CHƯƠNG 4
“Đức Giê-hô-va... có quyền lớn”
1, 2. Ê-li-gia từng chứng kiến những điều kinh ngạc nào trong cuộc đời, nhưng ông đã thấy những hiện tượng ngoạn mục nào tại hang đá trên núi Hô-rếp?
Ê-li-gia đã chứng kiến những điều kinh ngạc trước đó. Chẳng hạn trong thời gian chạy trốn, ông thấy quạ mang thức ăn đến cho ông hai lần mỗi ngày. Ngoài ra, trong suốt giai đoạn đói kém kéo dài, ông chứng kiến bình bột và bình dầu không hề cạn. Thậm chí, ông cũng từng thấy lửa từ trời giáng xuống để đáp lại lời cầu nguyện của mình (1 Các vua, chương 17, 18). Dù thế, Ê-li-gia chưa từng chứng kiến bất cứ điều nào như điều sau đây.
2 Khi ngồi ở gần miệng một hang đá trên núi Hô-rếp, ông chứng kiến hàng loạt hiện tượng ngoạn mục. Trước hết là gió. Hẳn cơn gió này đã hú lên, gầm thét đinh tai. Nó mạnh đến nỗi xẻ các ngọn núi và làm các vách đá vỡ ra. Kế tiếp là một trận động đất dữ dội. Sau đó là lửa. Khi ngọn lửa quét qua vùng ấy, hẳn Ê-li-gia cảm nhận được một luồng hơi nóng khủng khiếp.—1 Các vua 19:8-12.
3. Ê-li-gia thấy phẩm chất nào của Đức Giê-hô-va, và chúng ta có thể thấy phẩm chất này ở đâu?
3 Tất cả những hiện tượng mà Ê-li-gia thấy đều có một điểm chung, đó là chúng biểu dương quyền năng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, chúng ta không cần phải chứng kiến phép lạ thì mới nhận biết rằng ngài có quyền năng vĩ đại. Chúng ta có thể thấy điều này ở mọi nơi. Kinh Thánh cho biết công trình sáng tạo cho thấy “quyền năng muôn đời và cương vị Chúa Trời” của Đức Giê-hô-va (Rô-ma 1:20). Hãy nghĩ đến những tia chớp sáng lóe, tiếng sấm ầm ầm trong cơn bão, vẻ huy hoàng của thác nước hùng vĩ và sự bao la của bầu trời đầy sao! Chẳng phải quyền năng của Đức Chúa Trời được thấy rõ qua những điều đó sao? Dù vậy, chỉ ít người trong thế gian ngày nay công nhận quyền năng của Đức Chúa Trời. Và số người có quan điểm đúng về quyền năng ấy thậm chí còn ít hơn nữa. Nhưng sự hiểu biết về phẩm chất này sẽ cho chúng ta nhiều lý do để đến gần hơn với ngài. Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét kỹ quyền năng vô song của Đức Giê-hô-va.
“Kìa! Đức Giê-hô-va đi ngang qua”
Một phẩm chất thiết yếu của Đức Giê-hô-va
4, 5. (a) Danh của Đức Giê-hô-va được miêu tả thế nào? (b) Tại sao việc Đức Giê-hô-va chọn bò đực để biểu trưng cho quyền năng của ngài là điều thích hợp?
4 Đức Giê-hô-va có quyền năng vô song. Giê-rê-mi 10:6 nói: “Lạy Đức Giê-hô-va, không ai giống ngài. Ngài thật vĩ đại và danh ngài vĩ đại oai hùng”. Hãy lưu ý danh của Đức Giê-hô-va được miêu tả là vĩ đại và oai hùng. Cũng hãy nhớ rằng danh này hẳn có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. Tại sao Đức Giê-hô-va có thể tạo ra mọi thứ ngài muốn và trở thành bất cứ điều gì ngài chọn? Một lý do là vì ngài có quyền năng. Thật vậy, ngài có khả năng vô hạn để hành động và thực hiện ý muốn của ngài. Quyền năng là một trong những phẩm chất thiết yếu của ngài.
5 Đức Giê-hô-va dùng những minh họa để giúp chúng ta hiểu quyền năng của ngài vĩ đại đến mức nào. Như chúng ta đã thấy, ngài dùng bò đực để biểu trưng cho quyền năng của ngài (Ê-xê-chi-ên 1:4-10). Điều này là thích hợp, vì ngay cả những con bò đực được nuôi làm gia súc cũng rất to khỏe. Những người sống ở Pa-lét-tin vào thời Kinh Thánh hiếm khi gặp con vật nào khỏe hơn thế. Nhưng họ biết có một loài bò khỏe hơn, đó là bò rừng, nay đã bị tuyệt chủng (Gióp 39:9-12). Nhà cai trị La Mã là Julius Caesar từng nhận xét rằng loài bò này không nhỏ hơn so với voi là bao. Ông viết: “Chúng rất khỏe và chạy rất nhanh”. Hãy hình dung chúng ta sẽ cảm thấy nhỏ bé và yếu ớt biết bao khi đứng cạnh con vật như thế!
