Chương Tám
Được cứu khỏi hàm sư tử!
1, 2. (a) Đa-ri-út người Mê-đi đã tổ chức đế quốc vừa được bành trướng của ông như thế nào? (b) Hãy tả nhiệm vụ và quyền hạn của các tỉnh trưởng.
BA-BY-LÔN đã đổ rồi! Sự chói sáng dài hàng thế kỷ của một cường quốc thế giới bị tắt đi chỉ trong vài giờ. Một thời đại mới bắt đầu—thời đại của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ. Là người đoạt ngôi của Bên-xát-sa, Đa-ri-út người Mê-đi giờ đây phải đương đầu với công việc khó khăn là tổ chức lại đế quốc của ông vừa được bành trướng.
2 Một trong những việc đầu tiên mà Đa-ri-út bắt tay làm là bổ nhiệm 120 tỉnh trưởng. Đôi khi họ được lựa từ hoàng tộc. Dù sao, mỗi tỉnh trưởng được cai trị một tỉnh lớn hay một tỉnh nhỏ của đế quốc. (Đa-ni-ên 6:1) Nhiệm vụ của tỉnh trưởng là thâu thuế và nạp vào kho của triều đình. Mặc dù chịu sự thanh tra định kỳ của một người đại diện vua, tỉnh trưởng vẫn được quyền hành rộng rãi. Tước vị của tỉnh trưởng có nghĩa là “người bảo vệ Vương Quốc”. Trong tỉnh của mình, tỉnh trưởng được coi là vua chư hầu có quyền hành hầu như tối cao.
3, 4. Tại sao Đa-ri-út ưu đãi Đa-ni-ên, và vua bổ nhiệm ông vào chức vụ nào?
3 Trong sự sắp đặt mới này, Đa-ni-ên thích hợp vào chức vị nào đây? Có thể nào Đa-ri-út người Mê-đi cho nhà tiên tri lão thành người Do Thái lúc này đã trên 90 tuổi về hưu không? Không thể nào! Hiển nhiên Đa-ri-út ý thức rằng Đa-ni-ên đã tiên tri một cách chính xác về sự sụp đổ của Ba-by-lôn và tiên tri như vậy đòi hỏi sự thông sáng siêu phàm. Hơn nữa, Đa-ni-ên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giao dịch với các nhóm phu tù ở Ba-by-lôn. Đa-ri-út có chủ ý giữ mối giao hảo hòa bình với những thần dân mà ông vừa mới chinh phục được. Do đó, chắc chắn ông muốn một người khôn ngoan và kinh nghiệm như Đa-ni-ên làm cố vấn cho vua. Với quyền hành rộng rãi nào?
4 Nếu Đa-ri-út bổ nhiệm Đa-ni-ên, một phu tù người Do Thái, làm tỉnh trưởng thì có lẽ cũng đủ làm cho người ta ngạc nhiên rồi. Nhưng hãy tưởng tượng sự rúng động xảy ra khi Đa-ri-út công bố quyết định của ông bổ nhiệm Đa-ni-ên làm một trong ba viên chức cao cấp cai quản các tỉnh trưởng! Không những vậy, Đa-ni-ên “lại trổi hơn”, vượt hẳn hai viên chức cao cấp kia. Thực ra, người ta thấy nơi ông “có linh-tánh tốt-lành”. Thậm chí Đa-ri-út còn định đưa ông lên chức thủ tướng nữa.—Đa-ni-ên 6:2, 3.
5. Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đã phản ứng thế nào trước sự bổ nhiệm Đa-ni-ên, và tại sao?
