Lời khuyên bảo có “nêm thêm muối”
“Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết đối-đáp mỗi người là thể nào” (CÔ-LÔ-SE 4:6).
1, 2. Tại sao lời khuyên bảo của người tín đồ đấng Christ đặc biệt cần phải “nêm thêm muối”?
Suốt trong lịch sử muối đã có vai trò đặc biệt trong việc nấu ăn. Muối gìn giữ cho thức ăn lâu hư và thêm vị, do đó nhiều thức ăn không có muối bị chê là lạt lẽo và vô vị. Vì vậy, khi Phao-lô viết rằng lời nói của người tín đồ đấng Christ phải có “nêm thêm muối”, ông ám chỉ lời nói chúng ta phải xây dựng, cũng làm người nghe dễ chấp nhận và thấy thú vị (Cô-lô-se 4:6). Điều này thật đúng khi nói lời khuyên bảo. Tại sao?
2 Khuyên bảo không phải chỉ có mục tiêu chia xẻ ý nghĩ hay tin tức. Trong nhiều trường hợp người được khuyên bảo đã biết rồi vài nguyên tắc Kinh-thánh áp dụng cho hoàn cảnh người, song đương sự gặp khó khăn trong việc áp dụng hoặc không nhận thức rõ tầm quan trọng của các nguyên tắc đó. Vì vậy, điều khó khăn chính yếu trong việc khuyên bảo là làm sao người kia có thể thay đổi cách suy nghĩ (Ga-la-ti; Ê-phê-sô 4:11, 12). Do đó (lời khuyên bảo) cần có “nêm thêm muối”.
3. Đức Giê-hô-va đã cung cấp gì để giúp cho các tín đồ đấng Christ nói lời khuyên bảo?
3 Thật ra, khuyên bảo là một việc khó làm, và muốn thành công, người nói lời khuyên bảo cần có sự hiểu biết và nhận xét tinh tường (Châm-ngôn 2:1, 2, 9; II Ti-mô-thê 4:2). Sung sướng thay, Đức Giê-hô-va đã cung cấp Kinh-thánh chứa đựng chẳng những sự hiểu biết cần thiết mà còn cho nhiều ví dụ về việc khuyên bảo do những người phụng sự Ngài mà có được sự nhận xét tinh tường. Xem xét vài ví dụ này sẽ giúp chúng ta trở nên người nói lời khuyên bảo được hữu hiệu hơn.
Hãy xem “đấng khuyên bảo tuyệt vời”
4. Khi khuyên bảo hội-thánh người trưởng lão có thể bắt chước Giê-su thế nào?
4 Thí dụ, hãy xem Giê-su, “đấng khuyên bảo tuyệt vời” (Ê-sai 9:5, NW). Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Giê-su đã cho viết nhiều lá thư khuyên bảo gửi đến bảy hội-thánh trong vùng A-si (Tiểu Á). Những bức thư này là gương mẫu tốt cho các trưởng lão noi theo khi cần nói lời khuyên bảo cho hội-thánh—và các nguyên tắc cũng áp dụng tốt trong trường hợp khuyên bảo cá nhân. Các vấn đề mà Giê-su bàn luận đều hệ trọng, trong số đó có: việc bội đạo, ảnh hưởng xấu của “Giê-sa-bên”, thái độ không nóng không lạnh và chủ nghĩa vật chất (Khải-huyền 2:4, 14, 15, 20-23; 3:1, 14-18). Như vậy Giê-su đã bàn luận về các vấn đề này cách thẳng thắn. Không thể nghi ngờ gì về những gì Giê-su muốn nói cho mỗi hội-thánh. Ngày nay, khi các trưởng lão nói lời khuyên bảo cho hội-thánh, họ phải “nêm thêm muối”, tức đượm sự khiêm nhường và nhân từ theo gương của Giê-su (Phi-líp 2:3-8; Ma-thi-ơ 11:29). Mặt khác, cũng theo gương của Giê-su, họ cần nói cách thẳng thắn. Lời khuyên bảo không nên mơ hồ và tổng quát để rồi hội-thánh không hiểu điểm khuyên là gì.
