Ân phước của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có
“Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào” (CHÂM-NGÔN 10:22).
1-3. Trong khi nhiều người lo lắng về những điều vật chất, tất cả chúng ta nên nhìn nhận sự kiện gì về sự giàu có vật chất?
NHIỀU NGƯỜI luôn luôn nói về tiền bạc, hoặc việc họ thiếu tiền. Khổ thay cho họ, trong những năm gần đây có rất nhiều điều để nói về tiền bạc. Năm 1992, ngay cả các nước Tây phương sung túc cũng đã bị suy thoái về kinh tế, và nhiều người làm chức cao cũng như những người thuộc giới thợ thuyền đã bị mất việc. Nhiều người tự hỏi không biết cái thời kỳ thịnh vượng ổn định trước kia sẽ bao giờ trở lại không?
2 Lo lắng về tình trạng vật chất của chúng ta có phải là sái không? Không, trong một mức độ nào đó thì chỉ là chuyện thường. Tuy nhiên, có một sự thật căn bản mà chúng ta phải nhìn nhận về sự giàu có. Nói cho cùng, tất cả mọi điều vật chất đều đến từ Đấng Tạo hóa. Ngài là “Đấng... đã trải đất với mọi sự ra bởi nó, đã ban hơi sống cho dân ở trên nó, và thần-linh cho mọi loài đi trên nó” (Ê-sai 42:5).
3 Mặc dầu Đức Giê-hô-va không định trước ai sẽ được giàu có và ai sẽ bị nghèo khó, tất cả chúng ta có trách nhiệm về cách mà chúng ta dùng phần chúng ta có về “trái đất với mọi sự ra bởi nó”. Nếu chúng ta dùng sự giàu có của mình để áp bức người khác thì Đức Giê-hô-va sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm. Và người nào theo đuổi sự giàu có hơn là phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ thấy rằng “kẻ nào tin-cậy nơi của-cải mình sẽ bị xiêu-ngã” (Châm-ngôn 11:28; Ma-thi-ơ 6:24; I Ti-mô-thê 6:9). Sự thịnh vượng vật chất khi không đi đôi với một lòng vâng phục Đức Giê-hô-va thì cuối cùng sẽ không có giá trị gì (Truyền-đạo 2:3-11, 18, 19; Lu-ca 16:9).
Sự thịnh vượng quan trọng nhất
4. Tại sao sự thịnh vượng thiêng liêng tốt hơn sự dư dật về vật chất?
4 Ngoài sự thịnh vượng vật chất, Kinh-thánh còn nói đến sự thịnh vượng thiêng liêng. Đây rõ ràng là loại tốt hơn (Ma-thi-ơ 6:19-21). Sự thịnh vượng thiêng liêng đưa đến một liên lạc với Đức Giê-hô-va có thể làm thỏa nguyện và kéo dài đời đời (Truyền-đạo 7:12). Ngoài ra, những tôi tớ của Đức Chúa Trời giàu có về thiêng liêng cũng không thiệt thòi gì về những ân phước vật chất tốt lành. Trong thế giới mới, sự giàu có về thiêng liêng sẽ đi liền với sự thịnh vượng vật chất. Những người trung thành sẽ được vui hưởng sự an toàn về vật chất mà không phải cạnh tranh gay gắt hay phải hy sinh sức khỏe và hạnh phúc, như rất thường thấy ngày nay (Thi-thiên 72:16; Châm-ngôn 10:28; Ê-sai 25:6-8). Họ sẽ thấy rằng về mọi phương diện “phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào” (Châm-ngôn 10:22).
5. Giê-su đã nói lời hứa gì liên quan đến các điều vật chất?
5 Ngay cả ngày nay những người coi trọng những điều thiêng liêng cảm thấy có một sự yên ổn nào đó về phương diện vật chất. Thật ra, họ cũng phải làm việc để trả các hóa đơn và nuôi sống gia đình. Hoặc một số người có thể mất việc nữa trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Nhưng họ không quá lo lắng về những điều vật chất. Thay vì thế, họ tin nơi lời Giê-su hứa khi ngài nói: “Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì... Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:31-33).
Sự giàu có về thiêng liêng ngày nay
6, 7. a) Hãy miêu tả một vài phương diện của sự thịnh vượng thiêng liêng của dân sự Đức Chúa Trời ngày nay. b) Lời tiên tri nào đang được ứng nghiệm ngày nay, và việc này nêu lên những câu hỏi nào?
