Chương Hai
Đa-ni-ên—Một quyển sách bị đưa ra xét xử
1, 2. Sách Đa-ni-ên bị buộc tội theo nghĩa nào, và tại sao bạn nghĩ việc xem xét bằng chứng biện hộ cho sách đó là quan trọng?
BẠN hãy tưởng tượng bạn ở trong tòa án và dự một phiên xử quan trọng. Một người bị buộc tội là lừa đảo. Ủy viên công tố nhất quyết người này có tội. Tuy nhiên, người bị buộc tội từ lâu có tiếng là thanh liêm. Chẳng lẽ bạn lại không muốn nghe bằng chứng bên bị cáo đưa để biện hộ hay sao?
2 Sách Đa-ni-ên ở trong một tình trạng tương tự. Người viết sách này nổi tiếng là thanh liêm. Trong nhiều ngàn năm, sách mang tên ông được mọi người kính trọng. Tự bản chất, đây là sách lịch sử chính xác được viết bởi Đa-ni-ên, một tiên tri người Do Thái sống trong thế kỷ thứ bảy và thứ sáu TCN. Theo lịch sử chính xác trong Kinh Thánh, sách của ông bao quát khoảng thời gian từ năm 618 đến năm 536 TCN, năm sách được viết xong. Nhưng sách bị buộc tội. Một số bách khoa tự điển và tài liệu tham khảo khác ám chỉ hoặc quả quyết đó là một sách lừa đảo.
3. Sách bách khoa The New Encyclopædia Britannica nói gì về sự xác thực của sách Đa-ni-ên?
3 Thí dụ, sách The New Encyclopædia Britannica (Tân bách khoa tự điển Anh Quốc) xác nhận sách Đa-ni-ên từng được “nhiều người coi là lịch sử xác thật, chứa đựng lời tiên tri chân thật”. Tuy nhiên, sách bách khoa này cho rằng trong thực tế, sách Đa-ni-ên “được viết sau này, trong lúc xứ có khủng hoảng—khi người Do Thái bị bắt bớ dữ dội dưới triều Antiochus IV Epiphanes [Vua Si-ri]”. Theo sách bách khoa, sách Đa-ni-ên được viết trong khoảng từ năm 167 đến năm 164 TCN. Sách bách khoa cũng quả quyết là người viết sách Đa-ni-ên không tiên tri về tương lai nhưng chỉ trình bày “những biến cố đã xảy ra trước thời ông như lời tiên tri về điều sẽ xảy ra trong tương lai”.
4. Sự chỉ trích sách Đa-ni-ên bắt đầu từ khi nào, và điều gì đã châm ngòi cho sự chỉ trích tương tự trong những thế kỷ gần đây?
4 Những ý tưởng này bắt nguồn từ đâu? Sự chỉ trích sách Đa-ni-ên không có gì mới lạ. Nó bắt đầu ngay từ thế kỷ thứ ba TCN với một triết gia tên là Porphyry. Giống như nhiều người ở Đế Quốc La Mã, Porphyry cảm thấy bị đe dọa bởi ảnh hưởng của đạo Đấng Christ. Ông viết 15 cuốn sách nhằm ngấm ngầm phá hoại tôn giáo “mới” này. Cuốn thứ 12 nhắm thẳng vào sách Đa-ni-ên. Porphyry tuyên bố sách Đa-ni-ên là giả mạo, do một người Do Thái viết vào thế kỷ thứ hai TCN. Vào thế kỷ 18 và 19, cũng có những cuộc tấn công tương tự. Dưới quan điểm của các nhà phê bình Kinh Thánh và những người theo chủ nghĩa duy lý thì tiên tri—tức là việc nói trước về biến cố xảy ra trong tương lai—không thể nào có được. Sách Đa-ni-ên trở thành mục tiêu thuận lợi. Thật ra thì Đa-ni-ên và sách của ông đã bị đưa ra tòa xét xử. Những nhà phê bình tuyên bố có đầy đủ bằng chứng là sách không phải do Đa-ni-ên viết trong thời gian dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn, nhưng do một người nào đó viết nhiều thế kỷ sau này.a Những cuộc công kích như vậy trở thành đua nở đến nỗi một tác giả phải viết một bản biện hộ mang tên dí dỏm là Daniel in the Critics’ Den (Sách Đa-ni-ên trong hang chỉ trích).
5. Tại sao câu hỏi về tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên là một câu hỏi quan trọng?
5 Các nhà phê bình có bằng chứng cho sự quả quyết đầy tự tin của họ không? Hay bằng chứng lại hỗ trợ cho bên biện hộ? Việc này liên hệ đến nhiều vấn đề quan trọng. Không phải chỉ thanh danh của quyển sách xưa này nhưng tương lai của chúng ta cũng liên hệ đến nữa. Nếu sách Đa-ni-ên là sách lừa đảo thì các lời hứa về tương lai của nhân loại chỉ là những lời trống rỗng. Nhưng nếu sách chứa đựng những lời tiên tri chân thật, hiển nhiên bạn sẽ háo hức muốn biết những lời tiên tri ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay. Với tâm trạng này, chúng ta cùng khảo sát một số công kích mà người ta nhắm vào sách Đa-ni-ên.
6. Lịch sử trong sách Đa-ni-ên đôi khi bị buộc tội gì?
6 Chẳng hạn, chúng ta hãy lấy lời cáo buộc sau đây trong sách The Encyclopedia Americana (Bách khoa tự điển Mỹ Quốc): “Nhiều chi tiết lịch sử về các giai đoạn trước đây [như là giai đoạn phu tù ở Ba-by-lôn] đã bị xuyên tạc trắng trợn” trong sách Đa-ni-ên. Có thật như vậy không? Chúng ta lần lượt xem xét từng điểm một trong ba điểm mà bên tấn công đã viện dẫn sai lầm.
