BÀI HỌC 42
“Hạnh phúc cho ai trọn thành” với Đức Giê-hô-va
“Hạnh phúc cho ai trọn thành,… bước theo luật pháp Đức Giê-hô-va”.—THI 119:1, chú thích.
BÀI HÁT 124 Luôn trung thành
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Một số chính phủ đã chống đối dân Đức Chúa Trời như thế nào, nhưng dân ngài phản ứng ra sao? (b) Tại sao chúng ta có thể hạnh phúc ngay cả khi bị bắt bớ? (Cũng bình luận hình bìa).
Hiện nay, công việc của chúng ta bị hạn chế hoặc cấm đoán trong hơn 30 nước trên khắp thế giới. Tại vài nước trong số đó, các bậc cầm quyền đã bỏ tù anh em chúng ta. Các anh chị ấy đã làm gì sai? Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va thì họ không làm gì sai cả. Những gì họ làm là đọc và học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ niềm tin với người khác và tham dự các buổi nhóm họp với anh em đồng đạo. Họ cũng giữ trung lập trong các vấn đề chính trị. Dù bị chống đối dữ dội, những tôi tớ này của Đức Giê-hô-va vẫn giữ lòng trọn thành;b họ cho thấy mình có lòng sùng kính không lay chuyển dành cho ngài. Và họ hạnh phúc khi làm thế!
2 Hẳn anh chị đã thấy hình của một số Nhân Chứng can đảm đó và để ý đến khuôn mặt tươi cười của họ. Họ vui mừng khi biết Đức Giê-hô-va hài lòng về họ vì họ giữ lòng trọn thành với ngài (1 Sử 29:17a). Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc cho những người bị ngược đãi vì sự công chính... Hãy hân hoan và vui mừng hớn hở, vì anh em có phần thưởng rất lớn ở trên trời”.—Mat 5:10-12.
MỘT GƯƠNG MẪU CHO CHÚNG TA
3. Theo Công vụ 4:19, 20, các sứ đồ phản ứng thế nào khi bị bắt bớ, và tại sao họ phản ứng như vậy?
3 Anh em chúng ta đang trải qua điều mà các sứ đồ vào thế kỷ thứ nhất phải chịu đựng khi họ bị bắt bớ vì rao giảng về Chúa Giê-su. Nhiều lần, các quan tòa của Tòa Tối Cao Do Thái “cấm [họ] không được nói nhân danh Chúa Giê-su nữa” (Công 4:18; 5:27, 28, 40). Các sứ đồ phản ứng thế nào? (Đọc Công vụ 4:19, 20). Họ biết rằng một đấng cao hơn đã ‘truyền bảo họ rao giảng cho người ta và làm chứng cặn kẽ’ về Chúa Giê-su (Công 10:42). Vì thế, đại diện cho các sứ đồ, Phi-e-rơ và Giăng dạn dĩ nói rằng họ thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời các quan tòa ấy, và tuyên bố họ sẽ không ngưng nói về Chúa Giê-su. Như thể, họ hỏi các nhà cầm quyền đó: “Các ông dám cho rằng mệnh lệnh của mình có thẩm quyền hơn của Đức Chúa Trời sao?”.
4. Theo Công vụ 5:27-29, các sứ đồ đã nêu gương nào cho mọi tín đồ chân chính, và chúng ta có thể noi gương họ như thế nào?
4 Các sứ đồ nêu một gương tốt mà tất cả các tín đồ chân chính từ đó đến nay đã noi theo. Họ “vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người”. (Đọc Công vụ 5:27-29). Sau khi bị đánh đập vì giữ lòng trọn thành, các sứ đồ ra khỏi Tòa Tối Cao Do Thái “rất vui mừng bởi đã được xem là xứng đáng để chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giê-su”, và họ tiếp tục rao giảng!—Công 5:40-42.
5. Chúng ta cần trả lời những câu hỏi nào?
5 Gương mẫu của các sứ đồ dẫn đến một số câu hỏi. Chẳng hạn, việc họ vâng lời Đức Chúa Trời hơn là loài người phù hợp thế nào với mệnh lệnh của Kinh Thánh là “phục tùng các bậc cầm quyền”? (Rô 13:1). Làm thế nào chúng ta có thể “vâng lời chính phủ cùng các bậc cầm quyền” như Phao-lô nói, mà vẫn giữ lòng trọn thành với Đức Chúa Trời, Đấng Cai Trị tối cao của chúng ta?—Tít 3:1.
