Ngôi nhà vinh quang hơn của Đức Giê-hô-va
“Ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (A-GHÊ 2:7).
1. Thánh linh liên hệ với đức tin và việc làm như thế nào?
KHI đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, một chị Nhân-chứng Giê-hô-va gặp một bà theo đạo Ngũ tuần. Bà này nhận xét rằng: “Chúng tôi có thánh linh, nhưng quí vị là người làm công việc này”. Chị Nhân-chứng đã tế nhị giải thích với bà này rằng người nào có thánh linh sẽ tự nhiên mong muốn làm việc cho Đức Chúa Trời. Gia-cơ 2:17 nói: “Nếu đức-tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết”. Qua sự giúp đỡ của thánh linh Đức Giê-hô-va, các Nhân-chứng của ngài đã vun trồng được đức tin vững chắc, và ngài đã làm cho ‘nhà ngài đầy-dẫy sự vinh-quang’ bằng cách giao cho dân ngài làm việc lành—chủ yếu là ‘rao giảng tin mừng về Nước Trời cho muôn dân’. Khi công việc này hoàn tất theo ý muốn của Đức Giê-hô-va thì “bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14, NW).
2. a) Việc miệt mài phụng sự Đức Giê-hô-va đem lại ân phước nào? b) Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy bất cứ tình hình nào dường như bị “chậm-trễ”?
2 Dựa theo những lời này của Chúa Giê-su, chúng ta kết luận rằng ngày nay chúng ta phải dồn hết nỗ lực vào việc rao giảng “tin mừng vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phúc” mà chúng ta được giao phó (I Ti-mô-thê 1:11, NW). Chúng ta càng vui vẻ miệt mài phụng sự Đức Giê-hô-va bao nhiêu, thì sự cuối cùng càng có vẻ mau đến bấy nhiêu. Nơi Ha-ba-cúc 2:2, 3 chúng ta đọc về lời Đức Giê-hô-va: “Ngươi khá chép lấy sự hiện-thấy, và rõ-rệt nó ra trên bảng, hầu cho người đương chạy đọc được. Vì sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau-cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. Đúng, “sự hiện-thấy” sẽ được ứng nghiệm dù cho có “chậm-trễ”. Vì chúng ta đang sống trong năm thứ 83 của Nước Trời dưới sự cai trị của Chúa Giê-su, một số người có thể cảm thấy rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn chậm trễ. Tuy nhiên chúng ta không lấy làm vui sao vì sự cuối cùng chưa đến? Trong thập niên 1990 này, tựa như một phép lạ, những hạn chế về việc rao giảng tin mừng đã được bãi bỏ tại Đông Âu, vài quốc gia ở Phi Châu, và các xứ khác. Nhờ tình hình có vẻ như bị “chậm-trễ” mà chúng ta có thời gian để thu nhóm thêm nhiều “chiên” từ những khu vực vừa mới mở ra này (Giăng 10:16).
3. Tại sao sự hiểu biết cập nhật của chúng ta về “thế hệ này” nên thúc đẩy chúng ta chăm lo việc của Đức Chúa Trời một cách cấp bách?
3 Nhà tiên tri này nói: ‘Nó sẽ không chậm-trễ’. Chúa Giê-su nói rằng thế hệ gian ác này sẽ không qua đi trước khi “mọi đều kia chưa xảy đến” (Ma-thi-ơ 24:34). Có phải sự hiểu biết cập nhật của chúng ta về lời ngài có nghĩa là công việc rao giảng không còn cấp bách nữa không?a Sự thực cho thấy một trường hợp hoàn toàn trái ngược! Thế hệ đương thời của chúng ta đang lao mình vào tình trạng gian ác và đồi bại chưa từng thấy trong lịch sử. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 2:40). Chúng ta cần phải làm công việc một cách cấp bách (II Ti-mô-thê 4:2). Tất cả những lời tiên tri về thời điểm của cơn đại nạn cho thấy là ngày ấy sẽ đến thình lình, trong chốc lát, một cách lặng lẽ—như kẻ trộm (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-4; Khải-huyền 3:3; 16:15). “Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24:44). Trong khi thế hệ loài người không tin kính này sắp đến chỗ bị tận diệt, chắc chắn chúng ta không nên bỏ đi niềm hy vọng quý báu về sự sống muôn đời mà trở “lại lăn-lóc trong vũng bùn” gồm những trò vui của thế gian! (II Phi-e-rơ 2:22; 3:10; Lu-ca 21:32-36).
