“Hãy lắng nghe và hiểu lời tôi nói”
“Hỡi mọi người, hãy lắng nghe và hiểu lời tôi nói”.—MÁC 7:14.
1, 2. Tại sao nhiều người nghe mà không hiểu ý nghĩa của lời Chúa Giê-su nói?
Một người có thể nghe tiếng của ai đó nói với mình, thậm chí nhận ra biểu cảm của giọng nói. Nhưng có ích gì nếu người ấy không hiểu ý nghĩa những lời người kia nói? (1 Cô 14:9). Tương tự, hàng ngàn người đã nghe Chúa Giê-su nói. Ngài thậm chí nói với họ bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu. Tuy nhiên, không phải tất cả đều hiểu ý nghĩa của lời ngài. Vì thế, Chúa Giê-su phán với người nghe: “Hỡi mọi người, hãy lắng nghe và hiểu lời tôi nói”.—Mác 7:14.
2 Tại sao nhiều người không hiểu ý nghĩa của điều Chúa Giê-su nói? Một số người có thành kiến và động lực sai. Về những người ấy, Chúa Giê-su nói: “Các ông khéo bỏ qua điều răn của Đức Chúa Trời để giữ truyền thống của mình” (Mác 7:9). Những người này không thật sự cố gắng để hiểu lời của Chúa Giê-su. Họ không muốn thay đổi lối sống và quan điểm. Hẳn tai của họ mở nhưng lòng thì khép chặt! (Đọc Ma-thi-ơ 13:13-15). Vậy làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn lòng mình vẫn mở để nhận lợi ích từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN LỢI ÍCH TỪ SỰ DẠY DỖ CỦA CHÚA GIÊ-SU?
3. Tại sao các môn đồ có thể hiểu lời của Chúa Giê-su?
3 Chúng ta cần theo gương những môn đồ khiêm nhường của Chúa Giê-su. Ngài phán với họ: “Hạnh phúc cho anh em vì mắt thấy được và tai nghe được” (Mat 13:16). Tại sao họ có thể hiểu trong khi những người khác thì không? Thứ nhất, họ sẵn sàng đặt câu hỏi và tìm hiểu ý nghĩa thật sự đằng sau lời của Chúa Giê-su (Mat 13:36; Mác 7:17). Thứ hai, họ sẵn sàng tìm hiểu thêm về điều mà lòng họ đã chấp nhận. (Đọc Ma-thi-ơ 13:11, 12). Thứ ba, họ sẵn sàng áp dụng vào đời sống những gì họ nghe và hiểu, đồng thời dùng sự hiểu biết đó để giúp người khác.—Mat 13:51, 52.
4. Để hiểu những minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta cần làm ba bước nào?
4 Nếu muốn hiểu những minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta cần theo gương các môn đồ trung thành. Điều này cũng bao hàm ba bước. Thứ nhất, chúng ta cần sẵn sàng dành thời gian để học hỏi và suy ngẫm những gì Chúa Giê-su nói, nghiên cứu và đặt những câu hỏi thích hợp. Việc này giúp có tri thức (Châm 2:4, 5). Kế tiếp, chúng ta cần xem xét tri thức ấy phù hợp thế nào với điều chúng ta đã biết và tri thức ấy mang lại lợi ích nào cho bản thân. Kết quả là có sự hiểu biết (Châm 2:2, 3, NW). Cuối cùng, chúng ta nên áp dụng những gì học được vào đời sống. Điều này cho thấy chúng ta có sự khôn ngoan.—Châm 2:6, 7.
5. Hãy minh họa sự khác biệt giữa tri thức, sự hiểu biết và sự khôn ngoan.
5 Có điểm khác nhau nào giữa tri thức, sự hiểu biết và sự khôn ngoan? Điều này có thể được minh họa như sau: Hãy hình dung bạn đang đứng giữa đường và một xe buýt đang chạy tới. Trước tiên, bạn nhận ra nó là chiếc xe buýt—đó là tri thức. Sau đó, bạn ý thức rằng nếu cứ tiếp tục đứng ở đấy, bạn sẽ bị xe buýt tông—đó là sự hiểu biết! Rồi bạn nhảy ra khỏi làn đường của xe buýt—đó là sự khôn ngoan! Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Kinh Thánh nhấn mạnh việc chúng ta cần “gìn giữ sự khôn ngoan thiết thực”. Đây là vấn đề sinh tử!—Châm 3:21, 22, NW; 1 Ti 4:16.
