Sự hóa hình của đấng Christ ảnh hưởng thế nào đến bạn?
Bốn người mới vừa đi lên một ngọn núi cao. Rồi một điều lạ lùng xảy ra. Trong lúc ba môn đồ của Giê-su Christ kinh ngạc nhìn, thì ngài biến dạng trước mắt họ. Xin hãy lắng nghe lời tường thuật về biến cố hào hứng này do người viết sách Phúc-âm Mác ghi lại:
“ĐỨC CHÚA GIÊ-SU đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đi tẻ với ngài lên núi cao; và ngài hóa hình trước mặt ba người. Áo xống ngài trở nên sáng-rực và trắng-tinh chói-lòa, đến nỗi chẳng có thợ phiếu nào ở thế-gian phiếu được trắng như vậy. Ê-li và Môi-se hiện ra, nói chuyện cùng Đức Chúa Giê-su. Phi-e-rơ bèn cất tiếng thưa cùng Đức Chúa Giê-su rằng: Lạy thầy, chúng ta ở đây tốt lắm; hãy đóng ba trại, một cái cho thầy, một cái cho Môi-se, và một cái cho Ê-li. Vì Phi-e-rơ không biết mình nói chi, tại cả ba đều sợ-hãi. Lại có một đám mây bao-phủ lấy; và từ đám mây có tiếng phán rằng: Người nầy là Con rất yêu-dấu của ta, hãy vâng nghe người. Thình-lình, các môn-đồ ngó quanh-quất, chẳng thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Chúa Giê-su ở với mình mà thôi” (Mác 9:2-8).
Hãy nghĩ xem! Gương mặt của Giê-su lúc đó sáng lòa y như mặt trời vậy (Ma-thi-ơ 17:2). Áo xống của ngài trở nên sáng rực và chói lòa, “đến nỗi chẳng có thợ phiếu nào ở thế-gian phiếu được trắng như vậy”. Tiếng nói mạnh mẽ vang lên chính là tiếng nói của Đức Chúa Trời tuyên bố về Con Ngài. Thật là một biến cố tuyệt diệu làm sao!
Chữ Hy-lạp dịch ra đây là “hóa hình” có nghĩa là “biến hóa thành một hình dạng khác”. Chữ này cũng được dùng nơi Rô-ma 12:2, ở đây các tín đồ đấng Christ được khuyên hãy “biến-hóa” bởi sự đổi mới của tâm thần mình (An Expository Dictionary of New Testament Words, do W. E. Vine, bộ IV, trang 148).
Đúng thế, một biến cố xúc động đã diễn ra ít lâu sau lễ Vượt qua vào năm 32 công nguyên. Điều gì đã đưa đến phép lạ này? Nó có một mục đích đặc biệt nào không? Tại sao có liên hệ đến Môi-se và Ê-li? Và sự hóa hình này của đấng Christ ảnh hưởng thế nào đến bạn?
Các biến cố trước đó
Trước khi lên núi, Giê-su và các môn đồ đi đến gần thành Sê-sa-rê Phi-líp. Vì thành này cách Núi Hẹt-môn chừng 25 cây số (15 dặm) về phía tây nam, sự hóa hình có lẽ đã diễn ra trên một trong nhiều đỉnh núi cao ấy.
Khi đang đi lên “núi cao”, Giê-su hỏi các môn đồ: “Người ta nói ta là ai?”. Họ đáp: “Kẻ thì nói là Giăng Báp-tít; người thì nói là Ê-li; kẻ khác thì nói là một trong các đấng tiên-tri”. Kế đó đấng Christ hỏi: “Nhưng các ngươi thì nói ta là ai?” Phi-e-rơ đáp: “Thầy là đấng Christ”. Đến đó, Giê-su “cấm ngặt môn-đồ chớ nói sự mình cùng ai hết. Bấy giờ, ngài khởi-sự dạy môn-đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng-lão, các thầy tế-lễ cả, và các thầy thông-giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại” (Mác 8:27-31).
