“Khá đợi Ta”
“Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi khá đợi ta” (SÔ-PHÔ-NI 3:8).
1. Nhà tiên tri Sô-phô-ni đã đưa ra lời cảnh cáo nào, và tại sao những người sống vào thời nay nên chú ý đến lời đó?
“NGÀY lớn của Đức Giê-hô-va đã gần”. Đây là lời nhà tiên tri Sô-phô-ni rao ra vào giữa thế kỷ thứ bảy trước công nguyên (Sô-phô-ni 1:14). Trong vòng 40 hay 50 năm, lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi ngày thi hành các sự phán xét của Đức Giê-hô-va giáng xuống thành Giê-ru-sa-lem và các nước đã thách thức quyền thống trị của Đức Giê-hô-va bằng cách ngược đãi dân ngài. Tại sao đây là điều đáng chú ý cho những người sống vào cuối thế kỷ 20? Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà “ngày lớn” cuối cùng của Đức Giê-hô-va đang tiến gần nhanh chóng. Giống như vào thời Sô-phô-ni, “sự thạnh-nộ” của Đức Giê-hô-va sắp nổi bùng lên chống lại thành Giê-ru-sa-lem tương đương ngày nay tức là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, cùng chống lại tất cả các nước ngược đãi dân Đức Giê-hô-va và thách thức quyền thống trị hoàn vũ của ngài (Sô-phô-ni 1:4; 2:4, 8, 12, 13; 3:8; II Phi-e-rơ 3:12, 13).
Sô-phô-ni—Một nhân-chứng dạn dĩ
2, 3. a) Chúng ta biết gì về Sô-phô-ni, và điều gì chứng tỏ rằng ông là người làm chứng dạn dĩ cho Đức Giê-hô-va? b) Những dữ kiện nào giúp chúng ta xác định được địa điểm và thời điểm khi Sô-phô-ni tiên tri?
2 Chúng ta biết rất ít về nhà tiên tri Sô-phô-ni, tên của ông (tiếng Hê-bơ-rơ, Tsephan·yahʹ) có nghĩa là “Đức Giê-hô-va đã cất giấu (giữ gìn)”. Tuy nhiên, khác với các nhà tiên tri khác, Sô-phô-ni đã cho biết phả hệ của ông bốn đời về trước, từ đời “Ê-xê-chia”. (Sô-phô-ni 1:1; so sánh Ê-sai 1:1; Giê-rê-mi 1:1; Ê-xê-chi-ên 1:3). Điều này rất khác thường đến nỗi phần đông các nhà bình luận nhận diện tổ tiên bốn đời của ông là vị vua trung thành Ê-xê-chia. Nếu điều này là đúng thì Sô-phô-ni là con nhà hoàng tộc, và như vậy ông có thêm uy thế và ảnh hưởng khi nghiêm khắc lên án các quan trưởng xứ Giu-đa và chứng tỏ ông là người làm chứng và nhà tiên tri dạn dĩ của Đức Giê-hô-va. Việc ông biết rõ địa hình của thành Giê-ru-sa-lem và những gì xảy ra trong triều đình chứng tỏ rằng rất có thể ông đã từng rao báo sự phán xét của Đức Giê-hô-va ngay tại thủ đô ấy. (Xem Sô-phô-ni 1:8-11).
3 Sự kiện đáng chú ý là, trong lúc Sô-phô-ni rao báo sự phán xét của Đức Chúa Trời nghịch lại “các quan-trưởng” của xứ Giu-đa (những người thuộc giới quí tộc, hay các quan trưởng chi phái) và “các con trai của vua”, ông không bao giờ chỉ trích đến chính vị vua.a (Sô-phô-ni 1:8; 3:3). Điều này gợi ý rằng vị vua trẻ tuổi Giô-sia đã cho thấy ông có lòng nghiêng về sự thờ phượng thanh sạch rồi, mặc dầu khi xét thấy tình trạng đáng khinh bỉ mà Sô-phô-ni đã rêu rao, rõ ràng là ông đã chưa bắt đầu cuộc cải tổ tôn giáo. Tất cả những điều này cho thấy rằng có lẽ Sô-phô-ni đã nói tiên tri tại xứ Giu-đa trong những năm sau khi Giô-sia mới lên trị vì, ông cai trị từ năm 659 cho đến 629 trước công nguyên. Việc Sô-phô-ni nói tiên tri một cách hùng hồn chắc chắn đã giúp vị vua trẻ tuổi là Giô-sia ý thức được sự thờ hình tượng, sự hung bạo và sự đồi bại đang hoành hành tại Giu-đa vào lúc ấy và sau này giúp ông chinh chiến chống lại sự thờ hình tượng (II Sử-ký 34:1-3).
