Anh chị có thể góp phần củng cố sự hợp nhất bằng cách nào?
“Nhờ ngài mà cả thân thể được gắn kết hài hòa và phối hợp với nhau”.—Ê-PHÊ 4:16.
1. Từ ban đầu, điều gì là đặc trưng trong các công việc của Đức Chúa Trời?
Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã hợp nhất với nhau ngay từ khởi đầu của cuộc sáng tạo. Là sự khôn ngoan được nhân cách hóa, tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời nói: “Ta ở bên [Đức Giê-hô-va] làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài” (Châm 8:30). Cha và Con hợp tác với nhau và tạo ra sự sống đa dạng mà chúng ta thấy ngày nay. Sự hợp tác đã tiếp tục là đặc trưng trong các công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy điều này trong việc đóng tàu vào thời Nô-ê cũng như việc dựng, tháo dỡ và di chuyển đền tạm khi dân Đức Chúa Trời đi trong đồng vắng, thậm chí cả trong việc chơi nhạc và hòa giọng hát ngợi khen Đức Giê-hô-va tại đền thờ. Tất cả những nỗ lực ấy đều dựa trên sự hợp tác.—Sáng 6:14-16, 22; Dân 4:4-32; 1 Sử 25:1-8.
2. (a) Hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu có điểm gì đáng chú ý? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Kiểu mẫu làm việc chung này là đặc trưng của hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su Ki-tô. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng dù cá nhân các tín đồ được xức dầu có “nhiều món quà khác nhau”, tham gia vào “nhiều công việc thánh khác nhau” cùng “nhiều việc làm khác nhau”, nhưng tất cả đều thuộc về “một thân thể”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 12:4-6, 12). Ngày nay thì sao? Làm thế nào chúng ta có thể giữ sự gắn kết hài hòa trong việc rao giảng tin mừng? Chúng ta có thể phối hợp hay hợp tác ra sao trong hội thánh cũng như trong gia đình?
HỢP TÁC TRONG VIỆC RAO GIẢNG
3. Sứ đồ Giăng đã nhận được khải tượng nào?
3 Vào cuối thế kỷ thứ nhất CN, sứ đồ Giăng nhận được một khải tượng về bảy thiên sứ, mỗi thiên sứ thổi một tiếng kèn. Khi thiên sứ thứ năm thổi kèn, Giăng thấy “một ngôi sao” từ trời rơi xuống đất. “Ngôi sao” ấy có một chìa khóa trong tay và dùng nó để mở con đường dẫn xuống vực sâu. Làn khói dày đặc bay ra từ vực và trong làn khói đó, một đàn châu chấu xuất hiện. Thay vì làm hại các loài thực vật, những con châu chấu này tấn công “người nào không có dấu ấn của Đức Chúa Trời trên trán” (Khải 9:1-4). Chắc hẳn Giăng đã biết một đàn châu chấu có thể gây ra sự tàn phá ghê gớm thế nào. Chẳng phải châu chấu đã hành hại xứ Ai Cập cổ xưa trong thời Môi-se sao? (Xuất 10:12-15). Đàn châu chấu mà Giăng đã thấy tượng trưng một cách thích hợp cho các tín đồ được xức dầu trong việc công bố những thông điệp phán xét mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, hàng triệu bạn đồng hành có hy vọng sống trên đất đã kết hợp với họ. Hai nhóm này hợp nhất với nhau trong công việc rao giảng. Không ngạc nhiên gì khi công việc rao giảng của chúng ta làm suy yếu uy quyền mà Sa-tan thể hiện qua đế quốc tôn giáo sai lầm của hắn trên toàn cầu!
4. Dân của Đức Chúa Trời phải làm công việc nào, và cách duy nhất để họ có thể thành công trong việc ấy là gì?
4 Dân của Đức Giê-hô-va có nhiệm vụ to lớn là rao giảng “tin mừng” ra khắp đất, trước khi thế gian này bị kết liễu (Mat 24:14; 28:19, 20). Điều ấy bao gồm việc mời bất cứ ai “khát” đến uống “nước sự sống miễn phí” (Khải 22:17). Là các thành viên của hội thánh đạo Đấng Ki-tô, bằng cách nào chúng ta có thể thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ này? Chúng ta chỉ có thể làm được điều đó nếu “gắn kết hài hòa và phối hợp với nhau”.—Ê-phê 4:16.
