“Những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an”
“Đức Chúa Trời ta phán: Những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an” (Ê-SAI 57:21).
1, 2. a) Nhiều người có cảm nghĩ gì về tương lai của nhân loại? b) Những cố gắng của loài người để đem lại hòa bình đưa đến hậu quả nào?
Tạp chí «Tâm lý học ngày nay» (Psychology Today) đăng tải lời tuyên bố đáng sợ của một học sinh trung học ở Bắc Mỹ như sau: “Tôi không ngớt ý thức được rằng thế giới có thể bùng nổ trước mặt tôi vào bất cứ giây phút nào”. Học sinh đó lo sợ rằng chẳng bao lâu nữa một cuộc chiến tranh hạch tâm có lẽ sẽ hủy diệt toàn thể nhân loại. Một nữ học sinh người Nga mô tả hiệu quả của một cuộc chiến tranh hạch tâm: “Mọi sinh vật sẽ chết hết—không còn cây cối, rau cỏ gì nữa cả”. Thật là một viễn ảnh hãi hùng! Tuy nhiên, người ta cảm thấy rằng viễn ảnh này có thể xảy ra thật sự. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, 40% những người được phỏng vấn có cảm giác là một cuộc chiến tranh hạch tâm “rất có thể” bùng nổ trước năm 2000. (Xem Lu-ca 21:26).
2 Những lãnh tụ thế giới cũng ý thức được mối nguy hiểm. Sau trận thế chiến vừa rồi, họ lập ra tổ chức Liên Hiệp Quốc để cố gắng đem lại hòa bình và an ninh, nhưng vô ích. Thay vì thế, vào những năm sau khi chiến tranh kết thúc, sự tranh chấp dữ dội bắt đầu phát triển giữa hai siêu cường quốc có vũ khí hạch tâm. Thỉnh thoảng những lãnh tụ của các siêu cường quốc này họp mặt nhau để cố làm thuyên giảm sự căng thẳng quốc tế nhưng chẳng mấy kết quả gì. Dù các lãnh tụ tôn giáo có cầu nguyện cho hòa bình, tình thế rất giống như lời mô tả của Ê-sai: “Những kẻ mạnh-bạo đương kêu-rêu ở ngoài; các sứ-giả cầu hòa khóc-lóc đắng-cay” (Ê-sai 33:7).
3. Tại sao loài người không thể thành công trong những cố gắng của họ để đem lại hòa bình?
3 Những tín đồ đấng Christ thức thời biết tại sao những nhà chính trị sẽ không bao giờ đem lại hòa bình lâu dài. Họ ý thức được rằng ngày nào người ta còn đầy dẫy sự ích kỷ, thù hằn, tham lam, kiêu ngạo và tham vọng, thì sẽ không có hòa bình. (So sánh Gia-cơ 4:1). Mặt khác, con người không kiểm soát hẳn mọi biến cố. Đúng hơn, Kinh-thánh nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19; II Cô-rinh-tô 4:4). Ê-sai mô tả đúng tình thế của nhân loại dưới quyền kiểm soát của Ma-quỉ: “Những kẻ ác giống như biển đương động, không yên-lặng được... Đức Chúa Trời ta đã phán: Những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an” (Ê-sai 57:20, 21).
“Đức Chúa Trời bình-an”
4. Chỉ có ai mới có quyền năng đem lại hòa bình cho trái đất?
4 Điều này không có nghĩa là nhân loại nhất thiết phải chịu hủy diệt trong một cuộc chiến tranh hạch tâm tương lai, nhưng có nghĩa là, nếu chúng ta có được hòa bình thì hòa bình đó phải đến từ một nguồn ngoài trái đất. Mừng thay, Nguồn đó là chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “Đức Chúa Trời bình-an” (Rô-ma 16:20). Ngài có quyền năng để đương đầu với ảnh hưởng của Sa-tan và Ngài đã dự định “chúc phước bình-an cho dân-sự Ngài” (Thi-thiên 29:11). Hơn nữa, Ngài đã hứa điều đầy an ủi này: “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, Và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11).
5. a) Đức Giê-hô-va đã dùng Đa-ni-ên để thông báo cho chúng ta biết thế nào về ý định của Ngài nhằm đem lại hòa bình? b) Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời tiên tri này ghi lại bởi Đa-ni-ên?
