Sự thờ phượng thật gần đến hồi chiến thắng
“Đức Giê-hô-va sẽ làm vua khắp đất” (XA-CHA-RI 14:9).
1. Trong Thế Chiến I, tín đồ đấng Christ được xức dầu đã trải qua kinh nghiệm nào, và điều này đã được tiên tri thế nào?
TRONG thế chiến thứ nhất, các tín đồ được xức dầu của đấng Christ đã bị nhiều gian truân và tù đày dưới tay các nước giao chiến. Họ chỉ dâng của-lễ ngợi khen cho Đức Giê-hô-va một cách rất hạn chế, và họ rơi vào tình trạng giam cầm về thiêng liêng. Tất cả những điều này đã được tiên tri nơi Xa-cha-ri 14:2, miêu tả nhiều nước hợp lại tấn công Giê-ru-sa-lem. Cái thành trong lời tiên tri này là “Giê-ru-sa-lem trên trời”, Nước Đức Chúa Trời ở trên trời và địa điểm của “ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con” (Hê-bơ-rơ 12:22, 28; 13:14; Khải-huyền 22:3). Những người trên đất được Đức Chúa Trời xức dầu đại diện cho thành ấy. Những người trung thành trong số những người này đã sống sót qua cuộc tấn công đó, không chịu bị lưu đày “khỏi thành”.a
2, 3. a) Sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va đang chiến thắng thế nào kể từ năm 1919? b) Kể từ năm 1935, có diễn biến nào?
2 Năm 1919 những người xức dầu trung thành thoát khỏi tình trạng bị giam cầm và họ đã ngay lập tức lợi dụng thời kỳ hòa bình theo sau thời chiến. Với tư cách đại sứ của Giê-ru-sa-lem trên trời, họ nắm lấy cơ hội lớn để rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời và giúp thâu nhóm những thành viên sau cùng của nhóm 144.000 người (Ma-thi-ơ 24:14; II Cô-rinh-tô 5:20). Năm 1931 họ đón nhận danh hiệu thích hợp dựa theo Kinh-thánh là Nhân-chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10, 12).
3 Kể từ lúc đó, các Nhân-chứng được xức dầu của Đức Chúa Trời đã không ngớt tiến tới. Ngay cả Hitler với guồng máy chiến tranh của Quốc xã cũng không thể ngăn cản họ. Bất kể sự bắt bớ trên khắp thế giới, công việc của họ đem lại thành quả trên hoàn cầu. Đặc biệt từ năm 1935, họ có thêm sự hợp tác của đám đông “vô-số người” trên quốc tế mà sách Khải-huyền đã tiên tri. Đây cũng là các tín đồ đấng Christ đã dâng mình và làm báp têm và đã “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”, tức Giê-su Christ (Khải-huyền 7:9, 14). Tuy nhiên, họ không được xức dầu với hy vọng sống trên trời. Hy vọng của họ là thừa hưởng những gì mà A-đam và Ê-va đã mất, tức sự sống làm người hoàn toàn trong một địa đàng trên đất (Thi-thiên 37:29; Ma-thi-ơ 25:34). Ngày nay, đám đông có hơn năm triệu người. Sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va đang chiến thắng, nhưng thắng lợi sau cùng thì chưa đến.
Dân ngoại trong đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời
4, 5. a) Đám đông thờ phượng Đức Giê-hô-va ở đâu? b) Họ hưởng được các đặc ân nào, và điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri nào?
4 Như được tiên tri, đám đông đang “ngày đêm hầu việc [Đức Chúa Trời] trong đền Ngài” (Khải-huyền 7:15). Bởi vì họ không phải là người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng thuộc ban thầy tế lễ, Giăng rất có thể đã thấy họ đứng tại đền thờ, trong hành lang phía ngoài dành cho dân ngoại (I Phi-e-rơ 2:5). Đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va đã trở nên vinh hiển làm sao, có đầy dẫy hội chúng đông đảo cùng với những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại, hết thảy đều ngợi khen ngài!
