Một vị vua khinh thường nơi thánh của Đức Giê-hô-va
“Dân-sự biết Đức Chúa Trời mình sẽ mạnh-mẽ mà làm” (ĐA-NI-ÊN 11:32).
1, 2. Cuộc tranh đấu gây cấn nào đã đánh dấu lịch sử nhân loại trong hơn 2.000 năm?
HAI vua thù nghịch vướng chân trong cuộc tranh giành quyền bá chủ. Trong cuộc tranh chấp tiếp diễn hơn hai ngàn năm, mỗi bên thay phiên nhau nắm được ưu thế. Trong thời đại của chúng ta, cuộc tranh giành ảnh hưởng đến phần lớn người ta trên trái đất, đồng thời thách đố lòng trung kiên của dân sự Đức Chúa Trời. Nhưng cuộc tranh giành sẽ chấm dứt với một biến cố mà cả hai vua không hề thấy trước. Lịch sử gây cấn này đã được tiết lộ trước cho nhà tiên tri xưa là Đa-ni-ên (Đa-ni-ên, đoạn 10 đến 12).
2 Lời tiên tri có liên hệ đến mối thù triền miên giữa vua phương bắc và vua phương nam và đã được thảo luận chi tiết trong sách “Ý Cha được thực hiện trên đất” (Anh ngữ).a Trong sách đó, vua phương bắc trước tiên là Sy-ri, ở phía bắc Y-sơ-ra-ên. Sau đó Rô-ma chiếm địa vị này. Vua phương nam khởi đầu là Ê-díp-tô.
Sự xung đột vào thời cuối cùng
3. Theo thiên sứ, chừng nào lời tiên tri về vua phương bắc và vua phương nam mới được làm sáng tỏ, và như thế nào?
3 Thiên sứ tiết lộ những điều này cho Đa-ni-ên nói: “Còn như ngươi, hỡi Đa-ni-ên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối-cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên” (Đa-ni-ên 12:4). Vâng, lời tiên tri có liên hệ đến thời kỳ cuối cùng—một thời kỳ đã bắt đầu vào năm 1914. Trong thời kỳ đặc biệt đó, nhiều người sẽ “đi qua đi lại” trong sách Kinh-thánh, và với sự giúp đỡ của thánh linh, sự hiểu biết thật, gồm cả sự thông hiểu các lời tiên tri trong Kinh-thánh đã trở nên phong phú (Châm ngôn 4:18). Càng tiến sâu vào thời kỳ này, càng nhiều chi tiết về lời tiên tri của Đa-ni-ên được làm sáng tỏ. Vậy chúng ta nên hiểu thế nào về lời tiên tri liên hệ đến vua phương bắc và vua phương nam vào năm 1993, nay đã 35 năm sau khi sách “Ý Cha được thực hiện trên đất” được xuất bản?
4, 5. a) Năm 1914 có ý nghĩa gì trong lời tiên tri của Đa-ni-ên về vua phương bắc và vua phương nam? b) Theo thiên sứ, điều gì xảy ra vào năm 1914?
4 Thời kỳ cuối cùng bắt đầu vào năm 1914 được đánh dấu bằng Thế Chiến I và những sự khốn khổ khác trên thế gian mà Chúa Giê-su đã tiên tri trước (Ma-thi-ơ 24:3, 7, 8). Chúng ta có thể tìm thấy năm đó trong lời tiên tri của Đa-ni-ên không? Có. Sự bắt đầu thời kỳ cuối cùng chính là “kỳ đã định” được nói đến nơi Đa-ni-ên 11:29. (Xem sách “Ý Cha được thực hiện trên đất”, trang 269-270). Đó là thời kỳ mà Đức Giê-hô-va đã định trước vào thời Đa-ni-ên vì thời kỳ ấy đến vào cuối thời kỳ 2.520 năm đã được cho thấy trong các biến cố quan trọng có ý nghĩa tiên tri nơi Đa-ni-ên đoạn 4.
5 Thời kỳ 2.520 năm, từ khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 607 TCN, lúc Đa-ni-ên còn trẻ, đến năm 1914 CN, được gọi là “các kỳ dân ngoại” (Lu-ca 21:24). Biến cố chính trị nào đánh dấu kỳ ấy chấm dứt? Một thiên sứ tiết lộ điều này cho Đa-ni-ên: “Đến kỳ đã định, người [vua phương bắc] sẽ trở lại và vào phương nam; nhưng lần sau không giống như lần trước” (Đa-ni-ên 11:29).