Những lý do khiến Đức Giê-hô-va nổi cơn thạnh nộ
4. Đức Giê-hô-va dùng những lời lẽ nào để biểu lộ cơn thạnh nộ của ngài đối với Giu-đa và Giê-ru-sa-lem?
4 Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để cảm thấy nóng giận đối với các nhà lãnh đạo xứ Giu-đa cũng như dân cư Giu-đa cùng thủ đô là Giê-ru-sa-lem. Qua nhà tiên tri Sô-phô-ni, ngài nói: “Ta sẽ giang tay ta trên Giu-đa và trên hết thảy dân-cư Giê-ru-sa-lem; sẽ trừ-tiệt phần sót lại của Ba-anh, các tên của thầy cả và thầy tế-lễ nó khỏi nơi nầy. Ta sẽ diệt những kẻ lạy cơ-binh trên trời nơi nóc nhà; và những kẻ thờ-lạy, những kẻ thề với Đức Giê-hô-va và cũng thề bởi vua mình” (Sô-phô-ni 1:4, 5).
5, 6. a) Tình trạng tôn giáo tại xứ Giu-đa trong thời Sô-phô-ni như thế nào? b) Các nhà lãnh đạo dân sự và những thuộc hạ đang ở trong tình trạng nào?
5 Giu-đa bị nhơ nhớp vì thực hành những nghi lễ sinh sản đồi bại trong sự thờ phượng Ba-anh, thuật chiêm tinh quỷ quái, và việc thờ tà thần Minh-côm. Nếu thần Minh-côm cũng giống như thần Mô-lóc, theo một số người nghĩ, thì việc thờ phượng sai lầm của Giu-đa gồm cả việc làm ghê tởm là cúng tế trẻ con. Những thực hành tôn giáo như thế thật là gớm ghiếc trước mặt Đức Giê-hô-va (I Các Vua 11:5, 7; 14:23, 24; II Các Vua 17:16, 17). Những thực hành này khiến ngài nổi cơn thạnh nộ còn thêm lên nữa vì những người thờ hình tượng vẫn còn thề nguyền nhân danh Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ không dung túng sự ô uế về tôn giáo nữa và sẽ diệt trừ những thầy tế lễ tà giáo và bội đạo.
6 Hơn nữa, các quan trưởng và quan xét của xứ Giu-đa đều bị đồi bại. Các quan trưởng của xứ thì giống như “sư-tử gầm-thét” tham tàn, và các quan xét của xứ thì giống như “muông-sói” tham bạo (Sô-phô-ni 3:3). Những thuộc hạ của họ thì bị tố cáo là “những kẻ làm đầy-dẫy sự bạo-ngược và sự quỷ-quyệt trong nhà chủ mình” (Sô-phô-ni 1:9). Chủ nghĩa duy vật hoành hành khắp nơi. Nhiều người lợi dụng tình thế để gom góp của cải (Sô-phô-ni 1:13).
Nghi ngờ về ngày của Đức Giê-hô-va
7. Sô-phô-ni nói tiên tri trước khi “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” xảy ra được bao lâu, và tình trạng thiêng liêng của nhiều người Do Thái ra sao?
