Trông mong cho ngày của Đức Giê-hô-va mau đến
“Trong trũng đoán-định, ngày Đức Giê-hô-va đã gần” (GIÔ-ÊN 3:14).
1. Tại sao thánh chiến sắp xảy ra mà Đức Chúa Trời tuyên bố sẽ khác với những “thánh” chiến của nhân loại?
HÃY hô điều này giữa các nước: Hãy xung vào thánh chiến!” (Yôel 4 9 [Giô-ên 3:9], Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Có phải điều này có nghĩa chiến tranh là thánh không? Nhìn lại những trận Thập tự chiến, các chiến tranh tôn giáo, và hai thế chiến—trong đó những tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đóng vai trò chính—chúng ta cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến “thánh” chiến. Tuy nhiên, thánh chiến theo lời tiên tri của Giô-ên không phải là cuộc chiến tranh giữa các nước. Nó không phải là một cuộc tranh đấu đầy hận thù để tranh giành lãnh thổ hay chiếm đoạt tài sản, nhưng dùng tôn giáo làm lý do để bào chữa. Đây là một cuộc chiến tranh công bình, cuộc chiến tranh của Đức Chúa Trời để tẩy sạch trái đất khỏi sự tham lam, xung đột, tham nhũng và áp bức. Nó sẽ biện minh cho quyền thống trị chính đáng của Đức Giê-hô-va trên toàn thể lãnh vực sáng tạo của Ngài. Cuộc chiến tranh đó sẽ dọn sạch đường để Nước của đấng Christ đưa nhân loại vào Thời đại một ngàn năm hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc trên toàn thế giới mà các tiên tri của Đức Chúa Trời đã báo trước (Thi-thiên 37:9-11; Ê-sai 65:17, 18; Khải-huyền 20:6).
2, 3. a) “Ngày Đức Giê-hô-va” được tiên tri nơi Giô-ên 3:14 là gì? b) Tại sao các nước đáng bị những gì mà họ phải gánh chịu trong ngày đó?
2 Vậy thì “ngày Đức Giê-hô-va” được báo trước nơi Giô-ên 3:14 là gì? Chính Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ôi ngày ấy! vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai-vạ thả ra bởi Đấng Toàn-năng”. Tại sao nó lại là một tai vạ? Nhà tiên tri sau đó giải thích: “Đoàn đông dường nào, đoàn đông dường nào tại trũng đoán-định! Vì trong trũng đoán-định, ngày Đức Giê-hô-va đã gần” (Giô-ên 1:15; 3:14). Đây là ngày mà Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét nghịch lại những đoàn người không màng đến Đức Chúa Trời và từ chối quyền thống trị chính đáng của Ngài ở trên trời cũng như dưới đất. Đức Giê-hô-va quyết định hủy diệt hệ thống mọi sự của Sa-tan đã từ lâu kềm kẹp nhân loại (Giê-rê-mi 17:5-7; 25:31-33).
3 Hệ thống thối nát trên trái đất phải gánh chịu quyết định đó. Nhưng hệ thống thế gian có thật sự xấu xa như vậy không? Người ta chỉ cần nhìn những chuyện đã xảy ra trong thế gian là đủ biết! Giê-su đưa ra một nguyên tắc nơi Ma-thi-ơ 7:16: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được”. Phải chăng các thành phố lớn trên thế giới trở thành những nơi ô uế đầy ma túy, tội ác, khủng bố, vô luân, và ô nhiễm hay sao? Nhiều nước mới đạt được tự do lại rơi vào tình trạng rối loạn về chính trị, đói kém và nghèo khổ. Hơn một tỉ người sống trong tình trạng thiếu kém lương thực. Thêm vào đó, ma túy và lối sống vô luân làm bệnh dịch miễn kháng (AIDS / SIDA) càng gia tăng khiến một phần lớn dân cư trên đất sống trong sự lo sợ. Đặc biệt từ khi Thế Chiến thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, mọi lãnh vực của đời sống con người suy đồi trên phạm vi toàn thế giới. (So sánh II Ti-mô-thê 3:1-5).
4. Đức Giê-hô-va thách thức các nước điều gì?
