“Ưa sự chơn-thật và bình-an”!
“Đoạn, có lời của Đức Giê-hô-va vạn-quân phán cùng ta, mà rằng: ... Hãy ưa sự chơn-thật và bình-an” (XA-CHA-RI 8:18, 19).
1, 2. a) Lịch sử loài người cho thấy gì về hòa bình? b) Tại sao thế giới hiện tại sẽ không bao giờ thấy hòa bình thật sự?
“THẾ GIỚI chưa hề có hòa bình. Luôn luôn có chiến tranh tại một nơi nào đó, và thường thì tại nhiều nơi cùng một lúc”. Đó là lời của giáo sư Milton Mayer thuộc Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ. Thật là một lời miêu tả đáng buồn làm sao về nhân loại! Thật vậy, loài người mong muốn có hòa bình. Những nhà chính trị đã thử đủ mọi cách để duy trì hòa bình, từ nền hòa bình Pax Romana trong thời La Mã cho đến chính sách “Hủy diệt lẫn nhau chắc chắn” trong thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng rốt cuộc, mọi cố gắng của họ đều bị thất bại. Cũng như Ê-sai phát biểu hàng bao thế kỷ trước đây, “các sứ-giả cầu hòa khóc-lóc đắng-cay” (Ê-sai 33:7). Tại sao vậy?
2 Đó là vì một nền hòa bình trường cửu phải nẩy sinh từ một bối cảnh không hận thù và không tham ô; nó phải dựa trên lẽ thật làm nền tảng. Hòa bình không thể dựa trên những lời nói dối. Chính vì vậy mà khi Đức Giê-hô-va hứa một sự phục hưng và bình an cho Y-sơ-ra-ên xưa, ngài nói: “Nầy, ta sẽ làm cho sự bình-an chảy đến nó như một con sông, và sự vinh-hiển của các dân như nước vỡ bờ” (Ê-sai 66:12). Chúa của hệ thống mọi sự này, Sa-tan Ma-quỉ, là “kẻ giết người”, kẻ ám sát và “kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44; II Cô-rinh-tô 4:4). Làm sao một thế giới có một chúa như thế lại có thể có hòa bình được?
3. Đức Giê-hô-va ban cho loài người một món quà đáng kể nào dù cho họ đang sống trong một thế giới hỗn loạn?
3 Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài sự bình an ngay khi họ còn đang sống trong một thế giới bị chiến tranh tàn phá và do Sa-tan cầm đầu (Giăng 17:16). Trong thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, ngài thực hiện lời hứa qua Giê-rê-mi. Khi đem dân đặc biệt của ngài về quê hương, ngài ban cho họ “bình-an và sự chơn-thật” (Giê-rê-mi 33:6). Và vào những ngày sau rốt này, ngài cũng đã ban “bình-an và sự chơn-thật” cho dân ngài trong “nước” của họ, tức tình trạng thiêng liêng trên đất, dù cho họ phải sống qua những thời kỳ khó khăn nhất mà thế gian này đã từng chứng kiến (Ê-sai 66:8; Ma-thi-ơ 24:7-13; Khải-huyền 6:1-8). Khi tiếp tục thảo luận sách Xa-cha-ri đoạn 8, chúng ta sẽ quí mến sâu xa hơn sự bình an và chơn thật do Đức Chúa Trời ban cho và chúng ta sẽ biết mình phải làm gì để tiếp tục có phần trong đó.
“Khá làm tay mình nên mạnh”
4. Xa-cha-ri khuyên dân Y-sơ-ra-ên phải hành động như thế nào để được bình an?
4 Đây là lần thứ sáu trong đoạn 8 của sách Xa-cha-ri mà chúng ta nghe lời tuyên bố đầy cảm động của Đức Giê-hô-va: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Các ngươi là kẻ, đương những ngày nầy, nghe các lời ấy từ miệng các tiên-tri trong ngày mà nhà Đức Giê-hô-va vạn-quân, tức là đền-thờ, đã được lập nền để xây lên, thì các ngươi khá làm tay mình nên mạnh. Vì chưng trước những ngày đó chẳng có tiền-công cho người ta, cũng chẳng có tiền-công cho thú-vật; và vì cớ kẻ cừu-địch, thì chẳng có sự bình-an cho kẻ ra người vào; vì ta đã khiến mọi người ai nấy nghịch cùng kẻ lân-cận mình” (Xa-cha-ri 8:9, 10).