6 Bởi vậy, dân sự của Đức Giê-hô-va đã chọn đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống họ, và quả là họ đã được ban ân phước xiết bao! Họ vui mừng có được nhiều thành công trong công việc đào tạo môn đồ (Ê-sai 60:22). Họ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, vui hưởng bao nhiêu đồ ăn thiêng liêng tốt lành do lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp liên tục (Ma-thi-ơ 24:45-47; Ê-sai 54:13). Ngoài ra, thánh linh của Đức Giê-hô-va ở với họ và họ sung sướng được Ngài uốn nắn để trở thành một hiệp hội huynh đệ quốc tế (Thi-thiên 133:1; Mác 10:29, 30).
7 Đây thật là sự thịnh vượng thiêng liêng, điều mà tiền bạc không thể nào mua nổi. Đây là một sự ứng nghiệm rất đáng chú ý về lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương-thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3:10) Chúng ta ngày nay đã nhìn thấy lời hứa này được thực hiện. Nhưng tại sao Đức Giê-hô-va, Đấng là Nguồn gốc của mọi sự giàu có, lại bảo tôi tớ của Ngài mang đến một phần mười, tức thuế thập phân? Ai sẽ dùng những thuế thập phân đó? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét tại sao Đức Giê-hô-va đã dùng nhà tiên tri Ma-la-chi để nói những lời đó vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên.
Thuế thập phân và lễ vật
8. Theo giao ước Luật pháp, sự thịnh vượng vật chất của dân Y-sơ-ra-ên sẽ tùy thuộc vào điều gì?
8 Trong thời Ma-la-chi, dân sự của Đức Chúa Trời không được thịnh vượng. Tại sao không? Một phần của vấn đề này có liên quan đến lễ vật và thuế thập phân. Thời đó, Y-sơ-ra-ên ở dưới giao ước Luật pháp Môi-se. Khi Đức Giê-hô-va lập giáo ước này, Ngài có hứa rằng nếu dân Y-sơ-ra-ên làm theo phần của họ trong giao ước, Ngài sẽ ban phước cho họ về thiêng liêng lẫn vật chất. Thật vậy, sự thịnh vượng của dân Y-sơ-ra-ên tùy thuộc vào sự trung thành của họ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1-19).
9. Trong thời Y-sơ-ra-ên xưa, tại sao Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải trả các thuế và đem dâng các lễ vật?
9 Phần trách nhiệm của dân Y-sơ-ra-ên dưới Luật pháp là phải đem những lễ vật đến đền thờ và phải nộp các thuế. Một số các lễ vật được đem thiêu trọn trên bàn thờ của Đức Giê-hô-va, trong khi một số khác được đem chia ra cho những thầy tế lễ và những người dâng của-lễ hy sinh, và dành lại những phần đặc biệt đem dâng lên Đức Giê-hô-va (Lê-vi Ký 1:3-9; 7:1-15). Còn về các thuế, Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Phàm thuế một phần mười thổ-sản, bất-kỳ vật gieo hay là hoa-quả của cây, đều thuộc về Đức Giê-hô-va; ấy là một vật thánh, biệt riêng ra cho Đức Giê-hô-va” (Lê-vi Ký 27:30). Thuế thì đem đưa cho những người Lê-vi làm việc tại đền tạm và sau này tại đền thờ. Sau đó, những người Lê-vi không làm thầy tế lễ sẽ lại đưa một phần mười của những gì họ lãnh được cho những thầy tế lễ thuộc dòng A-rôn (Dân-số Ký 18:21-29). Tại sao Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải trả thuế? Trước tiên là để họ có thể bày tỏ một cách cụ thể sự biết ơn của họ đối với lòng tốt của Đức Giê-hô-va. Và thứ hai, để họ có thể đóng góp trong việc trợ giúp những người Lê-vi, cho những người này có thể chú tâm vào các bổn phận của họ, kể cả việc dạy dỗ về Luật pháp (II Sử-ký 17:7-9). Bằng cách này, các thuế cũng giúp vào sự thờ phượng thánh sạch, và tất cả mọi người đều được lợi ích.
10. Điều gì xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên thiếu sót trong việc nộp thuế và dâng của-lễ?
10 Mặc dù các thuế và lễ vật đem đưa cho những người Lê-vi dùng, nhưng thật ra đó là những món dâng lên cho Đức Giê-hô-va và bởi vậy cho nên phải có phẩm chất tốt, xứng đáng cho Ngài (Lê-vi Ký 22:21-25). Điều gì xảy ra khi những người Y-sơ-ra-ên không đóng thuế hoặc họ mang đến những lễ vật với phẩm chất kém? Trong Luật pháp không ghi rõ một hình thức phạt nào, nhưng những điều như thế cũng đưa đến những hậu quả. Đức Giê-hô-va sẽ không ban phước, và những người Lê-vi, vì thiếu thốn không được trợ giúp về vật chất, sẽ bỏ các công việc tại đền thờ hầu có thể đi làm việc sinh sống. Như thế, cả nước Y-sơ-ra-ên đều bị thiệt thòi.
