“Nhẫn nại chịu đựng điều ác”
“Đầy tớ Chúa không nên cãi cọ, nhưng phải ở hiền từ với hết thảy,... nhẫn nại chịu đựng điều ác”.—2 TI-MÔ-THÊ 2:24, Trần Đức Huân.
1. Khi tham gia hoạt động của tín đồ Đấng Christ, tại sao đôi khi chúng ta gặp phải những người nói năng cộc cằn thô lỗ?
KHI đối phó với những người không có thiện cảm với bạn hay với điều mà bạn trình bày, bạn phản ứng thế nào? Miêu tả về ngày sau rốt, sứ đồ Phao-lô báo trước rằng người ta sẽ “hay nói xấu,... hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5, 12) Trong thánh chức hoặc những sinh hoạt khác, có lẽ bạn cũng gặp những người như thế.
2. Những câu Kinh Thánh nào giúp chúng ta biết ứng xử khôn ngoan trước những người nói năng cộc cằn thô lỗ với mình?
2 Không hẳn tất cả những ai hay la lối đều không thích điều phải. Sự khổ nhọc cùng cực hoặc tinh thần bực bội có thể khiến người ta có lối nói gay gắt với người xung quanh. (Truyền-đạo 7:7, Tòa Tổng Giám Mục)a Nhiều người có cách cư xử như vậy vì họ sống và làm việc trong môi trường mà hầu hết mọi người đều nói năng thô lỗ. Điều này không thể chấp nhận trong vòng chúng ta là tín đồ Đấng Christ, nhưng nó giúp chúng ta hiểu tại sao người khác lại nói năng như thế. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước những lời nói cộc cằn thô lỗ? Châm-ngôn 19:11 nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận”. Rô-ma 12:17, 18 khuyên chúng ta: “Chớ lấy ác trả ác cho ai... Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”.
3. Tính yêu chuộng hòa bình và thông điệp chúng ta rao giảng liên quan với nhau thế nào?
3 Nếu chúng ta thật sự yêu chuộng hòa bình, tinh thần đó sẽ chứng tỏ qua thái độ của chúng ta. Nó sẽ bộc lộ qua lời nói và hành động, có lẽ cũng thể hiện qua nét mặt và giọng nói của chúng ta. (Châm-ngôn 17:27) Khi sai các sứ đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su khuyên họ: “Khi vào nhà nào, hãy cầu bình-an cho nhà ấy; nếu nhà đó xứng-đáng, thì sự bình-an các ngươi xuống cho; bằng không, thì sự bình-an các ngươi trở về các ngươi”. (Ma-thi-ơ 10:12, 13) Thông điệp chúng ta rao giảng là một tin mừng. Kinh Thánh gọi đó là “Tin-lành bình-an”, “Tin-lành của ơn Đức Chúa Trời” và “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 6:15; Công-vụ 20:24; Ma-thi-ơ 24:14) Mục tiêu của chúng ta không phải là chỉ trích niềm tin của người khác hoặc tranh cãi về quan điểm của người đó mà là chia sẻ tin mừng trong Lời Đức Chúa Trời.
4. Bạn có thể nói thế nào nếu người ta bảo “tôi không thích”, ngay dù bạn chưa kịp nói lên lý do mình muốn nói chuyện với họ?
4 Không thật sự lắng nghe, một người chủ nhà có thể đáp cộc lốc: “Tôi không thích”. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể nói: “Tôi xin đọc chỉ một câu Kinh Thánh thôi”. Có lẽ người ấy sẽ không từ chối lời đề nghị. Trong trường hợp khác thì bạn có thể nói như sau: “Tôi xin được nói với ông/bà về một thời kỳ không còn sự bất công, và tất cả mọi người đều biết yêu thương nhau”. Nếu người ấy không đặt ngay một câu hỏi để bạn giải thích, bạn có thể nói thêm: “Nhưng hình như ông/bà đang bận, vào lúc khác có lẽ thuận tiện hơn”. Nếu nói như vậy mà người chủ nhà cũng không phản ứng hòa nhã, chúng ta có nên kết luận rằng người đó chẳng “xứng-đáng” không? Bất kể phản ứng của họ ra sao, hãy nhớ lời Kinh Thánh khuyên: “Phải ở hiền từ với hết thảy,... nhẫn nại chịu đựng điều ác”.—2 Ti-mô-thê 2:24, TĐH.
Xấc xược nhưng do chưa hiểu
5, 6. Sau-lơ đã đối xử thế nào với những người theo Chúa Giê-su, và tại sao ông lại hành động như vậy?
