BÀI HỌC 14
Cuộc tấn công đến từ phương bắc!
“Một nước... đã vào xứ của ta”.—GIÔ-ÊN 1:6.
BÀI HÁT 95 Ánh sáng càng sáng thêm
GIỚI THIỆUa
1. Phương pháp nghiên cứu của anh Russell và các cộng sự là gì, và tại sao phương pháp ấy hiệu quả?
Cách đây hơn một thế kỷ, một nhóm nhỏ học viên Kinh Thánh bắt đầu tìm kiếm chân lý. Nhóm này gồm anh Russell và các cộng sự. Họ nghiên cứu để biết Kinh Thánh thật sự dạy gì về Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su, tình trạng người chết và giá chuộc. Họ dùng một phương pháp nghiên cứu đơn giản. Một người nêu lên câu hỏi, rồi cả nhóm sẽ tra cứu tất cả các câu Kinh Thánh liên quan đến đề tài đó. Cuối cùng, họ ghi lại những gì nghiên cứu được. Nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va, những tín đồ chân thành này đã khám phá được nhiều sự thật cơ bản trong Kinh Thánh, và những sự thật ấy vẫn rất đáng quý cho đến ngày nay.
2. Đôi khi điều gì có thể khiến chúng ta hiểu sai một lời tiên tri trong Kinh Thánh?
2 Tuy nhiên, những học viên Kinh Thánh này sớm nhận ra rằng việc hiểu một lời tiên tri trong Kinh Thánh có thể khó hơn việc hiểu một giáo lý cơ bản. Tại sao? Một lý do là vì chúng ta thường hiểu rõ những lời tiên tri trong Kinh Thánh khi chúng đang ứng nghiệm hoặc đã được ứng nghiệm. Lý do khác là để hiểu chính xác một lời tiên tri, chúng ta thường phải xem xét văn cảnh. Nếu chỉ tập trung vào một khía cạnh của lời tiên tri và bỏ qua phần còn lại, có thể chúng ta sẽ hiểu sai. Dường như, điều này đã xảy ra với một lời tiên tri trong sách Giô-ên. Hãy xem lời tiên tri này và thảo luận những lý do dẫn đến việc điều chỉnh về sự hiểu biết của chúng ta.
3, 4. Từ trước đến nay, chúng ta hiểu lời tiên tri nơi Giô-ên 2:7-9 như thế nào?
3 Đọc Giô-ên 2:7-9. Giô-ên báo trước rằng một tai vạ châu chấu sẽ tàn phá xứ Y-sơ-ra-ên. Với răng và hàm giống như của sư tử, những côn trùng háu ăn này sẽ tiêu nuốt tất cả thực vật trong xứ! (Giô-ên 1:4, 6). Trong nhiều năm, chúng ta hiểu rằng lời tiên tri này báo trước việc dân của Đức Giê-hô-va không ngừng rao giảng giống như một đàn châu chấu chẳng ai cản nổi, và công việc này gây ra ảnh hưởng tai hại cho “xứ”, tức là những người bị các nhà lãnh đạo tôn giáo kiểm soát.b
4 Nếu chỉ đọc Giô-ên 2:7-9 thì dường như sự giải thích đó cũng hợp lý. Tuy nhiên, khi xem xét văn cảnh của lời tiên tri, chúng ta nhận thấy cần điều chỉnh sự hiểu biết ấy. Hãy xem bốn lý do chúng ta cần làm thế.
BỐN LÝ DO DẪN ĐẾN SỰ ĐIỀU CHỈNH
5, 6. Câu hỏi nào được nêu lên khi xem xét (a) Giô-ên 2:20? (b) Giô-ên 2:25?
5 Thứ nhất, hãy lưu ý lời hứa của Đức Giê-hô-va về tai vạ châu chấu: “Ta sẽ đuổi kẻ đến từ phương bắc [châu chấu] đi thật xa các con” (Giô-ên 2:20). Nếu những châu chấu này tượng trưng cho các Nhân Chứng làm theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là rao giảng và đào tạo môn đồ, thì tại sao Đức Giê-hô-va lại đuổi họ đi? (Ê-xê 33:7-9; Mat 28:19, 20). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đuổi ai hoặc điều gì đó thù nghịch với dân ngài, chứ không phải là các tôi tớ trung thành.
