Bạn sẽ trung thành như Ê-li không?
“Ta sẽ sai đấng tiên-tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến” (Ma-la-chi 4:5).
1. Khủng hoảng nào đã xảy ra sau khi dân Y-sơ-ra-ên đã sống trong Đất Hứa khoảng 500 năm?
“Một xứ... đượm sữa và mật” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7, 8). Đó là xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên sau khi ngài cứu họ ra khỏi ách nô lệ của xứ Ê-díp-tô vào thế kỷ 16 TCN. Nhưng hãy nhìn xem! Năm thế kỷ đã trôi qua và giờ đây nước gồm mười chi phái Y-sơ-ra-ên đã lâm vào cảnh đói kém trầm trọng. Một cọng cỏ xanh cũng không thấy. Súc vật chết và không một giọt mưa rơi trong ba năm rưỡi (I Các Vua 18:5; Lu-ca 4:25). Điều gì đã gây nên tai họa này?
2. Điều gì gây ra khủng hoảng trên toàn nước Y-sơ-ra-ên?
2 Sự bội đạo đã gây nên cuộc khủng hoảng này. Vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời, Vua A-háp đã cưới công chúa Ca-na-an là Giê-sa-bên và để cho bà ta đưa sự thờ phượng Ba-anh vào xứ Y-sơ-ra-ên. Còn tệ hơn nữa, ông xây một đền thờ cho thần giả này ở thủ đô Sa-ma-ri. Thật thế, dân Y-sơ-ra-ên đã bị dụ dỗ để tin rằng việc thờ thần Ba-anh sẽ mang lại cho họ mùa màng dư dật! Tuy nhiên, như Đức Giê-hô-va đã cảnh cáo, hiện giờ họ đang gặp nguy cơ ‘chết mất trong xứ tốt-tươi nầy’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4; 11:16, 17; I Các Vua 16:30-33).
Cuộc thử thách gay cấn xem ai là Đức Chúa Trời
3. Nhà tiên tri Ê-li hướng sự chú ý vào vấn đề chính của Y-sơ-ra-ên như thế nào?
3 Khi nạn đói bắt đầu, nhà tiên tri trung thành của Đức Chúa Trời là Ê-li nói với Vua A-háp: “Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hằng-sống mà thề-rằng: Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (I Các Vua 17:1). Sau khi nghiệm chứng sự thật khủng khiếp của lời tuyên bố này, nhà vua đổ lỗi cho Ê-li là người gây sỉ nhục cho xứ Y-sơ-ra-ên. Nhưng Ê-li quy trách nhiệm cho A-háp và gia đình vua vì họ bội đạo và thờ Ba-anh. Để giải quyết cuộc tranh chấp, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va giục Vua A-háp nhóm tất cả dân Y-sơ-ra-ên tại Núi Cạt-mên cùng với 450 nhà tiên tri thờ Ba-anh và 400 nhà tiên tri thờ trụ thánh. A-háp và dân chúng tụ họp tại đó, có lẽ hy vọng dịp này sẽ chấm dứt nạn hạn hán. Nhưng Ê-li hướng sự chú ý vào vấn đề quan trọng hơn. Ông hỏi: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn”. Dân Y-sơ-ra-ên không biết trả lời ra sao (I Các Vua 18:18-21).
4. Để giải quyết vấn đề ai là Đức Chúa Trời, Ê-li đề nghị điều gì?
4 Trong nhiều năm, dân Y-sơ-ra-ên đã cố pha trộn sự thờ phượng Đức Giê-hô-va với sự thờ phượng thần Ba-anh. Để giải quyết vấn đề ai là Đức Chúa Trời, giờ đây Ê-li đề nghị một cuộc thi đua. Ông sẽ chuẩn bị một con bò tơ làm của-lễ và những nhà tiên tri của Ba-anh sẽ sửa soạn một con khác. Rồi Ê-li nói: “Hãy kêu-cầu danh của thần các ngươi, còn ta, ta sẽ kêu-cầu danh của Đức Giê-hô-va. Thần đáp lời bằng lửa, ấy quả là Đức Chúa Trời” (I Các Vua 18:23, 24). Hãy tưởng tượng ngọn lửa xuất phát từ trên trời để đáp lời cầu nguyện!