“CÁC BẬC CẦM QUYỀN”
6. (a) Ai là “các bậc cầm quyền” được nói đến nơi Rô-ma 13:1, và chúng ta có trách nhiệm nào đối với họ? (b) Quyền hành của tất cả các nhà cai trị có đặc điểm nào?
6 Đọc Rô-ma 13:1. Cụm từ “các bậc cầm quyền” trong câu này muốn nói đến các nhà cai trị con người có quyền trên người khác. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải phục tùng họ. Những nhà cai trị này gìn giữ trật tự công cộng, thực thi luật pháp, thậm chí có khi bênh vực dân của Đức Giê-hô-va (Khải 12:16). Vì thế, chúng ta được lệnh nộp thuế, đóng phí, sợ và kính trọng họ như họ đòi hỏi (Rô 13:7). Tuy nhiên, các chính phủ ấy chỉ có quyền vì Đức Giê-hô-va cho phép điều đó. Chúa Giê-su cho thấy rõ nguyên tắc này khi ngài bị quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát thẩm vấn. Khi Phi-lát nói đến quyền mà ông có để tha hoặc giết Chúa Giê-su, ngài nói với ông: “Nếu không được ban cho từ trời, ông chẳng có quyền gì trên tôi” (Giăng 19:11). Như trường hợp của Phi-lát, quyền hành của tất cả những nhà cai trị và chính khách ngày nay cũng có giới hạn.
7. Chúng ta không vâng phục các nhà cai trị loài người trong trường hợp nào, và họ nên nhớ điều gì?
7 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vâng phục chính phủ loài người miễn là những điều luật của họ không đi ngược lại những điều luật của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không thể vâng lời loài người khi họ đòi hỏi điều mà Đức Chúa Trời cấm hoặc khi họ cấm điều mà ngài đòi hỏi. Chẳng hạn, họ có thể đòi hỏi các thanh niên phải nhập ngũ để chiến đấu cho đất nước.c Hoặc họ có thể cấm Kinh Thánh và các ấn phẩm của chúng ta, cũng như cấm chúng ta rao giảng và thờ phượng với nhau. Khi các nhà cai trị lạm dụng quyền, chẳng hạn như ngược đãi môn đồ của Chúa Giê-su, họ phải khai trình với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đang quan sát họ!—Truyền 5:8.
8. Có sự khác biệt nào giữa Đức Giê-hô-va và các nhà cai trị loài người, và tại sao biết điều này là quan trọng?
8 Các chính phủ loài người có quyền trên người khác, nhưng không có quyền tối thượng. Đức Giê-hô-va mới là đấng có quyền cai trị tối thượng. Trong Kinh Thánh, có bốn lần Đức Giê-hô-va được gọi bằng tước hiệu “Đấng Tối Thượng”.—Đa 7:18, 22, 25, 27.
“ĐẤNG TỐI THƯỢNG”
9. Nhà tiên tri Đa-ni-ên thấy gì trong các khải tượng?
9 Nhà tiên tri Đa-ni-ên nhận được các khải tượng cho thấy rõ Đức Giê-hô-va có quyền hơn hẳn mọi bậc cầm quyền. Trước tiên, Đa-ni-ên thấy bốn con thú khổng lồ tượng trưng cho các cường quốc thế giới trước đây và hiện nay: Ba-by-lôn, Mê-đi Ba Tư, Hy Lạp, La Mã và cường quốc ra từ La Mã hiện đang cai trị là Anh Mỹ (Đa 7:1-3, 17). Rồi Đa-ni-ên thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên ngôi trong phiên tòa trên trời (Đa 7:9, 10). Điều nhà tiên tri trung thành này thấy sau đó là lời cảnh báo cho các nhà cai trị ngày nay.
10. Theo Đa-ni-ên 7:13, 14, 27, Đức Giê-hô-va ban quyền cai trị trái đất cho ai, và điều đó chứng tỏ gì về ngài?
10 Đọc Đa-ni-ên 7:13, 14, 27. Đức Chúa Trời lấy đi mọi quyền cai trị khỏi các chính phủ loài người và ban cho những người xứng đáng hơn và mạnh mẽ hơn. Ngài ban cho ai? Cho “ai đó trông như con người”, là Chúa Giê-su, và cho “các thánh của Đấng Tối Thượng”, là 144.000 người sẽ cai trị “muôn đời bất tận” (Đa 7:18). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va là “Đấng Tối Thượng” vì chỉ mình ngài có quyền làm điều đó.