5 Vào thế kỷ thứ nhất, một ông tên là Sau-lơ có tiếng là người nói năng thô lỗ, thậm chí cư xử hung bạo. Kinh Thánh nói rằng ông “hằng ngăm-đe và chém-giết môn-đồ của Chúa”. (Công-vụ 9:1, 2) Sau đó ông thừa nhận mình từng là “người phạm-thượng, hay bắt-bớ, hung-bạo [“xấc xược”, NW]”. (1 Ti-mô-thê 1:13) Dù một số người thân của ông có lẽ lúc ấy đã vào đạo Đấng Christ, nhưng về thái độ của ông đối với các môn đồ Đấng Christ, Sau-lơ cho biết: “Tôi lại nổi giận quá bội bắt-bớ họ cho đến các thành ngoại-quốc”. (Công-vụ 23:16; 26:11; Rô-ma 16:7, 11) Dù ông đối xử với các môn đồ như thế nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ cố tranh cãi với Sau-lơ.
6 Tại sao Sau-lơ hành động như vậy? Nhiều năm sau, ông viết: “Ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu-muội chưa tin”. (1 Ti-mô-thê 1:13) Ông là một người Pha-ri-si, được giáo dục ‘đúng theo luật-pháp của tổ-phụ’. (Công-vụ 22:3) Tuy thầy giáo của Sau-lơ là Ga-ma-li-ên có tư tưởng hơi thoáng, nhưng người kết hợp với Sau-lơ—thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe—lại là một người cuồng tín. Cai-phe là người chủ mưu hãm hại Chúa Giê-su Christ bị hành hình. (Ma-thi-ơ 26:3, 4, 63-66; Công-vụ 5:34-39) Sau đó, Cai-phe sai người đánh đập các sứ đồ của Chúa Giê-su và nghiêm cấm họ dùng danh ngài để rao giảng. Trong phiên xử tại Tòa Công Luận với bầu không khí đầy xúc động do Cai-phe điều khiển, Ê-tiên bị lôi đi ném đá. (Công-vụ 5:27, 28, 40; 7:1-60) Sau-lơ chứng kiến cảnh ném đá đó, và Cai-phe giao quyền cho ông để thực hiện việc đàn áp những người theo Chúa Giê-su bằng cách đi đến thành Đa-mách bắt họ. (Công-vụ 8:1; 9:1, 2) Chịu ảnh hưởng của Cai-phe, Sau-lơ nghĩ cách xử sự của ông chứng tỏ lòng sốt sắng với Đức Chúa Trời, nhưng thật ra đức tin của ông không đúng. (Công-vụ 22:3-5) Chính vì vậy, ông đã không nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si chân chính. Nhưng Sau-lơ đã ngộ ra điều đó khi Chúa Giê-su phục sinh phán cùng ông trong phép lạ xảy ra trên đường đến thành Đa-mách.—Công-vụ 9:3-6.
7. Chuyện gì xảy ra sau khi Sau-lơ được thấy Chúa Giê-su hiện ra trên đường ông đến thành Đa-mách?
7 Không lâu sau sự kiện này, môn đồ A-na-nia được sai đến để làm chứng cho Sau-lơ. Liệu bạn có nôn nả thực thi mệnh lệnh đó không? A-na-nia lo ngại lắm nhưng ông vẫn nói năng tử tế với Sau-lơ. Thái độ của Sau-lơ thay đổi hẳn sau khi được thấy Chúa Giê-su hiện ra trên đường ông đến thành Đa-mách. (Công-vụ 9:10-22) Sau này ông được gọi là sứ đồ Phao-lô, một giáo sĩ sốt sắng của đạo Đấng Christ.
Nhu mì nhưng can đảm
8. Chúa Giê-su đã phản ánh thái độ của Cha ngài như thế nào đối với những người làm điều xấu?
8 Chúa Giê-su là một người sốt sắng rao truyền tin mừng Nước Trời, ngài nhu mì nhưng can đảm khi cư xử với mọi người. (Ma-thi-ơ 11:29) Ngài phản ánh tinh thần của Cha ngài trên trời là Đấng kêu gọi kẻ ác từ bỏ đường lối xấu của mình. (Ê-sai 55:6, 7) Khi giao thiệp với những người phạm tội, Chúa Giê-su để ý đến dấu hiệu thay đổi tốt và khích lệ họ. (Lu-ca 7:37-50; 19:2-10) Thay vì dựa vào bề ngoài mà xét đoán người khác, Chúa Giê-su noi gương nhân từ, nhịn nhục và khoan dung của Cha ngài với ý định giúp họ ăn năn. (Rô-ma 2:4) Ý muốn của Đức Giê-hô-va là mọi người đều ăn năn và được cứu.—1 Ti-mô-thê 2:3, 4.
