CHƯƠNG MƯỜI TÁM
Cô “suy ngẫm trong lòng”
1, 2. Hãy miêu tả chuyến hành trình của Ma-ri và giải thích điều gì khiến cô thấy không thoải mái.
Ma-ri xoay trở không yên trên lưng con vật thồ. Cô đã đi suốt nhiều tiếng đồng hồ. Phía trước là Giô-sép đang bước đi vững chãi và dẫn đường đến thành Bết-lê-hem xa xôi. Một lần nữa, Ma-ri lại cảm thấy em bé trong bụng cô cựa quậy.
2 Cô đã bụng mang dạ chửa nhiều tháng qua, Kinh Thánh miêu tả tới lúc này cô đã “gần đến ngày sinh nở” (Lu 2:5). Khi hai vợ chồng đi từ cánh đồng này qua cánh đồng nọ, có lẽ một vài nông dân đang cày ruộng hoặc gieo hạt đã ngước mắt nhìn họ và thắc mắc tại sao một phụ nữ trong tình trạng đó lại đi như vậy. Tại sao Ma-ri phải đi xa nhà ở Na-xa-rét?
3. Ma-ri đã nhận sứ mạng nào? Chúng ta sẽ học gì về cô?
3 Chuyện bắt đầu từ nhiều tháng trước, khi người phụ nữ Do Thái trẻ tuổi này nhận sứ mạng có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cô sẽ sinh ra Con Đức Chúa Trời, và ngài sẽ trở thành Đấng Mê-si! (Lu 1:35). Gần đến ngày Ma-ri sinh nở, hai vợ chồng mới biết là phải thực hiện chuyến hành trình này. Suốt chặng đường, Ma-ri phải đối mặt với nhiều thử thách về đức tin. Chúng ta hãy xem điều gì đã giúp cô giữ đức tin vững mạnh.
Hành trình đến Bết-lê-hem
4, 5. (a) Tại sao Giô-sép và Ma-ri đi Bết-lê-hem? (b) Chiếu chỉ của Sê-sa giúp lời tiên tri nào được ứng nghiệm?
4 Giô-sép và Ma-ri không phải là những người duy nhất phải thực hiện chuyến hành trình này. Sê-sa Au-gút-tơ vừa ra chiếu chỉ cho mọi người trong xứ đi đăng ký tên vào sổ, và người dân phải trở về nguyên quán để làm điều đó. Giô-sép đã làm gì? Lời tường thuật cho biết: “Vì Giô-sép là dòng-dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê”.—Lu 2:1-4, Bản Truyền thống.
5 Không phải ngẫu nhiên mà Sê-sa ban chiếu chỉ vào thời điểm này. Một lời tiên tri được viết ra trước đó khoảng bảy thế kỷ báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ sinh ra ở Bết-lê-hem. Đúng là có một thị trấn tên Bết-lê-hem chỉ cách Na-xa-rét 11km. Tuy nhiên, lời tiên tri cho biết cụ thể là Đấng Mê-si sẽ sinh ra ở “Bết-lê-hem Ép-ra-ta”. (Đọc Mi-chê 5:1). Từ Na-xa-rét, lữ khách phải đi khoảng 130km băng qua Sa-ma-ri để đến ngôi làng nhỏ này. Đó là làng Bết-lê-hem mà Giô-sép phải đến, vì là nguyên quán của vua Đa-vít, tổ tiên của hai vợ chồng Giô-sép.
6, 7. (a) Tại sao hành trình đến Bết-lê-hem là thử thách đối với Ma-ri? (b) Việc trở thành vợ Giô-sép ảnh hưởng đến những quyết định của Ma-ri như thế nào? (Cũng xem chú thích).
