Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Giô-ên và A-mốt
ÔNG chỉ cho biết mình là “Giô-ên, con trai của Phê-thu-ên”. (Giô-ên 1:1) Trong sách mang tên ông, ngoài thông điệp phải rao báo, Giô-ên không đề cập nhiều đến các vấn đề khác, ngay cả thời điểm ông nói tiên tri cũng chỉ có thể ước tính là vào khoảng năm 820 TCN, tức chín năm sau khi Ô-xia làm vua xứ Giu-đa. Tại sao Giô-ên không muốn cho biết nhiều về mình? Rất có thể vì ông muốn người ta chú ý đến thông điệp chứ không phải người rao truyền thông điệp.
Cũng vào thời Ô-xia, có “một kẻ chăn, sửa-soạn những cây vả rừng” tên là A-mốt, người Giu-đa, được giao sứ mạng làm tiên tri. (A-mốt 7:14) Trong khi Giô-ên làm tiên tri ở xứ Giu-đa, A-mốt được phái đến Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái ở phía bắc. Sách A-mốt được viết bằng ngôn ngữ giản dị nhưng đầy hình ảnh sống động, và được hoàn tất vào khoảng năm 804 TCN, sau khi nhà tiên tri này trở về xứ Giu-đa.
“ÔI NGÀY ẤY!”—TẠI SAO?
Trong một sự hiện thấy, A-mốt nhìn thấy vô số sâu keo, cào cào và châu chấu. Chúng tượng trưng cho “một dân lớn và mạnh” cùng “những người bạo-mạnh”. (Giô-ên 1:4; 2:2-7) Ông than thở: “Ôi ngày ấy! Vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai-vạ thả ra bởi Đấng Toàn-năng”. (Giô-ên 1:15) Ngài khuyên dân cư ở Si-ôn: “Hãy hết lòng trở về cùng ta”. Nếu họ vâng lời, Ngài sẽ “động lòng thương-xót dân mình” và đánh đuổi “đạo-binh đến từ phương bắc”—được tượng trưng bởi cuộc tấn công của côn trùng. Dù vậy, trước khi ngày lớn của Đức Giê-hô-va đến, Ngài ‘sẽ đổ thần Ngài trên cả loài xác-thịt’ và “sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất”.—Giô-ên 2:12, 18-20, 28-31.
Đức Giê-hô-va thách thức các dân: “Hãy lấy lưỡi cày rèn gươm, lấy liềm rèn giáo” và chuẩn bị chiến tranh. Ngài ra lệnh cho họ “lên trong trũng Giô-sa-phát”, nơi ấy họ sẽ bị phán xét và bị hủy diệt. “Nhưng Giu-đa sẽ còn đời đời”.—Giô-ên 3:10, 12, 20.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:15; 2:1, 11, 31; 3:14—“Ngày Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì? Ngày của Đức Giê-hô-va là thời kỳ Ngài phán xét và hủy diệt các kẻ thù, nhưng những người thờ phượng thật sẽ được cứu rỗi. Chẳng hạn, ngày phán xét ấy đã thật sự xảy ra cho nước Ba-by-lôn xưa vào năm 539 TCN, khi nước này bị quân Mê-đi và Phe-rơ-sơ chinh phục. (Ê-sai 13:1, 6) “Ngày Đức Giê-hô-va” sẽ đến một lần nữa và ngày đó đang đến gần. Bấy giờ Ngài sẽ phán xét “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo sai lầm.—Khải-huyền 18:1-4, 21.
2:1-10, 28—Lời tiên tri về cuộc tấn công của côn trùng được ứng nghiệm như thế nào? Sách Giô-ên có nói về cuộc tấn công của côn trùng trong xứ Ca-na-an với lực lượng hùng hậu, nhưng các sách khác trong Kinh Thánh không đề cập đến cuộc tấn công này. Vì vậy, cuộc tấn công được ghi nơi sách Giô-ên dường như chỉ là hình ảnh của thời điểm năm 33 CN, khi Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho các môn đồ đầu tiên của Đấng Christ và họ bắt đầu rao giảng thông điệp làm khổ sở các nhà lãnh đạo tôn giáo sai lầm. (Công-vụ 2:1, 14-21; 5:27-33) Ngày nay, chúng ta cũng có đặc ân làm công việc đó.
