Hãy luôn trông đợi!
“Nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi [“hãy luôn trông đợi”, NW]”.—HA 2:3.
1, 2. Từ trước đến nay, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có thái độ nào?
Từ lâu, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đã trông đợi sự ứng nghiệm của các lời tiên tri được soi dẫn. Chẳng hạn, nhà tiên tri Giê-rê-mi báo trước rằng xứ Giu-đa sẽ bị hoang vu, và điều này đã xảy ra khi quân Ba-by-lôn hủy diệt xứ vào năm 607 TCN (Giê 25:8-11). Ê-sai được soi dẫn để tiên tri về việc Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục lại xứ Giu-đa, ông công bố: “Phước thay cho mọi kẻ trông-đợi Ngài!” (Ê-sai 30:18). Một người khác cũng nói tiên tri về dân Đức Chúa Trời vào thời xưa là Mi-chê đã quyết tâm tự nhủ: ‘Ta sẽ chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta’ (Mi 7:7). Trong nhiều thế kỷ, những tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng trông đợi sự ứng nghiệm của các lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si hay Đấng Ki-tô.—Lu 3:15; 1 Phi 1:10-12.a
2 Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va thời nay cũng luôn trông đợi vì các lời tiên tri về Đấng Mê-si vẫn đang được ứng nghiệm. Qua Nước của Đấng Mê-si, không lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt mọi đau khổ bằng cách hủy diệt những kẻ gian ác và giải thoát dân ngài khỏi thế gian bất ổn nằm dưới quyền của Sa-tan (1 Giăng 5:19). Thế nên, chúng ta hãy tiếp tục cảnh giác và ý thức rằng thế gian này đang mau chóng đi đến hồi kết.
3. Câu hỏi nào có thể được nêu lên nếu chúng ta đã chờ đợi sự cuối cùng trong nhiều năm?
3 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta mong muốn thấy ý ngài “được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Mat 6:10). Nhưng nếu đã trông đợi sự cuối cùng của thế gian này trong nhiều năm, một số người có thể thắc mắc: “Chúng ta vẫn có lý do chính đáng để luôn trông đợi không?”.
TẠI SAO CẦN LUÔN TRÔNG ĐỢI?
4. Lý do chính để chúng ta luôn thức canh là gì?
4 Kinh Thánh cho biết rõ chúng ta nên có thái độ nào về sự hủy diệt sắp tới của thế gian này. Chúa Giê-su bảo các môn đồ “hãy luôn thức canh” và “hãy luôn tỉnh thức” (Mat 24:42; Lu 21:34-36). Chỉ điều này thôi cũng là một lý do chính đáng để chúng ta tiếp tục trông đợi. Chính Chúa Giê-su bảo chúng ta làm thế! Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã nêu gương tốt về phương diện này. Các ấn phẩm của tổ chức không ngừng khuyến giục chúng ta “chờ đợi và ghi nhớ sự hiện diện của ngày Đức Giê-hô-va”, đồng thời đặt hy vọng nơi thế giới mới mà ngài đã hứa.—Đọc 2 Phi-e-rơ 3:11-13.
5. Tại sao chúng ta cần đặc biệt thức canh trong thời kỳ mình đang sống?
5 Nếu các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất cần luôn trông đợi ngày của Đức Giê-hô-va, thì điều này lại càng quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Tại sao? Vì chúng ta đang sống trong thời kỳ Đấng Ki-tô hiện diện. Dấu hiệu về sự hiện diện của ngài đã trở nên rõ ràng kể từ năm 1914. Dấu hiệu đó bao gồm tình trạng ngày càng tồi tệ của thế gian và công việc rao giảng về Nước Trời được thực hiện trên toàn cầu. Những điều ấy cho thấy chúng ta đang sống trong “kỳ cuối cùng của thời đại này” (Mat 24:3, 7-14). Vì Chúa Giê-su không cho biết thời kỳ này sẽ kéo dài bao lâu trước khi sự cuối cùng đến nên chúng ta cần đặc biệt thức canh và cảnh giác.