TRƯỜNG HỢP THIẾU MỘT VUA
7. (a) Tại sao các nhà phê bình Kinh Thánh thích thú việc Đa-ni-ên nói đến Bên-xát-sa? (b) Điều gì xảy ra cho ý kiến nói rằng Bên-xát-sa chỉ là một nhân vật bịa đặt?
7 Đa-ni-ên viết rằng Bên-xát-sa, “con” của Nê-bu-cát-nết-sa, là vua cai trị Ba-by-lôn lúc thành này bị sụp đổ. (Đa-ni-ên 5:1, 11, 18, 22, 30) Từ lâu, các nhà phê bình tấn công điểm này một cách dữ dội, vì không có sách nào ngoài Kinh Thánh nói đến tên Bên-xát-sa. Không những vậy, các sử gia thời xưa xác nhận Na-bô-nê-đô là người kế vị Nê-bu-cát-nết-sa và là vua cuối cùng của Ba-by-lôn. Do đó, vào năm 1850, Ferdinand Hitzig nói rằng Bên-xát-sa rõ ràng là một nhân vật thêu dệt bởi trí tưởng tượng của người viết. Nhưng phải chăng ý kiến của Hitzig xem ra hơi thiếu suy nghĩ? Nói cho cùng, việc vua này không được nhắc đến—đặc biệt trong giai đoạn mà lịch sử ít oi—có thật sự chứng tỏ là vua đó không hiện hữu chăng? Dù sao, vào năm 1854, người ta đào được một số ống hình trụ nhỏ bằng đất sét tại nơi tàn tích của thành U-rơ thuộc Ba-by-lôn cổ xưa, ngày nay là ở phía nam của I-rắc. Những tài liệu viết bằng chữ hình nêm này là của Vua Na-bô-nê-đô, trong đó có một lời cầu nguyện cho “Bel-sar-ussur, trưởng nam ta”. Ngay cả những nhà phê bình cũng phải đồng ý: Đây chính là Bên-xát-sa mà sách Đa-ni-ên nói đến.
8. Việc Đa-ni-ên tả Bên-xát-sa là vua cai trị đã chứng tỏ là đúng với sự thật như thế nào?
8 Tuy nhiên, các nhà phê bình không thỏa mãn. Một nhà phê bình tên là H. F. Talbot viết: “Điều này chẳng chứng minh được cái gì”. Ông cho rằng người con nói đến trong tài liệu có thể chỉ là cậu bé trong khi Đa-ni-ên tả ông là vị vua cai trị. Chỉ một năm sau khi nhận xét của Talbot được xuất bản, người ta khai quật thêm được nhiều bản viết bằng chữ hình nêm nói rằng Bên-xát-sa có những thư ký và gia nhân. Ông không phải là cậu bé! Cuối cùng, vấn đề được giải quyết dứt khoát khi có những tấm bản khác tường thuật rằng thỉnh thoảng Na-bô-nê-đô đi xa Ba-by-lôn trong nhiều năm. Những tấm bản này cũng cho thấy trong những giai đoạn này, ông “giao chức vua” Ba-by-lôn cho con trai trưởng của ông (Bên-xát-sa). Vào những giai đoạn ấy, Bên-xát-sa thật sự là vua—cùng cai trị với cha của ông.b
9. (a) Đa-ni-ên tả Bên-xát-sa là con của Nê-bu-cát-nết-sa theo nghĩa nào? (b) Tại sao các nhà phê bình sai lầm khi cho rằng Đa-ni-ên không hề nhắc đến sự hiện hữu của Na-bô-nê-đô?
9 Vẫn không thỏa mãn, một số nhà phê bình than phiền rằng Kinh Thánh gọi Bên-xát-sa là con của Nê-bu-cát-nết-sa chứ không phải của Na-bô-nê-đô. Một số nhất mực cho rằng sách Đa-ni-ên không hề mảy may ám chỉ có Na-bô-nê-đô. Tuy nhiên, cả hai phản kháng này đều vô hiệu sau khi khảo sát. Dường như Na-bô-nê-đô kết hôn với con gái của Nê-bu-cát-nết-sa. Vậy Bên-xát-sa là cháu của Nê-bu-cát-nết-sa. Cả tiếng Hê-bơ-rơ lẫn tiếng A-ram đều không có chữ “ông” hay “cháu”; chữ “con của” có thể có nghĩa là “cháu của” hoặc thậm chí “con cháu của”. (So sánh Ma-thi-ơ 1:1). Hơn nữa, sự tường thuật của Kinh Thánh cũng xác nhận Bên-xát-sa là con của Na-bô-nê-đô. Khi kinh hãi trước những chữ viết đáng sợ trên tường, Bên-xát-sa trong tình trạng tuyệt vọng hứa ban ngôi thứ ba trong triều đình cho người nào có thể giải đoán được chữ viết. (Đa-ni-ên 5:7) Tại sao thứ ba mà lại không thứ hai? Sự hứa ban này hàm ý ngôi thứ nhất và thứ hai đã có người rồi. Thật vậy, đó là Na-bô-nê-đô và con ông là Bên-xát-sa.