5 Hai viên chức cao cấp kia và các tỉnh trưởng chắc giận dữ sôi lên được. Họ không chịu nổi ý tưởng để cho Đa-ni-ên—một người không phải là người Mê-đi, cũng không phải là người Phe-rơ-sơ, cũng không thuộc hoàng gia—lên địa vị có quyền hành trên họ! Làm sao Đa-ri-út lại có thể nâng một người ngoại bang lên địa vị cao như vậy, qua mặt các người đồng hương, thậm chí cả những người trong chính gia đình của vua nữa? Một hành động như thế xem ra quả bất công. Ngoài ra, các tỉnh trưởng rõ ràng coi sự thanh liêm của Đa-ni-ên như một chướng ngại vật cho tệ trạng đút lót tham nhũng của họ. Song, các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng không dám tâu vấn đề lên Đa-ri-út. Nói cho cùng, Đa-ri-út rất kính trọng Đa-ni-ên.
6. Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đã cố gắng như thế nào để làm Đa-ni-ên mất uy tín, và tại sao cố gắng này không đi đến đâu?
6 Vậy các nhà chính trị ghen tương này lập mưu với nhau. Họ cố “tìm cớ kiện Đa-ni-ên về việc nước”. Có thể tìm được điều gì sai quấy trong cách ông thi hành trách nhiệm không? Ông có bất lương không? Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng không thể kiếm được sự cẩu thả hoặc thối nát nào trong cách thức Đa-ni-ên thi hành nhiệm vụ. Họ lý luận: “Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Đa-ni-ên nầy, nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật-pháp Đức Chúa Trời nó”. Vậy nên những người gian tà này nảy sinh một mưu đồ. Họ nghĩ có thể kết liễu Đa-ni-ên một lần cho tiện bề.—Đa-ni-ên 6:4, 5.
TIẾN HÀNH ĐỘC KẾ SÁT NHÂN
7. Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đề nghị gì với nhà vua, và cách họ làm như thế nào?
7 Một đoàn quần thần gồm những viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng, như một “đám đông, NW” vào chầu Đa-ri-út. Câu này theo tiếng A-ram có nghĩa là một sự chấn động như sấm sét. Hiển nhiên, những người này làm ra vẻ họ có một vấn đề thượng khẩn cần trình lên Đa-ri-út. Họ có thể đã lý luận là vua sẽ không thắc mắc gì về đề nghị của họ nếu họ trình bày với sự quả quyết và cho thấy đây là một việc cần phải hành động tức thời. Do đó, họ đi thẳng vào vấn đề, tâu rằng: “Hết thảy các quan thượng-thơ trong nước, các quan lãnh-binh, các quan trấn-thủ, các nghị-viên và các đại-thần đều đồng tình xin vua ra chỉ-dụ, lập một cấm-lệnh nghiêm-nhặt trong ba mươi ngày, hễ ai cầu-xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư-tử”.a—Đa-ni-ên 6:6, 7.
8. (a) Tại sao Đa-ri-út thấy dự luật hấp dẫn? (b) Động lực thật sự của các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng là gì?
8 Lịch sử xác nhận là việc các vua Mê-sô-bô-ta-mi được coi và được thờ như một thần là điều phổ thông. Vì vậy Đa-ri-út hẳn khoái chí với đề nghị này. Ông có thể cũng thấy lợi ích khác của luật mà họ đề nghị. Chúng ta hãy nhớ là đối với những người sống ở Ba-by-lôn thì Đa-ri-út là một người ngoại bang và là một người mới đến. Luật mới này sẽ có tác dụng củng cố ngôi vua của ông, và nó sẽ khuyến khích dân cư sống ở Ba-by-lôn công khai xác nhận sự trung thành và ủng hộ của họ đối với tân chế độ. Tuy vậy, khi đề nghị điều luật, các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng không hề quan tâm đến sự an toàn của nhà vua. Động lực thật sự của họ là nhằm đưa Đa-ni-ên vào bẫy vì họ biết ông có thói quen đứng trước cửa sổ mở, trong phòng trên mái nhà của ông để cầu nguyện với Đức Chúa Trời ba lần mỗi ngày.