Vị Vua thất trận
6. Vào năm 1914, ai là vua phương bắc, và ai là vua phương nam?
6 Đến năm 1914, người lãnh đạo nước Đức là Kaiser Wilhelm, đã giữ vai trò vua phương bắc. (Theo tước vị La Mã, “Kaiser” là “Sê-sa”). Các cuộc chiến bùng nổ ở Âu Châu là một loạt so tài khác giữa vua phương bắc và vua phương nam. Lúc này nước Anh giữ vai trò vua phương nam và đã mau đóng chiếm Ai Cập, lãnh thổ của vua phương nam đầu tiên. Trong khi chiến tranh tiếp diễn thì Hoa Kỳ, một thuộc địa trước của Anh quốc, đã hiệp lực với quốc gia này. Vua phương nam trở thành Cường quốc Thế giới Anh-Mỹ, một cường quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử.
7, 8. a) Trong Thế Chiến I, sự việc không “giống như lần trước” như thế nào? b) Kết quả của Thế Chiến I là gì, và theo lời tiên tri, vua phương bắc phản ứng ra sao?
7 Trong các cuộc xung đột trước giữa hai vua thì Đế quốc La Mã, vua phương bắc, luôn luôn chiến thắng. Lần này, ‘không giống như lần trước’. Tại sao không? Bởi vì vua phương bắc thất trận. Một lý do là vì “những tàu ở Kít-tim” đến nghịch cùng vua phương bắc (Đa-ni-ên 11:30). Những tàu này là gì? Vào thời Đa-ni-ên, Kít-tim là nước Cyprus và lúc Thế Chiến I mới khởi đầu, Anh quốc đã chiếm đóng Cyprus. Ngoài ra, theo cuốn The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible, thì tên Kít-tim “nói chung, nới rộng đến phía Tây, nhưng đặc biệt tới miền biển phía Tây”. Cuốn The New International Version dịch “những tàu ở Kít-tim” là “những tàu ở miền biển phía tây”. Trong Thế Chiến I, những tàu ở Kít-tim là những tàu của Anh quốc, đậu dọc theo bờ biển phía tây của Âu Châu. Sau này Hải quân Anh được các tàu từ lục địa phía tây của Bắc Mỹ đến tăng cường.
8 Với cuộc tấn công này, vua phương bắc trở nên “lo-buồn” và công nhận thất trận vào năm 1918. Nhưng chưa chấm dứt tại đây. “Người sẽ trở lại và tức giận nghịch cùng giao ước thánh và hành động hữu hiệu; và người sẽ phải trở lại và sẽ đoái xem những kẻ bỏ giao ước thánh” (Đa-ni-ên 11:30, NW). Thiên sứ đã tiên tri như vậy, chắc hẳn phải ứng nghiệm.
Vị Vua hành động hữu hiệu
9. Điều gì dẫn đến cuộc nổi lên của Adolf Hitler, và ông “hành động hữu hiệu” như thế nào?
9 Sau chiến tranh, năm 1918, các nước Đồng minh chiến thắng đã ép nước Đức ký một hiệp ước hòa bình, dường như có tính cách trừng phạt, nhằm giữ dân Đức trong tình trạng gần chết đói trong một tương lai vô hạn định. Những năm chịu đựng cùng cực này đã đẩy nước Đức đã đến kỳ chín mùi với sự vùng lên của Adolf Hitler. Ông đạt đến quyền hành tột đỉnh vào năm 1933 và ngay lập tức mở một cuộc tấn công dữ dội vào “giao ước thánh”, đại diện bởi các anh em xức dầu của đấng Christ. Với cuộc tấn công này, ông đã tỏ ra hữu hiệu trong việc chống lại các tín đồ trung thành này và hành hạ nhiều người trong họ một cách tàn bạo.
10. Hitler tìm sự ủng hộ của ai, và với kết quả nào?
10 Hitler đã thành công về kinh tế và ngoại giao, cũng hành động hữu hiệu trong lãnh vực này. Chỉ trong vài năm, ông đã làm cho nước Đức được xem như một cường quốc. Cố gắng của ông được “những kẻ bỏ giao ước thánh” hỗ trợ. Ai là những kẻ này? Rõ ràng là giới lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, những người tự nhận ở trong liên lạc giao ước với Đức Chúa Trời nhưng đã không còn là tín đồ của Chúa Giê-su nữa. Hitler đã thành công trong việc kêu gọi “những kẻ bỏ giao ước thánh” ủng hộ ông. Giáo hoàng ở La Mã ký thỏa ước với ông, và Giáo hội Công giáo cũng như Tin lành ở Đức đã ủng hộ Hitler trong suốt 12 năm ông cầm quyền trong kinh hoàng.