6 Ma-ri có ủng hộ quyết định của Giô-sép không? Dĩ nhiên chuyến đi này sẽ khó khăn cho cô. Chắc hẳn lúc ấy mùa khô sắp kết thúc và bắt đầu vào thu nên có thể có mưa phùn. Ngoài ra, cụm từ Kinh Thánh dùng là ‘từ xứ Ga-li-lê đi lên’ rất thích hợp vì Bết-lê-hem nằm trên cao, cách mặt biển hơn 760m—khá dốc và phải mất nhiều ngày đường nhọc nhằn mới tới. Có lẽ họ phải tốn nhiều thời gian hơn bình thường vì tình trạng của Ma-ri đòi hỏi phải nghỉ ngơi nhiều lần. Giờ đây, trong giai đoạn cuối của thai kỳ, có lẽ bất cứ người phụ nữ trẻ nào cũng muốn được ở gần nhà, có gia đình và bạn bè sẵn sàng giúp đỡ khi sinh nở. Rõ ràng, Ma-ri phải can đảm mới có thể thực hiện chuyến hành trình này.
7 Tuy nhiên, Lu-ca cho biết Giô-sép đi “đăng ký cho mình và Ma-ri”. Ông cũng ghi lại là Ma-ri “đã thành hôn với [Giô-sép]” (Lu 2:4, 5). Việc trở thành vợ Giô-sép đã ảnh hưởng lớn đến những quyết định của Ma-ri. Cô xem chồng là người dẫn đầu trong việc thờ phượng, và chấp nhận vai trò Đức Chúa Trời giao là trở thành người giúp đỡ bằng cách ủng hộ những quyết định của chồnga. Vì vâng lời chồng nên Ma-ri đã vượt qua chuyến hành trình này, dù đó có thể là một thử thách về đức tin đối với cô.
8. (a) Điều gì khác có thể đã thôi thúc Ma-ri đi Bết-lê-hem cùng Giô-sép? (b) Ma-ri nêu gương sáng về đức tin cho những người trung thành bằng cách nào?
8 Điều gì khác có thể đã thôi thúc Ma-ri vâng lời? Cô có biết lời tiên tri nói Bết-lê-hem là nơi Đấng Mê-si sinh ra không? Kinh Thánh không ghi rõ. Nhưng chúng ta không thể loại bỏ khả năng này, vì đây là sự kiện mà những trưởng tế, thầy kinh luật và ngay cả dân thường đều biết (Mat 2:1-7; Giăng 7:40-42). Hơn nữa, Ma-ri am hiểu về Lời Đức Chúa Trời (Lu 1:46-55). Dù Ma-ri quyết định đi vì vâng lời chồng, vì chiếu chỉ hay vì lời tiên tri của Đức Giê-hô-va—hoặc vì các lý do ấy hợp lại—cô cũng đã nêu một gương xuất sắc. Đức Giê-hô-va quý trọng tinh thần khiêm nhường và vâng lời của người nam lẫn người nữ. Trong thời chúng ta, sự phục tùng thường là một trong những điều mà người ta xem nhẹ nhất. Thế nên, Ma-ri là gương sáng về đức tin cho những người trung thành ở khắp mọi nơi.
Đấng Ki-tô ra đời
9, 10. (a) Có thể Giô-sép và Ma-ri nghĩ về điều gì khi đến Bết-lê-hem? (b) Giô-sép và Ma-ri nghỉ đêm ở đâu, và tại sao?
9 Ma-ri hẳn đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy Bết-lê-hem từ xa. Trong lúc họ đi lên những ngọn đồi, băng qua những vườn ô-liu—một trong những loại quả được thu hoạch vào cuối vụ mùa—Giô-sép và Ma-ri có lẽ đã ngẫm nghĩ về lịch sử của ngôi làng nhỏ này. Nó không đáng kể so với các thành của xứ Giu-đa, như lời nhà tiên tri Mi-chê miêu tả. Nhưng đó là nơi sinh của Bô-ô, Na-ô-mi và Đa-vít hơn một ngàn năm trước đó.
10 Giô-sép và Ma-ri thấy ngôi làng đã đông nghịt người. Nhiều người đi đăng ký đã đến trước họ nên không còn chỗ trong quán trọb. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nghỉ qua đêm trong một chuồng gia súc. Chúng ta có thể hình dung nỗi lo lắng của Giô-sép khi thấy vợ lần đầu tiên phải trải qua những cơn đau càng lúc càng dữ dội. Tại đây, ngay chuồng gia súc này, Ma-ri bắt đầu chuyển dạ.
11. (a) Tại sao người phụ nữ nào cũng có thể cảm thông với Ma-ri? (b) Chúa Giê-su là “con đầu lòng” theo những nghĩa nào?
