Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Áp-đia, Giô-na và Mi-chê
“SỰ HIỆN-THẤY của Áp-đia”. (Áp-đia 1) Đó là câu đầu tiên của sách Áp-đia trong Kinh Thánh. Nhà tiên tri Áp-đia viết sách này vào năm 607 TCN. Ngoại trừ tên của ông, ông không nói gì về mình. Trong một cuốn sách được viết xong hai thế kỷ trước đó, nhà tiên tri Giô-na đã thành thật kể lại kinh nghiệm về sứ mạng rao giảng của mình. Ông Mi-chê nói tiên tri trong 60 năm, giữa những năm Áp-đia và Giô-na nói tiên tri, tức từ năm 777 TCN đến năm 717 TCN. Tất cả những gì Mi-chê cho biết về mình là ông thuộc “người [làng] Mô-rê-sết” và Đức Giê-hô-va phán với ông “trong ngày Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia, các vua của Giu-đa”. (Mi-chê 1:1) Những minh họa Mi-chê dùng để nhấn mạnh các điểm trong thông điệp của mình cho thấy ông quen thuộc với đời sống thôn dã.
Ê-ĐÔM ‘SẼ BỊ DIỆT ĐỜI ĐỜI!’
Áp-đia nói về Ê-đôm: “Vì cớ sự hung-bạo ngươi đối với anh em ngươi là Gia-cốp, mà ngươi sẽ mang hổ, và bị diệt đời đời!”. Nhà tiên tri vẫn nhớ rõ hành động gian ác gần đây của dân Ê-đôm đối với nhà Gia-cốp, tức dân Y-sơ-ra-ên. Năm 607 TCN, khi quân Ba-by-lôn hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, dân Ê-đôm “đứng bên kia” và liên minh với “dân ngoại-quốc” xâm lăng.—Áp-đia 10, 11.
Ngược lại, Đức Giê-hô-va hứa sẽ khôi phục nhà Gia-cốp. Áp-đia tiên tri: “Sẽ còn lại những người trốn khỏi trên núi Si-ôn, núi ấy sẽ là thánh”.—Áp-đia 17.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
5-8—Sự so sánh giữa việc kẻ cướp ban đêm và người hái nho đến với việc dân Ê-đôm bị hủy diệt có nghĩa gì? Nếu kẻ trộm đến Ê-đôm, hắn chỉ lấy những vật hắn muốn. Nếu người gặt đến thành Ê-đôm, họ sẽ để lại hoa màu cho kẻ mót thổ sản. Tuy nhiên, khi thành Ê-đôm sụp đổ, “kẻ đồng-minh” là Ba-by-lôn sẽ lục soát và cướp sạch châu báu của nó.—Giê-rê-mi 49:9, 10.
10—Ê-đôm sẽ “bị diệt đời đời” như thế nào? Như được báo trước, Ê-đôm, một quốc gia có lãnh thổ, chính quyền và dân cư, không còn tồn tại nữa. Vua Na-bô-nê-đô của Ba-by-lôn đã chinh phục Ê-đôm vào giữa thế kỷ thứ sáu TCN. Đến thế kỷ thứ tư TCN, dân Nabataean đến sinh sống ở lãnh thổ Ê-đôm, và người Ê-đôm phải đến kiều ngụ ở miền nam Giu-đê, một vùng thuộc Negeb mà sau này được gọi là Y-đu-mê. Sau khi La Mã hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN, dân Ê-đôm không còn tồn tại nữa.
Bài học cho chúng ta:
3, 4. Vì sống nơi vùng đồi núi lởm chởm với những khe núi sâu tạo nên địa thế thuận lợi về chiến lược, có lẽ dân Ê-đôm nghĩ rằng mình được che chở và an toàn. Nhưng họ không thể thoát khỏi sự phán xét của Đức Giê-hô-va.
8, 9, 15. Trong “ngày của Đức Giê-hô-va”, người ta không thể nhờ cậy nơi sự khôn ngoan và sức mạnh để tự che chở mình.—Giê-rê-mi 49:7, 22.
12-14. Trường hợp của dân Ê-đôm là một gương cảnh báo cho những ai vui mừng khi thấy dân Đức Chúa Trời gặp phải nghịch cảnh. Đức Giê-hô-va xem việc dân Ngài bị ngược đãi là điều hệ trọng.
