CHƯƠNG 1
“Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi”
TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Lý do cần khôi phục sự thờ phượng thanh sạch
1, 2. Bằng cách nào Chúa Giê-su đến hoang mạc Giu-đê vào mùa thu năm 29 CN? Điều gì xảy ra với ngài tại đó? (Xem hình nơi đầu bài).
Vào đầu mùa thu năm 29 CN, Chúa Giê-su đang ở trong hoang mạc Giu-đê, ngay phía bắc Biển Chết. Sau khi Chúa Giê-su báp-têm và được xức dầu, thần khí thánh dẫn ngài đến nơi này. Tại đây, giữa vùng đất đá cằn cỗi có nhiều khe núi, Chúa Giê-su đã nhịn ăn 40 ngày, đồng thời dành thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và suy ngẫm. Có lẽ trong thời gian này, Đức Giê-hô-va đã trò chuyện với Chúa Giê-su để chuẩn bị cho Con ngài đối phó với những điều phía trước.
2 Trong lúc này, khi Chúa Giê-su yếu đi vì đói, Sa-tan bắt đầu tiếp cận ngài. Điều xảy ra tiếp theo tiết lộ một vấn đề hệ trọng liên quan đến tất cả những ai yêu mến sự thờ phượng thanh sạch, trong đó có anh chị.
“Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời...”
3, 4. (a) Sa-tan mở đầu cả hai cám dỗ đầu tiên bằng lời nào, và có lẽ hắn cố khiến Chúa Giê-su nghi ngờ điều gì? (b) Ngày nay, Sa-tan dùng chiến thuật tương tự như thế nào?
3 Đọc Ma-thi-ơ 4:1-7. Sa-tan mở đầu cả hai cám dỗ đầu tiên bằng lời lẽ đầy ẩn ý: “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời”. Sa-tan có nghi ngờ Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời không? Không. Thiên sứ bại hoại này biết rất rõ Chúa Giê-su là Con đầu tiên của Đức Chúa Trời (Cô 1:15). Hẳn Sa-tan cũng biết điều mà Đức Giê-hô-va phán từ trời khi Chúa Giê-su báp-têm: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng” (Mat 3:17). Có lẽ Sa-tan muốn Chúa Giê-su nghi ngờ liệu Cha có đáng tin cậy và thật sự quan tâm đến mình không. Trong cám dỗ đầu tiên là biến đá thành bánh, Sa-tan như thể hỏi: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời thì sao Cha ngươi không ban cho ngươi đồ ăn trong hoang mạc cằn cỗi này?”. Trong cám dỗ thứ hai là nhảy từ trên nóc đền thờ xuống, theo một nghĩa nào đó, Sa-tan đang hỏi: “Là Con Đức Chúa Trời, ngươi có thật sự tin tưởng Cha sẽ che chở ngươi không?”.
4 Ngày nay, Sa-tan cũng dùng chiến thuật tương tự (2 Cô 2:11). Kẻ Cám Dỗ này đợi đến khi những người thờ phượng thật bị yếu đuối hoặc nản lòng rồi mới tấn công, thường là bằng những cách tinh vi (2 Cô 11:14). Hắn cố lừa gạt để chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ yêu thương hoặc chấp nhận chúng ta. Kẻ Cám Dỗ này cũng cố khiến chúng ta nghĩ là Đức Giê-hô-va không đáng tin cậy, và ngài sẽ không thực hiện các lời hứa trong Kinh Thánh. Nhưng đó là những lời nói dối ác độc (Giăng 8:44). Làm thế nào chúng ta có thể bác bỏ những lời này?
5. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước hai cám dỗ đầu tiên?
5 Hãy xem Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước hai cám dỗ đầu tiên. Ngài không nghi ngờ tình yêu thương của Cha dành cho mình nhưng hoàn toàn tin cậy Cha. Chúa Giê-su liền cự tuyệt Sa-tan bằng cách trích Lời được soi dẫn của Cha. Ngài trích những câu Kinh Thánh có danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va (Phục 6:16; 8:3). Chẳng phải việc dùng danh Cha là cách tốt nhất để Con Đức Chúa Trời thể hiện lòng tin cậy nơi Cha hay sao? Danh độc nhất ấy đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện tất cả mọi lời hứa của ngài.a
6, 7. Chúng ta có thể kháng cự sự tấn công tinh vi của Sa-tan như thế nào?