5, 6. a) Vì dân Y-sơ-ra-ên chán nản, nên nước Y-sơ-ra-ên phải ở trong tình cảnh nào? b) Đức Giê-hô-va hứa với nước Y-sơ-ra-ên sự thay đổi gì nếu nước này đặt sự thờ phượng ngài lên hàng đầu?
5 Xa-cha-ri nói lên những lời này khi đền thờ đang được xây dựng lại tại Giê-ru-sa-lem. Trước đó, những người Y-sơ-ra-ên trở về từ Ba-by-lôn đã chán nản và ngưng công việc xây cất đền thờ. Vì họ đổi ý, chỉ chú ý đến sự an nhàn cho chính mình, nên họ đã không có ơn phước và sự bình an từ Đức Chúa Trời. Mặc dù họ canh tác đất đai và trông nom vườn nho của mình, họ cũng không được phồn thịnh (A-ghê 1:3-6). Đó như thể họ đang làm việc mà “chẳng có tiền-công”.
6 Giờ đây, đền thờ đã được tái thiết, Xa-cha-ri khuyến khích người Do Thái hãy “nên mạnh”, can đảm đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ làm vậy? “Bây giờ ta sẽ không đãi những kẻ sót lại của dân nầy như trước, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy. Vì ở đó sẽ có hột giống bình-an; cây nho sẽ sanh trái, và đất sẽ sanh hoa-lợi, các từng trời sẽ sa móc xuống, ta sẽ làm cho những kẻ sót lại của dân nầy được hưởng mọi sự đó. Hỡi nhà Giu-đa và nhà Y-sơ-ra-ên! sẽ xảy ra như các ngươi đã làm sự rủa-sả trong các nước thể nào, thì ta sẽ cứu các ngươi, và các ngươi sẽ làm sự chúc-phước thể ấy. Các ngươi chớ sợ-hãi, song hãy làm cho tay mình nên mạnh!” (Xa-cha-ri 8:11-13). Nếu dân Y-sơ-ra-ên quyết tâm hành động, thì họ sẽ phồn thịnh. Trước kia, khi các nước muốn viện dẫn một thí dụ về sự rủa sả, họ có thể kể đến nước Y-sơ-ra-ên. Giờ đây, nước Y-sơ-ra-ên làm một gương về sự chúc phước. Thật là một lý do tuyệt vời để làm ‘tay họ nên mạnh’!
7. a) Vào cuối năm công tác 1995 dân Đức Giê-hô-va chứng kiến những biến đổi khích lệ nào? b) Nhìn vào bản báo cáo thường niên, bạn thấy những nước nào có số người công bố, người tiên phong và số giờ công tác trung bình đáng kể?