5, 6. Người trưởng lão có thể học được những bài học nào khác trong các thông điệp của Giê-su cho bảy hội-thánh?
5 Cũng hãy lưu ý là, mỗi khi có thể được, Giê-su luôn luôn bắt đầu bằng lời khen các hội-thánh và kết luận lời khuyên bảo bằng lời khích lệ xây dựng (Khải-huyền 2:2, 3, 7; 3:4, 5). Cũng vậy, các tín đồ đấng Christ nói lời khuyên bảo nên “nêm thêm muối” với lời khen và khích lệ. Một anh trưởng lão nhiều kinh nghiệm đã nhận xét: “Thật vậy, chúng ta không đạt được kết quả gì mấy nếu chỉ quở trách anh em mà thôi”. Khi phải nói lời khuyên bảo mạnh mẽ, các trưởng lão không nên để anh em cảm thấy chán nản; nhưng, ngược lại, họ cần cảm thấy được mạnh sức thêm với quyết tâm sẽ làm tốt hơn trong tương lai (So sánh II Cô-rinh-tô 1:1-4).
6 Cuối cùng, nói gì về thông điệp của Giê-su gửi cho các hội-thánh ở Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi? Ngài không chỉ trích các anh em này. Nhưng, bởi lẽ họ đang trải qua nhiều thử thách lớn, ngài khuyến khích họ tiếp tục kiên trì (Khải-huyền 2:8-11; 3:7-13). Các trưởng lão ngày nay cũng vậy, không phải chỉ khuyên bảo khi có điều gì cần phải sửa trị, nhưng luôn luôn mau mắn nói lời khen các anh em về các công việc tốt của họ và khuyến khích họ kiên trì (Rô-ma 12:12).
Dùng các ví dụ
7, 8. a) Lời của Giê-su khuyên bảo các môn đồ được “nêm thêm muối” như thế nào? b) Tại sao dùng ví dụ là rất tốt khi nói lời khuyên bảo?
7 Giê-su khuyên bảo các môn đồ ngài một lần khác, khi họ lo lắng ai sẽ hơn ai trong Nước Trời. Ngài đã có thể quở trách họ cách nghiêm khắc. Thay vì thế, ngài đã “nêm thêm muối” cho lời nói mình. Gọi một con trẻ đến gần, ngài phán: “Hễ ai trở nên khiêm-nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng” (Ma-thi-ơ 18:1-4; Lu-ca 9:46-48). Lời khuyên bảo thật rõ ràng, nhưng có nhân hậu và xây dựng. Bằng cách cho thấy Nước Trời khác hẳn với các nước của thế gian này, Giê-su khuyến khích các môn đồ nên khiêm nhường, và ngài đã cố gắng xóa bỏ lý do khiến họ cãi vả.
8 Cũng hãy lưu ý cách thức dạy dỗ hữu hiệu mà Giê-su đã dùng trong trường hợp này. Một ví dụ sống động—đứa con trẻ! Những người khuyên bảo khôn ngoan thường “nêm thêm muối” vào lời nói của họ bằng cách dùng ví dụ, bởi lời ví dụ nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề hoặc có thể giúp người nghe lý luận và nhìn vấn đề dưới một khía cạnh mới. Thường thì dùng các ví dụ giúp cho tình trạng bớt căng thẳng.
9. Có vài thí dụ nào khác trong Kinh-thánh cho thấy nên dùng ví dụ trong lời khuyên bảo?
9 Khi cảnh cáo Ca-in đang trong tình trạng nguy hiểm có thể phạm tội nặng, Đức Giê-hô-va đã tả cách sống động tội lỗi như một con thú hung dữ. Ngài nói: “Tội-lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm” (Sáng-thế Ký 4:7). Khi Giô-na giận dữ vì Đức Giê-hô-va đã tha mạng cho dân thành Ni-ni-ve vì họ đã ăn năn, Đức Chúa Trời cho Giô-na một dây giưa cao để cho ông bóng mát. Rồi, khi dây ấy héo đi, và Giô-na than vãn, Ngài nói: “Ngươi đoái-tiếc một dây... Còn ta, há không đoái-tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người... hay sao?” (Giô-na 4:5-11). Lời khuyên bảo thật là mạnh mẽ thay!