11 Người phụ nữ nào cũng có thể cảm thông với Ma-ri. Trước đó khoảng 4.000 năm, Đức Giê-hô-va đã báo trước rằng vì tội lỗi di truyền, phụ nữ phải chịu đau đớn mỗi khi sinh con (Sáng 3:16). Không có bằng chứng nào cho thấy Ma-ri được miễn trừ khỏi điều này. Lời tường thuật của Lu-ca không miêu tả cụ thể sự đau đớn của Ma-ri, nhưng chỉ cho biết: “Nàng sinh một con trai, là con đầu lòng” (Lu 2:7). Đúng vậy, “con đầu lòng” của cô đã ra đời—con đầu trong số ít nhất bảy người con (Mác 6:3). Tuy nhiên, người con này rất đặc biệt, không chỉ vì là con đầu lòng của Ma-ri nhưng vì là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật” của Đức Chúa Trời, Con một của ngài!—Cô 1:15.
12. Ma-ri đã đặt em bé nằm ở đâu, và tại sao thực tế khác với những vở kịch, tranh ảnh và cảnh miêu tả lúc Chúa Giê-su ra đời?
12 Vào lúc này, lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết thêm một chi tiết mà nhiều người biết đến, đó là Ma-ri “lấy khăn quấn con và đặt nằm trong máng cỏ” (Lu 2:7). Trên thế giới, nhiều vở kịch, tranh ảnh và cảnh miêu tả lúc Chúa Giê-su ra đời đã được thi vị hóa làm rung động lòng người. Nhưng hãy nghĩ đến thực tế. Máng cỏ là đồ chứa thức ăn cho gia súc. Vì thế, gia đình này đang ở một nơi không có không khí trong lành và hợp vệ sinh—dù theo tiêu chuẩn thời xưa hay bây giờ. Thật vậy, nếu được lựa chọn thì có cha mẹ nào lại muốn con mình chào đời trong chuồng gia súc? Nếu hầu hết cha mẹ muốn điều tốt nhất cho con mình thì Giô-sép và Ma-ri còn muốn những điều tốt đẹp hơn cho Con của Đức Chúa Trời biết dường nào!
13. (a) Giô-sép và Ma-ri đã làm hết những gì có thể như thế nào? (b) Ngày nay, những bậc cha mẹ khôn ngoan có thể đặt thứ tự ưu tiên như Giô-sép và Ma-ri bằng cách nào?
13 Dù vậy, cặp vợ chồng này đã không để sự thiếu thốn làm họ cay đắng; họ chỉ làm hết những gì có thể. Hãy lưu ý là chính Ma-ri đã chăm sóc đứa con bé bỏng, lấy khăn quấn cho con rồi nhẹ nhàng đặt con vào máng cỏ để ngủ, bảo đảm rằng con được ấm áp và an toàn. Ma-ri không để hoàn cảnh thiếu tiện nghi làm cô lo lắng và không chăm sóc cho con cách tốt nhất. Cả Ma-ri lẫn Giô-sép đều hiểu điều quan trọng nhất họ có thể làm là chăm sóc con về mặt tâm linh. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-8). Ngày nay, những bậc cha mẹ khôn ngoan cũng đặt thứ tự ưu tiên như thế khi nuôi dạy con cái trong thế gian không xem trọng việc thờ phượng Đức Chúa Trời.
Cuộc viếng thăm đầy phấn khởi
14, 15. (a) Tại sao những người chăn chiên háo hức gặp em bé? (b) Những người chăn chiên đã làm gì sau khi thấy Chúa Giê-su trong chuồng gia súc?
