Tôi tớ Đức Giê-hô-va có niềm hy vọng thật
“Phần sót lại của Gia-cốp sẽ ở giữa nhiều dân, như giọt móc đến từ Đức Giê-hô-va... không mong gì ở con trai loài người”.—MI-CHÊ 5:6.
1. Dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng là một nguồn khoan khoái như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng vĩ đại tạo ra mưa và sương. Trông mong nơi con người cung cấp sương hoặc mưa là điều vô ích. Tiên tri Mi-chê đã viết: “Phần sót lại của Gia-cốp sẽ ở giữa nhiều dân, như giọt móc đến từ Đức Giê-hô-va, như mưa nhỏ sa xuống trên cỏ, chẳng đợi người ta và không mong gì ở con trai loài người”. (Mi-chê 5:6) Ngày nay ai là “phần sót lại của Gia-cốp”? Họ là những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức những người còn sót lại của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Đối với “nhiều dân” trên đất, họ như “giọt móc đến từ Đức Giê-hô-va” và “mưa nhỏ sa xuống trên cỏ” mang lại sự khoan khoái. Đúng vậy, những tín đồ Đấng Christ được xức dầu ngày nay là ân phước Đức Chúa Trời ban cho loài người. Là những người rao giảng Nước Trời, họ được Đức Giê-hô-va dùng để mang đến cho người ta thông điệp về hy vọng thật.
2. Tại sao chúng ta có hy vọng thật bất kể đang sống trong thế gian bất ổn này?
2 Chẳng lạ gì khi thế gian này không có hy vọng thật. Chính trị bất ổn, đạo đức suy đồi, tội ác, khủng hoảng kinh tế, khủng bố, chiến tranh—chúng ta biết những chuyện như thế tất xảy ra trong một thế gian do Sa-tan Ma-quỉ cai trị. (1 Giăng 5:19) Nhiều người lo sợ, không biết tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta không lo sợ nhờ có hy vọng chắc chắn về tương lai. Đó là niềm hy vọng thật nhờ dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có đức tin nơi Đức Giê-hô-va và Lời Ngài vì những điều Ngài nói luôn luôn trở thành hiện thực.
3. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va sẽ ra tay hành phạt Y-sơ-ra-ên và Giu-đa? (b) Tại sao những lời của Mi-chê áp dụng cho thời nay?
3 Lời tiên tri của Mi-chê do Đức Chúa Trời soi dẫn giúp chúng ta vững mạnh bước theo danh Đức Giê-hô-va và cho chúng ta cơ sở để có niềm hy vọng thật. Vào thế kỷ thứ tám TCN, khi Mi-chê nói tiên tri, dân trong giao ước với Đức Chúa Trời bị chia làm hai nước—Y-sơ-ra-ên và Giu-đa—và cả hai đều lờ đi giao ước với Đức Chúa Trời. Hậu quả là họ rơi vào tình trạng đạo đức suy đồi, bội đạo, và theo chủ nghĩa vật chất quá đáng. Vì thế, Đức Giê-hô-va cảnh cáo là Ngài sẽ ra tay hành phạt họ. Dĩ nhiên những lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời nhằm vào những người đồng thời với Mi-chê. Tuy nhiên, vì tình trạng ngày nay rất giống với thời của Mi-chê nên những lời của ông cũng áp dụng cho thời nay. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi xem xét một số nét nổi bật của bảy chương trong sách Mi-chê.
Xem sơ lược nội dung cho thấy gì?
4. Chương 1 đến 3 của sách Mi-chê cung cấp thông tin gì?
4 Chúng ta hãy xem qua nội dung sách Mi-chê. Trong chương 1, Đức Giê-hô-va phơi bày sự phạm pháp của Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Vì tội lỗi này, Y-sơ-ra-ên sẽ bị hủy diệt và sự trừng phạt của Giu-đa sẽ đến tận cổng thành Giê-ru-sa-lem. Chương 2 cho thấy người giàu có và quyền thế áp bức người yếu đuối và cô thế. Thế nhưng, chương này cũng có một lời hứa của Đức Chúa Trời. Dân của Đức Chúa Trời sẽ được thâu nhóm lại thành một bầy. Chương 3 ghi lại lời Đức Giê-hô-va lên án những người lãnh đạo đất nước và những nhà tiên tri phạm pháp. Những người lãnh đạo làm sai lệch công lý, và những nhà tiên tri nói những lời dối trá. Mặc dù vậy, Mi-chê được thánh linh ban sức để rao báo sự phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va.