10. Một người tín đồ đấng Christ ngày nay nói lời khuyên bảo đã dùng ví dụ như thế nào để giúp một chị trẻ tuổi hiểu rõ các chủ ý của cha mẹ chị?
10 Cũng vậy, khi một chị trẻ tuổi đã bực tức vì cha mẹ giới hạn việc chọn bạn bè, một anh giám thị lưu động đã thử giúp chị bằng cách dùng ví dụ này: “Chị thích may vá, phải không? Hãy tưởng tượng chị đã để rất nhiều thì giờ may một chiếc áo thật đẹp cho một người bạn. Nhưng sau khi tặng áo đó cho bạn, thì chị thấy cô ta dùng áo chị cho để chùi sàn nhà. Thì chị sẽ cảm thấy thế nào?” Chị trẻ tuổi này nhận là sẽ buồn giận lắm. Anh tôi tớ nói tiếp: “Cha mẹ chị đang cảm thấy như thế. Họ đã để nhiều công lao nuôi nấng chị lớn lên và họ rất hãnh diện về chị. Thành ra họ muốn chị kết bạn với những người sẽ đối xử tử tế với chị, chứ không phải những người sẽ làm hại chị”. Ví dụ này đã giúp chị trẻ tuổi hiểu rõ cha mẹ cố gắng làm gì đối với chị.
Đặt câu hỏi
11. Đức Giê-hô-va đã dùng các câu hỏi một cách hữu hiệu thế nào khi khuyên bảo Giô-na?
11 Khi Đức Giê-hô-va nói với Giô-na về sự bực tức vô lý của ông, có lẽ bạn đã lưu ý rằng Ngài đặt nhiều câu hỏi. Khi Giô-na bực tức vì thành Ni-ni-ve không bị tiêu diệt đến nỗi ông xin cho chết đi, Đức Giê-hô-va hỏi: “Ngươi giận có nên không?” Giô-na không trả lời. Do đó Đức Giê-hô-va khiến cho dây giưa mọc lên rồi héo chết đi. Giô-na lại càng bực tức hơn nữa. Đức Giê-hô-va bèn hỏi ông: “Ngươi nổi giận vì cớ dây nầy có nên không?”. Lần này Giô-na trả lời: “Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm”. Khi đã nghe Giô-na trả lời rồi, Đức Giê-hô-va mới so sánh thái độ của Giô-na đoái tiếc dây giưa với chính thái độ của Ngài đối với Ni-ni-ve, và Ngài đặt câu hỏi rất bén nhọn: “Còn ta, há không đoái-tiếc thành lớn Ni-ni-ve... hay sao?” (Giô-na 4:4, 9, 11). Như vậy, Giô-na đã được khuyên nên có thái độ giống như thái độ của Đức Giê-hô-va đối với dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn.
12. Các câu hỏi có giá trị gì khi khuyên bảo? Hãy cho thí dụ.
12 Thật vậy, đặt câu hỏi sẽ giúp người khuyên bảo biết được người kia nghĩ gì. Các câu hỏi cũng giúp người kia ý thức rõ được vấn đề và các động lực của chính mình. Ví dụ, một người có thể nằng nặc cho rằng mình có quyền uống rượu trước khi lái xe về nhà. Có thể anh ta thực sự nghĩ: «Rượu không có ảnh hưởng gì đến tôi hết!» Một người bạn có thể muốn lý luận với anh và nói: «Nhưng giả thử xe gặp phải tai nạn mà lỗi không phải tại anh. Nhưng cảnh sát sẽ nghĩ sao khi biết anh đã uống rượu? Và giả thử rượu có thể ảnh hưởng một chút đến các phản ứng của anh, vậy anh có thiệt tình muốn lái xe khi phản ứng không còn chính xác 100% không? Chỉ có một chút rượu mà liều mình như vậy có đáng chăng?»
