Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Đa-ni-ên
“SÁCH Đa-ni-ên là một trong những quyển sách lý thú nhất của Kinh Thánh”. Đó là nhận xét của cuốn Holman Illustrated Bible Dictionary (Từ điển Kinh Thánh có minh họa của Holman). Từ điển ấy cho biết thêm: “Những trang sách này chứa đựng các chân lý bất hủ”. Sách Đa-ni-ên kể về những sự kiện từ năm 618 TCN, khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa của xứ Ba-by-lôn đến bao vây thành Giê-ru-sa-lem. Ông bắt nhiều người trong “con-cái Y-sơ-ra-ên” đi đày sang Ba-by-lôn. (Đa-ni-ên 1:1-3) Trong số đó có Đa-ni-ên, lúc bấy giờ có lẽ đang ở tuổi vị thành niên. Đa-ni-ên vẫn còn ở Ba-by-lôn khi lời tường thuật kết thúc. Bấy giờ, ông đã gần 100 tuổi và Đức Chúa Trời hứa với ông rằng: “Ngươi sẽ nghỉ-ngơi; và đến cuối-cùng những ngày, ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”.—Đa-ni-ên 12:13.
Sách này do Đa-ni-ên viết. Phần đầu là lời tường thuật theo trình tự thời gian và được viết ở ngôi thứ ba, còn phần sau thì được viết ở ngôi thứ nhất. Sách ghi lại các lời tiên tri về sự cường thịnh và suy tàn của một số cường quốc, thời điểm Đấng Mê-si xuất hiện cũng như các biến cố sẽ xảy đến trong thời chúng ta.a Nhìn lại cuộc đời của mình, nhà tiên tri lão thành Đa-ni-ên cũng ghi lại một số sự kiện mà chính ông đã trải qua. Chúng ta được khuyến khích tiếp tục giữ lòng trung kiên nhờ những sự kiện này. Thông điệp của sách Đa-ni-ên thật là lời sống và linh nghiệm.—Hê-bơ-rơ 4:12.
LỜI TƯỜNG THUẬT THEO TRÌNH TỰ THỜI GIAN DẠY CHÚNG TA BÀI HỌC NÀO?
Bấy giờ là năm 617 TCN. Đa-ni-ên và ba người bạn ông là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô đang phục vụ ở cung vua Ba-by-lôn. Trong ba năm đầu, tuy phải học về phong tục và văn hóa người Ba-by-lôn nhưng họ vẫn giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Khoảng tám năm sau, Vua Nê-bu-cát-nết-sa nằm mơ thấy chiêm bao. Đa-ni-ên thuật lại và giải thích giấc chiêm bao ấy, khiến vua nhận biết rằng Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín-nhiệm”. (Đa-ni-ên 2:47) Tuy nhiên, không bao lâu sau, dường như Nê-bu-cát-nết-sa đã quên bài học đó. Khi ba người bạn của Đa-ni-ên không chịu thờ lạy pho tượng khổng lồ, vua ra lệnh quăng họ vào lò lửa. Thế nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu họ, và Vua Nê-bu-cát-nết-sa buộc phải nhìn nhận rằng “không có thần nào khác có thể giải-cứu được thể nầy”.—Đa-ni-ên 3:29.