5, 6. Chúng ta hợp nhất như thế nào khi rao giảng tin mừng?
5 Để chia sẻ thông điệp về tin mừng Nước Trời với nhiều người nhất có thể, chúng ta cần thực hiện công việc rao giảng một cách có tổ chức. Vì thế, chúng ta nhận được những sự chỉ dẫn qua các hội thánh trên khắp thế giới, nhờ vậy chúng ta có thể hợp nhất trong công việc này. Sau buổi nhóm họp rao giảng, chúng ta đi công bố thông điệp Nước Trời cho nhân loại. Chúng ta phổ biến thông điệp ấy qua lời nói của mình và qua hàng triệu bản của các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Thỉnh thoảng, chúng ta được mời tham gia vào các đợt rao giảng đặc biệt. Khi làm việc này, anh chị đang cùng hàng triệu người khác hợp nhất loan báo thông điệp của ‘thiên sứ đang bay giữa trời’ được nói đến nơi Khải huyền 14:6.
6 Thật hào hứng khi đọc trong sách Niên giám (Yearbook) những kết quả tổng hợp về hoạt động của chúng ta! Cũng hãy nghĩ về cách chúng ta hợp nhất khi phân phát giấy mời cho các hội nghị vùng, hội nghị đặc biệt và hội nghị quốc tế. Tại các hội nghị ấy, chúng ta lắng nghe những bài giảng khích lệ dựa trên Kinh Thánh, đồng thời chú ý đến các vở kịch và màn trình diễn. Những phần này khuyến khích chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va những gì tốt nhất. Buổi lễ tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su cũng hợp nhất chúng ta. Vì biết ơn lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời cũng như vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su, hàng năm chúng ta nhóm lại để cử hành sự kiện ấy vào ngày 14 tháng Ni-san, sau khi mặt trời lặn (1 Cô 11:23-26). Không chỉ các Nhân Chứng đã báp-têm mới tham dự. Trong những tuần trước Lễ Tưởng Niệm, chúng ta mời càng nhiều người càng tốt trong khu vực của hội thánh đến tham gia với chúng ta trong dịp đặc biệt này.
7. Khi làm việc chung với nhau, chúng ta có thể thực hiện điều gì?
7 Một con châu chấu đơn độc không có ảnh hưởng lớn. Tương tự, những nỗ lực cá nhân của mỗi chúng ta dường như nhỏ bé. Nhưng bằng cách làm việc chung với nhau, chúng ta có thể hướng sự chú ý của hàng triệu người đến Đức Giê-hô-va, đấng xứng đáng với mọi sự ngợi khen và tôn vinh! Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất mà sự hợp tác của chúng ta góp phần vào sự hợp nhất của dân Đức Chúa Trời.
HỢP TÁC TRONG HỘI THÁNH
8, 9. (a) Phao-lô đã dùng minh họa nào để dạy các tín đồ đạo Đấng Ki-tô giữ sự hợp nhất? (b) Chúng ta có thể hợp tác trong hội thánh qua cách nào?
8 Trong lá thư gửi cho các tín đồ ở Ê-phê-sô, Phao-lô nói đến cả việc tổ chức của hội thánh lẫn sự cần thiết phải “trưởng thành về mọi phương diện”. (Đọc Ê-phê-sô 4:15, 16). Điều gì sẽ giúp cá nhân mỗi chúng ta tiến tới mục tiêu đó? Qua việc dùng ví dụ về cơ thể con người, Phao-lô tập trung vào sự hợp nhất dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su Ki-tô, đấng làm đầu hội thánh. Sứ đồ Phao-lô nói về sự phối hợp với nhau “bởi các khớp bổ trợ”. Làm thế nào mỗi chúng ta, dù trẻ hay già, khỏe hay yếu, có thể góp phần củng cố sự hợp nhất cũng như tình trạng thiêng liêng của hội thánh?
9 Một bí quyết là phục tùng và tôn trọng những người mà Chúa Giê-su đã bổ nhiệm để cung cấp sự chỉ dẫn trong hội thánh, đó là các trưởng lão (Hê 13:7, 17). Có lẽ không phải lúc nào cũng dễ để làm việc này. Tuy nhiên, chúng ta có thể cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời với lòng tin chắc. Thần khí của ngài có thể giúp chúng ta hết lòng ủng hộ các sắp đặt của hội thánh. Vậy nếu có khi nào cảm thấy không muốn làm theo sự chỉ dẫn được ban, chúng ta nên suy ngẫm xem sự hợp tác với thái độ khiêm nhường của mình sẽ góp phần ra sao vào sự hợp nhất trong hội thánh. Hơn nữa, hợp tác trong những vấn đề như thế có thể giúp cho tình yêu thương của tất cả chúng ta được lớn mạnh.
