“Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em”
“Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thời đại này kết thúc”.—MAT 28:20.
1. (a) Hãy tóm tắt minh họa về lúa mì và cỏ dại. (b) Chúa Giê-su giải thích thế nào về ý nghĩa của minh họa này?
Trong những minh họa về Nước Trời, Chúa Giê-su dùng một minh họa về người nông dân gieo lúa mì. Sau đó, một kẻ thù đến gieo cỏ dại vào ruộng của ông. Cỏ dại lấn át lúa mì, nhưng người nông dân bảo các đầy tớ “để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt”. Trong mùa gặt, cỏ dại bị diệt, còn lúa mì thì được thu lại. Chính Chúa Giê-su đã giải thích minh họa này. (Đọc Ma-thi-ơ 13:24-30, 37-43). Minh họa này tiết lộ điều gì? (Xem biểu đồ “Lúa mì và cỏ dại”).
2. (a) Những biến cố diễn ra trong ruộng của người nông dân giúp chúng ta hiểu điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét thời kỳ nào của minh họa này?
2 Những biến cố xảy ra trong ruộng của người nông dân giúp chúng ta hiểu khi nào và bằng cách nào Chúa Giê-su thu nhóm từ nhân loại toàn bộ lớp lúa mì, tức những tín đồ được xức dầu sẽ cai trị với ngài trong Nước Trời. Việc gieo giống bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Việc thu nhóm sẽ hoàn tất khi những người được xức dầu còn sống trên đất khi thời đại này kết thúc được đóng ấn lần cuối và sau đó được cất lên trời (Mat 24:31; Khải 7:1-4). Như một người đứng trên núi có thể thấy bao quát cảnh vật xung quanh, minh họa của Chúa Giê-su cũng giúp chúng ta nhìn bao quát những biến cố diễn ra trong khoảng 2.000 năm. Minh họa của ngài miêu tả các thời kỳ: gieo giống, phát triển và gặt hái. Bài này chủ yếu xem xét thời kỳ gặt háia.
DƯỚI SỰ CANH CHỪNG CỦA CHÚA GIÊ-SU
3. (a) Tình trạng nào phát triển sau thế kỷ thứ nhất? (b) Trong Ma-thi-ơ 13:28, câu hỏi nào được nêu lên và ai hỏi? (Cũng xem chú thích).
3 Vào đầu thế kỷ thứ hai CN, ‘cỏ dại lộ ra’ khi các tín đồ giả hiệu xuất hiện trong cánh đồng thế gian (Mat 13:26). Đến thế kỷ thứ tư, những tín đồ được ví như cỏ dại đông hơn nhiều so với những tín đồ được xức dầu. Hãy nhớ rằng trong minh họa đó, các đầy tớ xin chủ cho phép nhổ cỏ dạib (Mat 13:28). Người chủ phản ứng thế nào?
4. (a) Câu trả lời của Chủ là Chúa Giê-su tiết lộ điều gì? (b) Khi nào những tín đồ được ví như lúa mì có thể được thấy rõ?
4 Về lúa mì và cỏ dại, Chúa Giê-su nói: “Hãy để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt”. Mệnh lệnh này cho thấy từ thế kỷ thứ nhất đến nay, trên đất luôn có một số tín đồ được xức dầu được ví như lúa mì. Điều này được khẳng định qua những lời mà về sau Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thời đại này kết thúc” (Mat 28:20). Điều này cho thấy những tín đồ được xức dầu sẽ luôn được Chúa Giê-su canh chừng trong suốt thời gian cỏ dại và lúa mì cùng lớn lên. Nhưng vì họ bị những tín đồ được ví như cỏ dại lấn át nên chúng ta không biết chắc là trong thời gian dài ấy ai thuộc lớp lúa mì. Tuy nhiên, vài thập kỷ trước khi mùa gặt bắt đầu, lớp lúa mì có thể được thấy rõ. Điều này xảy ra như thế nào?