Trong một giấc chiêm bao khác, Nê-bu-cát-nết-sa nhìn thấy một cây cao lớn lạ thường. Cây này bị đốn và xiềng gốc lại để nó không lớn lên được. Đa-ni-ên cũng giải nghĩa giấc chiêm bao ấy. Giấc mơ này đã được ứng nghiệm phần nào khi Nê-bu-cát-nết-sa bị mất trí và rồi được hồi phục. Nhiều thập kỷ sau, Vua Bên-xát-sa tổ chức một bữa tiệc linh đình để đãi các quan đại thần, và ông đã bất kính khi uống rượu bằng các ly chén lấy từ đền thờ Đức Giê-hô-va. Ngay đêm đó, Vua Bên-xát-sa bị giết. Rồi Đa-ri-út người Mê-đi nhận được nước Ba-by-lôn. (Đa-ni-ên 5:30, 31) Dưới triều Đa-ri-út, các quan chức ghen tức âm mưu hãm hại Đa-ni-ên. Lúc ấy Đa-ni-ên đã hơn 90 tuổi. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va cứu ông “khỏi quyền-thế sư-tử”.—Đa-ni-ên 6:27.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:11-15—Có phải nhờ chế độ ăn rau mà sắc mặt của bốn chàng thanh niên Hê-bơ-rơ trông khỏe mạnh hơn không? Không. Không có chế độ kiêng cữ nào có thể mang lại kết quả như thế chỉ trong mười ngày. Các chàng thanh niên này trông khỏe mạnh hơn, đó là nhờ Đức Giê-hô-va ban phước cho họ vì họ đặt lòng tin nơi Ngài.—Châm-ngôn 10:22.
2:1—Vào năm nào Vua Nê-bu-cát-nết-sa nằm chiêm bao thấy một pho tượng to lớn? Theo lời tường thuật, đó là vào “năm thứ hai đời vua Nê-bu-cát-nết-sa”. Vì Nê-bu-cát-nết-sa làm vua năm 624 TCN nên năm thứ hai đời ông phải là năm 623 TCN—tức là nhiều năm trước khi ông xâm chiếm Giu-đa. Nếu đúng như vậy, Đa-ni-ên không thể có mặt ở Ba-by-lôn để giải nghĩa giấc chiêm bao của vua. Vì thế, “năm thứ hai đời vua Nê-bu-cát-nết-sa” hẳn phải tính từ năm 607 TCN, khi vua Ba-by-lôn hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và trở thành bá chủ thế giới.
2:32, 39—Nước tượng trưng bởi phần bằng bạc của pho tượng thua kém nước tượng trưng bởi đầu bằng vàng theo nghĩa nào? Tương tự, nước tượng trưng bởi phần bằng đồng thua kém nước tượng trưng bởi phần bằng bạc như thế nào? Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ, tức phần bằng bạc, thua kém đầu bằng vàng là Ba-by-lôn vì không phải là công cụ Đức Chúa Trời dùng để trừng phạt Giu-đa. Đế quốc kế tiếp là Hy Lạp, được tượng trưng bởi phần bằng đồng. Đế quốc này còn thua kém hơn Mê-đi Phe-rơ-sơ, giống như đồng kém giá trị hơn bạc. Đó là vì Đế Quốc Hy Lạp tuy có lãnh thổ rộng lớn hơn nhưng không có đặc ân được Đức Chúa Trời dùng để giải cứu dân Ngài.
4:8, 9—Đa-ni-ên có trở thành một thuật sĩ hay một người làm phù phép không? Không. Khi nói Đa-ni-ên là “người làm đầu các thuật-sĩ”, Kinh Thánh chỉ muốn nói đến chức vụ “làm đầu các quan cai những bác-sĩ [“nhà thông thái”, Bản Dịch Mới] của Ba-by-lôn”.—Đa-ni-ên 2:48.
4:10, 11, 20-22—Cây cao lớn lạ thường trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa tượng trưng cho điều gì? Trước tiên, cây này tượng trưng cho quyền cai trị của Nê-bu-cát-nết-sa ở vị thế bá chủ thế giới. Tuy nhiên, vì quyền cai trị đó lan rộng “đến đầu-cùng đất”, nên cây ấy tượng trưng cho một điều gì khác quan trọng hơn nhiều. Đa-ni-ên 4:17 cho thấy giấc chiêm bao này có liên quan đến quyền cai trị của “Đấng Rất Cao” trên nhân loại. Vì thế, cây ấy cũng tượng trưng cho quyền cai trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va, đặc biệt là quyền cai trị khắp đất. Vậy, giấc chiêm bao ứng nghiệm hai lần: một là cho quyền cai trị của Nê-bu-cát-nết-sa và một là cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va.