5 Cách đây nhiều năm, Đức Giê-hô-va đã tiết lộ diễn tiến của các biến cố lịch sử sẽ dẫn đến hòa bình cho trái đất. Qua trung gian một thiên sứ, Ngài nói với nhà tiên tri trung thành của Ngài là Đa-ni-ên về “những ngày sau-rốt”, thời kỳ của chúng ta (Đa-ni-ên 10:14). Ngài đã tiên tri về sự tranh chấp giữa hai siêu cường quốc ngày nay và cho thấy tình hình sẽ sớm kết thúc một cách bất ngờ đối với bất cứ bên nào. Và Ngài đã hứa rằng diễn biến bất ngờ này sẽ dẫn đến hòa bình thật sự. Tín đồ đấng Christ rất chú ý đến lời tiên tri này. Lời tiên tri ấy cho chúng ta thấy rõ đang ở trong thời điểm nào và làm vững mạnh sự cương quyết của chúng ta giữ vị thế trung lập trong cuộc tranh chấp quốc tế trong khi kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời hành động để giải cứu chúng ta (Thi-thiên 146:3, 5).
Một sự tranh chấp bắt đầu
6. Hãy phác họa nguồn gốc lịch sử của sự tranh chấp giữa các siêu cường quốc ngày nay.
6 Thật ra, sự tranh chấp ngày nay không phải là một điều mới trên tình hình thế giới. Nhưng đó là sự liên tục của một điều gì đã bắt đầu cách đây lâu lắm rồi. Sau khi đế quốc thế giới của Á-lịch-sơn Đại đế sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ tư trước tây lịch, hai vị tướng lãnh trong quân đội của ông đã nắm lấy quyền hành tại xứ Sy-ri và Ai-cập. Một sự tranh chấp dai dẳng đưa đến sự tranh chấp giữa các siêu cường quốc ngày nay vốn đã bắt đầu nảy sinh giữa hai tướng ấy và những kẻ kế nghiệp họ—sở dĩ được gọi là vua phương bắc và vua phương nam bởi vì họ đã chiếm đóng các miền nằm ở phía bắc và phía nam đất đai của dân tộc Đức Chúa Trời. Sự diễn biến trong lịch sử của sự tranh chấp này đã được tiết lộ trước cho nhà tiên tri Đa-ni-ên qua trung gian một thiên sứ.
7. a) Làm sao chúng ta biết rằng có các thần linh vô hình dính líu đến các công việc của loài người? b) Ngay vào lúc đầu ai đã là vua phương bắc và vua phương nam, và cuộc tranh chấp giữa họ đã khởi sự thế nào?
7 Trước nhất thiên sứ mô tả thế nào người đang chống cự lúc ấy, với sự ủng hộ của Mi-ca-ên, nghịch lại cùng những thần linh làm «vua» của xứ Phe-rơ-sơ và Gờ-réc (Đa-ni-ên 10:13, 20,21; đến 11:1). Sự đề cập thoáng qua này về lãnh vực thần linh xác nhận rằng không phải chỉ có những người thường dính líu đến các cuộc giao tranh giữa các quốc gia. Phía sau lưng những con người thường đang cai trị thế giới có những lực lượng quỉ quái, hay các «vua». Nhưng từ thời xưa, dân của Đức Chúa Trời đã có một “quan-trưởng”, Mi-ca-ên, giúp họ chống lại những quyền lực quỉ quái ấy (Ê-phê-sô 6:12). Rồi thiên sứ lưu ý chúng ta về sự tranh chấp giữa xứ Sy-ri và xứ Ai-cập. Người khởi sự nói: “Vua phương nam sẽ được mạnh; [ngay cả] một trong các tướng của vua” (Đa-ni-ên 11:5a). Ở đây vua phương nam là Tô-lê-mai I, vua Ai-cập, người đã từng đánh hạ thành Giê-ru-sa-lem năm 312 trước tây lịch. Kế đến thiên sứ nói về một vua khác “mạnh hơn vua, và có quyền cai-trị; quyền người sẽ lớn lắm” (Đa-ni-ên 11:5b). Đó là vua phương bắc, tức Seleucus I Nicator, cai trị xứ Sy-ri, mạnh hơn xứ Ai-cập.
8. Đối với tín đồ đấng Christ ngày nay thì sự chính xác đáng chú ý về phần đầu trong lời tiên tri của thiên sứ về vua phương bắc và vua phương nam có ý nghĩa gì?
8 Thiên sứ tiên tri tiếp về nhiều chi tiết liên quan đến sự tranh chấp dai dẳng giữa những vua kế tiếp của xứ Sy-ri và Ai-cập (Đa-ni-ên 11:6-19). Những lời tiên tri này chính xác đến độ một số người cho rằng sách Đa-ni-ên đã được viết sau khi sự việc đã xảy ra.a Tuy nhiên, đối với tín đồ đấng Christ, sự chính xác đáng chú ý của những lời tiên tri này khiến đức tin của họ vững mạnh thêm để tin đến những phần của lời tiên tri mà còn phải được ứng nghiệm trong “những ngày sau-rốt” này.
