Được hợp nhất bởi ngôn ngữ thanh sạch
“Vì bấy giờ ta sẽ ban môi-miếng [ngôn ngữ] thanh-sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc Ngài” (SÔ-PHÔ-NI 3:9).
1. Có bao giờ ai đã được nghe Đức Giê-hô-va nói chưa?
NGÔN NGỮ của Đức Giê-hô-va là thanh sạch. Nhưng có bao giờ ai được nghe Ngài nói chưa? Có chứ! Điều nầy xảy ra khi Con của Ngài là Giê-su Christ sống trên đất cách đây 19 thế kỷ. Thí dụ, khi Giê-su chịu phép báp têm, thì người ta đã nghe Đức Chúa Trời phán rằng: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:13-17). Đó là một lời xác nhận hoàn toàn đúng sự thật, mà chính Giê-su và Giăng Báp-tít đã được nghe trong một ngôn ngữ loài người.
2. Sự kiện sứ đồ Phao-lô đề cập đến “các thứ tiếng của...thiên sứ” chứng tỏ điều gì?
2 Vài năm sau, sứ đồ Phao-lô là tín đồ đấng Christ, đã nói về “các thứ tiếng loài người và thiên-sứ” (I Cô-rinh-tô 13:1). Điều nầy cho thấy gì? Điều nầy chứng tỏ rằng các thần linh, chứ không phải chỉ loài người, cũng có ngôn ngữ và khả năng ăn nói. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời và các thiên sứ không giao thiệp với nhau bằng giọng nói và ngôn ngữ mà loài người có thể nghe được và hiểu được. Tại sao không? Tại vì chỉ chung quanh trái đất mới có cái bầu không khí cần thiết để truyền những làn sóng âm thanh mà tai loài người có thể nghe và hiểu được.
3. Ngôn ngữ loài người đã bắt đầu như thế nào?
3 Ngôn ngữ loài người đã bắt đầu như thế nào? Có người cho rằng các tổ tiên của chúng ta đã khó khăn tìm cách liên lạc với nhau bằng cách phát ra những âm thanh ú ớ và rên rỉ. Sách “Tiến hóa” (Evolution, Life Nature Library) ghi rằng: “Người khỉ cách đây khoảng một triệu năm...có lẽ đã thốt được vài âm thanh để nói chuyện”. Nhưng nhà biên soạn tự điển trứ danh Ludwig Koehler nói rằng: “Tiếng nói loài người là cả một bí mật; một sự ban cho của Đức Chúa Trời, một phép lạ”. Vâng, tiếng nói của loài người là một ban cho của Đức Chúa Trời, vì Ngài đã cho người đàn ông đầu tiên là A-đam một ngôn ngữ. Ngôn ngữ đó có lẽ là thứ tiếng sau nầy được gọi là tiếng Hê-bơ-rơ, dùng giữa dân Y-sơ-ra-ên là con cháu của “Áp-ram, người Hê-bơ-rơ”. Áp-ram là một tộc trưởng trung thành thuộc dòng dõi của Sem là con trai của ông Nô-ê người đóng tàu (Sáng-thế Ký 11:10-26; 14:13; 17:3-6). Xét rằng Sem nhận được lời tiên tri ban phước của Đức Chúa Trời, chúng ta có lý do để kết luận rằng ngôn ngữ của ông không bị ảnh hưởng bởi điều mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm bằng phép lạ cách đây 43 thế kỷ (Sáng-thế Ký 9:26).
4. Nim-rốt là ai, và Sa-tan Ma-quỉ đã dùng hắn như thế nào?
4 Lúc đó “cả thiên-hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng” (Sáng-thế Ký 11:1). Thời ấy có một người tên là Nim-rốt “một tay thợ săn mạnh bạo chống lại Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 10:8, 9, NW). Kẻ thù vô hình lớn nhất của loài người là Sa-tan đã đặc biệt dùng Nim-rốt để thiết lập phần thuộc về đất của tổ chức của Ma-quỉ. Nim-rốt muốn nổi danh, và thái độ hống hách đó lây sang những đồ đệ của hắn, họ bắt đầu một công trình xây cất đặc biệt trong xứ Si-nê-a. Theo sách Sáng-thế Ký đoạn 11, câu 4, họ nói rằng: “Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản-lạc khắp trên mặt đất”. Công trình nầy nghịch lại lệnh của Đức Chúa Trời là “làm cho đầy-dẫy đất”, và đã bị bỏ dở khi Đức Giê-hô-va làm lộn xộn ngôn ngữ của những kẻ phản nghịch. Kinh-thánh ghi rằng: “Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công-việc xây-cất thành” (Sáng-thế Ký 9:1; 11:2-9). Thành đó mang tên là Ba-bên, hoặc Ba-by-lôn (có nghĩa là “sự lộn xộn”) “vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn-xộn tiếng nói của cả thế-gian”.