11. Vua phương bắc “làm ô-uế nơi thánh” và “cất của-lễ thiêu hằng dâng” như thế nào?
11 Sự thành công của Hitler khiến ông gây chiến, đúng như thiên sứ đã tiên tri: “Những quân-lính của người mộ sẽ dấy lên, làm ô-uế nơi thánh cùng đồn-lũy, cất của-lễ thiêu hằng dâng” (Đa-ni-ên 11:31a). Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, nơi thánh là một phần của đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, khi dân Do Thái phủ nhận Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã phủ nhận họ cùng đền thờ của họ (Ma-thi-ơ 23:37-24:2). Kể từ thế kỷ thứ nhất, đền thờ của Đức Giê-hô-va thật ra là một đền thờ thiêng liêng, với nơi chí thánh ở trên trời và với một hành lang thiêng liêng trên đất, nơi đó các anh em xức dầu của Chúa Giê-su, tức Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, hầu việc. Từ thập niên 1930, đám đông đến kết hợp với những người xức dầu còn sót lại để thờ phượng, do đó có thể nói họ hầu việc ‘trong đền Đức Chúa Trời’ (Khải-huyền 7:9, 15; 11:1, 2; Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24). Hành lang trên đất của đền thờ bị ô uế do việc lớp người xức dầu và các bạn đồng hành của họ bị bắt bớ không ngừng ở các nước do vua phương bắc chiếm giữ. Sự bắt bớ nghiêm trọng đến nỗi của-lễ hằng dâng—của tế lễ bằng lời ngợi khen danh Đức Giê-hô-va—bị cất đi (Hê-bơ-rơ 13:15). Dầu vậy, lịch sử cho thấy rằng bất chấp sự đau khổ kinh khiếp, các tín đồ xức dầu trung thành cùng với các “chiên khác” tiếp tục rao giảng một cách kín đáo (Giăng 10:16).
“Sự gớm-ghiếc”
12, 13. “Sự gớm-ghiếc” là gì, và như đầy tớ trung tín và khôn ngoan thấy trước, nó được tái lập khi nào và như thế nào?
12 Khi Thế Chiến II có mòi chấm dứt thì có một biến chuyển khác. Chúng “lập sự gớm-ghiếc làm ra sự hoang-vu” (Đa-ni-ên 11:31b). “Sự gớm-ghiếc” này, mà Chúa Giê-su cũng đã nhắc đến, đã được nhận diện là Hội Quốc Liên, mà theo Khải-huyền là con thú sắc đỏ sậm đã đi xuống vực sâu (Ma-thi-ơ 24:15; Khải-huyền 17:8; xem sách Light, Quyển Hai, trang 94). Nó làm điều này sau khi Thế Chiến II bùng nổ. Tuy nhiên, tại Hội nghị “Thần quyền thế giới mới” của Nhân-chứng Giê-hô-va năm 1942, Nathan H. Knorr, chủ tịch thứ ba của Hội Tháp Canh, đã thảo luận về lời tiên tri nơi Khải-huyền đoạn 17 và cảnh cáo rằng con thú đó sẽ lại từ vực sâu đi lên.
13 Lịch sử chứng nghiệm lời của anh là thật. Giữa tháng 8 và tháng 10 năm 1944, tại Dumbarton Oaks ở Hoa Kỳ, hiến chương của cái sẽ được gọi là Liên Hiệp Quốc bắt đầu được tiến hành. Hiến chương đã được 51 quốc gia, gồm cả cựu Liên Bang Xô Viết, phê chuẩn. Và khi tổ chức này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24-10-1945, thì coi như Hội Quốc Liên tử thương ra khỏi vực sâu.
14. Vua phương bắc biến hình dạng khi nào và như thế nào?
14 Nước Đức từng là kẻ thù chính của vua phương nam trong cả hai thế chiến. Sau Thế Chiến II một phần nước Đức trở thành đồng minh của vua phương nam, còn phần kia lại liên kết với một đế quốc hùng hậu khác. Khối Cộng sản, nay bao gồm một phần nước Đức, ở trong thế đối nghịch quyết liệt với liên minh Anh-Mỹ. Sự tranh giành giữa hai vua trở thành cuộc Chiến tranh lạnh. (Xem “Ý Cha được thực hiện trên đất”, trang 264-284).
