Chương Một
Sách Đa-ni-ên và bạn
1, 2. (a) Một vài tình trạng khác thường nào được trình bày trong sách Đa-ni-ên? (b) Trong thời chúng ta, những câu hỏi nào về sách Đa-ni-ên được nêu lên?
MỘT vua quyền thế đe dọa xử tử các nhà thông thái trong triều đình vì họ không thể tiết lộ và giải nghĩa giấc mơ của ông, một giấc mơ làm ông bối rối. Ba người thanh niên trẻ bị quăng vào lò lửa hực nhưng vẫn sống sót, vì từ chối thờ lạy một pho tượng cao như cây tháp. Giữa bữa tiệc liên hoan, hàng trăm người nhìn thấy một bàn tay viết những chữ huyền bí trên một bức tường của lâu đài. Những kẻ ác độc âm mưu xô một người cao niên vào hang sư tử, nhưng ông ra khỏi hang không một vết cào. Một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời thấy bốn con thú trong một sự hiện thấy, và ý nghĩa của chúng kéo dài nhiều ngàn năm trong tương lai.
2 Đây mới chỉ là một vài sự tường thuật trong sách Đa-ni-ên của Kinh Thánh. Chúng có đáng để chúng ta nghiêm chỉnh xem xét không? Quyển sách cổ xưa này có liên hệ gì đến thời kỳ chúng ta ngày nay? Tại sao chúng ta lại nên quan tâm đến những biến cố đã xảy ra cách đây khoảng 2.600 năm?
ĐA-NI-ÊN—MỘT CUỐN SÁCH CỔ CHO THỜI HIỆN ĐẠI
3, 4. Tại sao nhiều người có lý do chính đáng để quan tâm về tương lai của nhân loại?
3 Phần lớn sách Đa-ni-ên xoay quanh chủ đề quyền cai trị thế giới, một đề tài sôi nổi ngày nay. Đa số người ta đều đồng ý là chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn. Mỗi ngày, các tin tức liên hồi nhắc nhở chúng ta về sự kiện bi quan là xã hội loài người đang chìm sâu vào những vấn đề phức tạp không ngõ thoát—bất kể những thành quả đáng khâm phục đạt được trong lãnh vực khoa học kỹ thuật.
4 Hãy thử nghĩ: Con người đã đi bộ trên mặt trăng, nhưng không thể đi bộ trên đường phố tại nhiều nơi ở hành tinh của chính mình mà không sợ hãi. Họ có thể trang bị căn nhà với đủ tiện nghi tối tân, nhưng lại không thể ngăn nổi làn sóng gia đình đổ vỡ. Họ có thể phát huy thời đại thông tin nhưng lại không thể dạy người ta chung sống hòa bình. Ông Hugh Thomas, một giáo sư lịch sử, có lần viết: “Sự mở mang kiến thức và giáo dục chẳng dạy loài người được bao nhiêu về tự chủ, chưa nói gì đến nghệ thuật sống hòa thuận với người khác”.
5. Kết quả của việc con người cai trị nói chung là gì?
5 Trong nỗ lực thiết lập trật tự xã hội, con người đã tự tổ chức đủ loại chính quyền. Dù vậy, không một chính quyền nào tránh khỏi sự thật mà Vua Sa-lô-môn nhận xét: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (Truyền-đạo 4:1; 8:9) Dĩ nhiên, có một số nhà cai trị theo đuổi lý tưởng cao cả. Tuy nhiên, không một vua, tổng thống, hoặc nhà độc tài nào có thể loại trừ được bệnh tật và sự chết. Không người nào có thể tái lập trái đất thành Địa Đàng theo như ý định của Đức Chúa Trời.
6. Tại sao Đức Giê-hô-va không cần sự hợp tác của các nhà cai trị loài người để hoàn thành ý muốn của Ngài?
6 Song, Đấng Tạo Hóa muốn và làm được những điều đó. Ngài không cần các chính phủ loài người cho phép Ngài hoàn thành ý định của Ngài, bởi vì với Ngài, “các dân-tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân”. (Ê-sai 40:15) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị hoàn vũ. Với tư cách này, Ngài có thẩm quyền cao gấp bội các chính quyền loài người. Chính Nước của Đức Chúa Trời sẽ thay thế toàn thể sự cai trị của loài người để đem lại ân phước đời đời cho nhân loại. Không có chỗ nào làm sáng tỏ điều này hơn là trong sách Đa-ni-ên của Kinh Thánh.
ĐA-NI-ÊN—NGƯỜI ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU DẤU
7. Đa-ni-ên là ai và Đức Giê-hô-va xem ông như thế nào?