6. Tại sao chúng ta có thể tin rằng tình trạng thế gian sẽ tồi tệ hơn khi càng gần đến sự cuối cùng?
6 Có lẽ chúng ta thắc mắc: “‘Kỳ cuối cùng của thời đại này’ có ám chỉ về một thời điểm trong tương lai khi tình trạng thế gian thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn không?”. Kinh Thánh cho biết sự gian ác sẽ càng gia tăng trong “những ngày sau cùng” (2 Ti 3:1, 13; Mat 24:21; Khải 12:12). Vì thế chúng ta có thể tin rằng tình trạng thế gian hiện tại, vốn đã tồi tệ, sẽ tiếp tục tồi tệ hơn.
7. Ma-thi-ơ 24:37-39 cho thấy gì về tình trạng thế gian trong những ngày sau cùng?
7 Tuy nhiên anh chị nghĩ tình trạng thế gian sẽ tồi tệ đến mức nào trước khi “hoạn nạn lớn” xảy ra? (Khải 7:14). Chẳng hạn, anh chị có cho rằng sẽ có chiến tranh ở mọi nước, không một ai có đồ ăn và gia đình nào cũng có người mắc bệnh? Trong những hoàn cảnh đó, ngay cả những người hay hoài nghi hẳn cũng phải thừa nhận lời tiên tri trong Kinh Thánh đang ứng nghiệm. Nhưng Chúa Giê-su nói rằng phần lớn người ta sẽ “không để ý gì hết” đến sự hiện diện của ngài. Họ vẫn tiếp tục các công việc của đời sống thường nhật cho đến khi quá trễ. (Đọc Ma-thi-ơ 24:37-39). Như vậy, Kinh Thánh cho thấy tình trạng thế gian trong những ngày sau cùng sẽ không trở nên tồi tệ đến mức buộc người ta phải tin sự cuối cùng đã gần kề.—Lu 17:20; 2 Phi 3:3, 4.
8. Những ai làm theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su “hãy luôn thức canh” có thể nhận ra điều gì?
8 Mặt khác, dấu hiệu tổng hợp về sự hiện diện của Chúa Giê-su phải được ứng nghiệm rõ ràng đến mức những ai vâng theo mệnh lệnh của ngài “hãy luôn thức canh” có thể nhận thấy (Mat 24:27, 42). Điều này đã xảy ra từ năm 1914. Từ đó trở đi, những đặc điểm của dấu hiệu tổng hợp ấy vẫn đang được ứng nghiệm. Rõ ràng, hiện nay chúng ta đang sống trong “kỳ cuối cùng của thời đại này”, một khoảng thời gian giới hạn dẫn đến sự hủy diệt của thế gian gian ác này, bao gồm cả sự hủy diệt của thế gian đó.
9. Tại sao chúng ta cần luôn trông đợi sự kết liễu của thế gian này?
9 Vậy thì tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay cần luôn trông đợi? Chúng ta làm thế vì muốn vâng lời Chúa Giê-su. Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra dấu hiệu về sự hiện diện của ngài. Chúng ta trông đợi không phải vì cả tin, nhưng dựa trên bằng chứng vững chắc trong Kinh Thánh. Nhờ đó chúng ta được thúc đẩy để giữ mình tỉnh thức và cảnh giác, đồng thời luôn trông đợi sự kết liễu của thế gian gian ác này.
PHẢI TRÔNG ĐỢI BAO LÂU?
10, 11. (a) Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ sẵn sàng cho những khả năng nào có thể xảy ra? (b) Chúa Giê-su bảo các môn đồ làm gì nếu họ phải chờ đợi sự cuối cùng lâu hơn dự tính? (Xem hình nơi đầu bài).
10 Nhiều người trong chúng ta đã giữ tỉnh thức về thiêng liêng trong nhiều thập kỷ. Dù vậy, chúng ta không muốn để thời gian trôi qua làm suy giảm quyết tâm giữ sự trông đợi. Chúng ta cần sẵn sàng cho việc Chúa Giê-su đến với tư cách Đấng Hành Quyết để kết liễu thế gian này. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã khuyến giục các môn đồ: “Hãy luôn canh chừng và tỉnh thức, vì anh em không biết thời điểm đã định là khi nào. Điều đó giống như một người nọ đi xa, giao nhà cửa và quyền hành cho đầy tớ mình, chỉ định công việc cho mỗi người và dặn người giữ cửa phải luôn thức canh. Vậy, hãy luôn thức canh, vì anh em không biết khi nào Chủ sẽ về, vào chiều tối, lúc nửa đêm, khi bình minh hay sáng sớm; để khi Chủ bất ngờ về thì không bắt gặp anh em đang ngủ. Điều tôi nói với anh em, tôi cũng nói cho mọi người là: Hãy luôn thức canh”.—Mác 13:33-37.