Giê-su nói tiếp và hứa: “Trong những người đứng đây, có mấy kẻ sẽ chẳng chết trước khi chưa thấy nước Đức Chúa Trời lấy quyền-phép mà đến” (Mác 9:1; Ma-thi-ơ 16:28). Lời hứa này được thực hiện “khỏi sáu ngày”, khi Giê-su đang cầu nguyện và hóa hình trước mặt Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Lu-ca thì nói điều này xảy ra “tám ngày” sau, dường như ông đã tính từ ngày lời đã được hứa cho đến ngày được thực hiện (Ma-thi-ơ 17:1, 2; Mác 9:2; Lu-ca 9:28).
Không là giấc mơ hoặc chuyện huyễn
Sự hóa hình của đấng Christ không phải là một giấc mơ. Cả ba sứ đồ chẳng có thể nào có cùng một giấc mơ được, và Giê-su gọi đó là “sự đã thấy”. Điều đó không nói về một chuyện huyễn, bởi vì chữ Hy-lạp dùng nơi Ma-thi-ơ 17:9 được dịch nơi khác là “sự hiện ra” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:31). Do đó những người chứng kiến quan sát đã hoàn toàn tỉnh táo và quả thật đã làm chứng tai nghe mắt thấy sự việc xảy ra (Lu-ca 9:32).
Hoàn toàn tỉnh táo nhưng không biết nói gì, Phi-e-rơ mở miệng đề nghị dựng lên ba cái lều—cho Giê-su, Môi-se và Ê-li mỗi người một cái (Lu-ca 9:33). Đám mây che phủ đang lúc Phi-e-rơ nói hiển nhiên cho thấy Đức Chúa Trời hiện diện trên núi, giống như Ngài đã hiện diện tại đền tạm của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:34-38; Lu-ca 9:34). Và chắc chắn các sứ đồ không ngủ thiếp khi “Đức Chúa Trời, Cha [của Giê-su]” tuyên bố: “Nầy là Con ta, Người được lựa-chọn của ta, hãy nghe Người” (II Phi-e-rơ 1:17, 18; Lu-ca 9:35).
Tại sao họ đã thấy Môi-se
Khi sự hóa hình xảy ra, Môi-se “chẳng biết chi hết”, bởi vì ông đã chết trước đó nhiều thế kỷ (Truyền-đạo 9:5, 10). Cũng giống như Đa-vít, ông chưa được sống lại lúc đó và bởi vậy không đích thân hiện diện (Công-vụ các Sứ-đồ 2:29-31). Nhưng tại sao các môn đồ lại nhìn thấy Môi-se cùng với đấng Christ trong sự hiện thấy đó?
Đức Chúa Trời thuở xưa đã nói với Môi-se: “Ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên-tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng người, thì người sẽ nói cho chúng mọi điều ta phán dặn người” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18). Phi-e-rơ đặc biệt đã áp dụng lời tiên tri này cho Giê-su Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 3:20-23). Ngoài Giê-su ra, Môi-se là nhà tiên tri lớn nhất mà Đức Chúa Trời đã sai đến với dân Y-sơ-ra-ên.
Giữa Môi-se và Môi-se Lớn, tức Giê-su Christ, có các điểm tương đồng. Chẳng hạn như lúc còn sơ sinh, cả hai đều bị các vua chúa đe dọa mạng sống, nhưng Đức Chúa Trời đã gìn giữ hai trẻ sơ sinh ấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:20 đến 2:10; Ma-thi-ơ 2:7-23). Cả hai đều nhịn đói 40 ngày khi bắt đầu sự nghiệp làm tôi tớ đặc biệt của Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:18; 34:28; Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:18, 25; Ma-thi-ơ 4:1, 2). Và cả Môi-se lẫn Giê-su đều đã thực hiện các phép lạ do quyền phép Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21-31; 16:11-36; Thi-thiên 78:12-54; Mác 4:41; Lu-ca 7:18-23; Giăng 14:11).
Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ của Ê-díp-tô, cũng giống như Giê-su thực hiện cuộc giải cứu thiêng liêng (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37 đến 14:31; Giăng 8:31, 32). Môi-se đã nhận được đặc ân làm trung gian cho giao ước Luật pháp giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên, trong khi Giê-su là đấng Trung bảo cho giao ước mới (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-9; 34:3-7; Giê-rê-mi 31:31-34; Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 8:3-6; 9:15). Đức Giê-hô-va cũng đã dùng Môi-se để làm rạng danh cho chính Ngài trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, dân Ê-díp-tô và các dân khác, giống như Giê-su Christ đã làm sáng danh thánh của Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:13-17; I Sa-mu-ên 6:6; Giăng 12:28-30; 17:5, 6, 25, 26). Khi Đức Chúa Trời làm cho Môi-se hiện ra trong sự hóa hình của Giê-su, Ngài cho chúng ta thấy là Giê-su sẽ phụng sự trong các chức vụ đó trên một bình diện rộng lớn hơn.