6 Chúng ta có thể kháng cự sự tấn công tinh vi của Sa-tan bằng cách nương cậy Lời Đức Chúa Trời và suy ngẫm ý nghĩa của danh Giê-hô-va. Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va yêu thương và quan tâm đến những người thờ phượng ngài, kể cả người nản lòng. Khi nhận ra điều này áp dụng cho chính mình, chúng ta có thể kháng cự lời nói dối của Sa-tan là Đức Giê-hô-va không bao giờ yêu thương hoặc chấp nhận chúng ta (Thi 34:18; 1 Phi 5:8). Hơn nữa, nếu ghi nhớ Đức Giê-hô-va luôn hành động phù hợp với ý nghĩa của danh ngài, chúng ta sẽ không nghi ngờ việc ngài xứng đáng được tin cậy tuyệt đối và là đấng thực hiện mọi lời hứa.—Châm 3:5, 6.
7 Nhưng mục tiêu chính của Sa-tan là gì? Hắn thật sự muốn điều gì nơi chúng ta? Chúng ta sẽ thấy rõ câu trả lời khi xem xét cám dỗ thứ ba của Sa-tan đối với Chúa Giê-su.
“Sấp mình xuống thờ lạy ta”
8. Qua cám dỗ thứ ba, Sa-tan cho thấy rõ điều hắn muốn bằng cách nào?
8 Đọc Ma-thi-ơ 4:8-11. Qua cám dỗ thứ ba, Sa-tan cho thấy rõ ý đồ của hắn. Sa-tan chỉ cho Chúa Giê-su thấy (rất có thể qua một khải tượng) “mọi nước thế gian cùng vinh quang của các nước ấy”, nhưng không cho thấy sự đồi bại của các nước này. Rồi Sa-tan nói: “Ta sẽ cho ngươi mọi điều này nếu ngươi sấp mình xuống thờ lạy ta”.b Vậy điều mà Sa-tan muốn là sự thờ phượng! Sa-tan Kẻ Cám Dỗ muốn Chúa Giê-su từ bỏ Cha và công nhận hắn là chúa của mình. Sa-tan đã đề nghị Chúa Giê-su chọn con đường dễ dàng. Hắn ngụ ý rằng Chúa Giê-su sẽ có tất cả quyền lực và sự giàu sang của các nước mà không phải chịu đau khổ. Ngài sẽ không phải đội vương miện bằng gai, bị đánh đập và xử tử trên cây khổ hình. Những điều này không phải là viển vông. Chúa Giê-su không nghi ngờ việc Sa-tan có quyền trên các chính phủ của thế gian (Giăng 12:31; 1 Giăng 5:19). Chắc chắn Sa-tan sẽ cho Chúa Giê-su bất cứ thứ gì để ngài quay lưng lại với sự thờ phượng thanh sạch dành cho Cha.
9. (a) Sa-tan thật sự muốn điều gì nơi những người thờ phượng thật, và hắn cố cám dỗ chúng ta như thế nào? (b) Sự thờ phượng của chúng ta bao hàm điều gì? (Xem khung “Sự thờ phượng là gì?”).
9 Ngày nay, Sa-tan cũng thật sự muốn chúng ta thờ phượng hắn, dù trực tiếp hay gián tiếp. Là “chúa của thế gian này”, Sa-tan nhận được sự thờ phượng sai lầm của tất cả các tôn giáo thuộc Ba-by-lôn Lớn (2 Cô 4:4). Nhưng chưa thỏa lòng với việc có hàng tỉ người thờ phượng sai lầm, hắn muốn cám dỗ những người thờ phượng thật để họ đi ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Sa-tan cố dụ dỗ chúng ta tìm kiếm sự giàu sang và quyền lực trong thế gian của hắn thay vì đi theo đường lối tin kính, là điều đòi hỏi “phải chịu khổ vì sự công chính” (1 Phi 3:14). Nếu từ bỏ sự thờ phượng thanh sạch và trở thành một phần trong thế gian của Sa-tan, chúng ta như thể đang sấp mình xuống và thờ lạy hắn, tức tôn hắn làm chúa của mình. Chúng ta có thể kháng cự cám dỗ này như thế nào?
10. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước cám dỗ thứ ba, và tại sao?
10 Hãy xem Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước cám dỗ thứ ba. Để cho thấy lòng trung thành trọn vẹn với Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su lập tức đuổi Kẻ Cám Dỗ: “Hỡi Sa-tan, hãy đi cho khuất mắt ta!”. Như trong hai cám dỗ đầu tiên, Chúa Giê-su trích một câu Kinh Thánh có danh Đức Chúa Trời từ sách Phục truyền luật lệ: “Có lời viết: ‘Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi, và chỉ phụng sự một mình ngài mà thôi’” (Mat 4:10; Phục 6:13). Qua đó, Chúa Giê-su bác bỏ cám dỗ là theo đuổi sự nghiệp mang lại sự vinh quang nhưng chóng qua của thế gian và một đời sống dễ chịu, không có đau khổ. Chúa Giê-su nhìn nhận rằng chỉ mình Cha ngài mới xứng đáng được thờ phượng, và chỉ một hành động thờ lạy Sa-tan cũng sẽ cho thấy ngài vâng phục hắn. Chúa Giê-su đã kiên quyết từ chối việc tôn Kẻ Cám Dỗ gian ác này làm chúa của mình. Sau những nỗ lực bất thành, “Ác Quỷ bèn bỏ đi”.c
11. Làm thế nào chúng ta có thể kháng cự Sa-tan và cám dỗ của hắn?
11 Chúng ta có thể kháng cự Sa-tan và những cám dỗ đến từ thế gian gian ác của hắn, vì như Chúa Giê-su, chúng ta được lựa chọn. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà quý giá là sự tự do ý chí. Vì thế, không một ai, kể cả Kẻ Cám Dỗ gian ác và mạnh mẽ, có thể buộc chúng ta từ bỏ sự thờ phượng thanh sạch. Khi “kiên định mà chống lại hắn, vững vàng trong đức tin”, chúng ta như thể đang nói: “Hỡi Sa-tan, hãy đi cho khuất mắt ta!” (1 Phi 5:9). Hãy nhớ là Sa-tan đã bỏ đi sau khi Chúa Giê-su cự tuyệt hắn. Tương tự, Kinh Thánh cũng đảm bảo với chúng ta: “Hãy chống lại Ác Quỷ thì hắn sẽ lánh xa anh em”.—Gia 4:7.
Kẻ thù của sự thờ phượng thanh sạch
12. Trong vườn Ê-đen, Sa-tan cho thấy hắn là kẻ thù của sự thờ phượng thanh sạch như thế nào?
12 Trong cám dỗ cuối cùng, Sa-tan cho thấy rõ hắn là kẻ thù đầu tiên của sự thờ phượng thanh sạch. Hàng ngàn năm trước, trong vườn Ê-đen, Sa-tan lần đầu tiên cho thấy hắn căm ghét việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Bằng cách dụ dỗ Ê-va, là người sau đó thuyết phục A-đam cãi lại mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, Sa-tan đã khiến họ rơi vào vòng kiểm soát và sự chỉ đạo của hắn. (Đọc Sáng thế 3:1-5; 2 Cô 11:3; Khải 12:9). Thực tế, Sa-tan trở thành thần của họ và họ trở thành người thờ phượng hắn, dù có lẽ cặp vợ chồng đầu tiên này không biết danh tính thật của kẻ đã dụ dỗ mình. Hơn nữa, khi khởi đầu cuộc phản nghịch tại vườn Ê-đen, Sa-tan không chỉ thách thức quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, tức quyền cai trị của ngài, mà còn công kích sự thờ phượng thanh sạch. Như thế nào?
13. Sự thờ phượng thanh sạch liên quan thế nào đến vấn đề quyền tối thượng?
13 Vấn đề quyền tối thượng liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch. Chỉ có Đấng Tối Thượng thật, là đấng “tạo nên muôn vật”, mới xứng đáng được thờ phượng (Khải 4:11). Khi tạo ra A-đam và Ê-va với tình trạng hoàn hảo và đặt họ trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va có ý định là trái đất sẽ đầy người hoàn hảo sẵn lòng thờ phượng ngài. Họ sẽ dâng cho ngài sự thờ phượng thanh sạch xuất phát từ tấm lòng trong sạch (Sáng 1:28). Sa-tan đã thách thức quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va vì hắn thèm muốn điều chỉ thuộc về Chúa Tối Thượng Giê-hô-va, đó là sự thờ phượng.—Gia 1:14, 15.
