Đức Giê-hô-va ghét đường lối phỉnh dối
‘Chớ đãi anh em mình cách gian-dối’.—MA-LA-CHI 2:10.
1. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải làm gì nếu muốn được sự sống vĩnh cửu?
BẠN có muốn được sống mãi mãi không? Nếu tin vào hy vọng đó, như Kinh Thánh hứa, có lẽ bạn sẽ nói: ‘Dĩ nhiên’. Nhưng nếu muốn được Đức Chúa Trời ban sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới của Ngài, bạn phải đáp ứng những điều Ngài đòi hỏi. (Truyền-đạo 12:13; Giăng 17:3) Đó có phải là đòi hỏi hợp lý đối với những người bất toàn không? Có, vì Đức Giê-hô-va đã tuyên bố những lời khích lệ này: “Ta ưa sự nhân-từ mà không ưa của-lễ, ưa sự nhìn-biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của-lễ thiêu”. (Ô-sê 6:6) Vậy, ngay cả loài người lầm lỗi cũng có thể thực hiện những đòi hỏi của Đức Chúa Trời.
2. Nhiều người Y-sơ-ra-ên đã phỉnh dối Đức Giê-hô-va như thế nào?
2 Tuy nhiên, không phải mọi người đều thích làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va. Ô-sê cho thấy ngay cả nhiều người Y-sơ-ra-ên cũng không muốn làm điều đó. Với tư cách một dân tộc, họ đã cam kết vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:1-8) Thế nhưng chẳng bao lâu sau họ đã “phạm lời giao-ước”, vi phạm luật pháp của Ngài. Vì thế, Đức Giê-hô-va nói những người Y-sơ-ra-ên đó “đã phỉnh-dối” Ngài. (Ô-sê 6:7) Và từ đó về sau nhiều người khác cũng đã làm thế. Đức Giê-hô-va ghét đường lối phỉnh dối, dù là đối với Ngài hoặc đối với những người yêu mến và phụng sự Ngài.
3. Bài học này sẽ phân tích điều gì?
3 Ô-sê không phải là nhà tiên tri duy nhất làm rõ quan điểm của Đức Chúa Trời về sự phỉnh dối, một quan điểm mà chúng ta cần noi theo nếu mong muốn có đời sống hạnh phúc. Trong bài trước, chúng ta đã phân tích nhiều điều trong thông điệp tiên tri của Ma-la-chi, bắt đầu từ chương một. Bây giờ chúng ta hãy mở tiếp sang chương hai để thấy quan điểm của Đức Chúa Trời về sự phỉnh dối được nhấn mạnh thêm thế nào trong sách này. Dù Ma-la-chi đề cập đến tình trạng phổ biến trong dân Đức Chúa Trời hàng chục năm sau khi họ hồi hương từ Ba-by-lôn, nhưng phần này cũng rất có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay.
Những thầy tế lễ đáng trách
4. Đức Giê-hô-va cảnh cáo các thầy tế lễ điều gì?
4 Chương 2 mở đầu với lời kết án của Đức Giê-hô-va đối với các thầy tế lễ Do Thái đã lìa xa đường lối công bình của Ngài. Nếu không hết lòng chú ý đến lời khuyên của Ngài và không sửa chữa đường lối, chắc chắn họ sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng. Hãy lưu ý hai câu đầu: “Hỡi các thầy tế-lễ, bây giờ ta truyền lịnh nầy về các ngươi. Nếu các ngươi chẳng nghe, và không để lòng dâng sự vinh-hiển cho danh ta, thì, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, ta sẽ giáng sự rủa-sả trên các ngươi, và sẽ rủa-sả những phước-lành của các ngươi”. Giá như các thầy tế lễ dạy dân chúng luật pháp Đức Chúa Trời và vâng giữ luật pháp ấy, hẳn họ đã được ban phước. Nhưng vì lờ đi ý muốn Ngài, họ phải lãnh sự rủa sả. Ngay cả những lời chúc phước của các thầy tế lễ cũng trở thành lời rủa sả.
5, 6. (a) Tại sao các thầy tế lễ đặc biệt đáng trách? (b) Đức Giê-hô-va tỏ ra khinh thường các thầy tế lễ như thế nào?