10. Tại sao sự tường thuật của Đa-ni-ên về triều đại Ba-by-lôn có nhiều chi tiết hơn là các sử gia khác vào thời xưa?
10 Vậy việc Đa-ni-ên nhắc đến Bên-xát-sa không phải là bằng chứng lịch sử bị “xuyên tạc trắng trợn”. Trái lại, Đa-ni-ên—mặc dù không viết lịch sử về Ba-by-lôn—đã cho chúng ta một cái nhìn chi tiết hơn về triều đại Ba-by-lôn, hơn các sử gia ngoài đời vào thời xưa như Herodotus, Xenophon, và Berossus. Tại sao Đa-ni-ên có thể ghi được những sự kiện mà những người kia thì không? Bởi vì Đa-ni-ên sống ngay tại Ba-by-lôn. Sách của ông là tác phẩm của một người chứng kiến tận mắt, chứ không phải của một kẻ mạo nhận vào nhiều thế kỷ sau này.
ĐA-RI-ÚT, NGƯỜI MÊ-ĐI LÀ AI?
11. Theo Đa-ni-ên thì Đa-ri-út người Mê-đi là ai, nhưng người ta nói gì về ông?
11 Đa-ni-ên phúc trình là khi Ba-by-lôn bị lật đổ thì một vua tên là ‘Đa-ri-út, người Mê-đi’ bắt đầu cai trị. (Đa-ni-ên 5:31) Trong các nguồn tài liệu ngoài đời hay ngành khảo cổ, không thấy có tên Đa-ri-út, người Mê-đi. Do đó, sách The New Encyclopædia Britannica quả quyết rằng người mang tên Đa-ri-út này là “một nhân vật bịa đặt”.
12. (a) Tại sao các nhà phê bình Kinh Thánh đáng lẽ không nên quả quyết không hề có Đa-ri-út người Mê-đi nào? (b) Đa-ri-út người Mê-đi có thể là ai, và bằng chứng nào cho thấy như vậy?
12 Một số học giả đã thận trọng hơn. Nói cho cùng, các nhà phê bình từng gán Bên-xát-sa là nhân vật “bịa đặt”. Chắc chắn trường hợp Đa-ri-út cũng sẽ như vậy mà thôi. Có những tấm bia chữ hình nêm tiết lộ Si-ru, người Phe-rơ-sơ, không hề mang tước hiệu “Vua nước Ba-by-lôn” ngay sau cuộc chinh phục. Một nhà nghiên cứu đưa ra nhận định: “Dù người nào mang tước hiệu ‘Vua nước Ba-by-lôn’ chăng nữa, cũng phải là vua chư hầu dưới quyền của Si-ru, chứ không thể là chính Si-ru được”. Có thể nào Đa-ri-út là tên hay là tước hiệu của một viên chức có thế lực người Mê-đi được giao quyền cai trị Ba-by-lôn không? Một số người nghĩ Đa-ri-út có thể là người mang tên Gubaru. Si-ru lập Gubaru làm quan tổng đốc ở Ba-by-lôn, và lịch sử ngoài đời xác nhận là ông cai trị với quyền hành rộng rãi. Một bia chữ hình nêm nói là ông bổ nhiệm nhiều phó tổng đốc cai trị Ba-by-lôn. Điều đáng chú ý là Đa-ni-ên cho biết Đa-ri-út bổ nhiệm 120 quan trấn thủ để cai trị vương quốc Ba-by-lôn.—Đa-ni-ên 6:1.
13. Đâu là lý do hợp lý giải thích tại sao Đa-ri-út, người Mê-đi, nói trong sách Đa-ni-ên, không có trong lịch sử ngoài đời?
13 Với thời gian, có lẽ người ta sẽ khám phá thêm chứng cớ trực tiếp giúp nhận diện chính xác về vị vua này. Dù thế nào chăng nữa, thật khó mà cho rằng sự im lặng của ngành khảo cổ trong vấn đề này cung cấp cơ sở để gán Đa-ri-út là “nhân vật bịa đặt”, nói chi đến việc cho cả sách Đa-ni-ên là lừa bịp. Thật hợp lý hơn nhiều khi coi sự tường thuật của sách Đa-ni-ên là sự kể lại của một người chứng kiến tận mắt, có nhiều chi tiết hơn là các lịch sử ngoài đời còn lưu lại ngày nay.
TRIỀU ĐẠI GIÊ-HÔ-GIA-KIM
14. Tại sao không có sự khác biệt giữa Đa-ni-ên và Giê-rê-mi về những năm cai trị của Vua Giê-hô-gia-kim?
14 Đa-ni-ên 1:1 đọc: “Năm thứ ba về đời Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, thì Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến thành Giê-ru-sa-lem và vây lấy”. Các nhà phê bình bắt lỗi câu Kinh Thánh này vì xem ra nó không ăn khớp với Giê-rê-mi là người nói rằng năm thứ tư đời Giê-hô-gia-kim là năm thứ nhất của Nê-bu-cát-nết-sa. (Giê-rê-mi 25:1; 46:2) Phải chăng Đa-ni-ên mâu thuẫn với Giê-rê-mi? Vấn đề được hoàn toàn sáng tỏ khi có thêm tin tức. Lúc đầu khi được Pha-ra-ôn Nê-cô đặt lên ngôi vua vào năm 628 TCN, Giê-hô-gia-kim chỉ là bù nhìn của vua Ê-díp-tô. Điều này xảy ra khoảng ba năm trước khi Nê-bu-cát-nết-sa nối ngôi cha làm vua Ba-by-lôn vào năm 624 TCN. Sau đó một thời gian ngắn (vào năm 620 TCN), Nê-bu-cát-nết-sa xâm lăng Giu-đa và đặt Giê-hô-gia-kim làm vua chư hầu lệ thuộc nước Ba-by-lôn. (2 Các Vua 23:34; 24:1) Đối với một người Do Thái sống ở Ba-by-lôn, thì năm “thứ ba” đời vua Giê-hô-gia-kim là năm thứ ba vua chư hầu này thần phục Ba-by-lôn. Đa-ni-ên viết từ quan điểm đó. Còn Giê-rê-mi thì viết từ quan điểm của người Do Thái sống ngay ở Giê-ru-sa-lem. Vì vậy ông nói đến chức vị vua của Giê-hô-gia-kim bắt đầu từ khi được Pha-ra-ôn Nê-cô đặt lên ngôi vua.