5. a) Điều gì đã bị ngăn chận lại khi Đức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói của loài người? b) Chúng ta có thể kết luận gì về tiếng nói của Nô-ê và Sem?
5 Phép lạ nầy—làm lộn xộn tiếng nói duy nhất của loài người—khiến người ta tản mác và làm đầy dẫy đất y như lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng Nô-ê, và cũng ngăn chận mưu đồ của Sa-tan là muốn thành lập sự thờ phượng hợp nhất ô uế dành cho hắn bởi những kẻ phản nghịch lại Đấng Chủ tể của trời đất. Đúng vậy, khi thực hành bất cứ tôn giáo giả nào, người ta là nạn nhân của Ma-quỉ, và họ phụng sự các thiên sứ ác khi họ lập lên nhiều thần thánh nam nữ, với các tên trong đủ thứ tiếng và thờ các thần giả nầy (I Cô-rinh-tô 10:20). Nhưng cách Đức Chúa Trời thật duy nhất hành động tại Ba-bên đã ngăn chận được được sự thành lập của một tôn giáo giả đồng nhất để thờ phượng Ma-quỉ, điều mà hắn thèm muốn. Dĩ nhiên người công bình Nô-ê và con ông là Sem đã không bao giờ dính líu vào việc sụp đổ ở vùng Si-nê-a. Như vậy ta có lý do chính đáng để kết luận rằng thứ tiếng họ nói vẫn còn là thứ tiếng của người trung tín Áp-ram (hoặc Áp-ra-ham), thứ tiếng mà Đức Chúa Trời dùng để liên lạc với A-đam trong vườn Ê-đen.
6. Vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, Đức Giê-hô-va đã tỏ Ngài có thể ban cho khả năng nói các thứ tiếng như thế nào?
6 Đức Giê-hô-va, Đấng đã làm lộn xộn ngôn ngữ nguyên thủy của loài người, cũng có thể ban cho khả năng nói nhiều thứ tiếng. Thật vậy, Ngài đã làm chính điều nầy vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch! Theo Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-11, khoảng 120 tín đồ của Giê-su Christ hội họp trong một phòng cao tại thành Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 1:13, 15). Bỗng nhiên, có tiếng từ trời đến “như tiếng gió thổi ào-ào”. Người ta thấy “lưỡi như bằng lửa” hiện ra và đậu trên mỗi người. Khi ấy, các môn đồ “đều được đầy-dẫy thánh linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như thánh linh cho mình nói”. Dùng các ngôn ngữ được Đức Chúa Trời ban cho đó, họ nói “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”. Quả đó là một phép lạ khi các người Do-thái và người nhập đạo Do-thái nói nhiều thứ tiếng khác nhau, họ đến từ những nơi xa xôi như Mê-sô-bô-ta-mi, Ai-cập, Li-by và La-mã và họ đều hiểu được thông điệp ban sự sống nầy!
Một ngôn ngữ được Đức Chúa Trời ban cho ngày nay!
7. Nếu toàn thế giới nói và hiểu được cùng một ngôn ngữ thì chúng ta sẽ có những triển vọng nào?
7 Vì lẽ Đức Chúa Trời có thể làm phép lạ để khiến người ta nói các thứ tiếng khác nhau, thì Ngài cũng có thể khiến mọi người ở khắp thế giới đồng nói và hiểu một thứ tiếng duy nhất. Nếu Ngài làm điều đó thì thật là kỳ diệu phải không? Điều nầy sẽ làm cho gia đình nhân loại cảm thông nhau hơn. Như sách “Bách khoa Tự điển Thế giới” (The World Book Encyclopedia) có ghi: “Nếu tất cả các dân nói cùng một ngôn ngữ, thì các liên lạc về văn hóa và kinh tế sẽ trở nên chặt chẽ hơn, và thiện chí giữa các quốc gia sẽ gia tăng”. Quả thật trong thời gian qua người ta có đề nghị ít nhất 600 thế giới ngữ. Trong số đó, tiếng Esperanto đã có ảnh hưởng sâu đậm nhất. Vì từ khi được bày ra vào năm 1887, đã có khoảng 10.000.000 người học thứ tiếng nầy. Tuy nhiên mọi cố gắng của loài người để đoàn kết nhân gian bằng một thế giới ngữ đã chưa bao giờ thành công. Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều vấn đề gây chia rẽ trên thế giới bởi vì “những người hung-ác càng chìm-đắm luôn trong điều dữ” (II Ti-mô-thê 3:13).