17-20. Lời tiên tri về sự khôi phục nhà Gia-cốp bắt đầu được ứng nghiệm khi một số người còn sót lại từ Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 537 TCN. Lời của Đức Giê-hô-va không bao giờ sai. Chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi những lời Ngài hứa.
“NI-NI-VE SẼ BỊ ĐỔ XUỐNG!”
Thay vì vâng lời Đức Chúa Trời “đi đến thành lớn Ni-ni-ve”, và loan báo thông điệp phán xét “nghịch cùng” thành đó, Giô-na bỏ chạy về hướng ngược lại. Đức Giê-hô-va “khiến gió lớn thổi trên biển” và dùng “một con cá lớn” để đưa ông trở về và một lần nữa giao cho ông sứ mạng đến thủ đô của A-si-ri.—Giô-na 1:2, 4; 2:1; 3:1, 2.
Giô-na vào thành Ni-ni-ve và loan báo thông điệp một cách thẳng thắn: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!”. (Giô-na 3:4) Kết quả không đúng như thế khiến Giô-na “giận-dữ”. Đức Giê-hô-va đã dùng “một dây dưa” để dạy ông bài học về lòng thương xót.—Giô-na 4:1, 6.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
3:3—Có phải thành Ni-ni-ve lớn đến mức phải “đi mất ba ngày đường” không? Đúng thế. Vào thời xưa, rất có thể người ta hiểu thành Ni-ni-ve gồm cả những khu định cư trải dài từ Khorsabad ở miền bắc đến Nimrud ở miền nam. Tất cả những khu định cư này được gọi là Ni-ni-ve và hợp thành một tứ giác có chu vi là 100 kilômét.
3:4—Giô-na có phải học tiếng A-si-ri để loan báo thông điệp cho dân thành Ni-ni-ve không? Có thể Giô-na đã học tiếng A-si-ri, hoặc ông nói được thứ tiếng đó nhờ phép lạ. Hoặc có thể ông nói ngắn gọn bằng tiếng Hê-bơ-rơ và có người thông dịch. Nếu đúng như trường hợp vừa nêu, hẳn thông điệp của ông khơi dậy tính hiếu kỳ của nhiều người.
Bài học cho chúng ta:
1:1-3. Nếu một người cố tình lên kế hoạch làm những việc khác để tránh tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ, thì người đó cho thấy mình có động cơ không đúng. Có thể nói rằng người nào làm thế là trốn tránh nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao.
1:1, 2; 3:10. Đức Giê-hô-va không chỉ thương xót một nước, một chủng tộc hoặc một nhóm người nào đó nhưng “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, sự từ-bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên”.—Thi-thiên 145:9.
2:1; 2:11. Việc Giô-na ở trong bụng con cá lớn ba ngày ba đêm cho biết trước về cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 12:39, 40; 16:21.
2:1; 2:11; 4:6. Đức Giê-hô-va giải cứu Giô-na khỏi cơn bão biển. Ngài cũng “sắm-sẵn một dây dưa cao lên bên trên Giô-na, đặng phủ bóng trên đầu người, và cứu người khỏi sự khổ-cực”. Để được che chở và giải cứu, những người ngày nay thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể tin cậy Ngài và tin nơi sự nhân-từ của Ngài.—Thi-thiên 13:5; 40:11.
2:2, 3, 10, 11. Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Ngài và chú ý đến những lời họ nài xin.—Thi-thiên 120:1; 130:1, 2.
3:8, 10. Đức Chúa Trời “ăn-năn [“đổi ý”, Bản Dịch Mới]” về tai họa mà Ngài báo trước, và đã “không làm sự đó”. Tại sao? Vì dân thành Ni-ni-ve đã “xây-bỏ đường-lối xấu mình”. Ngày nay cũng thế, nếu một người thể hiện lòng ăn năn chân thành thì Đức Giê-hô-va sẽ không phán xét người đó nữa.
4:1-4. Không người nào có thể đặt giới hạn cho Đức Chúa Trời trong việc thể hiện lòng thương xót. Chúng ta phải cẩn thận, chớ chỉ trích cách Ngài thể hiện lòng thương xót.
