Bạn có “hiểu Kinh Thánh” không?
“Ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh”.—LU 24:45.
1, 2. Chúa Giê-su đã củng cố các môn đồ như thế nào vào ngày ngài được sống lại?
Hôm đó vẫn là ngày Chúa Giê-su được sống lại. Hai môn đồ đang đi bộ đến một làng cách thành Giê-ru-sa-lem hơn 11km. Do không biết Chúa Giê-su đã được sống lại, họ cảm thấy nản lòng vì những sự kiện xảy ra gần đây. Thình lình, Chúa Giê-su hiện ra và đi cùng họ. Ngài đã an ủi hai môn đồ này. Bằng cách nào? “Bắt đầu từ Môi-se và các tiên tri, ngài cắt nghĩa cho họ những điều có liên quan đến ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu 24:13-15, 27). Lúc bấy giờ, lòng họ rạo rực vì được Chúa Giê-su “giải thích” Kinh Thánh.—Lu 24:32.
2 Tối hôm ấy, hai môn đồ trở về Giê-ru-sa-lem. Họ đi tìm các sứ đồ và thuật lại sự việc đã xảy ra với họ. Khi họ đang nói, Chúa Giê-su hiện ra với mọi người. Nhưng các sứ đồ kinh hãi và nghi ngờ, không biết đó có phải là Chúa Giê-su không. Chúa Giê-su đã củng cố họ như thế nào? Kinh Thánh cho biết: “Ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh”.—Lu 24:45.
3. Chúng ta có thể đối mặt với những thử thách nào, và điều gì giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng trong thánh chức?
3 Như hai môn đồ này, có lẽ đôi khi chúng ta bị nản lòng. Có thể chúng ta bận rộn trong công việc Chúa nhưng cảm thấy thoái chí vì không đạt được kết quả (1 Cô 15:58). Hoặc những học viên Kinh Thánh của chúng ta dường như chậm tiến bộ. Những người được chúng ta giúp thậm chí quay lưng lại với Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể làm gì để duy trì quan điểm thăng bằng trong thánh chức? Một yếu tố có thể giúp chúng ta là hiểu ý nghĩa những minh họa của Chúa Giê-su được ghi lại trong Kinh Thánh. Hãy tìm hiểu ba minh họa dưới đây và xem chúng ta có thể học được gì.
NGƯỜI GIEO GIỐNG ĐI NGỦ
4. Minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống đi ngủ có nghĩa gì?
4 Đọc Mác 4:26-29. Minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống đi ngủ có nghĩa gì? Người đàn ông trong minh họa tượng trưng cho những người rao truyền Nước Trời. Hạt giống là thông điệp Nước Trời được rao giảng cho những người có lòng thành. Theo nhịp sống thường nhật, “tối [người gieo giống] đi ngủ và sáng thức dậy”. Quá trình phát triển diễn ra trong một giai đoạn, từ lúc bắt đầu gieo đến lúc thu hoạch. Trong thời gian đó, “hạt giống nảy mầm và mọc lên”. Sự sinh trưởng này “tự nó” diễn ra dần dần và theo từng giai đoạn. Sự phát triển về thiêng liêng cũng giống như thế. Khi một người tiến bộ đến thời điểm được thôi thúc để phụng sự Đức Chúa Trời, người ấy sinh hoa lợi theo nghĩa dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm.
5. Tại sao Chúa Giê-su nói minh họa về người gieo giống đi ngủ?
5 Tại sao Chúa Giê-su nói minh họa này? Chúa Giê-su giúp chúng ta nhận ra Đức Giê-hô-va là đấng làm cho sự thật phát triển trong lòng những người có “thái độ đúng” (Công 13:48; 1 Cô 3:7). Chúng ta trồng và tưới, nhưng không kiểm soát được sự phát triển ấy. Chúng ta không thể ép hoặc thúc hạt giống lớn lên. Như người đàn ông trong minh họa, chúng ta không biết sự phát triển diễn ra thế nào và thường không nhận ra điều này trong các hoạt động hằng ngày. Nhưng với thời gian, hạt giống Nước Trời có thể sinh hoa lợi. Lúc đó, môn đồ mới sẽ cùng chúng ta tham gia công việc thu hoạch, và chúng ta nhận được lợi ích từ sự trợ giúp của người ấy.—Giăng 4:36-38.