5. Sự vô dụng trong việc thờ phượng Ba-anh đã bị vạch trần như thế nào?
5 Ê-li mời các nhà tiên tri của Ba-anh khởi đầu. Họ chuẩn bị một con bò đực làm của-lễ và để nó trên bàn thờ. Rồi họ đi khập khiễng chung quanh bàn thờ, cầu xin: “Hỡi Ba-anh! Xin đáp lời chúng tôi”. Họ cứ làm như vậy “từ sớm-mai đến trưa”. Ê-li chế nhạo: “Khá la lớn lên đi”. Ba-anh chắc hẳn đang bận với công chuyện gấp, hoặc “có lẽ người ngủ, và sẽ thức dậy”. Chẳng bao lâu các nhà tiên tri của Ba-anh cuống cuồng lên. Hãy nhìn xem! Họ lấy gươm tự rạch mình và máu chảy tuôn ra. Và thật là ồn ào biết bao khi tất cả 450 người kêu gào hết sức mình! Nhưng không ai trả lời (I Các Vua 18:26-29).
6. Ê-li làm gì để chuẩn bị thử xem ai là Đức Chúa Trời?
6 Bây giờ tới lượt Ê-li. Ông dựng lại bàn thờ của Đức Giê-hô-va, đào một cái mương chung quanh bàn thờ, và đặt của-lễ lên trên. Rồi ông đổ nước trên củi và của-lễ. Mười hai thùng nước lớn được đổ trên bàn thờ cho đến khi cái mương đầy nước. Hãy hình dung cảm giác hồi hộp khi Ê-li cầu nguyện: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác, và của Y-sơ-ra-ên, ngày nay xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên, rằng tôi là kẻ tôi-tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự nầy. Đức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân-sự nầy nhìn-biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại” (I Các Vua 18:30-37).
7, 8. a) Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Ê-li như thế nào? b) Biến cố trên Núi Cạt-mên thực hiện được điều gì?
7 Để đáp lời cầu nguyện của Ê-li, ‘ngọn lửa của Đức Giê-hô-va từ trên trời bèn giáng xuống, thiêu-đốt của-lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương’. Dân sự sấp mình xuống đất và nói: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” (I Các Vua 18:38, 39). Ê-li lúc bấy giờ hành động dứt khoát. Ông ra lệnh: “Hãy bắt các tiên-tri của Ba-anh, chớ cho thoát một người nào”. Sau khi họ bị giết trong thung lũng Ki-sôn, những đám mây đen nghịt che lấp bầu trời. Cuối cùng, một trận mưa lớn đổ xuống chấm dứt nạn hạn hán! (I Các Vua 18:40-45; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:1-5).
8 Thật là một ngày trọng đại! Đức Giê-hô-va đã chiến thắng trong cuộc thử thách phi thường để chứng tỏ ai là Đức Chúa Trời. Hơn nữa, những biến cố này khiến lòng của nhiều người Y-sơ-ra-ên quay trở lại với Đức Chúa Trời. Bằng cách này và những cách khác, Ê-li chứng tỏ là một nhà tiên tri trung thành, và chính ông đóng một vai trò có tính cách tiên tri.
“Đấng tiên-tri Ê-li” sẽ đến sau?
9. Ma-la-chi 4:5, 6 tiên tri điều gì?
9 Sau này, qua Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va báo trước: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên-tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con-cái, lòng con-cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa-sả mà đánh đất nầy” (Ma-la-chi 4:5, 6). Ê-li đã sống khoảng 500 năm trước khi những lời này được viết ra. Vì đây là một lời tiên tri, những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất CN đã trông chờ Ê-li đến để làm ứng nghiệm lời đó (Ma-thi-ơ 17:10).