6. Chúng ta sẽ đặt ra bốn câu hỏi nào khi xem xét bảy minh họa của Chúa Giê-su? (Xem khung trang 8).
6 Trong bài này và bài kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận bảy minh họa của Chúa Giê-su. Khi xem xét từng minh họa, chúng ta sẽ đặt ra những câu hỏi sau: “Minh họa này có nghĩa gì? (Điều này giúp có tri thức). Tại sao Chúa Giê-su đưa ra minh họa này? (Điều này giúp có sự hiểu biết). Chúng ta có thể dùng thông tin này như thế nào để giúp mình và người khác? (Đây là sự khôn ngoan). Cuối cùng, minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?”.
HẠT CẢI
7. Minh họa về hạt cải có nghĩa gì?
7 Đọc Ma-thi-ơ 13:31, 32. Minh họa của Chúa Giê-su về hạt cải có nghĩa gì? Hạt cải tượng trưng cho thông điệp Nước Trời và kết quả của việc rao truyền thông điệp ấy, đó là hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Giống như hạt cải, loại “nhỏ nhất trong các loại hạt”, hội thánh đạo Đấng Ki-tô có sự khởi đầu khiêm tốn vào năm 33 CN. Tuy nhiên, trong vòng vài thập niên, hội thánh phát triển rất nhanh. Sự phát triển ấy đã vượt quá mong đợi (Cô 1:23). Điều này mang lại lợi ích vì Chúa Giê-su nói rằng “chim có thể đến trú trên cành”. Những con chim này tượng trưng cho người có lòng thành tìm kiếm thức ăn thiêng liêng, sự tươi tỉnh và nơi ẩn náu trong vòng hội thánh đạo Đấng Ki-tô.—So sánh Ê-xê-chi-ên 17:23.
8. Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa về hạt cải?
8 Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa này? Ngài dùng sự phát triển đáng kinh ngạc của hạt cải để minh họa cho việc Nước Đức Chúa Trời có quyền lực mở rộng, bảo vệ và chinh phục mọi trở ngại. Kể từ năm 1914, phần hữu hình của tổ chức Đức Giê-hô-va phát triển cách phi thường! (Ê-sai 60:22). Những người kết hợp với tổ chức đó hưởng được sự che chở tuyệt vời về mặt thiêng liêng (Châm 2:7; Ê-sai 32:1, 2). Ngoài ra, sự mở rộng không ngừng của Nước Trời cũng chứng tỏ không sự chống đối nào có thể ngăn cản Nước ấy phát triển.—Ê-sai 54:17.
9. (a) Chúng ta rút ra bài học nào từ minh họa về hạt cải? (b) Minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?
9 Chúng ta học được gì từ minh họa về hạt cải? Có lẽ chúng ta sống trong khu vực có ít Nhân Chứng hoặc trong khu vực mà lúc đầu chúng ta chỉ thấy ít kết quả của công việc rao giảng. Tuy nhiên, việc nhớ rằng Nước Trời có thể vượt qua mọi trở ngại sẽ làm chúng ta vững mạnh để tiếp tục bền bỉ. Chẳng hạn, khi anh Edwin Skinner đến Ấn Độ vào năm 1926, ở đấy chỉ có vài Nhân Chứng. Ban đầu, công việc phát triển khá chậm và được miêu tả là “rất khó khăn”. Nhưng anh tiếp tục rao giảng và thấy thông điệp Nước Trời đã vượt qua những trở ngại to lớn. Hiện nay, có hơn 37.000 Nhân Chứng rao giảng ở Ấn Độ, và hơn 108.000 người tham dự Lễ Tưởng Niệm năm trước. Cũng hãy xem một ví dụ khác về sự phát triển rất ấn tượng của Nước Trời. Vào năm anh Skinner đến Ấn Độ, công việc rao giảng chỉ mới bắt đầu ở Zambia. Giờ đây, ở đó có hơn 170.000 người công bố, và năm 2013 có 763.915 người tham dự Lễ Tưởng Niệm. Điều này có nghĩa là cứ 18 người Zambia thì có 1 người tham dự Lễ Tưởng Niệm. Quả là sự phát triển đáng kinh ngạc!
