Gìn giữ sự kính sợ Đức Giê-hô-va
“Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Vì ta là Vua lớn, danh ta là đáng sợ giữa các dân ngoại” (MA-LA-CHI 1:14).
1, 2. a) Sách Ma-la-chi chứa đựng thông điệp mạnh mẽ nào? b) Lời mở đầu trong thông điệp Đức Giê-hô-va cung cấp một bài học nào?
“Gánh nặng lời Đức Giê-hô-va cho Y-sơ-ra-ên bởi Ma-la-chi” (Ma-la-chi 1:1). Câu ngắn gọn đầy khích động này mở đầu sách Ma-la-chi trong Kinh-thánh. Trong Kinh-thánh lời tuyên bố thường là một sự lên án kẻ ác. Điều này chắc hẳn là đúng trong trường hợp của sách Ma-la-chi với thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ cho nước Y-sơ-ra-ên xưa. Xem xét những lời đó sẽ làm nổi bật việc chúng ta cần gìn giữ sự kính sợ Đức Giê-hô-va và lòng yêu thương đối với Ngài.
2 Hai câu đầu trong sách cung cấp một bài học trong việc khuyên bảo. Đức Giê-hô-va cam đoan với những người nghe Ngài về ý muốn của Ngài để giúp họ: “Đức Giê-hô-va có phán: Ta yêu các ngươi”. Thật là một lời giới thiệu nồng ấm, thiết tha cho những người có lòng ngay thẳng trong Y-sơ-ra-ên. Thông điệp nói tiếp: “Và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu? Đức Giê-hô-va phán: Ê-sau há chẳng là anh Gia-cốp sao? Nhưng ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau, ta làm cho những núi nó nên hoang-vu, và phó sản-nghiệp nó cho những chó nơi đồng vắng” (Ma-la-chi 1:2, 3).
3. Những lý do nào đã khiến Đức Giê-hô-va yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau?
3 Tại sao Đức Giê-hô-va yêu Gia-cốp và sau đó con cháu của Gia-cốp, là dân Y-sơ-ra-ên? Bởi vì Gia-cốp biết kính sợ Đức Chúa Trời và kính trọng cha mẹ cũng là những người biết kính sợ Đức Chúa Trời của ông. Ngược lại, Ê-sau đã là một người ích kỷ, thiếu sự kính sợ đối với Đức Chúa Trời. Cũng thế, ông đã bất kính đối với cha mẹ ông là người có quyền mong mỏi sự vâng lời của ông. Đức Giê-hô-va yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau thật đúng lý. Đây là một sự cảnh cáo cho chúng ta. Chúng ta nên tránh để đừng bao giờ mất đi sự kính sợ Đức Giê-hô-va mà đi theo chủ nghĩa vật chất như Ê-sau, chỉ muốn làm thỏa mãn lòng ham muốn của xác thịt (Sáng-thế Ký 26:34, 35; 27:41; Hê-bơ-rơ 12:16).
4, 5. a) Đường lối sống của Gia-cốp và Ê-sau đưa đến hậu quả nào cho con cháu họ? b) Điều này có ảnh hưởng thế nào đến người Y-sơ-ra-ên?
4 Cũng như đường lối sống của Gia-cốp đã đem lại ân phước cho con cháu ông là dân Y-sơ-ra-ên, thì đường lối sống của Ê-sau cũng đem lại những sự vô phước cho con cháu ông là dân Ê-đôm. Dân Ê-đôm đã không được hưởng ân huệ của Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, bởi sự chống đối tàn ác của họ đối với dân của giao ước Ngài, họ phải chịu sự ghen ghét của Đức Giê-hô-va. Họ bị chinh phục bởi quân đội của vua Nê-bu-cát-nết-sa và sau đó bởi người Á-rập. Dần dần, theo lời của tiên tri Đức Giê-hô-va, dân Ê-đôm đã tan rã, không còn là một nước nữa (Áp-đia 18).
5 Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên dân Ê-đôm đã bắt đầu trước thời của Ma-la-chi. Điều này đã có ảnh hưởng thế nào trên dân Y-sơ-ra-ên? Đức Giê-hô-va phán cùng họ: “Mắt các ngươi sẽ thấy, và các ngươi sẽ nói rằng: Nguyền Đức Giê-hô-va là lớn ngoài cõi Y-sơ-ra-ên!” (Ma-la-chi 1:5). Trải qua nhiều thế kỷ, dân Y-sơ-ra-ên đã thấy với “chính mắt” họ lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với quốc gia của họ.