9. Qua cách lời tiên tri Ê-sai 42:1-4 được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su, chúng ta học được gì?
9 Cho biết ý nghĩ của Đức Giê-hô-va về Chúa Giê-su, người viết Phúc Âm Ma-thi-ơ trích lời tiên tri sau: “Nầy, tôi-tớ ta đã chọn, là người mà ta rất yêu-dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh-Linh ta ngự trên người, người sẽ rao-giảng sự công-bình cho dân ngoại. Người sẽ chẳng cãi-lẫy, chẳng kêu-la, và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường-cái. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công-bình được thắng. Dân ngoại sẽ trông-cậy danh người”. (Ma-thi-ơ 12:17-21; Ê-sai 42:1-4) Đúng như lời tiên tri này, Chúa Giê-su không bao giờ tranh cãi ồn ào. Ngay cả những lúc bị áp lực, ngài cũng rao giảng lẽ thật cho những người có lòng thành một cách lôi cuốn.—Giăng 7:32, 40, 45, 46.
10, 11. (a) Dù người Pha-ri-si thuộc số những kẻ lên tiếng chống đối Chúa Giê-su nhiều nhất, tại sao ngài làm chứng cho vài người trong họ? (b) Đôi khi Chúa Giê-su trả lời thế nào với những kẻ chống đối, nhưng ngài đã không làm điều gì?
10 Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su đã rao giảng cho nhiều người Pha-ri-si. Dù có một số người Pha-ri-si tìm cách bắt bẻ lời nói của ngài, nhưng Chúa Giê-su không kết luận rằng hết thảy họ đều có động lực xấu. Si-môn, một người Pha-ri-si có tính hơi chỉ trích, có vẻ muốn biết Chúa Giê-su rõ hơn và mời ngài dùng bữa. Chúa Giê-su nhận lời và làm chứng cho những người có mặt trong bữa ăn đó. (Lu-ca 7:36-50) Vào dịp khác, một người Pha-ri-si tên là Ni-cô-đem kín đáo đến gặp Chúa Giê-su vào ban đêm. Ngài không trách ông sao lại đợi đến lúc trời tối. Thay vì thế, ngài giảng cho Ni-cô-đem về tình yêu thương mà Đức Chúa Trời thể hiện khi ban Con Ngài để mở đường cứu rỗi cho những ai thực hành đức tin. Chúa Giê-su cũng ân cần nêu lên tầm quan trọng của việc vâng theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. (Giăng 3:1-21) Sau này Ni-cô-đem đã lên tiếng bênh vực Chúa Giê-su khi những người Pha-ri-si khác xem thường lời báo cáo tốt về ngài.—Giăng 7:46-51.
11 Không phải là Chúa Giê-su không thấy sự giả hình của những kẻ đang tìm cách gài bẫy ngài. Ngài không để những kẻ chống đối khiến ngài tranh cãi vô ích. Tuy nhiên, khi thích hợp thì ngài đáp ngắn gọn và mạnh mẽ bằng cách nói đến một nguyên tắc, dùng một minh họa hoặc trích một câu Kinh Thánh. (Ma-thi-ơ 12:38-42; 15:1-9; 16:1-4) Vào những lần khác thì Chúa Giê-su chỉ im lặng khi ngài nhận thấy không nên trả lời.—Mác 15:2-5; Lu-ca 22:67-70.
12. Ngay cả khi bị người ta quát tháo, làm sao Chúa Giê-su có thể giúp họ?
12 Thỉnh thoảng những người bị tà ma ám quát tháo Chúa Giê-su. Những lúc đó, ngài nhẫn nại chịu đựng và thậm chí dùng quyền phép được Đức Chúa Trời ban cho để giải thoát họ. (Mác 1:23-28; 5:2-8, 15) Khi chúng ta đi rao giảng, nếu có người giận dữ và quát tháo, chúng ta cũng cần nhẫn nại chịu đựng, nên cố gắng giải quyết tình huống ấy một cách từ tốn và tế nhị.—Cô-lô-se 4:6.
Trong gia đình
13. Tại sao đôi khi người ta chống đối một thành viên gia đình mới học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va?