4:16, 23, 25, 32, 33—“Bảy kỳ” kéo dài bao lâu? “Bảy kỳ” không phải là bảy ngày theo nghĩa đen, vì cần nhiều thời gian hơn thì diện mạo Vua Nê-bu-cát-nết-sa mới thay đổi. Trong trường hợp này, “bảy kỳ” tương đương với bảy năm, một năm 360 ngày, nên tổng cộng là 2.520 ngày. Trong lần ứng nghiệm liên quan đến quyền thống trị Đức Giê-hô-va, “bảy kỳ” tương đương 2.520 năm. (Ê-xê-chi-ên 4:6, 7) “Bảy kỳ” này bắt đầu khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 607 TCN và chấm dứt khi Chúa Giê-su được tấn phong làm Vua trên trời vào năm 1914 CN.—Lu-ca 21:24.
6:6-10—Vì việc cầu nguyện Đức Giê-hô-va không đòi hỏi phải có tư thế đặc biệt nào, chẳng phải khôn ngoan hơn nếu Đa-ni-ên kín đáo cầu nguyện trong thời hạn 30 ngày? Mọi người đều biết thói quen của Đa-ni-ên là cầu nguyện một ngày ba lần. Chính vì thế, những kẻ thù của Đa-ni-ên lập mưu xin vua ban chiếu chỉ cấm cầu nguyện với bất cứ ai khác ngoài vua. Nếu Đa-ni-ên thay đổi bất cứ điều gì trong thói quen cầu nguyện, người khác sẽ nghĩ ông đã nhượng bộ và không còn hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va nữa.
Bài học cho chúng ta:
1:3-8. Việc Đa-ni-ên và ba người bạn một mực giữ trung thành với Đức Giê-hô-va nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cha mẹ dạy dỗ con cái. Khi các bậc cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống và dạy con cái họ làm thế, các con họ có thể có đủ nghị lực để kháng cự bất cứ cám dỗ và áp lực mà chúng gặp ở trường hoặc ở nơi khác.
1:10-12. Đa-ni-ên hiểu rằng “người làm đầu hoạn-quan” sợ vua nên không khăng khăng đòi ông ấy chấp thuận lời thỉnh cầu. Thế nhưng sau đó, Đa-ni-ên đến gặp người “coi-sóc”, là vị quan có thể dễ thông cảm hơn. Khi gặp tình huống khó khăn, chúng ta nên hành động một cách có suy nghĩ, sáng suốt và khôn ngoan như thế.
2:29, 30. Nhờ tận dụng mọi sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm huấn luyện chúng ta, có lẽ chúng ta đã thu thập được nhiều kiến thức, rèn luyện được những đức tính và kỹ năng quý giá. Như Đa-ni-ên, chúng ta nên nhìn nhận rằng mọi thành quả này đều là nhờ Đức Giê-hô-va ban cho.
3:16-18. Nếu trước đây ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ từng nhượng bộ những đòi hỏi của vua về việc ăn uống, thì giờ đây họ khó có thể trả lời vua một cách cương quyết như thế. Chúng ta cũng nên cố gắng “trung-tín trong mọi việc”.—1 Ti-mô-thê 3:11.
4:24-27. Đa-ni-ên đã thể hiện đức tin và lòng can đảm khi ông cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa biết về những điều sẽ xảy đến và những gì vua phải làm để “sự bình-an vua còn có thể lâu dài hơn”. Chúng ta cũng cần có đức tin và lòng can đảm như thế để rao truyền thông điệp Nước Trời, vì thông điệp ấy bao gồm cả sự phán xét của Đức Chúa Trời.