2:32—“Cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì? Cầu khẩn danh Đức Chúa Trời có nghĩa là biết đến danh Ngài, tôn kính danh ấy, nương cậy và tin nơi Đấng mang danh đó.—Rô-ma 10:13, 14.
3:14—“Trũng đoán-định” là gì? Đó là nơi tượng trưng để Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét. Trong thời Vua Giô-sa-phát của nước Giu-đa (tên vua có nghĩa “Đức Giê-hô-va là Đấng Đoán Xét”), Đức Chúa Trời đã giải cứu dân này khỏi các dân xung quanh bằng cách làm rối loạn đạo binh của họ. Vì vậy, nơi đó được gọi là “trũng Giô-sa-phát”. (Giô-ên 3:2, 12) Vào thời chúng ta, địa danh ấy tượng trưng nơi các dân tộc sẽ bị hủy diệt, giống như trái nho bị ép trong “bồn đạp nho”.—Khải-huyền 19:15, Tòa Tổng Giám Mục.
Bài học cho chúng ta:
1:13, 14. Điều tối quan trọng để được cứu rỗi là lòng ăn năn thành thật và nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật.
2:12, 13. Sự ăn năn thành thật phải xuất phát từ đáy lòng. Điều này liên quan đến việc ‘xé lòng chúng ta’, chứ không phải ‘xé áo chúng ta’.
2:28-32. Chỉ những “ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” trong “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”. Chúng ta thật cảm kích biết bao vì Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho mọi người, nam lẫn nữ, trẻ cũng như già để nói tiên tri, nghĩa là công bố “sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”! (Công-vụ 2:11) Khi ngày Đức Giê-hô-va đến gần, liệu chúng ta có “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình” không?—2 Phi-e-rơ 3:10-12.
3:4-8, 19. Giô-ên tiên tri rằng các nước xung quanh xứ Giu-đa sẽ phải khai trình về việc ngược đãi dân của Đức Chúa Trời. Đúng như những lời tiên tri ấy, thành Ty-rơ trên đất liền đã bị Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn hủy diệt. Sau đó, khi thành Ty-rơ trên đảo rơi vào tay A-léc-xan-đơ Đại Đế, hàng ngàn binh lính và những người có thế lực đã bị giết. Ngoài ra, 30.000 cư dân của thành ấy cũng bị bán làm nô lệ. Dân Phi-li-tin cũng lâm vào cảnh ngộ tương tự khi rơi vào tay A-léc-xan-đơ Đại Đế và những vua kế vị ông. Đến thế kỷ thứ tư TCN, nước Ê-đôm bị hoang vu. (Ma-la-chi 1:3) Việc những lời tiên tri này được ứng nghiệm giúp chúng ta vững tin nơi Đức Giê-hô-va, Đấng Hoàn Thành lời hứa. Những lời tiên tri ấy cũng cho thấy cách Đức Giê-hô-va đối xử với các nước bắt bớ những người thờ phượng Ngài ngày nay.
3:16-21. “Các từng trời và đất đều rúng-động”, các dân tộc sẽ bị Đức Giê-hô-va phán xét và trừng trị. “Nhưng Đức Giê-hô-va là nơi ẩn-náu cho dân mình”, cho họ sống trong môi trường giống như địa đàng. Chẳng phải chúng ta nên quyết tâm ở gần Ngài khi ngày phán xét thế gian hung ác này sắp đến hay sao?
“KHÁ SỬA-SOẠN MÀ GẶP ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI”
A-mốt có một thông điệp gửi đến xứ Giu-đa, Y-sơ-ra-ên và các nước thù nghịch xung quanh Y-sơ-ra-ên. Các nước Sy-ri, Phi-li-tin, Ty-rơ, Ê-đôm và Mô-áp cũng sẽ bị hủy diệt vì họ đã đối xử tàn nhẫn với dân Đức Chúa Trời. Dân Giu-đa cũng chịu chung số phận “vì chúng nó đã bỏ luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. (A-mốt 2:4) Về phần nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái thì sao? Họ đã tham lam áp bức người nghèo, vô luân và xem thường các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. A-mốt cảnh báo rằng Đức Giê-hô-va sẽ “thăm-phạt các bàn-thờ của Bê-tên” và “đánh nhà mùa đông và nhà mùa hạ”.—A-mốt 3:14, 15.
