Hỡi các anh, hãy gieo cho thánh linh và vươn tới đặc ân!
“Kẻ gieo cho Thánh-Linh, sẽ bởi Thánh-Linh mà gặt sự sống đời đời”.—GA 6:8.
1, 2. Câu Ma-thi-ơ 9:37, 38 đang được ứng nghiệm thế nào, và dẫn đến nhu cầu nào trong các hội thánh?
Bạn đang chứng kiến diễn tiến của một sự kiện lịch sử! Công việc mà Chúa Giê-su đề cập đang tiến triển nhanh chóng. Ngài phán: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (Mat 9:37, 38). Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang đáp lời cầu nguyện đó trên một phạm vi chưa từng thấy. Trong năm công tác 2009, số hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới gia tăng 2.031, nâng tổng số lên 105.298 hội thánh. Trung bình mỗi ngày có 757 người làm báp-têm!
2 Với sự phát triển như thế, rất cần các anh hội đủ điều kiện dẫn đầu công việc dạy dỗ và chăn bầy trong hội thánh (Ê-phê 4:11). Qua nhiều thập niên, Đức Giê-hô-va đã dấy lên những người nam hội đủ điều kiện để chăm sóc chiên của Ngài, và chúng ta tin chắc Ngài sẽ tiếp tục làm thế. Lời tiên tri ghi nơi Mi-chê 5:4 bảo đảm rằng trong ngày cuối cùng, dân Đức Giê-hô-va sẽ có “bảy kẻ chăn” và “tám quan-trưởng”, cho thấy sẽ có nhiều người nam đủ khả năng dẫn đầu dân sự.
3. Hãy giải thích “gieo cho Thánh-Linh” có nghĩa gì.
3 Nếu là người nam đã báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, điều gì có thể giúp bạn muốn vươn đến đặc ân phụng sự? Yếu tố then chốt là “gieo cho Thánh-Linh” (Ga 6:8). Làm thế bao hàm việc có lối sống sao cho thánh linh Đức Chúa Trời dễ dàng hoạt động trong đời sống bạn. Hãy quyết tâm không “gieo cho xác-thịt”. Đừng để cho sự thoải mái, an nhàn và giải trí làm giảm ước muốn phụng sự Đức Chúa Trời. Tất cả tín đồ Đấng Christ nên “gieo cho Thánh-Linh”, và với thời gian, người nam có thể hội đủ điều kiện để nhận đặc ân trong hội thánh. Hiện nay rất cần tôi tớ thánh chức và trưởng lão, nên bài này đặc biệt dành cho các nam tín đồ. Vậy, chúng tôi khuyến khích các anh hãy cầu nguyện và suy nghĩ về bài này.
Vươn đến việc tốt lành
4, 5. (a) Người nam đã báp-têm được khuyến khích vươn đến những đặc ân nào trong hội thánh? (b) Làm sao một anh có thể vươn đến đặc ân?
4 Một nam tín đồ không tự động trở thành giám thị. Anh phải vươn đến “việc tốt-lành” này (1 Ti 3:1). Anh phải có tinh thần phục vụ anh em đồng đức tin bằng cách thành thật chăm lo nhu cầu của họ. (Đọc Ê-sai 32:1, 2). Người vươn đến đặc ân với động cơ đúng thì không phải là người tham vọng. Ngược lại, anh luôn có ước muốn bất vị kỷ là mang lại lợi ích cho người khác.
5 Muốn vươn tới đặc ân tôi tớ thánh chức và chức vụ giám thị, một anh phải cố gắng hội đủ điều kiện đề ra trong Kinh Thánh (1 Ti 3:1-10, 12, 13; Tít 1:5-9). Nếu bạn là người nam đã dâng mình, hãy tự hỏi: “Tôi có tham gia đầy đủ trong công việc rao giảng, và giúp người khác làm thế không? Tôi có xây dựng anh em đồng đạo bằng cách thành thật quan tâm đến hạnh phúc của họ không? Tôi có tiếng là người chăm chỉ học hỏi Lời Đức Chúa Trời không? Tôi có đang cải tiến lời bình luận của mình không? Tôi có siêng năng chăm lo các trách nhiệm mà trưởng lão giao không?” (2 Ti 4:5). Những câu hỏi đó đáng để suy nghĩ nghiêm túc.