11. Đa-ni-ên nói điều gì khác cho thấy Đức Giê-hô-va có quyền hơn hẳn các nước?
11 Sự kiện mà Đa-ni-ên thấy trong khải tượng phù hợp với điều ông nói trước đó: “Đức Chúa Trời của các tầng trời… phế và lập các vua”. Ông cũng nói rằng “Đấng Tối Cao là Đấng Cai Trị các vương quốc của nhân loại, ngài sẽ ban quyền cai trị cho người nào ngài muốn” (Đa 2:19-21; 4:17). Đức Giê-hô-va có bao giờ phế truất hoặc lập nhà cai trị không? Có!
12. Hãy nêu ví dụ về việc Đức Giê-hô-va đã từng phế truất các vua trong quá khứ. (Xem hình).
12 Đức Giê-hô-va cho thấy rõ ngài có quyền hơn hẳn “các bậc cầm quyền”. Hãy xem ba ví dụ. Pha-ra-ôn của Ai Cập đã bắt dân Đức Giê-hô-va làm nô lệ và nhiều lần không chịu thả họ đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã giải phóng dân ngài và nhấn chìm Pha-ra-ôn trong Biển Đỏ (Xuất 14:26-28; Thi 136:15). Vua Ben-sát-xa của Ba-by-lôn mở tiệc và “tôn mình lên nghịch lại Chúa của các tầng trời” cũng như “ca ngợi các thần bằng bạc, vàng” thay vì Đức Giê-hô-va (Đa 5:22, 23). Nhưng Đức Chúa Trời đã hạ kẻ kiêu ngạo đó xuống. “Ngay trong đêm ấy”, Ben-sát-xa bị giết và nước của ông được trao vào tay của người Mê-đi và Ba Tư (Đa 5:28, 30, 31). Vua Hê-rốt A-ríp-ba I của Pa-lét-tin đã ra lệnh giết sứ đồ Gia-cơ và sau đó bỏ tù sứ đồ Phi-e-rơ với ý định sẽ giết ông. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va ngăn cản Hê-rốt thực hiện âm mưu của mình. “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hành hại vua”, và ông chết.—Công 12:1-5, 21-23.
13. Hãy nêu ví dụ về việc Đức Giê-hô-va đã đánh bại liên minh các nhà cai trị.
13 Đức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài có quyền hơn hẳn liên minh các nhà cai trị. Ngài đã chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên, giúp họ tiêu diệt một liên minh gồm 31 vua Ca-na-an và chinh phục nhiều vùng của Đất Hứa (Giô-suê 11:4-6, 20; 12:1, 7, 24). Đức Giê-hô-va cũng đánh bại vua Bên-ha-đát và 32 vua khác của Sy-ri đã tranh chiến với dân Y-sơ-ra-ên.—1 Vua 20:1, 26-29.
14, 15. (a) Vua Nê-bu-cát-nết-xa và vua Đa-ri-út nói gì về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va? (b) Người viết Thi thiên nói gì về Đức Giê-hô-va và dân ngài?
14 Hết lần này đến lần khác, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài là Đấng Tối Thượng! Một vị vua của Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-xa đã khoe khoang về ‘sức mạnh, quyền lực, sự vinh hiển và oai nghi’ của mình thay vì khiêm nhường nhìn nhận Đức Giê-hô-va là đấng xứng đáng được ngợi khen. Ngay lúc ấy, ngài khiến ông mất trí. Sau khi được hồi phục, Nê-bu-cát-nết-xa “ngợi khen Đấng Tối Cao” và công nhận rằng “quyền cai trị của [Đức Giê-hô-va] kéo dài mãi mãi”. Ông nói thêm: “Chẳng ai có thể cản ngài” (Đa 4:30, 33-35). Sau khi lòng trọn thành của Đa-ni-ên bị thử thách và Đức Giê-hô-va giải cứu ông khỏi hầm sư tử, vua Đa-ri-út đã ban lệnh: “Mọi người phải run sợ trước Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên. Vì ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đến mãi mãi. Vương quốc ngài không bao giờ bị hủy diệt và quyền tối thượng của ngài tồn tại đời đời”.—Đa 6:7-10, 19-22, 26, 27, chú thích.