Vua của sự giao ước
9. Làm sao hành động của vua phương bắc đã đưa đến việc Giê-su sanh ra tại Bết-lê-hem?
9 Không nên chờ đợi rằng thiên sứ kể tên tất cả các vua từng người một, từ thời Tô-lê-mai cho đến “những ngày sau-rốt”. Thay vì thế, chúng ta hiểu rằng sau câu 19 lời tiên tri nhảy vọt đến những năm trước thời tây lịch ít lâu. Chúng ta đọc: “Bấy giờ có một vua khác sẽ nối ngôi người [vua phương bắc], sai kẻ bức-hiếp đi qua nơi vinh-hiển của nước” (Đa-ni-ên 11:20). Dạo ấy Sy-ri là một tỉnh của đế quốc La-mã, và vua phương bắc được đại diện bởi hoàng đế La-mã Au-gút-tơ. Chính ông đã ra chiếu chỉ kiểm tra dân số vì thế mà Giê-su đã sanh ra tại Bết-lê-hem thay vì tại Na-xa-rét (Lu-ca 2:1-7; Mi-chê 5:1).
10. Thiên sứ lưu ý chúng ta đến sự quan hệ nào khác giữa vua phương bắc và đấng Mê-si?
10 Ti-be-rơ nối ngôi Au-gút-tơ; thiên sứ tả hoàng đế đáng ghét Ti-be-rơ như là “kẻ đáng khinh-dể” (Đa-ni-ên 11:21). Dưới triều đại của ông này một cuộc nổi loạn nguy hiểm đã bị dẹp tan ở biên giới phía bắc của đế quốc La-mã và hòa bình được vãn hồi ở vùng biên giới, làm ứng nghiệm lời tiên tri này: “Những cơ-binh đầy tràn, sẽ bị thua và vỡ tan trước người”. Hơn nữa, Giê-su đã bị giết bởi quân lính La-mã dưới triều của vua này để ứng nghiệm lời tiên tri của thiên sứ nói rằng “vua của sự giao-ước” sẽ vỡ (Đa-ni-ên 11:22; 9:27).
Nơi “kỳ đã định”
11. a) Năm 1914, ai là vua phương bắc và ai là vua phương nam? b) Lời tiên tri nào đã được ứng nghiệm “nơi kỳ đã định”?
11 Cuối cùng, lời tiên tri đưa chúng ta đến “kỳ đã định”, năm 1914 (Đa-ni-ên 11:27; Lu-ca 21:24). Đến đây, dân của Đức Chúa Trời đã thay đổi hình thái. Bởi lẽ dân Y-sơ-ra-ên trong xác thịt đã chối bỏ đấng Mê-si, hội-thánh đấng Christ gồm có những người được xức dầu đã trở nên dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va đã chọn (I Phi-e-rơ 2:9, 10). Hình thái của hai vua cũng đã thay đổi. Hiển nhiên nước Anh, cùng với đồng minh chính trị là Hoa-kỳ, đã trở thành vua phương nam, trong khi vua phương bắc lúc ấy là nước Đức. Những lời sau đây đã tiên tri về Thế Chiến thứ nhất: “Đến kỳ đã định, [vua phương bắc] sẽ trở lại và vào phương nam; nhưng lần sau không giống như lần trước” (Đa-ni-ên 11:29). Vua phương nam đã thắng trận chiến đó. Tình thế này thật khác với “lần trước”, khi mà đế quốc La-mã toàn thắng đã từng là vua phương bắc.
12. Hãy tả tình hình thế giới biến chuyển từ năm 1914 đã được thiên sứ nói cho Đa-ni-ên biết trong lời tiên tri.
12 Thiên sứ nói tiếp về sự tranh chấp giữa hai vua kể từ năm 1914, và đặc biệt, về cách mà cả hai vua chống lại dân của Đức Giê-hô-va. Người cũng tiên tri về sự xuất hiện của “sự gớm-ghiếc làm ra sự hoang-vu”, tức là tổ chức Liên Hiệp Quốc đang hiện hữu ngày nay (Đa-ni-ên 11:31). Cả hai vua đã hợp tác để đem lại hòa bình bằng một cố gắng chính trị đưa đến việc sáng lập LHQ. Nhưng việc đó đã phải thất bại, vì chống lại Nước của Đức Chúa Trời.b (Ma-thi-ơ 24:15; Khải-huyền 17:3, 8). Cuối cùng, thiên sứ hướng sự chú ý của chúng ta về “kỳ sau-rốt” (Đa-ni-ên 11:40).