“Khá xem-xét đường-lối mình”
11, 12. a) Khi dân Y-sơ-ra-ên chểnh mảng trong việc giữ theo Luật pháp thì hậu quả là gì? b) Đức Giê-hô-va đã giao phó cho dân Y-sơ-ra-ên công việc nào khi Ngài đem họ từ xứ Ba-by-lôn trở về?
11 Trong suốt lịch sử Y-sơ-ra-ên có nhiều người làm gương tốt trong việc giữ theo Luật pháp, kể cả việc trả các thuế (II Sử-ký 31:2-16). Tuy nhiên, nói chung thì cả dân sự đã chểnh mảng. Họ đã rất nhiều lần không giữ theo giao ước với Đức Giê-hô-va, cho đến khi Ngài rốt cuộc phải cho phép họ bị chinh phục và trong năm 607 trước công nguyên bị lưu đày tại xứ Ba-by-lôn (II Sử-ký 36:15-21).
12 Đó là một sự sửa trị nặng nề, nhưng sau 70 năm Đức Giê-hô-va lại cho dân sự của Ngài trở về xứ mình. Nhiều lời tiên tri trong Ê-sai về một địa-đàng đã được thực hiện lần đầu sau khi họ trở về (Ê-sai 35:1, 2; 52:1-9; 65:17-19). Tuy nhiên, lý do chính mà Đức Giê-hô-va đã đem dân sự của Ngài trở về không phải là để xây dựng một địa-đàng trên đất, nhưng để xây lại đền thờ và tái lập sự thờ phượng thật (E-xơ-ra 1:2, 3). Nếu dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Đức Giê-hô-va, họ sẽ được hưởng những lợi ích vật chất, và ân phước của Đức Giê-hô-va sẽ làm cho họ giàu có kể cả về thiêng liêng lẫn vật chất. Do đó, những người Y-sơ-ra-ên ngay sau khi về đến xứ mình vào năm 537 trước công nguyên đã dựng một bàn thờ tại Giê-ru-sa-lem và khởi sự công việc xây cất đền thờ. Tuy nhiên, họ gặp sự chống đối mạnh mẽ và họ đã ngừng lại (E-xơ-ra 4:1-4, 23). Hậu quả là dân Y-sơ-ra-ên không được Đức Giê-hô-va ban phước.
13, 14. a) Khi dân Y-sơ-ra-ên không làm công việc xây cất lại đền thờ thì hậu quả là gì? b) Đền thờ rốt cuộc được xây cất lại thế nào, nhưng sau đó nữa lại có chuyện gì xảy ra?
13 Vào năm 520 trước công nguyên, Đức Giê-hô-va đã dấy lên nhà tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri để thúc đẩy dân Y-sơ-ra-ên trở lại công việc xây cất đền thờ. A-ghê cho thấy rằng dân sự bị nghèo khó về vật chất và lý do là vì họ thiếu sự sốt sắng đối với nhà của Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Vậy bây giờ Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Các ngươi khá xem-xét đường-lối mình. Các ngươi gieo nhiều mà gặt ít; ăn mà không no; uống mà không đủ; mặc mà không ấm; và kẻ nào làm thuê, đựng tiền-công mình trong túi lủng. Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Các ngươi khá xem-xét đường-lối mình. Hãy lên núi, đem gỗ về, và xây nhà nầy, thì ta sẽ lấy nó làm vui lòng, và ta sẽ được sáng danh” (A-ghê 1:5-8).
14 Nhờ được A-ghê và Xa-cha-ri khuyến khích, dân Y-sơ-ra-ên bèn “xem-xét đường lối mình”, và đền thờ được xây cất xong. Tuy nhiên, khoảng 60 năm sau đó, Nê-hê-mi đã viếng thăm Giê-ru-sa-lem và thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên lại trở nên chểnh mảng đối với Luật pháp của Đức Giê-hô-va. Ông đã chỉnh đốn tình trạng. Nhưng lần viếng thăm thứ hai, ông thấy rằng mọi sự đã trở nên hư hỏng trở lại. Ông viết: “Tôi cũng hay rằng người ta không có cấp các phần của người Lê-vi cho họ; vì vậy, những kẻ ca-hát và người Lê-vi hầu-việc, ai nấy đều đã trốn về đồng-ruộng mình” (Nê-hê-mi 13:10). Vấn đề này đã được chỉnh đốn, và “cả Giu-đa đều đem đến trong kho thuế một phần mười về lúa-mì, rượu mới, và dầu” (Nê-hê-mi 13:12).