10. Các phụ tá giúp hội thánh hợp nhất ra sao? (Xem hình nơi đầu bài).
10 Các phụ tá góp phần rất đáng quý vào sự hợp nhất của một hội thánh. Với tinh thần bất vị kỷ và không kể tuổi tác, những anh này thực hiện các công việc phục vụ, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, họ hỗ trợ các trưởng lão bằng cách đảm bảo rằng chúng ta được cung cấp các ấn phẩm để dùng trong thánh chức. Bên cạnh đó, họ thường chăm lo việc đều đặn làm sạch và bảo trì Phòng Nước Trời cũng như chào đón khách đến tham dự các buổi nhóm họp. Khi hợp tác với những anh ấy, chúng ta góp phần giúp hội thánh hoạt động một cách suôn sẻ.—So sánh Công vụ 6:3-6.
11. Những anh trẻ có thể làm gì để giúp hội thánh của mình hợp nhất?
11 Nhiều anh thành thục đã gánh vác các trách nhiệm của hội thánh trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, tuổi tác ngày càng cao có lẽ khiến họ không làm được nhiều việc như trước, vì vậy các sự điều chỉnh trở nên cần thiết. Những anh trẻ hơn có thể trợ giúp được nhiều. Dù họ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng qua sự huấn luyện, họ có thể được giúp để đảm nhận thêm trách nhiệm. Thật tốt biết bao khi các phụ tá cố gắng hội đủ điều kiện làm trưởng lão! (1 Ti 3:1, 10). Một số trưởng lão trẻ tuổi đã tiến bộ đến mức hội đủ điều kiện cho công việc vòng quanh, nhờ thế họ có thể phục vụ các anh chị em trong nhiều hội thánh. Chẳng phải chúng ta biết ơn về sự hỗ trợ tình nguyện của những người trẻ sao?—Đọc Thi-thiên 110:3; Truyền-đạo 12:1.
HỢP TÁC TRONG GIA ĐÌNH
12, 13. Điều gì có thể giúp mọi người trong gia đình hợp tác với nhau?
12 Chúng ta sẽ thảo luận về sự hợp tác trong một lĩnh vực khác là gia đình. Làm thế nào chúng ta có thể đẩy mạnh sự hợp tác trong gia đình mình? Nhiều người thấy rằng việc có Buổi thờ phượng của gia đình hiệu quả vào mỗi tuần giúp gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong những khoảng thời gian vui thích này, chúng ta tập trung vào những điều thiêng liêng, nhờ thế góp phần vào sự hợp nhất trong gia đình. Việc thực tập cho thánh chức có thể giúp gia đình được chuẩn bị tốt hơn để rao giảng một cách hữu hiệu. Ngoài ra, không khó để thấy rằng khi các thành viên trong gia đình chia sẻ những bình luận về Lời Đức Chúa Trời, họ đến gần nhau hơn vì tất cả đều yêu mến Đức Giê-hô-va và đều quan tâm đến việc làm theo ý muốn ngài.
13 Các cặp vợ chồng có thể làm gì để hợp tác và mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va? Khi cả hai là những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, họ sẽ vui mừng và có sự hợp nhất trong hôn nhân. Áp-ra-ham và Sa-ra, Y-sác và Rê-bê-ca, Ên-ca-na và An-ne, tất cả đều biểu lộ tình yêu thương với người bạn đời của mình. Chúng ta cũng nên cố gắng làm thế (Sáng 26:8; 1 Sa 1:5, 8; 1 Phi 3:5, 6). Nhờ đó, chúng ta sẽ hợp nhất với người bạn đời của mình và đến gần hơn với Cha trên trời của chúng ta.—Đọc Truyền-đạo 4:12.