“Kỳ sau-rốt”
13. a) Trong phần này của lời tiên tri các chữ “kỳ sau-rốt” nói đến điều gì? b) Kể từ khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt ai đã đóng các vai vua phương bắc và vua phương nam?
13 “Kỳ sau-rốt” là thời kỳ nào? Đôi khi các chữ “kỳ sau-rốt” nói đến thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự hiện nay, kể từ năm 1914 cho tới Ha-ma-ghê-đôn (Đa-ni-ên 8:17, 19; 12:4). Nhưng những biến cố xảy ra năm 1914, “kỳ đã định”, đã được tiên tri rồi ở câu 29, và lời tiên tri của thiên sứ còn dẫn chúng ta đi xa hơn thời kỳ đó nữa.c Bởi vậy, “kỳ sau-rốt” được nói đến ở câu 40 phải ám chỉ những giai đoạn chót trong sự tranh chấp giữa vua phương bắc và vua phương nam dai dẳng từ 2.300 năm rồi. Vậy chúng ta thấy hứng thú nhiều khi đọc tiếp, vì bây giờ chúng ta sắp biết đến những biến cố sẽ diễn ra trong tương lai gần đây. Hiện thời, sự chuyển giao quyền lực trên tình hình thế giới đã khiến cho hình thái của hai vua tiếp tục đổi dạng. Kể từ khi các cường quốc liên minh Quốc-xã và Phát-xít sụp đổ vào cuối Thế Chiến thứ hai, chúng ta chứng kiến sự tranh chấp giữa hai siêu cường quốc, một tượng trưng bởi vua phương bắc thống trị trên một khối quốc gia hầu hết theo chủ nghĩa xã hội, và một tượng trưng bởi vua phương nam, thống trị một khối đa số theo chủ nghĩa tư bản.
14. Thiên sứ miêu tả vua phương bắc như thế nào?
14 Các câu 37 và 38 miêu tả đúng tâm tính của vua phương bắc gần đây nhất: “Người sẽ không đoái xem các thần của tổ-phụ mình... Nhưng người sẽ ở chỗ mình tôn kính thần của các đồn-lũy; người sẽ lấy vàng, bạc, đá quí, và những vật tốt-đẹp mà tôn kính thần tổ-phụ mình không biết”. Ai lại không nhận ra được lời miêu tả này? Vua phương bắc ngày nay chính thức cổ võ chủ nghĩa vô thần, chối bỏ các thần tôn giáo của những vua phương bắc khi trước. Hắn thích tin cậy nơi sự võ trang hơn, tức “thần của các đồn-lũy”. Điều này đã góp phần vào cuộc thi đua võ trang sôi nổi mà hai vua phải cùng gánh lấy trách nhiệm. Năm 1985 chi phí phòng bị hàng năm của chỉ một mình vua phương bắc đã gần đạt đến 300 tỷ Mỹ-kim. Thật là một của-lễ khổng lồ bằng “vàng, bạc, đá quí, và những vật tốt-đẹp” dâng cho thần võ trang không biết hả lòng!
15, 16. a) Tình hình diễn biến thế nào giữa vua phương bắc và vua phương nam? b) Điều này có nghĩa gì đối với dân của Đức Chúa Trời?
15 Vậy thì điều gì cuối cùng xảy ra giữa hai vua này? Thiên sứ nói: “Đến kỳ sau-rốt [kết thúc lịch sử của hai vua], vua phương nam sẽ tranh-chiến cùng người. Vua phương bắc đem xe binh, lính kỵ và nhiều tàu, xông đến vua đó như cơn gió lốc” (Đa-ni-ên 11:40; Ma-thi-ơ 24:3). Rõ ràng là các cuộc hội nghị thượng đỉnh không đem lại giải pháp nào cho cuộc tranh chấp giữa các siêu cường quốc. Sự căng thẳng gây ra bởi việc “tranh-chiến” của vua phương nam và chủ nghĩa bành trướng ảnh hưởng của vua phương bắc có thể khi nhiều khi ít; nhưng theo sự miêu tả của Đa-ni-ên, thì sau cùng bằng cách này hay cách khác vua phương bắc sẽ bị khiêu khích và đi đến việc dùng đến bạo lực quá độ.d
16 Đối với dân của Đức Chúa Trời, những ngày sau rốt này đặc biệt khó khăn. Trong thế kỷ này cả hai vua đã bắt bớ họ. Thiên sứ báo trước rằng vua phương bắc “sẽ vào đến đất vinh-hiển, và nhiều nước sẽ bị đổ”. “Đất vinh-hiển” tượng trưng cho đất của dân Đức Chúa Trời. Vậy những lời của thiên sứ phải ngụ ý nói rằng vua phương bắc trong khi xâm chiếm đất đai của nhiều quốc gia cũng tấn công lãnh vực thiêng liêng của dân Đức Giê-hô-va nữa (Đa-ni-ên 8:9; 11:41-44; Ê-xê-chi-ên 20:6). Ở câu 45, lời tiên tri nói tiếp: “Người sẽ đặt các trại của cung mình ở khoảng giữa biển cùng núi vinh-hiển và thánh”. Nói khác hơn, hắn dàn trận để mở cuộc tấn công quyết liệt để tiến đánh địa-đàng thiêng liêng của họ.