4:11. Đức Giê-hô-va kiên nhẫn để cho thông điệp Nước Trời được rao giảng trên khắp đất vì Ngài thương xót những người “không biết phân-biệt tay hữu và tay tả”, giống như Ngài đã thương xót 120.000 người dân thành Ni-ni-ve. Chẳng phải chúng ta cũng nên thương xót những người trong khu vực của mình, đồng thời sốt sắng tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ hay sao?—2 Phi-e-rơ 3:9.
HỌ SẼ BỊ “SÓI ĐẦU”
Mi-chê vạch trần tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Ông cũng báo trước rằng thủ đô của họ sẽ bị bỏ hoang và họ sẽ được trở về. Sa-ma-ri sẽ trở nên “đống đổ-nát ngoài đồng”. Vì dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thờ hình tượng nên họ đáng bị “sói đầu”, tức bị xấu hổ. Qua việc họ bị lưu đày, chỗ sói của họ sẽ nhiều hơn, như ‘sói của chim ưng’. Đây hẳn là loại chim kên kên chỉ có vài cọng lông trên đầu. Đức Giê-hô-va hứa: “Hỡi Gia-cốp! ta chắc sẽ nhóm cả ngươi lại”. (Mi-chê 1:6, 16; 2:12) Vì những nhà lãnh đạo đồi bại và các nhà tiên tri không thi hành trách nhiệm, thành Giê-ru-sa-lem cũng sẽ trở nên “một đống đổ-nát”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ nhóm dân Ngài lại. Từ “Bết-lê-hem Ép-ra-ta” sẽ ra “một Đấng cai-trị trong Y-sơ-ra-ên”.—Mi-chê 3:12; 4:12; 5:1.
Đức Giê-hô-va có đối xử bất công với dân Y-sơ-ra-ên không? Ngài có đòi hỏi quá đáng không? Không. Ngài chỉ đòi hỏi những người thờ phượng Ngài phải ‘làm sự công-bình, sự nhân-từ và khiêm-nhường’ khi bước đi với Ngài. (Mi-chê 6:8) Dù vậy, những người đồng thời với Mi-chê trở nên tệ đến nỗi ‘người lành hơn hết giống như chà-chuôm, còn kẻ rất ngay-thẳng lại xấu hơn hàng rào gai-gốc’, khiến những người đến gần họ bị đau đớn và khổ sở. Tuy nhiên, nhà tiên tri hỏi: “Ai là Đức Chúa Trời giống như [Đức Giê-hô-va]?” Một lần nữa, Ngài sẽ thể hiện lòng thương xót đối với dân Ngài và ‘ném hết thảy tội-lỗi họ xuống đáy biển’.—Mi-chê 7:4, 18, 19.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:12—Khi nào lời tiên tri về việc “thâu góp phần còn lại của Y-sơ-ra-ên” được ứng nghiệm? Lời này được ứng nghiệm lần đầu vào năm 537 TCN, khi nhóm người Do Thái còn sót lại từ xứ phu tù Ba-by-lôn trở về quê hương. Vào thời hiện đại, lời tiên tri này được ứng nghiệm đối với “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Từ năm 1919, những tín đồ xức dầu được thâu nhóm lại “như những con chiên của Bốt-ra”. Vì được đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác” cùng hợp tác, đặc biệt kể từ năm 1935, họ trở nên “tiếng ồn lớn vì đám đông người”. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Tất cả cùng sốt sắng đẩy mạnh sự thờ phượng thật.
4:1-4—“Trong những ngày sau-rốt”, Đức Giê-hô-va “phán-xét giữa nhiều dân, đoán-định các nước mạnh” như thế nào? Cụm từ “nhiều dân” và “các nước mạnh” không ám chỉ những nhóm quốc gia hoặc tổ chức chính trị. Thay vì thế, hai cụm từ này nói đến những người ra từ mọi nước và trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngài phán xét và đoán định họ theo nghĩa thiêng liêng.