7 Ngày nay thì sao? Trước năm 1919, dân Đức Giê-hô-va có phần nào không sốt sắng lắm. Họ đã không hoàn toàn giữ trung lập trong Thế chiến I, và họ có khuynh hướng nghe theo người ta hơn là nghe theo Vua của họ là Giê-su Christ. Hậu quả là một số bị nản chí bởi sự chống đối đến từ bên trong và bên ngoài tổ chức. Thế rồi, đến năm 1919, nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, họ để cho tay của họ nên mạnh (Xa-cha-ri 4:6). Đức Giê-hô-va ban cho họ sự bình an, và họ phồn thịnh lên thật nhiều. Điều này có thể thấy được qua thành quả của họ trong 75 năm vừa qua, tính đến năm công tác 1995. Với tư cách là một dân tộc, Nhân-chứng Giê-hô-va dứt khoát không tham gia vào chủ nghĩa ái quốc dân tộc, chủ nghĩa bộ lạc, họ tránh có định kiến và tất cả những yếu tố khác dẫn đến hận thù (I Giăng 3:14-18). Họ phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng sốt sắng chân thành trong đền thờ thiêng liêng của ngài (Hê-bơ-rơ 13:15; Khải-huyền 7:15). Chỉ trong năm vừa qua, họ đã bỏ ra hơn một tỷ giờ để nói chuyện với người khác về Cha trên trời của họ! Mỗi tháng, họ điều khiển 4.865.060 học hỏi Kinh-thánh. Trung bình có 663.521 người tham gia vào công tác làm người tiên phong mỗi tháng. Khi các mục sư thuộc các đạo tự xưng theo đấng Christ muốn cho thí dụ về một dân tộc thật sự hăng say trong sự thờ phượng, đôi khi họ nói đến Nhân-chứng Giê-hô-va.
8. Mỗi cá nhân tín đồ đấng Christ có thể được lợi ích như thế nào từ “hột giống bình-an”?
8 Đức Giê-hô-va cho dân ngài “hột giống bình-an” vì họ có lòng hăng say. Ai vun xới hạt giống đó sẽ nhận được bình an trong lòng và trong đời sống của mình. Bất cứ tín đồ nào của đấng Christ theo đuổi sự hòa thuận với Đức Giê-hô-va và với tín đồ khác đều có phần trong sự chơn thật và bình an của dân tộc mang danh Đức Giê-hô-va. (I Phi-e-rơ 3:11; so sánh Gia-cơ 3:18). Thật là tuyệt vời, phải không?
“Chớ sợ chi”
9. Đức Giê-hô-va hứa làm sự thay đổi nào trong cách cư xử với dân ngài?
9 Giờ đây chúng ta đọc lời tuyên bố thứ bảy từ Đức Giê-hô-va. Lời gì vậy? “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Như ta đã toan giáng tai-vạ cho các ngươi, khi tổ-phụ các ngươi chọc giận ta, và ta không ăn-năn Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy, thì ngày nay cũng vậy, ta lại đã toan làm ơn cho Giê-ru-sa-lem và cho nhà Giu-đa: các ngươi chớ sợ chi” (Xa-cha-ri 8:14, 15).
10. Thành tích nào của Nhân-chứng Giê-hô-va cho thấy rằng họ không hề sợ hãi?
10 Mặc dầu dân của Đức Giê-hô-va bị tản mác về mặt thiêng liêng trong Thế chiến I, nhưng trong thâm tâm, họ muốn làm điều ngay. Vì thế, sau khi thi hành biện pháp kỷ luật, Đức Giê-hô-va đã đổi cách xử sự với dân ngài (Ma-la-chi 3:2-4). Ngày nay, khi nhìn lại, chúng ta tha thiết tạ ơn ngài về những gì ngài đã làm. Thật vậy, chúng ta bị “mọi dân ghen-ghét” (Ma-thi-ơ 24:9). Nhiều người đã bị nhốt tù, và một số còn bị vong thân vì đức tin của họ. Chúng ta thường gặp phải sự lãnh đạm hay sự chống đối. Nhưng chúng ta không sợ. Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va mạnh hơn bất cứ sự chống đối nào, dù hữu hình hay vô hình (Ê-sai 40:15; Ê-phê-sô 6:10-13). Chúng ta sẽ không ngừng chú ý đến lời: “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí!” (Thi-thiên 27:14).
“Khá lấy điều thật nói cùng kẻ lân-cận mình”
11, 12. Mỗi cá nhân chúng ta phải ghi nhớ điều gì nếu chúng ta muốn có phần đầy đủ trong ơn phước mà Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài?