10. Ai là Ê-li được báo trước, và làm sao chúng ta biết được điều đó?
10 Vậy thì, Ê-li phải đến là ai? Chúa Giê-su đã tiết lộ lai lịch của người này khi ngài nói: “Song từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước trên trời là mục tiêu mà người ta cố gắng đạt tới và những ai vươn tới thì nắm lấy được. Vì hết thảy các nhà tiên tri và Luật Pháp đã nói trước cho đến thời Giăng; và nếu các ngươi muốn chấp nhận, thì chính người là ‘Ê-li phải đến’ ”. Đúng vậy, Giăng Báp-tít chính là người tương ứng với Ê-li đã được Kinh-thánh báo trước (Ma-thi-ơ 11:12-14, NW; Mác 9:11-13). Một thiên sứ bảo cha của Giăng là Xa-cha-ri rằng Giăng sẽ có “tâm-thần quyền-phép Ê-li” và sẽ “sửa-soạn cho Chúa [Đức Giê-hô-va, NW] một dân sẵn lòng” (Lu-ca 1:17). Phép báp têm do Giăng thực hiện biểu trưng công khai sự ăn năn của một cá nhân về tội lỗi mình đã phạm với Luật Pháp. Chính Luật Pháp đó có mục đích dẫn người Do Thái đến đấng Christ (Lu-ca 3:3-6; Ga-la-ti 3:24). Vì vậy, công việc của Giăng là ‘sửa-soạn một dân sẵn lòng cho Đức Giê-hô-va’.
11. Vào Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ nói gì về “ngày của Đức Giê-hô-va”, và ngày ấy xảy ra khi nào?
11 Công việc của Giăng Báp-tít với tư cách là “Ê-li” cho thấy rằng “ngày của Đức Giê-hô-va” gần đến rồi. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng cho thấy ngày ấy đã gần, khi Đức Chúa Trời sẽ ra tay chống lại kẻ thù và bảo vệ dân ngài. Ông nêu ra rằng những biến cố kỳ diệu diễn ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN làm ứng nghiệm lời tiên tri của Giô-ên về việc Đức Chúa Trời đổ thánh linh xuống. Phi-e-rơ cho biết rằng điều này phải xảy ra trước “ngày lớn và vinh-hiển của Chúa [Đức Giê-hô-va, NW]” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:16-21; Giô-ên 2:28-32). Chính vào năm 70 CN, Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm Lời ngài bằng cách khiến quân đội La Mã đoán phạt dân tộc đã chối bỏ Con ngài (Đa-ni-ên 9:24-27; Giăng 19:15).
12. a) Phao-lô và Phi-e-rơ nói gì về “ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến? b) Tại sao chắc chắn phải có điều xảy ra như đã được tượng trưng qua công việc của Ê-li?
12 Tuy nhiên, còn có điều khác phải đến sau năm 70 CN. Sứ đồ Phao-lô liên kết “ngày của Đức Giê-hô-va” trong tương lai với sự hiện diện của Chúa Giê-su Christ. Hơn nữa, Phi-e-rơ nói về ngày đó liên quan đến “trời mới đất mới” còn trong tương lai (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2; II Phi-e-rơ 3:10-13). Chúng ta nên nhớ rằng Giăng Báp-tít đã làm công việc giống như Ê-li trước khi “ngày Đức Giê-hô-va” đến vào năm 70 CN. Tất cả những điều này hợp lại cho thấy rằng một điều khác nữa sẽ xảy ra, được tượng trưng bằng công việc Ê-li đã làm. Điều đó là gì?
Họ có tâm thần của Ê-li
13, 14. a) Có sự tương đồng nào giữa công việc của Ê-li và công việc của những tín đồ được xức dầu thời nay? b) Những kẻ bội đạo thuộc các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã làm gì?
13 Công việc của Ê-li không những tương đương với hoạt động của Giăng Báp-tít mà còn tương đương với công việc của các tín đồ đấng Christ được xức dầu trong thời kỳ khó khăn này trước “ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến (II Ti-mô-thê 3:1-5). Với tâm thần và quyền phép của Ê-li, họ trung thành ủng hộ sự thờ phượng thật. Và điều này cần thiết biết bao! Sau khi các sứ đồ của đấng Christ qua đời, có sự bội đạo từ trong đạo thật đấng Christ, cũng giống như sự thờ phượng Ba-anh đã thịnh hành ở Y-sơ-ra-ên vào thời của Ê-li (II Phi-e-rơ 2:1). Những kẻ tự xưng là tín đồ đấng Christ đã bắt đầu pha trộn đạo thật đấng Christ với các giáo lý và thực hành của tôn giáo giả. Ví dụ, họ tiếp nhận sự dạy dỗ tà giáo và trái với Kinh-thánh, cho rằng con người có linh hồn bất tử (Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4). Các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ không còn dùng danh của Đức Chúa Trời có một và thật là Giê-hô-va nữa. Trái lại, họ thờ Chúa Ba Ngôi. Họ cũng tiếp nhận thực hành giống như đạo Ba-anh, đó là quì lạy hình tượng của Chúa Giê-su và mẹ ngài là Ma-ri (Rô-ma 1:23; I Giăng 5:21). Nhưng không phải chỉ có thế thôi.