6. Yếu tố nào là cần thiết để hội đủ điều kiện gánh vác trách nhiệm trong hội thánh?
6 Một cách khác để hội đủ điều kiện nhận trách nhiệm trong hội thánh là “được quyền-phép bởi Thánh-Linh mà nên mạnh-mẽ trong lòng” (Ê-phê 3:16). Trở thành tôi tớ thánh chức hay trưởng lão trong hội thánh không phải do bầu cử. Đặc ân này chỉ có được qua việc tiến bộ về thiêng liêng. Làm sao để tiến bộ về thiêng liêng? Một cách là “bước đi theo Thánh-Linh” và vun trồng trái của thánh linh (Ga 5:16, 22). Khi bạn chứng tỏ mình có những đức tính cần thiết để gánh vác thêm trách nhiệm, và khi áp dụng lời khuyên để cải thiện mình, thì ‘thiên-hạ sẽ thấy sự tấn-tới của bạn’.—1 Ti 4:15.
Cần có tinh thần hy sinh
7. Phục vụ người khác bao hàm điều gì?
7 Muốn phục vụ người khác, một người phải chăm chỉ và có tinh thần hy sinh. Các giám thị đạo Đấng Christ là người chăn theo nghĩa bóng, vì thế họ quan tâm sâu xa đến các vấn đề của bầy. Hãy lưu ý trách nhiệm của công việc chăn bầy đã ảnh hưởng thế nào đến sứ đồ Phao-lô. Ông nói với anh em ở Cô-rinh-tô: “Đương trong cơn khốn-nạn lớn, tấm lòng quặn-thắt, nước mắt dầm-dề, mà tôi đã viết thơ cho anh em, nào phải để cho anh em âu-sầu, nhưng để làm cho anh em biết tình yêu-dấu riêng của tôi đối với anh em vậy” (2 Cô 2:4). Rõ ràng ông đã hết lòng với công việc.
8, 9. Hãy nêu vài trường hợp trong Kinh Thánh cho thấy cách người nam chăm lo nhu cầu của người khác.
8 Tinh thần hy sinh luôn là dấu hiệu của những anh gắng sức làm việc vì lợi ích của tôi tớ Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta khó tưởng tượng ông Nô-ê bảo người nhà: “Khi nào đóng xong tàu thì cho biết để ta đến”. Môi-se không nói với dân Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập: “Ta sẽ gặp các ngươi ở Biển Đỏ. Hãy cố gắng đến đấy an toàn”. Giô-suê không bao giờ nói: “Khi nào tường thành Giê-ri-cô sập thì báo cho ta”. Ê-sai đã không chỉ một người khác và nói: “Có anh này đây, hãy sai anh ấy!”.—Ê-sai 6:8.
9 Chúa Giê-su là gương mẫu hàng đầu về việc để thánh linh Đức Chúa Trời thôi thúc ngài. Ngài sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại (Giăng 3:16). Chẳng phải tình yêu thương quên mình của Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta thể hiện lòng biết ơn hay sao? Khi bày tỏ cảm nghĩ của mình về bầy, một trưởng lão lâu năm nói: “Lời Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ: “Hãy chăn chiên ta” đã tác động sâu sắc đến tôi. Qua năm tháng, tôi nhận thấy rõ chỉ vài lời ân cần hoặc một hành động nhân từ có thể khích lệ một người như thế nào. Chăn chiên là công việc tôi rất yêu thích”.—Giăng 21:16.
10. Điều gì có thể thúc đẩy các nam tín đồ noi gương Chúa Giê-su trong việc phục vụ người khác?
10 Đối với bầy của Đức Chúa Trời, chắc chắn những người nam trong hội thánh muốn thể hiện thái độ như Chúa Giê-su. Ngài phán: “Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ-ngơi” (Mat 11:28, Ghi-đê-ôn). Đức tin nơi Đức Chúa Trời và tình yêu thương với hội thánh thúc đẩy các nam tín đồ vươn đến việc tốt lành, không nghĩ rằng mình phải hy sinh nhiều hoặc công việc đòi hỏi quá nhiều. Nhưng nếu một người không cảm thấy muốn vươn đến đặc ân thì sao? Anh có thể vun trồng ước muốn phục vụ hội thánh không?