Dù đã bị phạt nhiều lần nhưng dân Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng vẫn ương ngạnh. A-mốt bảo họ: “Khá sửa-soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi”. (A-mốt 4:12) Đối với dân Y-sơ-ra-ên, ngày của Đức Giê-hô-va có nghĩa là họ sẽ “bị đày qua làm phu-tù bên kia Đa-mách”, đến tận xứ A-si-ri. (A-mốt 5:27) A-mốt gặp sự chống đối của một thầy tế lễ ở Bê-tên nhưng ông không lùi bước. Đức Giê-hô-va phán với A-mốt: “Sự cuối-cùng đã đến trên dân Y-sơ-ra-ên ta; ta sẽ không vượt qua nó nữa [“Ta không thể bỏ qua được nữa”, Bản Dịch Mới]”. (A-mốt 8:2) Dù “Âm-phủ” hoặc núi cao cũng không che chở được họ khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. (A-mốt 9:2, 3) Tuy nhiên, có một lời hứa về sự phục hưng. Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ đem phu-tù của dân Y-sơ-ra-ên ta trở về; chúng nó sẽ lập lại các thành bị phá, và ở đó. Chúng nó sẽ trồng vườn nho và uống rượu nó, sẽ cày-cấy vườn mình và ăn trái nó”.—A-mốt 9:14.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
4:1—“Những bò cái của Ba-san” tượng trưng cho ai? Cao nguyên Ba-san ở phía đông biển Ga-li-lê, nổi tiếng có nhiều giống thú chăn nuôi tốt, kể cả bò, nhờ những đồng cỏ phì nhiêu. A-mốt ví những phụ nữ Sa-ma-ri thích lối sống xa hoa như bò cái của Ba-san. Những phụ nữ này hẳn đã làm áp lực với ‘chúa họ’, tức chồng mình nhằm lừa gạt những người thấp kém trong xã hội để thỏa mãn thói ham giàu sang mà họ đã nếm qua.
4:6—Cụm từ ‘làm cho răng nên sạch’ có nghĩa gì? Cụm từ này được dùng song song với cụm từ “thiếu bánh” để ám chỉ thời kỳ đói kém, khi răng sạch sẽ vì không có thức ăn.
5:5—Dân Y-sơ-ra-ên không “tìm-kiếm Bê-tên” theo nghĩa nào? Vua Giê-rô-bô-am đã dựng tượng bò để thờ phượng tại Bê-tên. Kể từ đó, thành ấy trở thành trung tâm của sự thờ phượng giả. Ghinh-ganh và Bê-e-Sê-ba hẳn cũng là nơi thờ phượng của những kẻ bội đạo. Để thoát khỏi hoạn nạn được báo trước, dân Y-sơ-ra-ên phải ngừng đến dâng hương tại những nơi đó và tìm kiếm Đức Giê-hô-va.
7:1—Cụm từ “cắt cỏ của vua” ám chỉ điều gì? Rất có thể cụm từ này ám chỉ thuế phải đóng để vua trả lương cho kỵ sĩ và nuôi ngựa. Thuế này phải đóng vào “lúc cỏ bắt đầu mọc lại”. Sau đó, người ta có thể thu hoạch vụ mùa. Tuy nhiên, trước khi thu hoạch thì một đàn cào cào đã kéo đến phá hoại mùa màng cùng các loại rau quả khác.
8:1, 2—“Một giỏ trái mùa hạ” tượng trưng cho điều gì? Giỏ trái ấy tượng trưng cho ngày của Đức Giê-hô-va sắp đến. Trái cây mùa hạ phải được thu hoạch trước khi kết thúc mùa gặt, tức trước khi kết thúc năm trồng trọt. Khi Đức Giê-hô-va cho A-mốt thấy “một giỏ trái mùa hạ”, điều đó có nghĩa là sự cuối cùng của Y-sơ-ra-ên đã gần. Vì vậy, Đức Chúa Trời phán với A-mốt: “Sự cuối-cùng đã đến trên dân Y-sơ-ra-ên ta; ta sẽ không vượt qua nó nữa [“Ta không thể bỏ qua được nữa”, BDM]”.