Bài học cho chúng ta:
1:6, 9; 3:12; 5:1. Sa-ma-ri bị người A-si-ri tàn phá vào năm 740 TCN, trong thời Mi-chê. (2 Các Vua 17:5, 6) Trong triều đại Vua Ê-xê-chia, quân A-si-ri kéo đến tận Giê-ru-sa-lem. (2 Các Vua 18:13) Năm 607 TCN, thành Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn thiêu hủy. (2 Sử-ký 36:19) Đấng Mê-si sinh ra ở “Bết-lê-hem Ép-ra-ta” như được tiên tri. (Ma-thi-ơ 2:3-6) Lời Đức Giê-hô-va báo trước không bao giờ sai.
2:1, 2. Thật nguy hiểm biết bao nếu chúng ta cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời nhưng lại theo đuổi sự giàu sang thay vì tìm kiếm “nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”.—Ma-thi-ơ 6:33; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10.
3:1-3, 5. Đức Giê-hô-va muốn những người dẫn đầu phải đối xử công bằng với dân Ngài.
3:4. Nếu muốn Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện thì chúng ta không được phạm tội và không có lối sống hai mặt.
3:8. Chỉ khi được thánh linh Đức Giê-hô-va làm cho vững mạnh thì chúng ta mới có thể chu toàn trách nhiệm rao truyền tin mừng, bao hàm thông điệp phán xét.
5:4. Lời tiên tri về Đấng Mê-si đoan chắc với chúng ta rằng khi kẻ thù tấn công dân Đức Chúa Trời thì “bảy [con số tượng trưng cho sự trọn vẹn] kẻ chăn” và “tám quan-trưởng”—tức nhiều người có khả năng—sẽ được Đức Chúa Trời dấy lên để dẫn dắt dân Ngài.
5:6, 7. Đối với nhiều người, những tín đồ được xức dầu ngày nay “như giọt móc đến từ Đức Giê-hô-va”—một ân phước đến từ Đức Chúa Trời. Có thể nói như thế vì Ngài dùng những người này trong việc rao truyền thông điệp Nước Trời. Các “chiên khác” giúp người ta có sự tươi tỉnh về thiêng liêng bằng cách tích cực hỗ trợ những người được xức dầu trong công việc rao giảng. (Giăng 10:16) Quả là một đặc ân khi được tham gia công việc này, công việc giúp người khác có tinh thần sảng khoái thật sự!
6:3, 4. Chúng ta nên noi gương Đức Giê-hô-va, tử tế và thông cảm ngay cả với những người khó hòa hợp hoặc những người yếu về thiêng liêng.
7:7. Chúng ta không nên nản lòng khi đương đầu với những khó khăn trong thời kỳ sau rốt. Thay vì thế, chúng ta noi gương Mi-chê qua việc “chờ-đợi Đức Chúa Trời”.
7:18, 19. Vì Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, chúng ta cũng nên sẵn lòng tha thứ cho những người xúc phạm mình.
Tiếp tục “bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời”
Những người chống lại Đức Chúa Trời và dân Ngài ‘sẽ bị diệt đời đời!’. (Áp-đia 10) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có thể nguôi cơn giận nếu chúng ta vâng theo lời cảnh báo của Ngài và “xây-bỏ đường-lối xấu của mình”. (Giô-na 3:10) “Trong những ngày sau-rốt”, sự thờ phượng thật sẽ được tôn cao hơn mọi tôn giáo sai lầm, và những người vâng lời Đức Chúa Trời sẽ kéo đến thờ phượng Ngài. (Mi-chê 4:1; 2 Ti-mô-thê 3:1) Vì vậy, mong sao chúng ta kiên quyết “bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!”—Mi-chê 4:5.
Các sách Áp-đia, Giô-na và Mi-chê đã dạy chúng ta những bài học thật giá trị thay! Dù được viết cách nay hơn 2.500 năm, thông điệp của những nhà tiên tri này vẫn “sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Hình nơi trang 13]
Áp-đia đã tiên tri: ‘[Ê-đôm] sẽ bị diệt đời đời!’
[Hình nơi trang 15]
Mi-chê đã thể hiện thái độ “chờ-đợi Đức Chúa Trời”, và chúng ta cũng có thể làm thế
[Hình nơi trang 16]
Công việc rao giảng là một đặc ân đáng quý trọng