14 Sự náo động đột ngột phá vỡ cảnh yên bình. Những người chăn chiên ùa vào chuồng gia súc, háo hức gặp gia đình Giô-sép, đặc biệt là em bé. Những người này vô cùng phấn khởi và gương mặt rạng rỡ niềm vui. Họ đang canh bầy chiên trên đồi và đã vội vã chạy đến đâyc. Khi Giô-sép và Ma-ri vẫn còn ngạc nhiên thì họ kể cho hai người nghe về những điều tuyệt vời họ vừa chứng kiến. Lúc họ còn đang thức đêm canh bầy thì một thiên sứ bất ngờ hiện ra. Ánh hào quang của Đức Giê-hô-va tỏa sáng chung quanh, và thiên sứ báo tin Đấng Ki-tô, hay Mê-si, vừa mới sinh ra ở Bết-lê-hem. Thiên sứ cũng cho biết họ sẽ tìm thấy em bé được quấn khăn và nằm trong máng cỏ. Rồi, một chuyện đáng kinh ngạc hơn đã xảy ra: Muôn vàn thiên sứ hiện đến và ngợi khen Đức Chúa Trời!—Lu 2:8-14.
15 Không lạ gì khi những người khiêm nhường này vội vã chạy đến Bết-lê-hem! Hẳn họ nóng lòng thấy em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ như lời thiên sứ miêu tả. Họ không thể giữ kín tin mừng này. “Họ bèn kể lại những điều thiên sứ đã nói về con trẻ ấy. Ai nghe cũng đều kinh ngạc trước mọi điều những người chăn chiên kể” (Lu 2:17, 18). Những nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy xem thường người chăn chiên. Nhưng rõ ràng Đức Giê-hô-va quý trọng những người khiêm nhường và trung thành này. Còn về phần Ma-ri, cuộc viếng thăm đó đã tác động thế nào đến cô?
Rõ ràng Đức Giê-hô-va quý trọng những người chăn chiên khiêm nhường và trung thành
16. Ma-ri cho thấy cô suy nghĩ thật sâu sắc như thế nào? Đâu là bí quyết chính giúp Ma-ri giữ đức tin vững chắc?
16 Chắc chắn Ma-ri kiệt sức sau khi sinh, nhưng cô vẫn chăm chú lắng nghe từng lời. Hơn nữa, Ma-ri “ghi nhớ mọi lời đó và suy ngẫm trong lòng” (Lu 2:19). Người phụ nữ trẻ này suy nghĩ thật sâu sắc. Cô biết thông điệp của thiên sứ rất quan trọng. Đức Chúa Trời muốn cho Ma-ri biết và hiểu rõ lai lịch cũng như tầm quan trọng của con cô. Vì thế, cô không chỉ lắng nghe mà còn khắc ghi những lời ấy vào lòng để có thể suy đi ngẫm lại trong những năm tháng sắp đến. Đó là bí quyết chính giúp Ma-ri giữ đức tin vững chắc trong suốt đời cô.—Đọc Hê-bơ-rơ 11:1.
17. Về những sự thật trong Kinh Thánh, chúng ta có thể noi gương Ma-ri bằng cách nào?
17 Bạn có noi theo gương Ma-ri không? Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại những sự thật quan trọng trong Lời ngài. Thế nhưng, những sự thật ấy sẽ không hữu ích bao nhiêu nếu chúng ta không ưu tiên chú ý đến chúng. Chúng ta làm điều này bằng cách đều đặn đọc Kinh Thánh, không xem đó chỉ là một tác phẩm văn học nhưng là Lời được Đức Chúa Trời hướng dẫn viết ra (2 Ti 3:16). Vậy, giống như Ma-ri, chúng ta cần khắc ghi những sự thật ấy vào lòng và suy ngẫm. Nếu suy ngẫm về những điều mình đọc trong Kinh Thánh và tìm cách áp dụng trọn vẹn hơn lời khuyên của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ nuôi dưỡng đức tin của mình ngày càng lớn mạnh.
Ma-ri ghi nhớ thêm những lời khác
18. (a) Khi Chúa Giê-su còn là em bé, Giô-sép và Ma-ri đã làm theo Luật pháp Môi-se như thế nào? (b) Vật tế lễ mà Giô-sép và Ma-ri dâng tại đền thờ cho biết gì về tình hình tài chính của họ?