7 Như chúng ta đã thấy, tình trạng tai hại về tôn giáo đã hoành hành vào thời của Sô-phô-ni cho thấy rằng ông làm chứng và nói tiên tri trước khi vua Giô-sia khởi sự chinh chiến chống lại sự thờ hình tượng vào khoảng năm 648 trước công nguyên (II Sử-ký 34:4, 5). Vậy, rất có thể Sô-phô-ni đã nói tiên tri ít nhất 40 năm trước khi “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” đến với vương quốc Giu-đa. Trong khoảng thời gian này, nhiều người Do Thái nuôi dưỡng sự nghi ngờ và ‘xây-bỏ’ không thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa, họ trở nên thờ ơ lãnh đạm. Sô-phô-ni nói về những kẻ “không tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, không cầu-hỏi Ngài” (Sô-phô-ni 1:6). Hiển nhiên, những người sống ở xứ Giu-đa tỏ ra lãnh đạm, không đếm xỉa gì đến Đức Chúa Trời.
8, 9. a) Tại sao Đức Giê-hô-va kiểm tra “những kẻ đọng trong cặn rượu”? b) Bằng cách nào Đức Giê-hô-va chú ý đến dân Giu-đa và các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự?
8 Đức Giê-hô-va cho biết về ý định của ngài để kiểm tra những người tự xưng là dân ngài. Trong số những người tự xưng thờ phượng ngài, ngài sẽ tìm ra những ai trong lòng còn ngờ vực đến khả năng hoặc ý định của ngài muốn can thiệp vào các công việc của loài người. Ngài phán: “Trong lúc đó, ta sẽ dùng đèn-đuốc lục-soát trong Giê-ru-sa-lem, sẽ phạt những kẻ đọng trong cặn rượu và tự nói trong lòng mình rằng: Đức Giê-hô-va sẽ chẳng xuống phước cũng chẳng xuống họa” (Sô-phô-ni 1:12). Câu “những kẻ đọng trong cặn rượu” (nói đến việc làm rượu) ám chỉ những ai đã ổn định cuộc sống, như bã rượu lắng xuống đáy thùng, và những người không muốn bị quấy rầy bởi lời công bố cho rằng Đức Chúa Trời sắp can thiệp vào công việc của loài người.
9 Đức Giê-hô-va chú ý đến dân Giu-đa, dân Giê-ru-sa-lem và các thầy tế lễ ở các nơi này đang pha trộn sự thờ phượng của ngài với tà giáo. Nếu họ cảm thấy được an toàn, như thể dưới màn đêm bao phủ trong tường thành Giê-ru-sa-lem, thì ngài sẽ tìm ra họ như thể dùng những ngọn đèn chói sáng có thể xuyên qua sự tối tăm về mặt thiêng liêng, nơi mà họ đang nương náu để tìm ra họ. Ngài phá rối tình trạng thờ ơ về tôn giáo của họ, trước tiên qua những thông điệp kinh hoàng về sự phán xét, sau đó bằng cách thi hành những sự phán xét này.
“Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần”
10. Sô-phô-ni miêu tả về “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” như thế nào?
10 Đức Giê-hô-va soi dẫn Sô-phô-ni để tuyên bố: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp. Ngày của Đức Giê-hô-va có tiếng động; bấy giờ người mạnh-dạn sẽ kêu-khóc đắng-cay” (Sô-phô-ni 1:14). Quả thật, những ngày đắng cay sẽ đến với tất cả những ai từ chối không chịu chú ý đến lời cảnh cáo và quay về sự thờ phượng thanh sạch, kể cả các thầy tế lễ, các quan trưởng và các dân. Miêu tả về ngày thi hành phán xét đó, lời tiên tri tiếp: “Ngày ấy là ngày thạnh-nộ, ngày hoạn-nạn và buồn-rầu, ngày hủy-phá và hoang-vu, ngày tối-tăm và mờ-mịt, ngày mây và sương-mù, ngày mà tiếng kèn và tiếng báo giặc nghịch cùng các thành bền-vững và các tháp cao góc thành” (Sô-phô-ni 1:15, 16).
11, 12. a) Thông điệp phán xét nào đã được loan ra cho dân Giê-ru-sa-lem? b) Sự thịnh vượng về vật chất có cứu rỗi dân Do Thái được chăng?
