BÀI HỌC 4
Tại sao chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm?
“Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.—LU 22:19.
BÀI HÁT 20 Ngài ban Con một yêu quý
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Khi nào chúng ta đặc biệt nhớ người thân yêu đã qua đời? (b) Chúa Giê-su đã làm gì vào đêm trước khi chết?
Dù những người thân yêu của mình đã qua đời bao lâu, chúng ta vẫn nhớ đến họ. Chúng ta đặc biệt nghĩ đến người ấy vào ngày mà họ qua đời.
2 Mỗi năm, chúng ta cùng với hàng triệu người trên khắp thế giới nhóm lại để tưởng nhớ sự hy sinh của đấng mà chúng ta rất đỗi yêu thương, đó là Chúa Giê-su Ki-tô (1 Phi 1:8). Chúng ta cùng nhóm lại để tưởng nhớ đấng đã hy sinh mạng sống làm giá chuộc hầu cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết (Mat 20:28). Thực tế, Chúa Giê-su muốn các môn đồ tưởng nhớ sự chết của ngài. Vào đêm trước khi chết, ngài đã thiết lập một bữa ăn tối đặc biệt và đưa ra mệnh lệnh sau: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.b—Lu 22:19.
3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?
3 Trong số những người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô, có một nhóm nhỏ các tín đồ có hy vọng lên trời. Nhưng hàng triệu người có hy vọng sống trên đất cũng tham dự. Bài này sẽ xem những lý do hằng năm cả hai nhóm này đều trông mong tham dự Lễ Tưởng Niệm. Cũng hãy xem chúng ta nhận được lợi ích nào khi tham dự buổi lễ. Hãy bắt đầu bằng cách xem xét một số lý do mà các tín đồ được xức dầu tham dự Lễ Tưởng Niệm.
TẠI SAO CÁC TÍN ĐỒ ĐƯỢC XỨC DẦU THAM DỰ?
4. Tại sao các tín đồ được xức dầu ăn bánh và uống rượu tại Lễ Tưởng Niệm?
4 Mỗi năm, các tín đồ được xức dầu tham dự Lễ Tưởng Niệm sẽ dùng các món biểu tượng. Tại sao việc họ ăn bánh và uống rượu là điều thích hợp? Để trả lời câu hỏi đó, hãy xem điều gì xảy ra vào đêm cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất. Sau bữa ăn của Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su thiết lập một buổi lễ được gọi là Bữa Ăn Tối Của Chúa. Ngài chuyền bánh và rượu cho 11 sứ đồ trung thành và bảo họ hãy ăn bánh, uống rượu. Chúa Giê-su nói với họ về hai giao ước, đó là giao ước mới và giao ước Nước Trờic (Lu 22:19, 20, 28-30). Những giao ước ấy mở đường cho các sứ đồ và số tín đồ giới hạn trở thành vua kiêm thầy tế lễ ở trên trời (Khải 5:10; 14:1). Chỉ những tín đồ được xức dầu còn sót lại,d là những người dự phần trong hai giao ước này, được ăn bánh và uống rượu tại Lễ Tưởng Niệm.
5. Các tín đồ được xức dầu nhìn nhận điều gì về hy vọng họ được ban?
5 Lý do khác mà các tín đồ được xức dầu trông mong tham dự Lễ Tưởng Niệm là buổi lễ này cho họ cơ hội suy nghĩ về hy vọng của mình. Đức Giê-hô-va ban cho họ hy vọng kinh ngạc, đó là có sự sống bất tử và không mục nát ở trên trời, được phụng sự bên cạnh Chúa Giê-su cùng với các tín đồ khác thuộc 144.000 người, và trên hết là được thấy Đức Giê-hô-va! (1 Cô 15:51-53; 1 Giăng 3:2). Những tín đồ được xức dầu nhìn nhận rằng họ được mời để nhận những đặc ân đó. Nhưng để được lên trời, họ phải giữ lòng trung thành cho đến chết (2 Ti 4:7, 8). Các tín đồ được xức dầu rất vui khi nghĩ đến hy vọng lên trời (Tít 2:13). Nói sao về “chiên khác”? (Giăng 10:16). Họ tham dự Lễ Tưởng Niệm vì một số lý do nào?