4. Vì hoàn cảnh nào mà ngày nay cần có thêm “đồ-ăn đúng giờ”, và nhu cầu này được đáp ứng như thế nào?
4 Đúng như Chúa Giê-su đã tiên tri, vào năm 1914 “sự tai-hại” đã bắt đầu, đưa nhân loại vào thời kỳ “kết liễu của hệ thống mọi sự”. Sự đau buồn, các thảm họa và sự phạm pháp mãi gia tăng cho đến ngày nay (Ma-thi-ơ 24:3-8, NW). Trong cùng lúc này, Đức Giê-hô-va giao phó cho lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan được xức dầu trách nhiệm cung cấp “đồ-ăn” thiêng liêng “đúng giờ” cho người nhà của Chủ họ là đấng Christ (Ma-thi-ơ 24:45-47). Từ ngôi trên trời, Vua Mê-si này đang hướng dẫn một chương trình nuôi dưỡng tuyệt diệu về mặt thiêng liêng trên toàn thế giới.
“Lương-phạn” dư dật
5. Món “lương-phạn” cơ bản có được sự chú ý nào?
5 Hãy xem xét việc chuẩn bị “lương-phạn” (Lu-ca 12:42). Món ăn cơ bản của tín đồ đấng Christ là Lời Đức Chúa Trời, tức là Kinh-thánh. Để dạy Kinh-thánh một cách hữu hiệu, trước nhất chúng ta phải có một bản dịch dễ hiểu và chính xác. Qua nhiều năm, nhu cầu này càng ngày càng được đáp ứng đầy đủ hơn, đặc biệt kể từ năm 1950 khi Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới phần tiếng Hy Lạp được xuất bản bằng Anh ngữ. Đến năm 1961 Bản dịch Thế giới Mới của toàn bộ Kinh-thánh đã được phát hành, và ít lâu sau đó cũng bắt đầu có những ấn bản bằng các ngôn ngữ chính khác. Vào năm công tác 1996 bản dịch này được xuất bản thêm trong 3 thứ tiếng nâng tổng số lên 27 thứ tiếng, trong số này Kinh-thánh toàn bộ được xuất bản trong 14 thứ tiếng. Để dịch Kinh-thánh cũng như các sách giải thích Kinh-thánh, có khoảng 1.174 tín đồ tận tụy của đấng Christ đang làm việc trọn thời gian tại 77 xứ.
6. Hội đáp ứng nhu cầu về sách báo giải thích Kinh-thánh bằng cách nào?
6 Để hỗ trợ việc làm của số người dịch thuật đông đảo này, 24 văn phòng chi nhánh có xưởng in của Hội Tháp Canh đã in càng ngày càng nhiều sách báo. Nhằm mục đích này, Hội tiếp tục lắp ráp thêm những máy in quay cao tốc tại các chi nhánh chính. Số lượng tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! được in ra mỗi tháng có sự gia tăng, đạt đến tổng số là 943.892.500 cuốn cho năm nay, gia tăng 13,4 phần trăm. Tổng số Kinh-thánh và sách bìa cứng được in chỉ riêng tại Hoa Kỳ, Braxin, Phần Lan, Đức, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mêhicô đã gia tăng 40 phần trăm từ năm 1995, lên đến 76.760.098 cuốn trong năm 1996. Những chi nhánh khác cũng góp phần đáng kể vào sự gia tăng của việc sản xuất sách báo nói chung.