5. Ý chính của Mi-chê chương 4 và 5 là gì?
5 Chương 4 báo trước là trong những ngày sau rốt, tất cả các dân đều sẽ đi đến núi cao của nhà Đức Giê-hô-va để được Ngài dạy dỗ. Trước đó, Giu-đa sẽ bị lưu đày sang Ba-by-lôn, nhưng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu họ. Chương 5 cho biết Đấng Mê-si sẽ sinh ra ở Bết-lê-hem xứ Giu-đa. Ngài sẽ chăn dắt dân ngài và giải cứu họ khỏi những nước áp bức.
6, 7 Những điểm nào được trình bày trong chương 6 và 7 của sách tiên tri Mi-chê?
6 Mi-chê chương 6 ghi lại những lời buộc tội của Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài dưới hình thức đối nại. Đức Chúa Trời đã làm gì khiến dân Ngài phản nghịch? Ngài không làm điều gì cả. Sự thật là các đòi hỏi của Ngài rất hợp lý. Ngài muốn những người thờ phượng Ngài làm sự công bình, nhân từ và khiêm nhường bước đi cùng Ngài. Thay vì làm thế, Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đã đi theo đường lối phản nghịch và sẽ gánh lấy hậu quả.
7 Trong chương cuối của sách tiên tri, Mi-chê lên án sự gian ác của những người đồng thời. Tuy vậy, ông không nản lòng vì ông nhất quyết “chờ-đợi” Đức Giê-hô-va. (Mi-chê 7:7) Sách Mi-chê kết thúc bằng lời bày tỏ sự tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ thương xót dân Ngài. Lịch sử chứng minh niềm hy vọng này đã thành hiện thực. Vào năm 537 TCN, khi sự sửa phạt dân Ngài đã trọn, Đức Giê-hô-va thương xót cho phép một nhóm người còn sót lại trở về quê hương.
8. Bạn tóm tắt thế nào về nội dung của sách Mi-chê?
8 Qua Mi-chê, Đức Giê-hô-va tiết lộ những thông tin thật hữu ích! Sách được soi dẫn này cho gương cảnh cáo về cách Đức Chúa Trời đối xử với những người xưng là hầu việc Ngài nhưng lại bất trung. Sách này báo trước những biến cố đang xảy ra ngày nay, đồng thời cho chúng ta những lời khuyên của Đức Chúa Trời về cách ăn ở trong thời kỳ khó khăn này hầu củng cố niềm hy vọng của chúng ta.
Chúa Giê-hô-va phán
9. Theo Mi-chê 1:2, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì?
9 Chúng ta hãy xem xét sách Mi-chê cách chi tiết hơn. Mi-chê 1:2 viết: “Hỡi hết thảy các dân, hãy nghe! Hỡi đất và mọi vật chứa trên đất, hãy lắng tai! Nguyền xin Chúa Giê-hô-va từ đền thánh Ngài, nguyền xin Chúa làm chứng nghịch cùng các ngươi!” Nếu bạn đang sống thời Mi-chê, chắc hẳn những lời này làm bạn chú ý. Thật vậy, những lời này gợi sự chú ý của bạn vì Đức Giê-hô-va đang nói từ đền thánh Ngài và không chỉ nói cho dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa mà còn cho dân ở khắp nơi. Vào thời Mi-chê, đã từ lâu dân sự lờ đi Chúa Giê-hô-va. Không bao lâu nữa, sẽ có sự thay đổi. Đức Giê-hô-va nhất định hành động dứt khoát.