6. Liên quan đến sự tiến bộ về thiêng liêng, chúng ta nên nhìn nhận điều gì?
6 Chúng ta học được gì từ minh họa này? Thứ nhất, chúng ta phải thừa nhận rằng mình không kiểm soát được sự tiến bộ về thiêng liêng của học viên Kinh Thánh. Sự khiêm tốn sẽ giúp chúng ta tránh gây áp lực hoặc ép học viên làm báp-têm. Chúng ta cố gắng làm mọi điều để khuyến khích và hỗ trợ người ấy, nhưng chúng ta khiêm nhường thừa nhận rằng cuối cùng quyết định dâng mình là thuộc về người đó. Sự dâng mình phải xuất phát từ lòng và được thôi thúc bởi tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời. Nếu thiếu điều này thì một người sẽ không được Đức Giê-hô-va chấp nhận.—Thi 51:12; 54:6; 110:3.
7, 8. (a) Chúng ta rút ra những bài học nào khác từ minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống đi ngủ? Hãy cho ví dụ. (b) Minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?
7 Thứ hai, hiểu bài học đằng sau minh họa này sẽ giúp chúng ta không nản lòng nếu lúc đầu không thấy kết quả của việc mình làm. Chúng ta cần kiên nhẫn (Gia 5:7, 8). Nếu đã làm hết sức để giúp học viên và hạt giống không sinh hoa lợi, chúng ta ý thức rằng đây không phải là dấu hiệu cho thấy mình thiếu tinh thần trách nhiệm. Đức Giê-hô-va chỉ cho phép hạt giống sự thật nảy nở trong lòng người khiêm nhường và sẵn sàng thay đổi (Mat 13:23). Vì vậy, chúng ta không nên đánh giá hiệu quả của thánh chức chỉ qua những thành quả. Trước mắt Đức Giê-hô-va, sự thành công trong thánh chức không dựa vào sự hưởng ứng của học viên. Thay vì thế, ngài quý trọng những nỗ lực của chúng ta để chu toàn nhiệm vụ, bất kể kết quả ra sao.—Đọc Lu-ca 10:17-20; 1 Cô-rinh-tô 3:8.
8 Thứ ba, chúng ta không luôn nhận thấy được sự thay đổi diễn ra trong lòng của một người. Chẳng hạn, cặp vợ chồng học hỏi Kinh Thánh với một anh giáo sĩ đến gặp anh để xin làm người công bố chưa báp-têm. Anh nhắc cặp vợ chồng ấy rằng để hội đủ điều kiện, họ phải ngưng hút thuốc. Anh giáo sĩ vô cùng ngạc nhiên khi họ cho biết đã bỏ thuốc cách đây vài tháng. Tại sao họ làm được điều này? Họ nhận ra rằng Đức Giê-hô-va có thể thấy họ hút thuốc và ngài ghét sự giả hình. Vì vậy, lòng họ được thôi thúc để đưa ra quyết định, đó là nếu hút thuốc, họ sẽ hút trước mặt anh giáo sĩ hoặc ngưng hoàn toàn. Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời dần dần phát triển trong lòng đã giúp họ có quyết định đúng. Họ đã tiến bộ về thiêng liêng, dù anh giáo sĩ không biết về sự thay đổi này.
CÁI LƯỚI
9. Minh họa về cái lưới có nghĩa gì?
9 Đọc Ma-thi-ơ 13:47-50. Minh họa của Chúa Giê-su về cái lưới có nghĩa gì? Chúa Giê-su liên kết công việc rao giảng thông điệp Nước Trời cho toàn thể nhân loại với việc thả một cái lưới lớn xuống biển. Giống như lưới bắt “đủ mọi loại cá”, không phân biệt loại cá nào, công việc rao giảng thu hút hàng triệu người từ mọi gốc gác (Ê-sai 60:5). Số lượng lớn những người tham dự hội nghị và Lễ Tưởng Niệm hằng năm là bằng chứng cho thấy điều này. Một số người được tượng trưng là cá “tốt” và được thu nhóm vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Những người khác được tượng trưng là cá “không ăn được”; không phải tất cả những người được kéo đến đều cho thấy họ được Đức Giê-hô-va chấp nhận.