7. Ngày nay câu Ê-sai 54:2 có ý nghĩa cấp bách hơn như thế nào?
7 Trong thập niên 1990, phần lớn sự gia tăng này là vì Nhân-chứng Giê-hô-va ở Đông Âu và Phi Châu không còn bị hạn chế nữa. Tại những nơi này người ta thèm khát thức ăn thiêng liêng. Vì thế lời kêu gọi vang ra còn cấp bách hơn: “Hãy mở rộng nơi trại ngươi, giương màn chỗ ngươi ở. Chớ để chật-hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng nọc cho chắc!” (Ê-sai 54:2).
8. Có sự đóng góp rộng rãi nào giúp tài trợ cho công việc nới rộng?
8 Do đó, trong số 104 chi nhánh của Hội, có nhiều cơ sở đã cần phải được nới rộng. Vì tình trạng kinh tế khó khăn tại đa số những khu vực mới được mở ra, phần nhiều những chi phí cho việc nới rộng này được trang trải là nhờ sự đóng góp của các nước giàu có hơn cho công việc trên khắp thế giới. Thật vui thay, nhiều hội thánh và cá nhân đã hết lòng đáp ứng nhu cầu theo tinh thần của Xuất Ê-díp-tô Ký 35:21: “Mọi người có lòng cảm-động, và mọi người có lòng thành, đều đem lễ-vật đến dâng cho Đức Giê-hô-va, để làm công-việc”. Chúng tôi nhân cơ hội này cám ơn tất cả những ai đã có phần trong sự đóng góp rộng rãi này (II Cô-rinh-tô 9:11).
9. Ngày nay Rô-ma 10:13, 18 đang được ứng nghiệm như thế nào?
9 Quả thật, trong năm 1996 sách báo của Hội Tháp Canh đã tôn vinh danh và các ý định của Đức Chúa Trời cho đến tận cùng trái đất. Sự kiện này giống như điều sứ đồ Phao-lô đã báo trước. Ông trích lời tiên tri của Giô-ên và bài Thi-thiên 19 khi ông viết: “Vì ai kêu-cầu danh Chúa [Giê-hô-va, NW] thì sẽ được cứu. Nhưng tôi hỏi: Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, tiếng của các sứ-giả đã vang khắp đất, Và lời của sứ-giả đã đạt đến cùng thế-gian” (Rô-ma 10:13, 18). Dân Đức Giê-hô-va đóng một vai trò đáng kể trong việc làm cho nhà thờ phượng ngài đầy dẫy sự vinh quang bằng cách tôn vinh danh đáng quí trọng Giê-hô-va. Tuy nhiên, lời tuyên bố này đã thành công như thế nào riêng trong năm 1996? Xin xem bảng thống kê nơi trang 18-21.
Gặt hái trên toàn thế giới
10. Bạn nhận thấy có những đặc điểm nổi bật nào về sinh hoạt của dân Đức Giê-hô-va như được tóm lược trong bảng thống kê nơi trang 18đến 21?
10 Lời của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 10:2 chưa bao giờ có nhiều hiệu lực như thời kỳ này: “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình”. Bạn có đang hưởng ứng lời kêu gọi đó không? Hàng triệu người trên thế giới đang hưởng ứng lời này. Điều này được thấy rõ qua số 5.413.769 người công bố Nước Trời báo cáo công việc rao giảng trong năm 1996, một số cao nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, có 366.579 anh chị mới làm báp têm. Chúng ta thật quý trọng làm sao “những sự ao-ước của các nước”, họ là những người đang góp phần vào việc ‘làm cho nhà của Đức Giê-hô-va đầy-dẫy sự vinh-quang’! (A-ghê 2:7).