4 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã và đang gom góp lại người người từ mọi nước thành một dân tộc vui mừng chấp nhận sự dạy dỗ về đường lối Ngài và đi trong các nẻo Ngài. Trên toàn thế giới những người này lấy gươm rèn lưỡi cày và từ bỏ những đường lối hung bạo của thế gian (Ê-sai 2:2-4). Đúng vậy, lấy gươm rèn lưỡi cày! Tuy nhiên, đây có phải là điều ngược hẳn tiếng hô mà Đức Giê-hô-va khiến người ta công bố nơi Giô-ên 3:9, 10 không? Nơi đó chúng ta đọc thấy: “Hãy rao điều này ra giữa các nước: Khá sắm-sửa sự đánh giặc, giục lòng những người mạnh-bạo dấy lên. Hết thảy những lính-chiến khá sấn tới, và xông vào trận! Hãy lấy lưỡi cày rèn gươm, lấy liềm rèn giáo”. Ở đây Đức Giê-hô-va thách đố những kẻ cầm quyền trên thế giới dồn hết sức mạnh quân sự của họ lại để chống trả với Ngài tại Ha-ma-ghê-đôn. Nhưng họ không thể nào thành công được! Họ hoàn toàn phải bị bại trận! (Khải-huyền 16:16).
5. Sẽ có những hậu quả gì khi “nho ở dưới đất” bị hái?
5 Những kẻ cai trị có uy quyền lớn khinh thường Đức Chúa Tối thượng Giê-hô-va, họ xây những kho chứa đầy vũ khí khủng khiếp—nhưng đều vô ích! Nơi Giô-ên 3:13 Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã chín. Hãy đến, hãy đạp, vì bàn ép đã đầy; các thùng đã tràn, vì tội-ác chúng nó là lớn”. Những lời này tương đương với Khải-huyền 14:18-20, ở đó một vị thiên sứ cầm lưỡi liềm bén được lệnh “hái những chùm nho ở dưới đất đi, vì nho đã chín rồi”. Vị thiên sứ tra lưỡi liềm sắc bén và quăng những kẻ thách thức Ngài “vào thùng lớn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”. Theo nghĩa bóng, máu trong thùng chảy ra cao đến cương ngựa và lan ra một quãng dài một ngàn sáu trăm dặm—khoảng 300 km! Thật là một cảnh khủng khiếp biết bao cho những kẻ làm ô danh Đức Giê-hô-va!
Công dân tôn trọng luật pháp
6. Nhân-chứng Giê-hô-va có thái độ gì đối với các nước và những nhà cầm quyền của họ?
6 Phải chăng điều này có nghĩa là Nhân-chứng Giê-hô-va không tôn trọng nhà nước và các bậc cầm quyền của họ hay sao? Hoàn toàn không phải như vậy! Họ chỉ đau buồn nhìn thấy sự thối nát mà mọi người đều thấy rõ ràng và họ báo cho mọi người biết ngày Đức Giê-hô-va đang đến gần một cách nhanh chóng để thi hành quyết định của Ngài. Đồng thời, họ khiêm tốn làm theo lời của sứ đồ Phao-lô nơi Rô-ma 13:1: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình”. Nhân-chứng Giê-hô-va kính trọng những người cầm quyền, nhưng không tôn thờ họ. Họ là những công dân tôn trọng luật pháp, họ theo các tiêu chuẩn của Kinh-thánh về sự lương thiện, chân thật, và sạch sẽ và giúp gia đình riêng của họ theo những nguyên tắc đạo đức cao. Họ giúp đỡ những người khác học cách để họ cũng có thể làm như vậy. Họ sống hòa thuận với mọi người, họ không tham gia vào những cuộc biểu tình và cách mạng chính trị. Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng làm gương trong việc tôn trọng luật pháp của những nhà cầm quyền trên mình, trong khi họ chờ đợi Đấng Cầm quyền Tối cao, tức Đức Chúa Tối thượng Giê-hô-va, đem lại hòa bình thật sự và chính phủ công bình cho trái đất này.
Thi hành quyết định của Ngài
7, 8. a) Các nước bị rúng động và bị tối tăm bao phủ như thế nào? b) Giô-ên là hình bóng tượng trưng cho ai ngày nay, và khác hẳn với thế gian nói chung, lớp người này được ân phước nào?
7 Dùng ngôn ngữ bóng bẩy sống động, Đức Giê-hô-va miêu tả thêm về sự thi hành quyết định của Ngài: “Mặt trời và mặt trăng tối-tăm, các ngôi sao thâu sự sáng lại. Đức Giê-hô-va gầm-thét từ Si-ôn; Ngài làm cho vang tiếng mình ra từ Giê-ru-sa-lem; các từng trời và đất đều rúng-động. Nhưng Đức Giê-hô-va là nơi ẩn-náu cho dân mình, là đồn-lũy cho con-cái Y-sơ-ra-ên”. (Giô-ên 3:15, 16). Hoàn cảnh có vẻ tươi sáng, thịnh vượng của nhân loại sẽ trở nên sầu thảm, cho thấy trước là hoạn nạn sắp đến, và hệ thống thế gian chia rẽ này sẽ bị rúng động đưa đến sự tan vỡ, như bị sụp đổ bởi một trận động đất lớn! (A-ghê 2:20-22).