Ăn trộm Đức Giê-hô-va
15, 16. Đức Giê-hô-va, qua miệng nhà tiên tri Ma-la-chi, đã trách dân Y-sơ-ra-ên về những sự thiếu sót trầm trọng nào?
15 Dường như Ma-la-chi cũng nói tiên tri vào cùng khoảng thời gian đó, và ông cho chúng ta biết nhiều hơn về sự bất trung của dân Y-sơ-ra-ên. Ông ghi lại những lời Đức Giê-hô-va phán cùng dân Y-sơ-ra-ên: “Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn-kính thuộc về ta ở đâu? và nếu ta là chủ, nào sự kính-sợ ta ở đâu? Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy cùng các ngươi, hỡi các thầy tế-lễ khinh-dể danh ta!” Có điều gì sai lầm vậy? Đức Giê-hô-va giải thích: “Khi các ngươi dâng một con vật mù làm của-lễ, điều đó há chẳng phải là dữ sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc đau, điều đó há chẳng phải là dữ sao?” (Ma-la-chi 1:6-8).
16 Bằng lời lẽ tả chân như thế, Ma-la-chi cho thấy rằng dù những người Y-sơ-ra-ên có mang các lễ vật đến, nhưng phẩm chất tồi tàn của các lễ vật chứng tỏ họ rất vô lễ đối với Đức Giê-hô-va. Ma-la-chi cũng viết: “Từ những ngày tổ-phụ các ngươi, các ngươi đã xây-bỏ luật-lệ ta và không vâng-giữ. Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”. Những người Y-sơ-ra-ên tự hỏi họ phải làm gì, bởi vậy họ đặt câu hỏi: “Bởi đâu chúng tôi sẽ trở lại?” Đức Giê-hô-va trả lời: “Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời sao? mà các ngươi ăn trộm ta”. Làm sao dân Y-sơ-ra-ên có thể ăn trộm Đức Giê-hô-va, Đấng là Nguồn gốc của tất cả mọi sự giàu có? Đức Giê-hô-va trả lời: “Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của-dâng” (Ma-la-chi 3:7, 8). Đúng vậy, bởi sự thiếu sót trầm trọng khi đóng các thuế và dâng của-lễ, dân Y-sơ-ra-ên đã ăn trộm Đức Giê-hô-va!
17. Các thuế và lễ vật có mục đích gì tại Y-sơ-ra-ên xưa, và Đức Giê-hô-va hứa gì liên quan đến việc đóng thuế?
17 Chuyện xảy ra trong lịch sử Y-sơ-ra-ên cho thấy tầm quan trọng của việc đóng thuế và dâng lễ vật. Những điều này là để dân sự chứng tỏ lòng biết ơn. Và thuế cùng lễ vật cũng hổ trợ [hỗ trợ] cho sự thờ phượng thật một cách cụ thể. Bởi vậy, Đức Giê-hô-va nói tiếp để khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho”. Đức Giê-hô-va nói cho họ biết kết quả sẽ là gì nếu họ làm thế: “Ta... đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa!” (Ma-la-chi 3:10). Ân phước của Đức Giê-hô-va sẽ làm cho họ giàu có.
Phán xét bởi “Đức Chúa Trời thật”
18. a) Đức Giê-hô-va báo trước những ai sẽ đến? b) Khi nào các đấng đã đến đền thờ, ai đã đến, và hậu quả là gì đối với dân Y-sơ-ra-ên?
18 Đức Giê-hô-va qua miệng của Ma-la-chi cũng cảnh cáo dân sự rằng Ngài sẽ đến để phán xét họ. “Này, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, và sứ giả của giao ước mà các ngươi trông mong. Này, Ngài đến” (Ma-la-chi 3:1, NW). Khi nào thì lời hứa đến đền thờ đã thực hiện? Nơi Ma-thi-ơ 11:10, Giê-su đã trích dẫn lời tiên tri của Ma-la-chi về một sứ giả sẽ dọn đường và áp dụng điều này cho Giăng Báp-tít (Ma-la-chi 4:5; Ma-thi-ơ 11:14). Vậy, vào năm 29 công nguyên, thời kỳ của sự phán xét đã đến! Ai là sứ giả thứ nhì, tức sứ giả của giao ước sẽ đi theo Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời thật”, để đến đền thờ? Đó chính là Giê-su, và ngài đã đến đền thờ ở Giê-ru-sa-lem trong hai lần nọ và đã quét sạch đền thờ, đuổi những kẻ đổi tiền bất lương ra khỏi đền thờ (Mác 11:15-17; Giăng 2:14-17). Nói về thời kỳ phán xét trong thế kỷ thứ nhất này, Đức Giê-hô-va đã đặt một câu hỏi tiên tri: “Nhưng ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra?” (Ma-la-chi 3:2) Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên đã không đứng nổi. Họ đã được thanh tra và tỏ ra rất thiếu sót, cho nên vào năm 33 công nguyên, họ đã bị từ bỏ với tư cách dân tộc được Đức Giê-hô-va lựa chọn (Ma-thi-ơ 23:37-39).