5:30, 31. ‘Lời thí-dụ nói về vua Ba-by-lôn’ đã thành hiện thực. (Ê-sai 14:3, 4, 12-15) Vì có tính kiêu ngạo như các vua Ba-by-lôn, Sa-tan Ma-quỉ cũng phải chịu một kết cuộc nhục nhã.—Đa-ni-ên 4:30; 5:2-4, 23.
CÁC SỰ HIỆN THẤY CỦA ĐA-NI-ÊN CHO CHÚNG TA BIẾT GÌ?
Khi Đa-ni-ên nhận được sự hiện thấy đầu tiên qua một giấc mơ vào năm 553 TCN, ông đã ngoài 70 tuổi. Đa-ni-ên nhìn thấy bốn con thú khổng lồ tượng trưng cho các cường quốc thế giới đã nối tiếp nhau từ thời ông đến tận thời chúng ta. Ông cũng nhìn thấy một cảnh ở trên trời, có “một người giống như con người” được ban cho “quyền-thế đời đời”. (Đa-ni-ên 7:13, 14) Hai năm sau, Đa-ni-ên nhận được một sự hiện thấy liên quan đến Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy Lạp và một nhân vật sẽ trở thành ‘một vua có bộ mặt hung-dữ’.—Đa-ni-ên 8:23.
Bấy giờ là năm 539 TCN. Nước Ba-by-lôn đã sụp đổ, và Đa-ri-út người Mê-đi trở thành nhà cai trị cả vương quốc ấy. Đa-ni-ên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về việc thiết lập lại xứ sở của ông. Trong khi Đa-ni-ên đang cầu nguyện, Đức Giê-hô-va sai thiên sứ Gáp-ri-ên xuống để ban cho ông “sự khôn-ngoan và thông-sáng” liên quan đến việc Đấng Mê-si sẽ đến. (Đa-ni-ên 9:20-25) Thời gian trôi qua, đến năm 536/535 TCN, một nhóm người Do Thái đã trở về Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, công việc xây dựng lại đền thờ gặp chống đối. Điều đó khiến Đa-ni-ên rất lo lắng. Ông tha thiết cầu nguyện về vấn đề này, và Đức Giê-hô-va sai một thiên sứ cấp bậc cao đến với ông. Sau khi khuyến khích và thêm sức cho Đa-ni-ên, thiên sứ cho ông biết lời tiên tri về cuộc tranh giành quyền lực giữa vua phương bắc và vua phương nam. Cuộc xung đột của hai vua này kéo dài từ khi bốn tướng của A-léc-xan-đơ Đại Đế phân chia vương quốc của ông cho đến khi Quan Trưởng Lớn Mi-ca-ên “chỗi-dậy”.—Đa-ni-ên 12:1.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
8:9—“Đất vinh-hiển” tượng trưng cho điều gì? Trong câu này, “đất vinh-hiển” tượng trưng cho tình trạng của các tín đồ Đấng Christ được xức dầu khi còn ở trên đất trong thời cường quốc thế giới Anh-Mỹ.
8:25—Ai là “vua của các vua”? Từ Hê-bơ-rơ sar được dịch là “vua”, về cơ bản có nghĩa là “thủ lĩnh” hoặc “người lãnh đạo”. Trong câu này, tước hiệu “vua của các vua” chỉ về Giê-hô-va Đức Chúa Trời—Đấng Lãnh Đạo các thiên sứ, kể cả “Mi-ca-ên là một trong các quan-trưởng đầu nhứt”.—Đa-ni-ên 10:13.
9:21—Tại sao Đa-ni-ên dùng từ “người” để nói đến thiên sứ Gáp-ri-ên? Đó là vì thiên sứ Gáp-ri-ên mặc lấy hình người khi đến với Đa-ni-ên. Trong sự hiện thấy trước đó, thiên sứ cũng đã từng hiện ra như thế.—Đa-ni-ên 8:15-17.