13. Một trưởng lão đã dùng Kinh-thánh và các câu hỏi để khuyên bảo bằng phương cách nào? Tại sao đó là hữu hiệu?
13 Lời khuyên bảo của tín đồ đấng Christ luôn luôn căn cứ vào Kinh-thánh. Và, nếu có thể được, người khuyên bảo nên thực sự dùng Kinh-thánh để nói lời khuyên bảo. Kinh-thánh cung cấp một sự giúp đỡ mạnh mẽ (Hê-bơ-rơ 4:12). Để thí dụ: Một anh trưởng lão nhiều kinh nghiệm tìm cách giúp một người không còn hoạt động trong việc rao giảng nữa. Anh trưởng lão lưu ý ví dụ của Giê-su về chuyện ông nọ có hai đứa con; ông sai cả hai ra vườn nho làm việc. Người con đầu nói sẽ đi nhưng không đi. Người con thứ hai nói không đi nhưng sau đó lại quyết định đi (Ma-thi-ơ 21:28-31). Song anh trưởng lão đặt câu hỏi: “Vậy trong hai người con này anh/chị đang hành động giống người con nào?” Người tuyên bố hiểu ngay điểm anh muốn nói, nhất là khi anh trưởng lão hỏi tiếp: “Anh/chị nghĩ Chủ vườn nho là Đức Giê-hô-va xem xét tình trạng anh/chị như thế nào?”
14. Có những trường hợp nào khác trong đó đặt câu hỏi là cách rất tốt khi nói lời khuyên bảo?
14 Người khuyên bảo có thể áp dụng phương thức tương tự khi khuyên những người có hoài nghi, hoặc có vấn đề trong hôn nhân hay gia đình, những người có xích mích với anh em khác, hoặc những người gặp các vấn đề khó khăn khác.a Câu hỏi dùng cách khéo léo sẽ giúp người nghe lý luận, tự kiểm điểm và đi đến kết luận đúng đắn.
Cẩn thận lắng nghe
15. a) Ba người đến gọi là để “an-ủi” Gióp đã không làm gì? b) Chú ý lắng nghe sẽ giúp người khuyên bảo thế nào?
15 Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đặt câu hỏi có nghĩa bạn muốn nghe câu trả lời (Châm-ngôn 18:13). Người khuyên bảo không nên rơi vào bẫy đã chụp ba người đến, gọi là để “an-ủi” Gióp. Gióp nói với họ, nhưng họ thật ra không lắng nghe. Họ đã định sẵn trong trí rằng Gióp gặp nạn do chính tội lỗi của ông (Gióp 16:2; 22:4-11). Ngược lại, người tín đồ đấng Christ muốn khuyên bảo cần cẩn thận lắng nghe. Như vậy, người sẽ có thể lưu ý những lúc ngập ngừng hoặc đổi giọng cho thấy cả vấn đề chưa được tỏ ra hết. Có thể một câu hỏi thêm sẽ giúp người kia nói rõ ý ra hơn. (So sánh Châm-ngôn 20:5).
16. Người khuyên bảo cần nhớ điều gì khi thấy khó lắng nghe mọi than phiền của một tín đồ đấng Christ đang bực tức?
16 Đành rằng điều này không phải là dễ. Một người đang bực tức có thể nói xẳng giọng: “Tôi ghét cha mẹ tôi!” hoặc “Tôi không thể nào sống chung với chồng tôi nữa!” Phải nghe những lời này thật làm buồn nản. Nhưng hãy nhớ Đức Giê-hô-va đã lắng nghe khi A-sáp than vãn rằng giữ sự trung thành thật luống công (Thi-thiên 73:13, 14). Đức Giê-hô-va cũng đã lắng nghe khi Giê-rê-mi than phải làm trò cười cho thiên hạ (Giê-rê-mi 20:7). Ha-ba-cúc có vẻ than vãn kẻ dữ hiếp bức người công bình mà ngay Đức Giê-hô-va chẳng thấy (Ha-ba-cúc 1:13-17). Các tín đồ đấng Christ nói lời khuyên bảo cũng cần phải sẵn sàng lắng nghe. Nếu thực sự các anh em có cảm thấy như vậy, người khuyên bảo cần biết đến để tìm cách giúp. Anh nên tránh muốn thúc người anh em bày tỏ điều mình phải cảm thấy thay vì bày tỏ điều người ấy thực sự đang cảm thấy. Người khuyên bảo cũng nên tránh có phản ứng mạnh hoặc chỉ trích, vì như vậy có thể làm nản người đang cần bày tỏ ý mình (Châm-ngôn 14:29; 17:27).