Hành động của chúng ta chứng tỏ chúng ta có kính sợ Đức Chúa Trời hay không
6. Đức Giê-hô-va buộc tội dân Y-sơ-ra-ên thế nào?
6 Lời tuyên bố nói tiếp: “Con trai tôn-kính cha mình, đầy-tớ tôn-kính chủ mình. Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn-kính thuộc về ta ở đâu? và nếu ta là chủ, nào sự kính-sợ ta ở đâu? Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy cùng các ngươi, hỡi các thầy tế-lễ khinh-dể danh ta!” (Ma-la-chi 1:6; Xuất Ê-díp-tô Ký 4:22, 23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:6). Đức Giê-hô-va đã sửa dạy dân Y-sơ-ra-ên, cung cấp cho họ và che chở họ như một người cha đối cùng con. Ngài có quyền mong đợi họ trả lại điều gì? Ngài muốn được tôn vinh và kính sợ. Cả nước, kể cả các thầy tế lễ, đã không làm điều đó mà còn bày tỏ sự bất kính đối với danh của Đức Giê-hô-va và khinh dể danh Ngài. Họ trở thành “con-cái bội-nghịch” (Giê-rê-mi 3:14, 22; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:18-20; Ê-sai 1:2, 3).
7. Dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy thế nào về sự buộc tội này và Đức Giê-hô-va trả lời họ thế nào?
7 Dân Y-sơ-ra-ên hỏi: “Chúng tôi có khinh-dể danh Ngài ở đâu?” Đức Giê-hô-va trả lời mạnh mẽ: “Các ngươi dâng bánh ô-uế trên bàn-thờ ta, rồi các ngươi nói rằng: Chúng tôi có làm ô-uế Ngài ở đâu? Ấy là ở [điều] các ngươi nói rằng: Bàn của Đức Giê-hô-va đáng khinh-dể. Khi các ngươi dâng một con vật mù làm của-lễ, [điều] đó há chẳng phải là dữ sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc đau, [điều] đó há chẳng phải là dữ sao? Thử dâng nó cho quan trấn-thủ ngươi, thì người há đẹp lòng và vui-nhận cho ngươi sao? Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (Ma-la-chi 1:6-8).
8. Dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ gì qua hành động của họ?
8 Người ta có thể tưởng tượng một người Y-sơ-ra-ên xem xét bầy súc vật của mình và quỷ quyệt chọn một con đui hay què để dâng cho Đức Giê-hô-va. Qua cách đó, hắn vẫn làm theo lệ dâng của-lễ hy sinh nhưng lại ích kỷ giữ riêng con vật tốt nhất cho chính mình. Hắn chẳng dám làm như thế đối với quan trấn thủ! Nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã làm thế đối với Đức Giê-hô-va—làm như là Ngài không thấy sự xảo trá gian dối của họ. Đức Giê-hô-va hỏi họ một cách chính đáng: “Sự tôn-kính thuộc về ta ở đâu?” Qua lời của họ, họ có thể tự xưng kính sợ Đức Giê-hô-va nhưng hành động của họ chứng tỏ rõ ràng là họ làm ngược lại (Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:21).
9. Các thầy tế lễ phản ứng thế nào về những gì dân chúng làm?
9 Phản ứng của các thầy tế lễ là thế nào đối với của-lễ hy sinh đáng khinh này? Họ nói: “[Điều] đó chẳng phải là dữ”. Họ biện hộ cho đường lối gian ác của dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế, mặc dầu những người bị lưu đày từ Ba-by-lôn trở về mới đầu có lòng nhiệt thành phục hồi sự thờ phượng thật, sau đó họ lại bất cẩn, kiêu ngạo và tự cho mình là công bình. Họ mất đi sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Vì thế, việc dâng hiến trong đền thờ trở thành một sự chế giễu và họ giữ những ngày lễ cho có lệ (Ma-la-chi 2:1-3; 3:8-10).
10. a) Đức Giê-hô-va muốn sự hy sinh nào ngày nay? b) Chỉ thế nào sự hy sinh của chúng ta mới được Đức Giê-hô-va chấp nhận?