10. Tại sao những lời nơi Mi-chê 1:2 quan trọng đối với chúng ta?
10 Thời kỳ chúng ta cũng giống như thế. Khải-huyền 14:18-20 cho thấy Đức Giê-hô-va một lần nữa phán từ đền thánh Ngài. Không bao lâu nữa Ngài sẽ hành động dứt khoát, và những biến cố quan trọng một lần nữa sẽ gây rúng động cho nhân loại. Lần này, “vườn nho” gian ác “ở đất” sẽ bị quăng vào thùng lớn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va, rồi hệ thống của Sa-tan bị hủy diệt hoàn toàn.
11. Những lời nơi Mi-chê 1:3, 4 có ý nói gì?
11 Hãy lắng nghe để biết Đức Giê-hô-va sẽ làm gì. Mi-chê 1:3, 4 ghi: “Nầy, Đức Giê-hô-va ra từ chỗ Ngài, xuống và đạp trên các nơi cao của đất. Các núi sẽ tan-chảy dưới Ngài, các trũng sẽ chia-xé; như sáp ở trước lửa, như nước chảy xuống dốc”. Liệu Đức Giê-hô-va sẽ rời chỗ ngự trên trời của Ngài và đạp trên các núi và trũng của Đất Hứa theo nghĩa đen không? Không, Ngài không cần phải làm thế. Ngài chỉ cần hướng sự chú ý đến trái đất là ý định Ngài sẽ được thực hiện. Hơn nữa, không phải trái đất mà là dân cư trên đất sẽ phải chịu những điều được miêu tả. Khi Đức Giê-hô-va hành động, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với kẻ bất trung—như thể núi tan chảy giống như sáp và trũng bị nứt ra do động đất.
12, 13. Phù hợp với 2 Phi-e-rơ 3:10-12, điều gì giúp cho hy vọng của chúng ta được bảo đảm?
12 Những lời tiên tri nơi Mi-chê 1:3, 4 có lẽ nhắc bạn nhớ đến một lời tiên tri khác được soi dẫn, báo trước những biến cố tai hại trên đất. Như ghi nơi 2 Phi-e-rơ 3:10, sứ đồ Phi-e-rơ cho biết: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang-rầm mà qua đi, các thể-chất bị đốt mà tiêu-tán, đất cùng mọi công-trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả”. Tương tự như lời tiên tri của Mi-chê, lời của Phi-e-rơ không áp dụng cho các từng trời và đất theo nghĩa đen. Các lời đó nói về một hoạn nạn lớn sẽ xảy ra cho thế gian bất kính này.
13 Mặc dù hoạn nạn ấy sắp đến, nhưng các tín đồ Đấng Christ có thể tin tưởng vào tương lai, giống như Mi-chê. Bằng cách nào? Bằng cách làm theo lời khuyên ghi ở các câu kế tiếp trong thư của Phi-e-rơ. Ông nói cách mạnh mẽ: “Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. (2 Phi-e-rơ 3:11, 12) Hy vọng của chúng ta về tương lai sẽ vững chắc nếu chúng ta vun trồng tấm lòng vâng phục và cố gắng gìn giữ hạnh kiểm thánh sạch và có đời sống đầy những việc làm tin kính. Để niềm hy vọng của chúng ta được bảo đảm, chúng ta cũng phải nhớ rằng ngày của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ đến.
14. Tại sao Y-sơ-ra-ên va Giu-đa đáng bị trừng phạt?
14 Đức Giê-hô-va giải thích lý do tại sao dân của Ngài thời xưa đáng bị phạt. Mi-chê 1:5 nói: “Vì cớ sự phạm-pháp của Gia-cốp, và vì cớ tội-lỗi của nhà Y-sơ-ra-ên. Sự phạm-pháp của Gia-cốp là gì? Há chẳng phải là Sa-ma-ri sao? Các nơi cao của Giu-đa là gì? Há chẳng phải là Giê-ru-sa-lem sao?” Y-sơ-ra-ên và Giu-đa nhờ ơn Đức Giê-hô-va mà hiện hữu. Thế mà họ đã phản nghịch Ngài, và làm điều ấy ngay cả trong thủ đô của mình là Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem.
Đầy dẫy những thực hành gian ác
15, 16. Những người đồng thời với Mi-chê đã phạm những hành động gian ác nào?