6 Thứ hai, hãy xem điều Đức Giê-hô-va phán nơi Giô-ên 2:25: “Ta sẽ bù đắp cho các con những năm bị ăn mất bởi châu chấu theo đàn, châu chấu không cánh, châu chấu háu ăn và châu chấu ăn nuốt, tức đạo quân lớn ta đã phái đến giữa các con”. Hãy lưu ý rằng Đức Giê-hô-va hứa là sẽ “bù đắp” cho những thiệt hại mà châu chấu gây ra. Nếu những châu chấu này tượng trưng cho người rao truyền Nước Trời, thì tại sao lại nói thông điệp mà họ rao truyền gây thiệt hại? Thật ra, thông điệp cứu mạng này có thể thúc đẩy người ác ăn năn (Ê-xê 33:8, 19). Thông điệp đó quả là một ân phước dành cho họ!
7. Từ “rồi” nơi Giô-ên 2:28, 29 giúp chúng ta hiểu điều gì?
7 Đọc Giô-ên 2:28, 29. Thứ ba, hãy xem trình tự của các sự kiện trong lời tiên tri. Đức Giê-hô-va nói rằng: “Rồi ta sẽ đổ thần khí”. Điều này có nghĩa là ngài sẽ đổ thần khí sau khi châu chấu hoàn thành công việc được giao. Nếu những châu chấu ấy là người rao truyền Nước Trời, thì tại sao Đức Giê-hô-va lại đổ thần khí sau khi họ hoàn tất công việc làm chứng? Thật ra, nếu không có sự trợ giúp của thần khí thánh mạnh mẽ, họ không bao giờ có thể rao giảng trong hàng thập kỷ trước sự chống đối và cấm đoán.
8. Châu chấu được miêu tả trong Khải huyền 9:1-11 tượng trưng cho ai? (Xem hình nơi trang bìa).
8 Đọc Khải huyền 9:1-11. Hãy xem lý do thứ tư. Trước đây, chúng ta liên kết tai vạ châu chấu mà Giô-ên miêu tả với công việc rao giảng vì có một lời tiên tri tương tự trong sách Khải huyền. Lời tiên tri này miêu tả một đàn châu chấu có mặt người và “trên đầu chúng có cái gì giống như vương miện bằng vàng” (Khải 9:7). Chúng hành hạ “người nào [kẻ thù của Đức Chúa Trời] không có dấu của Đức Chúa Trời trên trán” trong 5 tháng, là vòng đời trung bình của con châu chấu (Khải 9:4, 5). Lời này miêu tả về các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Họ can đảm công bố sự phán xét của ngài đối với thế gian gian ác này, và điều đó khiến những kẻ ủng hộ thế gian rất khó chịu.
9. Có những sự khác biệt quan trọng nào giữa châu chấu mà Giô-ên thấy với châu chấu mà Giăng miêu tả?
9 Phải thừa nhận là có những điểm giống nhau giữa lời tiên tri trong sách Khải huyền và lời tiên tri của Giô-ên. Tuy nhiên, có những sự khác biệt quan trọng. Hãy xem những điều này: Trong lời tiên tri của Giô-ên, châu chấu tàn phá cây cỏ (Giô-ên 1:4, 6, 7). Trong khải tượng của Giăng, châu chấu ‘được lệnh không làm hại cây cỏ trên đất’ (Khải 9:4). Châu chấu mà Giô-ên thấy đến từ phương bắc (Giô-ên 2:20). Châu chấu mà Giăng thấy bay lên từ vực sâu (Khải 9:2, 3). Châu chấu mà Giô-ên miêu tả thì bị đuổi đi. Nhưng trong sách Khải huyền, châu chấu không bị đuổi đi mà được phép hoàn thành công việc. Không có chỗ nào trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va không hài lòng với chúng.—Xin xem khung “Lời tiên tri về châu chấu—Những điểm khác nhau”.
10. Hãy nêu một ví dụ trong Kinh Thánh cho thấy châu chấu được Giô-ên và Giăng miêu tả mang ý nghĩa khác nhau.
10 Những sự khác biệt quan trọng được nêu ở trên giúp chúng ta kết luận rằng hai lời tiên tri này không liên kết với nhau. Có phải chúng ta muốn nói rằng châu chấu mà Giô-ên miêu tả không phải là châu chấu được nói trong sách Khải huyền? Đúng vậy. Trong Kinh Thánh, đôi khi một hình ảnh tượng trưng mang ý nghĩa khác nhau khi được dùng trong những văn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, nơi Khải huyền 5:5, Chúa Giê-su được gọi là “Sư Tử của chi phái Giu-đa”, nhưng nơi 1 Phi-e-rơ 5:8, Ác Quỷ cũng được miêu tả như “sư tử gầm rống”. Sau khi xem xét bốn điểm nêu trên, chúng ta thấy cần có sự giải thích khác về lời tiên tri của Giô-ên. Đó là gì?