9. Tại sao luật mới không gây khó khăn gì cho đa số dân chúng không phải là người Do Thái?
9 Phải chăng sự hạn chế trong việc cầu nguyện này tạo ra vấn đề khó khăn cho tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Ba-by-lôn? Không nhất thiết, đặc biệt là vì sự cấm ngặt này chỉ kéo dài một tháng. Hơn nữa, đa số những người không phải là người Do Thái sẽ không coi việc chuyển hướng sự thờ phượng của họ về phía một người nào đó trong một thời gian là một sự nhượng bộ. Một học giả Kinh Thánh ghi nhận: “Đối với các dân thờ hình tượng nhiều nhất thì việc đòi hỏi thờ Vua không phải là một yêu sách lạ thường; do đó, khi được yêu cầu dành cho vị vua chiến thắng—Đa-ri-út người Mê-đi—sự sùng kính cho một vị thần thì người Ba-by-lôn chấp hành ngay. Chỉ có người Do Thái mới cảm thấy phẫn nộ với yêu sách đó mà thôi”.
10. Người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ coi luật do vua ban hành như thế nào?
10 Dù sao chăng nữa, những người đến chầu Đa-ri-út thỉnh cầu ông “lập điều cấm đó và ký tên vào, hầu cho không đổi-thay đi, theo như luật-pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được”. (Đa-ni-ên 6:8) Ở Đông Phương cổ xưa, ý vua thường được coi là tuyệt đối. Điều này củng cố ý niệm là vua không thể sai lầm được. Thậm chí một luật dù gây cho người vô tội chết cũng vẫn có hiệu lực như thường!
11. Chiếu chỉ của vua ảnh hưởng đến Đa-ni-ên như thế nào?
11 Không hề nghĩ tới Đa-ni-ên, Đa-ri-út ký vào bản luật. (Đa-ni-ên 6:9) Khi làm thế, ông không hề hay biết là đã ký trát tử hình một viên chức quý giá nhất của ông. Vâng, Đa-ni-ên chắc chắn bị chiếu chỉ này ảnh hưởng đến.
ĐA-RI-ÚT BUỘC PHẢI THI HÀNH ÁN PHẠT NGOÀI Ý MUỐN
12. (a) Ngay sau khi biết về luật mới, Đa-ni-ên làm gì? (b) Ai dòm ngó Đa-ni-ên, và tại sao?
12 Chẳng mấy chốc Đa-ni-ên hay được luật hạn chế cầu nguyện đó. Ngay lập tức, ông vào nhà và lên phòng cao trên mái nhà có cửa sổ mở hướng về Giê-ru-sa-lem.b Tại đó, Đa-ni-ên bắt đầu cầu nguyện với Đức Chúa Trời “như vẫn làm khi trước”. Có thể Đa-ni-ên nghĩ chỉ có một mình ông, nhưng những kẻ lập mưu đang dòm ngó ông. Bỗng chốc, họ “nhóm lại”, hiển nhiên trong bầu không khí hào hứng y như lúc họ đến chầu Đa-ri-út vậy. Giờ đây chính mắt họ thấy—Đa-ni-ên đang “cầu-nguyện nài-xin trước mặt Đức Chúa Trời mình”. (Đa-ni-ên 6:10, 11) Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng có mọi bằng chứng cần thiết để buộc tội Đa-ni-ên trước mặt vua.
13. Kẻ thù của Đa-ni-ên báo cáo gì với vua?
13 Những kẻ thù của Đa-ni-ên hỏi Đa-ri-út cách quỷ quyệt: “Hỡi vua, vua chẳng từng ký tên vào một cấm-lệnh rằng trong ba mươi ngày, hễ ai cầu-xin thần nào hay người nào ngoài vua, thì sẽ phải quăng vào hang sư-tử đó chăng?” Đa-ri-út trả lời: “Sự đó là thật, theo như luật-pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được”. Bây giờ những kẻ chủ mưu mau lẹ đi thẳng vào vấn đề: “Đa-ni-ên, là một trong những con-cái phu-tù Giu-đa, không có lòng kiêng-nể vua chút nào, hỡi vua, dầu đến cấm-lệnh vua đã ký tên cũng vậy; song nó cứ một ngày cầu-nguyện ba lần”.—Đa-ni-ên 6:12, 13.
