Lễ mãn khóa thứ 132 của Trường Ga-la-át
Những chiến sĩ bảo vệ sự thật
Ngày 10-3-2012 là một ngày đặc biệt tại trung tâm giáo dục của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Patterson, New York. Hàng ngàn người ăn mặc chỉnh tề, bao gồm những khách từ nước ngoài, đến tham dự lễ mãn khóa thứ 132 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Có rất nhiều người tại khán phòng ở Patterson, những người khác thì theo dõi chương trình qua màn hình tại những địa điểm phụ. Hết thảy có 9.042 người tham dự.
Ai nấy đều vô cùng háo hức. Không như những khóa trước đây của trường giáo sĩ, tất cả học viên tốt nghiệp đều đã phụng sự đặc biệt trọn thời gian dưới một số hình thức như thành viên nhà Bê-tên, tiên phong đặc biệt, giám thị lưu động, hoặc giáo sĩ, dù chưa từng dự Trường Ga-la-át. Vậy các anh sẽ nói gì với những học viên đầy kinh nghiệm này?
Cử tọa không cần phải chờ đợi lâu để biết câu trả lời. Anh Gerrit Lösch, thành viên Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, là chủ tọa chương trình và người trình bày bài giảng mở đầu. Anh hỏi một câu gợi suy nghĩ: “Anh chị có phải là chiến sĩ không?”. Anh giải thích rằng môn đồ Chúa Giê-su là những chiến sĩ bảo vệ sự thật, bênh vực cho toàn bộ sự dạy dỗ của đạo Đấng Ki-tô. Bảo vệ sự thật không chỉ là dạy người ta về sự thật mà còn là giúp họ yêu mến sự thật.
Anh Lösch hỏi: “Làm sao chúng ta biết mình có sự thật?”. Anh cho biết rằng bằng chứng không phụ thuộc vào con số những người chấp nhận điều ấy. Dù thời nay có hàng triệu người chấp nhận sự thờ phượng thanh sạch nhưng vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 công nguyên thì chỉ có số ít người. Anh nêu lên năm cách giúp chúng ta biết mình có sự thật: (1) chúng ta làm theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, (2) chúng ta yêu thương nhau, (3) chúng ta theo sát các tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Chúa Trời, (4) chúng ta giữ trung lập trong những vấn đề tranh cãi của thế giới, và (5) chúng ta là những người mang danh Đức Chúa Trời.
“Tiếp tục vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va”
Cử tọa lấy làm lạ khi thành viên Hội đồng Lãnh đạo là anh Geoffrey Jackson xách một vali lên bục giảng! Tựa đề bài giảng của anh là “Tiếp tục vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va”, dựa trên Ê-sai 50:5. Tiên tri về Chúa Giê-su, câu đó nói: “Ta không trái-nghịch, cũng không giựt-lùi”.
Anh Jackson khuyến khích học viên nhanh chóng nhận ra sự hướng dẫn Đức Giê-hô-va ban qua thần khí, Kinh Thánh và tổ chức của ngài. Trong dụ ngôn về những ta-lâng, nơi Ma-thi-ơ 25:14-30, có thể nói rằng mỗi đầy tớ nhận được số tiền như nhau vì những gì họ nhận tương ứng với khả năng của họ. Người chủ mong đợi họ làm hết sức mình. Hai đầy tớ được chủ khen, gọi là “đầy tớ trung tín và giỏi giang”. Sự trung tín không nhất thiết tùy thuộc vào kết quả nhưng tùy thuộc vào việc tiếp tục vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.
Đầy tớ thứ ba bị gọi là “vô dụng [“gian ác”, chú thích] biếng nhác” và “vô ích”. Vấn đề của hắn là gì? Hắn đã chôn ta-lâng của mình. Một ta-lâng, không phải một đồng tiền, nhưng là một đơn vị tương đương 6.000 đơ-na-ri-on, nặng khoảng 20kg. Đó là trọng lượng hành lý mà một người được phép mang theo khi xuất cảnh. Không dễ gì để chôn một vật có kích cỡ của một vali nặng như thế. Vì vậy, người đầy tớ cũng có làm một việc—chôn ta-lâng—nhưng không phải là việc chủ đã hướng dẫn. Tương tự, một giáo sĩ có thể bận rộn, nhưng bận vì việc gì? Viết thư dông dài, lướt net, vui chơi với bạn bè hay làm ăn? Người ấy có thể đuối sức vào cuối ngày sau khi tham gia các hoạt động như thế, nhưng lại không làm theo những gì mình được hướng dẫn. Anh Jackson kết luận: “Hãy luôn vâng theo sự hướng dẫn!”.