11 Khi nhận ra sự hiện diện của Đấng Ki-tô bắt đầu vào năm 1914, các môn đồ của ngài đã sẵn sàng cho khả năng sự cuối cùng sẽ đến sớm. Họ làm thế bằng cách đẩy mạnh công việc rao báo về Nước Trời. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho thấy ngài có thể đến muộn hơn, vào lúc “bình minh hay sáng sớm”. Nếu điều đó xảy ra, các môn đồ nên phản ứng thế nào? Chúa Giê-su nói: “Hãy luôn thức canh”. Thế nên dù chúng ta có thể cảm thấy mình đã chờ đợi một thời gian dài, điều này không có nghĩa là sự cuối cùng còn xa hay sẽ không đến trong đời chúng ta.
12. Ha-ba-cúc hỏi Đức Giê-hô-va điều gì và ngài đã đáp lại như thế nào?
12 Hãy xem trường hợp của nhà tiên tri Ha-ba-cúc, người được giao sứ mệnh báo trước về sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem. Khi ông bắt đầu nhiệm vụ, các nhà tiên tri trước đó đã rao báo về thông điệp này trong nhiều năm. Ha-ba-cúc thấy tình trạng đã tồi tệ đến mức ‘kẻ hung-ác vây chung-quanh người công-bình và sự xét-đoán ra trái-ngược’. Thế nên, không lạ gì khi ông hỏi Đức Giê-hô-va: ‘Hỡi Đức Giê-hô-va! Tôi kêu-van cho đến chừng nào?’. Thay vì trực tiếp trả lời câu hỏi đó, Đức Giê-hô-va đảm bảo với nhà tiên tri trung thành của ngài là sự hủy diệt được báo trước sẽ “không chậm-trễ”. Ngài nói với Ha-ba-cúc rằng “hãy đợi [“hãy luôn trông đợi”, NW]”.—Đọc Ha-ba-cúc 1:1-4; 2:3.
13. Ha-ba-cúc có thể có suy nghĩ nào và tại sao điều này là thiếu khôn ngoan?
13 Giả sử Ha-ba-cúc trở nên nản lòng và nghĩ: “Mình đã nghe về sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem bao nhiêu năm rồi. Nếu điều đó còn lâu mới xảy ra thì sao? Có lẽ không thực tế nếu tiếp tục nói tiên tri như thể là thành ấy sẽ thình lình bị hủy diệt. Mình sẽ để nhiệm vụ này cho người khác”. Nếu Ha-ba-cúc có suy nghĩ như thế, ông sẽ đánh mất vị thế tốt trước mắt Đức Giê-hô-va và có thể mất mạng khi thành Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn hủy diệt.
14. Tại sao chúng ta sẽ biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã khuyến giục chúng ta luôn trông đợi sự cuối cùng?
14 Hãy hình dung chúng ta đang ở trong thế giới mới. Tất cả những sự kiện được tiên tri liên quan đến kỳ cuối cùng của thời đại này đã xảy ra y như lời của Đức Giê-hô-va. Suy ngẫm những điều này diễn ra như thế nào sẽ củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và mọi lời hứa khác của ngài. (Đọc Giô-suê 23:14). Chắc hẳn trong thế giới mới, chúng ta sẽ biết ơn Đức Chúa Trời, đấng ‘có quyền quyết định thì giờ và kỳ hạn’, đã khuyến giục chúng ta luôn ý thức rằng “thời điểm kết thúc mọi vật đã gần kề”.—Công 1:7; 1 Phi 4:7.
TRONG KHI TRÔNG ĐỢI, HÃY HÀNH ĐỘNG!
15, 16. Tại sao sốt sắng rao giảng là điều khôn ngoan nhất chúng ta có thể làm trong thời kỳ mình đang sống?