6. Tại sao chỉ mình Đức Giê-hô-va được gọi là “Đấng Toàn Năng”?
6 Tương tự, con người thật nhỏ nhoi và yếu sức khi so với Giê-hô-va Đức Chúa Trời quyền năng. Đối với ngài, ngay cả những nước hùng mạnh cũng chỉ như lớp bụi phủ trên cân (Ê-sai 40:15). Đức Giê-hô-va là đấng duy nhất có quyền năng vô hạn, vì chỉ mình ngài được gọi là “Đấng Toàn Năng”a (Khải huyền 15:3). Ngài có ‘sức vô biên, quyền năng đáng sợ’ (Ê-sai 40:26). Ngài là Nguồn sức mạnh dồi dào và vô tận. Ngài không phụ thuộc vào sức mạnh của bất cứ ai hay điều gì, vì “sức mạnh thuộc về Đức Chúa Trời” (Thi thiên 62:11). Nhưng ngài dùng quyền năng ấy như thế nào?
Đức Giê-hô-va dùng quyền năng như thế nào?
7. Thần khí thánh của Đức Giê-hô-va là gì, và những từ trong nguyên ngữ nói đến điều gì?
7 Nguồn thần khí thánh của Đức Giê-hô-va là vô tận. Đó là quyền năng đang hoạt động của ngài. Thực tế, Sáng thế 1:2 (chú thích) đề cập quyền năng của Đức Chúa Trời là “lực đang hoạt động”. Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, những từ được dịch là “thần khí” có thể được dịch là “gió”, “hơi thở” và “luồng gió” trong các văn cảnh khác. Theo các nhà biên soạn từ điển, những từ này trong nguyên ngữ nói đến một lực vô hình đang hoạt động. Giống như gió, thần khí của Đức Chúa Trời là vô hình, nhưng ảnh hưởng của thần khí là có thật và nhận thức được.
8. Trong Kinh Thánh, thần khí của Đức Chúa Trời đôi khi được gọi là gì, và tại sao sự so sánh ấy là thích hợp?
8 Thần khí thánh của Đức Giê-hô-va vô cùng đa năng. Ngài có thể dùng thần khí để thực hiện bất cứ ý định nào mà ngài muốn. Vì thế, trong Kinh Thánh, thần khí của Đức Chúa Trời đôi khi được gọi là “ngón tay”, “bàn tay mạnh mẽ” hoặc “cánh tay giơ thẳng” của ngài (Lu-ca 11:20; Phục truyền luật lệ 5:15; Thi thiên 8:3). Một người có thể dùng tay để làm nhiều công việc khác nhau. Tương tự, Đức Chúa Trời cũng có thể dùng thần khí để hoàn thành bất cứ ý định nào, chẳng hạn như tạo ra nguyên tử nhỏ xíu hoặc rẽ nước Biển Đỏ hay ban cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất khả năng nói tiếng nước ngoài.
9. Một cách khác Đức Giê-hô-va dùng quyền năng là gì?
9 Đức Giê-hô-va cũng dùng quyền năng của ngài trên cương vị là Đấng Cai Trị Hoàn Vũ. Hãy suy nghĩ điều này: Đức Giê-hô-va nắm quyền trên hàng triệu tạo vật thông minh sẵn sàng làm bất cứ điều gì ngài đòi hỏi. Ngài có những tôi tớ loài người, và Kinh Thánh thường ví họ với một đạo quân (Thi thiên 68:11; 110:3). Dù vậy, con người là tạo vật yếu ớt so với một thiên sứ. Chẳng hạn, khi quân A-si-ri tấn công dân Đức Chúa Trời, một thiên sứ đã giết 185.000 lính trong đêm đó! (2 Các vua 19:35). Các thiên sứ của Đức Chúa Trời “có quyền năng lớn lao”.—Thi thiên 103:19, 20.
10. (a) Tại sao Đấng Toàn Năng được gọi là Đức Giê-hô-va vạn quân? (b) Ai có quyền năng lớn nhất trong tất cả các tạo vật của Đức Giê-hô-va?