14. Sa-tan có thành công trong việc làm thất bại ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch không? Hãy giải thích.
14 Sa-tan có thành công trong việc công kích sự thờ phượng thanh sạch không? Hắn đã thành công trong việc khiến A-đam và Ê-va quay lưng lại với Đức Chúa Trời. Kể từ đó, Sa-tan tiến hành cuộc chiến chống lại sự thờ phượng thật. Hắn cố khiến càng nhiều người càng tốt quay lưng lại với Đức Giê-hô-va. Trước thời đạo Đấng Ki-tô, Sa-tan không ngừng cám dỗ những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vào thế kỷ thứ nhất CN, hắn dấy lên sự bội đạo, điều này khiến hội thánh đạo Đấng Ki-tô trở nên tha hóa và sự thờ phượng thanh sạch dường như không còn (Mat 13:24-30, 36-43; Công 20:29, 30). Bắt đầu vào thế kỷ thứ hai CN, những người thờ phượng thật bị Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo sai lầm trên toàn cầu, giam cầm về thiêng liêng trong thời gian dài. Nhưng Sa-tan không thành công trong việc làm thất bại ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch. Không gì có thể ngăn cản Đức Chúa Trời hoàn thành ý định ấy (Ê-sai 46:10; 55:8-11). Việc này liên quan đến danh Đức Giê-hô-va, và ngài luôn hành động phù hợp với danh ấy. Đức Giê-hô-va là đấng không bao giờ thất bại trong việc thực hiện ý định của ngài!
Chiến Sĩ bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch
15. Đức Giê-hô-va thực hiện các bước nào để xử lý những kẻ phản nghịch trong vườn Ê-đen và đảm bảo ý định của ngài sẽ được thực hiện?
15 Đức Giê-hô-va lập tức hành động để xử lý những kẻ phản nghịch trong vườn Ê-đen và đảm bảo rằng ý định của ngài sẽ được thực hiện. (Đọc Sáng thế 3:14-19). Khi A-đam và Ê-va còn ở trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã kết án ba kẻ phản nghịch theo thứ tự mà họ phạm tội, đầu tiên là Sa-tan, sau đó đến Ê-va và cuối cùng là A-đam. Qua những lời phán với Sa-tan, chủ mưu vô hình của cuộc phản nghịch, Đức Giê-hô-va báo trước rằng một “dòng dõi” sẽ xuất hiện để xóa bỏ hậu quả của sự phản nghịch. “Dòng dõi” đã hứa này đóng một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch.
16. Sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va tiếp tục hành động để thực thi ý định của ngài như thế nào?
16 Sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va tiếp tục hành động để thực hiện ý định của ngài. Đức Chúa Trời sắp đặt để con người bất toàn thờ phượng ngài theo cách mà ngài chấp nhận, như chúng ta sẽ thấy trong chương kế tiếp (Hê 11:4–12:1). Ngài cũng soi dẫn một số người viết Kinh Thánh, trong đó có Ê-sai, Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên, để họ ghi lại những lời tiên tri hào hứng về việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Sự khôi phục này là một chủ đề nổi bật trong Kinh Thánh. Những lời tiên tri ấy đều sẽ được ứng nghiệm nhờ “dòng dõi” đã hứa. Chúa Giê-su là thành phần chính của “dòng dõi” đó (Ga 3:16). Những lời đáp lại của Chúa Giê-su trước cám dỗ thứ ba cho thấy ngài là Chiến Sĩ bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch. Đúng vậy, Chúa Giê-su là đấng mà Đức Giê-hô-va chọn để làm ứng nghiệm những lời tiên tri về sự khôi phục (Khải 19:10). Ngài sẽ giải thoát dân của Đức Chúa Trời khỏi sự giam cầm về thiêng liêng và khôi phục sự thờ phượng thanh sạch vào đúng vị trí của nó.
Anh chị sẽ làm gì?