14. Nếu chồng hay vợ mình không phụng sự Đức Giê-hô-va, anh chị có thể làm gì để giữ cho hôn nhân bền vững?
14 Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tránh mang ách chung với người không tin đạo (2 Cô 6:14). Nhưng nói sao về những anh chị sống trong gia đình không cùng tôn giáo? Một số người hiện đang phụng sự Đức Chúa Trời đã học sự thật sau khi kết hôn, và vợ hay chồng họ không phải là Nhân Chứng. Dù vậy, việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể góp phần vào sự hòa thuận trong gia đình. Điều này bao gồm việc hợp tác đến mức tối đa nhưng không thỏa hiệp. Làm vậy có lẽ không dễ dàng nhưng hãy nghĩ về phần thưởng mà chúng ta có thể gặt hái. Việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh cũng có thể là điều khó khi người bạn đời của mình rời bỏ hội thánh. Một chị Nhân Chứng tên là Mary đã ở trong hoàn cảnh đó. Chị và chồng là David đã cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng khoảng 25 năm trước, anh đã ngừng tham dự các buổi nhóm họp của hội thánh. Chị Mary trung thành đi dự các buổi nhóm họp và hội nghị cũng như nỗ lực áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong gia đình, bao gồm việc dạy dỗ sáu người con. Khi con cái đã lớn và ra ở riêng, chị Mary cảm thấy rất cô đơn. Sau đó, anh David bắt đầu đọc các tạp chí mà chị để cho anh ấy. Với thời gian, anh đã trở lại Phòng Nước Trời và tại đó, cậu cháu nội sáu tuổi giữ một ghế cho anh. Nếu anh David không đến thì sau đó cậu bé sẽ nói: “Ông ơi, hôm nay cháu không thấy ông ở Phòng Nước Trời”. Giờ đây, anh David vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va và chị Mary vô cùng sung sướng vì họ cùng nhau phụng sự ngài.
15. Làm thế nào các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn có thể giúp những cặp vợ chồng trẻ?
15 Ngày nay, Sa-tan đang tấn công các gia đình. Do đó, điều trọng yếu đối với mọi tôi tớ của Đức Chúa Trời là duy trì sự hợp tác tốt trong hôn nhân. Bất kể anh chị đã kết hôn bao lâu, hãy nghĩ về những điều chính mình có thể nói hoặc làm để củng cố hôn nhân. Trong lĩnh vực này, những cặp vợ chồng lớn tuổi hơn cũng có thể giúp đỡ những cặp vợ chồng trẻ tuổi trong hội thánh. Thỉnh thoảng, anh chị có thể mời một cặp vợ chồng trẻ đến nhà để cùng tham dự buổi thờ phượng gia đình. Trong khi kết hợp với anh chị, họ có thể thấy rằng việc biểu lộ sự trìu mến và hòa thuận là điều quan trọng, bất kể một người đã kết hôn bao lâu.—Tít 2:3-7.
“CHÚNG TA HÃY LÊN NÚI CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”
16, 17. Những tôi tớ hợp nhất của Đức Chúa Trời trông đợi điều gì?
16 Hãy hình dung dân Y-sơ-ra-ên vào thời Kinh Thánh ngợi khen Đức Giê-hô-va trong một kỳ lễ tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Họ đã chuẩn bị cho chuyến đi, chăm lo nhu cầu lẫn nhau trên đường và sau đó hợp nhất thờ phượng tại đền thờ. Tất cả những việc này đòi hỏi phải có sự hợp tác (Lu 2:41-44). Ngày nay cũng vậy, chúng ta cần làm mọi điều có thể để gắn kết hài hòa và hợp tác với nhau khi tiếp tục cuộc hành trình đến thế giới mới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên. Anh chị thấy mình cần chú tâm hơn trong vấn đề này không?
17 Hãy nghĩ về những ân phước đang ở phía trước! Chúng ta đã bỏ lại sau lưng sự bất hòa và xáo trộn, là đặc trưng của thế gian ngày nay. Giờ đây, chúng ta thấy điều mà cả Ê-sai và Mi-chê đã báo trước hiện đang được ứng nghiệm: Dân Đức Chúa Trời đang hợp nhất đi lên “núi của Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 2:2-4; đọc Mi-chê 4:2-4). Đúng vậy, hình thức thờ phượng của chúng ta rất cao trọng trong “những ngày sau-rốt”. Nhưng chúng ta sẽ còn vui mừng và hạnh phúc biết bao khi sống tại thời điểm mà cả nhân loại được gắn kết hài hòa và hợp tác với nhau!