MỘT SỨ GIẢ “DỌN ĐƯỜNG”
5. Lời tiên tri của Ma-la-chi được ứng nghiệm thế nào vào thế kỷ thứ nhất?
5 Hàng thế kỷ trước khi Chúa Giê-su đưa ra minh họa về lúa mì và cỏ dại, Đức Giê-hô-va soi dẫn nhà tiên tri Ma-la-chi báo trước những biến cố được ngụ ý trong minh họa của Chúa Giê-su. (Đọc Ma-la-chi 3:1-4c). Giăng Báp-tít là ‘sứ giả dọn đường’ (Mat 11:10, 11). Khi ông khởi sự rao giảng vào năm 29 CN, một thời kỳ phán xét nước Y-sơ-ra-ên sắp bắt đầu. Chúa Giê-su là sứ giả thứ hai. Ngài làm sạch “Thánh Điện”, tức đền thờ, ở Giê-ru-sa-lem hai lần—lần đầu là lúc khởi sự thánh chức và lần thứ hai là lúc sắp kết thúc thánh chức (Mat 21:12, 13; Giăng 2:14-17). Vì thế, công việc làm sạch của Chúa Giê-su diễn ra trong một khoảng thời gian.
6. (a) Lời tiên tri của Ma-la-chi được ứng nghiệm rộng lớn hơn như thế nào? (b) Việc Chúa Giê-su thanh tra đền thờ thiêng liêng diễn ra trong khoảng thời gian nào? (Cũng xem chú thích).
6 Lời tiên tri của Ma-la-chi được ứng nghiệm rộng lớn hơn như thế nào? Những thập niên trước năm 1914, anh Charles Taze Russell và các cộng sự đã làm một việc giống Giăng Báp-tít. Công việc quan trọng đó liên quan đến việc khôi phục sự thật Kinh Thánh. Chẳng hạn, Học viên Kinh Thánh đã giải thích đúng ý nghĩa sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, vạch trần sự dối trá của giáo lý hỏa ngục và công bố Thời Kỳ Dân Ngoại sắp chấm dứt. Tuy nhiên, có rất nhiều nhóm tôn giáo cho rằng mình là môn đồ của Chúa Giê-su. Vậy câu hỏi trọng yếu được nêu lên là: “Nhóm nào là lúa mì?”. Để giải đáp thắc mắc đó, Chúa Giê-su bắt đầu thanh tra đền thờ thiêng liêng vào năm 1914. Công việc thanh tra và làm sạch diễn ra trong một khoảng thời gian—từ năm 1914 đến đầu năm 1919d.
GIAI ĐOẠN THANH TRA VÀ LÀM SẠCH
7. Khi bắt đầu thanh tra vào năm 1914, Chúa Giê-su thấy gì?
7 Khi bắt đầu thanh tra, Chúa Giê-su thấy gì? Trong hơn 30 năm, một nhóm nhỏ Học viên Kinh Thánh sốt sắng đã dành hết năng lực và tài sản để thực hiện một chiến dịch rao giảng hào hùnge. Hẳn Chúa Giê-su và các thiên sứ rất vui mừng khi thấy nhóm lúa mì, dù số ít nhưng đã tỏ ra cứng cáp trước sự lấn át của cỏ dại đến từ Sa-tan! Dù vậy, “các con trai Lê-vi”, tức những tín đồ được xức dầu, vẫn cần được ‘làm sạch’ (Mal 3:2, 3; 1 Phi 4:17). Tại sao?
8. Những biến cố nào diễn ra sau năm 1914?
8 Cuối năm 1914, một số Học viên Kinh Thánh nản lòng vì chưa được lên trời. Năm 1915 và 1916, sự chống đối từ bên ngoài tổ chức đã khiến công việc rao giảng bị chậm lại. Tệ hơn nữa, sau khi anh Russell qua đời vào tháng 10 năm 1916, đã xuất hiện sự chống đối từ bên trong tổ chức. Bốn trong bảy anh điều hành hiệp hội vào thời đó (Watch Tower Bible and Tract Society) chống lại quyết định để anh Rutherford dẫn đầu. Họ cố gây chia rẽ trong vòng anh em, nhưng vào tháng 8 năm 1917, họ rời Bê-tên. Quả là một sự làm sạch cần thiết! Cũng có một số Học viên Kinh Thánh bỏ cuộc vì sợ loài người. Nhưng nói chung các Học viên Kinh Thánh tích cực hưởng ứng công việc làm sạch của Chúa Giê-su và có những thay đổi cần thiết. Vì thế, Chúa Giê-su xét họ là lúa mì, tức tín đồ chân chính, nhưng ngài chối bỏ mọi tín đồ giả hiệu, kể cả các tín đồ trong những giáo hội thuộc khối Ki-tô giáo (Mal 3:5; 2 Ti 2:19). Điều gì xảy ra tiếp theo? Chúng ta hãy trở lại minh họa về lúa mì và cỏ dại.
ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI MÙA GẶT BẮT ĐẦU?
9, 10. (a) Chúng ta sẽ xem xét điều gì về mùa gặt? (b) Điều gì diễn ra đầu tiên trong mùa gặt?
9 Chúa Giê-su nói: “Mùa gặt là thời kỳ cuối cùng của thế gian này” (Mat 13:39). Mùa gặt bắt đầu vào năm 1914. Hãy xem năm biến cố Chúa Giê-su báo trước sẽ xảy ra trong thời kỳ đó.
10 Thứ nhất, nhổ cỏ dại. Chúa Giê-su nói: “Lúc ấy [vào mùa gặt], ta sẽ bảo thợ gặt: Trước hết hãy nhổ cỏ dại và bó lại”. Sau năm 1914, các thiên sứ bắt đầu “nhổ” những tín đồ được ví như cỏ dại, tức tách họ ra khỏi “con cái Nước Đức Chúa Trời”, là những tín đồ được xức dầu.—Mat 13:30, 38, 41.
11. Cho đến nay, dấu hiệu nào cho thấy tín đồ chân chính khác với tín đồ giả hiệu?
11 Khi việc “nhổ” tiến triển, sự khác biệt giữa hai nhóm ngày càng rõ rệt hơn (Khải 18:1, 4). Năm 1919, nhiều bằng chứng cho thấy Ba-by-lôn Lớn đã bị lật đổ theo nghĩa những tín đồ chân chính được thoát khỏi sự “giam cầm” của nó. Dấu hiệu nổi bật nào cho thấy tín đồ chân chính khác với tín đồ giả hiệu? Đó là công việc rao giảng. Những anh dẫn đầu trong vòng Học viên Kinh Thánh bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi người tham gia công việc rao giảng về Nước Trời. Chẳng hạn, vào năm 1919, họ xuất bản một sách nhỏ (To Whom the Work Is Entrusted) khuyến giục tất cả những tín đồ được xức dầu đi rao giảng từng nhà. Sách này cho biết: “Đây là một công việc lớn lao nhưng là công việc của Chúa, và nhờ sức ngài chúng ta sẽ làm được. Bạn có đặc ân góp phần vào công việc này”. Các Học viên Kinh Thánh hưởng ứng thế nào? Theo một báo cáo được đăng trong Tháp Canh năm 1922 (Anh ngữ), kể từ đó họ đã đẩy mạnh các hoạt động rao giảng. Chẳng bao lâu, công việc rao giảng từng nhà đã trở thành một dấu hiệu nhận diện những tín đồ trung thành ấy. Cho đến nay, đây vẫn là dấu hiệu đặc trưng của tín đồ chân chính.
12. Lớp lúa mì được thu nhóm từ khi nào?
12 Thứ hai, thu lúa mì. Chúa Giê-su lệnh cho các thiên sứ: “Hãy thu lúa mì vào kho” (Mat 13:30). Từ năm 1919, những tín đồ được xức dầu được thu vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô đã được khôi phục. Đối với những tín đồ được xức dầu còn sống trên đất khi thời đại này kết thúc, thì việc thu nhóm cuối cùng sẽ diễn ra khi họ nhận được phần thưởng trên trời.—Đa 7:18, 22, 27.