5 Tại sao các thầy tế lễ đặc biệt đáng trách? Câu 7 nêu rõ lý do: “Môi-miếng của thầy tế-lễ nên giữ sự thông-biết, người ta tìm luật-pháp trong miệng nó, vì nó là sứ-giả của Đức Giê-hô-va vạn-quân”. Hơn một ngàn năm trước đó, luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se ghi rõ các thầy tế lễ có trách nhiệm ‘dạy dân Y-sơ-ra-ên các mạng-lịnh mà Đức Giê-hô-va đã truyền dặn’. (Lê-vi Ký 10:11) Buồn thay, một thời gian sau đó, người viết 2 Sử-ký 15:3 tường thuật: “Đã lâu ngày, Y-sơ-ra-ên không có Chúa thật, không có thầy tế-lễ dạy-dỗ, cũng chẳng có luật-pháp”.
6 Trong thời Ma-la-chi vào thế kỷ thứ năm TCN, các thầy tế lễ cũng ở trong tình trạng đó. Họ không dạy Luật Pháp Đức Chúa Trời cho dân chúng. Vì thế, họ đáng bị lên án. Hãy lưu ý những lời mạnh mẽ Đức Giê-hô-va phán với họ nơi Ma-la-chi 2:3: “Ta sẽ... rải phân trên mặt các ngươi, tức là phân của những lễ các ngươi”. Quả là lời quở trách nặng nề! Thường phân của con vật dâng làm của-lễ phải được đem ra ngoài trại quân để đốt. (Lê-vi Ký 16:27) Nhưng Đức Giê-hô-va nói những phân đó sẽ được rải trên mặt họ, điều đó cho thấy rõ Ngài khinh thường và không chấp nhận của-lễ cũng như những kẻ dâng của-lễ.
7. Tại sao Đức Giê-hô-va nổi giận với những thầy dạy Luật?
7 Nhiều thế kỷ trước thời Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va đã giao cho người Lê-vi nhiệm vụ trông coi lều tạm và sau đó là đền thờ, cùng làm những công việc thánh. Họ cũng là những thầy dạy luật trong nước Y-sơ-ra-ên. Chu toàn nhiệm vụ ấy sẽ mang lại sự sống và sự bình an cho chính họ và cho cả dân sự. (Dân-số Ký 3:5-8) Nhưng người Lê-vi lại mất đi lòng kính sợ ban đầu đối với Đức Giê-hô-va. Vì thế, Ngài bảo họ: “Các ngươi đã xây khỏi đường-lối, làm cho nhiều người vấp-ngã trong luật-pháp, và đã làm sai giao-ước của Lê-vi... Các ngươi chẳng giữ đường-lối ta”. (Ma-la-chi 2:8, 9) Vì không dạy lẽ thật và nêu gương xấu, các thầy tế lễ đã làm nhiều người Y-sơ-ra-ên lầm lạc. Do đó, Đức Giê-hô-va nổi giận với họ là điều chính đáng.
Giữ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời
8. Đòi hỏi con người phải giữ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời có phải là điều quá đáng không? Hãy giải thích.
8 Chúng ta đừng nghĩ rằng các thầy tế lễ đó đáng được thông cảm và tha thứ vì họ chỉ là con người bất toàn, không đủ sức giữ tiêu chuẩn Đức Chúa Trời. Thực tế con người có thể giữ các điều răn Đức Chúa Trời vì Ngài không đòi hỏi những điều quá sức họ. Có thể một số thầy tế lễ thời đó đã làm được điều này, và chắc chắn có một người khác nữa sau này cũng làm được, đó là Chúa Giê-su, “thầy tế-lễ thượng-phẩm” lớn. (Hê-bơ-rơ 3:1) Đích thực có thể nói về ngài: “Luật-pháp của sự chân-thật đã ở trong miệng [người], trong môi-miếng [người] chẳng có một sự không công-bình nào; [người] đã bước đi với ta trong sự bình-an và ngay-thẳng, làm cho nhiều người xây-bỏ khỏi sự gian-ác”.—Ma-la-chi 2:6.