10 Có tất cả bao nhiêu thiên sứ? Trong một khải tượng, nhà tiên tri Đa-ni-ên thấy hơn 100 triệu thiên sứ đứng trước ngôi Đức Giê-hô-va, nhưng lời tường thuật không nói rằng ông nhìn thấy toàn bộ các thiên sứ (Đa-ni-ên 7:10). Như vậy, có thể có hàng trăm triệu thiên sứ. Vì thế, Đức Chúa Trời được gọi là Đức Giê-hô-va vạn quân. Tước hiệu này giúp chúng ta hiểu rằng ngài chỉ huy một đạo quân thiên sứ hùng hậu, quyền năng và có tổ chức. Đức Giê-hô-va ban cho Con một yêu dấu của ngài, là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật”, quyền trên các tạo vật thần linh ấy (Cô-lô-se 1:15). Là thiên sứ trưởng, Chúa Giê-su đứng đầu mọi thiên sứ, sê-ráp và chê-rúp. Ngài có quyền năng lớn nhất trong tất cả các tạo vật của Đức Giê-hô-va.
11, 12. (a) Lời Đức Chúa Trời có quyền năng theo nghĩa nào? (b) Chúa Giê-su nói gì về quyền năng của Đức Giê-hô-va?
11 Đức Giê-hô-va cũng dùng quyền năng của ngài qua một cách khác. Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”. Anh chị có nhận thấy quyền lực phi thường của lời Đức Chúa Trời, tức thông điệp được ngài soi dẫn, được bảo tồn trong Kinh Thánh không? Lời ấy có thể làm chúng ta vững mạnh, xây dựng đức tin và giúp mình thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo anh em đồng đạo về những người có lối sống vô luân. Rồi ông viết thêm: “Một số người trong anh em từng là người như thế” (1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Quả thật, “lời Đức Chúa Trời” đã tác động trên họ và giúp họ thay đổi.
12 Quyền năng của Đức Giê-hô-va là vô biên và ngài dùng quyền năng ấy hiệu quả đến mức không điều gì có thể cản trở ngài. Chúa Giê-su nói: “Với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể” (Ma-thi-ơ 19:26). Đức Giê-hô-va dùng quyền năng để thực hiện những ý định nào?
Ý định chi phối cách Đức Chúa Trời dùng quyền năng
13, 14. (a) Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va không phải là một nguồn năng lượng? (b) Đức Giê-hô-va dùng quyền năng qua những cách nào?
13 Thần khí Đức Giê-hô-va mạnh hơn bất cứ lực nào. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không phải là một lực vô cảm hay một nguồn năng lượng, nhưng là Đức Chúa Trời có cảm xúc và suy nghĩ, và hoàn toàn kiểm soát quyền năng của ngài. Nhưng điều gì thúc đẩy ngài dùng quyền năng ấy?
14 Như chúng ta sẽ thấy, Đức Chúa Trời dùng quyền năng để sáng tạo, hủy diệt, bảo vệ và khôi phục. Điều này có nghĩa là ngài dùng quyền năng để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm hoàn thành những ý định hoàn hảo của ngài (Ê-sai 46:10). Trong một số trường hợp, Đức Giê-hô-va dùng quyền năng để tiết lộ những khía cạnh quan trọng về đặc tính và những tiêu chuẩn của ngài. Trên hết, ngài dùng quyền năng để hoàn thành ý muốn ngài, đó là làm thánh danh ngài qua Nước của Đấng Mê-si và cho thấy đường lối cai trị của ngài là tốt nhất. Không gì có thể cản trở ý định đó.
15. Đức Giê-hô-va dùng quyền năng để thực hiện ý định nào liên quan đến các tôi tớ ngài, và quyền năng ấy được thể hiện ra sao trong trường hợp của Ê-li-gia?
15 Đức Giê-hô-va cũng dùng quyền năng để mang lại lợi ích cho mỗi chúng ta. Hãy lưu ý điều được nói nơi 2 Sử ký 16:9: “Mắt Đức Giê-hô-va soi xét khắp đất để tỏ sức mạnh ngài vì lợi ích của những người có lòng trọn vẹn với ngài”. Kinh nghiệm của Ê-li-gia được đề cập ở đầu bài cho thấy điều đó. Tại sao Đức Giê-hô-va biểu dương cho ông thấy quyền năng đáng sợ của ngài? Vì hoàng hậu gian ác Giê-xa-bên thề sẽ lấy mạng của Ê-li-gia. Nhà tiên tri này đang chạy trốn để giữ mạng sống. Ông cảm thấy đơn độc, sợ hãi và nản lòng. Ông nghĩ mọi công khó của mình đều trở thành công cốc. Để trấn an người đàn ông đang đau buồn này, Đức Giê-hô-va đã cho Ê-li-gia thấy quyền năng của ngài mạnh đến mức nào. Cơn gió, động đất và lửa cho thấy đấng quyền năng nhất của vũ trụ đang ở cùng Ê-li-gia. Vì có Đức Chúa Trời toàn năng bên cạnh nên ông không cần phải sợ Giê-xa-bên.—1 Các vua 19:1-12.b