10. Tại sao Chúa Giê-su nói minh họa về cái lưới?
10 Tại sao Chúa Giê-su nói minh họa này? Việc phân loại cá theo nghĩa bóng không ám chỉ đến sự phán xét cuối cùng trong hoạn nạn lớn. Thay vì thế, hình ảnh này nhấn mạnh điều sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng của thế gian gian ác này. Chúa Giê-su cho thấy không phải tất cả những người được thu hút đến với sự thật đều chọn đứng về phía Đức Giê-hô-va. Nhiều người kết hợp với chúng ta tại các buổi nhóm họp hoặc sẵn sàng học Kinh Thánh nhưng không muốn cam kết bất cứ điều gì (1 Vua 18:21). Cũng có những người không còn kết hợp với hội thánh nữa. Một số người trẻ lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô, nhưng không phát triển lòng yêu mến các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Dù trường hợp nào đi nữa, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng mỗi người cần tự đưa ra quyết định. Những người làm thế được Đức Chúa Trời chấp nhận và được xem là “sự ao-ước của các nước”.—A-ghê 2:7.
11, 12. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào từ minh họa về cái lưới? (b) Minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?
11 Chúng ta nhận được lợi ích nào từ minh họa về cái lưới? Hiểu bài học trong minh họa này giúp chúng ta tránh buồn rầu quá mức hoặc thất vọng nếu một học viên Kinh Thánh hay một người con trong gia đình không tự chọn sự thật. Điều này có thể xảy ra dù chúng ta đã cố gắng hết sức. Một người chấp nhận học Kinh Thánh hoặc được nuôi dưỡng trong sự thật không có nghĩa sẽ tự động phát triển mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Những người không sẵn sàng vâng phục quyền cai trị của Đức Giê-hô-va cuối cùng sẽ bị loại khỏi dân ngài.
12 Phải chăng điều này có nghĩa là những ai đã bỏ sự thật sẽ không bao giờ được phép quay trở lại hội thánh? Hay nếu một người không dâng mình cho Đức Giê-hô-va sẽ mãi mãi bị xem như loại cá “không ăn được”? Không. Vẫn còn một cánh cửa để ngỏ cho những người như thế trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ. Như thể Đức Giê-hô-va gọi họ: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi” (Mal 3:7). Điều này được nhấn mạnh qua một minh họa khác của Chúa Giê-su, đó là minh họa về người con hoang đàng.—Đọc Lu-ca 15:11-32.
NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG
13. Minh họa về người con hoang đàng có nghĩa gì?
13 Minh họa của Chúa Giê-su về người con hoang đàng có nghĩa gì? Người cha có lòng thương xót trong minh họa này tượng trưng cho Cha yêu thương trên trời, Đức Giê-hô-va. Người con chi tiêu hoang phí gia tài tượng trưng cho những người đi lạc khỏi hội thánh. Việc bỏ đi giống như việc họ đến “một xứ xa”, tức thế gian của Sa-tan—thế gian xa cách Đức Giê-hô-va (Ê-phê 4:18; Cô 1:21). Tuy nhiên, một số người sau này tỉnh ngộ và thực hiện cuộc hành trình khó khăn để trở về với tổ chức của ngài. Nhờ ăn năn và khiêm nhường, họ được Cha sẵn lòng tha thứ và nồng nhiệt chào đón.—Ê-sai 44:22; 1 Phi 2:25.