Vua và giao ước
15. Những kẻ ‘làm sự dữ nghịch cùng giao-ước’ là ai, và họ có mối quan hệ nào với vua phương bắc?
15 Rồi thiên sứ nói: “Người dùng lời nịnh-hót mà dỗ-dành những kẻ làm sự dữ nghịch cùng giao-ước” (Đa-ni-ên 11:32a). Ai là những kẻ làm sự dữ nghịch cùng giao ước? Một lần nữa, đó chính là những kẻ lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, tự nhận là tín đồ đấng Christ, nhưng qua hành động thì làm ô uế đạo thật của đấng Christ. Trong Thế Chiến II, “Chính Quyền Xô Viết nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ về vật chất cũng như về tinh thần của các Nhà Thờ để bảo vệ đất mẹ” (Religion in the Soviet Union, do Walter Kolarz). Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo giáo hội cố gắng duy trì tình thâm giao dẫu quốc gia này nay trở thành vua phương bắc, theo đuổi chánh sách vô thần.b Vì vậy, hơn bao giờ hết các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ trở thành một phần của thế gian này—một sự bội đạo ghê tởm trước mắt Đức Giê-hô-va (Giăng 17:14; Gia-cơ 4:4).
16, 17. Những “kẻ khôn-sáng” là ai, và tình hình họ ra sao dưới sự cai trị của vua phương bắc?
16 Còn về tín đồ thật của đấng Christ thì sao? “Nhưng dân-sự biết Đức Chúa Trời mình sẽ mạnh-mẽ [chiến thắng, NW] mà làm. Những kẻ khôn-sáng trong dân sẽ dạy-dỗ nhiều người; nhưng họ sẽ phải ngã bởi gươm, bởi ngọn lửa, bởi sự phu-tù và sự cướp-bóc lâu ngày” (Đa-ni-ên 11:32b, 33). Các tín đồ đấng Christ sống dưới quyền vua phương bắc, dù “vâng-phục các đấng cầm quyền” một cách đúng đắn, nhưng vẫn không hề thuộc về thế gian này (Rô-ma 13:1; Giăng 18:36). Họ thận trọng trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa, và cũng trả “cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:21). Chính vì điều này, lòng trung kiên của họ bị thách thức (II Ti-mô-thê 3:12).
17 Kết quả ra sao? Họ vừa ‘chiến thắng’ vừa ‘ngã’. Họ ngã theo nghĩa là họ bị bắt bớ dữ dội, bị đau khổ cùng cực, một số thậm chí bị giết. Nhưng họ chiến thắng theo nghĩa phần lớn họ giữ được lòng trung thành. Vâng, họ đã thắng thế gian cũng như Chúa Giê-su đã thắng thế gian vậy (Giăng 16:33). Hơn nữa, họ không bao giờ ngừng rao giảng ngay cả khi ở trong tù hoặc trại tập trung. Làm như vậy, họ đã ‘dạy-dỗ nhiều người’. Bất chấp sự bắt bớ, ở phần lớn các nước do vua phương bắc cai trị, con số Nhân-chứng Giê-hô-va vẫn gia tăng. Nhờ sự trung thành của “những kẻ khôn-sáng”, đám đông “vô-số người” ngày một gia tăng đã xuất hiện trên các phần đất này (Khải-huyền 7:9-14).
18. Những người được xức dầu còn sót lại sống dưới vua phương bắc được “cứu một ít” như thế nào?
18 Nói về sự bắt bớ dân sự của Đức Chúa Trời, thiên sứ tiên tri: “Nhưng trong khi họ sa-ngã, họ cũng sẽ được cứu một ít” (Đa-ni-ên 11:34a). Điều này xảy ra như thế nào? Một điều là sự chiến thắng của vua phương nam trong Thế Chiến II đã đem lại sự nhẹ nhõm lớn cho tín đồ đấng Christ sống dưới quyền vua đối nghịch. (So sánh Khải-huyền 12:15, 16). Rồi những người bị vua kế vị bắt bớ thỉnh thoảng cũng được thấy nhẹ nhõm, và khi Chiến tranh lạnh giảm đi, nhiều lãnh tụ nhận ra rằng tín đồ đấng Christ trung thành không phải là mối đe dọa, nên họ cho hợp pháp hóa.c Họ cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ, do sự gia tăng lớn mạnh của đám đông, những người hưởng ứng sự rao giảng trung thành của những người xức dầu cùng giúp đỡ họ, như Ma-thi-ơ 25:34-40 diễn tả.