16. Tại sao chúng ta được an ủi khi nghĩ về quyền năng vĩ đại của Đức Giê-hô-va?
16 Dù ngày nay Đức Giê-hô-va không làm phép lạ, nhưng ngài không thay đổi kể từ thời Ê-li-gia (1 Cô-rinh-tô 13:8). Ngài vẫn mong muốn dùng quyền năng để giúp những người yêu mến ngài. Đúng là ngài ngự trong cõi thần linh cao cả, nhưng ngài không xa cách chúng ta. Quyền năng của ngài là vô hạn nên khoảng cách không phải là vấn đề với ngài. Thay vì thế, “Đức Giê-hô-va ở gần hết thảy người kêu cầu ngài” (Thi thiên 145:18). Có lần, nhà tiên tri Đa-ni-ên cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ thì một thiên sứ đã xuất hiện trước mặt ông ngay trước khi ông dứt lời! (Đa-ni-ên 9:20-23). Không gì có thể cản trở Đức Giê-hô-va giúp đỡ và làm vững mạnh những người mà ngài yêu mến.—Thi thiên 118:6.
Quyền năng của Đức Chúa Trời có khiến ngài khó đến gần không?
17. Quyền năng của Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta sợ ngài theo nghĩa nào, nhưng không gây ra loại sợ nào?
17 Quyền năng của Đức Chúa Trời có nên khiến chúng ta sợ ngài không? Câu trả lời là vừa “Có” vừa “Không”. “Có”, vì chúng ta cần có lòng kính sợ Đức Chúa Trời một cách sâu xa, như đã được thảo luận vắn tắt trong chương trước. Kinh Thánh cho biết sự kính sợ ấy là “khởi đầu sự khôn ngoan” (Thi thiên 111:10). Tuy nhiên, chúng ta cũng trả lời là “Không”, vì quyền năng của Đức Chúa Trời không phải là lý do để chúng ta sợ ngài hoặc sợ đến gần ngài.
18. (a) Tại sao nhiều người không tin tưởng những người có quyền lực? (b) Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va không thể bị bại hoại dù có quyền lực?
18 Hơn 100 năm trước, một sử gia nói rằng: “Quyền lực thường gây bại hoại, càng có quyền thì càng dễ lạm quyền”. Nhiều người lặp đi lặp lại những lời ấy vì họ thấy rất đúng. Con người bất toàn thường lạm quyền và điều này đã được lịch sử chứng minh nhiều lần (Truyền đạo 4:1; 8:9). Thế nên, nhiều người không còn tin tưởng những người có quyền lực và xa lánh họ. Đức Giê-hô-va có quyền lực tuyệt đối. Nhưng quyền lực ấy có khiến ngài trở nên bại hoại không? Hoàn toàn không! Như chúng ta đã biết, ngài là thánh và không bao giờ trở nên bại hoại. Đức Giê-hô-va không giống như những người nam và nữ bất toàn có quyền lực trong thế gian này. Ngài chưa bao giờ lạm quyền và ngài sẽ không bao giờ làm thế.
19, 20. (a) Đức Giê-hô-va luôn dùng quyền năng hài hòa với những phẩm chất nào khác, và tại sao điều này thật an ủi? (b) Anh chị có thể minh họa thế nào về tính tự chủ của Đức Giê-hô-va, và tại sao đức tính ấy thu hút anh chị?
19 Hãy nhớ rằng quyền năng không phải là phẩm chất duy nhất của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng sẽ học về sự công bằng, khôn ngoan và tình yêu thương của ngài. Nhưng chúng ta không nên cho rằng Đức Giê-hô-va thể hiện mỗi phẩm chất một cách riêng biệt. Trái lại, trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ thấy ngài luôn thể hiện quyền năng của ngài hài hòa với sự công bằng, khôn ngoan và tình yêu thương. Chẳng hạn, một phẩm chất mà Đức Chúa Trời thể hiện cùng với quyền năng của ngài là tính tự chủ. Đây là một đức tính mà chúng ta rất hiếm thấy nơi những nhà cai trị trong thế gian.