7 Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất yêu mến Đa-ni-ên là người đã nhiều năm phụng sự với tư cách là nhà tiên tri của Ngài. Thật vậy, thiên sứ của Đức Chúa Trời đã tả Đa-ni-ên là người “được yêu-quí lắm”. (Đa-ni-ên 9:23) Từ nguyên thủy tiếng Hê-bơ-rơ được dịch ra là người “được yêu-quí lắm” cũng có nghĩa là người “được yêu nhiều”, “được coi trọng”, và thậm chí “một người được ưa nhất”. Đa-ni-ên thật quí giá trước mắt Đức Chúa Trời.
8. Làm sao Đa-ni-ên lại ở trong xứ Ba-by-lôn?
8 Chúng ta hãy xem xét vắn tắt những hoàn cảnh rất ư đặc biệt của nhà tiên tri được yêu quí này. Vào năm 618 TCN, Vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa bao vây thành Giê-ru-sa-lem. (Đa-ni-ên 1:1) Sau đó một thời gian ngắn, một số trí thức trẻ Do Thái bị cưỡng bức sang Ba-by-lôn làm phu tù. Đa-ni-ên nằm trong số những người này. Vào lúc đó, có lẽ ông đang tuổi thiếu niên.
9. Đa-ni-ên và các bạn đồng hành của ông nhận được sự huấn luyện nào?
9 Đa-ni-ên và các bạn đồng hành Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria nằm trong đám người Hê-bơ-rơ được tuyển chọn để huấn luyện trong ba năm về “học-thức và tiếng của người Canh-đê”. (Đa-ni-ên 1:3, 4) Một số học giả cho rằng đây hẳn không phải chỉ là một khóa học về ngôn ngữ. Chẳng hạn, giáo sư C. F. Keil phát biểu: “Đa-ni-ên và đồng bạn của ông được các nhà thông thái và thầy tế lễ Canh-đê dạy cho sự khôn ngoan vốn được dạy trong các trường học của Ba-by-lôn”. Vậy Đa-ni-ên và các đồng bạn của ông được đặc biệt huấn luyện để phục vụ trong chính quyền.
10, 11. Đa-ni-ên và các đồng bạn phải đương đầu với những thử thách nào, và Đức Giê-hô-va giúp họ như thế nào?
10 Đây quả là một sự đảo ngược về hoàn cảnh đối với Đa-ni-ên và các đồng bạn! Khi còn ở xứ Giu-đa, họ sống giữa những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Giờ đây, chung quanh họ là một dân tộc thờ những thần và nữ thần huyền hoặc. Dù vậy, các người trẻ Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria không hề sợ hãi. Họ cương quyết đứng vững với sự thờ phượng thật, bất kể hoàn cảnh gây thử thách cho đức tin của họ.
11 Điều này không dễ dàng gì. Vua Nê-bu-cát-nết-sa là một người sùng kính thần Marduk, thần chính của xứ Ba-by-lôn. Thỉnh thoảng vua đưa ra yêu sách hoàn toàn không chấp nhận được đối với một người thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Thí dụ, xin xem Đa-ni-ên 3:1-7). Tuy nhiên, Đa-ni-ên và các đồng bạn được Đức Giê-hô-va hướng dẫn rõ ràng. Trong ba năm huấn luyện, họ được Đức Giê-hô-va ban phước với “sự thông-biết tỏ-sáng trong mọi thứ học-thức và sự khôn-ngoan”. Ngoài ra, Đa-ni-ên còn được ban cho khả năng hiểu ý nghĩa sự hiện thấy và giấc mơ. Sau này, khi sát hạch bốn người trai trẻ này, nhà vua thấy họ “giỏi hơn gấp mười những đồng-bóng và thuật-sĩ trong cả nước mình”.—Đa-ni-ên 1:17, 20.
CÔNG BỐ THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
12. Đa-ni-ên được giao phó công việc đặc biệt nào?
12 Qua nhiều năm sống ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên phụng sự với tư cách là sứ giả của Đức Chúa Trời cho những vua như Nê-bu-cát-nết-sa và Bên-xát-sa. Đa-ni-ên được giao phó một công việc tối quan trọng. Đức Giê-hô-va đã cho phép Nê-bu-cát-nết-sa hủy diệt Giê-ru-sa-lem; dùng ông như là công cụ của Ngài vậy. Cuối cùng, Ba-by-lôn cũng bị hủy diệt. Thật vậy, sách Đa-ni-ên tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao và là Đấng Cai Trị trong “nước của loài người”.—Đa-ni-ên 4:17.
13, 14. Điều gì xảy ra cho Đa-ni-ên sau khi Ba-by-lôn sụp đổ?