MEN
10. Minh họa về men có nghĩa gì?
10 Đọc Ma-thi-ơ 13:33. Minh họa về men có nghĩa gì? Minh họa này cũng nói đến thông điệp Nước Trời và kết quả mà thông điệp ấy mang lại. “Cả đống bột” tượng trưng cho tất cả các nước, và quá trình lên men tượng trưng cho sự phát triển của thông điệp Nước Trời qua việc rao giảng. Sự phát triển của hạt cải được thấy rõ, nhưng sự phát triển của men thì ban đầu không thấy được. Một thời gian sau mới thấy rõ kết quả.
11. Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa về men?
11 Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa này? Ngài cho thấy thông điệp Nước Trời có quyền lực lan rộng khắp nơi và tạo ra sự thay đổi. Thông điệp Nước Trời đã vươn “đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Tuy nhiên, sự thay đổi do thông điệp mang lại không luôn được thấy rõ, thậm chí một số tác động có thể không nhận thấy lúc đầu. Nhưng có sự thay đổi, không chỉ về số lượng mà còn về nhân cách của những người chấp nhận thông điệp đang lan rộng này.—Rô 12:2; Ê-phê 4:22, 23.
12, 13. Hãy nêu những ví dụ cho thấy công việc Nước Trời phát triển như được miêu tả trong minh họa về men.
12 Tác động của công việc rao giảng thường thấy sau vài năm công việc được khởi xướng. Chẳng hạn, hãy xem kinh nghiệm của anh Franz và chị Margit phụng sự ở văn phòng chi nhánh Brazil vào năm 1982, và hiện đang phụng sự ở chi nhánh khác. Khi ở Brazil, họ làm chứng trong một thị trấn nhỏ. Trong số những học viên Kinh Thánh mà họ hướng dẫn, có một người mẹ và bốn con. Con trai lớn nhất của bà lúc ấy chỉ 12 tuổi, rất nhút nhát và thường tìm cách lẩn trốn trước khi buổi học bắt đầu. Vì có sự thay đổi nhiệm sở nên cặp vợ chồng này không thể tiếp tục học với gia đình đó. Nhưng 25 năm sau, họ có cơ hội trở lại thăm thị trấn này. Họ thấy điều gì? Đó là một hội thánh gồm 69 công bố, trong đó có 13 tiên phong đều đều, và các buổi nhóm đều diễn ra tại Phòng Nước Trời mới. Còn cậu bé nhút nhát ngày nào thì sao? Hiện nay, anh phụng sự với tư cách giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão! Giống như men trong minh họa của Chúa Giê-su, thông điệp Nước Trời đã phát triển và thay đổi đời sống của nhiều người. Điều này mang lại niềm vui khôn tả cho cặp vợ chồng ấy!
13 Ngay cả trong những nước mà công việc Nước Trời bị hạn chế, sức mạnh không nhìn thấy được của thông điệp Nước Trời vẫn có thể thay đổi con người. Thật khó để biết thông điệp lan rộng như thế nào trong những nước ấy, và kết quả thường làm chúng ta ngạc nhiên. Một ví dụ là Cuba. Thông điệp Nước Trời đến quốc gia này năm 1910, và anh Russell đến thăm Cuba vào năm 1913. Tuy nhiên, lúc đầu công việc phát triển chậm. Ngày nay, chúng ta thấy gì ở Cuba? Có hơn 96.000 công bố đang rao giảng tin mừng và 229.726 người dự Lễ Tưởng Niệm vào năm 2013. Như vậy, cứ 48 người dân ở hòn đảo ấy thì có 1 người tham dự Lễ Tưởng Niệm. Ngay cả trong những nước không bị cấm đoán, thông điệp Nước Trời có thể đến những vùng mà Nhân Chứng địa phương nghĩ rằng khó có thể rao giảng.a—Truyền 8:7; 11:5.
14, 15. (a) Chúng ta rút ra bài học nào từ minh họa về men? (b) Minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?
