. Ngài sẽ hành động một cách đáng kinh khiếp đến nỗi các Nhân-chứng của Ngài chỉ việc đứng nhìn cũng đủ hả miệng ra bày tỏ sự kinh ngạc. Ngài sẽ thực hiện một chiến công vẻ vang, oai hùng chưa bao giờ có (Khải-huyền 16:14, 16; 19:19-21). Điều đó sẽ đánh dấu sự cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác này, do Ma-quỉ kiểm soát; cuộc chiến thắng đó còn lừng lẫy hơn việc hủy diệt thế giới bằng trận Nước Lụt vào thời Nô-ê nhiều.
19. Đức Giê-hô-va sẽ có những nhân-chứng nào để chứng kiến việc Ngài làm thánh danh Ngài với tư cách Đấng Thống trị vũ trụ, và điều này sẽ chứng tỏ gì?
19 Cũng như Đức Giê-hô-va có những nhân-chứng đã chứng kiến sự cuối cùng của một thế giới xưa trong một trận Nước Lụt đã làm chết đuối tất cả những kẻ ở ngoài chiếc tàu, ngày nay Ngài sẽ có ngay trên đất này những nhân-chứng nhiều hơn biết bao sẽ chứng kiến việc Ngài làm thánh danh Ngài lần chót với tư cách Đấng Thống trị vũ trụ (II Phi-e-rơ 3:6, 7, 13, 14). Họ sẽ là những người tin cậy nơi Ngài để có hòa bình và an ninh giữa một thế giới tối tăm. Sướng thay cho bạn nếu bạn có mặt trong số những Nhân-chứng được che chở tuyệt diệu như thế. Sự bình an và an toàn của bạn sẽ tỏ ra đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời và không phải từ một liên minh nào, hay âm mưu nào, với các cường quốc chính trị của hệ thống mọi sự này do Sa-tan kiểm soát.
20. Đức Giê-hô-va sẽ lộ ra như thế nào, và chúng ta cương quyết làm gì?
20 Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ lộ ra trong sự vinh hiển với tư cách là Đấng xứng đáng được thờ phượng và phụng sự như Thần linh Tối cao—Đức Chúa Trời của các thần, Đấng duy nhất mà người viết Thi-thiên được soi dẫn đã nói: “Từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 90:2). Với sự biết ơn càng ngày càng gia tăng chúng ta hãy giữ mãi lòng tin cậy của chúng ta nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời và sự kết hợp của chúng ta với Ngài qua trung gian đấng Si-ru Lớn, Giê-su Christ.
[Chú thích]
a “U-phác-sin” là số nhiều của chữ “Phê-rết” và có nghĩa là “chia thành nhiều mảnh”.
Bạn nhớ không?
◻ “Ba-by-lôn lớn” không thấy gì?
◻ Việc bữa tiệc của Bên-xát-sa kết thúc thê thảm hình dung trước điều gì?
◻ Ai sẽ chinh phục “Ba-by-lôn lớn”?
◻ Các Nhân-chứng Giê-hô-va chủ trương lập trường gì về một âm mưu với Liên Hiệp Quốc?
◻ Tại sao tất cả những ai đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để có hòa bình và an ninh sẽ vui sướng?
[Hình nơi trang 15]
Đa-ni-ên giải thích rằng hàng chữ bí mật là một bản tuyên án dành cho đế quốc Ba-by-lôn