Một sự tẩy sạch cho dân sự của Đức Chúa Trời
19. a) Một số người “lấy lời nịnh-hót mà theo họ” như thế nào? b) Câu “cho đến kỳ sau-rốt” có nghĩa gì? (Xem cước chú).
19 Không phải mọi người chú ý đến việc phụng sự Đức Chúa Trời trong thời gian này đều có động lực tốt. Thiên sứ cảnh cáo: “Nhiều kẻ sẽ lấy lời nịnh-hót mà theo họ. Trong những kẻ khôn-sáng sẽ có mấy người sa-ngã, hầu cho luyện-lọc chúng nó, làm cho tinh-sạch và trắng, cho đến kỳ sau-rốt, vì việc đó còn có kỳ nhứt-định”d (Đa-ni-ên 11:34b, 35). Một số người chú ý đến lẽ thật nhưng không thật sự muốn dâng mình phụng sự Đức Chúa Trời. Những người khác có vẻ chấp nhận tin mừng nhưng thật ra là gián điệp của chính quyền. Một phúc trình từ một quốc gia viết: “Một số người vô lương tâm này tự nhận là Cộng sản đã len lỏi vào tổ chức của Chúa, tỏ ra hết sức nhiệt thành và ngay cả từng được bổ nhiệm địa vị cao để phục vụ”.
20. Tại sao Đức Giê-hô-va để cho một số tín đồ đấng Christ trung thành “sa-ngã” vì những kẻ len lỏi giả hình?
20 Những kẻ len lỏi này đã khiến một số người trung thành rơi vào tay các nhà cầm quyền. Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép những điều như vậy xảy ra? Để luyện lọc và tẩy sạch. Giống như Chúa Giê-su đã “học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”, những người trung thành này cũng tập chịu đựng từ sự thử thách đức tin của họ (Hê-bơ-rơ 5:8; Gia-cơ 1:2, 3; so sánh Ma-la-chi 3:3). Do đó, họ được ‘luyện-lọc, tinh-sạch và trắng’. Sự vui mừng lớn lao chờ đợi những người trung thành ấy, khi đến kỳ định họ sẽ được thưởng về lòng chịu đựng của họ. Chúng ta sẽ thấy điều này khi thảo luận thêm về lời tiên tri của Đa-ni-ên.
[Chú thích]
a Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản, và được ra mắt bằng tiếng Anh năm 1958 tại Hội nghị Quốc tế của Nhân-chứng Giê-hô-va “Ý định Đức Chúa Trời”.
b Tờ báo World Press Review, số ra tháng 11-1992, đăng một bài từ báo The Toronto Star nói rằng: “Trong nhiều năm qua, dân Nga đã thấy cả chục ảo tưởng về lịch sử quốc gia họ trước kia bất khả xâm phạm, nhưng sự thật đã sụp đổ. Sự tiết lộ về việc giáo hội hợp tác với chế độ cộng sản làm người ta hoàn toàn thất vọng hơn hết”.
c Xem Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-7-1991, trang 8-11.
d “Cho đến kỳ sau-rốt” có thể có nghĩa “trong thời kỳ sau rốt”. Chữ “cho đến” xuất hiện trong đoạn văn A-ram nơi Đa-ni-ên 7:25 và có nghĩa “trong” hay “vào”. Chữ này cũng có cùng nghĩa đó trong đoạn văn Hê-bơ-rơ nơi II Các Vua 9:22, Gióp 20:5 và Các Quan Xét 3:26. Tuy nhiên, trong phần lớn các bản dịch, chữ này được dịch là “cho đến” nơi Đa-ni-ên 11:35, và nếu đây là cách hiểu câu này đúng đắn, thì “kỳ sau-rốt” tất phải là thời kỳ cuối cùng của sự nhịn nhục của dân Đức Chúa Trời. (So sánh “Ý Cha được thực hiện trên đất”, trang 286).
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao ngày nay chúng ta nên chờ đợi để hiểu lời tiên tri của Đa-ni-ên rõ hơn?
◻ Vua phương bắc ‘tức giận và hành động hữu hiệu’ như thế nào?
◻ Lớp đầy tớ thấy trước thế nào sự tái xuất hiện của “sự gớm-ghiếc”?
◻ Những người xức dầu còn sót lại đã ‘ngã, chiến thắng và được cứu một ít’ như thế nào?