13 Môi trường mà các môn đồ Chúa Giê-su thường cần nhẫn nại chịu đựng nhiều nhất là trong gia đình. Một người cảm kích sâu xa lẽ thật của Kinh Thánh mong muốn gia đình mình cũng có phản ứng giống như vậy. Nhưng như Chúa Giê-su đã phán, những thành viên gia đình có thể tỏ thái độ thù địch. (Ma-thi-ơ 10:32-37; Giăng 15:20, 21) Vấn đề này nảy sinh do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, trong khi sự dạy dỗ của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta trở nên lương thiện, có trách nhiệm và lễ độ, Kinh Thánh cũng dạy rằng dù trong trường hợp nào đi nữa, chúng ta có trách nhiệm với Đấng Tạo Hóa nhiều hơn. (Truyền-đạo 12:1, 13; Công-vụ 5:29) Một người thân có thể tức giận vì cảm thấy mình bị mất ảnh hưởng trong gia đình khi chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va. Khi đối phó với tình huống thể ấy, noi gương nhẫn nại nhịn nhục của Chúa Giê-su thật quan trọng biết bao!—1 Phi-e-rơ 2:21-23; 3:1, 2.
14-16. Điều gì khiến một số người trước kia chống đối nay đã thay đổi?
14 Nhiều người hiện nay đang phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng trước đây họ từng bị người hôn phối hoặc người nhà chống đối vì đã có những thay đổi từ khi bắt đầu học Kinh Thánh. Có lẽ những người chống đối đã nghe những lời nói tiêu cực về Nhân Chứng Giê-hô-va, và có thể họ lo sợ một ảnh hưởng tai hại ở trong nhà. Điều gì đã khiến họ thay đổi thái độ? Trong nhiều trường hợp, gương tốt là nhân tố chính. Đôi khi sự chống đối của gia đình dịu đi vì những người tin đạo kiên định áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh—đều đặn tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ, tham gia hoạt động rao giảng trong khi vẫn chu toàn trách nhiệm đối với gia đình và biểu lộ tính nhẫn nại trước bất cứ lời lăng mạ nào.—1 Phi-e-rơ 2:12.
15 Một người chống đối cũng có thể từ chối lắng nghe bất cứ sự giải thích nào từ Kinh Thánh vì người đó có thành kiến hoặc kiêu ngạo. Đó là trường hợp của một người đàn ông sống ở Hoa Kỳ, ông tự nhận là người rất ái quốc. Một lần nọ, khi vợ ông đang dự đại hội, ông thu xếp hết quần áo và bỏ nhà ra đi. Lần khác, ông rời nhà với khẩu súng lục và đe dọa tự tử. Bất cứ hành vi phi lý nào của ông, ông đều đổ lỗi cho tôn giáo của vợ. Nhưng chị đã luôn cố gắng áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh. Sau 20 năm chị trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, giờ đây ông cũng là Nhân Chứng. Một phụ nữ ở Albania tức giận vì con gái bà học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và sau đó làm báp têm. Bà đã 12 lần hủy Kinh Thánh của con gái. Rồi một ngày kia bà mở cuốn Kinh Thánh mới mà cô con gái để ở trên bàn. Tình cờ, bà mở ra nơi Ma-thi-ơ 10:36 và nhận thấy câu ấy nói về chính bà. Tuy vậy, khi cô con gái sắp đáp thuyền đi dự đại hội ở Ý cùng với các Nhân Chứng khác, vì quan tâm đến sự an toàn của con, bà đã theo con ra bến. Khi thấy tình yêu thương, những cái ôm thân thiết, những nụ cười và nghe tiếng cười rộn rã của nhóm người đi dự đại hội, bà bắt đầu thay đổi cảm nghĩ. Không lâu sau đó, bà đồng ý học Kinh Thánh. Ngày nay chị gắng sức giúp những người khác, là những người chống đối lúc ban đầu.
16 Trong một trường hợp khác, người chồng nọ tay cầm dao đe dọa, mắng nhiếc vợ thậm tệ khi chị bước đến gần Phòng Nước Trời. Chị nhẹ nhàng đáp: “Anh hãy vào Phòng Nước Trời để tận mắt chứng kiến”. Ông ấy bước vào, và cuối cùng trở thành một trưởng lão của đạo Đấng Christ.
17. Nếu đôi khi có những tình huống căng thẳng trong một gia đình tín đồ Đấng Christ, lời khuyên nào trong Kinh Thánh có thể giúp họ?