Vun trồng ước muốn phụng sự
11. Làm thế nào một người có thể vun trồng ước muốn phục vụ người khác?
11 Nếu bạn chưa vươn đến đặc ân vì cảm thấy mình không đủ khả năng, thì điều thích hợp là cầu xin thánh linh (Lu 11:13). Thánh linh Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn vượt qua bất cứ nỗi lo lắng nào về vấn đề này. Chính thánh linh Đức Giê-hô-va thúc đẩy một anh vươn đến đặc ân và ban sức để phụng sự, nên ước muốn phục vụ là đến từ Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:13; 4:13). Vì vậy, điều hợp lý là cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn vun trồng ước muốn đảm nhận đặc ân phụng sự.—Đọc Thi-thiên 25:4, 5.
12. Làm thế nào một người có đủ khôn ngoan để chu toàn trách nhiệm?
12 Thấy nhu cầu của bầy có vẻ phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực, một nam tín đồ có thể quyết định không vươn đến đặc ân. Hoặc anh cảm thấy thiếu sự khôn ngoan cần thiết để chu toàn trách nhiệm. Nếu vậy, anh có thể có được sự khôn ngoan bằng cách siêng năng hơn trong việc học Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Có lẽ anh nên tự hỏi: “Tôi có ấn định thời gian để học Lời Đức Chúa Trời và cầu xin sự khôn ngoan không?”. Môn đồ Gia-cơ viết: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia 1:5). Bạn có tin nơi lời được soi dẫn này không? Đáp lời cầu nguyện của Sa-lô-môn, Đức Chúa Trời đã ban cho ông “tấm lòng khôn-sáng” để ông có thể phân biệt điều lành điều dữ khi đoán xét (1 Vua 3:7-14). Công nhận rằng trường hợp của Sa-lô-môn là đặc biệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin chắc Đức Chúa Trời sẽ ban sự khôn ngoan cho những người nam được giao trách nhiệm trong hội thánh để họ có thể chăm sóc tốt cho chiên Ngài.—Châm 2:6.
13, 14. (a) Hãy giải thích Phao-lô được tác động bởi “tình yêu-thương của Đấng Christ” như thế nào. (b) “Tình yêu-thương của Đấng Christ” nên tác động thế nào đến chúng ta?
13 Một cách khác để giúp các anh vun trồng ước muốn phục vụ người khác là suy ngẫm về những gì Đức Giê-hô-va và Con Ngài đã làm cho chúng ta. Chẳng hạn, hãy xem 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15. (Đọc). ‘Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng ta’ như thế nào? Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương cao cả khi thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời là hy sinh mạng sống vì chúng ta. Càng hiểu rõ về tình yêu thương này, lòng chúng ta càng cảm kích. Tình yêu thương của Chúa Giê-su tác động đến đời sống Phao-lô, nhờ thế ông không hành động ích kỷ mà tập trung vào mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời và phục vụ người khác dù là anh em hay người ngoài hội thánh.
14 Suy ngẫm về tình yêu thương Chúa Giê-su đối với loài người khơi dậy trong chúng ta lòng biết ơn. Vì thế, chúng ta nhận biết nếu cứ “gieo cho xác-thịt” bằng cách theo đuổi mục tiêu ích kỷ và sống chủ yếu để thỏa mãn ham muốn riêng, điều đó thật không thích hợp. Thay vì thế, chúng ta điều chỉnh đời sống để ưu tiên cho công việc mà Đức Chúa Trời giao. Chúng ta được thúc đẩy để “làm đầy-tớ” cho anh em vì tình yêu thương (Đọc Ga-la-ti 5:13). Nếu xem mình là đầy tớ, khiêm nhường làm việc vì lợi ích của các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ đối xử với họ cách tôn trọng. Chắc chắn, chúng ta không muốn bắt chước tinh thần chỉ trích, phê phán mà Sa-tan cổ xúy.—Khải 12:10.
Nỗ lực của gia đình
15, 16. Nếu một anh muốn hội đủ điều kiện để được bổ nhiệm làm tôi tớ thánh chức hay trưởng lão, các thành viên gia đình đóng vai trò nào?
15 Nếu một anh có vợ con, hoàn cảnh gia đình cũng được xét đến khi quyết định anh có hội đủ điều kiện để làm tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão không. Thật vậy, tình trạng thiêng liêng và danh tiếng của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc anh được bổ nhiệm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vai trò gia đình trong việc ủng hộ người chồng và người cha khi anh muốn phục vụ hội thánh với tư cách tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão.—Đọc 1 Ti-mô-thê 3:4, 5, 12.