8. Ngay nếu toàn thế giới hiện nay tự chọn một thứ tiếng chung thì điều gì vẫn còn tồn tại, và tại sao?
8 Trên phương diện tôn giáo thì có nhiều sự lộn xộn. Nhưng phải chăng chúng ta nên chờ đợi điều nầy vì sách Khải-huyền của Kinh-thánh gọi đế quốc tôn giáo giả là “Ba-by-lôn lớn”? (Khải-huyền 18:2). Vâng, bởi vì “Ba-by-lôn” có nghĩa là “sự lộn xộn”. Ngay nếu một ngôn ngữ nhân tạo hoặc một thứ tiếng đã từng có như tiếng Anh, Pháp, Đức hoặc Nga được chọn làm thế giới ngữ trong thế gian hiện nay thì sự phân rẽ vẫn còn tồn tại về phương diện tôn giáo và trong những lãnh vực khác. Tại sao vậy? Bởi vì “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” Sa-tan (I Giăng 5:19). Sa-tan Ma-quỉ là hiện thân của sự ích kỷ tột độ và hắn tham muốn được toàn thể nhân gian thờ phượng, y như vào thời Nim-rốt và tháp Ba-bên. Thật ra, nếu loài người tội lỗi cùng nói một thế giới ngữ thì Sa-tan sẽ có dịp tốt để thiết lập sự thờ phượng Ma-quỉ hợp nhất! Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ cho phép điều đó. Thật vậy, Ngài sẽ ra tay diệt mọi tôn giáo giả bắt nguồn từ Ma-quỉ.
9. Các dân từ mọi nước và chủng tộc hiện đang được đoàn kết như thế nào?
9 Thế nhưng, có một sự kiện lạ lùng là hiện nay có những người tốt từ mọi quốc gia và chủng tộc đang được đoàn kết lại. Điều nầy xảy ra theo ý của Đức Chúa Trời và với mục đích thờ phượng Ngài. Ngày nay, Đức Chúa Trời khiến người ta có thể học và nói thứ ngôn ngữ trong sạch duy nhất trên đất nầy. Thật đó là một ngôn ngữ toàn cầu, một thế giới ngữ. Thật vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang dạy dỗ ngôn ngữ thanh sạch nầy cho nhiều người từ mọi nước trên đất ngày nay. Đó là sự ứng nghiệm của lời hứa tiên tri của Đức Chúa Trời qua trung gian nhà tiên tri và nhân-chứng Sô-phô-ni: “Vì bấy giờ ta sẽ ban môi-miếng [ngôn ngữ] thanh-sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc Ngài” (Sô-phô-ni 3:9). Thế ngôn ngữ thanh sạch nầy là gì?
Định nghĩa ngôn ngữ thanh sạch
10. Ngôn ngữ thanh sạch là gì?
10 Ngôn ngữ thanh sạch là lẽ thật của Đức Chúa Trời nằm trong chính Lời của Ngài là Kinh-thánh. Đặc biệt là lẽ thật về Nước Trời, nước đó sẽ mang lại hòa bình và những ân phước khác cho nhân loại. Ngôn ngữ thanh sạch loại trừ sự sai lầm về đạo giáo và sự thờ phượng giả. Tất cả những ai nói ngôn ngữ đó được đoàn kết trong sự thờ phượng thanh khiết, trong sạch, lành mạnh của Đức Chúa Trời hằng sống và có thật là Đức Giê-hô-va. Ngày nay, khoảng 3.000 ngôn ngữ có tác động giống như bức tường ngăn cản sự cảm thông, và hằng trăm tôn giáo giả khiến loài người bối rối. Thế nên chúng ta thật sự vui sướng biết bao khi Đức Chúa Trời cho các dân chuyển sang để học ngôn ngữ tuyệt diệu và thanh sạch nầy!