TẠI SAO CHIÊN KHÁC THAM DỰ?
6. Tại sao chiên khác tham dự Lễ Tưởng Niệm?
6 Chiên khác tham dự Lễ Tưởng Niệm nhưng không dùng các món biểu tượng; họ tham dự với tư cách là người dự khán. Năm 1938 là lần đầu tiên những người có hy vọng sống trên đất được mời tham dự Lễ Tưởng Niệm. Tháp Canh ngày 1-3-1938 viết: “Điều đúng và thích hợp là [chiên khác] có mặt tại buổi nhóm này và quan sát những điều diễn ra... Đây cũng là dịp để họ vui mừng”. Giống như các khách mời vui mừng khi tham dự lễ cưới, chiên khác vui mừng khi tham dự Lễ Tưởng Niệm với tư cách là người dự khán.
7. Tại sao chiên khác trông mong được nghe bài giảng Lễ Tưởng Niệm?
7 Chiên khác cũng suy nghĩ về hy vọng của mình. Họ trông mong được nghe bài giảng Lễ Tưởng Niệm, vì bài ấy nói về những điều Đấng Ki-tô và 144.000 người đồng cai trị với ngài sẽ làm cho con người trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su, những người đồng cai trị ở trên trời sẽ giúp biến trái đất thành địa đàng và đưa nhân loại biết vâng lời đến sự hoàn hảo. Hàng triệu người quan sát tại Lễ Tưởng Niệm vui mừng khi nghĩ đến những lời tiên tri về tương lai sẽ được ứng nghiệm, như những lời nơi Ê-sai 35:5, 6; 65:21-23 và Khải huyền 21:3, 4. Khi hình dung mình và người thân yêu trong thế giới mới, họ được củng cố niềm hy vọng về tương lai và càng quyết tâm không bỏ cuộc trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Mat 24:13; Ga 6:9.
8. Hãy cho biết thêm một lý do mà chiên khác tham dự Lễ Tưởng Niệm.
8 Hãy xem thêm một lý do mà chiên khác tham dự Lễ Tưởng Niệm. Họ muốn cho thấy họ yêu thương và ủng hộ các tín đồ được xức dầu. Lời Đức Chúa Trời đã tiên tri rằng các tín đồ được xức dầu và những người có hy vọng sống trên đất sẽ có mối quan hệ mật thiết. Điều này được báo trước như thế nào? Hãy xem một số ví dụ.
9. Lời tiên tri nơi Xa-cha-ri 8:23 cho thấy chiên khác cảm thấy thế nào về các tín đồ được xức dầu?
9 Đọc Xa-cha-ri 8:23. Lời tiên tri này vẽ lên một bức tranh ấm lòng cho thấy chiên khác cảm thấy thế nào về những anh em được xức dầu. Cụm từ “người Do Thái” và “các anh” nói đến cùng một nhóm, đó là những tín đồ được xức dầu còn sót lại (Rô 2:28, 29). Cụm từ “mười người từ mọi ngôn ngữ của các nước” tượng trưng cho chiên khác. Họ “nắm thật chặt”, tức trung thành gắn bó, với các tín đồ được xức dầu, kết hợp với những người ấy để cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì thế, vào đêm Lễ Tưởng Niệm diễn ra, chiên khác cho thấy mình gắn bó với các tín đồ được xức dầu qua việc có mặt với họ tại buổi lễ.
10. Đức Giê-hô-va đã làm gì để lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 37:15-19, 24, 25 được ứng nghiệm?
10 Đọc Ê-xê-chi-ên 37:15-19, 24, 25. Để làm ứng nghiệm lời tiên tri này, Đức Giê-hô-va đã hợp nhất các tín đồ được xức dầu và chiên khác. Lời tiên tri đó nói đến hai thanh gỗ. Những người có hy vọng lên trời giống như thanh gỗ “cho Giu-đa” (các vua của Y-sơ-ra-ên được chọn từ chi phái này), và những người có hy vọng sống trên đất giống như thanh gỗ “của Ép-ra-im”.e Đức Giê-hô-va sẽ hợp nhất hai nhóm đó để họ trở thành “một thanh gỗ”. Điều này có nghĩa là họ sẽ phụng sự hợp nhất dưới một Vua là Chúa Giê-su Ki-tô. Hằng năm, các tín đồ được xức dầu và chiên khác tham dự Lễ Tưởng Niệm với tư cách là “một bầy” dưới “một người chăn”, chứ không phải là hai nhóm riêng biệt.—Giăng 10:16.