LỜI TIÊN TRI NÀY CÓ NGHĨA GÌ?
11. Làm thế nào Giô-ên 1:6 và 2:1, 8, 11 giúp chúng ta hiểu về danh tính của châu chấu?
11 Khi xem xét kỹ hơn văn cảnh của lời tiên tri Giô-ên, chúng ta thấy lời tiên tri này nói đến một cuộc tấn công quân sự (Giô-ên 1:6; 2:1, 8, 11). Đức Giê-hô-va báo trước rằng ngài sẽ dùng “đạo quân lớn” (quân Ba-by-lôn) để trừng phạt những người Y-sơ-ra-ên bất tuân (Giô-ên 2:25). Đạo quân xâm lăng này được gọi là “kẻ đến từ phương bắc”, vì quân Ba-by-lôn xâm lược Y-sơ-ra-ên từ phương bắc (Giô-ên 2:20). Đạo quân này được ví như đàn châu chấu có tổ chức. Giô-ên miêu tả về đạo quân này như sau: “[Quân lính] tiến theo đường mình... Chúng xông vào thành, chạy trên tường. Chúng trèo lên nhà, vào cửa sổ như kẻ trộm” (Giô-ên 2:8, 9). Anh chị có hình dung được không? Khắp nơi đều có quân lính. Không có chỗ nào để trốn. Chẳng một ai thoát khỏi lưỡi gươm của quân Ba-by-lôn!
12. Lời tiên tri của Giô-ên về châu chấu được ứng nghiệm như thế nào?
12 Giống như châu chấu, quân Ba-by-lôn (hay Canh-đê) xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN. Kinh Thánh cho biết: “Vua của người Canh-đê... giết các thanh niên của họ bằng gươm;... ông không hề động lòng trắc ẩn với thanh niên hay trinh nữ, người già cả hay người đau yếu. Đức Chúa Trời phó mọi thứ vào tay ông. Ông phóng hỏa nhà Đức Chúa Trời, phá đổ tường thành Giê-ru-sa-lem, đốt tất cả các tháp kiên cố của thành và tiêu hủy mọi thứ có giá trị” (2 Sử 36:17, 19). Sau khi quân Ba-by-lôn xâm lăng và hủy diệt xứ, người ta thốt lên rằng: “Xứ chỉ còn là hoang địa, không bóng người hay thú vật, và bị phó vào tay dân Canh-đê”.—Giê 32:43.
13. Hãy giải thích Giê-rê-mi 16:16, 18.
13 Khoảng 200 năm sau khi Giô-ên nói lời tiên tri này, Đức Giê-hô-va dùng Giê-rê-mi để báo trước một điều khác về cuộc tấn công ấy. Ngài nói sẽ có một cuộc truy lùng những người Y-sơ-ra-ên làm việc ác, và cuộc truy lùng đó khiến họ bị bắt. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Này ta sai đi nhiều người đánh cá, những người ấy sẽ đánh bắt chúng. Rồi ta sai đi nhiều tay thợ săn, những thợ ấy sẽ đi lùng chúng khắp núi đồi, cả trong khe của vách đá... Ta sẽ báo trả đầy đủ cho lỗi lầm và tội lỗi chúng”. Chẳng biển cả hay rừng rậm nào có thể giấu kín được những người Y-sơ-ra-ên không ăn năn khỏi đạo quân Ba-by-lôn.—Giê 16:16, 18.
SỰ KHÔI PHỤC
14. Khi nào lời tiên tri nơi Giô-ên 2:28, 29 được ứng nghiệm?
14 Giờ đây, Giô-ên mang đến tin về sự khôi phục. Xứ sẽ tốt tươi trở lại (Giô-ên 2:23-26). Rồi đến một thời điểm nào đó trong tương lai, sẽ có dư dật thức ăn thiêng liêng. Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ đổ thần khí trên mọi loại người, con trai con gái các con sẽ nói tiên tri... Ta sẽ đổ thần khí cho cả nô lệ nam và nữ” (Giô-ên 2:28, 29). Đức Giê-hô-va không đổ thần khí ngay sau khi người Y-sơ-ra-ên được hồi hương từ xứ Ba-by-lôn. Thay vì thế, nhiều thế kỷ sau vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, ngài mới đổ thần khí. Làm thế nào chúng ta biết điều này?