15. Tại sao việc dùng niên đại nơi Đa-ni-ên 1:1 để tấn công là một luận cứ yếu ớt?
15 Vậy thật ra sự khác biệt này chỉ làm vững mạnh thêm bằng chứng là Đa-ni-ên đã viết sách của ông ở Ba-by-lôn, trong khi làm phu tù cùng với người Do Thái. Nhưng luận cứ dùng để chống lại sách Đa-ni-ên nêu trên có thêm một khuyết điểm rõ ràng. Chúng ta hãy nhớ là người viết sách Đa-ni-ên có sẵn sách Giê-rê-mi trong tay và còn tham khảo sách này nữa. (Đa-ni-ên 9:2) Nếu người viết sách Đa-ni-ên là một người giả mạo khôn khéo, như các nhà phê bình gán cho, thì có thể nào ông liều lĩnh đi ngược lại sách Giê-rê-mi vốn được hết sức kính trọng—và lại đặt ngay vào câu đầu tiên trong sách của ông không? Dĩ nhiên là không!
KỂ CHI TIẾT
16, 17. Bằng chứng khảo cổ ủng hộ sự tường thuật của sách Đa-ni-ên như thế nào về (a) việc Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên một pho tượng về tôn giáo để dân chúng thờ lạy? (b) thái độ kiêu ngạo của Nê-bu-cát-nết-sa về các công trình xây cất ở Ba-by-lôn?
16 Bây giờ chúng ta sẽ chuyển hướng từ phía tiêu cực sang phía tích cực. Chúng ta hãy xem xét một số chi tiết khác trong sách Đa-ni-ên cho thấy người viết có sự hiểu biết trực tiếp về những thời kỳ mà ông nói đến.
17 Việc Đa-ni-ên quen thuộc với các chi tiết tinh tế về Ba-by-lôn cổ xưa là bằng chứng hùng hồn về tính cách xác thực trong sự tường thuật của ông. Thí dụ, Đa-ni-ên 3:1-6 phúc trình rằng Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên một pho tượng khổng lồ để toàn thể dân chúng thờ lạy. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng khác là vị vua này tìm cách lôi kéo dân chúng vào những thực hành có tính cách tôn giáo và ái quốc. Tương tự như vậy, Đa-ni-ên ghi lại thái độ kiêu ngạo của Nê-bu-cát-nết-sa về nhiều công trình xây cất của ông. (Đa-ni-ên 4:30) Mãi cho đến thời hiện đại, các nhà khảo cổ mới xác nhận là Nê-bu-cát-nết-sa quả thật có công lớn trong hầu hết các công trình xây cất ở Ba-by-lôn. Về sự kiêu ngạo—thì quá rõ, ông đã ra lệnh cho khắc tên ông trên mỗi cục gạch! Những người phê bình sách Đa-ni-ên không thể giải thích được làm sao người mà họ cho là giả mạo viết sách này vào thời người Macabê (167-63 TCN) lại có thể biết về những công trình xây cất như thế, những công trình đã hoàn tất trước đó khoảng bốn thế kỷ, và rất lâu trước khi được các nhà khảo cổ khám phá ra.
18. Sự tường thuật trong sách Đa-ni-ên về các cách trừng phạt khác nhau dưới sự cai trị của Ba-by-lôn và của Phe-rơ-sơ phản ảnh sự xác thực như thế nào?
18 Sách Đa-ni-ên cũng tiết lộ vài sự khác biệt căn bản giữa luật pháp của người Ba-by-lôn và người Mê-đi Phe-rơ-sơ. Chẳng hạn, dưới luật pháp của Ba-by-lôn, ba người bạn đồng hành của Đa-ni-ên bị quăng vào lò lửa hực vì không chịu tuân theo mạng lệnh của vua. Nhiều thập niên sau, Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử vì từ chối tuân theo một luật của người Phe-rơ-sơ nghịch với lương tâm của ông. (Đa-ni-ên 3:6; 6:7-9) Một số người cố loại bỏ sự tường thuật về lò lửa hực, coi đó như câu chuyện huyền thoại, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy một văn thư thuộc Ba-by-lôn cổ xưa đặc biệt nhắc đến hình thức trừng phạt này. Tuy nhiên, đối với người Mê-đi Phe-rơ-sơ, lửa là thiêng liêng. Vì vậy họ đổi sang hình thức trừng phạt độc địa khác. Do đó, việc họ nghĩ ra hang sư tử không có gì đáng ngạc nhiên.
19. Sách Đa-ni-ên làm sáng tỏ sự tương phản nào giữa hệ thống luật pháp của Ba-by-lôn và của Mê-đi Phe-rơ-sơ?
19 Còn một sự tương phản khác. Đa-ni-ên cho thấy là Nê-bu-cát-nết-sa có thể ban hành hoặc sửa đổi luật tùy hứng. Còn Đa-ri-út thì không làm gì được để thay đổi ‘luật-pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ’—ngay cả luật do chính ông ban hành! (Đa-ni-ên 2:5, 6, 24, 46-49; 3:10, 11, 29; 6:12-16) Sử gia John C. Whitcomb viết: “Lịch sử thời xưa xác nhận sự khác biệt giữa Ba-by-lôn, nơi luật pháp phục tùng vua, và Mê-đi Phe-rơ-sơ, nơi vua phục tùng luật pháp”.