14. Tại sao các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng nhấn mạnh Đa-ni-ên là “một trong những con-cái phu-tù Giu-đa”?
14 Điều đáng chú ý là các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng gọi Đa-ni-ên là “một trong những con-cái phu-tù Giu-đa”. Hiển nhiên, họ muốn nhấn mạnh rằng chính Đa-ni-ên này, người mà Đa-ri-út nâng lên chức cao đó, trong thực tế chỉ là một tên phu tù người Do Thái không hơn không kém. Họ cho rằng với giai cấp như vậy, Đa-ni-ên chắc chắn không thể nào ở bên trên luật pháp được—bất kể vua nghĩ thế nào về ông đi nữa!
15. (a) Đa-ri-út phản ứng thế nào trước tin tức mà các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng trình cho ông? (b) Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng còn cho thấy họ khinh miệt Đa-ni-ên như thế nào?
15 Có lẽ các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng kỳ vọng là vua sẽ ban thưởng họ về công việc điều tra tinh vi này. Nếu quả thế thì chẳng bao lâu họ sẽ ngạc nhiên. Khi nhận được tin, Đa-ri-út buồn bã bứt rứt. Thay vì nổi giận với Đa-ni-ên hoặc giam ông vào hang sư tử ngay lập tức, Đa-ri-út suốt ngày cố gắng tìm cách cứu Đa-ni-ên. Nhưng các cố gắng của ông đều vô hiệu. Không chậm trễ, những kẻ chủ mưu trở lại, và với thái độ trơ trẽn, họ đòi máu của Đa-ni-ên.—Đa-ni-ên 6:14, 15.
16. (a) Tại sao Đa-ri-út kính trọng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên? (b) Đa-ri-út có hy vọng gì về Đa-ni-ên?
16 Đa-ri-út thấy không còn sự lựa chọn nào khác trong vấn đề này. Luật không thể hủy được, và “tội-lỗi” của Đa-ni-ên cũng không thể tha được. Đa-ri-út chỉ còn có thể nói với Đa-ni-ên là “Đức Chúa Trời ngươi là Đấng ngươi hằng hầu-việc, sẽ giải-cứu ngươi”. Đa-ri-út xem ra kính trọng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên. Chính Đức Giê-hô-va là Đấng đã cho Đa-ni-ên khả năng nói tiên tri về sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời đã ban cho Đa-ni-ên “linh-tánh tốt-lành”, nhờ đó ông khác biệt hẳn với hai viên chức cao cấp kia. Có lẽ Đa-ri-út biết rằng nhiều thập kỷ trước đây, cũng Đức Chúa Trời này đã giải cứu ba người trai trẻ Hê-bơ-rơ khỏi lò lửa nóng hực. Hình như vua hy vọng rằng bây giờ Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu Đa-ni-ên, vì Đa-ri-út không thể thay đổi được luật mà ông đã ký. Do đó, Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử.c Sau đó “người ta bèn đem đến một hòn đá chận nơi cửa hang, và vua đóng ấn mình cùng ấn các đại-thần nữa, hầu cho không có điều gì thay-đổi được về Đa-ni-ên”.—Đa-ni-ên 6:16, 17.
BIẾN CỐ DỒN DẬP
17, 18. (a) Điều gì cho thấy Đa-ri-út buồn bã về tình trạng của Đa-ni-ên? (b) Điều gì xảy ra khi vua trở lại hang sư tử vào sáng hôm sau?
17 Đa-ri-út buồn bã trở về cung. Không nhạc công nào được đem đến vì ông không còn ham vui được nữa. Thay vì thế, Đa-ri-út thức suốt đêm và kiêng ăn. “Vua không ngủ được”. Vừa tảng sáng, Đa-ri-út chạy lại hang sư tử. Ông kêu lên với giọng rầu rĩ: “Hỡi Đa-ni-ên, tôi-tớ Đức Chúa Trời hằng sống! Đức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu-việc, có thể giải-cứu ngươi khỏi sư-tử được chăng?” (Đa-ni-ên 6:18-20) Ông kinh ngạc—và thở phào nhẹ nhõm—có tiếng trả lời!