11. Tại sao tất cả chúng ta có lý do để hết sức vui mừng?
11 Những báo cáo về sự bành trướng tại những khu vực vừa mới mở ra quả là phi thường. Chúng ta có ganh tị với các Nhân-chứng hiện có sự tăng trưởng như thế không? Ngược lại, chúng ta cùng vui với họ. Nước nào cũng có sự khởi đầu nhỏ bé. Nhà tiên tri đồng thời với A-ghê là Xa-cha-ri có viết: “Ai là kẻ khinh-dể ngày của những đều nhỏ-mọn?” (Xa-cha-ri 4:10). Chúng ta hết sức vui mừng là tại những xứ mà việc rao giảng đã được ổn định, nay có hàng triệu người rao giảng về Nước Trời, và các khu vực được rao giảng thường xuyên, ngay cả mỗi tuần tại nhiều thành phố lớn. Liệu chúng ta có lý do để chậm lại trong khi Đức Giê-hô-va đang tạo cơ hội cho người ở những nơi trước đây bị hạn chế để họ được cứu rỗi không? Không bao giờ! Chúa Giê-su nói: “Ruộng, là thế-gian” (Ma-thi-ơ 13:38). Chúng ta phải tiếp tục làm chứng kỹ càng, giống như các môn đồ thời ban đầu đã làm chứng kỹ càng vào lúc hệ thống mọi sự Do Thái bị kết liễu (Công-vụ các Sứ-đồ 2:40; 10:42; 20:24; 28:23).
Cứ luôn tiến tới
12. Chúng ta có sự khích lệ nào để đi “thẳng tới”? (Cũng xin xem khung “Gặt hái ‘từ nơi đầu-cùng đất’ ”).
12 Vâng, chúng ta phải đi cho kịp bước, đi “thẳng tới” cùng với cỗ xe thiên sứ trên trời của Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 1:12). Chúng ta nhớ lời của Phi-e-rơ: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Hãy để cho sự sốt sắng gương mẫu của các anh em tại các nước nghèo khó giục lòng chúng ta. Nhờ trận chiến Ha-ma-ghê-đôn có vẻ như chậm trễ nên có sự thu nhóm cả trăm ngàn người ở những nước này cũng như nhiều người ở những khu vực đã được rao giảng nhiều lần. Chớ lầm lẫn: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp” (Sô-phô-ni 1:14). Chúng ta cũng phải gấp rút làm kỹ càng trong cuộc làm chứng cuối cùng này!
13, 14. a) Chúng ta có thể nói gì về việc phân phát sách báo trong năm 1996? b) Các hội thánh có thể đặc biệt sắp xếp để làm gì mỗi năm, và bạn dự định tham gia như thế nào?
13 Dù bảng báo cáo rao giảng không liệt kê những chi tiết này, nhưng trong năm qua đã có sự gia tăng đáng chú ý về số Kinh-thánh, sách và tạp chí đã được phân phát. Thí dụ, số tạp chí phân phát trên toàn thế giới cho thấy một sự gia tăng 19 phần trăm, tổng cộng là 543.667.923 cuốn đã được phân phát. Các tạp chí của chúng ta là một lợi khí giúp rao giảng theo nhiều cách—ngoài đường phố, tại công viên, trạm xe buýt, tại những nơi thương mại. Báo cáo cho thấy rằng tại một vài khu vực được rao giảng thường xuyên, những người thuộc giới trí thức lấy làm khâm phục phẩm chất của các tạp chí của chúng ta, và họ đã nhận lời mời học hỏi Kinh-thánh.