11 Để được chia sẻ đầy đủ trong ơn phước của Đức Giê-hô-va, có những điều chúng ta nên ghi nhớ. Xa-cha-ri nói: “Nầy là những sự các ngươi phải làm: Ai nấy khá lấy đều thật nói cùng kẻ lân-cận mình; hãy làm sự chơn-thật và sự phán-xét bình-an trong cửa thành các ngươi. Chớ toan sự dữ trong lòng nghịch cùng kẻ lân-cận; và chớ ưa sự thề dối, vì ấy đó là những đều mà ta ghét, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Xa-cha-ri 8:16, 17).
12 Đức Giê-hô-va giục chúng ta phải nói sự thật (Ê-phê-sô 4:15, 25). Ngài không nghe lời cầu nguyện của những ai mưu chuyện có hại, che đậy sự thật vì lợi riêng, hoặc thề gian (Châm-ngôn 28:9). Vì ngài ghét sự bội đạo, ngài muốn chúng ta bám chặt lấy lẽ thật của Kinh-thánh (Thi-thiên 25:5; II Giăng 9-11). Hơn nữa, giống như những trưởng lão tại cổng thành ở xứ Y-sơ-ra-ên, khi xét xử, các trưởng lão phải dựa vào lẽ thật của Kinh-thánh để khuyên bảo và để quyết định chứ không dựa vào ý kiến riêng của mình (Giăng 17:17). Đức Giê-hô-va muốn họ tìm một “sự phán-xét bình-an”, với tư cách những người chăn chiên tín đồ đấng Christ, cố gắng phục hồi sự hòa thuận giữa những bên tranh cãi và giúp những người phạm tội nhưng biết ăn năn có lại sự bình an với Đức Chúa Trời (Gia-cơ 5:14, 15; Giu-đe 23). Đồng thời, họ duy trì sự bình an của hội thánh, can đảm khai trừ những ai quấy rối sự bình an đó bằng cách ngoan cố trong tội lỗi (I Cô-rinh-tô 6:9, 10).
“Sự vui-mừng, hớn-hở”
13. a) Xa-cha-ri tiên tri sự thay đổi gì về sự kiêng ăn? b) Tại Y-sơ-ra-ên người ta tuân theo sự kiêng ăn nào?
13 Bây giờ, chúng ta nghe lời tuyên bố long trọng thứ tám: “Đức Giê-hô-va vạn-quân có phán như vầy: Sự kiêng ăn về tháng tư, sự kiêng ăn về tháng năm, sự kiêng ăn về tháng bảy, sự kiêng ăn về tháng mười sẽ làm sự vui-mừng, hớn-hở, và ngày lễ vui chơi cho nhà Giu-đa. Vậy hãy ưa sự chơn-thật và bình-an” (Xa-cha-ri 8:19). Theo Luật Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên kiêng ăn vào Ngày lễ Chuộc tội để bày tỏ sự hối tiếc về tội lỗi của họ (Lê-vi Ký 16:29-31). Bốn kỳ kiêng ăn mà Xa-cha-ri nói đến rõ ràng được cử hành để thương tiếc những biến cố liên quan đến thành Giê-ru-sa-lem bị xâm chiếm và hủy diệt (II Các Vua 25:1-4, 8, 9, 22-26). Tuy nhiên, giờ đây, đền thờ được tái thiết và thành Giê-ru-sa-lem lại có dân đến cư trú. Sự thương tiếc được thay thế bằng sự hớn hở, và những kỳ kiêng ăn đã có thể trở thành mùa hội.
14, 15. a) Lễ Kỷ niệm là một cơ hội đặc biệt để vui mừng hớn hở như thế nào, và sự kiện này nhắc nhở chúng ta điều gì? b) Như được thấy trong bản báo cáo thường niên, những nước nào có số người dự Lễ Kỷ niệm đông đặc biệt?