5 Đám đông phụng sự Đức Chúa Trời nhưng không ở cùng vị thế như được tượng trưng bởi hành lang ở phía trong dành cho các thầy tế lễ. Họ không được xưng công bình nhằm mục đích được Đức Chúa Trời nhận làm con thiêng liêng (Rô-ma 8:1, 15). Tuy nhiên, nhờ thực hành đức tin nơi giá chuộc của Giê-su nên họ có một vị thế trong sạch trước mặt Đức Giê-hô-va. Họ được xưng công bình để là những người bạn của ngài. (So sánh Gia-cơ 2:21, 23). Họ cũng có đặc ân dâng của-lễ xứng đáng trên bàn thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Bởi vậy, lời tiên tri ghi nơi Ê-sai 56:6, 7 đang được ứng nghiệm một cách vinh hiển nơi đám đông những người này: “Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu-việc Ngài, đặng yêu-mến danh Đức Giê-hô-va,... Ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui-mừng trong nhà cầu-nguyện ta. Của-lễ thiêu và hi-sinh họ dâng trên bàn-thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện cho mọi dân-tộc”.
6. a) Những người dân ngoại dâng những của-lễ hy sinh nào? b) Thùng nước trong hành lang các thầy tế lễ nhắc họ về điều gì?
6 Trong số các của-lễ mà những người dân ngoại này dâng lên có “bông-trái của môi-miếng [giống như các của-lễ chay bằng bột mì được xay nhuyễn] xưng danh [Đức Chúa Trời] ra” và “việc lành và lòng bố-thí” (Hê-bơ-rơ 13:15, 16). Cái thùng nước lớn mà các thầy tế lễ dùng để rửa tay chân cũng là một sự nhắc nhở quan trọng đối với những người dân ngoại này. Họ cũng phải chịu rửa sạch về mặt thiêng liêng và đạo đức trong khi Lời Đức Chúa Trời dần dần được tỏ ra rõ hơn cho họ.
Nơi Thánh với các đồ dùng
7. a) Đám đông xem các đặc ân của ban thầy tế lễ thánh như thế nào? b) Một số dân ngoại đã nhận được thêm những đặc ân nào khác?
7 Nơi Thánh và những đồ dùng ở đó có ý nghĩa nào đối với đám đông gồm những người dân ngoại không? Thật ra thì họ sẽ không bao giờ ở trong tình trạng tượng trưng bởi Nơi Thánh. Họ không được sanh lại để làm con thiêng liêng của Đức Chúa Trời để làm công dân ở trên trời. Điều này có làm họ cảm thấy ganh tị hoặc thèm thuồng không? Không. Thay vì thế, họ vui mừng trong đặc ân ủng hộ những người còn sót lại trong số 144.000 người, và họ biểu lộ lòng quí trọng sâu xa đối với ý định của Đức Chúa Trời là nhận những người kia làm con thiêng liêng của ngài, những người sẽ cùng đấng Christ nâng nhân loại lên tình trạng hoàn toàn. Ngoài ra, đám đông những người dân ngoại quí chuộng ân điển cao cả của Đức Chúa Trời đã ban cho họ hy vọng sống đời đời trong Địa đàng. Một số người giữa đám đông, giống như người Nê-thi-nim thời xưa, nay đã được giao cho đặc ân giám thị phụ tá cho ban thầy tế lễ thánhb (Ê-sai 61:5). Một số người này được Giê-su bổ nhiệm “làm quan-trưởng trong khắp thế-gian” (Thi-thiên 45:16).
8, 9. Đám đông được lợi ích gì khi xem xét các đồ dùng trong Nơi Thánh?
8 Dù họ không bao giờ vào trong Nơi Thánh tượng trưng, đám đông những người dân ngoại học được những bài học quí giá nơi các đồ dùng của Nơi Thánh. Cũng như chân đèn cần được thường xuyên châm dầu vào, những người dân ngoại cần có thánh linh giúp đỡ để nắm vững các lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời qua lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Hơn nữa, thánh linh Đức Chúa Trời giúp họ hưởng ứng lời mời này: “Thánh-Linh và vợ mới [những người xức dầu còn sót lại] cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng-không” (Khải-huyền 22:17). Vậy chân đèn là một sự nhắc nhở cho đám đông rằng họ có bổn phận phải chiếu sáng với tư cách tín đồ đấng Christ và tránh bất cứ thái độ, tư tưởng, lời nói hoặc hành động nào có thể làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:30).