14 Mỗi năm, trong suốt tháng Tư, các hội thánh thường tổ chức những cuộc rao giảng để phát hành tạp chí đặc biệt, có một đợt cổ động nguyên ngày từ nhà này sang nhà kia và tại các nơi công cộng. Hội thánh của bạn sẽ tham gia vào hoạt động này trong tháng Tư năm 1997 không? Những tờ Tháp Canh và Tỉnh Thức! xuất sắc đã được biên soạn, và việc trình bày cùng một tài liệu cùng một lúc trên toàn thế giới chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh! Tại đảo Sip, các hội thánh đã dùng khẩu hiệu “đem thông điệp Nước Trời đến với mọi người nếu có thể được” và tiến hành công việc này mỗi tháng bằng cách sắp xếp những ngày phát hành tạp chí, và họ phân phát được 275.359 cuốn trong năm, một kỷ lục mới với sự gia tăng 54 phần trăm.
Những thông điệp cuối cùng của A-ghê
15. a) Tại sao Đức Giê-hô-va lại gởi thêm thông điệp qua A-ghê? b) Chúng ta nên học được gì qua thông điệp thứ ba của A-ghê?
15 Sáu mươi ba ngày sau khi A-ghê loan báo thông điệp thứ hai, Đức Giê-hô-va sai ông loan ra một thông điệp thứ ba mà ngày nay chúng ta có thể ghi nhớ. A-ghê nói như thể là những người Do Thái đang đặt móng cho đền thờ, điều mà họ thật sự đã làm 17 năm trước đó. Thêm một lần nữa Đức Giê-hô-va thấy cần phải tẩy sạch dân ngài. Các thầy tế lễ và dân chúng đã chểnh mảng và vì thế họ không thanh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. Có thể nào một số người trong dân Đức Giê-hô-va ngày nay đã chậm lại, thậm chí đi theo đường lối dễ dãi và duy vật của thế gian hay không? Điều khẩn thiết là tất cả chúng ta phải cương quyết “từ nay về sau” (NW) tôn vinh danh Đức Giê-hô-va, vững tin vào lời hứa của ngài: “Từ ngày nầy, ta sẽ ban phước cho các ngươi” (A-ghê 2:10-19; Hê-bơ-rơ 6:11, 12).
16. Biến cố “rúng-động” nào đang gần kề, và kết quả sẽ ra sao?
16 Vào cùng ngày ấy, lời của “Đức Giê-hô-va vạn-quân” đến với A-ghê lần thứ tư và cũng là lần cuối. Ngài cho biết điều gì sẽ xảy ra khi ngài “làm rúng-động các từng trời và đất”. Ngài nói: “Ta sẽ lật-đổ ngôi của các nước, diệt quyền-thế các nước của các dân; ta sẽ đánh đổ các xe-cộ và người ngồi ở trên; các ngựa và người cỡi, ai nấy sẽ bị đánh ngã bởi gươm của anh em mình” (A-ghê 2:6, 21, 22). Như thế, sự “rúng-động” sẽ đạt đến tột đỉnh khi Đức Giê-hô-va hoàn toàn tẩy sạch trái đất tại Ha-ma-ghê-đôn. Lúc đó “những sự ao-ước của các nước” đã đến để trở thành trung tâm xã hội loài người trong thế giới mới. Quả là những lý do chính đáng để vui mừng và để ngợi khen Đức Giê-hô-va! (A-ghê 2:7; Khải-huyền 19:6, 7; 21:1-4).
17. Chúa Giê-su được đặt làm “ấn-tín” như thế nào?
17 Để kết thúc lời tiên tri, A-ghê viết: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Hỡi Xô-rô-ba-bên,... trong ngày đó,... ta sẽ đặt ngươi như ấn-tín; vì ta đã chọn ngươi, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (A-ghê 2:23). Hiện nay Chúa Giê-su là Vua Mê-si và Thầy tế lễ Thượng phẩm được tượng trưng trước của Đức Giê-hô-va, ở trên trời ngài phối hợp hai chức vụ khác nhau mà Quan trấn thủ Xô-rô-ba-bên và Thầy tế lễ cả Giê-hô-sua đã đảm trách nơi thành Giê-ru-sa-lem trên đất. Như một ấn tín chính thức bên tay phải của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã thành “phải”, là công cụ mà Đức Giê-hô-va dùng để thực hiện những “lời hứa của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 1:20; Ê-phê-sô 3:10, 11; Khải-huyền 19:10). Toàn bộ thông điệp có tính cách tiên tri của Kinh-thánh tập trung vào việc Đức Giê-hô-va sắp đặt cho Chúa Giê-su làm Vua và Đấng Chuộc tội kiêm thầy tế lễ (Giăng 18:37; I Phi-e-rơ 1:18, 19).