15 Một thí dụ về sự gian ác của những người đồng thời với Mi-chê được miêu tả sống động nơi Mi-chê 2:1, 2: “Khốn thay cho những kẻ mưu sự gian-ác và toan sự tội-lỗi trên giường mình, và làm ra vừa lúc sáng ngày; vì chúng nó có quyền về sự đó ở trong tay! Chúng nó tham đất-ruộng và cướp đi, tham nhà-cửa và lấy đi. Chúng nó ức-hiếp người ta và nhà họ, tức là người và sản-nghiệp họ nữa”.
16 Ban đêm, những kẻ tham lam thao thức, tính kế chiếm đoạt ruộng đất và nhà cửa của người lân cận. Đến sáng, chúng vội thực hiện mưu kế mình. Nếu nhớ đến giao ước với Đức Giê-hô-va, chúng đã không nhúng tay vào những việc gian ác ấy. Luật Môi-se có những điều khoản bảo vệ người nghèo. Theo bộ luật ấy, không gia đình nào phải mất quyền sở hữu sản nghiệp vĩnh viễn. Thế nhưng, những kẻ tham lam chẳng quan tâm đến luật ấy. Chúng lờ đi lời ghi nơi Lê-vi Ký 19:18: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”.
17. Điều gì có thể xảy ra khi những người cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời nhưng lại đặt vật chất lên hàng đầu trong đời sống?
17 Điều này cho thấy những gì có thể xảy ra khi những người cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời nhưng không còn chú ý đến mục tiêu thiêng liêng và đặt việc tìm kiếm vật chất lên hàng đầu. Phao-lô cảnh báo các tín đồ Đấng Christ thời ông như sau: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất”. (1 Ti-mô-thê 6:9) Khi một người đặt việc kiếm tiền là mục tiêu chính trong đời sống, trên thực tế người ấy đang thờ thần giả Ma-môn, hay Thần Tài. Thần giả ấy không mang lại hy vọng chắc chắn nào cho tương lai.—Ma-thi-ơ 6:24.
18. Điều gì sẽ xảy ra cho những người theo chủ nghĩa vật chất trong thời Mi-chê?
18 Nhiều người trong thời Mi-chê qua kinh nghiệm cay đắng mới học được rằng trông cậy vào vật chất chỉ là điều hư không. Theo Mi-chê 2:4, Đức Giê-hô-va nói: “Trong ngày đó, người ta sẽ lập lại một câu thí-dụ về các ngươi; sẽ hát một bài ca thương sầu-thảm mà nói rằng: Chúng ta bị hủy-diệt cả rồi! Ngài dời sản-nghiệp của dân ta, khiến cho lìa khỏi ta, lấy đất-ruộng của ta mà chia cho kẻ bạn-nghịch”. Đúng vậy, những kẻ cướp ruộng đất, nhà cửa sẽ mất chính gia sản mình. Họ sẽ bị đày sang xứ lạ, tài sản họ sẽ trở thành chiến lợi phẩm của “kẻ bạn-nghịch”, tức dân các nước khác. Mọi hy vọng về tương lai thịnh vượng sẽ tiêu tan.
19, 20. Những người Do thái tin cậy nơi Đức Giê-hô-va đã có kinh nghiệm nào?
19 Tuy nhiên, hy vọng của những ai tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ không biến thành thất vọng. Đức Giê-hô-va trung tín với giao ước mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham và Đa-vít, và Ngài thương xót những ai giống như Mi-chê, yêu thương Ngài và đau buồn khi thấy người đồng hương bỏ Đức Chúa Trời. Vì những người ngay thẳng, sẽ có sự khôi phục vào đúng kỳ mà Đức Chúa Trời định.
20 Sự khôi phục ấy diễn ra vào năm 537 TCN, sau khi Ba-by-lôn bị sụp đổ và khi một nhóm người Do thái còn sót lại được trở về quê hương. Lúc ấy, những lời nơi Mi-chê 2:12 được ứng nghiệm lần đầu tiên. Đức Giê-hô-va phán: “Hỡi Gia-cốp! ta chắc sẽ nhóm cả ngươi lại. Ta chắc sẽ thâu góp phần còn lại của Y-sơ-ra-ên, và đặt nó chung cả như những con chiên của Bốt-ra, như một bầy ở giữa đồng cỏ chúng nó; đó sẽ có tiếng ồn lớn vì đám đông người”. Đức Giê-hô-va quả yêu thương biết bao! Sau khi sửa phạt dân Ngài, Đức Giê-hô-va cho phép một nhóm người còn sót lại trở về phụng sự Ngài, nơi xứ sở Ngài ban cho tổ phụ họ.