10 Vài người có lẽ sẽ nói: «Điều này không áp dụng cho chúng ta vì chúng ta đâu còn phải hy sinh thú vật». Nhưng chúng ta còn có loại hy sinh khác để dâng. Hãy chú ý tới lời kêu gọi khẩn khoản của sứ đồ Phao-lô: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương-xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1). Của-lễ hy sinh mà Đức Giê-hô-va muốn ngày nay là chính bạn! Đó là năng lực, tài sản và khả năng của bạn. Sự hy sinh của chúng ta chỉ được Ngài chấp nhận khi nào chúng ta dâng cho Ngài những gì tốt nhất của chúng ta. Dâng hiến những đồ cặn thừa cho Đức Giê-hô-va cũng giống như của-lễ què quặt, bệnh hoạn thì chắc chắn ảnh hưởng đến sự liên lạc của chúng ta đối với Ngài.
11. Mỗi tôi tớ sốt sắng của Đức Giê-hô-va nên cẩn thận xem xét gì?
11 Mặc dầu vài người có thể nói tương tự như “điều đó chẳng phải là dữ”, chúng ta biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc đó. Thế thì chúng ta hãy cẩn thận xem xét kỹ lưỡng “sự hy sinh” trong “thánh chức” mà chúng ta dâng hiến, bao gồm công việc rao giảng, học hỏi cá nhân và tham dự nhóm họp. Bạn có hài lòng rằng những gì bạn dâng hiến cho Đức Giê-hô-va là những thứ tốt nhất của bạn hay chỉ là sự cặn thừa? Có sự nguy hiểm trong việc dính líu đến sự tiêu khiển hay giải trí vào cuối tuần để rồi không còn thì giờ hay năng lực để rao giảng tin mừng về Nước Trời và dự nhóm họp. Cả sự sống, công việc hằng ngày gồm cả thái độ và động lực của chúng ta nên đi đôi với sự hy sinh mà chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va. Mong rằng đó là việc dâng những gì tốt nhất của chúng ta!
Nhận rõ những người kính sợ Đức Chúa Trời thật
12. Có lời khuyên nào cho chúng ta nơi đây?
12 Lời tiên tri nói tiếp: “Nay ta xin các ngươi hãy nài-xin ơn Đức Chúa Trời, hầu cho Ngài làm ơn cho chúng ta” (Ma-la-chi 1:9). Đức Giê-hô-va kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên làm điều đúng, bày tỏ sự kính sợ đúng mức đối với Đức Chúa Trời và dâng hiến những điều xứng đáng cho Ngài. Chúng ta cũng phải làm giống như thế ngày nay. Chỉ bằng cách sống theo sự đòi hỏi của Đức Giê-hô-va, chúng ta mới có thể nhận được và gìn giữ ân huệ của Ngài.
13. a) Không có sự kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy nào? b) Sự tham lam đã ảnh hưởng thế nào đến các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên?
13 Không có sự kính sợ đúng mức đối với Đức Chúa Trời, việc chúng ta phụng sự Ngài có thể chỉ là làm cho có lệ mà thôi hay là vì lợi riêng. Hãy chú ý cách mà Đức Giê-hô-va hỏi các thầy tế lễ người Y-sơ-ra-ên về công việc đền thờ của họ: “Ước gì trong các ngươi có một người đóng các cửa, hầu cho các ngươi không nhen lửa vô-ích nơi bàn-thờ ta. Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Ta chẳng lấy làm vui lòng nơi các ngươi, và ta chẳng nhận nơi tay các ngươi một của-dâng nào hết” (Ma-la-chi 1:10). Ồ, đúng rồi, các thầy tế lễ ở đó làm bổn phận trong đền thờ, đóng cửa trong nơi đền thánh, thắp đèn trên bàn thờ. Nhưng họ không làm một cách vô vụ lợi. Họ đã trông mong được của bố thí và hối lộ từ những người Y-sơ-ra-ên đến dâng của-lễ nơi đền thờ. Đức Giê-hô-va thấy không vui gì thời đó thì Ngài cũng không vui gì ngày nay nơi sự dâng hiến mà chỉ vì lợi tư kỷ. Đó là một sự gớm ghiếc đối với Ngài.