9. Vào thời chúng ta, ai đã trung thành truyền bá lẽ thật?
9 Tương tự như thế, hơn một thế kỷ qua các anh em được xức dầu của Đấng Christ, tức những người có hy vọng lên trời, đã phụng sự với tư cách người làm “chức tế-lễ thánh, đặng dâng của tế-lễ thiêng-liêng... đẹp ý Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:5) Họ đã dẫn đầu trong việc truyền bá lẽ thật Kinh Thánh. Qua kinh nghiệm của bạn khi học lẽ thật Kinh Thánh, chẳng phải bạn đã thấy luật pháp của sự chân thật nơi miệng họ sao? Họ đã giúp nhiều người thoát khỏi sai lầm về tôn giáo; kết quả là ngày nay, hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đã được học biết lẽ thật Kinh Thánh và có hy vọng sống mãi mãi. Những người này cũng có đặc ân dạy dỗ luật pháp của sự chân thật cho hàng triệu người khác nữa.—Giăng 10:16; Khải-huyền 7:9.
Lý do để thận trọng
10. Tại sao chúng ta cần thận trọng?
10 Tuy nhiên, cần thận trọng vì có thể chúng ta bỏ qua bài học hàm chứa trong Ma-la-chi 2:1-9. Cá nhân chúng ta có cẩn thận sao cho trong môi miệng mình chẳng có một sự không công bình nào hay không? Chẳng hạn, những người trong gia đình có thể thật sự tin cậy những gì chúng ta nói không? Còn anh chị em trong hội thánh thì sao? Người ta dễ quen thói nói lắt léo, dùng những từ chính xác về nghĩa nhưng thực chất là nhằm làm người khác lầm lạc. Hoặc có thói quen phóng đại hay che giấu bớt chi tiết trong kinh doanh. Chẳng lẽ Đức Giê-hô-va không thấy những điều đó? Nếu chúng ta theo những thói đó, liệu Ngài có chấp nhận của-lễ ngợi khen từ môi miệng chúng ta không?
11. Ai đặc biệt cần cảnh giác?
11 Đối với các anh có đặc ân dạy dỗ trong hội thánh ngày nay, Ma-la-chi 2:7 thật là một lời cảnh giác. Câu đó nói môi họ “nên giữ sự thông-biết, người ta tìm luật-pháp” từ nơi đó. Những người dạy dỗ có trách nhiệm nặng nề vì Gia-cơ 3:1 cho biết họ “sẽ phải chịu xét-đoán càng nghiêm hơn”. Mặc dù họ nên dạy dỗ một cách hăng hái và nhiệt tình, nhưng sự dạy dỗ của họ phải có cơ sở vững chắc dựa trên Lời của Đức Chúa Trời và những tài liệu do tổ chức Ngài cung cấp. Bằng cách đó họ sẽ trở nên “có tài dạy-dỗ”. Vì thế, họ được khuyên: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:2, 15.
12. Những người dạy dỗ cần cẩn thận điều gì?
12 Nếu không cẩn thận, khi dạy dỗ chúng ta dễ có khuynh hướng chêm vào quan điểm hoặc ý riêng. Điều này đặc biệt có nguy cơ xảy ra với một người có khuynh hướng quá tự tin vào phán đoán riêng của mình, ngay cả khi điều đó trái ngược với sự dạy dỗ của tổ chức Đức Giê-hô-va. Nhưng Ma-la-chi chương 2 cho thấy chúng ta có quyền đòi hỏi những người dạy dỗ hội thánh phải theo sát sự hiểu biết đến từ Đức Chúa Trời, chứ không phải ý kiến riêng, là điều có thể khiến bầy chiên vấp phạm. Chúa Giê-su nói: “Nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội-lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn”.—Ma-thi-ơ 18:6.
Kết hôn với người ngoại đạo
13, 14. Ma-la-chi nêu rõ cách cư xử phỉnh dối nào?