18. Lời phán cuối cùng của “Đức Giê-hô-va vạn-quân” sẽ được ứng nghiệm một cách tốt lành như thế nào?
18 Thật vậy, ngày nay chúng ta có thể tìm thấy sự vinh quang lớn nhất nơi đền thờ thiêng liêng rực rỡ của Đức Giê-hô-va! Và ít lâu nữa, sau khi Đức Giê-hô-va quét sạch cả hệ thống của Sa-tan, câu A-ghê 2:9 sẽ được ứng nghiệm một cách rộng rãi và thú vị hơn: “Ta sẽ ban sự bình-an trong chốn nầy, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”. Cuối cùng, chúng ta sẽ có được sự bình an!—một sự bình an lâu dài và hoàn vũ do “ấn-tín” của Đức Giê-hô-va bảo đảm, tức là Chúa Giê-su Christ, “Chúa Bình-an” mà Kinh-thánh mô tả: “Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi... Thật, lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy” (Ê-sai 9:5, 6). Cho đến muôn đời, sự vinh quang trong nhà thờ phượng của Đức Giê-hô-va sẽ được phản ảnh trong khắp vương quốc an bình dưới quyền thống trị hoàn vũ của ngài. Mong sao chúng ta luôn luôn ở trong nhà đó! (Thi-thiên 27:4; 65:4; 84:10).
[Chú thích]
a Xin xem bài “Được cứu khỏi ‘thế hệ hung ác’ ” và “Lúc cần phải tỉnh thức” trong Tháp Canh số ra ngày 1-11-1995.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Ngày nay, bằng cách nào ngôi nhà của Đức Giê-hô-va ‘đầy dẫy sự vinh-quang’?
◻ Tại sao chúng ta phải rao giảng về tin mừng một cách cấp bách hơn bao giờ hết?
◻ Bản Báo cáo cho Năm Công tác 1996 khích lệ chúng ta rao giảng cấp bách như thế nào?
◻ Đấng Christ phục vụ như là “ấn-tín” của Đức Giê-hô-va như thế nào?
[Khung nơi trang 15]
Gặt hái “từ nơi đầu-cùng đất”
NƠI Ê-sai 43:6, chúng ta đọc mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va như sau: “Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu-cùng đất”. Ngày nay câu Kinh-thánh này đang được ứng nghiệm một cách phi thường tại Đông Âu. Thí dụ, hãy xem nước Mônđôva theo Cộng sản trước kia. Có những làng có gần đến phân nửa dân cư nay đã trở thành Nhân-chứng. Họ phải đi xa để tìm khu vực rao giảng, tuy thế, họ đang cố gắng! Nhiều người công bố trong các hội thánh này là con cháu của những người bị đày đi đến Siberia vào đầu thập niên 1950. Giờ đây những gia đình của họ đang dẫn đầu trong công việc gặt hái. Trong số 12.565 người công bố, thì có 1.917 người đã làm báp têm trong năm vừa qua. Bốn mươi ba hội thánh trong những hội thánh đó có khoảng 150 người công bố và số những vòng quanh đã gia tăng từ bốn đến tám trong năm công tác mới.