20. Chi tiết nào về bữa tiệc của Bên-xát-sa phản ảnh sự hiểu biết trực tiếp của Đa-ni-ên về phong tục của Ba-by-lôn?
20 Sự tường thuật hào hứng về bữa tiệc của Bên-xát-sa được ghi lại đầy đủ chi tiết nơi chương 5 sách Đa-ni-ên. Dường như bữa tiệc bắt đầu với việc ăn uống thỏa thuê, vì rượu được nhắc đến nhiều lần. (Đa-ni-ên 5:1, 2, 4) Thật ra, những bản khắc hình nổi về những bữa tiệc tương tự cho thấy chỉ có rượu được dùng mà thôi. Vậy hiển nhiên rượu là tối quan trọng trong những tiệc liên hoan như vậy. Đa-ni-ên cũng nói đến nhiều phụ nữ có mặt trong bữa tiệc—đó là hoàng hậu và cung phi của vua. (Đa-ni-ên 5:3, 23) Khoa khảo cổ hỗ trợ chi tiết này về phong tục của người Ba-by-lôn. Đối với người Do Thái và người Hy Lạp vào thời người Macabê, ý niệm đem vợ đi dự tiệc không thể chấp nhận được. Có lẽ đó là lý do tại sao những bản dịch lúc đầu của bản Septuagint, khi dịch sách Đa-ni-ên ra tiếng Hy Lạp, tránh nhắc đến những người đàn bà này.c Tuy nhiên, nếu như có người giả mạo sách Đa-ni-ên thì hẳn người ấy đã sống trong cùng nền văn hóa Hy Lạp và có lẽ vào ngay thời kỳ mà bản dịch Septuagint được sản xuất!
21. Việc Đa-ni-ên có sự hiểu biết rành mạch về đời sống cùng phong tục trong thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn được giải thích hợp lý như thế nào?
21 Trước các chi tiết này, thật không thể tưởng tượng nổi làm sao sách bách khoa Britannica có thể nói được là tác giả sách Đa-ni-ên chỉ có sự hiểu biết “sơ sài và thiếu chính xác” về thời kỳ phu tù. Làm thế nào kẻ giả mạo vào nhiều thế kỷ sau này lại quá thông thạo về phong tục của người Ba-by-lôn và Phe-rơ-sơ cổ xưa? Cũng hãy nhớ là cả hai đế quốc đã sụp đổ từ lâu trước thế kỷ thứ hai TCN. Hiển nhiên vào thời đó, không có nhà khảo cổ nào; và người Do Thái vào thời ấy cũng không chú ý gì đến lịch sử và văn hóa nước khác. Chỉ nhà tiên tri Đa-ni-ên, một người chứng kiến tận mắt những thời kỳ và những biến cố mà ông miêu tả, mới có thể viết phần Kinh Thánh mang tên ông.
CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI CÓ CHỨNG TỎ SÁCH ĐA-NI-ÊN LÀ GIẢ MẠO KHÔNG?
22. Các nhà phê bình buộc tội gì liên quan đến vị trí của sách Đa-ni-ên trong Kinh Thánh chính điển phần tiếng Hê-bơ-rơ?
22 Một trong những luận cứ thông thường nhất chống lại sách Đa-ni-ên liên hệ đến vị trí của nó trong Kinh Thánh chính điển phần tiếng Hê-bơ-rơ. Các ra-bi thời xưa sắp xếp Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ thành ba nhóm: Luật Pháp, Tiên Tri và Thơ Văn. Họ không liệt kê sách Đa-ni-ên vào loại sách Tiên Tri nhưng vào loại Thơ Văn. Các nhà phê bình tranh luận là điều này có nghĩa là người ta đã phải không biết đến sách đó vào thời điểm mà các sách tiên tri được sưu tập. Nó được đặt vào loại Thơ Văn vì loại Thơ Văn được sưu tập sau này.
23. Những người Do Thái thời xưa xem sách Đa-ni-ên như thế nào, và làm sao chúng ta biết được điều này?
23 Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đều đồng ý với các ra-bi thời xưa về việc chia Kinh Thánh chính điển theo cách cứng ngắc ấy hoặc loại sách Đa-ni-ên ra khỏi phần sách Tiên Tri. Nhưng ngay cả khi các ra-bi xếp sách ấy vào loại sách Thơ Văn đi nữa thì có chứng tỏ sách được viết sau này không? Không đâu. Các học giả nổi tiếng đưa ra một số lý do có thể khiến các ra-bi đặt sách Đa-ni-ên ngoài phần sách Tiên Tri. Thí dụ, các ra-bi làm như vậy vì sách gây cho họ khó chịu hay vì họ coi chính con người của Đa-ni-ên có phần khác biệt với các tiên tri khác khi giữ chức vụ ngoài đời tại một quốc gia ngoại bang. Dù trong trường hợp nào chăng nữa, vấn đề thật sự quan trọng là: Người Do Thái thời xưa kính trọng sách Đa-ni-ên cách sâu xa và tin rằng sách ấy thuộc chính điển. Hơn nữa, bằng chứng cho thấy Kinh Thánh chính điển phần tiếng Hê-bơ-rơ hoàn tất từ lâu trước thế kỷ thứ hai TCN. Những sự thêm vào sau này đều không được phép, trong đó có một số sách viết trong thế kỷ thứ hai TCN.