Tại sao Ê-li hiện ra
Mặc dù nhà tiên tri Ê-li đã chết chưa được sống lại, việc ông xuất hiện trong sự hiện thấy là điều hợp lý. Ê-li đã làm một công việc vĩ đại trong việc phục hưng sự thờ phượng thật và làm sáng danh Đức Giê-hô-va giữa những người Y-sơ-ra-ên. Giê-su Christ cũng đã làm như thế khi còn ở trên đất và ngài còn làm hơn thế nữa để phục hưng việc thờ phượng thanh sạch và biện minh cho Cha ngài trên trời qua Nước Trời do đấng Mê-si.
Nhà tiên tri Ma-la-chi cho thấy công việc của Ê-li làm hình bóng cho hoạt động trong tương lai. Qua miệng của ông, Đức Chúa Trời phán: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên-tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con-cái, lòng con-cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa-sả mà đánh đất nầy” (Ma-la-chi 4:5, 6).
Lời tiên tri này đã ứng nghiệm trên một bình diện nhỏ qua công việc của Giăng Báp-tít. Giê-su giải thích điều này sau khi sự hóa hình diễn ra, khi các môn đồ hỏi ngài tại sao các thầy thông giáo bảo rằng Ê-li phải đến trước—trước khi đấng Mê-si xuất hiện. Giê-su nói: “Thật Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc. Nhưng ta phán cùng các ngươi rằng: Ê-li đã đến rồi, và người ta không nhận biết, song họ lại xử với người theo ý-muốn mình; Con người phải chịu khốn-khổ bởi họ cũng như vậy”. Lời tường thuật nói tiếp: “Môn-đồ bèn hiểu rằng ngài nói đó là nói về Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 17:10-13).
Giăng Báp-tít đã làm một công việc giống như công việc của Ê-li khi ông làm báp têm cho những người Do-thái ăn năn về tội lỗi của họ đối với giao ước Luật pháp. Quan trọng hơn nữa, Giăng Báp-tít là người mở đường cho đấng Mê-si và giới thiệu Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 11:11-15; Lu-ca 1:11-17; Giăng 1:29). Nhưng tại sao công việc của Giăng Báp-tít chỉ làm ứng nghiệm lời tiên tri Ma-la-chi trên một bình diện nhỏ mà thôi?
Trong sự hiện thấy này, môn đồ thấy Ê-li đang tiếp chuyện cùng Giê-su. Sự việc đã xảy ra sau sự chết của Giăng Báp-tít, vậy điều này chứng minh cho thấy rằng công việc tương tợ như của Ê-li sẽ được thực hiện trong tương lai. Hơn thế nữa, lời tiên tri cho thấy rằng công việc này sẽ được thực hiện trước “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”. Biến cố sắp đến một cách nhanh chóng này bao gồm “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” tại Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 16:14-16). Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ có một công việc tương đương với với hoạt động của Ê-li và Ê-li-sê là người nối nghiệp Ê-li trước khi Nước Đức Chúa Trời được thành lập. Và từ hơn một thế kỷ nay, các Nhân-chứng thời nay của Đức Giê-hô-va đang tiếp tục đẩy mạnh một công việc phục hưng sự thờ phượng thật và ca tụng danh của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 145:9-13; Ma-thi-ơ 24:14).
Mục đích của sự hóa hình
Sự hóa hình hẳn đã làm cho Giê-su được vững lòng sửa soạn cho những sự đau đớn và sự chết mà ngài sắp sửa trải qua. Khi nghe chính Cha ngài trên trời nói về ngài như là người Con làm đẹp lòng Cha, chắc hẳn đức tin của Giê-su được vững vàng hơn. Nhưng sự hóa hình đã làm gì cho những người khác?