18 “Hỡi vua, chúc vua sống đời đời!” Với lời chào kính trọng này, Đa-ni-ên cho thấy là ông không hề nuôi lòng oán hận đối với nhà vua. Ông ý thức Đa-ri-út không phải nguồn gốc thật sự của sự bắt bớ này, nhưng chính là các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đầy lòng ghen ghét. (So sánh Ma-thi-ơ 5:44; Công-vụ các Sứ-đồ 7:60). Đa-ni-ên nói tiếp: “Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên-sứ Ngài, và bịt miệng các sư-tử, nên chúng nó không làm hại chi đến tôi, bởi tôi đã được nhận là vô-tội trước mặt Ngài. Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì”.—Đa-ni-ên 6:21, 22.
19. Đa-ri-út đã bị các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đánh lừa và lèo lái như thế nào?
19 Những lời này hẳn đã làm cho Đa-ri-út nhói tim! Ông biết rõ Đa-ni-ên không hề làm bất cứ điều gì để đáng bị quăng vào hang sư tử. Đa-ri-út thừa biết là các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đã âm mưu sát hại Đa-ni-ên và chính họ đã lèo lái vua để thực hiện mục tiêu ích kỷ của họ. Khi nhất nhất cho rằng “hết thảy các quan thượng-thơ trong nước” đã thỉnh cầu thông qua điều luật, họ hàm ý Đa-ni-ên cũng đã được tham khảo về vấn đề này. Đa-ri-út sẽ xử những người ác độc này sau. Tuy nhiên, trước hết ông ra lệnh đem Đa-ni-ên ra khỏi hang sư tử. Mầu nhiệm thay, Đa-ni-ên không bị một vết cào nào!—Đa-ni-ên 6:23.
20. Điều gì đã xảy ra cho các kẻ thù gian manh của Đa-ni-ên?
20 Vì Đa-ni-ên đã được an toàn, Đa-ri-út phải làm những việc cấp thời khác. “Theo lệnh vua, những kẻ đã kiện Đa-ni-ên ấy cùng con-cái và vợ họ đều bị điệu đến quăng vào hang sư-tử. Khi họ chưa đến dưới đáy hang, thì những sư-tử đã vồ lấy và xé xương hết thảy”.d—Đa-ni-ên 6:24.
21. Trong việc xử sự với các phần tử trong gia đình của tội nhân, có sự khác biệt nào giữa Luật Pháp Môi-se và luật của một số nền văn hóa cổ xưa?
21 Xử tử không những kẻ chủ mưu mà còn cả vợ và con của họ nữa có vẻ khắc nghiệt phi lý. Trái lại, Luật Pháp của Đức Chúa Trời ban qua tiên tri Môi-se có nói: “Chớ vì con mà giết cha, cũng đừng vì cha mà giết con. Phàm người nào phạm tội, thì phải giết người nấy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:16) Dù sao, trong một số nền văn hóa cổ xưa, việc các phần tử trong gia đình bị hành quyết cùng với tội nhân trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng cũng là thường. Có lẽ việc xử như vậy là để các phần tử trong gia đình không còn có thể tìm cách trả thù sau này. Tuy nhiên, việc trừng phạt gia đình của các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng hiển nhiên không phải là do Đa-ni-ên gây nên. Có lẽ Đa-ni-ên cũng buồn về tai họa mà các người gian ác này đã đem lại cho gia đình của họ.
22. Đa-ri-út ban hành bản tuyên ngôn mới nào?
22 Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng đầy mưu ác không còn nữa. Đa-ri-út ban hành một bản tuyên ngôn như sau: “Ta ban chiếu-chỉ rằng, trong khắp miền nước ta, người ta phải run-rẩy kính-sợ trước mặt Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên; vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời. Nước Ngài không bao giờ bị hủy-diệt, và quyền Ngài sẽ còn đến cuối-cùng. Ngài cứu-rỗi và giải-thoát, làm những dấu lạ sự lạ ở trên trời dưới đất, đã cứu Đa-ni-ên khỏi quyền-thế sư-tử”.—Đa-ni-ên 6:25-27.