17 Ngay cả trong một gia đình đều là tín đồ Đấng Christ, sự bất toàn của con người làm cho đôi khi trong nhà có những tình huống căng thẳng và những lời gay gắt. Hãy lưu ý rằng tín đồ Đấng Christ ở thành Ê-phê-sô xưa được khuyên: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác”. (Ê-phê-sô 4:31) Có lẽ tín đồ Đấng Christ ở thành Ê-phê-sô bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, sự bất toàn cá nhân, và trong vài trường hợp, bởi chính lối sống trước đây của họ. Điều gì có thể giúp họ thay đổi? Họ cần “phải làm nên mới trong tâm-chí mình”. (Ê-phê-sô 4:23) Khi họ học hỏi Lời Đức Chúa Trời, suy ngẫm xem làm sao để Lời ấy tác động đến đời sống, kết hợp với các tín đồ Đấng Christ, và khẩn thiết cầu nguyện, thì trái của thánh linh sẽ thể hiện trọn vẹn hơn trong đời sống họ. Họ sẽ học “ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ [họ] trong Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 4:32) Dù người khác làm gì đi nữa, chúng ta cần phải nhẫn nại chịu đựng, tử tế, có lòng thương xót, biết tha thứ. Thật vậy, chúng ta không “lấy ác trả ác cho ai”. (Rô-ma 12:17, 18) Noi gương Đức Chúa Trời trong việc biểu lộ tình yêu thương chân thật luôn là điều đúng cần phải làm.—1 Giăng 4:8.
Lời khuyên cho tất cả tín đồ Đấng Christ
18. Tại sao lời khuyên nơi 2 Ti-mô-thê 2:24 thích hợp cho một trưởng lão ở thành Ê-phê-sô xưa, và lời khuyên đó có thể mang lại lợi ích như thế nào cho tất cả tín đồ Đấng Christ?
18 Lời khuyên “nhẫn nại chịu đựng điều ác” áp dụng cho tất cả tín đồ Đấng Christ. (2 Ti-mô-thê 2:24, TĐH) Nhưng, lời này trước tiên nhằm vào Ti-mô-thê vì ông phụng sự với tư cách là trưởng lão ở thành Ê-phê-sô. Một số người trong hội thánh ở đấy đã thẳng thắn phát biểu quan điểm và dạy giáo lý sai lầm cho người khác. Vì không nhận thức rõ mục tiêu của Luật Pháp Môi-se, họ đã không hiểu tầm quan trọng của đức tin, tình yêu thương, và một lương tâm tốt. Tính kiêu ngạo gây xung đột khi tranh cãi, trong khi họ bỏ qua những điểm thiết yếu trong sự dạy dỗ của Đấng Christ và tầm quan trọng của sự tin kính. Để giải quyết trường hợp này, Ti-mô-thê phải cương quyết làm theo lẽ thật trong Kinh Thánh nhưng cũng phải đối xử hiền từ với anh em của ông. Giống như các trưởng lão ngày nay, Ti-mô-thê hiểu rằng bầy không thuộc về ông, do đó ông phải đối xử với những người khác theo cách nào để phát huy tình yêu thương và sự hợp nhất của đạo Đấng Christ.—Ê-phê-sô 4:1-3; 1 Ti-mô-thê 1:3-11; 5:1, 2; 6:3-5.
19. Tại sao “tìm-kiếm sự nhu-mì” là điều quan trọng cho tất cả chúng ta?
19 Đức Chúa Trời khuyên giục dân Ngài “tìm-kiếm sự nhu-mì”. (Sô-phô-ni 2:3) Cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch là “nhu-mì” biểu thị một đức tính giúp một người có thể kiên nhẫn chịu đựng khi bị tổn thương mà không bực tức và trả đũa. Mong sao chúng ta khẩn thiết nài xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nhẫn nại chịu đựng và xứng đáng làm người đại diện cho Ngài, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
Bạn học được gì?
• Khi đương đầu với lời nói xấc xược, những câu Kinh Thánh nào có thể giúp bạn?
• Tại sao Sau-lơ hành động xấc xược?
• Làm thế nào gương của Chúa Giê-su giúp chúng ta đối phó thích đáng với người thuộc mọi thành phần?
• Trong gia đình, khi thể hiện tính nhẫn nại trong lời nói có thể mang lại những lợi ích nào?
[Hình nơi trang 26]
Bất kể thành tích xấu của Sau-lơ, A-na-nia đã đối xử tử tế với ông
[Hình nơi trang 29]
Một tín đồ Đấng Christ trung thành thi hành trách nhiệm có thể làm dịu sự chống đối của gia đình
[Hình nơi trang 30]
Tín đồ Đấng Christ phát huy tình yêu thương và sự hợp nhất
[Chú thích]
a Câu này nói: “Bị áp bức, người khôn hóa dại, của biếu xén làm hư hỏng lòng người”.