15 Người viết Thi thiên nói: “Đức Giê-hô-va làm bại mưu mô các nước; chính ngài phá hỏng ý đồ các dân”. Ông nói thêm: “Hạnh phúc thay nước nào có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời, dân nào được ngài chọn làm sản nghiệp!” (Thi 33:10, 12). Thật vậy, chúng ta có lý do chính đáng để giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va!
TRẬN CHIẾN QUYẾT ĐỊNH
16. Chúng ta có thể tin chắc điều gì về “hoạn nạn lớn”, và tại sao? (Xem hình).
16 Chúng ta vừa xem những điều Đức Giê-hô-va làm trong quá khứ. Vậy, chúng ta có thể mong chờ điều gì trong tương lai gần đây? Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu các tôi tớ trung thành của ngài trong “hoạn nạn lớn” sắp tới (Mat 24:21; Đa 12:1). Ngài sẽ làm thế khi một liên minh các nước, được gọi là Gót ở xứ Ma-gót, mở cuộc tấn công tàn ác trên toàn cầu nhắm vào những người trung thành với Đức Giê-hô-va. Ngay cả nếu liên minh đó bao gồm tất cả 193 thành viên của Liên hợp quốc thì cũng không là gì so với Đấng Tối Thượng và lực lượng trên trời của ngài! Đức Giê-hô-va hứa: “Ta chắc chắn sẽ biểu dương sự vĩ đại ta, làm ta nên thánh và tỏ mình ra trước mắt nhiều nước; rồi chúng sẽ phải biết ta là Đức Giê-hô-va”.—Ê-xê 38:14-16, 23; Thi 46:10.
17. Kinh Thánh báo trước tương lai nào cho các vua trên đất và cho những người giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va?
17 Cuộc tấn công của Gót sẽ châm ngòi cho trận chiến quyết định của Đức Giê-hô-va tại Ha-ma-ghê-đôn khi ngài hủy diệt “các vua trên khắp đất” (Khải 16:14, 16; 19:19-21). Tuy nhiên, “người ngay thẳng sẽ sống trên đất, và người trọn thành sẽ còn nơi đó”.—Châm 2:21, chú thích.
CHÚNG TA CẦN GIỮ LÒNG TRỌN THÀNH
18. Nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đã sẵn sàng làm gì, và tại sao? (Đa-ni-ên 3:28)
18 Trong suốt lịch sử, nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính sẵn sàng hy sinh sự tự do, thậm chí mạng sống của mình vì yêu thương Đức Giê-hô-va và xem ngài là Đấng Cai Trị Tối Thượng. Họ giữ lòng trọn thành và có quyết tâm giống như ba người Hê-bơ-rơ đã giữ lòng trung thành với Đấng Tối Thượng, là đấng đã cứu sống họ khỏi lò lửa hực.—Đọc Đa-ni-ên 3:28.
19. Đức Giê-hô-va sẽ xét đoán dân ngài dựa trên điều gì, và chúng ta cần làm gì ngay bây giờ?
19 Người viết Thi thiên là Đa-vít nói về tầm quan trọng của việc giữ lòng trọn thành với Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va sẽ tuyên án muôn dân. Đức Giê-hô-va ôi, xin xét đoán con theo sự công chính con, theo lòng trọn thành con” (Thi 7:8). Đa-vít cũng nói: “Nguyện lòng trọn thành và ngay thẳng bảo vệ con” (Thi 25:21). Lối sống tốt nhất là giữ trung thành với Đức Giê-hô-va, cho dù điều gì xảy ra đi nữa! Khi làm thế, chúng ta sẽ có cùng cảm nghĩ như người viết Thi thiên: “Hạnh phúc cho ai trọn thành,… bước theo luật pháp Đức Giê-hô-va”.—Thi 119:1, chú thích.
BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!
a Kinh Thánh khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô vâng lời các bậc cầm quyền, tức các chính phủ của thế gian này. Nhưng một số chính phủ công khai chống lại Đức Giê-hô-va và tôi tớ ngài. Làm thế nào chúng ta có thể vâng lời những nhà cai trị loài người mà vẫn giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va?
b GIẢI NGHĨA: Giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta luôn trung thành với ngài và ủng hộ quyền tối thượng của ngài ngay cả khi đức tin bị thử thách.
c Xem bài “Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa tham gia chiến tranh—Tại sao chúng ta thì không?” trong số này.