24. Ngụy thư Ecclesiasticus đã được dùng để chống lại sách Đa-ni-ên như thế nào, và điều gì cho thấy lập luận này sai lầm?
24 Thật là trớ trêu, một trong những tác phẩm được viết sau này và bị loại bỏ lại được dùng như một luận cứ chống lại sách Đa-ni-ên. Ngụy thư Ecclesiasticus được Jesus Ben Sirach soạn thảo hiển nhiên vào năm 180 TCN. Tác phẩm này có một danh sách dài liệt kê những người công bình, và những nhà phê bình nêu ra rằng tên Đa-ni-ên không có trong danh sách. Họ lý luận rằng Đa-ni-ên phải không được ai biết đến vào lúc đó. Lập luận này được nhiều học giả chấp nhận. Nhưng chúng ta hãy xem xét điều này: Cũng trong danh sách đó, không có tên E-xơ-ra và Mạc-đô-chê (cả hai người này là đại anh hùng dưới mắt người Do Thái thời hậu phu tù), Giê-hô-sa-phát, vị Vua tốt, và người công bình Gióp; và trong tất cả các quan xét, chỉ có một mình tên Sa-mu-ên được liệt kê.d Vì danh sách bỏ sót những người như thế và không tự nhận là liệt kê đầy đủ những người công bình; nó lại nằm trong một sách không thuộc chính điển, vậy chúng ta có phải xem những người bị bỏ sót trong danh sách là những nhân vật bịa đặt không? Ngay bản chất ý tưởng đó cũng phi lý rồi.
BẰNG CHỨNG BÊN NGOÀI BÊNH VỰC SÁCH ĐA-NI-ÊN
25. (a) Josephus đã chứng nhận tính cách xác thực trong lời tường thuật của sách Đa-ni-ên như thế nào? (b) Sự tường thuật của Josephus về A-léc-xan-đơ Đại Đế và sách Đa-ni-ên phù hợp với lịch sử được công nhận như thế nào? (Xin xem cước chú thứ hai). (c) Bằng chứng về ngữ học ủng hộ sách Đa-ni-ên như thế nào? (Xin xem trang 26).
25 Một lần nữa chúng ta lại chú ý đến phía tích cực. Có người nhận xét là không có sách nào trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được kiểm chứng kỹ càng bằng sách Đa-ni-ên. Để chứng minh: Sử gia nổi tiếng người Do Thái là Josephus chứng nhận tính cách xác thực của sách này. Ông nói rằng trong cuộc chiến tranh chống lại Phe-rơ-sơ vào thế kỷ thứ tư TCN, A-léc-xan-đơ Đại Đế đến thành Giê-ru-sa-lem và được các thầy tế lễ cho ông xem cuốn sách Đa-ni-ên. Chính A-léc-xan-đơ kết luận rằng những lời tiên tri của Đa-ni-ên mà người ta chỉ cho ông, ám chỉ chiến dịch quân sự của ông chống lại Phe-rơ-sơ.e Điều này xảy ra khoảng một thế kỷ rưỡi trước sự “giả mạo” như những người phê bình gán cho. Dĩ nhiên, những nhà phê bình đã tấn công Josephus về đoạn văn này. Họ cũng tấn công ông trong việc ông ghi nhận một số lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên đã được ứng nghiệm. Song, như sử gia Joseph D. Wilson nhận xét, “[Josephus] có lẽ biết về vấn đề nhiều hơn là tất cả các nhà phê bình trên thế giới”.
26. Những cuộn sách vùng Biển Chết đã ủng hộ tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên như thế nào?
26 Tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên có thêm sự hỗ trợ khi các cuộn sách vùng Biển Chết được tìm thấy trong hang Qumran ở Do Thái. Điều đáng ngạc nhiên là trong số các tài liệu tìm thấy vào năm 1952, có nhiều cuộn và mảnh thuộc sách Đa-ni-ên. Tài liệu xưa nhất được xác định viết vào cuối thế kỷ thứ hai TCN. Do đó, ngay từ xa xưa, sách Đa-ni-ên đã được nhiều người biết đến và kính trọng. Sách The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible ghi nhận: “Bây giờ người ta phải bỏ ý kiến cho rằng sách Đa-ni-ên được viết vào thời Macabê, ước chi bỏ là vì không thể có đủ thời gian từ lúc biên soạn sách Đa-ni-ên tới lúc sách ấy được sao chép và đưa vào thư viện của giáo phái của người Macabê”.
27. Bằng chứng lâu đời nhất nào cho thấy Đa-ni-ên là người có thật, một người nổi tiếng trong thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn?
27 Tuy nhiên, có một sự chứng thực xưa và đáng tin cậy hơn nhiều đối với sách Đa-ni-ên. Một trong những người cùng thời với Đa-ni-ên là tiên tri Ê-xê-chi-ên. Nhà tiên tri này cũng phụng sự trong thời gian dân Do thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Sách Ê-xê-chi-ên nhắc đến đích danh Đa-ni-ên nhiều lần. (Ê-xê-chi-ên 14:14, 20; 28:3) Điều này cho thấy ngay trong đời ông, vào thế kỷ thứ sáu TCN, Đa-ni-ên đã nổi tiếng là người công bình và khôn ngoan, đáng được nhắc đến cùng với những người kính sợ Đức Chúa Trời như Nô-ê và Gióp.
NHÂN CHỨNG VĨ ĐẠI NHẤT
28, 29. (a) Đâu là bằng chứng có sức thuyết phục mạnh nhất chứng minh toàn bộ sách Đa-ni-ên là xác thực? (b) Tại sao chúng ta nên chấp nhận lời chứng của Chúa Giê-su?