18 Khi em bé được tám ngày, Giô-sép và Ma-ri đã làm phép cắt bì cho con theo Luật pháp Môi-se, và đặt tên con là Giê-su như đã được dặn bảo (Lu 1:31). Rồi đến ngày thứ 40, họ đem em bé đến đền thờ Giê-ru-sa-lem, cách Bết-lê-hem khoảng mười kilômét, và dâng vật tế lễ để tẩy uế như Luật pháp quy định cho người nghèo—hai chim cu gáy hoặc hai bồ câu. Nếu cảm thấy xấu hổ vì không thể dâng chiên đực và chim cu gáy như những bậc cha mẹ khác, họ đã gạt cảm xúc ấy sang một bên. Dù sao đi nữa, họ được khích lệ rất nhiều khi đến đền thờ.—Lu 2:21-24.
19. (a) Si-mê-ôn nói thêm những lời nào mà Ma-ri khắc ghi vào lòng? (b) An-na làm gì khi thấy Chúa Giê-su?
19 Một người cao niên là Si-mê-ôn đến gặp họ và nói thêm những lời mà Ma-ri khắc ghi vào lòng. Đức Giê-hô-va đã hứa rằng Si-mê-ôn sẽ thấy Đấng Mê-si trước khi qua đời và bởi thần khí, ngài cho ông biết em bé Giê-su là Đấng Cứu Rỗi đã được báo trước. Ông cũng báo cho Ma-ri biết là cô sẽ chịu nỗi đau như một lưỡi gươm dài đâm thấu qua lòng (Lu 2:25-35). Dù vậy, có thể chính những lời đau buồn này đã giúp Ma-ri chịu đựng khi thời điểm khó khăn ấy đến vào 33 năm sau. Sau Si-mê-ôn, bà tiên tri An-na đã thấy em bé Giê-su và bắt đầu nói về ngài cho những người trân trọng niềm hy vọng về sự giải cứu thành Giê-ru-sa-lem.—Đọc Lu-ca 2:36-38.
20. Tại sao quyết định mang Chúa Giê-su đến đền thờ ở Giê-ru-sa-lem là đúng đắn?
20 Quả là một quyết định đúng đắn khi Giô-sép và Ma-ri mang em bé đến đền thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem! Nhờ thế, họ dẫn dắt con vào một lối sống trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va tại đền thờ. Tại đó, Giô-sép và Ma-ri làm hết những gì có thể để phụng sự ngài, đồng thời nhận được sự hướng dẫn và khích lệ. Chắc hẳn khi rời đền thờ vào ngày hôm ấy, đức tin của Ma-ri càng thêm vững mạnh, lòng cô tràn đầy những sự thật quan trọng để suy ngẫm và chia sẻ với người khác.
21. Như Ma-ri, chúng ta có thể làm gì để đức tin ngày càng vững mạnh hơn?
21 Thật tốt làm sao khi những bậc cha mẹ thời nay noi theo gương mẫu ấy! Những bậc cha mẹ trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va kiên trì dẫn con đến dự các buổi nhóm họp của hội thánh. Họ làm hết những gì có thể và dùng lời nói để khuyến khích anh em đồng đạo. Khi về nhà, họ thấy mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn và có đầy những điều tốt lành để chia sẻ với người khác. Chúng ta sẽ vui thích khi tham dự nhóm họp cùng họ! Nếu làm thế, chúng ta sẽ thấy đức tin ngày càng vững mạnh hơn, giống như Ma-ri.
a Hãy lưu ý sự tương phản giữa đoạn Kinh Thánh này với đoạn miêu tả chuyến đi lần trước, khi “Ma-ri chuẩn bị và... lên đường” đến thăm Ê-li-sa-bét (Lu 1:39). Lúc đó, vì là một phụ nữ đã đính hôn nhưng chưa cưới nên có thể Ma-ri đã quyết định mà không hỏi ý kiến Giô-sép. Thế nhưng, sau khi hai người kết hôn thì người quyết định về chuyến hành trình là Giô-sép, chứ không phải Ma-ri.
b Theo truyền thống thời đó, những thị trấn thường có một phòng tập thể để những khách vãng lai và đoàn lữ hành đến trọ.
c Vào lúc đó, những người chăn chiên đang ở ngoài đồng với bầy. Sự kiện này xác nhận điều mà niên đại học Kinh Thánh cho biết: Chúa Giê-su không sinh ra vào tháng 12, lúc mà bầy chiên phải ở trong chuồng gần nhà. Ngược lại, ngài sinh ra vào khoảng đầu tháng 10.