16 Đức Giê-hô-va vui lòng khi các thành viên trong gia đình đạo Đấng Christ hợp tác với nhau (Ê-phê 3:14, 15). Trưởng gia đình cần thăng bằng khi gánh vác trách nhiệm của hội thánh và “khéo cai-trị” nhà riêng mình. Vì thế, điều quan trọng là trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức học hỏi Kinh Thánh hằng tuần với vợ con để mọi người được lợi ích từ Buổi thờ phượng của gia đình. Anh nên thường xuyên tham gia thánh chức với vợ con. Cũng vậy, các thành viên cần phải hợp tác với trưởng gia đình.
Anh sẽ phục vụ trở lại không?
17, 18. (a) Nếu không còn đủ điều kiện để được bổ nhiệm, một anh có thể cần làm gì? (b) Một anh từng là trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức nên có quan điểm nào?
17 Có thể bạn từng là trưởng lão hay tôi tớ thánh chức nhưng nay không còn phục vụ nữa. Bạn yêu Đức Giê-hô-va, vì thế có thể tin chắc là Ngài vẫn chăm sóc bạn (1 Phi 5:6, 7). Bạn có được khuyên cần thay đổi một số khía cạnh nào đó không? Hãy sẵn sàng nhận lỗi và cố gắng sửa đổi với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Hãy cẩn thận, đừng trở nên cay đắng. Hãy khôn ngoan và thể hiện tinh thần tích cực. Một anh đã làm trưởng lão nhiều năm nhưng từng bị mất đặc ân cho biết: “Tôi quyết tâm tiếp tục đều đặn tham dự nhóm họp, làm thánh chức, đọc Kinh Thánh như khi còn làm trưởng lão. Tôi đã thực hiện được mục tiêu đó. Tôi học được tính kiên nhẫn, vì từng nghĩ mình sẽ nhận lại đặc ân trong vòng một hoặc hai năm nhưng mất gần bảy năm tôi mới làm trưởng lão trở lại. Trong thời gian đó, tôi được khuyến khích đừng nản lòng nhưng hãy tiếp tục vươn đến đặc ân, và điều đó giúp tôi rất nhiều”.
18 Nếu là một anh ở trong trường hợp đó, bạn đừng nản lòng. Hãy nghĩ xem Đức Giê-hô-va đang ban phước cho gia đình bạn và thánh chức của bạn như thế nào. Hãy xây dựng gia đình bạn về mặt thiêng liêng, đi thăm người bệnh và khích lệ người yếu. Trên hết, hãy trân trọng đặc ân được ca ngợi Đức Chúa Trời và rao truyền tin mừng về Nước Ngài với tư cách là một Nhân Chứng Giê-hô-vaa.—Thi 145:1, 2; Ê-sai 43:10-12.
Hãy xem lại hoàn cảnh
19, 20. (a) Tất cả những anh đã báp-têm được khuyến khích làm gì? (b) Bài tới sẽ thảo luận điều gì?
19 Hiện nay có nhu cầu về giám thị và tôi tớ thánh chức hơn bao giờ hết. Thế nên, chúng tôi khuyến khích tất cả các anh đã báp-têm hãy xem lại hoàn cảnh của mình và tự hỏi: “Nếu chưa làm tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão, tôi có nên xem xét tại sao không?”. Hãy để thánh linh Đức Chúa Trời giúp bạn có cái nhìn đúng về vấn đề quan trọng này.
20 Tất cả thành viên trong hội thánh sẽ được lợi ích nhờ nỗ lực hy sinh của các anh em đồng đạo. Phục vụ người khác và gieo cho thánh linh sẽ mang lại niềm vui. Khi hành động nhân từ và bất vị kỷ, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui ấy. Tuy nhiên, chúng ta phải tránh làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời. Như thế nào? Bài tới sẽ thảo luận điều này.
[Chú thích]
Bạn trả lời thế nào?
• Lời tiên tri ghi nơi Mi-chê 5:4 bảo đảm với chúng ta điều gì?
• Hãy giải thích tinh thần hy sinh bao hàm điều gì.
• Làm thế nào một người có thể vun trồng ước muốn phục vụ người khác?
• Sự hợp tác của gia đình quan trọng thế nào để một anh hội đủ điều kiện làm tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão?
[Các hình nơi trang 25]
Bạn có thể làm gì để vươn đến đặc ân?