15. Theo Công vụ 2:16, 17, Phi-e-rơ đã điều chỉnh thế nào khi trích Giô-ên 2:28, và điều đó cho thấy gì?
15 Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phi-e-rơ đã áp dụng Giô-ên 2:28, 29 cho một sự kiện xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, thần khí thánh được đổ xuống, và nhờ thế những người nhận được thần khí bắt đầu nói “về những điều vĩ đại của Đức Chúa Trời” (Công 2:11). Phi-e-rơ được soi dẫn để dùng một số từ khác khi trích lời tiên tri của Giô-ên. Anh chị có để ý thấy sự thay đổi ấy không? (Đọc Công vụ 2:16, 17). Thay vì bắt đầu trích dẫn bằng từ “rồi”, Phi-e-rơ nói rằng “trong những ngày sau cùng”, trong văn cảnh này là những ngày sau cùng của hệ thống Do Thái, Đức Chúa Trời sẽ đổ thần khí “trên mọi loại người”. Điều này cho thấy phải rất lâu sau thì lời tiên tri của Giô-ên mới được ứng nghiệm.
16. Thần khí thánh tác động thế nào đến công việc rao giảng vào thế kỷ thứ nhất và vào thời chúng ta?
16 Sau khi Đức Chúa Trời đổ thần khí vào thế kỷ thứ nhất, công việc rao giảng bắt đầu tiến triển với quy mô chưa từng có trước đó. Khi viết thư cho anh em ở Cô-lô-se vào khoảng năm 61 CN, sứ đồ Phao-lô miêu tả rằng tin mừng đã được rao giảng “giữa mọi tạo vật ở dưới trời” (Cô 1:23). Vào thời Phao-lô, cụm từ “mọi tạo vật” nói đến thế giới được biết đến lúc đó. Với sự trợ giúp của thần khí thánh, công việc rao giảng đã được mở rộng hơn nhiều vào thời chúng ta, tức là “cho đến tận cùng đất”.—Công 13:47; xin xem khung “Ta sẽ đổ thần khí”.
ĐIỀU GÌ THAY ĐỔI?
17. Sự hiểu biết của chúng ta về lời tiên tri nơi Giô-ên 2:7-9 thay đổi như thế nào?
17 Điều gì thay đổi? Bây giờ, chúng ta đã có sự hiểu biết chính xác hơn về lời tiên tri nơi Giô-ên 2:7-9. Rõ ràng, lời tiên tri này không nói về việc chúng ta sốt sắng rao giảng, nhưng nói về việc quân Ba-by-lôn xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN.
18. Điều gì không thay đổi về dân của Đức Giê-hô-va?
18 Điều gì không thay đổi? Dân của Đức Giê-hô-va tiếp tục rao giảng tin mừng khắp mọi nơi và dùng mọi phương pháp để làm thế (Mat 24:14). Không một thế lực nào có thể ngăn cản chúng ta thi hành sứ mạng rao giảng. Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta đang tích cực hoạt động hơn bao giờ hết và can đảm rao giảng tin mừng về Nước Trời! Chúng ta tiếp tục khiêm nhường trông cậy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va để có thể hiểu các lời tiên tri trong Kinh Thánh, vì tin chắc rằng vào đúng thời điểm, ngài sẽ giúp chúng ta “hiểu toàn bộ chân lý”.—Giăng 16:13.
BÀI HÁT 97 Sự sống tùy thuộc vào Lời Đức Chúa Trời
a Trong nhiều năm, chúng ta tin rằng lời tiên tri nơi Giô-ên chương 1 và 2 báo trước về công việc rao giảng của chúng ta vào thời hiện đại. Tuy nhiên, có bốn lý do chúng ta cần điều chỉnh sự hiểu biết về lời tiên tri này của Giô-ên. Đó là những lý do nào?
b Chẳng hạn, xin xem bài “Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện qua công trình sáng tạo” trong Tháp Canh ngày 15-4-2009, đ. 14-16.