9 Bàn bày bánh trần thiết nhắc đám đông nhớ rằng muốn được khỏe mạnh về thiêng liêng, họ phải đều đặn dùng đồ ăn thiêng liêng trong Kinh-thánh và các ấn phẩm của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 4:4). Bàn thờ dâng hương nhắc họ nhớ đến tầm quan trọng của việc khẩn thiết cầu nguyện Đức Giê-hô-va để xin ngài giúp họ giữ sự trung thành (Lu-ca 21:36). Trong khi cầu nguyện họ nên nhiệt thành ngợi khen và tạ ơn ngài (Thi-thiên 106:1). Bàn thờ dâng hương cũng nhắc họ nhớ là họ cần phải ca ngợi Đức Chúa Trời bằng những cách khác, như qua việc hết lòng ca những bài hát Nước Trời tại các buổi họp của đạo đấng Christ và bằng cách sửa soạn kỹ để được hữu hiệu trong việc dùng “miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi” (Rô-ma 10:10).
Sự thờ phượng thật toàn thắng
10. a) Chúng ta có thể có triển vọng huy hoàng nào? b) Phải có diễn biến nào xảy ra trước hết?
10 Ngày nay “nhiều dân-tộc” từ mọi nước đang đổ xô đến nhà thờ phượng của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 2:2, 3). Xác nhận điều này, Khải-huyền 15:4 nói: “Lạy Chúa, ai là kẻ không kính-sợ và không ngợi-khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh, mọi dân-tộc sẽ đến thờ-lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán-xét Ngài đã được tỏ ra”. Xa-cha-ri đoạn 14 miêu tả những gì xảy ra sau đó. Trong tương lai gần đây, thái độ xấu xa của phần đông người ta trên đất sẽ đạt đến tột điểm khi họ họp lại với nhau lần chót để gây chiến chống lại Giê-ru-sa-lem—những người đại diện trên đất của Giê-ru-sa-lem trên trời. Lúc ấy Đức Giê-hô-va sẽ ra tay hành động. Với tư cách một Chiến sĩ, Đức Chúa Trời “sẽ ra đánh cùng các nước đó” vì dám cả gan tấn công dân ngài (Xa-cha-ri 14:2, 3).
11, 12. a) Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào khi các nước tấn công những người thờ phượng trong đền thờ ngài? b) Chiến tranh của Đức Chúa Trời sẽ đem lại thành quả nào?
11 “Vả, nầy là tai-vạ mà Đức Giê-hô-va dùng để phạt mọi dân tranh-chiến cùng Giê-ru-sa-lem: Ngài sẽ làm cho ai nấy khi chơn đương đứng thì thịt mục-nát ra, mắt mục trong vành nó, lưỡi mục nát trong miệng nó. Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ gieo sự rối-loạn lớn trong chúng nó; vì ai nấy sẽ nắm tay kẻ lân-cận mình, và tay người nầy sẽ giá lên nghịch cùng tay người kia” (Xa-cha-ri 14:12, 13).
12 Dù tai vạ này được hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, chúng ta sẽ phải chờ xem. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là đang khi kẻ thù của Đức Chúa Trời tiến lên tấn công tôi tớ Đức Giê-hô-va trên khắp đất, Đức Chúa Trời sẽ dùng quyền toàn năng của ngài một cách đáng sợ để cản đường chúng. Miệng chúng sẽ câm lặng. Như thể là lưỡi thách thức của chúng bị mục nát ra. Mục tiêu thống nhất của chúng sẽ lu mờ đi, tựa hồ như là mắt chúng rơi ra khỏi tròng. Sức mạnh của chúng trước kia khiến chúng dám cả gan tấn công nay sẽ suy tàn đi. Trong sự hỗn độn, chúng sẽ chém giết lẫn nhau dữ dội. Như vậy tất cả các kẻ chống lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ bị dẹp tan. Cuối cùng, tất cả các nước sẽ bắt buộc phải nhìn nhận quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm: “Đức Giê-hô-va sẽ làm vua khắp đất” (Xa-cha-ri 14:9). Sau đó, Sa-tan và các quỉ sứ hắn sẽ bị xiềng lại trong khi Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ bắt đầu và khởi sự ban phước cho nhân loại một cách dồi dào (Khải-huyền 20:1, 2; 21:3, 4).