17. Tại sao chúng ta rất quý trọng những lời tiên tri của Kinh Thánh về sự khôi phục?
17 Việc xem xét những lời tiên tri của Kinh Thánh về sự khôi phục giúp chúng ta củng cố đức tin và cảm thấy hào hứng. Chúng ta rất quý trọng những lời tiên tri này, vì chúng ta mong chờ thời điểm tất cả các tạo vật trên trời và dưới đất được hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch dành cho Chúa Tối Thượng Giê-hô-va. Những lời tiên tri này cũng cho chúng ta hy vọng, vì chúng chứa đựng một số lời đảm bảo ấm lòng nhất của Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va hứa làm những người thân yêu đã qua đời của chúng ta được sống lại. Ngài cũng hứa làm cho trái đất trở thành địa đàng và con người sẽ được sống vĩnh cửu với sức khỏe hoàn hảo. Có ai lại không trông mong các lời hứa của Đức Giê-hô-va trở thành hiện thực?—Ê-sai 33:24; 35:5, 6; Khải 20:12, 13; 21:3, 4.
18. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong ấn phẩm này?
18 Qua ấn phẩm này, chúng ta sẽ xem xét những lời tiên tri hào hứng trong sách Ê-xê-chi-ên. Nhiều lời tiên tri trong số đó tập trung vào việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Chúng ta cũng sẽ xem lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên liên quan đến những lời tiên tri khác như thế nào, chúng sẽ được ứng nghiệm qua Đấng Ki-tô ra sao và có liên hệ gì với chúng ta.—Xin xem khung “Sơ lược về sách Ê-xê-chi-ên”.
19. Anh chị quyết tâm làm gì, và tại sao?
19 Tại hoang mạc Giu-đê vào năm 29 CN, Sa-tan đã thất bại trong việc cố khiến Chúa Giê-su quay lưng lại với sự thờ phượng thanh sạch. Vậy còn đối với chúng ta thì sao? Hơn bao giờ hết, Sa-tan quyết tâm kéo chúng ta rời xa sự thờ phượng thật (Khải 12:12, 17). Mong sao ấn phẩm này giúp chúng ta củng cố quyết tâm để kháng cự Kẻ Cám Dỗ gian ác. Qua lời nói và hành động, mong sao chúng ta cho thấy mình hoàn toàn đồng ý với câu: “Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi”. Khi ấy chúng ta sẽ có triển vọng chứng kiến ý định vinh hiển của Đức Giê-hô-va được thực hiện. Đó là mọi vật trên trời và dưới đất sẽ hợp nhất dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng thanh sạch xuất phát từ tấm lòng trong sạch. Ngài hoàn toàn xứng đáng nhận được sự thờ phượng như thế!
a Một số người hiểu rằng danh Giê-hô-va nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. Định nghĩa này rất thích hợp với vai trò của Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa cũng như đấng hoàn thành ý định của ngài.
b Một sách tham khảo Kinh Thánh nhận xét như sau về những lời của Sa-tan: “Giống như lời tường thuật đầu tiên về cuộc thử thách mà A-đam và Ê-va đã thất bại..., vấn đề tập trung vào việc lựa chọn giữa ý muốn của Sa-tan và ý muốn của Đức Chúa Trời, điều này hàm ý là thờ phượng Sa-tan hoặc thờ phượng Đức Chúa Trời. Đúng vậy, Sa-tan tự tôn hắn lên làm chúa thay cho Đức Chúa Trời có một và thật”.
c Phúc âm Lu-ca liệt kê những cám dỗ theo một thứ tự khác, nhưng lời tường thuật của Ma-thi-ơ thì rõ ràng là theo trình tự thời gian. Hãy xem ba lý do: (1) Ma-thi-ơ mở đầu cám dỗ thứ hai bằng từ “sau đó”, điều này cho thấy đây là cám dỗ tiếp theo. (2) Điều hợp lý là hai cám dỗ tinh vi được mở đầu bằng mệnh đề: “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời” xảy ra trước cám dỗ lộ liễu, là cám dỗ để khiến Chúa Giê-su vi phạm điều răn đầu tiên (Xuất 20:2, 3). (3) Chúa Giê-su nói: “Hỡi Sa-tan, hãy đi cho khuất mắt ta!”. Điều phù hợp là lời này xuất hiện sau cám dỗ thứ ba và cũng là cám dỗ cuối cùng.—Mat 4:5, 10, 11.