14 Kể từ thế kỷ 19 trở đi, các nhà lãnh đạo những giáo hội tự xưng theo đấng Christ bắt đầu tỏ ý nghi ngờ nhiều phần trong Kinh-thánh. Chẳng hạn, họ bác bỏ lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký về sự sáng tạo và tôn sùng thuyết tiến hóa, gọi nó là “khoa học”. Thuyết này hoàn toàn mâu thuẫn với các sự dạy dỗ của Chúa Giê-su Christ và các sứ đồ của ngài (Ma-thi-ơ 19:4, 5; I Cô-rinh-tô 15:47). Tuy nhiên, như Chúa Giê-su và các môn đồ thời ban đầu của ngài, ngày nay các tín đồ đấng Christ được thánh linh xức dầu ủng hộ lời tường thuật của Kinh-thánh về sự sáng tạo (Sáng-thế Ký 1:27).
15, 16. Khác với các tôn giáo tự xưng theo đạo đấng Christ, ai đang được tiếp tế đều đặn đồ ăn thiêng liêng, và bằng cách nào?
15 Trong lúc thế gian đi vào “kỳ cuối-cùng”, các tôn giáo tự xưng theo đạo đấng Christ ở trong tình trạng đói kém về thiêng liêng (Đa-ni-ên 12:4; A-mốt 8:11, 12). Nhưng Đức Chúa Trời đều đặn tiếp tế đồ ăn thiêng liêng “đúng giờ” cho nhóm nhỏ gồm những tín đồ đấng Christ được xức dầu, giống như ngài đã lo cho Ê-li có đồ ăn trong thời kỳ đói kém hồi xưa (Ma-thi-ơ 24:45; I Các Vua 17:6, 13-16). Trước kia những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời được gọi là Học Viên Kinh-thánh Quốc Tế, nhưng sau này họ đón nhận danh hiệu dựa theo Kinh-thánh là Nhân-chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10).
16 Ê-li đã sống xứng đáng với ý nghĩa tên mình, tức là “Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời tôi”. Vì là tạp chí chính thức của tôi tớ Đức Giê-hô-va trên đất, Tháp Canh luôn luôn dùng danh của Đức Chúa Trời. Thật vậy, trong số thứ hai (tháng 8 năm 1879), tạp chí này đã bày tỏ sự tin tưởng là được Đức Giê-hô-va hậu thuẫn. Tạp chí này cùng với các sách báo khác của Hội Tháp Canh vạch trần những sự dạy dỗ trái với Kinh-thánh của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và phần còn lại của Ba-by-lôn Lớn tức đế quốc tôn giáo giả thế giới, đồng thời ủng hộ lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời là Kinh-thánh (II Ti-mô-thê 3:16, 17; Khải-huyền 18:1-5).
Trung thành khi bị thử thách
17, 18. Giê-sa-bên phản ứng ra sao khi biết được các nhà tiên tri của Ba-anh đã bị giết, nhưng Ê-li được giúp đỡ như thế nào?