Sự sống lại trên đất
13. Ai là những người “còn sót lại trong mọi nước”?
13 Lời tiên tri của Xa-cha-ri 14:16 tiếp tục nơi đoạn 14, câu 16: “Xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giê-ru-sa-lem, sẽ lên đó hàng năm đặng thờ-lạy trước mặt Vua, là Đức Giê-hô-va vạn-quân, và giữ lễ lều-tạm”. Theo Kinh-thánh, tất cả những người còn sống ngày nay và sống cho đến khi hệ thống gian ác này bị kết liễu và bị xét xử là kẻ thù của sự thờ phượng thật thì sẽ chịu “hình-phạt hư-mất đời đời”. (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-9; cũng xem Ma-thi-ơ 25:31-33, 46). Họ sẽ không được sống lại. Vậy, rất có thể là những người “còn sót lại” bao gồm những người thuộc các nước mà chết trước trận chiến sau cùng của Đức Chúa Trời, là những người có hy vọng sống lại dựa theo Kinh-thánh. Giê-su hứa: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét-đoán” (Giăng 5:28, 29).
14. a) Những người được sống lại phải làm gì để có được sự sống đời đời? b) Điều gì sẽ xảy ra cho người nào từ chối dâng mình cho Đức Giê-hô-va và thực hành sự thờ phượng thật?
14 Tất cả những người này phải làm một điều gì đó hầu cho sự sống lại của họ trở thành sự sống lại để được sống chứ không phải để bị xét đoán. Họ phải đến trong hành lang trên đất của đền thờ Đức Giê-hô-va và quì xuống biểu hiệu sự dâng mình cho Đức Chúa Trời qua Giê-su Christ. Những người nào sống lại mà từ chối làm điều này thì sẽ chịu cùng tai vạ giáng xuống các nước ngày nay (Xa-cha-ri 14:18). Ai mà biết được có bao nhiêu người sống lại sẽ vui lòng gia nhập hàng ngũ đám đông cử hành Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng? Chắc chắn sẽ có nhiều người, và kết quả là đền thờ thiêng liêng lớn của Đức Giê-hô-va sẽ đầy sự vinh quang hơn nữa!
Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng
15. a) Một số khía cạnh đặc sắc của Lễ Lều tạm của dân Y-sơ-ra-ên thời xưa là gì? b) Tại sao người ta lại dâng 70 con bò đực khi hành lễ?
15 Mỗi năm, nước Y-sơ-ra-ên xưa được lệnh phải cử hành Lễ Lều tạm. Lễ ấy kéo dài một tuần và diễn ra vào cuối mùa gặt. Đó là một thời kỳ tạ ơn đầy vui mừng. Trong vòng một tuần lễ, họ đã phải sống trong các lều tạm được lợp bằng lá cây, đặc biệt là nhánh các cây chà là. Lễ này nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại cách Đức Chúa Trời đã giải cứu tổ phụ họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô và đã chăm sóc họ trong thời kỳ họ ở lều khi đi trong đồng vắng trong 40 năm cho đến khi tới Đất Hứa (Lê-vi Ký 23:39-43). Khi Lễ Lều tạm diễn ra, người ta dâng 70 con bò đực làm sinh tế trên bàn thờ của đền thờ. Hiển nhiên, khía cạnh này của Lễ Lều tạm là hình ảnh tiên tri cho công việc cứu rỗi hoàn toàn và trọn vẹn do Giê-su Christ thực hiện. Vô số con cháu của 70 gia đình nhân loại qua gia tộc của Nô-ê cuối cùng sẽ hưởng lợi ích nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su (Sáng-thế Ký 10:1-29; Dân-số Ký 29:12-34; Ma-thi-ơ 20:28).