8 Hãy lưu ý đến sự cam đoan mang vui mừng là Đức Giê-hô-va sẽ là nơi ẩn náu và đồn lũy cho dân Ngài! Tại sao thế? Bởi vì họ là dân tộc duy nhất—một dân tộc quốc tế—đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giê-hô-va: “Các ngươi sẽ biết ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Giô-ên 3:17). Vì tên của Giô-ên có nghĩa “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời”, ông là hình bóng thích hợp cho các Nhân-chứng Giê-hô-va được xức dầu hiện đại, là những người bạo dạn công bố quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. (So sánh Ma-la-chi 1:11). Trở lại những lời mở đầu của sách tiên tri Giô-ên, chúng ta sẽ thấy ông báo trước hoạt động của dân Đức Chúa Trời hiện nay một cách sống động như thế nào.
Đàn cào cào
9, 10. a) Giô-ên báo trước tai vạ gì? b) Sách Khải-huyền lặp lại lời tiên tri của Giô-ên về một tai vạ như thế nào, và tai vạ này có ảnh hưởng gì đến những đạo tự xưng theo đấng Christ?
9 Bây giờ hãy lắng nghe “lời Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-ên: Hỡi kẻ già-cả, hãy nghe điều này! Các ngươi hết thảy là dân-cư trong đất, hãy lắng tai! Há có sự gì như vậy đã xảy đến trong ngày các ngươi, hay là trong ngày tổ-phụ các ngươi sao? Hãy kể chuyện nầy lại cho con-cái các ngươi; con-cái các ngươi kể cho con-cái chúng nó, con-cái chúng nó kể cho dòng-dõi nối theo. Cái gì sâu keo còn để lại, cào-cào ăn; cái gì cào-cào còn để lại, sâu lột vỏ ăn; cái gì sâu lột vỏ còn để lại, châu-chấu ăn” (Giô-ên 1:1-4).
10 Đây là một chiến dịch khác thường, sẽ được tưởng nhớ đến mãi mãi. Từng làn sóng sâu bọ, nổi bật nhất là cào cào, hủy diệt đất đai. Điều này có nghĩa gì? Khải-huyền 9:1-12 cũng nói đến Đức Giê-hô-va phái đến một tai vạ cào cào dưới quyền “vua đứng đầu, là sứ-giả của vực sâu”, không ai khác hơn là Giê-su Christ. Tên ngài là A-ba-đôn (tiếng Hê-bơ-rơ) và A-bô-ly-ôn (tiếng Hy Lạp) có nghĩa là “Sự hủy diệt” và “Đấng hủy diệt”. Những con cào cào này tượng trưng cho lớp tín đồ đấng Christ xức dầu còn sót lại. Hiện nay trong ngày của Chúa, những người này xông pha đi tàn phá những cánh đồng cỏ của các đạo tự xưng theo đấng Christ bằng cách hoàn toàn vạch trần tôn giáo giả và công bố sự báo thù của Đức Giê-hô-va đối với tôn giáo giả.
11. Đàn cào cào hiện đại được tăng cường ra sao, và họ đặc biệt tấn công ai?
11 Như Khải-huyền 9:13-21 cho biết, một tai vạ lớn gây ra bởi đạo binh kỵ mã tiếp theo tai vạ cào cào. Ngày nay điều này thật đúng làm sao vì vài ngàn tín đồ đấng Christ xức dầu còn sót lại được hơn bốn triệu “chiên khác” tăng cường và cùng nhau họ hợp thành một đạo binh kỵ mã không ai có thể chống lại được! (Giăng 10:16). Họ hợp nhất trong việc công bố sự phán xét làm đau nhói của Đức Giê-hô-va đối với những người thờ hình tượng của các đạo tự xưng theo đấng Christ và những người “không ăn-năn những tội giết người, tà-thuật, gian-dâm, trộm-cướp của mình nữa”. Giới giáo phẩm—cả Công giáo lẫn Tin lành—đã tích cực ủng hộ những cuộc chiến tranh giết người trong thế kỷ này, cũng như những tu sĩ hãm hiếp trẻ em và những người vô luân giảng đạo trên vô tuyến truyền hình, đều ở trong số những người phải nghe những thông điệp kết án này.