13 Đa-ni-ên tiếp tục phục vụ trong triều đình khoảng bảy thập niên, cho đến khi Ba-by-lôn sụp đổ. Ông được sống để nhìn thấy nhiều người Do Thái hồi hương vào năm 537 TCN, mặc dù Kinh Thánh không nói ông cùng về với họ. Ông hoạt động rất tích cực ít nhất cho tới năm thứ ba triều Vua Si-ru, người thành lập Đế Quốc Phe-rơ-sơ. Vào lúc ấy, Đa-ni-ên phải gần 100 tuổi!
14 Sau khi Ba-by-lôn sụp đổ, Đa-ni-ên viết xuống các biến cố quan trọng nhất trong đời ông. Tài liệu ông viết nay là một phần đáng kể trong Kinh Thánh và được gọi là sách Đa-ni-ên. Nhưng tại sao chúng ta nên chú ý đến quyển sách cổ xưa này?
HAI LỐI VIẾT, MỘT THÔNG ĐIỆP
15. (a) Trong sách Đa-ni-ên, có hai lối viết nào? (b) Phần tường thuật trong sách Đa-ni-ên đem lại cho chúng ta lợi ích như thế nào?
15 Quyển sách độc đáo của Đa-ni-ên chứa đựng hai lối viết rất khác nhau—một là tường thuật, và lối kia là tiên tri. Cả hai nét đặc biệt này của sách Đa-ni-ên đều có thể xây dựng đức tin của chúng ta. Bằng cách nào? Phần tường thuật—nằm trong phần sống động nhất của Kinh Thánh—cho chúng ta thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước và chăm sóc những người giữ lòng trung kiên với Ngài. Đa-ni-ên và ba bạn đồng hành tiếp tục đứng vững trước các thử thách đe dọa đến tính mạng. Ngày nay, tất cả những ai muốn giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va đều sẽ được vững mạnh khi xem xét kỹ gương của họ.
16. Chúng ta học được bài học nào từ phần tiên tri của sách Đa-ni-ên?
16 Phần tiên tri của Đa-ni-ên xây dựng đức tin vì phần này cho thấy Đức Giê-hô-va biết trước dòng lịch sử qua nhiều thế kỷ—ngay cả nhiều thiên kỷ. Chẳng hạn, Đa-ni-ên cung cấp chi tiết về sự thăng trầm của các cường quốc thế giới từ thời Ba-by-lôn cổ xưa tới tận “kỳ cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 12:4) Đa-ni-ên hướng sự chú ý của chúng ta đến Nước Đức Chúa Trời trong tay Vua và “các thánh” phụ tá do Ngài bổ nhiệm, và cho thấy nước ấy sẽ tồn tại đời đời. Chính phủ này sẽ thực hiện trọn vẹn ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất và kết quả là những ai muốn phụng sự Đức Chúa Trời sẽ được phước.—Đa-ni-ên 2:44; 7:13, 14, 22.
17, 18. (a) Khi xem xét cẩn thận sách Đa-ni-ên, đức tin của chúng ta được vững mạnh như thế nào? (b) Vấn đề nào cần được xem xét trước khi nghiên cứu sách tiên tri này của Kinh Thánh?
17 Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài không giữ sự hiểu biết về các biến cố xảy ra trong tương lai cho riêng Ngài. Thay vì thế, Ngài là Đấng “tỏ ra những điều kín-nhiệm”. (Đa-ni-ên 2:28) Khi xem xét sự ứng nghiệm những lời tiên tri ghi trong sách Đa-ni-ên, đức tin của chúng ta nơi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được vững mạnh. Chúng ta sẽ cảm thấy chắc chắn hơn bao giờ hết là Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành ý định của Ngài vào đúng kỳ và theo đúng cách Ngài chọn.
18 Tất cả những ai học sách Đa-ni-ên của Kinh Thánh với lòng sẵn sàng đón nhận đều sẽ lớn mạnh trong đức tin. Nhưng trước khi khởi sự đào sâu sách Đa-ni-ên, chúng ta cần xem xét bằng chứng về sự xác thực của sách này. Một số nhà phê bình tấn công sách Đa-ni-ên, cho rằng các lời tiên tri trong sách được viết sau khi biến cố xảy ra rồi. Luận cứ của những người hoài nghi này có căn bản không? Chương kế tiếp sẽ thảo luận về vấn đề này.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Tại sao sách Đa-ni-ên là cuốn sách cho thời hiện đại?
• Làm thế nào Đa-ni-ên và các đồng bạn của ông lại phục vụ trong chính quyền Ba-by-lôn?
• Đa-ni-ên được giao phó công việc đặc biệt nào ở Ba-by-lôn?
• Tại sao chúng ta cần chú ý đến lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên?
[Trang hình ảnh nơi trang 4]
[Trang hình ảnh nơi trang 11]