11. “Chiên” được nói nơi Ma-thi-ơ 25:31-36, 40 ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô chủ yếu qua cách nào?
11 Đọc Ma-thi-ơ 25:31-36, 40. “Chiên” trong ngụ ngôn này tượng trưng cho người công chính trong thời kỳ cuối cùng có hy vọng sống trên đất, tức chiên khác. Họ trung thành ủng hộ anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô chủ yếu qua việc giúp những người ấy thực thi trách nhiệm lớn lao, đó là rao giảng và đào tạo môn đồ trên toàn cầu.—Mat 24:14; 28:19, 20.
12, 13. Chiên khác cho thấy họ ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô qua một số cách nào khác?
12 Mỗi năm, vào những tuần trước Lễ Tưởng Niệm, chiên khác cho thấy họ ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô bằng cách tham gia trọn vẹn vào chiến dịch rao giảng toàn cầu để mời những người chú ý đến tham dự buổi lễ. (Xem khung “Hãy lên kế hoạch cho mùa Lễ Tưởng Niệm”). Họ cũng giúp sắp đặt mọi thứ cần thiết để Lễ Tưởng Niệm được cử hành trong mỗi hội thánh trên khắp thế giới, dù đa số hội thánh không có người được xức dầu. Chiên khác vui mừng ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô qua những cách như thế. Họ biết rằng Chúa Giê-su xem điều họ làm cho anh em được xức dầu của ngài như thể đang làm cho chính ngài.—Mat 25:37-40.
13 Dù hy vọng của mình là gì đi nữa, tất cả chúng ta có thêm những lý do nào để tham dự Lễ Tưởng Niệm?
TẠI SAO TẤT CẢ CHÚNG TA THAM DỰ?
14. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu thương cao cả dành cho chúng ta qua cách nào?
14 Chúng ta biết ơn về tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã thể hiện. Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương dành cho chúng ta qua nhiều cách. Nhưng cách nổi bật nhất mà ngài làm thế là phái Con yêu dấu của ngài xuống chịu khổ và chết cho chúng ta (Giăng 3:16). Chúa Giê-su cũng thể hiện tình yêu thương lớn lao bằng cách sẵn sàng hy sinh mạng sống của ngài (Giăng 15:13). Chúng ta không bao giờ có thể báo đáp Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về tình yêu thương mà hai đấng ấy đã thể hiện. Nhưng chúng ta có thể biểu lộ lòng biết ơn qua lối sống mỗi ngày (Cô 3:15). Chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm để nhớ đến tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cũng như cho thấy mình yêu thương hai đấng ấy.
15. Tại sao cả tín đồ được xức dầu lẫn chiên khác đều quý trọng sâu xa món quà giá chuộc?
15 Chúng ta quý trọng sâu xa món quà giá chuộc (Mat 20:28). Các tín đồ được xức dầu quý trọng giá chuộc vì nhờ giá chuộc mà họ có hy vọng tuyệt diệu. Vì họ có đức tin nơi sự hy sinh của Đấng Ki-tô nên Đức Giê-hô-va tuyên bố họ là công chính và nhận họ làm con cái ngài (Rô 5:1; 8:15-17, 23). Chiên khác cũng biết ơn về giá chuộc. Vì có đức tin nơi huyết của Đấng Ki-tô đã đổ ra, họ có vị thế trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời, có thể phụng sự ngài và có hy vọng “vượt qua hoạn nạn lớn” (Khải 7:13-15). Một cách mà các tín đồ được xức dầu và chiên khác cho thấy họ biết ơn giá chuộc là có mặt tại Lễ Tưởng Niệm mỗi năm.
16. Chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm vì lý do nào khác?
16 Lý do khác mà chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm là vì muốn vâng lời Chúa Giê-su. Dù có hy vọng nào, chúng ta muốn vâng theo mệnh lệnh mà Chúa Giê-su đã ban vào đêm mà ngài thiết lập Lễ Tưởng Niệm: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.—1 Cô 11:23, 24.