17. Đôi khi chỉ lắng nghe cũng là một cách an ủi thế nào cho anh em mình?
17 Có khi phần chính của việc khuyên bảo là lắng tai nghe để người kia được dịp trút mọi sự đau đớn trong lòng họ, hoặc mọi đau khổ về tâm thần. Khi Na-ô-mi trở về từ đất Mô-áp, các người nữ Y-sơ-ra-ên chào hỏi bà với câu: “Ấy có phải Na-ô-mi chăng?” Nhưng Na-ô-mi buồn bã trả lời: “Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi tôi là Ma-ra, vì Đấng Toàn-năng đã đãi tôi cách cay-đắng lắm. Tôi đi ra được đầy-dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn-năng khiến tôi bị khốn-khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi?” (Ru-tơ 1:19-21). Các người nữ Y-sơ-ra-ên không có gì để nói nhiều. Song, lắm khi, chỉ vui lòng ở đó mà nghe cũng đủ để an ủi và giúp làm bớt nỗi buồn phiền của người bị nản chí.b
Nên thực tế
18. a) Lời khuyên bảo của Đức Giê-hô-va và Giê-su đã được đáp ứng ra sao? b) Người tín đồ đấng Christ nói lời khuyên bảo cần trau dồi đức tính gì?
18 Dĩ nhiên, sự đáp ứng lời khuyên bảo thay đổi khác nhau. Giô-na mau mắn đáp ứng lời khuyên của Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri đó không còn cay đắng và bực tức nữa, do đó ông muốn ghi lại kinh nghiệm của ông để người khác có thể học hỏi. Các môn đồ của Giê-su đã phải cần một thời gian mới học nổi được bài học về tính khiêm nhường. Thật vậy, đến ngay đêm trước khi Giê-su phải hy sinh mạng sống mình, họ vẫn còn cãi vã xem ai là lớn hơn hết trong đám họ! (Lu-ca 22:24). Vì vậy, người khuyên bảo cần phải có sự kiên nhẫn (Truyền-đạo 7:8). Một cá nhân đã có thái độ sai lầm lâu năm thì thường sẽ không thay đổi ngay được chỉ sau vài lời khuyên bảo do một trưởng lão. Những vấn đề hiện có từ lâu giữa vợ chồng sẽ không tiêu tán ngay chỉ sau một buổi nói chuyện với một anh tín đồ thành thục. Bệnh nặng về thân thể cần chữa trị nhiều tháng, thì trường hợp bệnh về thiêng liêng có thể cũng thế. Cũng có trường hợp vài người nhất quyết không chịu nghe lời khuyên bảo khôn ngoan. Ca-in, sau khi đã được chính Đức Giê-hô-va răn bảo, vẫn đi để giết em mình (Sáng-thế Ký 4:6-8).