19. Bằng cách nào một số người còn sót lại đã trở lại với Đức Giê-hô-va trong thế kỷ thứ nhất, và họ đã nhận được ân phước nào?
19 Tuy nhiên Ma-la-chi cũng viết: “Ngài [Đức Giê-hô-va] sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi, làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc; chúng nó sẽ dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công-bình” (Ma-la-chi 3:3). Phù hợp với lời này, trong khi đa số những người tự xưng phụng sự Đức Giê-hô-va trong thế kỷ thứ nhất bị từ bỏ, có một số người đã được làm cho thánh sạch và đến với Đức Giê-hô-va, dâng của-lễ hy sinh được Ngài chấp nhận. Ai vậy? Đó là những người đã nghe Giê-su, sứ giả của giao ước. Vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, 120 người trong số họ đã nhóm lại cùng nhau tại một phòng cao ở Giê-ru-sa-lem. Họ nhận được thánh linh và được làm cho vững mạnh, và họ bắt đầu dâng một của-lễ trong sự công bình, và số môn đồ gia tăng nhanh chóng. Chẳng bao lâu số môn đồ lan ra rải rác khắp đế quốc La-mã (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41; 4:4; 5:14). Như vậy, một số người còn sót lại đã trở lại với Đức Giê-hô-va (Ma-la-chi 3:7).
20. Khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị hủy phá, chuyện gì đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên mới của Đức Chúa Trời?
20 Số người còn sót lại của Y-sơ-ra-ên này, gồm cả những người dân ngoại được tháp vào rễ cây Y-sơ-ra-ên như Kinh-thánh tả, hợp thành “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, một dân mới gồm toàn những tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh (Ga-la-ti 6:16; Rô-ma 11:17). Vào năm 70 công nguyên, một “ngày... cháy như lò lửa” đã xảy ra đối với Y-sơ-ra-ên xác thịt khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị quân đội La-mã hủy phá (Ma-la-chi 4:1; Lu-ca 19:41-44). Cái gì đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng của Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va đã tỏ ra “tiếc chúng nó như một người tiếc con trai hầu-việc mình” (Ma-la-chi 3:17). Hội-thánh các tín đồ xức dầu của đấng Christ đã nghe lời cảnh cáo tiên tri của Giê-su (Ma-thi-ơ 24:15, 16). Họ đã sống sót, và ân phước của Đức Giê-hô-va tiếp tục làm cho họ giàu có về thiêng liêng.
21. Chúng ta còn những câu hỏi nào về Ma-la-chi đoạn 3 câu 1 và 10?
21 Danh của Đức Giê-hô-va đã được nên thánh xiết bao! Tuy nhiên, lời tiên tri nơi Ma-la-chi 3:1 ứng nghiệm ngày nay như thế nào? Và làm thế nào một tín đồ đấng Christ có thể hưởng ứng lời khuyến khích nơi Ma-la-chi 3:10 để đem trọn thuế vào kho? Điều này sẽ bàn luận trong bài tới.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Nói cho cùng, ai là Nguồn gốc của mọi sự giàu có?
◻ Tại sao sự thịnh vượng thiêng liêng tốt hơn sự giàu có về vật chất?
◻ Các thuế và lễ vật có mục đích gì tại Y-sơ-ra-ên xưa?
◻ Khi nào Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời thật”, đã đến đền thờ để phán xét dân Y-sơ-ra-ên, và kết quả là gì?
◻ Ai đã trở lại với Đức Giê-hô-va sau khi Ngài đến đền thờ trong thế kỷ thứ nhất công nguyên?
[Hình nơi trang 10]
Sứ giả của giao ước là Giê-su, đại diện cho Đức Giê-hô-va, đã đến đền thờ đặng phán xét trong thế kỷ thứ nhất công nguyên