“Xua tan những mối nghi ngờ”
Đó là chủ đề bài giảng của anh Anthony Morris, thành viên Hội đồng Lãnh đạo. Anh nói: “Kinh Thánh không bao giờ liên kết đức tin với mối nghi ngờ. Đức tin chống lại mối nghi ngờ”. Sa-tan đã gieo được những sự hoài nghi vào tâm trí của người phụ nữ hoàn toàn là Ê-va, cho nên hắn cũng có thể làm thế với chúng ta. Anh Morris nói: “Hãy nuôi dưỡng đức tin của anh chị, và những mối nghi ngờ sẽ chết đi”. Anh lưu ý đến lời tường thuật về Phi-e-rơ, người đã “đi trên mặt nước” nhưng rồi khi “nhìn thấy gió mạnh” thì ông sợ hãi và bắt đầu chìm. Sau khi Chúa Giê-su giơ tay nắm lấy ông, ngài hỏi: “Sao [anh] lại nghi ngờ?” (Ma-thi-ơ 14:29-31). Anh Morris nói tiếp: “Là giáo sĩ, các anh chị sẽ bận rộn trong việc phụng sự trọn thời gian, những người khác có thể thán phục mọi điều anh chị làm, tưởng như anh chị đang đi trên mặt nước vậy, nhưng khi gió bão kéo đến thì chớ để mình nghi ngờ”.
Theo anh, dù không dễ gì khi phải đương đầu với bão tố nhưng sau cơn mưa trời lại sáng. Liên quan đến thời kỳ cam go, anh khuyên các học viên xem xét điều Phao-lô và Si-la đã làm khi họ bị giam cầm ở Phi-líp. Công vụ 16:25 tường thuật: “Khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; các tù nhân khác cũng lắng tai nghe”. Hãy chú ý điểm này: Họ không những cầu nguyện mà còn ca hát. Họ hát lớn tiếng đủ để các tù nhân khác nghe thấy. Anh Morris nói rằng phần lớn chúng ta không được luyện giọng nhưng chúng ta đừng ngại cất tiếng ca, nhất là lúc trải qua một khủng hoảng. Anh Morris kết luận bằng cách đọc lời bài hát 135 có tựa “Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng”, trong sách Hãy hát chúc tụng Đức Giê-hô-va.
Những bài giảng khích lệ khác
“Anh chị sẽ mến ngày lâu dài không?” là tựa đề bài giảng của anh Robert Luccioni, thuộc Ban mua sắm. Chủ đề dựa trên những lời của vua Đa-vít nơi Thi-thiên 34:12. Bài giảng của anh Luccioni xem xét cách chúng ta có thể đương đầu với những thời điểm khó khăn mà vẫn giữ mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Nhiều bài học có thể rút ra từ lời tường thuật nơi 1 Sa-mu-ên chương 30. Trong lúc Đa-vít, những người theo ông và gia đình của họ chạy trốn vua Sau-lơ thì họ sống lưu vong ở Xiếc-lác. Khi gia đình họ bị quân A-ma-léc bắt đi, những người theo Đa-vít đã oán trách và muốn ném đá ông. Đa-vít phản ứng ra sao? Ông không ngã lòng mà “được sức-mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình” (1 Sa-mu-ên 30:6). Ông cầu vấn Đức Giê-hô-va, làm theo sự hướng dẫn của ngài và giải cứu những người bị bắt. Diễn giả trấn an học viên rằng nếu họ thể hiện lòng tin cậy Đức Giê-hô-va như thế và vâng theo sự hướng dẫn của ngài, họ sẽ “mến ngày lâu dài để hưởng phước-lành”, tức vui hưởng những ngày tháng tươi đẹp. Đời sống của họ sẽ vô cùng thích thú với đặc ân quý giá mà mình nhận được.