14. Tại sao ngày nay vẫn còn cần đề phòng chống lại sự tham lam?
14 Vào thời kỳ chúng ta ngày nay vẫn còn cần đề phòng chống lại sự ích kỷ và tham lam. Kinh-thánh cảnh cáo chúng ta nhiều lần chống lại sự tham lam, nói rằng người tham lam không được Đức Giê-hô-va yêu mến (I Cô-rinh-tô 6:10; Ê-phê-sô 5:5). Trong thánh chức của chúng ta, mong rằng sự yêu thương và kính sợ Đức Giê-hô-va giúp chúng ta không bao giờ làm vì lợi riêng. Chúng ta nên tuyệt diệt bất cứ khuynh hướng nào như vậy có thể nổi lên trong lòng chúng ta. Các trưởng lão và tôi tớ chức vụ đặc biệt cẩn thận để khỏi “tham lợi phi-nghĩa” (Tít 1:7; I Ti-mô-thê 3:8; I Phi-e-rơ 5:2). Một số người có thể cố ý chỉ vun trồng sự liên lạc với những anh em nào có thể giúp họ về vật chất, đưa đến hậu quả là tính thiên vị và ngần ngại khuyên bảo những anh em giàu đó. Đừng bao giờ chúng ta muốn trở thành như những thầy tế lễ tham lam trong dân Y-sơ-ra-ên, chỉ tìm sự bố thí và của hối lộ do các người Y-sơ-ra-ên khác.
15. a) Ma-la-chi đã tiên tri thế nào về việc sẽ có những người kính sợ Đức Giê-hô-va trên khắp trái đất? b) Những câu Kinh-thánh nào khác nói về vấn đề này?
15 Ngày nay, nếu Đức Giê-hô-va hỏi: “Sự tôn-kính thuộc về ta ở đâu?”, có dân nào có thể trả lời: «Chúng tôi đây là những người kính sợ Ngài?», hay không? Chắc chắn là có! Ai thế? Các nhân-chứng trung thành của Đức Giê-hô-va, hiện ở khắp nơi trên trái đất. Nhóm người này trên thế giới và công việc mà họ làm được tiên tri nơi Ma-la-chi 1:11: “Vì từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại... người ta sẽ dâng hương và của-lễ thanh-sạch cho danh ta; vì danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”. (Cũng xem Thi-thiên 67:7; Ê-sai 33:5, 6; 41:5; 59:19; Giê-rê-mi 32:39, 40).
16. Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn có những ý nghĩa khác nhau nào, và điều này đang được ứng nghiệm thế nào?
16 Thật thích hợp nơi đây sự kiện Ma-la-chi báo về một công việc to tát ngày nay đang được làm để rao giảng tin mừng trên khắp trái đất (Ma-thi-ơ 24:14; Khải-huyền 14:6, 7). Từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn, theo nghĩa địa dư, là từ đông chí tây. Dù chúng ta nhìn nơi nào trên đất ngày nay, chúng ta cũng thấy những người kính sợ Đức Giê-hô-va, làm theo ý muốn của Ngài. Từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn cũng có nghĩa là suốt ngày. Đúng, sự khen ngợi được dâng lên cho Đức Chúa Trời thường xuyên bởi những tôi tớ biết kính sợ Ngài. Như Đức Giê-hô-va đã hứa, danh Ngài sẽ được vang dậy trên khắp trái đất bởi những người thật sự kính sợ Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16; I Sử-ký 16:23, 24; Thi-thiên 113:3).
Gìn giữ sự kính sợ đúng mức đối với Đức Chúa Trời
17. Hậu quả là gì nếu chúng ta mất đi lòng kính trọng và sự kính sợ đối với Đức Giê-hô-va?
17 Đối với những người không kính trọng và sợ Đức Giê-hô-va, sự thờ phượng và thánh chức trở thành một gánh nặng. Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Song các ngươi làm uế-tục danh ta mà rằng: Bàn của Đức Giê-hô-va là ô-uế, đồ-ăn đến từ trên nó là đáng khinh-dể. Các ngươi lại nói rằng: Ôi! việc khó-nhọc là dường nào!” (Ma-la-chi 1:12, 13). Điều này cũng có thật trong thời nay. Đối với những người mất sự kính sợ Đức Giê-hô-va, đi nhóm họp, rao giảng và những hoạt động khác của người tín đồ đấng Christ có thể trở thành một gánh nặng.
18. Đôi khi có điều gì xảy ra cho các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời?