13. Khải huyền 18:7 tiết lộ điều gì về thái độ hiện nay của ả kỹ nữ, hay Ba-by-lôn Lớn, trong đó có khối Ki-tô giáo?
13 Thứ ba, khóc lóc và nghiến răng. Sau khi các thiên sứ bó cỏ dại, điều gì xảy ra? Về tình trạng của lớp cỏ dại, Chúa Giê-su cho biết: “Chúng sẽ khóc lóc rên xiết [dịch sát là “nghiến răng”]” (Mat 13:42). Điều này đã xảy ra chưa? Chưa. Ngày nay, khối Ki-tô giáo, một phần của ả kỹ nữ, vẫn huênh hoang: “Ta là nữ vương ngồi trên ngai, ta chẳng phải là góa phụ, ta sẽ không bao giờ phải than khóc” (Khải 18:7). Quả thật, khối Ki-tô giáo vẫn nghĩ mình là thống lĩnh, thậm chí tự phụ cho rằng mình là “nữ vương ngồi trên ngai”, sai bảo giới lãnh đạo chính trị. Hiện nay, những kẻ được ví như cỏ dại đang khoác lác, chứ không khóc lóc. Nhưng tình thế sắp thay đổi.
14. (a) Khi nào các tín đồ giả hiệu sẽ nghiến răng và tại sao? (b) Cách điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về Ma-thi-ơ 13:42 phù hợp thế nào với Thi-thiên 112:10? (Xem chú thích).
14 Trong hoạn nạn lớn, sau khi các tổ chức tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, những người từng là tín đồ của các tôn giáo đó sẽ chạy đi tìm nơi trú ẩn nhưng không tìm được chỗ an toàn (Lu 23:30; Khải 6:15-17). Khi nhận ra mình không thể thoát khỏi sự hủy diệt, chúng sẽ khóc lóc vì tuyệt vọng và nghiến răng vì tức giận. Như Chúa Giê-su báo trước trong lời tiên tri về hoạn nạn lớn, vào thời điểm đen tối đó, chúng sẽ “đấm ngực than khóc”f.—Mat 24:30; Khải 1:7.
15. Điều gì sẽ xảy ra với cỏ dại và khi nào biến cố này diễn ra?
15 Thứ tư, quăng vào lò lửa. Chuyện gì xảy ra với những bó cỏ dại? Các thiên sứ sẽ “quăng chúng vào lò lửa” (Mat 13:42). Điều này ám chỉ sự hủy diệt vĩnh viễn. Vậy, những người từng là tín đồ của các tổ chức tôn giáo sai lầm sẽ bị hủy diệt vào giai đoạn cuối của hoạn nạn lớn, tức Ha-ma-ghê-đôn.—Mal 4:1.
16, 17. (a) Biến cố cuối cùng Chúa Giê-su đề cập trong minh họa là gì? (b) Tại sao chúng ta kết luận rằng biến cố đó chưa ứng nghiệm?
16 Thứ năm, chiếu sáng. Chúa Giê-su kết thúc lời tiên tri bằng câu: “Lúc ấy, người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong Nước của Cha họ” (Mat 13:43). Điều đó sẽ diễn ra khi nào và ở đâu? Những lời này vẫn chưa được ứng nghiệm. Ở đây, Chúa Giê-su báo trước biến cố sẽ diễn ra trên trời, chứ không phải biến cố đang xảy ra trên đất ngày nayg. Tại sao có thể kết luận như thế? Hãy xem hai lý do.
17 Lý do thứ nhất là yếu tố thời gian. Chúa Giê-su nói: “Lúc ấy, người công chính sẽ chiếu sáng”. Hẳn cụm từ “lúc ấy” muốn nói đến thời điểm của biến cố mà Chúa Giê-su vừa đề cập, đó là ‘quăng cỏ dại vào lò lửa’. Điều này sẽ xảy ra vào giai đoạn cuối của hoạn nạn lớn. Vì vậy, việc “chiếu sáng” của những tín đồ được xức dầu hẳn cũng xảy ra vào thời điểm đó. Lý do thứ hai là yếu tố địa điểm. Chúa Giê-su nói rằng người công chính sẽ ‘chiếu sáng trong Nước Trời’. Điều này có nghĩa gì? Khi giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn kết thúc, tất cả các tín đồ được xức dầu trung thành còn sống trên đất đã được đóng ấn lần cuối rồi. Sau đó, như được ghi lại trong lời tiên tri của Chúa Giê-su về hoạn nạn lớn, họ sẽ được thu nhóm lên trời (Mat 24:31). Tại đó, họ sẽ chiếu sáng “trong Nước của Cha họ” và không lâu sau cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, họ sẽ vui mừng với cương vị cô dâu của Chúa Giê-su trong “tiệc cưới của Chiên Con”.—Khải 19:6-9.