Những điểm tương tự nổi bật trong thời chúng ta
21. Tình trạng ngày nay giống như thời của Mi-chê thế nào?
21 Chúng ta đã xem xét hai chương đầu của sách Mi-chê, bạn có ngạc nhiên khi thấy nhiều điểm rất giống thời nay không? Như thời Mi-chê, nhiều người ngày nay cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời. Thế nhưng, như Giu-đa và Y-sơ-ra-ên, họ có sự chia rẽ và thậm chí còn tranh chiến với nhau. Nhiều người thuộc tầng lớp giàu của khối đạo xưng theo Đấng Christ áp bức người nghèo. Càng ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo dung túng những thực hành rõ ràng bị Kinh Thánh lên án. Không lạ gì khi khối đạo tự xưng theo Đấng Christ sắp bị kết liễu cùng với các thành phần khác của “Ba-by-lôn lớn”, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới! (Khải-huyền 18:1-5) Tuy nhiên, như thời Mi-chê, Đức Giê-hô-va sẽ có những tôi tớ trung thành còn lại trên đất.
22. Hai nhóm nào đặt niềm hy vọng nơi Nước Trời?
22 Năm 1919, những tín đồ trung thành được xức dầu của Đấng Christ hoàn toàn tách khỏi khối đạo xưng theo Đấng Christ và khởi sự công bố tin mừng về Nước Trời cho mọi dân. (Ma-thi-ơ 24:14) Trước tiên, họ tìm kiếm những người còn sót lại thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Kế đến, các “chiên khác” bắt đầu được thâu nhóm, và hai nhóm đã trở thành một “một bầy, và một người chăn”. (Giăng 10:16) Mặc dù ngày nay họ phụng sự Đức Chúa Trời trong 234 xứ, tất cả những người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va thật sự được đặt ‘chung cả như một bầy’. Giờ đây, chuồng chiên “có tiếng ồn lớn vì đám đông người”, gồm cả nam, nữ và trẻ em. Họ không đặt hy vọng vào hệ thống không tin kính này, nhưng vào Nước Trời, là nước sẽ mang lại địa đàng một ngày gần đây.
23. Tại sao bạn tin quyết rằng niềm hy vọng của bạn là chắc chắn?
23 Nói về những người thờ phượng trung thành của Đức Giê-hô-va, câu cuối cùng của Mi-chê chương 2 ghi: “Vua chúng nó đi qua trước mặt chúng nó, và Đức Giê-hô-va đi đầu chúng nó”. Bạn có thấy mình hiện diện trong cuộc diễu hành chiến thắng ấy không, theo sau Vua Giê-su Christ, với chính Đức Giê-hô-va dẫn đầu? Nếu thế, bạn có thể tin quyết rằng chiến thắng ấy và niềm hy vọng của bạn là chắc chắn. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ hơn nữa khi xem xét thêm những điểm nổi bật khác của sách tiên tri Mi-chê.
Bạn trả lời ra sao?
• Vào thời Mi-chê, tại sao Đức Giê-hô-va quyết định ra tay hành phạt Giu-đa và Y-sơ-ra-ên?
• Điều gì có thể xảy ra khi những người cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời nhưng lại đặt quyền lợi vật chất lên hàng đầu trong đời sống?
• Sau khi xem xét Mi-chê chương 1 và 2, tại sao bạn tin quyết rằng niềm hy vọng của bạn là chắc chắn?
[Hình nơi trang 9]
Lời tiên tri của Mi-chê có thể củng cố chúng ta về thiêng liêng
[Các hình nơi trang 10]
Giống như nhóm người Do thái còn sót lại vào năm 537 TCN, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và các bạn đồng hành của họ đẩy mạnh sự thờ phượng thật