18 Hãy chú ý những người như thế được miêu tả trong Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 1-1-1937: “Đối với những người bất trung, đặc ân phụng sự Đức Chúa Trời bằng cách đem lại bông trái của Nước Trời cho những người khác, như Chúa đã phán dạy, đã trở thành một nghi lễ chán chường và theo thông lệ, điều đã làm cho họ không có cơ hội để sáng chói theo mắt loài người. Việc đem thông điệp Nước Trời từ nhà này sang nhà kia dưới hình thức ấn phẩm và giới thiệu sách báo với mọi người là quá nhục nhã cho những người tự coi mình là quan trọng đó. Họ không thấy vui... Vì vậy họ đã và tiếp tục nói: «Việc mang sách báo đi đây đi đó chỉ là mánh lới để bán sách. Thật là một công việc nhàm chán!»” Ngay cả ngày nay có những người thỉnh thoảng thấy công việc rao giảng là cực nhọc và nhóm họp là tẻ nhạt. Đây là điều có thể xảy ra khi chúng ta mất sự kính sợ đối với Đức Chúa Trời cùng với lòng yêu thương dành cho Ngài.
19. Chúng ta tiếp tục chứng tỏ thế nào về lòng biết ơn đối với các sự cung cấp của Đức Giê-hô-va?
19 Gìn giữ sự kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta khiêm nhường trước mặt Ngài và biết ơn về tất cả những gì Ngài làm cho chúng ta. Dù cho chúng ta đang có mặt ở một buổi họp nhỏ trong một nhà nào hay tại một nơi rộng lớn có hàng chục ngàn người ở một vận động trường đi nữa, chúng ta vẫn cám ơn Đức Giê-hô-va về đặc ân gặp gỡ với các anh em tín đồ đấng Christ. Chúng ta sẽ biểu lộ sự biết ơn bằng cách hiện diện tại đó và khuyên giục người khác có mặt “về lòng yêu-thương và việc tốt-lành” qua sự đối thoại xây dựng và lời bình luận của chúng ta trong buổi họp (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Nếu chúng ta có đặc ân đảm nhiệm phần nào trong buổi họp, chúng ta sẽ tránh lần lữa đến phút chót mới sửa soạn, vội vã gom lại vài ý tưởng với nhau. Chớ bao giờ xem những nhiệm vụ đó là thông thường. Tất cả đều là đặc ân thiêng liêng và cách chúng ta đảm nhận là cách chứng tỏ chúng ta kính trọng và kính sợ Đức Giê-hô-va.
20. a) Chúng ta chớ bao giờ quên điều gì? b) Chúng ta đi đến lời kết luận nào?
20 Hậu quả thật đáng buồn thay cho những kẻ mất lòng kính sợ Đức Chúa Trời! Họ thiếu sự biết ơn đối với đặc ân có được mối liên lạc với Đấng Chủ tể của vũ trụ. “Ta là Vua lớn, danh ta là đáng sợ giữa các dân ngoại” (Ma-la-chi 1:14; Khải-huyền 15:4). Mong rằng chúng ta không bao giờ quên điều đó. Mong rằng mỗi người chúng ta giống như người viết Thi-thiên đã nói: “Tôi là bạn-hữu của mọi người kính-sợ Chúa” (Thi-thiên 119:63). Sau khi xem xét vấn đề này, chúng ta đi đến lời kết luận giống như vua Sa-lô-môn khi ông nói: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền-đạo 12:13, 14).
Những bài học trong sách Ma-la-chi—
◻ Tại sao dân Y-sơ-ra-ên có bổn phận phải kính sợ Đức Giê-hô-va?
◻ Làm sao hành động chứng tỏ chúng ta có thật sự kính sợ Đức Giê-hô-va hay không?
◻ Điều gì chứng tỏ là trên khắp đất ngày nay có những người thật sự kính sợ Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao chúng ta phải gìn giữ sự kính sợ chính đáng đối với Đức Chúa Trời?
[Câu nổi bật nơi trang 16]
Từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn, danh Đức Giê-hô-va sẽ là lớn
[Hình nơi trang 15]
Dân Y-sơ-ra-ên khinh dể Đức Giê-hô-va bằng cách đem dâng cho Ngài các con thú mù, què hay bệnh hoạn làm của-lễ hy sinh