11 Trong vòng vài thập niên ngắn ngủi, quân đội Ba-by-lôn xâm chiếm Giu-đa. Giê-ru-sa-lem sẽ không thể nào tránh khỏi. Khu dân cư và thương mại sẽ bị tàn phá. “Đức Giê-hô-va phán: Trong ngày đó sẽ có tiếng kêu lớn nơi cửa cá, tiếng la-lối nơi phố thứ hai, tiếng vỡ-lở lớn nơi các đồi. Hỡi dân-cư trong thành thấp, hãy than-khóc; vì mọi kẻ buôn-bán đã mòn-mỏi, và mọi kẻ chở bạc đi đã bị diệt mất” (Sô-phô-ni 1:10, 11).
12 Từ chối không tin rằng ngày của Đức Giê-hô-va gần đến, nhiều người Do Thái đã dấn thân vào việc bán buôn làm giàu liều lĩnh. Nhưng qua nhà tiên tri trung thành Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va báo trước rằng sự giầu có của cải của họ sẽ bị “cướp, nhà-cửa chúng nó sẽ hoang-vu”. Họ sẽ không được uống rượu mà mình làm, và “hoặc bạc hoặc vàng của chúng nó, đều không có thể giải-cứu chúng nó trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” (Sô-phô-ni 1:13, 18).
Xét đoán các nước khác
13. Sô-phô-ni loan báo thông điệp phán xét nào cùng dân Mô-áp, Am-môn và A-si-ri?
13 Qua nhà tiên tri Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va cũng bày tỏ cơn thịnh nộ cùng các nước đã ngược đãi dân ngài. Ngài tuyên bố: “Ta đã nghe lời Mô-áp chế-báng, lời con-cái Am-môn sỉ-nhục, chúng nó xỉ-vả dân ta, khoe mình nghịch cùng bờ-cõi nó. Vậy nên, Đức Giê-hô-va vạn-quân, tức là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán rằng: Thật như ta hằng sống, Mô-áp chắc sẽ giống như Sô-đôm, và con-cái Am-môn sẽ giống như Gô-mô-rơ, thành ra một nơi đầy gai-gốc, một hầm muối, một chỗ hoang-vu đời đời... Đoạn, Đức Giê-hô-va sẽ giang tay về phía bắc, sẽ hủy-diệt A-si-ri, làm cho Ni-ni-ve hoang-vu, thành ra một chỗ khô-khan như đồng vắng” (Sô-phô-ni 2:8, 9, 13).
14. Điều gì chứng tỏ rằng các nước ngoại bang ‘khoe mình’ chống lại dân Y-sơ-ra-ên và Đức Chúa Trời họ là Đức Giê-hô-va?
14 Mô-áp và Am-môn là những dân thù nghịch lâu đời của dân Do Thái. (So sánh Các Quan Xét 3:12-14). Bia đá Mô-áp, trong bảo tàng viện Louvre tại Paris, có khắc ghi một lời tuyên bố khoác lác của vua Mô-áp là Mê-sa. Ông ngạo nghễ kể lại việc ông chiếm đoạt vài thành của Y-sơ-ra-ên nhờ sự giúp đỡ của thần Kê-mốt (II Các Vua 1:1). Giê-rê-mi, người đương thời với Sô-phô-ni, nói về người Am-môn chiếm đóng vùng Gát thuộc lãnh thổ của Do Thái nhân danh thần Minh-côm (Giê-rê-mi 49:1). Còn về A-si-ri, Vua Sanh-ma-na-sa Đệ Ngũ đã vây hãm và xâm chiếm thành Sa-ma-ri khoảng một thế kỷ trước thời đại của Sô-phô-ni (II Các Vua 17:1-6). Ít lâu sau, Vua San-chê-ríp đánh xứ Giu-đa và chiếm được nhiều thành kiên cố, và còn hăm dọa Giê-ru-sa-lem nữa (Ê-sai 36:1, 2). Phát ngôn viên của vua A-si-ri đã khoe mình ngạo mạn chống lại Đức Giê-hô-va khi ông ra lệnh cho dân thành Giê-ru-sa-lem phải đầu hàng (Ê-sai 36:4-20).
15. Đức Giê-hô-va làm nhục thần của các nước đã từng khoe mình chống lại dân ngài như thế nào?