Sự hóa hình của Giê-su đã làm cho đức tin của những người chứng kiến được vững vàng hơn. Điều đó đã ghi khắc trong trí họ sự kiện Giê-su Christ là Con của Đức Chúa Trời. Quả đúng vậy, và bởi vì Phát ngôn nhân Trưởng của Đức Giê-hô-va, tức Ngôi-Lời, lúc đó ở giữa họ nên họ đã nghe chính tiếng nói của Đức Chúa Trời tuyên bố: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. Dù Đức Giê-hô-va đã nói lời chứng tương tợ như thế lúc Giê-su làm báp têm, nay trong sự hóa hình Ngài còn nói thêm các môn đồ hãy nghe lời Con Ngài (Ma-thi-ơ 3:13-17; 17:5; Giăng 1:1-3, 14).
Sự hóa hình cũng đã làm đức tin thêm vững vàng qua một cách khác nữa. Trong sự hiện thấy, Giê-su, “Môi-se” và “Ê-li” lúc đó nói đến “sự ngài qua đời [ra đi], là sẽ phải ứng-nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 9:31). Chữ “ra đi” được phiên dịch từ một chữ Hy-lạp là eʹxo·dos. Sự rời khỏi—hay sự ra đi—này hiển nhiên bao hàm cả sự chết của Giê-su lẫn sự sống lại của ngài bởi tay Đức Chúa Trời để được sống trong thể thần linh (I Phi-e-rơ 3:18). Vậy sự hóa hình đã làm vững mạnh thêm đức tin nơi sự sống lại của đấng Christ. Đặc biệt điều đó hẳn đã xây dựng đức tin bằng cách cung cấp bằng chứng đáng tin về việc Giê-su sẽ là Vua Nước Mê-si của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự hiện thấy tỏ rõ rằng Nước Trời sẽ được vinh hiển.
Sự hóa hình cũng làm vững mạnh thêm đức tin nơi lời tiên tri của Kinh-thánh. Độ 32 năm sau đó (vào khoảng năm 64 công nguyên), Phi-e-rơ vẫn còn nhắc lại kinh nghiệm đó và viết: “Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền-phép và sự đến của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt-để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai-nghiêm ngài. Vì ngài đã nhận-lãnh sự tôn-trọng vinh-hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha ngài, khi Đấng tôn-nghiêm rất cao phán cùng ngài rằng: ‘Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường’. Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với ngài trên hòn núi thánh. Nhơn đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên-tri chắc-chắn hơn, anh em nên chú-ý lời đó, như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em” (II Phi-e-rơ 1:16-19).
Ý nghĩa đối với chúng ta
Đúng vậy, Phi-e-rơ đã xem sự hóa hình của Giê-su như một sự xác định mạnh mẽ về lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng có lẽ cũng đã ngụ ý nói đến sự hiện thấy này khi ông nói: “Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của ngài, thật như vinh-hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14). Cũng một thể ấy, sự hóa hình có thể xây dựng đức tin của bạn nơi lời tiên tri của Đức Giê-hô-va.
Sự hóa hình và các biến cố liên hệ có thể làm cho vững vàng thêm đức tin của bạn về sự kiện Giê-su Christ là Con của Đức Chúa Trời và là đấng Mê-si đã được hứa. Điều đó cũng có thể làm bạn vững tin hơn nơi sự sống lại của Giê-su trong thể thần linh trên trời. Sự hiện thấy lạ lùng này cũng nên gia tăng đức tin của bạn nơi chính phủ của Đức Chúa Trời, bởi vì sự hóa hình đã cho thấy trước sự vinh hiển của đấng Christ và quyền lực Nước Trời.
Điều đặc biệt làm cho đức tin vững mạnh thêm là hiểu rằng sự hóa hình của đấng Christ chỉ về thời buổi chúng ta, khi Giê-su thật sự hiện diện (Ma-thi-ơ 24:3-14). Kể từ năm 1914 Đức Chúa Trời bổ nhiệm ngài lên làm Vua cai trị ở trên trời. Chẳng bao lâu nữa ngài sẽ hành xử quyền thế và quyền lực do Đức Chúa Trời ban cho ngài để đánh lại tất cả các kẻ thù của Đức Chúa Trời, mở đường cho một thế giới mới (II Phi-e-rơ 3:13). Bạn có thể vui hưởng những ân phước vô tận của thế giới mới nếu đặt đức tin nơi những điều tuyệt diệu được diễn đạt trong sự hóa hình của Giê-su Christ.