9:27—Giao ước nào vẫn “vững-bền với nhiều người” đến cuối 70 tuần lễ năm, tức năm 36 CN? Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh vào năm 33 CN, giao ước Luật Pháp đã bị bãi bỏ. Như vậy, giao ước vẫn “vững-bền” là giao ước với Áp-ra-ham. Giao ước này có hiệu lực đối với dân Y-sơ-ra-ên đến năm 36 CN. Đức Giê-hô-va tiếp tục ưu đãi dân này thêm một thời gian vì họ là con cháu Áp-ra-ham. Sau đó, giao ước Áp-ra-ham tiếp tục có hiệu lực đối với “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, là những người được xức dầu.—Ga-la-ti 3:7-9, 14-18, 29; 6:16.
Bài học cho chúng ta:
9:1-23; 10:11. Vì khiêm nhường, có lòng tinh kính, siêng năng học hỏi và bền lòng cầu nguyện, nên Đa-ni-ên là người “được yêu-quí lắm”. Những đức tính này giúp ông trung thành với Đức Giê-hô-va đến cuối cuộc đời. Chúng ta hãy quyết tâm noi gương Đa-ni-ên!
9:17-19. Khi cầu xin cho thế giới mới của Đức Chúa Trời mau đến, “là nơi sự công-bình ăn-ở”, điều chúng ta mong muốn trước nhất là danh Đức Giê-hô-va được thánh và quyền cai trị của Ngài được biện minh, chứ không phải là được thoát khỏi những khó khăn và đau khổ.—2 Phi-e-rơ 3:13.
10:9-11, 18, 19. Noi theo gương thiên sứ đã đến giúp Đa-ni-ên, chúng ta nên khuyến khích và hỗ trợ lẫn nhau bằng những lời an ủi và việc làm thiết thực.
12:3. Trong những ngày sau rốt, “những kẻ khôn-sáng”—các tín đồ được xức dầu—“chiếu sáng như đuốc trong thế-gian” và “dắt-đem nhiều người về sự công-bình”, trong đó có cả đám đông “vô-số người” thuộc các “chiên khác”. (Phi-líp 2:15; Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Những người được xức dầu sẽ hoàn toàn ‘chiếu sáng như các ngôi sao’ trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Khi ấy, họ cùng với Chúa Giê-su giúp nhân loại trên đất, những người biết vâng lời, nhận được lợi ích trọn vẹn từ giá chuộc. “Chiên khác” nên trung thành hợp tác với lớp người được xức dầu, hết lòng ủng hộ họ.
Đức Giê-hô-va ‘ban phước cho những kẻ kính-sợ Ngài’
Sách Đa-ni-ên cho biết điều gì về Đức Chúa Trời, Đấng mà chúng ta thờ phượng? Những lời tiên tri đã ứng nghiệm và sắp ứng nghiệm cho chúng ta thấy một hình ảnh sống động về Đức Giê-hô-va, Ngài là Đấng luôn hoàn thành lời hứa!—Ê-sai 55:11.
Còn phần tường thuật của sách Đa-ni-ên cho biết gì về Đức Chúa Trời? Ngài ban ‘sự thông-biết, học-thức và sự khôn-ngoan’ cho bốn chàng trai trẻ Hê-bơ-rơ, những người đã không để cho lối sống ở hoàng cung Ba-by-lôn đồng hóa họ. (Đa-ni-ên 1:17) Đức Chúa Trời thật đã sai thiên sứ đến giải cứu Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô khỏi lò lửa hực. Đa-ni-ên được cứu khỏi hang sư tử. Đức Giê-hô-va quả thật ‘là sự tiếp-trợ và cái khiên của những ai nhờ-cậy nơi Ngài’, và ‘ban phước cho những kẻ kính-sợ Ngài’.—Thi-thiên 115:9, 13.
[Chú thích]
a Cuốn Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, phân tích sách Đa-ni-ên theo từng câu một.
[Hình nơi trang 18]
Tại sao Đa-ni-ên là người “được yêu-quí lắm”?