“Người sẽ đến sự cuối-cùng mình”
17. Diễn biến bất ngờ nào sẽ khiêu khích vua phương bắc?
17 Nhưng lúc ấy, sẽ có một việc xảy ra trước mà cả vua phương bắc và vua phương nam đã không ngờ tới. Thiên sứ tiên tri: “Song những tin-tức từ phương đông và phương bắc sẽ đến làm cho [vua phương bắc] bối-rối; người sẽ giận lắm mà đi ra để tàn-phá và hủy-diệt nhiều người” (Đa-ni-ên 11:44).
18. a) Thiên sứ tiên tri “những tin-tức” sẽ đến từ đâu? b) Kết cuộc của vua phương bắc sẽ là gì?
18 Những tin tức này nói gì? Thiên sứ không cho biết, nhưng người tiết lộ những tin tức đó đến từ đâu—từ “phương đông”—và Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng như Giê-su Christ được nói đến như “các vua từ Đông-phương” (Khải-huyền 16:12). Những tin tức đó cũng đến “[từ] phương bắc”, và Kinh-thánh nói theo nghĩa bóng rằng Núi Si-ôn, thành của Đức Giê-hô-va, Vị Vua cao cả, “nổi lên về phía bắc” (Thi-thiên 48:2). Vậy chính “những tin-tức” đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ sẽ khiến cho vua phương bắc mở cuộc hành quân cuối cùng và rộng lớn của hắn. Phần cuối câu 45 nói: “Người sẽ đến sự cuối-cùng mình, và chẳng có ai đến giúp-đỡ người cả”.
19. a) Thế gian này và những người “ngay-thẳng” sẽ có tương lai khác nhau nào? b) Những thắc mắc nào còn phải được giải đáp?
19 Thật vậy, “những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an” (Ê-sai 57:21). Thay vì thế, sẽ luôn luôn có giặc giã trong suốt lịch sử của vua phương bắc cho đến lúc cuối cùng. Nhưng về phần các tôi tớ trung thành của Ngài, Đức Giê-hô-va hứa: “Người ngay-thẳng sẽ được ở trên đất, Và người trọn-vẹn sẽ còn ở đó luôn luôn” (Châm-ngôn 2:21, 22). Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra cho vua phương nam khi vua phương bắc “đến sự cuối-cùng mình”? Điều gì sẽ xảy ra cho các tín đồ đấng Christ khi vua phương bắc “đặt các trại của cung mình” ở vị thế đe dọa chống lại họ? (Đa-ni-ên 11:45). Sau cùng hòa bình sẽ đến thế nào trên đất? Đức Giê-hô-va giải đáp những thắc mắc này qua trung gian thiên sứ của Ngài, như chúng ta sẽ thấy trong hai bài tới.
[Chú thích]
a Xem cuốn “Your Will Be Done on Earth” chương 10, xuất bản năm 1958 bởi Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc.) để biết thêm chi tiết.
b Xem cuốn “Your Will Be Done on Earth”, chương 11, để biết thêm những tin tức khác về phần này của lời tiên tri.
c Cũng lưu ý rằng ở câu 35, các chữ “kỳ sau-rốt” được nói là hãy còn thuộc về tương lai.
d Xem cuốn “Your Will Be Done on Earth”, trang 298-303.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Những thần linh nào dính líu đến những việc chính trị của loài người?
◻ Ai là vua phương bắc và vua phương nam năm 1914?
◻ Vua phương bắc ngày nay tôn kính thần của các đồn lũy như thế nào?
◻ Vua phương bắc sẽ làm áp lực nào trên dân Đức Chúa Trời?
◻ Sau cùng điều gì sẽ xảy ra cho vua phương bắc?
[Bản đồ/Các hình nơi trang 15]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Biển Lớn
Sy-ri
Giu-đê
Ai-cập
[Nguồn tư liệu nơi trang 13]
Công khố Quốc gia Hoa-kỳ