16, 17. a) Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng đã bắt đầu khi nào, và diễn ra thế nào? b) Đám đông tham gia vào việc cử hành lễ này như thế nào?
16 Vậy Lễ Lều tạm thời xưa chỉ về công việc vui mừng thâu nhóm lại những người có tội đã được chuộc để họ được vào trong đền thờ thiêng liêng lớn của Đức Giê-hô-va. Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng đã khởi sự vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên khi những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được vui mừng thâu nhóm vào trong hội thánh đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41, 46, 47). Những người được xức dầu này hiểu rằng họ là “người ở trọ” trong thế gian của Sa-tan bởi vì thật ra họ là “công-dân trên trời” (I Phi-e-rơ 2:11; Phi-líp 3:20). Lễ vui mừng này đã tạm thời bị lu mờ bởi sự bội đạo đưa đến việc thành lập các giáo hội tự xưng theo đấng Christ (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3). Tuy nhiên, Lễ này được cử hành trở lại vào năm 1919 với việc vui mừng thâu nhóm các thành viên còn sót lại trong số 144.000 người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, và sau đó là việc thâu nhóm đám đông trên quốc tế nói đến nơi Khải-huyền 7:9.
17 Đám đông này được miêu tả đang cầm nhánh cây chà là, điều này cho thấy họ cũng vui mừng cử hành Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng. Với tư cách là tín đồ đấng Christ đã dâng mình, họ vui mừng tham gia vào công việc thâu nhóm nhiều người thờ phượng hơn nữa vào trong đền thờ Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, với tư cách người có tội, họ hiểu rằng họ không tự nhiên có quyền sống vĩnh viễn trên đất. Cùng với những người được sống lại trong tương lai, họ phải tiếp tục thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của đấng Christ cho đến khi họ trở thành người hoàn toàn vào cuối Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ (Khải-huyền 20:5).
18. a) Điều gì sẽ xảy ra vào cuối Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ? b) Sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va cuối cùng sẽ chiến thắng như thế nào?
18 Khi đó, những người thờ phượng Đức Chúa Trời trên đất sẽ là những người hoàn toàn đứng trước mặt ngài mà không cần phải có một ban thầy tế lễ ở trên trời. Khi đó Giê-su Christ sẽ “giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha” (I Cô-rinh-tô 15:24). Sa-tan sẽ được thả ra “trong ít lâu” để thử thách nhân loại hoàn toàn. Những kẻ nào bất trung sẽ bị hủy diệt đời đời, cùng với Sa-tan và các quỉ của hắn. Những người trung thành còn lại sẽ được thưởng cho sự sống đời đời. Họ sẽ trở thành dân cư vĩnh viễn của Địa đàng trên đất. Rồi thì Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng sẽ chấm dứt một cách vinh hiển, mỹ mãn. Sự thờ phượng thật sẽ toàn thắng, đem lại vinh hiển muôn đời cho Đức Giê-hô-va và hạnh phúc đời đời cho nhân loại (Khải-huyền 20:3, 7-10, 14, 15).
[Chú thích]
a Muốn đọc lời bình luận từng câu một của sách Xa-cha-ri đoạn 14, xin xem sách Paradise Restored to Mankind—By Theocracy!, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản năm 1972, chương 21 và 22.
b Để có thêm chi tiết về lớp người Nê-thi-nim thời nay, xem Tháp Canh, ngày 1-1-1993, trang 16.
Câu hỏi ôn lại
◻ “Giê-ru-sa-lem” bị tấn công như thế nào trong thế chiến thứ nhất? (Xa-cha-ri 14:2).
◻ Điều gì đã xảy ra cho dân Đức Chúa Trời kể từ năm 1919?
◻ Ngày nay ai tham gia vào việc cử hành Lễ Lều tạm theo nghĩa bóng?
◻ Sự thờ phượng thật sẽ toàn thắng như thế nào?
[Hình nơi trang 23]
Những nhánh cây chà là được dùng trong Lễ Lều tạm