12. Tại sao những kẻ lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đáng bị lên án, và điều gì sắp xảy ra cho chúng cùng với tất cả những người thuộc Ba-by-lôn Lớn?
12 Đối với những thầy tu trụy lạc dường ấy, lời gọi của Đức Giê-hô-va vang to: “Hỡi kẻ say-sưa, hãy thức dậy và khóc lóc! Hỡi các ngươi hết thảy là kẻ hay uống rượu, hãy than-vãn vì cớ rượu ngọt đã bị cất khỏi miệng các ngươi!” (Giô-ên 1:5). Trong thế kỷ 20 này, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ thay thế các nguyên tắc đạo đức trong sạch của Lời Đức Chúa Trời bằng sự phóng túng của thế gian. Tôn giáo giả và những người theo tôn giáo đó có vẻ vui thích hấp thụ đường lối của thế gian, nhưng họ gặt hái biết bao bệnh tật về thiêng liêng và thể xác! Như đã được miêu tả nơi Khải-huyền 17:16, 17, chẳng bao lâu nữa “ý-muốn” của Đức Chúa Trời sẽ khiến các cường quốc quay lại tấn công toàn thể đế quốc tôn giáo giả trên thế giới, tức Ba-by-lôn Lớn, và tiêu diệt y thị. Chỉ đến lúc đó, khi thấy quyết định của Đức Giê-hô-va phán xét y thị được thi hành, y thị mới “thức dậy” trong cơn say sưa của y thị.
“Dân lớn và mạnh”
13. Đối với các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, đàn cào cào có vẻ “lớn và mạnh” như thế nào?
13 Nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va tiếp tục miêu tả đàn cào cào như “dân lớn và mạnh”, và điều đó có vẻ đúng như vậy đối với Ba-by-lôn Lớn (Giô-ên 2:2). Chẳng hạn giới giáo phẩm của Ba-by-lôn Lớn than vãn về việc các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã thất bại trong việc làm người ta đổi đạo tại Nhật, là nơi có nhiều người theo Phật giáo. Tuy nhiên, ngày nay, hơn 171.000 Nhân-chứng Giê-hô-va tại Nhật đang bành trướng việc rao giảng tại nước đó và hướng dẫn hơn 222.000 học hỏi Kinh-thánh cá nhân tại nhà riêng. Ở nước Ý, 194.013 Nhân-chứng Giê-hô-va hiện nay được công nhận là đông thứ nhì sau những người Công giáo. Một viên chức cao cấp thuộc Công giáo La Mã tại Ý hoài công than vãn là Nhân-chứng Giê-hô-va lấy mất của giáo hội “ít nhất 10.000 giáo dân trung thành” hàng năm.a Nhân-chứng Giê-hô-va vui mừng đón chào những người đó (Ê-sai 60:8, 22).
14, 15. Giô-ên miêu tả đàn cào cào như thế nào, và ngày nay điều này được ứng nghiệm ra sao?
14 Giô-ên 2:7-9 miêu tả đàn cào cào tượng trưng các Nhân-chứng xức dầu như sau: “Chúng nó chạy như những người mạnh bạo; trèo các vách thành như những lính chiến; mỗi người bước đi trước mặt mình, chẳng hề sai hàng ngũ mình. Chúng nó chẳng hề đụng chạm nhau, ai đi đường nấy; và nếu một số ngã gục trong tên đạn, những người khác chẳng bỏ đường mình. Chúng nó nhảy trên thành phố, chạy trên tường, trèo lên các nhà, vào bởi các cửa sổ như là kẻ trộm” (NW).
15 Thật là một sự mô tả linh động đạo binh “cào cào” xức dầu hiện nay được hơn bốn triệu người đồng hành, tức những chiên khác, hợp tác! Không một “vách thành” thù nghịch tôn giáo có thể cản trở đạo binh này. Họ mạnh dạn “đồng đi” trong công việc làm chứng công khai và những hoạt động khác của tín đồ đấng Christ. (So sánh Phi-líp 3:16). Thay vì hòa giải, họ sẵn sàng hy sinh mạng sống như hàng ngàn Nhân-chứng “ngã gục trong tên đạn” vì họ từ chối tôn vinh một người Công giáo tên là Hitler của Đức Quốc Xã. Đàn cào cào làm chứng cặn kẽ trong “thành phố” của đạo tự xưng theo đấng Christ. Đạo binh này trèo qua các chướng ngại vật, có thể coi như là kẻ trộm xâm nhập vào nhà vì họ đã phân phát hàng tỉ sách báo về Kinh-thánh qua công việc rao giảng từng nhà. Ý muốn của Đức Chúa Trời là phải làm chứng cho mọi người, và không một quyền lực trên trời hay dưới đất có thể ngăn chặn được việc này (Ê-sai 55:11).