HẰNG PHỤNG SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI
23. Đa-ni-ên nêu gương tốt nào liên quan đến việc làm ngoài đời, và chúng ta có thể bắt chước ông như thế nào?
23 Đa-ni-ên đã nêu gương tốt cho tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời thời nay. Hạnh kiểm của ông luôn luôn không có chỗ trách được. Trong việc làm ngoài đời, Đa-ni-ên “trung-thành, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu”. (Đa-ni-ên 6:4) Tương tự như vậy, một tín đồ Đấng Christ nên siêng năng làm việc. Điều này không có nghĩa là phải làm ăn cạnh tranh bất chính, háo hức chạy theo giàu sang vật chất hoặc đè đầu người khác để leo lên chức cao trong hãng xưởng. (1 Ti-mô-thê 6:10) Kinh Thánh đòi hỏi một tín đồ Đấng Christ phải chu toàn nghĩa vụ đối với công việc ngoài đời một cách lương thiện và hết lòng với công việc “như là làm cho Đức Giê-hô-va” vậy.—Cô-lô-se 3:22, 23, NW; Tít 2:7, 8; Hê-bơ-rơ 13:18.
24. Đa-ni-ên chứng tỏ ông không nhượng bộ trong vấn đề thờ phượng như thế nào?
24 Đa-ni-ên không nhượng bộ trong sự thờ phượng của ông. Thói quen cầu nguyện của ông được công chúng biết. Hơn nữa, các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng thừa biết là Đa-ni-ên coi trọng sự thờ phượng của ông. Thực ra, họ biết chắc là dẫu có luật cấm thì ông vẫn giữ lề lối này như thường. Thật là một gương tốt cho các tín đồ Đấng Christ thời nay! Họ cũng có tiếng tốt về việc đặt sự thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu. (Ma-thi-ơ 6:33) Họ phải để cho những người khác dễ dàng thấy được điều này, vì Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đồ ngài: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời”.—Ma-thi-ơ 5:16.
25, 26. (a) Một vài người có thể kết luận gì về đường lối hành động của Đa-ni-ên? (b) Tại sao Đa-ni-ên coi việc thay đổi lề lối hàng ngày của ông tương tự như việc nhượng bộ?
25 Một vài người cho là Đa-ni-ên có thể đã tránh được sự bắt bớ bằng cách bí mật cầu nguyện với Đức Giê-hô-va trong thời gian 30 ngày đó. Nói cho cùng, đâu có cần dáng điệu hoặc nơi đặc biệt nào để được Đức Chúa Trời nghe. Ngài có thể nhận ra được cả sự suy ngẫm trong lòng. (Thi-thiên 19:14) Mặc dù như thế, Đa-ni-ên coi bất cứ sự thay đổi nào trong lề lối hàng ngày của ông là tương đương với sự nhượng bộ. Tại sao vậy?
26 Vì ai cũng biết Đa-ni-ên có thói quen cầu nguyện, vậy họ sẽ nói sao nếu ông bỗng dưng ngưng làm thế? Những người quan sát chắc chắn sẽ kết luận là Đa-ni-ên sợ loài người và luật của vua đã thay thế được luật của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 118:6) Nhưng bằng hành động, Đa-ni-ên đã cho thấy Đức Giê-hô-va phải được thờ phượng chuyên độc. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:14, 15; Ê-sai 42:8) Dĩ nhiên, khi làm như vậy, Đa-ni-ên không hề bất kính nhục mạ luật của vua. Nhưng ông cũng không nhát đảm để nhượng bộ. Đa-ni-ên cứ tiếp tục cầu nguyện trong căn phòng của ông trên mái nhà “như vẫn làm” trước khi vua ra chiếu chỉ.
27. Tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay có thể bắt chước Đa-ni-ên như thế nào trong việc (a) tùng phục chính quyền? (b) vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta? (c) cố sống hòa bình với mọi người?
27 Tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay có thể học theo gương của Đa-ni-ên. Họ vẫn “vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình”, tuân theo luật lệ của các quốc gia nơi họ sống. (Rô-ma 13:1) Tuy nhiên, khi luật pháp của loài người xung đột với luật pháp của Đức Chúa Trời, dân của Đức Giê-hô-va sẽ có cùng lập trường của các sứ đồ của Chúa Giê-su từng can đảm tuyên bố: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29) Làm như vậy, các tín đồ Đấng Christ không hề cổ võ sự chống đối hay nổi loạn. Đúng hơn, mục tiêu của họ chỉ là sống hòa bình với mọi người để “lấy điều nhân-đức và thành-thật mà ở đời cho bình-tịnh yên-ổn”.—1 Ti-mô-thê 2:1, 2; Rô-ma 12:18.
28. Đa-ni-ên “hằng” phụng sự Đức Giê-hô-va như thế nào?
28 Hai lần Đa-ri-út bình luận là Đa-ni-ên “hằng” phụng sự Đức Chúa Trời. (Đa-ni-ên 6:16, 20) Chữ gốc trong tiếng A-ram được dịch ra là “hằng” có nghĩa là “đi theo một vòng tròn”. Chữ này ngụ ý một vòng liên tục, hoặc một cái gì tiếp tục bất tận. Sự trung thành của Đa-ni-ên giống như vậy. Nó đi theo một khuôn khổ không thay đổi. Người ta không cần phải thắc mắc là Đa-ni-ên sẽ hành động ra sao khi đối diện với thử thách, dù lớn hoặc nhỏ. Ông sẽ tiếp tục lối sống mà ông đã thiết lập nhiều thập niên trước đó—lối sống trung thành và trọn vẹn với Đức Giê-hô-va.
29. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay có thể rút ra lợi ích gì từ lối sống trung thành của Đa-ni-ên?
29 Các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời muốn theo lối sống của Đa-ni-ên. Thật vậy, sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ xem xét gương của những người kính sợ Đức Chúa Trời thuở xưa. Qua đức tin, họ “làm sự công-bình, được những lời hứa” và—rõ ràng ám chỉ Đa-ni-ên—“bịt mồm sư-tử”. Ngày nay, là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy biểu lộ đức tin và sự bền bỉ giống như Đa-ni-ên và “lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”.—Hê-bơ-rơ 11:32, 33; 12:1.
[Chú thích]
a Các bản khắc cổ xưa xác định là có “hang sư-tử” ở Ba-by-lôn. Các bản ấy cho thấy các vua chúa Đông Phương thường nuôi đủ loại dã thú.
b Phòng cao trên mái nhà phẳng là một phòng riêng mà một người có thể dùng để nghỉ ngơi không muốn ai quấy rầy.
c Hang sư tử có lẽ là một cái hố rộng dưới mặt đất, bên trên có một cái miệng. Hình như hang cũng có cửa hoặc song cửa có thể kéo lên hầu có lối vào cho thú vật.
d Chữ “kiện” dịch từ tiếng A-ram, cũng có thể dịch là “vu khống”. Điều này làm nổi bật ý đồ hiểm độc của những kẻ thù của Đa-ni-ên.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Tại sao Đa-ri-út người Mê-đi quyết bổ nhiệm Đa-ni-ên vào chức vụ cao cấp?
• Các viên chức cao cấp và các tỉnh trưởng nghĩ ra âm mưu ác độc nào? Đức Giê-hô-va đã giải cứu Đa-ni-ên như thế nào?
• Bạn học được gì khi chú ý đến gương trung thành của Đa-ni-ên?
[Trang hình ảnh nơi trang 114]
[Trang hình ảnh nơi trang 121]
[Hình nơi trang 127]
Đa-ni-ên “hằng” phụng sự Đức Giê-hô-va. Bạn có như vậy không?