11. Ngôn ngữ thanh sạch đã làm gì cho dân của tất cả các nước và chủng tộc?
11 Thật vậy, các dân từ mọi nước và chủng tộc đang nói rất thông thạo ngôn ngữ thanh sạch nầy. Vì là ngôn ngữ thanh sạch duy nhất về mặt thiêng liêng trên đất, nó có sức lực đoàn kết mãnh liệt. Tất cả những ai nói tiếng đó có thể “kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc Ngài” hoặc dịch sát nghĩa “cùng sánh vai hầu việc Ngài”. Như thế, họ hầu việc Đức Chúa Trời “với sự đồng lòng ưng thuận”, “với sự ưng thuận đồng nhất và sánh vai đoàn kết” (theo bản dịch The New English Bible; The Amplified Bible). Bản dịch ông Steven T. Byington đọc rằng: “Bấy giờ ta [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] sẽ khiến môi miếng của mọi dân được trong sạch, để chúng có thể kêu cầu danh Đức Giê-hô-va và hợp tác trong việc phụng sự Ngài”. Các dân nói đủ thứ tiếng khác nhau từ khắp hoàn cầu mà lại đoàn kết phụng sự Đức Chúa Trời như vậy là chỉ có được giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va mà thôi. Trong 212 nước ngày nay, trên bốn triệu người đi tuyên bố tin mừng về Nước Trời trong nhiều ngôn ngữ của loài người. Song các Nhân-chứng đều “đồng một tiếng nói với nhau” và “hiệp một ý, một lòng cùng nhau” (I Cô-rinh-tô 1:10). Điều nầy có thể được là vì, dầu cho ở chỗ nào trên mặt đất, tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va đều nói ngôn ngữ thanh sạch duy nhất, mang lại sự ngợi khen và vinh hiển cho Cha của họ ở trên trời.
Hãy học ngôn ngữ thanh sạch ngay bây giờ!
12, 13. a) Tại sao bạn phải lưu ý đến việc nói ngôn ngữ thanh sạch? b) Tại sao những lời nơi Sô-phô-ni 3:8, 9 thật quan trọng ngày nay?
12 Tại sao bạn phải lưu ý đến việc nói ngôn ngữ thanh sạch? Một lý do là vì sự sống của bạn tùy thuộc bạn có học và nói ngôn ngữ đó hay không. Ngay trước khi Đức Chúa Trời hứa “ban môi-miếng thanh-sạch cho các dân”, Ngài cảnh cáo: “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi khá đợi ta cho đến ngày ta sẽ dấy lên đặng cướp-bắt; vì ta đã định thâu-góp các dân-tộc và nhóm-hiệp các nước, hầu cho ta đổ sự thạnh-nộ và cả sự nóng-giận ta trên chúng nó, vì cả đất sẽ bị nuốt bởi lửa ghen ta” (Sô-phô-ni 3:8).
13 Các lời nầy của Đấng Tối Cao Giê-hô-va được thốt ra lần đầu tiên cách đây 26 thế kỷ trong xứ Giu-đa có thủ đô là Giê-ru-sa-lem. Song lời phán nầy đặc biệt áp dụng cho thời kỳ chúng ta vì Giê-ru-sa-lem xưa tượng trưng cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Và thời kỳ của chúng ta kể từ lúc Nước Đức Chúa Trời được thành lập ở trên trời năm 1914 là ngày Đức Giê-hô-va gom góp các dân và các nước. Qua công việc làm chứng rộng lớn Ngài gom góp tất cả chúng nó lại để Ngài quan sát. Và rồi, điều nầy khiến các nước nổi lên nghịch lại ý định của Ngài. Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đầy nhân từ đã giúp những người từ mọi nước nầy hiệp lại cùng nhau đồng thanh nói ngôn ngữ thanh sạch. Với ngôn ngữ đó, tất cả những người tìm kiếm sự sống trong thế giới mới mà Ngài hứa, họ đồng tâm hầu việc Ngài trước khi tất cả các nước thế gian sẽ bị tiêu tán khi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời bùng nổ tại “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”—thường được gọi là Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 16:14-16; II Phi-e-rơ 3:13). Phước thay những người nói ngôn ngữ thanh sạch và kêu cầu danh của Đức Giê-hô-va với lòng đầy tin cậy với tư cách là những người thờ phượng thật hợp nhất; họ sẽ được Đức Chúa Trời che chở trong cơn hoạn nạn khắp thế gian nầy.
14. Qua trung gian của Sô-phô-ni, Đức Chúa Trời đã cho thấy là muốn sống sót qua sự kết liễu của hệ thống mọi sự nầy ta cần phải hành động tức khắc như thế nào?