19. Hội-thánh có thể giúp đỡ như thế nào cho những người bị thương tích về tinh thần?
19 Những người với nhiều vấn đề khó xử nên thực tế, không nên đòi hỏi quá nhiều nơi hội-thánh. Một anh em cùng đạo không thể trị được một bệnh tâm thần trầm trọng hay làm dứt được một sự đau đớn tinh thần gây ra bởi một thảm trạng hoặc một biến cố âu sầu kinh khủng. Khi một người lâm bệnh, nhiều khi bác sĩ chỉ có thể giúp người đó bớt đau trong khi chờ đợi thời gian chữa lành thân thể. Cũng vậy, khi một tín đồ đấng Christ có sự đau đớn tâm thần, hội-thánh có thể cố gắng giúp người đó “bớt đau” bằng cách cầu nguyện chung với người và nhắc nhở đến người trong lời cầu nguyện riêng của mình. Khi có thể được, anh em cũng nên nói lời khuyến khích người và tìm cách giúp đỡ thực tế. Thế rồi, dần dần với thời gian, thánh linh của Đức Giê-hô-va sẽ giúp người đó được hồi phục (Châm-ngôn 12:25; Gia-cơ 5:14, 15). Như thế, một nạn nhân của sự loạn luân (incest) đã viết: “Mặc dầu nạn loạn luân gây tai hại kinh khủng về tinh thần, tổ chức của Đức Giê-hô-va có giúp được nhiều, và nhờ nơi Kinh-thánh và sự giúp đỡ của các anh chị em, bạn có thể vượt qua được”.c
20. Việc khuyên bảo có vai trò gì trong khi tất cả chúng ta cố gắng trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va?
20 Đúng, các tín đồ đấng Christ có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt các trưởng lão, song tất cả mọi người trong hội-thánh nữa, tất cả hãy chăm sóc nhau, lo cho nhau về sức khỏe thiêng liêng và khi cần, sẵn sàng dùng Kinh-thánh khuyên bảo nhau với sự nhân từ (Phi-líp 2:4). Lẽ dĩ nhiên, lời khuyên bảo chẳng nên độc tài hoặc gay gắt, cũng không cho cảm tưởng như muốn kiểm soát đời sống của người khác. Ngược lại, lời khuyên bảo phải căn cứ trên Kinh-thánh và được “nêm thêm muối” (Cô-lô-se 4:6). Người nào cũng có khi cần sự giúp đỡ, và lời khuyên bảo đúng lúc, được “nêm thêm muối” bằng sự nhân từ và khích lệ, sẽ giúp tất cả chúng ta tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự sống đời đời.
[Chú thích]
a Xem thêm tin tức về cách khuyên bảo những cặp vợ chồng, đăng trong bài “Thế nào nói lời khuyên bảo giúp đỡ hữu hiệu” trong tạp chí Tinh thức! (Anh-ngữ) số ra ngày 22-7-1983.
b Xem những đề nghị để giúp tín đồ đấng Christ bị buồn nản đăng trong bài “Nói lời an ủi cho những ai sầu thảm” trong Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 15-4-1982 và “Miệng lưỡi được huấn luyện để khuyến khích kẻ mệt mỏi” trong số ra ngày 1-6-1982.
c Xem thêm tin tức về cách giúp đỡ người bị thương tích về tinh thần, đăng trong bài “Hy vọng cho những ai bị u sầu” và “Họ muốn giúp” trong Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 1-8-1983 và “Giúp đỡ nạn nhân của sự loạn luân” trong số ra ngày 1-10-1983.
Bạn nhớ không?
◻ Những điều gì trong cách Giê-su khuyên bảo bảy hội-thánh có thể giúp các trưởng lão ngày nay?
◻ Kinh-thánh đã cung cấp cho ta những gương nào về cách dùng ví dụ trong lời khuyên bảo?
◻ Đối với người tín đồ đấng Christ nói lời khuyên bảo, đặt câu hỏi có giá trị thực sự ra sao?
◻ Một người khuyên bảo khéo léo có thể dùng Kinh-thánh thế nào?
◻ Tại sao người nói lời khuyên bảo cũng phải cẩn thận lắng nghe?
[Hình nơi trang 9]
Giê-su đã khuyên bảo các môn đồ một cách rõ ràng, nhân hậu và xây dựng bằng cách dùng một con trẻ để nhấn mạnh một điểm
[Hình nơi trang 10]
Giô-na cay đắng và giận dữ, nhưng sau đó dường như ông đã đáp ứng tốt theo lời khuyên bảo của Đức Giê-hô-va