17 Cách phản ứng của hàng giáo phẩm khi bị vạch trần cũng tương tự như của Giê-sa-bên khi biết được rằng Ê-li đã giết các nhà tiên tri của Ba-anh. Bà gởi một thông điệp đến nhà tiên tri trung thành của Đức Giê-hô-va, thề sẽ tìm cách giết ông. Đây không phải là lời đe dọa vu vơ, vì Giê-sa-bên đã giết nhiều nhà tiên tri của Đức Chúa Trời rồi. Vì sợ hãi, Ê-li chạy trốn về hướng tây nam đến Bê-e-Sê-ba. Để người hầu việc ở đó, ông còn đi xa hơn nữa, vào tận đồng vắng, cầu cho được chết. Nhưng Đức Giê-hô-va không bỏ rơi nhà tiên tri của ngài. Một thiên sứ đã hiện đến cùng Ê-li, chuẩn bị cho ông đi đến Núi Hô-rếp. Vậy ông nhận đủ lương thực cho cuộc hành trình dài 40 ngày, hơn 300 cây số. Ở Hô-rếp, Đức Chúa Trời nói với ông sau khi ngài biểu dương quyền năng đáng sợ bằng cơn gió lớn, động đất và lửa. Chính Đức Giê-hô-va không hiện ra trong đó, nhưng các hiện tượng thiên nhiên này là hình thức biểu lộ thánh linh hay sinh hoạt lực của ngài. Rồi Đức Giê-hô-va nói chuyện với nhà tiên tri. Hãy thử tưởng tượng kinh nghiệm này đã tăng sức cho Ê-li tới độ nào (I Các Vua 19:1-12). Như Ê-li, nếu chúng ta sợ hãi phần nào khi bị kẻ thù của sự thờ phượng thật đe dọa thì sao? Kinh nghiệm của Ê-li nên giúp chúng ta hiểu rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ rơi dân ngài (I Sa-mu-ên 12:22).
18 Đức Giê-hô-va cho thấy rõ ràng Ê-li vẫn còn phải làm công việc của nhà tiên tri. Hơn nữa, mặc dù Ê-li tưởng rằng ông là người duy nhất thờ phượng Đức Chúa Trời thật ở Y-sơ-ra-ên, nhưng Đức Giê-hô-va cho ông thấy rằng còn 7.000 người không quì lạy thần Ba-anh. Rồi Đức Chúa Trời sai Ê-li trở lại nhiệm vụ của mình (I Các Vua 19:13-18). Như Ê-li, chúng ta có thể bị những kẻ thù chống sự thờ phượng thật săn đuổi. Chúng ta có thể bị bắt bớ dữ dội, như Chúa Giê-su báo trước (Giăng 15:17-20). Đôi lúc, chúng ta có lẽ cảm thấy lo sợ. Tuy nhiên, chúng ta có thể như Ê-li, là người đã nhận được sự bảo đảm từ Đức Chúa Trời và rồi trung thành kiên trì phụng sự Đức Giê-hô-va.
19. Vào thời Thế Chiến I, các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã trải qua điều gì?
19 Bởi vì bị bắt bớ dữ dội vào thời Thế Chiến I, một số tín đồ đấng Christ được xức dầu nhượng bộ trước sự sợ hãi và ngừng rao giảng. Họ sai lầm khi nghĩ rằng công việc của họ trên đất đã xong rồi. Nhưng Đức Chúa Trời không từ bỏ họ. Trái lại, ngài thương xót nâng đỡ họ, cũng như ngài đã cung cấp đồ ăn cho Ê-li. Như Ê-li, những người trung thành được xức dầu tiếp nhận sự sửa phạt của Đức Chúa Trời và họ đã hồi phục sau thời kỳ không hoạt động. Mắt họ được mở ra để nhìn thấy đặc ân cao cả là rao giảng thông điệp về Nước Trời.
20. Ngày nay, đặc ân nào được ban cho những người trung thành giống như Ê-li?
20 Trong lời tiên tri về sự hiện diện của ngài, Chúa Giê-su nêu rõ một công việc toàn cầu sẽ được hoàn tất trước khi hệ thống gian ác này kết thúc (Ma-thi-ơ 24:14). Ngày nay, công việc này đang được thi hành bởi các tín đồ đấng Christ được xức dầu cùng với hàng triệu người bạn đồng sự, là những người mong đợi được sống trong địa đàng trên đất. Thực hiện công việc rao giảng về Nước Trời cho đến khi hoàn tất là một đặc ân chỉ ban cho những ai trung thành như Ê-li.
Hãy trung thành như Ê-li
21, 22. a) Các tín đồ đấng Christ được xức dầu đang dẫn đầu công việc nào ngày nay? b) Công việc rao giảng được thực hiện nhờ có sự giúp đỡ nào, và tại sao điều đó là cần thiết?