14. Tại sao Chúa Giê-su nói minh họa về người con hoang đàng?
14 Tại sao Chúa Giê-su nói minh họa này? Qua một minh họa cảm động, Chúa Giê-su cho biết Đức Giê-hô-va muốn những người đi lạc trở về với ngài. Người cha trong minh họa không bao giờ mất hy vọng rằng con trai mình sẽ trở về. Vừa thấy con trở về, thậm chí “khi anh còn ở đằng xa”, người cha vội chạy đến đón con. Quả là một sự khích lệ mạnh mẽ cho những ai đã rời bỏ sự thật nhanh chóng trở về với Đức Giê-hô-va! Có thể họ bị kiệt sức về thiêng liêng và con đường trở về dường như đầy chông gai và sự xấu hổ. Nhưng nỗ lực ấy thật đáng công vì ngay cả trên trời cũng vui mừng khi họ trở về.—Lu 15:7.
15, 16. (a) Chúng ta rút ra những bài học nào từ minh họa của Chúa Giê-su về người con hoang đàng? Hãy cho một số ví dụ. (b) Minh họa này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?
15 Chúng ta nhận được lợi ích nào từ minh họa về người con hoang đàng? Chúng ta nên noi gương Đức Giê-hô-va và không bao giờ muốn tỏ ra “công-bình quá”, đến mức từ chối chào đón người ăn năn trở về. Điều này chỉ gây “thiệt-hại” về thiêng liêng (Truyền 7:16). Chúng ta có thể rút ra một bài học khác từ minh họa này. Chúng ta nên xem những người rời bỏ hội thánh như “chiên lạc lối”, chứ không phải là vô phương cứu chữa (Thi 119:176, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nếu gặp một người đi lạc khỏi hội thánh, chúng ta có bày tỏ tình yêu thương và hỗ trợ thực tế để giúp người ấy trở về không? Chúng ta có báo ngay với các trưởng lão để họ có những trợ giúp thích hợp không? Chúng ta sẽ làm thế nếu khôn ngoan áp dụng bài học rút ra từ minh họa của Chúa Giê-su về người con hoang đàng.
16 Hãy xem một số người con hoang đàng thời nay đã bày tỏ lòng biết ơn về sự thương xót của Đức Giê-hô-va và tình yêu thương cũng như sự hỗ trợ của hội thánh. Một anh bị khai trừ 25 năm cho biết: “Từ khi được nhận lại, niềm vui của tôi tiếp tục gia tăng vì đã đón nhận ‘kỳ thanh thản’ từ Đức Giê-hô-va (Công 3:19). Mọi người hỗ trợ và yêu thương tôi rất nhiều! Hiện nay, tôi có một gia đình thiêng liêng tuyệt vời”. Một chị tín đồ trẻ rời bỏ Đức Giê-hô-va 5 năm nói về việc chị trở lại: ‘Tôi không thể diễn tả hết cảm xúc khi thấy các anh chị dành cho tôi tình yêu thương mà Chúa Giê-su đã nói đến. Được thuộc về tổ chức Đức Giê-hô-va là một điều vô giá!’.
17, 18. (a) Chúng ta rút ra các bài học thực tiễn nào từ ba minh họa vừa được xem xét? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
17 Chúng ta rút ra các bài học thực tiễn nào từ những minh họa này? Thứ nhất, chúng ta phải thừa nhận là mình không kiểm soát được sự phát triển về thiêng liêng. Điều này thuộc về Đức Giê-hô-va. Thứ hai, hãy thực tế. Chúng ta không thể mong đợi tất cả những người kết hợp và học Kinh Thánh với mình sẽ chọn đứng về phía sự thật. Cuối cùng, dù một số người có lẽ bỏ sự thật và quay lưng lại với Đức Giê-hô-va, chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng rằng họ sẽ trở lại. Nếu họ trở lại, chúng ta hãy chào đón họ theo quan điểm của Đức Giê-hô-va.
18 Mong sao mỗi chúng ta tiếp tục tìm kiếm tri thức, sự hiểu biết và sự khôn ngoan. Khi đọc những minh họa của Chúa Giê-su, hãy tự hỏi: “Những minh họa ấy có nghĩa gì? Tại sao những minh họa ấy được ghi lại trong Kinh Thánh? Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng các bài học rút ra từ những minh họa này? Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su qua những minh họa ấy?”. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình thật sự hiểu ý nghĩa lời của Chúa Giê-su.