“Được đầy dẫy thánh linh”
16, 17. a) Khi nào lời tiên tri nơi Giô-ên 2:28, 29 được ứng nghiệm một cách đặc biệt? b) Lời tiên tri nào của Giô-ên đã không được ứng nghiệm hoàn toàn trong thế kỷ thứ nhất?
16 Đức Giê-hô-va nói với Nhân-chứng của Ngài: “Các ngươi sẽ biết rằng ta ở giữa Y-sơ-ra-ên [thiêng liêng], biết rằng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, và chẳng có ai khác” (Giô-ên 2:27). Dân của Ngài có được sự nhận định quí báu này khi Đức Giê-hô-va bắt đầu thực hiện lời Ngài nơi Giô-ên 2:28, 29: “Sau đó ta sẽ đổ Thần [thánh linh] ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri”. Điều này xảy ra vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên khi môn đồ của Giê-su đang tụ họp lại thì được xức dầu và “hết thảy đều được đầy dẫy thánh linh”. Nhờ quyền năng của thánh linh, họ rao giảng và nội trong một ngày “có độ ba ngàn người thêm vào Hội-thánh” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:4, 16, 17, 41, NW).
17 Vào dịp vui mừng đó, Phi-e-rơ cũng trích Giô-ên 2:30-32: “Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu, lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối-tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến. Bấy giờ ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu”. Những lời này đã được ứng nghiệm một phần khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 70 công nguyên.
18. Khi nào lời tiên tri của Giô-ên nơi 2:28, 29 bắt đầu được ứng nghiệm trên bình diện rộng lớn hơn?
18 Tuy nhiên, Giô-ên 2:28-32 còn được ứng nghiệm một lần nữa. Thật vậy, lời tiên tri này được ứng nghiệm đặc biệt từ tháng 9 năm 1919. Vào lúc đó một hội nghị đáng ghi nhớ của dân Đức Giê-hô-va được tổ chức tại Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ. Thánh linh của Đức Chúa Trời biểu lộ rõ ràng và những tôi tớ xức dầu của Ngài được khích lệ để bắt tay vào chiến dịch làm chứng trên toàn thế giới và kéo dài cho đến ngày nay. Kết quả là một sự bành trướng vĩ đại làm sao! Con số hơn 7.000 người tham dự hội nghị tại Cedar Point đã tăng lên đến 11.431.171 người tham dự Lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su vào ngày 17 tháng 4 năm 1992. Trong số này chỉ có 8.683 người nhận họ là tín đồ đấng Christ được xức dầu. Tất cả những người này thật vui mừng biết bao thấy bông trái trên toàn thế giới nảy nở nhờ thánh linh sinh động của Đức Giê-hô-va! (Ê-sai 40:29, 31).
19. Mỗi người chúng ta nên có thái độ gì trước sự kiện ngày của Đức Giê-hô-va gần kề?
19 “Ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va” sẽ đến trong tương lai rất gần đây và sẽ hủy diệt hệ thống mọi sự của Sa-tan (Giô-ên 2:31). Vui mừng thay, “ai cầu-khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:21). Sao lại như thế được? Sứ đồ Phi-e-rơ cho chúng ta biết rằng “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm” và ông nói thêm: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. Khi nhớ rằng ngày Đức Giê-hô-va rất gần kề, chúng ta cũng sẽ vui mừng vì thấy lời hứa về “trời mới đất mới” công bình của Đức Giê-hô-va được ứng nghiệm (II Phi-e-rơ 3:10-13).
[Chú thích]
a La Repubblica, La Mã, Ý, ngày 12-11-1985, và La rivista del clero italiano, tháng 5 năm 1985.
Bạn có thể giải thích không?
◻ “Ngày Đức Giê-hô-va” là gì?
◻ “Nho ở dưới đất” sẽ bị hái như thế nào, và tại sao?
◻ Bằng cách nào tai vạ cào cào làm cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ phải khổ sở kể từ năm 1919?
◻ Thánh linh Đức Giê-hô-va được đổ trên dân Ngài vào năm 33 công nguyên và một lần nữa vào năm 1919 như thế nào?