Bài học cho chúng ta:
1:3, 6, 9, 11, 13; 2:1, 4, 6. Đức Giê-hô-va tỏ sự giận dữ đối với Y-sơ-ra-ên, Giu-đa và sáu nước xung quanh như sau: “Ta không xây-bỏ án-phạt khỏi nó”. Không ai có thể thoát khỏi sự phán xét của Ngài.—A-mốt 9:2-5.
2:12. Chúng ta không nên làm nản lòng những người tận tụy phụng sự Đức Giê-hô-va như các tiên phong, giám thị lưu động, giáo sĩ hoặc thành viên nhà Bê-tên bằng cách khuyên họ từ bỏ công việc phụng sự trọn thời gian để có cuộc sống mà người ta cho là bình thường. Ngược lại, chúng ta nên khuyến khích họ tiếp tục làm công việc tốt lành ấy.
3:8. Giống như một người sợ hãi khi nghe sư tử gầm thét, A-mốt cảm thấy mình phải truyền lời của Đức Giê-hô-va khi nghe Ngài phán: “Hãy đi nói tiên-tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta”. (A-mốt 7:15) Lòng kính sợ Đức Chúa Trời khiến chúng ta trở thành những người sốt sắng rao truyền thông điệp về Nước Trời.
3:13-15; 5:11. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, A-mốt, một người chăn chiên thấp hèn, có thể “làm chứng” cho những người tự mãn vì giàu có. Tương tự, Đức Giê-hô-va có thể trang bị cho chúng ta để công bố thông điệp Nước Trời, dù khu vực có khó khăn cách mấy đi nữa.
4:6-11; 5:4, 6, 14. Dù dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần không “trở lại” cùng Đức Giê-hô-va, nhưng họ được khuyên là “hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, thì các ngươi sẽ sống”. Khi Đức Giê-hô-va còn kiên nhẫn để thế gian hung ác này tồn tại, thì chúng ta còn phải khuyên người ta trở lại cùng Đức Chúa Trời.
5:18, 19. Quả là thiếu khôn ngoan khi “trông-mong ngày của Đức Giê-hô-va” mà chưa sẵn sàng cho ngày ấy. Một người như thế giống như người tránh khỏi sư tử lại gặp phải gấu, chạy thoát khỏi gấu thì bị rắn cắn. Chúng ta khôn ngoan “tỉnh-thức” về thiêng liêng và giữ tư thế sẵn sàng.—Lu-ca 21:36.
7:12-17. Chúng ta không nên sợ hãi, nhưng dạn dĩ công bố thông điệp của Đức Chúa Trời.
9:7-10. Dù là con cháu của những tộc trưởng trung thành và của những người được Đức Chúa Trời chọn và giải cứu khỏi xứ Ê-díp-tô, những người Y-sơ-ra-ên bất trung cũng không được vị thế tốt trước mặt Ngài. Giống như người Ê-thi-ô-bi, họ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Việc có được vị thế tốt trước mặt Đức Chúa Trời, Đấng không thiên vị, không tùy thuộc vào dòng dõi nhưng tùy vào lòng “kính-sợ Ngài và làm sự công-bình”.—Công-vụ 10:34, 35.
Chúng ta nên làm gì?
Nay đã đến gần ngày Đức Chúa Trời phán xét thế gian của Sa-tan. Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho những người thờ phượng Ngài, trang bị cho họ để đi cảnh báo người ta về ngày phán xét sắp đến. Lẽ nào chúng ta không hết lòng tham gia vào việc giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va và ‘cầu-khẩn danh Ngài’ sao?—Giô-ên 2:31, 32.
A-mốt khuyên: “Hãy ghét điều dữ mà ưa điều lành; hãy lập sự công-bình nơi cửa thành”. (A-mốt 5:15) Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần kề, điều khôn ngoan là chúng ta hãy đến gần Đức Chúa Trời, tách biệt khỏi thế gian hung ác và không kết giao với bạn bè xấu. Để làm điều này, những gì chúng ta học được từ sách Giô-ên và A-mốt thật đúng lúc thay!—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Hình nơi trang 12]
Giô-ên tiên tri: “Ngày Đức Giê-hô-va đã gần!”
[Các hình nơi trang 15]
Giống như A-mốt, chúng ta không nên sợ hãi, nhưng dạn dĩ công bố thông điệp của Đức Chúa Trời