TẤT CẢ CHÚNG TA NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH NÀO KHI THAM DỰ?
17. Làm thế nào Lễ Tưởng Niệm giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn?
17 Chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn (Gia 4:8). Như vừa xem xét, Lễ Tưởng Niệm cho chúng ta cơ hội để nghĩ đến hy vọng mà Đức Giê-hô-va ban và suy ngẫm về tình yêu thương cao cả mà ngài đã thể hiện (Giê 29:11; 1 Giăng 4:8-10). Khi suy ngẫm về hy vọng chắc chắn trong tương lai và tình yêu thương không lay chuyển mà Đức Chúa Trời dành cho mình, chúng ta càng yêu thương và gắn bó với ngài.—Rô 8:38, 39.
18. Việc suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su thúc đẩy chúng ta làm gì?
18 Chúng ta được thúc đẩy để noi gương Chúa Giê-su (1 Phi 2:21). Vào những ngày trước Lễ Tưởng Niệm, chúng ta chú tâm vào các lời tường thuật nói về tuần cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất, cũng như cái chết và sự sống lại của ngài. Rồi vào Lễ Tưởng Niệm, chúng ta được nghe một bài giảng nhắc mình nhớ đến tình yêu thương mà Chúa Giê-su dành cho mình (Ê-phê 5:2; 1 Giăng 3:16). Khi đọc và suy ngẫm về gương hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta được thúc đẩy để “tiếp tục bước đi như đấng ấy”.—1 Giăng 2:6.
19. Làm thế nào để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
19 Chúng ta càng quyết tâm giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Giu 20, 21). Chúng ta giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng cách làm mọi điều có thể để vâng lời ngài, làm thánh danh ngài và làm ngài vui lòng (Châm 27:11; Mat 6:9; 1 Giăng 5:3). Việc cử hành Lễ Tưởng Niệm thúc đẩy chúng ta càng quyết tâm sống mỗi ngày theo cách như thể mình đang nói với Đức Giê-hô-va: “Con muốn giữ mình trong tình yêu thương của Cha mãi mãi!”.
20. Chúng ta có những lý do chính đáng nào để tham dự Lễ Tưởng Niệm?
20 Dù có hy vọng sống mãi trên trời hay trên đất, chúng ta có những lý do chính đáng để tham dự Lễ Tưởng Niệm. Mỗi năm, khi nhóm lại vào ngày đó, chúng ta nhớ đến cái chết của đấng mà mình rất yêu thương là Chúa Giê-su Ki-tô. Trên hết, chúng ta nhớ đến hành động yêu thương cao cả nhất, đó là tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va đã thể hiện khi hy sinh Con ngài làm giá chuộc. Năm nay, Lễ Tưởng Niệm sẽ được cử hành vào chiều tối thứ Sáu, ngày 15-4-2022. Chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và Con ngài. Vì thế, vào ngày kỷ niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su, việc tham dự buổi lễ ấy là điều quan trọng nhất đối với chúng ta.
BÀI HÁT 16 Ca ngợi Gia vì người Con được xức dầu của ngài
a Dù có hy vọng lên trời hay sống trong địa đàng trên đất, mỗi năm chúng ta đều trông mong tham dự Lễ Tưởng Niệm. Bài này sẽ thảo luận những lý do chính đáng dựa trên Kinh Thánh cho biết tại sao chúng ta tham dự lễ này và chúng ta nhận được lợi ích nào khi làm thế.
b Những lời này cũng được dịch là “Hãy làm điều này để kỷ niệm tôi” (Today’s English Version) và “Hãy làm điều này để tưởng niệm tôi” (The Jerusalem Bible).
c Để biết thêm về giao ước mới và giao ước Nước Trời, xem bài “Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ” trong Tháp Canh ngày 15-10-2014, trg 15-17.
d GIẢI NGHĨA: Cụm từ những tín đồ được xức dầu còn sót lại nói đến những tín đồ được xức dầu còn sống trên đất.
e Để biết thêm về lời tiên tri nói đến hai thanh gỗ nơi Ê-xê-chi-ên chương 37, xem sách Sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va được khôi phục!, trg 130-135, đ. 3-17.