15 Tổ chức của Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục nhắc chúng ta nhớ rằng mình nên phụng sự Đức Chúa Trời với tinh thần cấp bách. Những lời nhắc nhở ấy không chỉ giúp chúng ta bận rộn trong việc phụng sự Chúa mà còn giúp chúng ta luôn ý thức rằng dấu hiệu về sự hiện diện của Đấng Ki-tô đang được ứng nghiệm. Vậy điều khôn ngoan nhất chúng ta có thể làm trong thời kỳ mình đang sống là gì? Đó là luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết qua việc sốt sắng rao giảng tin mừng!—Mat 6:33; Mác 13:10.
16 Một chị Nhân Chứng nhận xét: “Qua việc rao giảng tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời, chúng ta... có thể cứu người ta thoát khỏi cái chết trong tai họa toàn cầu sắp đến”. Chính chị đã từng được giải cứu, vì chị và chồng là những nạn nhân sống sót qua một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử, xảy ra vào năm 1945 khi con tàu sang trọng Wilhelm Gustloff bị đắm. Ngay cả khi đối mặt với tình cảnh nguy hiểm như thế, một người vẫn có thể không nhận biết đâu mới là điều thật sự quan trọng. Chị nhớ lại có một phụ nữ cứ kêu la: “Va-li của tôi! Va-li của tôi! Trang sức của tôi! Tất cả trang sức còn nằm trong cabin. Tôi mất hết rồi!”. Ngược lại, một số hành khách có tinh thần giúp đỡ đã liều mình nỗ lực giải cứu những người bị rơi xuống biển băng giá. Như những hành khách bất vị kỷ đó, chúng ta cố gắng hết sức để giúp đỡ người ta. Chúng ta giữ tinh thần cấp bách trong công việc rao giảng và giúp người khác sống sót qua tai họa toàn cầu sắp đến trước khi quá muộn.
17. Điều gì khiến chúng ta tin rằng sự cuối cùng có thể đến vào bất cứ lúc nào?
17 Những sự kiện diễn ra trên thế giới cho thấy rõ lời tiên tri Kinh Thánh đang ứng nghiệm và sự cuối cùng của thế gian gian ác này đã gần kề. Do đó, chúng ta không nên cho rằng cần nhiều thời gian nữa trước khi “mười cái sừng” và “con thú dữ” được nói đến nơi Khải huyền 17:16 quay sang tấn công Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời sẽ “đặt kế hoạch vào lòng chúng” để thực hiện việc này và cuộc tấn công ấy có thể xảy ra nhanh chóng vào bất cứ lúc nào! (Khải 17:17). Sự cuối cùng của thế gian này không còn bao xa. Vì thế, chúng ta cần vâng theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su: “Hãy cẩn thận, đừng để sự ăn uống vô độ, say sưa và lo lắng trong đời choán hết lòng anh em, kẻo ngày ấy thình lình ập đến trên anh em như bẫy sập” (Lu 21:34, 35; Khải 16:15). Chúng ta hãy quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va với tinh thần cấp bách và tin chắc rằng ngài sẽ “hành động cho những kẻ trông đợi Ngài”.—Ê-sai 64:4, Bản Dịch Mới.
18. Chúng ta sẽ thảo luận câu hỏi nào trong bài kế tiếp?
18 Trong khi chờ đợi sự kết liễu của thế gian gian ác hiện tại, chúng ta hãy vâng theo lời khuyên được soi dẫn của môn đồ Giu-đe: “Hỡi anh em yêu dấu, hãy xây dựng chính mình trên nền đức tin rất thánh và cầu nguyện phù hợp với sự hướng dẫn của thần khí, nhờ đó anh em giữ mình luôn ở trong vòng tay yêu thương của Đức Chúa Trời, trong khi chờ đợi sự thương xót của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta với hy vọng được sống đời đời” (Giu 20, 21). Vậy, làm thế nào chúng ta cho thấy mình đang trông đợi thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa và thật sự mong thế giới ấy đến? Đề tài này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.
a Để biết thêm một số lời tiên tri trong Kinh Thánh về Đấng Mê-si và sự ứng nghiệm của những lời ấy, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, trang 200.