Sự bành trướng ở Anbani cũng là điều đáng chú ý. Một số ít Nhân-chứng ở đó đã chịu đựng chế độ độc tài hết sức tàn ác trong khoảng 50 năm. Một số người trong số này đã bị giết. Điều này khiến chúng ta nhớ lại lời hứa của Chúa Giê-su: “Ngươi chớ ngại đều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma-quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử-thách... Khá giữ trung-tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều-thiên của sự sống” (Khải-huyền 2:10; cũng xem Giăng 5:28, 29; 11:24, 25). Ngày nay chúng ta thấy điều gì ở Anbani? Chúng ta thấy lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 60:22 quả đang ứng nghiệm một cách nổi bật: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn”! Trong năm 1990 chỉ có một người công bố đã báo cáo rao giảng ở Anbani. Tuy nhiên, có thêm những “con gặt” từ Italia và những nước khác đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giê-su: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân..., làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19; Lu-ca 10:2). Đến Lễ Kỷ niệm sự chết của Chúa Giê-su vào năm 1996, thì có đến 773 người công bố tích cực hoạt động trong thánh chức rao giảng, và họ mời 6.523 người đến dự Lễ Kỷ niệm, hơn tám lần số người công bố! Những nơi hẻo lánh đã báo cáo có rất đông người đến dự. Mặc dù không có người công bố địa phương, thành phố Kukës có 192 người và thành phố Divjakë có 230 người đến dự. Thành phố Krujë, chỉ có một người công bố, lại có đến 212 người hiện diện. Ba mươi người công bố ở Korçë đã mướn một nơi cho hơn 300 người. Sau khi phòng họp đã đầy số người đó, 200 người khác phải đi về vì không có đủ chỗ. Quả là một cánh đồng trúng mùa!
Ở Rumani có báo cáo này: “Khi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, chúng tôi gặp một ông nhận là Nhân-chứng Giê-hô-va và sống ở một thị trấn nhỏ, mà theo chúng tôi biết thì không có một Nhân-chứng nào sống ở đó. Ông nói với chúng tôi là ngoài ông ra còn có 15 người khác trong nhiều năm qua đã có những buổi họp vào ngày Thứ Năm và Chủ Nhật, đồng thời họ đã bắt đầu rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Qua ngày hôm sau chúng tôi đi đến thị trấn đó. Có 15 người đàn ông, đàn bà và trẻ con đang đợi chúng tôi trong hai phòng, và họ nhận 20 cuốn sách và 20 tạp chí mới nhất. Chúng tôi chỉ họ cách hướng dẫn học hỏi Kinh-thánh. Chúng tôi cùng hát và trả lời những câu hỏi quan trọng của họ. Người điều khiển nhóm đó nhìn nhận: ‘Vài ngày trước đây, tôi đã cầu nguyện và nước mắt tuôn ra xin Đức Giê-hô-va phái người chăn đến với chúng tôi, và lời cầu nguyện của tôi đã được nhậm’. Chúng tôi hết sức vui mừng, và khi chúng tôi ra về, giống như một đứa trẻ mồ côi cuối cùng tìm được người cha, ông nói: ‘Xin đừng quên chúng tôi. Các anh nhớ trở lại thăm chúng tôi nhé!’ Chúng tôi đã làm thế, và giờ đây chúng tôi hướng dẫn bảy học hỏi Kinh-thánh tại thị trấn đó. Tại nhiều khu vực mới, các sách báo dựa trên Kinh-thánh giúp khởi đầu công việc rao giảng một cách tuyệt diệu, và nhiều người rất quí sách báo, và điều ấy cho thấy công việc bắt nguồn từ Đức Chúa Trời”.
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 18-21]
BÁO CÁO RAO GIẢNG TRÊN KHẮP THẾ GIỚI CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA NĂM 1996
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm.)
[Các hình nơi trang 16, 17]
“Những sự ao-ước của các nước” đang được thu nhóm tại các hải đảo (1), Nam Mỹ (2), Phi Châu (3), Á Châu (4), Bắc Mỹ (5), và Âu Châu (6)