15 Bài Thi-thiên số 83 nói đến một số nước, kể cả Mô-áp, Am-môn và A-si-ri, là những nước đã khoe mình kiêu ngạo chống lại Y-sơ-ra-ên, và khoe khoang phán rằng: “Hãy đến tuyệt-diệt chúng nó đến nỗi không còn làm nước, hầu cho danh Y-sơ-ra-ên không còn được kỷ-niệm nữa” (Thi-thiên 83:4). Nhà tiên tri Sô-phô-ni đã dạn dĩ loan báo rằng tất cả những nước kiêu căng này và các thần của họ sẽ bị Đức Giê-hô-va vạn quân làm nhục. “Điều đó xảy đến cho chúng nó vì chúng nó kiêu-ngạo, xỉ-vả và khoe mình nghịch cùng dân của Đức Giê-hô-va vạn-quân. Đức Giê-hô-va sẽ tỏ ra là đáng sợ cho chúng nó; vì Ngài sẽ làm cho các thần trên đất chịu đói; và người ta ai nấy sẽ từ nơi mình thờ lạy Ngài, dầu hết thảy các cù-lao các nước cũng vậy” (Sô-phô-ni 2:10, 11).
“Các ngươi khá đợi”
16. a) Ngày của Đức Giê-hô-va đến sẽ là nguồn vui cho những ai, và tại sao? b) Lời kêu gọi khích động nào đến với những trung thành còn lại?
16 Trong lúc tình trạng uể oải về thiêng liêng, sự hoài nghi, sự thờ hình tượng, sự bại hoại, và chủ nghĩa duy vật đang hoành hành giữa số các nhà lãnh đạo và phần đông dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, hình như một số người Do Thái trung thành đã nghe theo những lời tiên tri có tính cách cảnh cáo của Sô-phô-ni. Họ buồn rầu vì những thực hành ghê tởm của các quan trưởng, các quan xét và của các thầy tế lễ thuộc xứ Giu-đa. Những lời tuyên bố của Sô-phô-ni là nguồn an ủi cho những người trung thành đó. Thay vì là lý do để buồn rầu, ngày của Đức Giê-hô-va đến gần là một nguồn vui cho họ, vì ngày đó sẽ chấm dứt tất cả những thực hành đáng khinh bỉ này. Những người trung thành còn lại này chú ý đến lời kêu gọi khích động của Đức Giê-hô-va: “Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi khá đợi ta cho đến ngày ta sẽ dấy lên đặng cướp-bắt; vì ta đã định thâu-góp các dân-tộc và nhóm-hiệp các nước, hầu cho ta đổ sự thạnh-nộ và cả sự nóng-giận ta trên chúng nó, vì cả đất sẽ bị nuốt bởi lửa ghen ta” (Sô-phô-ni 3:8).
17. Khi nào và như thế nào thông điệp của Sô-phô-ni đã bắt đầu được ứng nghiệm trên các nước?
17 Những ai chú ý đến lời cảnh cáo đó đã không bị bất ngờ mất cảnh giác. Nhiều người sống sót để chứng kiến lời tiên tri của Sô-phô-ni được ứng nghiệm. Vào năm 632 trước công nguyên, thành Ni-ni-ve bị xâm chiếm và hủy diệt bởi những lực lượng đồng minh của người Ba-by-lôn, người Mê-đi, và các bè lũ từ miền bắc, có thể là người Sy-the. Sử gia Will Durant kể lại: “Một đạo quân người Ba-by-lôn dưới sự chỉ huy của vua Nabopolassar kết hợp với đạo quân người Mê-đi dưới sự chỉ huy của vua Cyaxares cùng với bè lũ người Sy-the từ vùng Caucasus, đã xâm chiếm các thành trì vùng phía bắc một cách dễ dàng và nhanh chóng lạ lùng... Chỉ một trận đánh khiến A-si-ri bị xóa bỏ khỏi lịch sử”. Điều này xảy ra đúng y như Sô-phô-ni đã tiên tri (Sô-phô-ni 2:13-15).
18. a) Sự phán xét từ Đức Chúa Trời được thi hành trên thành Giê-ru-sa-lem như thế nào và tại sao? b) Lời tiên tri của Sô-phô-ni về dân Mô-áp và Am-môn được ứng nghiệm như thế nào?