CHÚNG TA NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH NÀO?
18, 19. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi hiểu minh họa của Chúa Giê-su về lúa mì và cỏ dại?
18 Mỗi chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét minh họa này? Hãy xem ba lợi ích: Thứ nhất, chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc hơn. Minh họa này tiết lộ một lý do quan trọng Đức Giê-hô-va để cho có sự gian ác. Ngài “đã nhẫn nhịn với những bình đáng gánh lấy cơn thịnh nộ” để chuẩn bị “những bình đáng thương xót”, tức lớp lúa mìh (Rô 9:22-24). Thứ hai, đức tin của chúng ta được củng cố. Càng gần thời điểm kết thúc, kẻ thù càng tấn công chúng ta dữ dội, nhưng chúng sẽ “không thắng”. (Đọc Giê-rê-mi 1:19). Như việc Đức Giê-hô-va bảo vệ lớp lúa mì qua các thời đại, thì qua Chúa Giê-su và các thiên sứ, ngài cũng “luôn ở cùng” chúng ta.—Mat 28:20.
19 Thứ ba, minh họa này giúp chúng ta nhận diện lớp lúa mì. Tại sao điều này quan trọng? Việc biết những tín đồ được ví như lúa mì là điều thiết yếu để giải đáp câu hỏi mà Chúa Giê-su đã nêu trong lời tiên tri về những ngày sau cùng: “Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?” (Mat 24:45). Hai bài kế tiếp sẽ cung cấp câu trả lời thỏa đáng.
a Đoạn 2: Để nhớ lại ý nghĩa các phần khác của minh họa, chúng tôi khuyến khích bạn đọc bài “Những người công-bình sẽ chói-rạng như mặt trời” trong Tháp Canh ngày 15-3-2010.
b Đoạn 3: Vì các sứ đồ của Chúa Giê-su đã qua đời và những tín đồ được xức dầu còn lại trên đất được tượng trưng bởi lúa mì, không phải là các đầy tớ, nên hợp lý là các đầy tớ tượng trưng cho những thiên sứ. Thợ gặt lúa mì được đề cập trong phần sau của minh họa là các thiên sứ.—Mat 13:39.
c Một bản khác dịch Ma-la-chi 3:1 là: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
d Đoạn 6: Đây là một điều chỉnh về sự hiểu biết. Trước kia, chúng ta nghĩ rằng Chúa Giê-su thanh tra vào năm 1918.
e Đoạn 7: Từ năm 1910 đến năm 1914, Học viên Kinh Thánh đã phân phát gần 4.000.000 cuốn sách và hơn 200.000.000 tờ chuyên đề và sách nhỏ.
f Đoạn 14: Đây là một điều chỉnh trong sự hiểu biết của chúng ta về Ma-thi-ơ 13:42. Trước đây, ấn phẩm của chúng ta nói rằng những tín đồ giả hiệu đã ‘khóc lóc và nghiến răng’ trong hàng thập kỷ vì bị “con cái Nước Đức Chúa Trời” vạch trần là “con cái Kẻ Ác” (Mat 13:38). Tuy nhiên, Kinh Thánh dùng hình ảnh nghiến răng khi nói về những người sẽ bị hủy diệt.—Thi 112:10.
g Đoạn 16: Đa-ni-ên 12:3 cho biết: “Những kẻ khôn-sáng [tín đồ được xức dầu] sẽ được rực-rỡ như sự sáng trên vòng khung”. Khi còn sống trên đất, họ chiếu sáng qua việc rao giảng. Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 13:43 nói đến thời điểm họ chiếu sáng trong Nước Trời. Trước kia, chúng ta nghĩ rằng cả hai câu Kinh Thánh này đều nói đến công việc rao giảng.
h Đoạn 18: Xin xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, trang 288, 289.