14 Ngày nay, chúng ta không giữ những kỳ kiêng ăn mà Xa-cha-ri nói tới hoặc sự kiêng ăn mà Luật pháp qui định. Vì Giê-su đã dâng sự sống mình để chuộc tội lỗi của chúng ta, chúng ta đang hưởng ơn phước của Ngày lễ Chuộc tội trọng đại hơn. Tội lỗi của chúng ta sẽ được che đậy, không chỉ để làm tin nhưng một cách trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 9:6-14). Làm theo mệnh lệnh của Thầy Tế lễ Thượng phẩm trên trời, Giê-su Christ, Lễ Kỷ niệm sự chết của ngài là ngày lễ long trọng duy nhất mà chúng ta, là tín đồ đấng Christ, cử hành (Lu-ca 22:19, 20). Cứ mỗi năm, khi nhóm lại để cử hành lễ này thì lòng chúng ta lại vui mừng hớn hở, có phải không?
15 Năm ngoái, 13.147.201 người đến dự Lễ Kỷ niệm, 858.284 người nhiều hơn năm 1994. Thật là một đám đông người làm sao! Hãy tưởng tượng niềm hân hoan trong 78.620 hội thánh Nhân-chứng Giê-hô-va khi những số đông người đáng chú ý, lũ lượt kéo đến những Phòng Nước Trời để dự lễ. Chắc chắn tất cả những người hiện diện đều được thúc đẩy để “ưa sự chơn-thật và bình-an” khi họ tưởng nhớ đến sự chết của đấng là “đường đi, lẽ thật, và sự sống”, đấng mà hiện nay đang cai trị với tư cách là “Chúa Bình-an” vĩ đại của Đức Giê-hô-va! (Giăng 14:6; Ê-sai 9:5). Buổi lễ này có nghĩa đặc biệt đối với những người đến dự tại những nơi đang khốn khổ vì sự rối loạn và chiến tranh. Trong năm 1995 một số anh chị của chúng ta chứng kiến những cảnh ghê sợ không tả xiết. Tuy nhiên, “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 4:7).
‘Chúng ta hãy nài xin ơn Đức Giê-hô-va’
16, 17. Làm thế nào dân các nước có thể “nài-xin ơn Đức Giê-hô-va”?
16 Tuy nhiên hàng triệu người dự Lễ Kỷ niệm này từ đâu đến? Lời tuyên bố thứ chín của Đức Giê-hô-va giải thích: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Sẽ xảy ra các dân và dân-cư nhiều thành đều đến, và dân-cư thành nầy đi đến thành khác mà nói rằng: Chúng ta hãy đi mau, đặng nài-xin ơn Đức Giê-hô-va, và tìm-kiếm Đức Giê-hô-va vạn-quân; ta cũng sẽ đi. Như vậy có nhiều dân và nhiều nước mạnh sẽ đến tìm-kiếm Đức Giê-hô-va vạn-quân tại Giê-ru-sa-lem, và ở đó nài-xin ơn Đức Giê-hô-va” (Xa-cha-ri 8:20-22).
17 Những người tham dự Lễ Kỷ niệm muốn “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va vạn-quân”. Nhiều người này là những tôi tớ đã dâng mình và làm báp têm của ngài. Còn hàng triệu người khác đến dự thì chưa đạt đến giai đoạn đó. Tại nhiều nước, số người đến dự Lễ Kỷ niệm đông gấp bốn gấp năm lần số người công bố về Nước Trời. Số đông người chú ý này cần được giúp để tiếp tục tiến bộ. Chúng ta hãy dạy họ hoan hỉ biết rằng Giê-su đã chết cho tội lỗi của chúng ta và đang cai trị trong Nước Trời (I Cô-rinh-tô 5:7, 8; Khải-huyền 11:15). Và chúng ta hãy khuyến khích họ hiến dâng đời mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và phục tùng vị Vua do ngài chỉ định. Bằng cách này họ sẽ “nài-xin ơn Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 116:18, 19; Phi-líp 2:12, 13).
“Mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra”
18, 19. a) Trong sự ứng nghiệm của Xa-cha-ri 8:23, ngày nay người “Giu-đa” là ai? b) “Mười người... nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa” ngày nay là ai?