14 Chúng ta nhận được lợi ích nào từ những gì Chúa Giê-su dạy qua minh họa về men? Khi suy ngẫm ý nghĩa trong minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra mình không cần lo lắng thái quá về việc làm thế nào công việc Nước Trời sẽ đến với hàng triệu người chưa được nghe tin mừng. Đức Giê-hô-va kiểm soát mọi việc. Vậy, công việc của chúng ta là gì? Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt” (Truyền 11:6). Dù thế, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho công việc rao giảng được tiến triển, đặc biệt trong những nước mà công việc này bị hạn chế.—Ê-phê 6:18-20.
15 Ngoài ra, chúng ta không nên nản lòng nếu lúc đầu chưa nhìn thấy kết quả của công việc rao giảng. Chúng ta đừng bao giờ xem thường “bước khởi đầu khiêm tốn” (Xa 4:10, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Cuối cùng, có thể kết quả trở nên khả quan và tuyệt vời hơn chúng ta nghĩ!—Thi 40:5; Xa 4:7.
NGƯỜI LÁI BUÔN VÀ BÁU VẬT CHÔN GIẤU
16. Minh họa về người lái buôn và báu vật chôn giấu có nghĩa gì?
16 Đọc Ma-thi-ơ 13:44-46. Minh họa về người lái buôn và báu vật chôn giấu có nghĩa gì? Vào thời Chúa Giê-su, một số lái buôn phải đi đến tận Ấn Độ Dương để mua những viên ngọc quý giá nhất. Người lái buôn trong minh họa này tượng trưng cho người có lòng thành. Họ bỏ ra nhiều nỗ lực để thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng. “Viên ngọc quý giá” tượng trưng cho sự thật quý báu về Nước Trời. Nhận ra giá trị của viên ngọc, người lái buôn “liền” bán hết những gì mình có để mua viên ngọc ấy. Chúa Giê-su cũng nói đến một người đàn ông đang làm việc ngoài đồng và tìm được báu vật “chôn giấu”. Khác với người lái buôn, người đàn ông này không đi tìm báu vật, nhưng giống như người lái buôn, ông sẵn sàng bán “hết của cải” nhằm có được báu vật ấy.
17. Tại sao Chúa Giê-su đưa ra minh họa về người lái buôn và báu vật chôn giấu?
17 Tại sao Chúa Giê-su đưa ra hai minh họa này? Ngài cho thấy sự thật đến với người ta qua nhiều cách. Một số người bỏ ra nhiều nỗ lực để tìm kiếm sự thật. Những người khác có được sự thật, không phải do tìm kiếm, nhưng có lẽ do người khác mang đến. Dù trường hợp nào đi nữa, mỗi người đều nhận ra giá trị của sự thật và sẵn sàng hy sinh rất nhiều để có được điều đó.
18. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào qua hai minh họa này? (b) Những minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?
18 Chúng ta nhận được lợi ích nào qua hai minh họa này? (Mat 6:19-21). Hãy tự hỏi: “Mình có thái độ giống như hai người đàn ông trong minh họa không? Mình có quý trọng sự thật như họ không? Mình có sẵn sàng hy sinh để có được sự thật không? Hay mình để những việc khác, như mối quan tâm về đời sống thường ngày, làm mình bị phân tâm?” (Mat 6:22-24, 33; Lu 5:27, 28; Phi-líp 3:8). Càng vui mừng về việc tìm thấy sự thật, chúng ta càng quyết tâm đặt sự thật lên hàng đầu trong đời sống.
19. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
19 Mong sao chúng ta cho thấy mình đã lắng nghe và thật sự hiểu ý nghĩa của những minh họa về Nước Trời. Hãy nhớ rằng chúng ta làm điều đó không chỉ qua việc hiểu ý nghĩa mà còn áp dụng các bài học rút ra từ những minh họa. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét thêm ba minh họa và xem mình có thể rút ra bài học nào từ những minh họa này.
a Những ví dụ tương tự xảy ra trong những nước khác là Argentina (Yearbook năm 2001, trang 186); Đông Đức (Yearbook năm 1999, trang 83); Papua New Guinea (Yearbook năm 2005, trang 63) và Đảo Robinson Crusoe (Tháp Canh, ngày 15-6-2000, trang 9).