“Thấy bình minh ló dạng sau đêm tăm tối” là chủ đề bài giảng của anh Michael Burnett, giảng viên Trường Ga-la-át. Người Y-sơ-ra-ên chia một đêm từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc thành ba canh, mỗi canh bốn giờ. Canh cuối cùng, từ 2 giờ đến 6 giờ sáng, là tối và lạnh nhất, cũng là thời điểm khó tỉnh táo nhất. Người viết Thi-thiên suy ngẫm lời Đức Giê-hô-va trong suốt canh cuối để không bị ngủ gật (Thi-thiên 119:148). Anh Burnett nói các học viên rằng: “Anh chị phải tỉnh thức. Đôi lúc anh chị sẽ gặp những ngày đen tối và buồn nản, sẽ cảm nhận sự băng giá và lạnh lùng của thế gian này. Anh chị cần trù tính trước mình phải làm gì trong những hoàn cảnh ấy”. Sau đó, anh nhắc nhở rằng họ nên đào sâu thêm những chủ đề trong Kinh Thánh để có thể tỉnh táo về tâm linh. Anh Burnett làm sáng tỏ điểm này: “Hằng ngày, anh chị cầu nguyện với Đức Giê-hô-va vì muốn ngài là bạn mình. Bởi vậy, hãy để Đức Giê-hô-va, như một người bạn, trò chuyện với anh chị mỗi ngày qua các trang Kinh Thánh. Đêm đã gần tàn, cho nên hãy hoạch định để tận dụng những ngày tháng mình đang có trước mắt, nhờ thế anh chị sẽ luôn thấy bình minh ló dạng sau đêm tăm tối”.
“Được rèn luyện cho công việc phía trước” là chủ đề bài giảng dựa trên 1 Phi-e-rơ 5:10, do giảng viên khác của Trường Ga-la-át là anh Mark Noumair trình bày. Anh nêu lên câu hỏi này với học viên: “Sao anh chị lại được mời đến Trung tâm Giáo dục của Hội Tháp Canh, trong khi anh chị đã là những người truyền giáo kinh nghiệm rồi?”. Anh trả lời: “Vì anh chị là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nhiều chuyên gia dành thời gian để học những lớp nâng cao kỹ năng. Suốt năm tháng qua, Đức Giê-hô-va đã giúp anh chị ‘vững vàng’ và ‘mạnh mẽ’ qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng về Lời ngài và tổ chức. Nhờ thế, anh chị có thể gánh vác những trọng trách sắp tới. Gỗ xây dựng không bị cong, oằn hay nứt khi chịu sức ép từ các vật nặng. Kết quả của sự rèn luyện này sẽ được thấy rõ khi anh chị làm việc chung với anh em đồng đạo. Áp lực sẽ khiến anh chị lìa khỏi các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, hay anh chị vẫn vững vàng và làm theo những gì học được từ Lời ngài? Một vật chắc chắn có thể chịu được đồ nặng. Gỗ chắc là nhờ những thớ gỗ dính chặt vào nhau. Anh chị có thể mạnh mẽ là nhờ những ‘thớ gỗ’, tức những đức tính sâu bên trong của mình. Đức Giê-hô-va dẫn đưa anh chị đến đây để làm anh chị mạnh mẽ và được tín nhiệm cho công việc trước mắt. Đức Chúa Trời đã làm phần của ngài, thế nên chúng tôi mong sao anh chị làm phần của mình và để ‘Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại’ hoàn tất việc rèn luyện anh chị”.