28 Dù sao, cuối cùng chúng ta hãy xem xét một người làm chứng vĩ đại nhất về tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên. Nhân chứng vĩ đại đó không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ. Trong khi thảo luận về những ngày sau rốt, Chúa Giê-su nhắc đến “đấng tiên- tri Đa-ni-ên” và một trong những lời tiên tri của nhà tiên tri này.—Ma-thi-ơ 24:15; Đa-ni-ên 11:31; 12:11.
29 Bây giờ nếu thuyết Macabê của những nhà phê bình là đúng thì một trong hai điều phải là thật. Hoặc là Chúa Giê-su bị sách giả mạo này lừa bịp, hoặc là ngài không hề nói những gì mà Ma-thi-ơ trích dẫn. Cả hai điều không thể xảy ra. Nếu chúng ta không thể tin cậy sự tường thuật trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, thì làm sao chúng ta có thể tin cậy các phần khác của Kinh Thánh? Nếu bỏ đi những câu này, thì kế tiếp chúng ta sẽ bỏ đi những chữ nào nữa khỏi trang sách của Kinh Thánh? Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách”. (2 Ti-mô-thê 3:16, chúng tôi viết nghiêng) Vậy nếu Đa-ni-ên là một kẻ lừa đảo thì Phao-lô cũng là một kẻ lừa đảo! Có thể nào Chúa Giê-su bị lừa không? Không thể nào. Ngài sống ở trên trời khi sách Đa-ni-ên được viết ra. Chúa Giê-su từng nói: “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta”. (Giăng 8:58) Trong vòng tất cả những người đã từng sống, Chúa Giê-su mới là người có thẩm quyền nhất để chúng ta hỏi các thông tin liên quan đến tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên. Nhưng chúng ta không phải hỏi. Như chúng ta đã thấy, chứng cớ của ngài thật rõ ràng.
30. Chúa Giê-su đã xác nhận thêm sự xác thực của sách Đa-ni-ên như thế nào?
30 Chúa Giê-su xác nhận thêm tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên ngay vào lúc ngài làm báp têm. Lúc đó, ngài trở thành Đấng Mê-si, làm ứng nghiệm một lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên về 69 tuần lễ năm. (Đa-ni-ên 9:25, 26; xin xem Chương 11 sách này). Ngay cả khi thuyết cho rằng sách Đa-ni-ên viết sau này là đúng thì người viết sách Đa-ni-ên vẫn biết trước tương lai khoảng 200 năm. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không soi dẫn một kẻ giả mạo nói những lời tiên tri thật dưới một danh giả. Không, sự làm chứng của Chúa Giê-su được mọi người trung thành với Đức Chúa Trời hết lòng chấp nhận. Nếu tất cả các chuyên viên, tất cả những nhà phê bình trên thế giới đồng đứng lên để lên án sách Đa-ni-ên thì lời chứng của Chúa Giê-su sẽ cho thấy họ sai vì ngài là “Đấng làm chứng thành-tín chân-thật”.—Khải-huyền 3:14.
31. Tại sao nhiều nhà phê bình Kinh Thánh vẫn không chịu thừa nhận sự xác thực của sách Đa-ni-ên?
31 Đối với nhiều nhà phê bình Kinh Thánh, ngay cả bằng chứng này cũng không đủ. Sau khi xem xét kỹ lưỡng đề tài này, một người buộc phải tự hỏi còn bất cứ bằng chứng nào nữa để thuyết phục họ đây. Một giáo sư Đại học Oxford viết: “Bao lâu người ta vẫn còn định kiến lúc đầu là ‘sự tiên tri siêu nhiên không thể nào có được’ thì chỉ trả lời sự chống đối chẳng đạt được gì”. Vậy định kiến làm cho họ mù. Nhưng đó là sự lựa chọn của họ—và là sự mất mát của họ.
32. Chúng ta trông chờ điều gì khi học sách Đa-ni-ên?
32 Còn bạn thì sao? Nếu bạn thấy không có lý do chính đáng nào để nghi ngờ tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên thì bạn đã sẵn sàng một chuyến du hành để khám phá đầy hào hứng rồi đó. Bạn sẽ thấy những câu chuyện hàm súc Đa-ni-ên thuật lại, những lời tiên tri vô cùng thích thú. Quan trọng hơn nữa, bạn sẽ thấy đức tin của bạn lớn mạnh hơn sau khi đọc mỗi chương. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về việc chú ý cẩn thận đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!
[Chú thích]
a Một số nhà phê bình cố gắng làm nhẹ tội giả mạo bằng cách nói rằng người viết dùng Đa-ni-ên như là một bút hiệu giống như một số sách thời xưa không thuộc qui điển Kinh Thánh được viết dưới tên giả. Tuy nhiên, nhà phê bình Kinh Thánh Ferdinand Hitzig phát biểu: “Trường hợp sách Đa-ni-ên, nếu là do một người khác nào đó viết, thì khác. Nó trở thành sách giả mạo có chủ ý đánh lừa người đọc mặc dù để họ được lợi ích”.
b Na-bô-nê-đô không có mặt khi Ba-by-lôn sụp đổ. Do đó, Bên-xát-sa đúng là vua vào lúc đó. Các nhà phê bình cố cãi là lịch sử ngoài đời không hề cho Bên-xát-sa tước hiệu vua. Dù sao, bằng chứng thời xưa cho thấy ngay cả một quan tổng đốc cũng được dân chúng thời ấy xưng hô là vua.
c Học giả Do Thái là C. F. Keil viết về Đa-ni-ên 5:3 như sau: “Bản LXX ở câu này và cũng ở câu 23 đều bỏ qua không nhắc tới đàn bà, theo tục lệ của người Ma-xê-đoan, Hy Lạp và La Mã”.
d Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn liệt kê những người đàn ông và đàn bà trung thành trong sách Hê-bơ-rơ chương 11. Danh sách này lại hàm ý xác nhận những biến cố ghi trong sách Đa-ni-ên. (Đa-ni-ên 6:16-24; Hê-bơ-rơ 11:32, 33) Tuy nhiên, danh sách của sứ đồ Phao-lô cũng không đầy đủ. Có rất nhiều người không có tên trong danh sách như Ê-sai, Giê-rê-mi, và Ê-xê-chi-ên, nhưng không thể nói rằng không hề có những người này.
e Một số sử gia đã ghi nhận rằng điều này giúp giải thích tại sao A-léc-xan-đơ rất tử tế với người Do Thái, những người từ lâu vốn là bạn của người Phe-rơ-sơ. Vào chính thời ấy, A-léc-xan-đơ phát động chiến dịch diệt hết các bạn của Phe-rơ-sơ.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Sách Đa-ni-ên bị cáo buộc về những gì?
• Tại sao các công kích của các nhà phê bình đối với sách Đa-ni-ên không có căn bản?
• Bằng chứng nào hỗ trợ tính cách xác thực của sự tường thuật trong sách Đa-ni-ên?
• Đâu là bằng chứng có sức thuyết phục mạnh nhất về tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên?
[Khung nơi trang 26]
Vấn đề ngôn ngữ
SÁCH Đa-ni-ên được viết xong khoảng năm 536 TCN. Sách được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-ram, với vài chữ Hy Lạp và chữ Phe-rơ-sơ. Việc pha trộn ngôn ngữ như thế là khác thường nhưng không phải là trường hợp duy nhất trong Kinh Thánh. Sách E-xơ-ra của Kinh Thánh cũng được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-ram. Tuy nhiên, một số nhà phê bình nhất mực cho là cách người viết sách Đa-ni-ên dùng những ngôn ngữ này chứng tỏ ông viết sau năm 536 TCN. Một nhà phê bình lớn tiếng tuyên bố là việc dùng những chữ Hy Lạp trong sách Đa-ni-ên đòi hỏi sách ấy phải viết sau này. Ông quả quyết là tiếng Hê-bơ-rơ ủng hộ điều này và tiếng A-ram ít nhất cho phép quyết đoán như vậy—thậm chí mới viết trong thế kỷ thứ hai TCN.
Tuy nhiên, không phải tất cả các học giả về ngôn ngữ đều đồng ý. Một số học giả có thẩm quyền nói rằng tiếng Hê-bơ-rơ trong sách Đa-ni-ên tương tự như trong sách Ê-xê-chi-ên và sách E-xơ-ra, và không giống tiếng Hê-bơ-rơ trong các tác phẩm được coi là ngụy thư sau này như Ecclesiasticus. Về việc Đa-ni-ên dùng tiếng A-ram, hãy xem xét hai tài liệu nằm trong số những cuộn sách được tìm thấy ở vùng Biển Chết. Những tài liệu này cũng viết bằng tiếng A-ram và người ta cho là viết từ thế kỷ thứ nhất và thứ hai TCN—không bao lâu sau sách Đa-ni-ên giả thiết là ngụy tạo. Nhưng các học giả nhận thấy có một sự khác biệt sâu xa giữa tiếng A-ram dùng trong những tài liệu này và tiếng A-ram trong sách Đa-ni-ên. Do đó, một số học giả nhận xét là sách Đa-ni-ên phải được viết nhiều thế kỷ trước thời điểm mà các nhà phê bình đưa ra lời quả quyết.
Còn về những từ Hy Lạp “gây ra khó khăn” trong sách Đa-ni-ên thì sao? Người ta đã khám phá ra là một số từ này là tiếng Phe-rơ-sơ, chứ không phải tiếng Hy Lạp! Chỉ những chữ mà người ta còn nghĩ là tiếng Hy Lạp là tên của ba nhạc khí. Phải chăng vì có ba chữ này nên đòi hỏi là sách Đa-ni-ên phải viết mãi sau này không? Không. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy là văn hóa Hy Lạp lan tràn trước khi Hy Lạp thật sự trở thành cường quốc. Hơn nữa, nếu sách Đa-ni-ên được viết trong thế kỷ thứ hai TCN, khi mà văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp đang thịnh hành khắp nơi, có thể nào sách ấy chỉ có ba chữ Hy Lạp thôi sao? Không thể nào. Chắc phải có rất nhiều chữ khác nữa. Vậy bằng chứng về ngôn ngữ thật sự ủng hộ tính cách xác thực của sách Đa-ni-ên.
[Trang hình ảnh nơi trang 12]
[Hình nơi trang 20]
(Bên trên) Bia này có khắc lời kiêu ngạo của Nê-bu-cát-nết-sa về các công trình xây cất của ông
(Bên dưới) Ống hình trụ trong một đền thờ ở Ba-by-lôn có khắc tên Vua Na-bô-nê-đô và con trai ông là Bên-xát-sa
[Hình nơi trang 21]
Theo Bia Sử của Na-bô-nê-đô, quân đội của Si-ru tiến vào Ba-by-lôn không cần đánh
[Hình nơi trang 22]
(Bên phải) “Bia Sử Na-bô-nê-đô” có ghi Na-bô-nê-đô giao quyền cai trị cho trưởng nam
(Bên trái) Lịch sử của Ba-by-lôn về việc Nê-bu-cát-nết-sa xâm chiếm nước Giu-đa