13 Từ câu 10 trở đi, Ma-la-chi chương 2 còn nêu rõ sự phỉnh dối một cách thẳng thừng hơn. Ma-la-chi xoáy vào hai cách cư xử có liên quan với nhau, mà ông nhắc đi nhắc lại là “gian-dối”. Trước hết, hãy để ý ông mở đầu lời khuyên bằng những câu hỏi sau: “Hết thảy chúng ta chẳng phải là có chung một cha sao? Chẳng phải chỉ có một Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta sao? Vậy sao ai nấy đãi anh em mình cách gian-dối, phạm giao-ước của tổ-phụ chúng ta?” Rồi nơi câu 11, ông nói thêm rằng dân Y-sơ-ra-ên gian dối đến mức làm ô uế “sự thánh-khiết của Đức Giê-hô-va”. Họ đã làm gì nghiêm trọng đến thế? Câu này cho biết một trong hai hành động sai quấy của họ là: “Cưới con gái của thần ngoại”.
14 Nói cách khác, một số người Y-sơ-ra-ên thuộc dân tộc đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va đi cưới người không thờ phượng Ngài. Văn mạch giúp chúng ta hiểu tại sao điều này nghiêm trọng đến thế. Câu 10 nói họ có cùng một cha. Ở đây không có ý nói Gia-cốp (được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên), hoặc Áp-ra-ham, hay ngay cả A-đam. Ma-la-chi 1:6 cho thấy Đức Giê-hô-va chính là người “cha” đó. Dân tộc Y-sơ-ra-ên có quan hệ với Ngài, vì có phần trong giao ước của tổ phụ họ. Một trong những điều luật của giao ước nói: “Ngươi chớ làm sui-gia với chúng, chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3.
15. (a) Một số người có thể biện minh việc kết hôn người ngoại đạo như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va tỏ thái độ nào đối với việc này?
15 Ngày nay một số người có thể lý luận: ‘Ôi, người mà tôi thương rất tuyệt. Có thể từ từ cô ấy (hoặc anh ấy) sẽ chấp nhận sự thờ phượng thật’. Lối suy nghĩ ấy chỉ xác nhận lời cảnh báo được soi dẫn này: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa.” (Giê-rê-mi 17:9) Quan điểm của Đức Chúa Trời về việc lấy người ngoại đạo được diễn tả nơi Ma-la-chi 2:12: “Phàm ai làm sự đó,... Đức Giê-hô-va sẽ trừ họ”. (Ma-la-chi 2:12) Vì thế, tín đồ Đấng Christ được khuyến khích chỉ kết hôn “theo ý Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 7:39) Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, một người tin đạo không bị “trừ” khi kết hôn với người ngoại đạo. Tuy nhiên, nếu người ngoại đó vẫn tiếp tục không tin, điều gì sẽ xảy ra cho cô ta (hoặc anh ta) khi chẳng bao lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ ra tay kết liễu hệ thống mọi sự này?—Thi-thiên 37:37, 38.
Tệ bạc với người hôn phối
16, 17. Một số người đã có hành động phỉnh dối nào?
16 Sau đó, Ma-la-chi nói đến sự phỉnh dối thứ hai: Tệ bạc với người hôn phối, đặc biệt là ly dị họ vì lý do không chính đáng. Câu 14 của chương 2 nói: “Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh-dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao-ước của ngươi”. Bởi cách đối đãi phỉnh dối với vợ, những người chồng Do Thái khiến bàn thờ Đức Giê-hô-va bị ‘nước mắt che-lấp’. (Ma-la-chi 2:13) Những kẻ ấy ly dị vợ với lý do không chính đáng, bất công bỏ vợ cưới lúc tuổi trẻ, có thể là để cưới người trẻ hơn hoặc đàn bà ngoại giáo. Thế mà các thầy tế lễ tham nhũng lại để cho dân chúng làm điều đó! Tuy nhiên, Ma-la-chi 2:16 tuyên bố: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ”. Về sau, Chúa Giê-su cũng cho thấy sự vô luân là lý do duy nhất cho phép người hôn phối vô tội được ly dị.—Ma-thi-ơ 19:9.