18 Nhiều người Do Thái mong đợi Đức Giê-hô-va cũng sống sót để chứng kiến ngài thi hành án phạt trên Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Sô-phô-ni đã tiên tri về Giê-ru-sa-lem: “Khốn thay cho thành bạn-nghịch và ô-uế, làm sự bạo-ngược! Nó không nghe lời; không chịu sửa-dạy; không nhờ-cậy Đức Giê-hô-va, không đến gần Đức Chúa Trời mình” (Sô-phô-ni 3:1, 2). Vì bất trung nên Giê-ru-sa-lem đã hai lần bị quân Ba-by-lôn bao vây và cuối cùng bị xâm chiếm và hủy diệt vào năm 607 trước công nguyên (II Sử-ký 36:5, 6, 11-21). Còn về xứ Mô-áp và xứ Am-môn, theo sử gia người Do Thái Josephus, vào năm thứ năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, quân Ba-by-lôn dấy lên và xâm chiếm cả hai nước. Sau đó các nước này không còn tồn tại nữa như đã được tiên tri.
19, 20. a) Đức Giê-hô-va ban thưởng cho những ai mong đợi ngài như thế nào? b) Tại sao những biến cố này liên quan đến chúng ta, và điều gì sẽ được bàn đến trong bài kế tiếp?
19 Sự ứng nghiệm những chi tiết này và những chi tiết khác nữa của lời tiên tri của Sô-phô-ni là một kinh nghiệm làm vững thêm đức tin của người Do Thái và người dân ngoại đã luôn mong đợi Đức Giê-hô-va. Trong số những người được sống sót khỏi sự hủy phá của xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem có Giê-rê-mi, Ê-bết-Mê-lết người Ê-thi-ô-bi, và gia đình Giô-na-đáp người Rê-cáp (Giê-rê-mi 35:18, 19; 39:11, 12, 16-18). Hễ có người Do Thái trung thành nào bị lưu đày cùng với con cháu họ mà vẫn tiếp tục mong đợi Đức Giê-hô-va, thì họ được kể trong số những người còn lại vui vẻ được giải thoát khỏi Ba-by-lôn vào năm 537 trước công nguyên và đã trở về Giu-đa để tái thiết sự thờ phượng thanh sạch (E-xơ-ra 2:1; Sô-phô-ni 3:14, 15, 20).
20 Tất cả những điều này có nghĩa gì trong thời kỳ chúng ta ngày nay? Trên nhiều phương diện, hoàn cảnh thời Sô-phô-ni tương ứng với những điều ghê gớm mà các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ thực hành ngày nay. Hơn nữa, những thái độ khác nhau của dân Do Thái vào thời ấy cũng giống như những thái độ mà chúng ta thấy ngày nay, đôi khi ngay cả giữa dân của Đức Giê-hô-va. Đây là những sự kiện sẽ được bàn đến trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Hình như nhóm từ “các con trai của vua” ám chỉ tất cả các hoàng tử vì chính con trai của Giô-sia lúc ấy vẫn còn quá nhỏ.
Để ôn lại
◻ Tình trạng tôn giáo tại xứ Giu-đa vào thời Sô-phô-ni ra sao?
◻ Tình trạng nào hoành hành trong số những nhà lãnh tụ dân sự, và thái độ của nhiều người là gì?
◻ Các nước đã khoe mình kiêu ngạo chống lại dân của Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Sô-phô-ni đã đưa ra những lời cảnh cáo nào đến Giu-đa và các nước khác?
◻ Những người giữ mình mong đợi Đức Giê-hô-va được thưởng như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Bia đá Mô-áp xác nhận rằng vua xứ Mô-áp là Mê-sa đã xỉ vả dân Y-sơ-ra-ên xưa
[Nguồn tư liệu]
Bia đá Mô-áp: Musée du Louvre, Paris
[Hình nơi trang 10]
Để xác minh lời tiên tri của Sô-phô-ni, tấm bảng này có khắc chữ hình nêm về lịch sử Ba-by-lôn ghi lại sự tàn phá của thành Ni-ni-ve bởi quân đội đồng minh
[Nguồn tư liệu]
Tấm bảng có khắc chữ hình nêm: Courtesy of The British Museum