18 Lần tuyên bố sau cùng trong đoạn 8 của sách Xa-cha-ri, chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy”. Lời tuyên bố cuối cùng của Đức Giê-hô-va là gì? “Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (Xa-cha-ri 8:23). Vào thời Xa-cha-ri, dân Y-sơ-ra-ên xác thịt là dân tộc được Đức Chúa Trời chọn. Tuy nhiên, trong thế kỷ thứ nhất, dân Y-sơ-ra-ên khước từ đấng Mê-si của Đức Giê-hô-va. Vì thế, Đức Chúa Trời của chúng ta đã chọn “một người Giu-đa”—một dân Y-sơ-ra-ên mới—để làm dân tộc đặc biệt của ngài, “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” gồm có những người Do Thái thiêng liêng (Ga-la-ti 6:16; Giăng 1:11; Rô-ma 2:28, 29). Tổng số những người này là 144.000 người, được chọn trong dân gian để cùng Giê-su cai trị trong Nước Trời (Khải-huyền 14:1, 4).
19 Phần đông số 144.000 người này đã trung thành cho đến chết và nhận lãnh phần thưởng trên trời (I Cô-rinh-tô 15:51, 52; Khải-huyền 6:9-11). Một số ít còn lại trên đất, và họ vui mừng thấy rằng “mười người” chọn đi theo “người Giu-đa” quả là “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” (Khải-huyền 7:9; Ê-sai 2:2, 3; 60:4-10, 22).
20, 21. Trong khi sự kết liễu của thế gian này càng ngày càng gần, làm sao chúng ta có thể tiếp tục hòa thuận với Đức Giê-hô-va?
20 Khi sự kết liễu của thế gian này đến hạn kỳ không tránh được, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ giống như Giê-ru-sa-lem trong thời Giê-rê-mi: “Đương đợi sự bình-an mà chẳng có sự lành; đương trông kỳ lành-bịnh, mà gặp sự kinh-hãi” (Giê-rê-mi 14:19). Sự kinh hãi này sẽ đạt đến cao điểm khi các quốc gia trở mặt chống lại tôn giáo giả và dùng bạo lực diệt trừ nó. Không lâu sau đó, chính các quốc gia đó sẽ bị tiêu diệt trong trận chiến cuối cùng của Đức Chúa Trời, Ha-ma-ghê-đôn (Ma-thi-ơ 24:29, 30; Khải-huyền 16:14, 16; 17:16-18; 19:11-21). Đó sẽ là một thời kỳ xáo động làm sao!
21 Trải qua mọi biến cố, Đức Giê-hô-va sẽ che chở những ai biết quí mến lẽ thật và vun xới “hột giống bình-an” (Xa-cha-ri 8:12; Sô-phô-ni 2:3). Vậy chúng ta hãy tiếp tục an toàn trong nước của dân ngài, hãy sốt sắng công khai ngợi khen ngài và giúp càng nhiều người càng tốt “nài-xin ơn Đức Giê-hô-va”. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ luôn luôn hưởng sự bình an của Đức Giê-hô-va. Đúng vậy, “Đức Giê-hô-va sẽ ban sức-mạnh cho dân-sự Ngài; Đức Giê-hô-va sẽ chúc phước bình-an cho dân-sự Ngài” (Thi-thiên 29:11).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Làm sao dân Đức Chúa Trời ‘làm tay họ nên mạnh’ trong thời của Xa-cha-ri? Thời nay thì sao?
◻ Chúng ta phản ứng thế nào trước sự bắt bớ, chống đối và sự thờ ơ?
◻ Việc “lấy điều thật nói cùng kẻ lân-cận” bao hàm điều gì?
◻ Làm sao một người có thể “nài-xin ơn Đức Giê-hô-va”?
◻ Trong sự ứng nghiệm của Xa-cha-ri 8:23, chúng ta thấy lý do trọng đại nào để được vui mừng hớn hở?
[Hình nơi trang 18]
Năm vừa qua, Nhân-chứng Giê-hô-va đã bỏ ra 1.150.353.444 giờ để nói cho người khác biết về Nước Trời