14 Qua trung gian nhà tiên tri Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va tỏ rõ là những ai hy vọng sống sót qua sự kết liễu của hệ thống ác hiện tại thì phải hành động tức khắc. Đức Chúa Trời phán nơi Sô-phô-ni 2:1-3: “Hỡi dân chẳng biết xấu-hổ! hãy nhóm-hiệp lại, phải, hãy nhóm-hiệp lại, trước khi mạng-lịnh chưa ra, ngày giờ chưa qua như trấu, trước khi sự nóng-giận của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi, trước khi ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi. Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu-mì của đất, làm theo mạng-lịnh của Chúa, hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, hãy tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”.
15. a) Sự ứng nghiệm đầu tiên của Sô-phô-ni 2:1-3 là gì? b) Ai đã được sống sót khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên Giu-đa, và ngày nay sẽ có một sự sống sót tương tợ như thế nào?
15 Các lời nầy được ứng nghiệm thoạt tiên trên xứ Giu-đa thuở xưa và thành Giê-ru-sa-lem. Dân phạm tội của xứ Giu-đa đã không đáp ứng lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời, vì Ngài đã thi hành sự phán xét trên họ bởi tay của quân Ba-by-lôn vào năm 607 trước tây lịch. Hồi xưa Giu-đa “chẳng biết xấu-hổ” trước mặt Đức Chúa Trời, thì nay cũng vậy, các nước tự xưng theo đấng Christ cũng tỏ thái độ chẳng xấu hổ nầy trước mặt Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, có những người Giu-đa và những người khác vâng theo lời của Đức Chúa Trời và sống sót, trong đó có nhà tiên tri trung tín với Đức Giê-hô-va là Giê-rê-mi. Những người sống sót khác là người Ê-thi-ô-bi tên là Ê-bết-Mê-lết và con cháu của nhà Giô-na-đáp (Giê-rê-mi 35:18, 19; 39:11, 12, 16-18). Ngày nay cũng vậy, một “đám đông” gồm các “chiên khác” của Giê-su được gom góp lại từ các nước và sẽ sống sót qua trận Ha-ma-ghê-đôn để bước vào thế giới mới của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:14-16). Chỉ có những người học và nói ngôn ngữ thanh sạch mới có niềm vui được sống sót.
16. Ai muốn được giấu kín “trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” thì phải làm gì?
16 Cũng như thời xưa Đức Giê-hô-va phán quyết là Giu-đa và Giê-ru-sa-lem phải bị tiêu tán, thì các đạo tự xưng theo đấng Christ cũng sẽ bị hủy diệt. Thật thế, sự hủy diệt của tất cả các tôn giáo giả nay gần kề, và những ai muốn được sống sót phải hành động tức khắc. Họ phải hành động “trước khi ngày giờ chưa qua như trấu”, bị gió thổi bay đi mau chóng, như khi người ta dê lúa trên sân đập lúa. Hầu thoát khỏi cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải nói ngôn ngữ thanh sạch và đáp ứng lại lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời trước khi ngày thạnh nộ nóng bỏng của Đức Giê-hô-va đến trên chúng ta. Trong thời của Sô-phô-ni và ngày nay, những người nhu mì tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cùng với sự công bình, sự nhu mì. Tìm kiếm Đức Giê-hô-va có nghĩa là yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức. (Mác 12:29, 30). “Hoặc-giả các ngươi [mà làm vậy] sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”. Nhưng tại sao lời tiên tri nói rằng “hoặc-giả” (có thể)? Bởi vì sự cứu rỗi tùy thuộc vào sự trung thành và tính bền đỗ (Ma-thi-ơ 24:13). Những ai làm theo các nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời và tiếp tục nói ngôn ngữ thanh sạch thì sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va.
17. Chúng ta cần xem xét những câu hỏi nào nữa?
17 Vì lẽ ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va gần kề và sự cứu rỗi tùy thuộc vào việc học và dùng ngôn ngữ thanh sạch, nên bây giờ chính là lúc ta nên chăm chỉ học và nói ngôn ngữ nầy. Nhưng một người có thể học ngôn ngữ thanh sạch như thế nào? Và bạn sẽ hưởng lợi ích nào khi nói ngôn ngữ đó?
Bạn sẽ trả lời như thế nào?
◻ Ngôn ngữ loài người bắt đầu như thế nào?
◻ Ngôn ngữ thanh sạch là gì?
◻ Tại sao những lời nơi Sô-phô-ni 3:8, 9 có ý nghĩa sâu đậm ngày nay?
◻ Nếu muốn được giấu kín “trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” thì chúng ta phải làm gì?
[Hình nơi trang 10]
At Babel, God scattered mankind by confusing their language