21 Với lòng sốt sắng như của Ê-li, số ít người còn sót lại thuộc lớp tín đồ thật được xức dầu đã thi hành trách nhiệm chăm sóc những quyền lợi trên đất của vị vua đã lên ngôi là Chúa Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 24:47). Và hơn 60 năm qua, Đức Chúa Trời đã dùng những người được xức dầu này để dẫn đầu công việc giúp những người mà ngài ban cho hy vọng tuyệt diệu được sống đời đời trong địa đàng trên đất để trở thành môn đồ đấng Christ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Hàng triệu người này thật biết ơn những người được xức dầu còn sót lại, tương đối còn ít, đang sốt sắng và trung thành thi hành trách nhiệm của họ!
22 Công việc rao giảng về Nước Trời được thực hiện bởi những người bất toàn và chỉ bởi sức mạnh mà Đức Giê-hô-va ban cho những ai cầu nguyện và tin cậy nơi ngài. Khi nêu lên gương của nhà tiên tri Ê-li về việc cầu nguyện để cho thấy sức mạnh của lời cầu nguyện của người công bình, môn đồ Gia-cơ viết: “Ê-li vốn là người yếu-đuối như chúng ta” (Gia-cơ 5:16-18). Ê-li không phải lúc nào cũng nói tiên tri hoặc làm phép lạ. Ông cũng có những cảm xúc và sự yếu đuối như chúng ta có vậy, nhưng ông đã trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Vì cũng được Đức Giê-hô-va giúp đỡ và ban sức, chúng ta có thể trung thành như Ê-li.
23. Tại sao chúng ta có lý do tốt để giữ trung thành và có thái độ lạc quan?
23 Chúng ta có lý do tốt để giữ trung thành và có thái độ lạc quan. Hãy nhớ rằng Giăng Báp-tít đã làm công việc giống như Ê-li trước khi “ngày của Đức Giê-hô-va” diễn ra vào năm 70 CN. Với tâm thần và quyền phép như của Ê-li, những tín đồ đấng Christ được xức dầu đã làm một công việc tương tự mà Đức Chúa Trời giao phó cho họ làm trên khắp đất. Điều này chứng minh rõ ràng rằng “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” sắp đến rồi.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Trên Núi Cạt-mên, Đức Giê-hô-va chứng minh ngài là Đức Chúa Trời bằng cách nào?
◻ Ai là ‘đấng Ê-li phải đến’, và người đó đã làm gì?
◻ Các tín đồ đấng Christ được xức dầu thời nay đã cho thấy họ có tâm thần của Ê-li như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta có thể trung thành giống như Ê-li?
[Khung nơi trang 15]
Ê-li đã lên trời theo nghĩa nào?
“[Ê-LI và Ê-li-sê] cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân-rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc” (II Các Vua 2:11).
Trong trường hợp này chữ “trời” có nghĩa gì? Từ này đôi khi được dùng để chỉ chỗ ở thiêng liêng của Đức Chúa Trời và các thiên sứ, con ngài (Ma-thi-ơ 6:9; 18:10). “Trời” cũng có thể dùng để nói về vũ trụ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:19). Và Kinh-thánh dùng từ này để chỉ về bầu khí quyển gần trái đất, nơi có chim bay và gió thổi (Thi-thiên 78:26; Ma-thi-ơ 6:26).
Vậy thì nhà tiên tri Ê-li đã lên trời theo nghĩa nào? Rõ ràng là ông được mang qua bầu khí quyển của trái đất sang một nơi khác trên đất. Nhiều năm sau đó Ê-li vẫn còn sống trên đất, vì ông đã viết một lá thư cho Vua Giô-ram của xứ Giu-đa (II Sử-ký 21:1, 12-15). Sau này Chúa Giê-su xác nhận rằng Ê-li đã không lên trời, vào nơi chỗ ở thiêng liêng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì ngài tuyên bố: “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời” tức là chính Chúa Giê-su (Giăng 3:13). Chỉ sau khi Chúa Giê-su Christ chết, sống lại, và lên trời thì loài người bất toàn mới có cơ hội được lên trời (Giăng 14:2, 3; Hê-bơ-rơ 9:24; 10:19, 20).