20 Hãy hình dung anh chị gặp một người đàn ông to khỏe. Lúc đầu, có lẽ anh chị cảm thấy sợ. Nhưng với thời gian anh chị nhận thấy người ấy rất hiền. Người ấy luôn muốn dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ và bảo vệ người khác, nhất là những người yếu thế và không thể tự vệ. Người ấy không bao giờ lạm dụng sức mạnh của mình. Khi bị người khác vu khống vô cớ, người ấy vẫn giữ kiên định, nhưng điềm tĩnh và tử tế. Có lẽ anh chị thắc mắc: “Nếu có sức mạnh như thế, liệu mình có thể biểu lộ thái độ hiền hòa và tự chủ như người ấy không?”. Khi càng hiểu rõ người ấy, chẳng phải anh chị càng muốn trở thành bạn của người ấy sao? Chúng ta có nhiều lý do hơn để đến gần với Đức Giê-hô-va toàn năng. Hãy xem câu Kinh Thánh được dùng làm nền tảng cho chủ đề của chương này: “Đức Giê-hô-va chậm giận và có quyền năng vĩ đại” (Na-hum 1:3). Đức Giê-hô-va không hấp tấp dùng quyền năng của ngài để trừng phạt người ta, ngay cả kẻ ác. Ngài ôn hòa và nhân từ. Ngài “chậm giận” trước nhiều hành động khiêu khích.—Thi thiên 78:37-41.
21. Tại sao Đức Giê-hô-va không ép người ta làm theo ý muốn ngài, và điều này dạy chúng ta điều gì về ngài?
21 Cũng hãy suy nghĩ điều này: Nếu có sức mạnh và quyền lực như Đức Giê-hô-va, anh chị nghĩ đôi khi mình có khuynh hướng ép người khác làm theo điều mình muốn không? Dù có sức mạnh và quyền lực nhưng Đức Giê-hô-va không ép người ta thờ phượng ngài. Phụng sự Đức Chúa Trời là cách duy nhất để một người nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng ngài không ép chúng ta phụng sự ngài. Thay vì thế, ngài tôn trọng phẩm giá của mỗi chúng ta bằng cách cho chúng ta chọn có phụng sự ngài hay không. Ngài báo trước hậu quả của lựa chọn sai lầm và cho biết phần thưởng của lựa chọn đúng. Nhưng ngài để chúng ta tự đưa ra lựa chọn (Phục truyền luật lệ 30:19, 20). Đức Giê-hô-va không muốn người ta phụng sự ngài vì bị ép buộc hoặc vì sợ ngài. Ngài tìm kiếm những người sẵn lòng phụng sự ngài vì yêu thương ngài.—2 Cô-rinh-tô 9:7.
22, 23. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va vui thích ủy quyền và ban sức mạnh cho người khác? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương kế tiếp?
22 Hãy xem thêm một lý do khác cho thấy chúng ta không cần sợ Đức Chúa Trời Toàn Năng. Những người có quyền lực thường sợ chia sẻ quyền hành với người khác. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vui thích ủy quyền và ban sức mạnh cho những người trung thành của ngài. Ngài ban nhiều quyền hành cho người khác, chẳng hạn như Con của ngài (Ma-thi-ơ 28:18). Đức Giê-hô-va cũng ban sức mạnh cho các tôi tớ của ngài. Kinh Thánh cho biết: “Lạy Đức Giê-hô-va, sự vĩ đại, hùng mạnh, tuyệt mỹ, huy hoàng và oai phong đều thuộc về ngài, vì mọi vật trên trời và dưới đất đều thuộc về ngài… Trong tay ngài có quyền năng và sự hùng mạnh, tay ngài có thể khiến bất cứ ai trở nên cao trọng và ban sức mạnh cho hết thảy”.—1 Sử ký 29:11, 12.
23 Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng ban sức cho anh chị. Thậm chí, ngài còn ban “sức lực hơn mức bình thường” cho những người muốn phụng sự ngài (2 Cô-rinh-tô 4:7). Ngài luôn dùng quyền năng một cách nhân từ và yêu thương. Chẳng phải anh chị muốn đến gần một đấng đầy quyền năng như thế sao? Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét cách Đức Giê-hô-va dùng quyền năng của ngài trong việc sáng tạo.
a Trong tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “Đấng Toàn Năng” có nghĩa đen là “Đấng Cai Trị Muôn Vật; Đấng Có Mọi Quyền Năng”.
b Kinh Thánh nói rằng “không có Đức Giê-hô-va trong cơn gió,… trận động đất,… ngọn lửa”. Khác với những người thờ các thần thiên nhiên, tôi tớ của Đức Giê-hô-va không tìm kiếm ngài trong các lực thiên nhiên. Ngài quá vĩ đại nên không vật gì ngài tạo ra có thể chứa được ngài.—1 Các vua 8:27.