Những kinh nghiệm và phỏng vấn
Thật hào hứng khi nghe kinh nghiệm của chính những học viên tại các lễ mãn khóa của Trường Ga-la-át, và lần này cũng không ngoại lệ. Chương trình dành riêng một phần để học viên diễn lại một số lần làm chứng gần đây của họ. Ví dụ, trên đường đến dự Trường Ga-la-át, một cặp vợ chồng người Pháp phải chờ sáu tiếng ở sân bay. Tại nhà hàng của sân bay, họ bắt chuyện với hai người đàn ông cũng đang chờ đợi ở đó. Khi một trong hai người nói mình đến từ Malawi thì họ nói với anh ta bằng tiếng Chichewa. Anh ta ngạc nhiên và hỏi làm sao họ biết tiếng của anh. Họ giải thích rằng họ là giáo sĩ ở Malawi. Khi một người khác nói mình đến từ Cameroon thì họ chuyển sang nói tiếng Pháp, điều đó cũng làm anh ta sửng sốt. Cả hai người đàn ông đều đánh giá cao Nhân Chứng Giê-hô-va, và cặp vợ chồng giáo sĩ đã làm chứng cho họ.
Anh Nicholas Ahladis, thuộc Ban phục vụ dịch thuật, phỏng vấn hai cặp vợ chồng. Một cặp đã chuyển từ Úc đến nhận nhiệm sở tại đất nước Đông Timor bị chiến tranh tàn phá. Còn cặp kia thì rời Hàn Quốc đến phụng sự ở Hồng Kông. Cả hai cặp đều hăm hở quay về nhiệm sở nước ngoài để áp dụng những gì đã học tại trường.
Sau khi học viên nhận bằng tốt nghiệp, một người đại diện lớp đọc lá thư bày tỏ lòng cảm kích đối với sự hướng dẫn họ đã nhận được. Rồi trong lời phát biểu kết thúc, anh Lösch dùng một vài lối nói bóng bẩy là: Sự thật như chiếc cầu vồng rực rỡ, như ốc đảo giữa nơi sa mạc và như mỏ neo trong vùng biển giông bão. Anh nói: “Biết được sự thật quả là một ân phước. Hãy là một chiến sĩ bảo vệ sự thật và giúp người khác cũng trở thành những chiến sĩ”.
[Biểu đồ/Bản đồ nơi trang 31]
SỐ LIỆU THỐNG KÊ
12 quốc gia có học viên tham dự
36 số tuổi trung bình
20 số năm trung bình đã làm báp-têm
15 số năm trung bình trong thánh chức trọn thời gian
[Bản đồ]
(Để biết thêm thông tin, xin xem ấn phẩm)
Học viên được phái đến các quốc gia liệt kê bên dưới:
NHIỆM SỞ
SÃO TOMÉ VÀ PRÍNCIPE
BỜ BIỂN NGÀ
SAMOA
LIBERIA
BELIZE
PERU
GABON
BENIN
MALAWI
ĐÔNG TIMOR
GUINEA
GEORGIA
CAPE VERDE
ZIMBABWE
CỘNG HÒA DOMINICAN
ECUADOR
CAM-PU-CHIA
HỒNG KÔNG
MADAGASCAR
CAMEROON
HOA KỲ
[Hình nơi trang 31]
Khóa tốt nghiệp thứ 132 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh
Trong danh sách dưới đây, hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải.
(1) Iap, R.; Iap, J.; Ng, T.; Ng, P.; Laurino, F.; Laurino, B.; Won, S.; Won, S.
(2) Morales, N.; Morales, M.; Zanutto, J.; Zanutto, M.; Rumph, I.; Rumph, J.; Germain, D.; Germain, N.
(3) Atchadé, Y.; Atchadé, Y.; Thomas, C.; Thomas, E.; Estigène, C.; Estigène, P.
(4) Ehrman, D.; Ehrman, A.; Bray, J.; Bray, A.; Amorim, M.; Amorim, D.; Seo, Y.; Seo, Y.
(5) Simon, J.; Simon, C.; Seale, C.; Seale, D.; Erickson, J.; Erickson, R.
(6) McCluskey, D.; McCluskey, T.; Brown, A.; Brown, V.; Mariano, D.; Mariano, C.; Loyola, Y.; Loyola, C.
(7) Rutgers, P.; Rutgers, N.; Foucault, P.; Foucault, C.; Wunjah, J.; Wunjah, E.