17 Hãy suy ngẫm những lời của Ma-la-chi để thấy nó thật xúc động và gợi lòng nhân từ biết dường nào. Ông nói đến ‘bạn ngươi và vợ giao-ước của ngươi’. Mỗi người nam mà Ma-la-chi nói đến từng kết hôn với người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va như mình, một người nữ Y-sơ-ra-ên, và chọn nàng làm bạn đồng hành yêu dấu, người bạn đời. Mặc dù hôn nhân của họ có thể đã bắt đầu từ khi hai người còn trẻ, nhưng thời gian và tuổi già không xóa nhòa lời kết ước giữa họ, tức giao ước hôn nhân.
18. Lời khuyên của Ma-la-chi về sự phỉnh dối ứng dụng cách nào ngày nay?
18 Lời khuyên này vẫn còn có cùng hiệu lực ngày nay. Đáng tiếc là một số người đã xem thường sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về việc chỉ kết hôn theo ý Chúa. Một số khác cũng làm điều đáng buồn là không tiếp tục cố gắng củng cố tình nghĩa vợ chồng. Thay vì thế, họ cố tự bào chữa và theo đuổi đường lối mà Đức Chúa Trời ghét, ly dị trái nguyên tắc Kinh Thánh để cưới người khác. Khi làm thế, họ “làm phiền Đức Giê-hô-va”. Vào thời Ma-la-chi, những người lờ đi lời khuyên của Đức Chúa Trời thậm chí còn dám cho rằng quan điểm của Ngài phi lý. Họ nói: “Đức Chúa Trời của sự chánh-trực ở đâu?” Quả là suy nghĩ ngang ngược! Chúng ta chớ rơi vào cạm bẫy ấy.—Ma-la-chi 2:17.
19. Làm thế nào những người chồng và vợ có thể nhận được thánh linh Đức Chúa Trời?
19 Về mặt tích cực, Ma-la-chi cho thấy một số người chồng đã không phỉnh dối vợ. Họ vẫn ‘có phần còn lại của thánh linh Đức Chúa Trời’. (Câu 15, NW) Mừng thay, tổ chức Đức Chúa Trời ngày nay có nhiều người nam ‘kính-nể vợ họ’ như thế. (1 Phi-e-rơ 3:7) Họ không hành hạ vợ ngay cả trong lời nói, không cưỡng ép vợ làm những điều tồi bại trong quan hệ tính dục, cũng không tỏ ra thiếu tôn trọng vợ bằng cách tán tỉnh những phụ nữ khác hoặc xem tài liệu khiêu dâm. Tổ chức Đức Giê-hô-va cũng vui mừng vì có nhiều người vợ tín đồ Đấng Christ trung thành với Đức Chúa Trời và luật pháp Ngài. Những người nam và người nữ thể ấy biết những điều Đức Chúa Trời ghét, và họ tập suy nghĩ và hành động phù hợp với quan điểm của Ngài. Hãy tiếp tục giống như họ, “vâng lời Đức Chúa Trời”, hầu được ban thánh linh dồi dào.—Công-vụ 5:29.
20. Thời kỳ nào sắp xảy đến cho toàn nhân loại?
20 Chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét toàn thế giới. Mỗi cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về niềm tin và hành động của mình trước mặt Ngài. “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 14:12) Vì thế, câu hỏi đáng chú ý bây giờ là: Ai sẽ sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va? Bài thứ ba và cũng là bài cuối trong loạt bài này sẽ thảo luận chủ đề này.
Bạn có thể giải thích không?
• Lý do căn bản nào khiến Đức Giê-hô-va quở trách các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên?
• Tại sao việc giữ theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không phải là quá sức loài người?
• Tại sao ngày nay chúng ta phải cẩn thận khi dạy dỗ?
• Hai thực hành nào bị Đức Giê-hô-va đặc biệt lên án?
[Hình nơi trang 15]
Vào thời Ma-la-chi, các thầy tế lễ bị quở trách vì không giữ đường lối Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 16]
Chúng ta phải cẩn thận dạy đường lối Đức Giê-hô-va, tránh đề cao ý riêng
[Các hình nơi trang 18]
Đức Giê-hô-va lên án những người Y-sơ-ra-ên ly dị vợ vì những lý do nhỏ nhặt để kết hôn với người ngoại
[Hình nơi trang 18]
Tín đồ Đấng Christ ngày nay tôn trọng giao ước hôn nhân